Chỉ Gọi Tên Em
Chương 7 :
Ngày đăng: 16:40 19/04/20
“Tối qua anh chạy đi đâu đấy?” Vừa bước vào giảng đường, Noãn Noãn nhìn thấy tôi đã hỏi phủ đầu: “Em tìm mãi mà không thấy.”
“Tìm anh có việc gì không?”
“Không có việc gì thì không được tìm anh nói chuyện à?”
“Chúng ta vẫn cứ là đồng bào thì hơn” tôi nói.
“Nói cái gì thế?”
“Ừm,” tôi gật đầu, “chủ đề này uyên thâm lắm, anh phải suy nghĩ cái đã.”
Nói đoạn tôi bèn ngồi xuống, mặc cho Noãn Noãn tần ngần chẳng hiểu mô tê gì.
Tối qua cứ trằn trọc lăn qua lăn lại trên giường, trong đầu toàn là mấy câu đối thoại với cậu em khóa dưới.
Tiếp xúc với Noãn Noãn mấy ngày nay, khoảng cách giữa đôi bên ngày càng gần lại, dần dần nảy sinh một ảo giác: cảm thấy mỗi ngày nhìn thấy Noãn Noãn, nói chuyện với Noãn Noãn là một chuyện rất hiển nhiên, cũng là một thói quen; quên mất rằng đây là cuộc gặp gỡ tình cờ trong đời, sau cuộc gặp gỡ này, mỗi người vẫn lại phải tiếp tục đi theo con đường riêng của mình.
Giờ này ngày mai, chắc tôi đang trên xe lên đường ra sân bay, lúc đó tâm trạng tôi sẽ thế nào đây?
Tâm trạng Noãn Noãn sẽ thế nào đây?
“Bị nhện đột biến gen cắn rồi, sẽ biến thành người nhện bảo vệ chính nghĩa.” Tôi thở dài nói: “Nhưng bị chó dại cắn rồi chỉ có thể mắc bệnh dại.”
“Lại nói gì thế?” Noãn Noãn hỏi.
“Đạo lý trên thế gian này, người trẻ như em sao có thể hiểu nổi?” tôi nói.
“Anh vẫn mơ ngủ đấy à?” Noãn Noãn nhìn tôi.
Đúng vậy, tối qua không ngủ được, giờ lại bắt đầu nói năng lảm nhảm rồi.
Thầy giáo đứng lớp hôm nay cũng là người hôm qua đứng lớp ở Trị Bối Tự Viên trường Bắc Đại, những bài giảng hôm nay là về Khổng Mạnh.
Nghe đến đây tôi đã muốn làm một giấc mộng rồi.
Tuy rất muốn lấy lại tinh thần, nhưng mi mắt lại là thứ “đời nhẹ khôn kham *”, chỉ cần nó muốn khép lại, thì cố sức mấy nó cũng chẳng mở ra được.
* “Đời nhẹ khôn kham”: Tên một tiểu thuyết của nhà văn Czech – Milan Kudera.
Giảng đường nay đã trở nên quen thuộc với tôi, tôi không còn thấy lạ lẫm nữa, mà có một cảm giác rất yên bình, hệt như ở nhà; còn lời giảng của thầy như tiếng mẹ gọi dịu dàng: Con ơi, mệt rồi, về nhà thôi.
Thoảng nghe có tiếng văng vẳng bên tai: “Nho gia nhấn mạnh luân lý đạo đức, coi trọng tính xã hội của con người; Đạo gia lại nhấn mạnh sự thực cuối cùng, coi trọng tính tự nhiên của con người...”
Sau đó tôi chẳng màng đến nhân thế nữa.
Bất chợt tỉnh dậy, thấy tờ giấy trắng trước mặt có viền mấy chữ “bắc thất”, đếm đi đếm lại, có tất cả 17 chữ.
“Anh tỉnh rồi à?” Noãn Noãn thì thào hỏi.
“Hồi quang phản chiếu * thôi,” tôi cũng thì thào nói.
* Hồi quang phản chiếu: Nguyên là từ trong Phật giáo, chỉ hiện tượng người hấp hối đột nhiên tỉnh táo lại trước khi chết.
“Đừng ngủ nữa.”
“Anh cũng muốn lắm.”
Noãn Noãn cầm bút viết lên trước mặt tôi: Em muốn tới Noãn Noãn.
“Anh tỉnh rồi.” tôi nói.
Giờ nghỉ giải lao đi rửa mặt mũi, gắng đuổi cơn buồn ngủ.
Vào giờ, lúc nào cũng cảm thấy Noãn Noãn đang dò xét bên cạnh, tinh thần tôi căng thẳng, nên cũng không mơ màng được nữa.
Cuối cùng cũng hết tiết, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Đột nhiên nghĩ tới đây không những là buổi học cuối cùng của tôi ở Bắc Kinh, mà còn là buổi học cuối cùng trong đời sinh viên của tôi.
Không ngờ buổi học cuối cùng lại kết thúc bằng cảnh ngủ gật thế này, tôi thật là đến cuối đời còn chẳng giữ nổi tiết tháo.
Buổi trưa, mọi người đi xe tới cố cư của Kỷ Hiểu Lam.
Vừa xuống xe đã nhìn thấy hai cây tử đằng la đan quấn lấy nhau, thân cây cong cong thế rồng, cành lá sum suê, hoa tỏa hương ngào ngạt.
Hai cây tử đằng la này do Kỷ Hiểu Lam tự tay trồng, đã hơn 200 tuổi mà vẫn tươi xanh đầy sức sống.
Tử đằng la vốn nằm trong vườn cố cư, nhưng khi làm đường khu vườn bị cắt mất một phần, thành ra cây lại nằm ngay bên đường.
Nếu như không phải dưới gốc cây có một tấm biển đá ghi rõ lai lịch, thì dù bạn có đi ngang qua cũng chưa chắc chú ý đến nó.
Chái đông cố cư Kỷ Hiểu Lam có tiệm cơm Tấn Dương, là nơi chúng tôi ăn trưa.
Tiệm cơm Tấn Dương tuy gọi là “tiệm cơm”, nhưng lại nổi tiếng với các món mì Sơn Tây.
Thầy Lý gọi mì xắt lát, mì tai mèo, mì tát cá, kêu chúng tôi ăn xả láng một bữa.
Vừa nghe thấy tai mèo còn đang thắc mắc, hóa ra đây là món mì được nặn thành từng miếng nho nhỏ như tai mèo.
Còn mì tát cá là mì nước, hơi giống như mì mụn cóc, nhưng cục mì đầu thon bụng tròn, giống như hình con cá.
Món ăn Sơn Tây vị khá nồng, cũng khá mặn, bề ngoài không bắt mắt nhưng hương vị rất độc đáo.
Nhất là hai món vịt chiên bơ và đậu phụ kén tằm đều được mọi người nắc nỏm tán thưởng.
Ăn xong chúng tôi vào thăm quan cố cư của Kỷ Hiểu Lam.
Người chủ ban đầu ở đây không phải là Kỷ Hiểu Lam, mà là một đại tướng thời Ung Chính, hậu duệ của Nhạc Phi, Nhạc Trung Kỳ.
Về sau Nhạc Trung Kỳ bị kết án giam, khi đó phụ thân của Kỷ Hiểu Lam lại vừa tới kinh thành nhậm chức, bèn mua lại ngôi nhà này.
Hơn hai trăm năm nay, ngôi nhà đã qua nhiều đời chủ, trải qua bao thăng trầm, tiệm cơm Tấn Dương cũng kinh doanh ở đây.
Năm 2001 tiệm cơm Tấn Dương chuyển đến chái phía tây cố cư, đồng thời Kỷ Hiểu Lam cố cư cũng bắt đầu được tu sửa, một năm sau đó thì chính thức được mở cửa đón khách tham quan.
Kỷ Hiểu Lam cố cư giờ chỉ còn lại hai gian nhà chính và một mảnh sân hướng Nam Bắc, rộng không đến một phần ba diện tích ban đầu.
Phía Nam là chính sảnh, hiện đang dùng làm phòng lưu niệm, trưng bày cuộc sống thường nhật của Kỷ Hiểu Lam cùng các tài liệu lịch sử liên quan, ví dụ như tuyển tập Tứ khố toàn thư ông từng làm chủ biên và Duyệt Vi Tảo Đường Bút Ký ông sáng tác những năm cuối đời; còn có một số những vật dụng và tàng thư trước kia Kỷ Hiểu Lam từng dùng, bao gồm cả tẩu thuốc nổi tiếng của ông.
Bên trong có một bức tranh vẽ Kỷ Hiểu Lam cao bằng người thật, một ông lão có khuôn mặt xanh gầy, chòm râu dài buông trước ngự
Phản ứng của đám sinh viên chúng tôi khi lần đầu nhìn thấy bức tranh đều kinh ngạc, ông lão trước mắt tướng mạo tầm tầm, thậm chí có thể nói là xấu hoắc; còn hình tượng Kỷ Đại học sĩ trong lòng mọi người lại là bậc phong lưu tài tử.
Như vậy cũng tốt, Kỷ Hiểu Lam thông minh đa tài, hóm hỉnh hài hước, nếu như cả tướng mạo cũng hơn người, thì thật hơi quá.
Vài cậu sinh viên nở một nụ cười an ủi, có lẽ trong lòng bọn họ đang nghĩ kẻ tướng mạo chẳng ra sao cũng có thể hào hoa phong lưu.
Kẻ hào hoa phong lưu có thể tướng mạo tầm tầm, nhưng không có nghĩa kẻ tướng mạo tầm tầm là có thể dễ dàng hào hoa phong lưu.
Lưu Đức Hoa nhìn như con lợn, con lợn nhìn như Lưu Đức Hoa, ý nghĩa của hai trường hợp này hoàn toàn không giống nhau!
“Hôm nay anh sao thế?” Noãn Noãn hỏi. “Cứ lầm bầm cái gì trong miệng.”
“Thế à?” Tôi định thần lại.
Noãn Noãn săm soi mặt tôi một hồi, gật đầu nói: “Có vẻ rất kỳ quái khó tả.”
“Có thể vì tối qua không ngủ được, sáng nay lại ngủ kỹ quá.” Tôi cười cười, nói tiếp: “Em có thấy bức tranh vẽ Kỷ Hiểu Lam, rất giống với ông lão hôm qua chúng ta đã gặp trên phố Tô Châu không?”
Noãn Noãn chăm chú xem xét bức tranh, nói: “Anh nói mới thấy, đúng là có nét giống thật.”
“Em còn mang tiền đồng không,” tôi nói, “đưa cho ông ấy một đồng, hỏi xem ông ấy ở đây có vui không?”
“Nhạt phèo” Noãn Noãn nói.
Phía Bắc là thư phòng của Kỷ Hiểu Lam - Duyệt Vi Thảo Đường.
Trong thảo đường có một bức vẽ Kỷ Hiểu Lam mặc quan phục, nhìn oai nghiêm mà cũng rất tự tại.
Trên tường treo kín tranh chữ, còn có một bức chân dung của Khổng Tử.
Thảo đường được phân thành ba nơi chính, một nơi dùng để tiếp khách uống trà, một nơi để đọc sách viết lách, còn một nơi để sinh hoạt.
Nhìn tổng thể, gian thư phòng rất giản đơn, thể hiện rõ tính đạm bạc tiết kiệm của Kỷ Hiểu Lam.
Chúng tôi đi ra sân, sân rất nhỏ, bốn phía trồng cỏ lơ thơ, phía tây có một ang nước lớn.
Một cây hải đường cao chừng hai tầng nhà cô đơn đứng ở góc đông bắc, nổi bật giữa mảnh sân giản dị.
Thẳng cây hải đường có một bức tượng hình người tì nữ, tay cầm một cây quạt.
Thầy Lý dẫn mọi người đến bên cây hải đường, bắt đầu kể sự tích về cái cây này.
Cây hải đường này do chính tay Kỷ Hiểu Lam trồng, trước vốn có hai cây, một cây đã bị chặt bỏ khi cải tạo nhà.
Kỷ Hiểu Lam đã trồng hai cây này để tưởng nhớ đến mối tình đầu của ông – nàng Văn Loan.
Khi Kỷ Hiểu Lam gặp Văn Loan lần đầu, nàng mới 13 tuổi, là người trong nhà chú Tư của Kỷ Hiểu Lam.
Văn Loan tính tình đáng yêu, thông minh xinh đẹp, hai người lại trạc tuổi, thường chơi đùa cùng nhau dưới gốc cây hải đường nhà chú Tư.
Một năm sau, cha của Kỷ Hiểu Lam đem theo con rời quê lên kinh nhậm chức, Kỷ Hiểu Lam vô cùng lưu luyến, trước khi lên đường còn vội vàng chạy tới nhà chú Tư tạm biệt Văn Loan, tặng nàng một cây quạt làm kỷ niệm.
Mấy năm sau Kỷ Hiểu Lam trở về quê cũ, Văn Loan đã trở thành thiếu nữ, xinh đẹp thướt tha, rung động lòng người.
Hai người đứng dưới cây hải đường thề ước nguyện chung thân, hẹn sau khi Kỷ Hiểu Lam đạt được công danh sẽ về quê cưới nàng làm vợ.
Lần đầu ứng thí, Kỷ Hiểu Lam bị rớt, mãi đến năm 24 tuổi cuối cùng mới đỗ cao Giải Nguyên.
Ông không quên lời hẹn ước năm xưa, lập tức cử người tới nhà Văn Loan cầu thân.
Nhưng cha Văn Loan nhân cơ hội vớ được con rể vàng, thách cưới một khoản tiền rất lớn, hôn sự vì thế mà bị chậm trễ.
Văn Loan không hề biết chính cha mình là người cản trở bên trong, ngỡ rằng Kỷ Hiểu Lam đã quên sạch lời ước hẹn, từ đó buồn sầu mà lâm bệnh, ngày một héo hon, cuối cùng chết trẻ.
“Kỷ Hiểu Lam đau khổ tột cùng, bèn đích thân trồng hai cây hải đường ở đây,” thầy Lý nói: “Hai mươi năm sau, lúc Kỷ Hiểu Lam ngủ bên dưới gốc cây này, có mơ thấy một người con gái nhẹ nhàng bước lại, đứng yên không nói năng gì. Sau khi tỉnh lại, biết là Văn Loan, bèn hỏi thăm chỗ Văn Loan được chôn cất, nhưng người nhà nói mộ Văn Loan từ lâu đã bị cây dại cỏ hoang che kín, không còn nhận ra nổi nữa. Kỷ Hiểu Lam xúc động nghẹn ngào, viết nên bài thơ ‘Thu Hải Đường’. Đoạn mộng cảnh này được tả lại trong Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký của ông, các bạn có thể đọc qua.”
“Thầy có biết bài thơ ‘Thu Hải Đường’ không ạ?” Noãn Noãn hỏi.
Thầy Lý mỉm cười, chỉ lên tấm bia đá bên cạnh, nói: “Bài thơ đó được khắc lên ‘Hải Đường Bi Ký’ đây.”
Mọi người quây lại xem tấm bia, trên tấm bia viết cây hải đường Kỷ Hiểu Lam trồng đã hơn 200 tuổi, đến nay vẫn mỗi khi ân sang hoa nở đầy cây, mỗi khi thu đến quả sai trĩu cành. Tấm bia cũng viết lại tâm sự Kỷ Hiểu Lam lúc đó: Vạn nỗi đau buồn thương tiếc, trồng cây hải đường này, trồng cây nhớ người xưa ấy, một đời ta mãi bên nhau.
Cuối cùng còn có thêm mấy câu thơ trong bài “Thu Hải Đường”: Võ vàng u hoa cực đáng thương, tà dương sân xuống ngày thu muộn, từ nhân lão đại kém phong tình, hẵng còn buồn thương bóng hồng tàn.
Mà cái gọi là ngày mai thực ra chẳng qua chỉ là màn đêm trước mắt chuyển từ tối sang sáng mà thôi.
“Cũng may. Giờ có mạng Internet rồi.” Giọng tôi nghe như tự an ủi chính mình.
“Đúng thế” Noãn Noãn nói.
“Đúng rồi, Đài Loan gọi là đường mạng cơ, em biết không?”
“Đương nhiên là biết” Noãn Noãn dài giọng. “Sao mà cứ toàn nói đâu đâu.”
“Anh sợ em không biết thôi. Không nhỡ anh viết thư cho em trên đường mạng, em lại chạy ra đường cái chờ nhận thư thì sao.”
“Em còn chưa ngốc thế đâu.” Noãn Noãn khẽ hứ một tiếng.
“Có mạng thì thuận tiện hơn nhiều rồi” tôi nói.
“Mạng dùng để liên lạc thông tin thì rất tiện, nhưng dùng để liên lạc tình cảm thì…” Noãn Noãn lắc lắc đầu.
“Sao nói vậy?” tôi hỏi.
“Khoảng cách giữa trái tim nếu xa xôi như thế, dù mạng có nhanh cỡ nào cũng vô dụng” Noãn Noãn nói.
“Noãn Noãn,” tôi nói, “có lúc em nói chuyện mang cả triết lý vào, ngẫu nhiên cũng ra chân lý đấy.”
“Không phải ngẫu nhiên ra chân lý,” Noãn Noãn cười tôi, “mà là tất thuộc chân lý.”
“Nếu như nam nữ trên đời đều có thể đối với nhau chân thành, thuần khiết,” tôi ngẩng đầu nhìn màn đêm, “tới lúc đó mạng Internet có thể ngậm cười mà đứt rồi.”
“Đúng thế” Noãn Noãn nói.
“Sao lần này em không phản bác anh?”
“Vì em cũng nghĩ như vậy mà.” Noãn Noãn bật cười.
“Trước khi mạng Internet còn chưa ngậm cười mà đứt, anh sẽ viết thư cho em” tôi nói.
“Em biết rồi” Noãn Noãn nói.
Sau đó chúng tôi đều im lặng, chỉ đơn giản là cùng ngồi bên nhau.
Tôi bắt đầu nhớ lại từng chút từng chút những kỷ niệm mấy ngày nay, nghĩ mãi nghĩ mãi, bất giác mỉm cười.
“Anh nhớ đến đoạn nào rồi?” Noãn Noãn hỏi.
“Hả?”
“Không phải anh đang nhớ lại mấy hôm nay chúng ta đã làm những gì, nói những gì à?”
“Em biết anh đang nghĩ gì à?”
“Em biết.” Noãn Noãn nở một nụ cười thần bí.
Vừa qua 12 giờ đêm, đúng ra mà nói, hôm nay đã phải rời Bắc Kinh rồi.
Noãn Noãn đứng dậy nói muộn rồi, tôi gật đầu, cũng đứng lên theo.
Mới đi được hai bước, đột nhiên nhận ra đây có lẽ là chút thời gian cuối cùng tôi và Noãn Noãn ở riêng bên nhau.
Tôi muốn nói gì đấy, nói gì cũng được, nhưng lời đến miệng rồi lại vẫn nuốt trở lại.
Thế này không được, trong lòng tôi nhất định có mấy lời chỉ có thể nói bây giờ, không nói về sau sẽ chẳng còn cơ hội nữa.
Tuy tôi từng nói với cậu em khóa dưới, tôi sẽ không nói với Noãn Noãn rằng tôi thích em; nhưng giờ có phần xúc động, muốn vượt ra khỏi cái khung vuông tôi tự vẽ nên trong lòng.
Tôi tự nhận mình có tâm can của một tay đua xe, dòng máu của một tay cờ bạc, nhưng lúc này đây lại chẳng thể duy trì nổi nhịp tim và nhiệt huyết bình thường được nữa.
“Noãn Noãn.” Tôi thu hết dũng khí mở lời: “Em biết đấy.”
Noãn Noãn quay lại nhìn vẻ mặt của tôi, gật đầu nói: “Ừ. Em biết.”
Noãn Noãn, anh cũng biết.
Anh biết em hiểu anh muốn nói điều gì.
“Sớm mai trên đường dài, tiếc tấm lòng lúc này.” Noãn Noãn nói.
Tôi dừng bước.
“Đây là câu thơ của Tiền Chung Thư,” Noãn Noãn lại nói.
Ngày mai đã phải lên đường đi xa, đêm nay cảnh này tình này, tôi có muốn quên cũng không tài nào quên nổi.
“Noãn Noãn,” tôi nói, “Anh hứa.”
“Em biết” Noãn Noãn nói
Chúng tôi nhìn nhau cười, rồi ai về phòng nấy.
Về ký túc xá, tôi định tắm một cái rồi mới sắp xếp hành lý.
Vừa hay gặp đúng cậu em khóa dưới trước cửa nhà tắm, tôi hỏi: “Cậu nói với Vương Khắc chưa?”
“Nói rồi ạ” cậu ta trả lời. “Em tặng cho cô ấy bức thư pháp Tài tử, rồi nói: Tớ là tài tử, cậu có đồng ý làm giai nhân của tớ không?”
“Vương Khắc nói thế nào?”
“Cô ấy chẳng nói gì cả,” cậu ta nói. “Em đợi mười phút, cô ấy nửa chữ cũng chẳng nói, nét mặt cũng chẳng thay đổi gì, thế là em đi luôn.”
“Nghĩ theo chiều hướng tích cực, ít ra cô ấy còn chưa cho cậu một cái tát,” tôi nói.
“Đúng thế,” cậu ta lầm bầm nói, “nghĩ theo hướng tích cực.”
Tắm xong, vừa về phòng ký túc, Từ Trì và Cao Lượng lập tức tặng quà cho tôi.
Từ Trì tặng tôi bốn thanh đánh dấu sách bằng gỗ, bên trên có vẽ cảnh sông núi chim muông; Cao Lượng tặng tôi một bộ ba tấm phiếu Tàng thư.
Tôi vội vàng cảm ơn rồi nhận lấy, nhớ ra mình cũng nên có gì đó đáp lễ, nhưng lại chẳng có gì trong tay.
Đành rút trong ví ra hai tấm thẻ điện thoại, vừa may bên trên có in hình danh thắng ở Đài Loan.
“Đài Loan có hai loại thẻ điện thoại công cộng, hai cậu giữ làm kỷ niệm nhé.” Tôi ngại ngùng nói: “Rất xin lỗi, tôi không chuẩn bị quà gì, bỏ quá cho nhé.”
Từ Trì và Cao Lượng đều cười cười, nói không sao.
Tôi bắt đầu sắp xếp hành lý, đồ đạc tám ngày cũng kha khá.
Cao Lượng cẩn thận nhắc tôi chớ quên mang theo chứng nhận đồng bào Đài Loan và vé máy bay, Từ Trì nói: “Nhắc anh ấy làm gì? Tốt nhất là để anh ấy không đi nổi.”
Tôi sắp xếp xong, kéo dây khóa va ly, đút giấy chứng nhận và vé máy bay vào chiếc ba lô nhỏ mang theo người.
“Ngủ sớm đi, mai còn phải dậy sớm, máy bay không đợi đâu đấy” Cao Lượng nói.
Tôi định nói rồi lại thôi.
“Đừng có bày trò khóc lóc rưng rức, quyến luyến không rời, mau ngủ đi” Từ Trì nói.
Nằm trên gường, những suy nghĩ cứ ùa đến dữ dội, thật khó chìm vào giấc ngủ.
Vừa mới mơ mơ màng màng thì trời đã sáng, đánh răng rửa mặt, rồi đến nhà ăn ăn sáng.
Điều khác với mấy ngày trước đó là, trong nhà ăn im lặng như tờ.
Ăn xong bữa sáng thì quay về ký túc xá, kéo va li, đeo ba lô, xuống cổng trường đợi xe.
Sinh viên Bắc Kinh không cần lên xe cũng có mặt, dường như đều muốn tiễn các bạn Đài Loan trong chặng cuối cuộc hành trình.
Từ xa đã thấy Noãn Noãn chạy lại, em chạy tới bên tôi rồi thở hồng hộc, đưa tay ra nói: “Cho anh.”
Tôi đón lấy, là một món quà nhỏ được bọc kín, rất nặng.
“Chẳng phải cái gì quý giá đâu, anh không chê thì nhận lấy đi” Noãn Noãn
“Đây là?”
“Ba hôm trước mua ở Đại Sách Lan ấy.”
Tôi nhớ lại lúc đó Noãn Noãn đột nhiên bảo tôi đợi em mười phút, hóa ra là để chạy đi mua thứ này.
Tôi rất hối hận mình đã chẳng chuẩn bị quà gì tặng cho Noãn Noãn, trong lúc luống cuống lại rút trong ví ra một tờ tiền.
“Lại là tiền à?” Noãn Noãn nói.
“Cái này cho em.” Tôi đưa tờ 100 Đài tệ màu đỏ cho Noãn Noãn.
“Cho em tiền làm gì?”
“Không không không,” tôi nói, “em đừng coi nó là tiền, em xem trên này có chân dung Tôn Trung Sơn, nếu sau này em nhớ đến Tôn Trung Sơn, thì không cần phải đường xá xa xôi chạy đến lăng mộ Trung Sơn ở Nam Kinh nữa.”
“Được.” Noãn Noãn nhận lấy tờ tiền, bật cười. “Cảm ơn anh.”
Xe đến rồi, phải lên xe thôi.
“Noãn Noãn, em phải sống cho tốt nhé. Đừng học theo Văn Loan” tôi nói.
Noãn Noãn có lẽ đến sức để trừng mắt với tôi cũng không còn nữa, vẻ mặt có chút bất lực.
“Được.” Noãn Noãn mỉm cười. “Em sẽ cố.”
Lên xe, ngắm nhìn kỹ từng khuôn mặt, từng bàn tay đang vẫy qua cửa kính xe. Tôi tin rằng mấy tháng sau, thậm chí mấy năm sau, tôi sẽ vẫn nhớ những nụ cười này.
Từ Trì cũng vẫy vẫy tay, miệng nói: “Đi đi đi đi, đừng quay lại nữa nhé.”
Đúng là tên cả ngốc.
Ánh mắt tôi cuối cùng dừng lại ở Noãn Noãn.
Noãn Noãn chỉ khẽ mỉm cười, không vẫy tay.
Xe nổ máy, bánh xe mới lăn nửa vòng, Noãn Noãn đột nhiên vẫy tay cật lực.
“Lương Lương!” Noãn Noãn hét lớn: “Tạm biệt!”
Khoảnh khắc vẫy tay ấy, Noãn Noãn đột nhiên sống động hẳn lên.