Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chương 26 :

Ngày đăng: 12:05 19/04/20


Ngày 2 tháng 9, năm giờ sáng, hai ngày sau lễ thoái vị, công dân Vĩnh Thuỵ rời Huế ra Hà Nội, với chức vụ cố vấn của chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đang chờ ông.



Đoàn gồm hai xe ôtô. Xe thứ nhất chở Vĩnh Thuỵ được Bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến tháp tùng. Xe kia chở hoàng thân Vĩnh Cẩn. Phái đoàn Trần Huy Liệu sau khi nhận ấn, kiếm đã lên đường ra Hà Nội từ hôm trước.



Nhà nước mới chưa có xe, đoàn dùng hai chiếc xe riêng của cựu hoàng. Hành trình sáu trăm cây số từ Huế ra Hà Nội đã được thực hiện trên hai chiếc xe tiện nghi nhất lúc đó là các xe Mercury và Packard.



Bên cạnh niềm hân hoan chung, một mối lo âu nặng nề tràn ngập một bộ phận quan trợng trong dân chúng đô thành. Đó là gia đình nhân viên hoàng gia, các triều thần hay cả những nhân viên bình thường trong bộ máy Nam triều cũ. Lương tháng sẽ ra sao đây? Chính quyền cách mạng hứa sẽ trả đủ lương tháng 8, nhưng sau đó thì sao, công việc trong bộ máy chính quyền mới đâu dành cho họ. Chính quyền nhân dân không lẽ nuôi họ mãi? Tình cảnh của họ thật giống như ở Pháp sau cách mạng 1789, giai cấp quý tộc cũ phải sống nhờ những người nghèo khổ trước đây bị họ bóc lột.



***



Khi ôtô vừa nổ máy thì Nam Phương và các con chạy ra sân tiễn ông Vĩnh Thuỵ. Ông xúc động nói với chúng những lời căn dặn dịu dàng bằng tiếng Pháp. Đó là một cuộc ra đi thân tình gần như lặng lẽ hiếm hoi trong gia đình họ. Xưa kia thì có quân lính làm hàng rào. Bây giờ, khi người đứng đầu hoàng cung đi xa, chỉ vài câu nói âu yếm của người thân, lời tiễn biệt lặng lẽ của đám gia nhân. Bà Nam Phương lặng lẽ đặt bàn tay phải lên cây thánh giá đeo trên chiếc kiềng. Ông Vĩnh Thuỵ rưng rưng nước mắt ôm hôn đứa con nhỏ nhất.



Còn bà hoàng thái hậu Từ Cung không mấy hoan hỉ trước việc bổ nhiệm con bà làm Cố vấn cho chính phủ mới. Bà linh cảm một tương lai không có gì tốt đẹp. Bà đã chứng kiến Thành Thái ra đi, rồi đến lượt Duy Tân. Lần này chính con bà đẻ ra lại ra đi về phía phe đối lập, không biết lành dữ ra sao? Có phải là sự đi đày trá hình hay còn cái gì tệ hơn nữa. Ai biết rằng đoàn xe sẽ không rơi vào ổ phục kích? Chính phủ mới không có Algérie, không có đảo Réunion để đày kẻ thù cũ. Bà lo cho tính mệnh của con mình. Như mấy hôm trước, từ trong cung An Định lại vang lên tiếng mõ tụng kinh. Tiếng mõ bộc lộ nỗi lo ngại của các bà mệnh phụ.



Hoàn toàn ngược lại, trên đường ra Bắc, phái đoàn được dân chúng nhiều nơi nghênh đón không phải chỉ nhằm Bộ trưởng Lê Văn Hiến, cựu chính trị phạm Kontum mà cả cựu hoàng Bảo Đại từ nay được gọi là Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ.



Vĩnh Thuỵ vốn là người ít nói, nhất là lần đầu tiên tiếp xúc với quảng đại quần chúng mạnh dạn hồ hởi chứ không phải đám quan lại, chức dịch chỉ sụp lạy không dám ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt vua. Lê Văn Hiến kể lại: “Có lẽ tính ông Vĩnh Thuỵ hơi nhút nhát”, “Ông ta chẳng biết gì về cách mạng, ông hỏi tôi Hồ Chí Minh là ai. Tôi cho ông biết đó chính là Nguyễn Ái Quốc, ông có vẻ hài lòng. Hôm đầu tiên khi ông được biết Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc là một ông nhớ lại câu sấm truyền ‘Nam Đàn sinh thánh”, thánh đây phải là Nguyễn Ái Quốc ông đã thốt ra: “Thế thì thoái vị cũng đáng”.(1)
Thực tế ông đã làm công việc ấy và chính thức thay mặt chính phủ trong nhiều dịp. Ba ngày sau ra tới Hà Nội nhậm chức, ngày 7 tháng 9 năm 1945, các báo đã đến phỏng vấn ông tại nhà riêng 51 phố Trần Hưng Đạo. Có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ khi về nước cầm quyền bính năm 1982, ông mới có cuộc tiếp xúc với đông đảo các nhà báo. Ông phát biểu khá trơn tru, thành thật và tự tin:“Tôi đã thoái vị, chính phủ lại mời làm cố vấn. Tôi vui lòng ra đây để yên lòng chính phủ… Nói đến chuyện trước kia, người Pháp khi nào cũng muốn tôi ngồi yên một chỗ, không cho ra ngoài thân mật với dân cho nên trong hai mươi năm trời làm vua, tôi ra Bắc có một lần và một lần vào Nam Kỳ, còn xung quanh tôi, họ đặt toàn những người mật thám. Tôi rất buồn hiểu rằng không thể làm việc chi có ích cho đất nước. Họ muốn làm gì thì họ làm phiếu tâu lên lúc tôi được đọc thì Khâm sứ Pháp đã ký rồi thành ra tôi không thi thố được sáng kiến gì cả.



Mục đích của người Tây là ai định tâm giúp ích cho nước thì họ tìm cách làm xa tôi ra, nếu không xa được thì họ phá. Cũng vì có nhiều chuyện buồn như vậy nên tôi chỉ muốn vô núi vô non cho quên hết mọi điều. Vì tôi hay đi chơi nên có lần người Pháp hỏi tôi: “Sao Ngài không làm việc gì mà cứ đi chơi hoài như vậy?”. Tôi trả lời: “Các anh phải bỏ chức khâm sứ toàn quyền ở đây tôi mới làm việc được”.



Tôi lên đường ra Bắc có ghé mấy tỉnh ở phía bắc Trung Bộ và ghé Ninh Bình và Phủ Lý. Tới đâu tôi cũng thấy nhân dân cả quyết hăng hái đề đi đến độc lập hoàn toàn, tôi rất vui lòng.



Đến Hà Nội, tôi được mời qua dinh Bắc Bộ hội đồng gặp anh em trong chính phủ một cách vui vẻ thân mật. Lần trước tôi ra Hà Nội, tôi không thấy rõ ràng một cầi gì. Lần này đi lại tự do, tôi có thể biết rõ được nhiều điều hơn trước.



Ban đầu khi tham dự cuộc lễ, tôi có ý lo lo. Nhưng sau khì thấy đại biểu chính phủ đối đãi đặc biệt nên không lo ngại gì nữa và tôi cũng vui mừng thấy việc hy sinh (ngôi báu) của tôi cũng là một việc có ích cho đất nước.



Sau khi trao quyền, tôi cũng muốn ra khỏi hoàng thành ngay cốt để tránh mọi sự nghi ngờ, vì tôi sợ rằng còn ngồi ở đấy, thì sẽ có người lợi dụng tôi. Tôi ra đây mục đích giúp chính phủ thưc hiện nền độc lập hoàn toàn.



Việc gì tôi cũng hết lòng giúp đỡ. Tôi còn lưu tại đây. Ngày về chưa nhất định. Trước khi đi, tôi dặn mấy ông trong nội các cũ thì ông nào cũng đồng ý. Trong lúc này phải đoàn kết triệt để thì mới sông, nếu chia rẽ thì chết… Lúc trước mọi việc (quan hệ) với người Nhật rất khó, lại phải tổ chức rất nhiều việc. Tuy vậy nội các cũ cũng cố làm mong cho mỗi ngày một khá nhưng sau này không thấy được kết quả gì nên đã mấy lần xin từ chức. Họ là những người hết lòng ra làm việc và biết làm chử không phải là bất lực.



Khi bên ngoài hoàng thành có cuộc khởi nghĩa,… mấy công sở đã bị Việt Minh chiếm cả rồi. Người Nhật phái người đến hỏi tôi nếu muốn đánh quân cách mệnh thì chính phủ (Nam triều) phải làm đơn yêu cầu quân Nhật giúp, quân Nhật sẵn lòng giúp. Tôi có nói rằng không bao giờ chính phủ Việt Nam lại yêu cầu ngoại quốc đánh dân Việt Nam(3).