Chỉ Gọi Tên Em

Chương 6 :

Ngày đăng: 16:40 19/04/20


“Hôm nay đổi gió chút, chúng ta sẽ đến Đại học Bắc Kinh nghe giảng,” thầy Lý nói.



Sinh viên Bắc Kinh trong đoàn chúng tôi không có ai học Bắc Đại *, đến đại học Bắc Kinh nghe giảng là điều rất mới mẻ đối với họ, còn đối với sinh viên Đài Loan, chuyến đi này ít nhiều mang ý nghĩa hành hương.



* Đại học Bắc Kinh được gọi tắt là Bắc Đại.



Chúng tôi vào Bắc Đại qua cổng Tây.



Không ngờ cổng vào ngôi trường này lại mang kiến trúc cửa hoàng cung cổ điển, ba cánh cổng sơn đỏ nhìn vô cùng bắt mắt.



Nếu không phải ở giữa treo tấm biển “Đại  học Bắc Kinh”, tôi còn tưởng đây hẳn phải vương phủ hay cung điện gì chứ.



Hai con sư tử đá được đẽo khắc tinh xảo, uy nghiêm trấn hai bên trái phải cổng trường, ánh mắt rực sáng long lanh rất có thần, bất nộ tự uy.



“Đây là sư tử đá trong Viên Minh Viên”, thầy Lý nói.



Cổng trường nườm nượp người qua lại không ngơi nghỉ, nhưng lại chẳng có ai để ý đến hai con sư tử đá đã trải qua hàng trăm năm thăng trầm này.



Từ cổng Tây bước vào Bắc Đại, thứ đầu tiên đập vào tầm mắt, là hai cột hoa biểu đứng sừng sững chót vót trên thảm cỏ.



Dưới sự tương phản của nền cỏ xanh rờn, cột hoa biểu đội ánh dương trở nên vô cùng khiết bạch trang nghiêm.



Tôi nhớ lại cột hoa biểu đã nhìn thấy ở Tử Cấm Thành, trong lòng dậy lên một nghi vấn: Sao trong khuôn viên trường lại dựng cột hoa biểu?



“Đôi hoa biểu này cũng là lấy từ Viên Minh Viên,” thầy Lý nói.



Lại là từ Viên Minh Viên?



Đi thẳng về hướng đông có thể thấy rất nhiều các tòa nhà xây dựng theo phong cách kiến trúc Minh – Thanh, rất điển nhã, với những vạt cây xanh bao bọc xung quanh.



Noãn Noãn kể với tôi, thầy Lý tốt nghiệp trường Bắc Đại, còn di tích Viên Minh Viên thì nằm ngay cạnh trường này.



Thầy Lý nói trường Bắc Đại nổi tiếng nhất là “nhất tháp hồ đồ”, nghe hệt như nhất loạt hồ đồ.



Cái gọi là “nhất tháp hồ đồ” chính là chỉ tháp Bác Nhã, hồ Vị Danh và đồ thư quán tức thư viện Bắc Đại.



Đi qua một dãy đồi cây cối um tùm, liền thấy hồ Vị Danh, tháp Bác Nhã đứng sừng sững trên bờ hồ tây nam.



Chúng tôi đi thành hàng một men theo bờ hồ Vị Danh, bóng tháp Bác Nhã thấp thoáng ẩn hiện trên mặt hồ, cảnh đẹp vô cùng.



Những gợn sóng li ti đuổi trên mặt nước, hàng dương liễu trên bờ duyên dáng rủ bóng, giữa hồ lại có một hòn đảo nhỏ điểm xuyết giữa sắc hồ bóng tháp.



“Ban đầu khi đặt tên cho hồ này, có rất nhiều cái tên được đưa ra nhưng đều không khiến người ta hài lòng,” thầy Lý nói, “cuối cùng Đại sư Quốc học Tiền Mục bèn đặt luôn hồ là ‘Vị Danh’ tức ‘chưa có tên’, cái tên Vị Danh cũng lưu truyền rộng rãi từ đó.”



“Sau này anh cũng muốn làm Đại sư Quốc học,” tôi nói.



“Ý, muốn quyết tâm phấn đấu hả?” Noãn Noãn cười rất dễ thương.



“Ừ.” Tôi gật đầu. “Anh dốt nhất là đặt tên, nhưng nếu làm Đại sư Quốc học rồi thì sẽ không còn khó khăn gì nữa.”



Noãn Noãn đi ra chỗ khác, không thèm nói gì với tôi nữa.



Nhưng nhỡ may lại nhiều Đại sư Quốc học quá, e rằng cũng vẫn còn khó khăn.



Ví dụ như có hai người Trung Quốc xa lạ gặp nhau trên nước Mỹ, chuyện nọ chuyện kia qua lại, uống rượu cười nói vui vẻ.



Người thứ nhất nói anh ta sống ở tòa nhà Vị Danh trên đường Vị Danh, người thứ hai liền hào hứng nói: Trùng hợp quá, tôi cũng thế đấy.



Người thứ hai nói anh ta tốt nghiệp trường cấp III Vị Danh, bờ song Vị Danh gần trường là nơi anh ta có mối tình đầu tiên.



Tôi cũng thế đấy! Người thứ nhất cực kỳ xúc động.



Hai người rưng rưng nước mắt vài giây sau bèn ôm chầm lấy nhau, hai con cháu Viêm Hoàng tương phùng nơi đất lạ xa xôi, thật đúng là tha hương gặp cố nhân! Hai người đều kêu lên hôm nay để tôi mời.



Nhưng rồi tiếp tục câu chuyện mới phát hiện ra một người ở Bắc Kinh, người kia ở Thượng Hải.



Cuối cùng người Bắc Kinh nói: Người Thượng Hải thực dụng lắm, người Thượng Hải nói: Người Bắc Kinh ngoan cố lắm, ánh dương đã dần khuất nơi triền tây mà tiền rượu vẫn chưa ai trả.



“Vẫn còn chưa xong à,” Noãn Noãn dừng lại, quay đầu trừng mắt với tôi.



“Còn xíu nữa thôi, cố kiên nhẫn một chút,” tôi nói.



“Nói mau lên.”



“Đã vô danh rồi, vậy cũng sẽ vô tranh,” tôi nói. “Hai từ Vị Danh dường như để nhắc nhở tất cả sinh viên Bắc Đại không cần màng danh lợi, rộng lượng không tranh chấp. Anh nghĩ đây mới là chủ ý của Tiền Mục tiên sinh.”



“Câu này mới còn ra hồn.” Noãn Noãn bật cười.



“Nếu học ở đây, hẳn phải dễ kiếm bạn gái lắm,” tôi nói.



“Hả?”



“Trường bọn anh cũng có một cái hồ, đi một vòng chưa hết mười phút. Nhưng đi dạo với con gái thì mười phút sao đủ được? Đành đi tiếp vòng thứ hai, vòng thứ ba, vòng thứ tư…” Tôi thở dài một tiếng, rồi nói tiếp: “Cuối cùng cô gái kia không chịu được nữa bèn nói: Đừng có dẫn tôi đi vòng vòng nữa! Chúng ta chia tay! Đừng tới tìm tôi nữa! Ba dấu chấm than kinh hoàng đã kết thúc một cuộc tình thế đấy.”



“Thế thì sao hồ Vị Danh lại giúp người ta có bạn gái?” Noãn Noãn hỏi.



“Hồ Vị Danh vừa rộng vừa đẹp, thanh niên nam nữ tan học xong đến đây dạo bộ đến cả quên cả thời gi­an. Đi mãi đi mãi, chàng trai bèn nói: Anh nguyện trở thành ngọn tháp Bác Nhã sừng sững uy nghi, còn em là nước hồ Vị Danh dịu dàng đa tình, anh một bước không đi, ngày ngày đứng đó, chỉ mong bóng mình mãi chiếu xuống lòng em. Có khi còn chưa đi hết nửa vòng hồ, một cặp tình nhân đã ra đời rồi.”



“Sao đơn giản thế được.” Noãn Noãn không tán  thành.



“Nếu như chàng trai nói: Chúng ta nhất định sẽ mãi ở bên nhau, vĩnh viễn dài lâu, không chia không lìa, không quản gió, không quản mưa, cũng không quản sấm sét. Liên quân Anh Pháp có thể đốt trụi Viên Minh Viên, cũng không sây sát được hòn đá trong lòng anh, bởi trên hòn đá trung thành ấy có khắc tên em. Thế này thì sao?” tôi hỏi.



“Quá sến,” Noãn Noãn nói, “Anh thử lại đi.”



Tôi ngoẹo đầu nghĩ ngợi hồi lâu mà chẳng nặn nổi câu nào nữa.



“Không nghĩ ra chứ gì.” Noãn Noãn cười khúc khích, “vậy em có thể rảnh tai được rồi.”



“Dù gì thì hồ cũng đủ lớn, có thể đi rất lâu” tôi nói, “đi dạo lâu trong cảnh đẹp nên thơ này, có là người sáp cũng lây thêm vài phần ý thơ.”



“Như anh thì không thể rồi, anh chỉ biết nói nhảm thêm thôi,” Noãn Noãn nói.



Đi tiếp chừng mười lăm phút nữa, tháp Bác Nhã đã gần ngay trước mặt.



Tháp Bác Nhã được xây giả theo tháp đèn cổ Thông Châu, có mười tầng, cao 37 mét.



“Các bạn thử đoán xem, tòa tháp này dùng để làm gì?” thầy Lý chỉ tòa tháp hỏi.



Mọi người bắt đầu rào rào tranh luận, có người nói tháp thường được xây trong đền thờ Phật, xây trong khuôn viên trường thế này kỳ quá; cũng có người nói chắc không phải giống tháp Lôi Phong dùng trấn áp Bạch nương tử, ở đây cũng đang trấn áp một loài yêu quái nào đó ư?



Cuối cùng thấy Lý cũng công bố đáp án: Đây là tòa thủy tháp, một tháp cung cấp nước được cải trang như một tòa bảo tháp.



Tháp Bác Nhã được xây vào những năm 20, trước sau âm thầm lặng lẽ đứng bên bờ hồ, cung cấp nước sinh hoạt cho thầy và trò trường Bắc Đại.  



Tôi ngẩng đầu ngước nhìn tòa tháp cao ngút tầng mây, tháp Bác Nhã dãi dầu sương gió, xung quanh chỉ có những tán tùng bách bầu bạn.



“Một kiến trúc mang đầy vẻ đẹp nghệ thuật văn hóa, có thể chỉ giữ một vai trò đơn giản; hoặc nói cách khác, một người công dân làm nhiệm vụ cấp thoát nước có vẻ hèn kém, nhưng có thể nội tâm anh ta lại mang đầy hơi thở nghệ thuật văn hóa,” thầy Lý nói. “Trước đây khi còn học ở Bắc Đại, tôi thường tới đây trầm ngâm suy ngẫm, lần nào cũng đều có thu nhận đáng kể.”



Rời tháp Bác Nhã, chúng tôi đi về hướng Nam, tạm biệt hồ Vị Danh, chuẩn bị đến nơi sẽ lên lớp.



“Hồ Vị Danh đẹp thật.” Tôi ngoảnh lại nhìn hồ Vị Danh lần cuối, nói: “Nhưng khi đi bên em, lại thấy hồ Vị Danh cũng chỉ thường thường thôi.”



Noãn Noãn đột nhiên dừng khựng lại.



Tôi nói xong liền thấy có điều gì bất thường cũng dừng khựng lại.



Mọi người đều dần dần đi hết, chỉ có tôi và Noãn Noãn vẫn đứng nguyên chỗ cũ.



“Anh!” Cậu em khóa dưới ngoảnh đầu lại hét lớn gọi tôi: “Đừng có chuồn đấy!”



Chẳng hiểu sao tôi lại có thể buột miệng nói ra câu đó?



Là vì trong đầu đang tưởng tượng đến đoạn đối thoại nam nữ đi dạo trên hồ Vị Danh ư?



Hay vì trong lòng tôi vẫn luôn thấy Noãn Noãn rất đẹp, nên bất giác đem so sánh với vẻ đẹp của hồ Vị Danh?



Hai cái giả thiết trên đều đúng, chỉ vì tôi đã đem mình và Noãn Noãn gán vào đôi nam nữ kia?



“Đây chính là đáp ác trước em bảo anh thử lại phải không?” Cuối cùng Noãn Noãn cũng lên tiếng.



“Cứ coi thế đi. Nhưng…ờm…” tôi trả lời, “anh cũng không chắc lắm.”



Không khí chẳng hề vì tôi và Noãn Noãn đều đã mở lời mà thay đổi.



“Anh.” Cậu em chạy lại, nói: “Bọn mình chơi trò rong biển* đi.”



*Trò rong biển: Một cách chơi Oẳn tù tì của Trung Quốc.



“Làm gì?” tôi hỏi.



“Rong biển à rong biển…” Cậu ta dang rộng hai tay như đại bàng xòe cánh, cánh tay uốn lượn như sợi rong biển.



“Nhạt vừa chứ,” tôi nói.



“Rong biển à rong biển à…” Cậu ta lại giơ cao hai tay, cánh tay đang uốn lượn lên trên, tôi liền cốc cho cậu ta một phát, nói: “Lại còn nữa!”



Cậu ta liền cười sằng sặc rồi bỏ chạy, Noãn Noãn cũng bật cười khúc khích.



“Bọn mình đi thôi.” Noãn Noãn dứt lời bèn rảo bước về phía trước.



Tôi cũng rảo bước theo, bắt kịp Noãn Noãn, rồi bắt kịp đoàn người.



Đi qua đường Ngũ Tứ, liền thấy một gian tứ hợp viện xây từ cuối đời Thanh, trên cổng có viết: Trị Bối Tử Viên.



Trước cổng còn có một bức tượng Lão Tử đẽo bằng đá, cao khoảng hai mét.



Trong sân là các đình viện nhỏ còn đậm hương sắc cổ, đâu đâu cũng toát lên một vẻ cổ kính, mộc mạc, điển nhã.



“Hôm nay lên lớp ở đây ư?” Tôi hỏi Noãn Noãn.



“Nghe nói vậy,” Noãn Noãn nói.



“Ừ,” tôi gật đầu, “chỗ này rất hợp với phong cách của anh.”



Noãn Noãn cười gập bụng, như vừa nghe thấy một chuyện cười siêu hài hước.



Thầy giáo đứng lớp hôm nay tóc bạc trắng, nhưng trên mặt chả có đến nửa cọng râu, giảng về tư tưởng của Lão Trang.




“Vậy cô ấy nên làm thế nào?” Tôi lại lấy một đồng tiền đặt lên trước mặt ông.



“Hành sự không nên nghĩ quá nhiều, đối với người cũng không nên quá tốt” ông lão nói.



“Vậy còn cháu?” Tôi đang chuẩn bị móc tiền ra thì ông lão đã xua xua tay.



“Câu hỏi này xin miễn cho lão không trả lời, sự trói buộc trong anh chỉ có thể tự mình tháo gỡ mà thôi.”



Ông lão nói xong bèn đưa tay ra hiệu “Mời”, tôi và Noãn Noãn đành đứng dậy rời đi.



“Xin đợi đã,” ông lão gọi chúng tôi lại, “chữ viết là thứ có thể thay đổi, mấy năm nữa có lẽ sẽ không còn giống bây giờ nữa. Sau này hai người có thể so sánh với chữ trên giấy này.” Ông đưa hai tờ giấy ban nãy cho chúng tôi, Noãn Noãn giơ tay ra nhận.



Tôi chỉ đi hai bước, rồi lại quay lại đặt một đồng tiền xuống trước mặt ông lão, hỏi: “Xin hỏi cháu và cô ấy có thích hợp không?”



“Cô cậu có hai người, vì vậy tính là hai câu hỏi,” ông lão nói.



Tôi đành móc ra một đồng tiền nữa đặt lên bàn.



“Anh hỏi về tính cách?” ông lão nói.



“Phải.” Tôi nói xong, liền giơ tay phải nắm lấy một đồng tiền trên bàn



Ông lão tỏ vẻ kinh ngạc, tôi nói: “Vì ông cũng hỏi một câu.”



Ông lão lần đầu tiên khẽ nở một nụ cười, nói: “Như cá gặp nước, ý khí tương đầu.”



Tay phải tôi nắm chặt lấy đồng tiền, cả nắm tay đập lên mặt bàn, đồng tiền va vào bàn gỗ phát ra một tiếng khô đét.



“Còn nữa...” Noãn Noãn đang ở bên cạnh, tôi không dám hỏi thẳng, nhưng vẫn thu hết can đảm, nói: “Ví dụ như, một nam một nữ, ngoài ý khí tương đầu ra, còn có gì khác, cũng tương đầu không?”



Ông lão nắm lấy đồng tiền, tay phải thuận thế tung lên trời, đồng tiền vẽ lên một đường vòng cung trong không trung, rồi rơi tõm một tiếng xuống sông Tô Châu.



“Câu hỏi này phải hỏi ông trời” ông lão nói.



Rời khỏi trạm quán, tôi và Noãn Noãn đều như có tâm sự, chẳng ai nói câu nào.



“Em thấy ông lão vừa rồi thế nào?”



Tôi nói xong, bèn đưa một đồng tiền cho Noãn Noãn, em đưa tay nhận lấy.



“Rất kỳ quái.” Noãn Noãn lại đưa đồng tiền cho tôi, hỏi: “Anh thấy sao?”



“Không phải rất kỳ quái,” tôi nói, “mà là cực kỳ cực kỳ kỳ quái.”



Nói rồi chúng tôi nhìn nhau đầy hàm ý, cùng bật cười.



Mọi người tập trung trên một chiếc cầu đá hổng cao ngang tòa nhà hai tầng, sau đó rời Di Hòa Viên theo đường Bắc Cung Môn.



Bất luận là ngồi trên xe, ăn cơm trong căng tin trường, hay lúc tắm rửa, trong đầu tôi đều không ngừng hiện lên bộ râu của ông lão.



Tắm rửa xong tới giảng đường tán phét, hỏi rất nhiều người xem có coi chữ ở chỗ ông lão ấy không?



Kết quả mọi người đều chỉ đi qua chứ không vào coi chữ; duy có cậu em khóa dưới tôi là ngồi xuống coi.



“Em cứ nghĩ là coi về nhân duyên, nên mới để ông ta coi chữ” cậu ta nói.



Cậu ta kể ông lão còn chưa mở lời, cậu ta đã bô bô ra ngày tháng năm sinh, còn hỏi xem nhân duyên của mình có phải ở phương bắc không?



“Nhân duyên của cậu trên núi cao, nói là phương Bắc so với Đài Loan cũng không sai,” tôi nói chen vào.



“Sao lại là ở núi cao?” Cậu ta tò mò.



“Thiếu Lâm Tự trên núi cao,” tôi nói, “cậu có mệnh xuất gia.”



“Anh này,” cậu ta nhăn nhó mặt mày, “đừng có đùa nữa.”



“Được,” tôi cười cười, “thế ông lão nói thế nào?”



“Ông ấy nói: không coi nhân duyên, chỉ xem tính cách. Thế là em đành ngoan ngoãn viết chữ.” Cậu ta đưa mảnh giấy mình viết cho tôi, hàng dọc viết: Tôi đói bụng quá muốn về nhà ăn cơm.



Hàng ngang viết: Ông không xem nhân duyên thì ngồi đây làm gì.



Hai hàng xếp thành hình ┬, không thẳng cũng không lệch, cong cong như hình chữ S.



Dáng chữ xiêu xiêu vẹo vẹo, chữ to chữ nhỏ không đều.



Ông lão nói suy nghĩ của cậu ta không theo lý lẽ thông thường, không quy phạm, dễ tùy tiện xằng bậy; nhưng vì tính cách tốt, nên nét chữ tùy ý lại là một dạng phúc báo.



“Đúng rồi,” tôi nói, “sao cậu lại muốn hỏi nhân duyên?”



Cậu chàng ra hiệu tôi hạ âm lượng xuống, rồi mới nói khẽ: “Bước ra ngoài cái rồi nói.” Nói rồi cậu ta đi ra ngoài giảng đường, tôi cũng đứng lên đi một bước rồi dừng lại.



“Kìa anh,” cậu ta nói, “sao thế?”



“Cậu chỉ nói bước một cái thôi mà” tôi nói.



Cậu ta chạy lại, hoàn toàn mất kiên nhẫn đẩy thẳng tôi ra khỏi giảng đường.



Đã cách xa khu giảng đường, cậu em khóa dưới tìm một chỗ yên tĩnh không người, chúng tôi ngồi bệt xuống đất.



“Anh ạ,” cậu ta mở miệng, “anh có biết em thích Vương Khắc không?”



“Cũng nhìn ra” tôi nói.



“Tinh thế sao?” Cậu ta tỏ vẻ kinh ngạc.



“Có thằng đần mới không nhận ra,” tôi nói. “Thế cậu thích Vương Khắc, vậy thì sao?”



“Sáng ngày kia chúng ta phải về Đài Loan rồi, em muốn...” Thái độ cậu ta có vẻ ngại ngùng.



Tôi cũng sực nhớ ra.



Đúng rồi, sắp phải về rồi, cũng nên về rồi.



Mấy ngày nay ở Bắc Kinh, chẳng hề có ý nghĩ nhớ nhà, nhất thời quên rằng mình hoàn toàn chẳng thuộc về nơi đây



Nhưng bất kể bản thân có quen hay thích nơi này, cuối cùng cũng phải trở về thôi.



“Sắp về Đài Loan rồi, vậy nên?” tôi định thần lại, hỏi.



“Em muốn nói với Vương Khắc, là em thích cô ấy,” cậu ta nói.



“Vậy tốt quá rồi” tôi nói.



“Nhưng mà nếu cô ấy cũng thích em, thì phải làm thế nào?”



“Cậu thích cô ấy, cô ấy cũng thích cậu, vui vẻ thế còn gì?”



“Em ở Đài Loan, còn Vương Khắc ở tận Bắc Kinh đấy,” giọng cậu ta hơi kích động, “đường xá xa xôi, lại còn cách cả co biển Đài Loan, về sau sao mà tiếp tục được?”



“Vậy thì đừng nói với cô ấy nữa, cứ coi như một đoạn ký ức đẹp trong đời thôi.”



“Em sợ sau này đến già vẫn cô đơn một mình, dắt con chó già đi dạo trong công viên, lại cúi xuống lẩm bẩm với nó: Hồi trẻ tao từng thích một cô gái đấy, nhưng tao không nói với cô ấy, đây là di hận lớn nhất trong đời tao. Nói xong nước mắt còn rơi lã chã. Mà con chó già chỉ có thể ăng ẳng mấy tiếng, liếm liếm những giọt nước mắt nơi khóe mắt em. Rồi sau em lặng lẽ ngồi lên băng ghế đá tróc sơn trong công viên, nhìn ánh tà dương xuống núi nơi chân trời. Màn đêm buông xuống, bóng hình một người một chó cứ nhạt nhòa dần trong đêm đen.”



Cậu ta càng nói càng cuống, càng cuống càng nhanh, nói liền một mạch chẳng dừng lấy hơi.



“Cậu đi viết tiểu thuyết được rồi đấy” tôi nói.



“Em nghiêm túc đấy,” cậu ta nói. “Anh, anh chẳng cũng thích Noãn Noãn còn gì?”



“Cậu nhận ra à?”



“Em cũng có phải thằng ngốc đâu,” cậu ta nói. “Anh định làm thế nào?”



Cậu em, anh lớn hơn cậu hai tuổi. Ở tuổi này của bọn anh, cứ tăng thêm một tuổi là những thuần khiết lại chết đi một ít.



Anh cũng từng khao khát một tình yêu kiểu “Dậu đông hái cúc vàng hoa, núi Nam thơ thới lòng ta cảm hoài” * như Đào Uyên Minh; nhưng hoa cúc đã khô héo trong thực tại, còn anh cũng chẳng thong dong được nữa.



* Dậu đông hái cúc vàng hoa, núi Nam thơ thới lòng ta cảm hoài



Âm Hán Việt: Thái Cúc đông ly hạ, Du nhiên kiến Nam Sơn. Hai câu thơ trong bài “Ẩm tửu” của Đào Uyên Minh, Hải Đà dịch.



Đây không phải thế giới nơi ta thích em, em thích ta là đôi mình có thể bên nhau.



Thế giới này có núi, có biển, cũng có những bức tường ngăn cách, chứ chẳng hề bằng phẳng như chúng ta tưởng tượng.



Tôi không thể nói với Noãn Noãn rằng tôi thích em, hoặc như lời ông lão coi chữ trên phố Tô Châu đã nói, đây là gút trói buộc trong tôi, là khung vuông tôi tự vẽ lên trong lòng.



Tôi không thể vượt qua cái khung ấy, nếu như vì thế mà phải dắt chó dạo bộ trong công viên, thì cũng đành nhận vậy.



“Mặc anh định thế nào,” tôi nói, “cậu cứ nói với Vương Khắc đi.”



“Ngộ nhỡ cô ấy nói thích em thì sao?” cậu em nói.



“Cậu đã tự nói là ‘ngộ nhỡ’ rồi mà.”



“Đúng vậy, em nghĩ nhiều quá rồi.” Cậu ta như bỗng ngộ ra chân lý. “Nếu như em nói với Vương Khắc là thích cô ấy, chắc cô ấy sẽ nói: chúng ta cứ là đồng bào của nhau thì tốt hơn, không nên là người yêu.”



“Anh cũng nghĩ thế đấy”



“Thoải mái hơn nhiều rồi,” cậu ta cười cười nói. “Ngày mai em sẽ tìm cơ hội nói với cô ấy, dù gì cũng nói ra, sau này sẽ không phải ôm di hận nữa.”



Cậu em dường như đã hất được tảng đá đè nặng trong tim, bắt đầu bô bô ba la kể với tôi mấy chuyện vụn vặt xảy ra trong ngày.



Cậu ta còn giữ một nguyên bảo đổi ở phố Tô Châu làm kỷ niệm.



Lúc tôi đứng dậy định quay lại giảng đường, cậu ta đột nhiên nói: “Anh này, như thế có phải đau xót lắm không?”



“Hả?”



“Em thấy mừng vì Vương Khắc sẽ từ chối em, như thế có phải xót xa lắm không?” Cậu ta cười gượng.



Tôi không sao trả lời được câu hỏi này, lại ngồi xuống bên cậu ta.



Tận đến khi quay về ký túc xá nghỉ ngơi, chúng tôi đều chẳng nói thêm câu nào.