Chỉ Gọi Tên Em
Chương 5 :
Ngày đăng: 16:40 19/04/20
Sáng sớm ngủ dậy, bước tới phòng vệ sinh vẫn còn mơ mơ màng màng.
Đụng ngay phải cậu em khóa dưới, cậu ta bảo: “Anh, lêu anh cái mông.” Tôi lập tức tỉnh táo, kẹp cổ cậu ta, đe: “Vừa sáng ra đã muốn ăn đòn hả.”
“Là Từ Trì dạy em,” cậu ta thều thào trước khi đứt hơi.
Từ Trì nói đây là tiếng địa phương ở quê cậu ta, dùng để chào hỏi.
Cũng chẳng biết là thật hay giả, nhưng trông bộ dạng Từ Trì chẳng giống đùa chút nào.
Nếu gặp phải con gái mà nói câu này chắc sẽ bị kiện tội quấy rối, còn nếu phải con trai, hẳn sẽ bị tẩn cho một trận nhừ tử.
Nhưng vẫn còn hơn cậu chàng đó lại tụt quần xuống mời bạn chào hỏi thật.
Trước cửa nhà ăn, thầy Lý đứng bàn bạc với thầy Trương một lúc, rồi thông báo: “Hôm nay chúng ta ra ngoài uống nước đậu, cảm nhận chút ít văn hóa ẩm thực Bắc Kinh xưa.”
Tôi hỏi Noãn Noãn: “Nước đậu là sữa đậu nành á?”
“Đương nhiên không phải,” Noãn Noãn nói, “sữa đậu nành làm từ đậu tương, còn nước đậu làm từ đậu xanh. Nước đậu chỉ Bắc Kinh mới có, ở nơi khác không thể uống được.”
“Có ngon không?” tôi lại hỏi.
“Đảm bảo sẽ khiến anh có ấn tượng sâu sắc,” Noãn Noãn nói, thái độ rất kỳ lạ.
Tôi thấy lạ, lại hỏi Từ Trì: “Nước đậu có ngon không?”
“Sẽ khiến anh nhớ suốt đời.” Thái độ của Từ Trì cũng rất thần bí kỳ quái.
Tôi nghĩ Cao Lượng là người thật thà, lời nói có lẽ không giả, bèn hỏi tiếp Cao Lượng: “Nước đậu có ngon không?”
“Ờ...” Cao Lượng ậm ờ một hồi, nói: “Lần đầu em uống xong, ba tháng sau ngất ngưởng ngật ngưỡng.”
Ấn tượng sâu sắc, nhớ suốt đời, ba tháng ngất ngưởng ngật ngưỡng, tại sao đều là mấy loại hình dung này.
Trả lời có ngon hay không lại khó đến thế sao?
Nếu như bạn hỏi: Cô bé đó trông thế nào?
Người ta trả lời: Xinh lắm, bảo đảm khiến cậu nhớ suốt đời.
Bạn đương nhiên sẽ rõ, mình sắp được yế kiến một tuyệt thế giai nhân rồi đây.
Nhưng nếu như người ta chỉ trả lời: Đảm bảo khiến cậu ấn tượng sâu sắc, nhớ suốt đời, ba tháng ngất ngưởng ngật ngưỡng.
Làm sao bạn biết cô bé đó có xinh hay không? Dẫu gặp khủng long cũng sẽ ấn tượng sâu sắc đến cả đời không quên, rồi ba tháng sau ngất ngưởng ngật ngưỡng mà.
Vừa bước vào tiệm nước đậu, đã lập tức ngửi thấy một mùi men chua nghẹt mũi, khiến người ta thấy không thoải mái cho lắm.
Bát nước đậu đặc sánh được bê lên, màu xanh tro trong vắt; ngoài ra còn có một đĩa dưa muối, một đĩa quẩy vòng.
Sợi dưa muối mỏng dài được rắc lên mấy hạt vừng với dầu cay, còn quẩy vòng được rán tới vàng ruộm.
“Cái này phải ăn nóng,” Noãn Noãn bảo tôi, ánh mắt vừa như cười lại như không cười.
Tôi lập cập bưng bát lên, cẩn trọng kề miệng vào thành bát, chậm rãi húp một ngụm nhỏ.
“Ặc!” Tôi kêu lên thảm thiết, nước đậu không chỉ chua mà còn có mùi kỳ kỳ như đậu phụ thối, khiến người ta buồn nôn.
Tôi phồng mang trợn má, bóp mũi bịt tai, nhăn nhó mặt mày, vận đủ ngũ quan mà vẫn không đuổi được cái vị kỳ quái đó đi.
Noãn Noãn cười khúc khích, vừa cười vừa nói: “Mau ăn ít dưa muối cho xuôi đi đã.” Tôi vội vàng gắp một gắp dưa muối bỏ vào miệng, nhồm nhoàm nhai vài miếng, quả nhiên có tác dụng.
“Vị nước đậu kỳ thật đấy,” tôi nói.
“Đấy là ảo giác thôi,” Noãn Noãn nói, “thử lại lần nữa xem.” Tôi lại bê bát lên, hít sâu một hơi, vũ trang lại tâm lý, rồi nín thở uống một ngụm nữa.
Đây nào phải ảo giác? Đây là mùi vị kỳ quái chân thực chứ còn gì nữa. Lúc nước đậu trôi tuột xuống cổ họng, tôi xém chút nữa thì sặc.
Xong đâu đấy, tôi đặt bát xuống, giương đôi mắt trống rỗng nhìn Noãn Noãn.
“Nước đậu này muốn uống được, nhất thiết phải đi kèm với dưa muối và quẩy vòng, không được thiếu thứ nào,” Noãn Noãn nói. “Nước đậu chua, dưa muối mặn và cay, quẩy vòng giòn, khi chua mặn cay giòn kết hợp với nhau, một hương thơm sẽ dần dần quyện mãi trong miệng.” Noãn Noãn húp một ngụm nước đậu, gắp một miếng dưa muối, một miếng quẩy vòng, mặt mày rạng rỡ, ăn rất ngon miệng.
Tôi càng nhìn càng thấy kỳ lạ, không thể tưởng tượng nổi.
“Đã quá đi mất, ăn một lại muốn ăn hai,” Noãn Noãn nói.
“Xin nhận của tiểu đệ một lạy,” tôi nói.
Cậu em khóa dưới ngồi bàn bên đột nhiên chạy lại, ngồi thụp xuống tóm lấy vạt áo tôi, nói: “Anh ơi, em không xong rồi, mau đưa em đến bệnh viện.”
“Sao thế?”
“Em uống sạch cả bát nước đậu rồi,” cậu ta nói xong liền nhắm tịt mắt.
“Phấn chấn lên đi!” Tôi vả cho cậu ta hai phát bôm bốp.
Cậu ta mở bừng hai mắt, đứng dậy xoa má, quay lại chỗ ngồi.
“Vừa rồi anh tát thật đấy à?” Noãn Noãn hỏi.
“Ừ.” Tôi không nhịn nổi, bật cười khì khì. “Cậu ta thích đùa, anh cũng vui vẻ phối hợp thôi.”
“À mà, vừa nãy nói đến đâu rồi nhỉ?”
“Anh bảo anh muốn lạy em.”
Tôi lập tức đứng lên khỏi chỗ ngồi, quỳ một gối xuống đất, hai tay chắp lại, đoạn nói: “Cô nương quả không phải người phàm.”
Noãn Noãn bật cười kéo tôi đứng dậy, nói: “Thực ra lần đầu tiên em uống nước đậu, cũng không chịu nổi cái vị này đâu. Về sau uống liền hơn nửa tháng, quen rồi mới nhận được mùi vị, thậm chí còn nghiện luôn.”
“Thật đúng là đại ca phong lưu,” tôi nói.
“Gì cơ?” Noãn Noãn hỏi.
“Là không hiểu.”
“Hả?”
“Vì có câu không hiểu phong lưu, vì thế đại ca phong lưu, tức là đại ca không hiểu.”
“Anh uống nước đậu đần người ra đấy à?” Noãn Noãn nói. “Em chả hiểu anh nói cái gì cả.”
“Ý anh là, anh rất rất không hiểu,” tôi nói, “muốn hỏi em chuyện này.”
“Hỏi đi.”
“Lần đầu tiên em uống nước đậu, phản ứng có phải cũng như anh không?”
“Ừ,” Noãn Noãn gật đầu, “có thể nói vậy.”
“Về sau em uống liên tục hơn nửa tháng mới quen, lại còn nghiện nữa?”
“Đúng vậy.” Noãn Noãn cười khúc khích. “Hồi đó chỉ cần nghe ngóng được chỗ nào có hàng nước đậu gia truyền, xa mấy em cũng đi bằng được.”
“Nếu như lần đầu tiên em uống nước đậu đã thấy không thể tiếp nhận nổi,” tôi nghiêng đầu ngẫm nghĩ hồi lâu, “thì sao lại uống tiếp liền hơn nửa tháng làm gì?”
Noãn Noãn trợn tròn mắt, không trả lời, rồi rơi vào trạng thái trầm tư.
“Đây thật đúng là tiểu đệ ngẫm mãi,” lâu sau, Noãn Noãn mới nói.
“Hở?” tôi nói.
“Cũng tức là không hiểu ấy,” Noãn Noãn cười cười nói.” Vì có câu ngẫm mãi không hiểu mà.”
“Sao em cũng lại nói chuyện kiểu đấy?”
“Làm thế để anh biết người nghe anh nói chuyện khổ đến mức nào.”
“Em vất vả quá,” tôi nói.
“Nói linh tinh.” Noãn Noãn bật cười khúc khích.
“Văn hóa uống nước đậu, nghe nói đã có hơn nghìn năm rồi. Vì thế vị của nước đậu có lạ thế nào đi nữa, em cũng phải kiên trì uống bằng được.” Noãn Noãn dường như đã tìm được lý do uống nước đậu. “Tóm lại, cứ cho là vì ngốc đi.”
“Em thực quá siêu đấy,” tôi xuýt xoa khen.
“Lương Lương,” Noãn Noãn chỉ cái bát trước mặt tôi nói, “thử nữa không?”
Tôi đưa tay bưng bát, nhưng trước sau vẫn không có can đảm đưa lên miệng, thở dài một tiếng, rồi lại đặt bát xuống.
Noãn Noãn bật cười, bưng bát tôi lên. Tôi vội vàng nói: “Anh đã uống rồi"
“Không sao,” Noãn Noãn nói, “làm được nước đậu vất vả lắm, đừng lãng phí.”
Từ Trì đi qua, thấy bát trước mặt tôi rỗng không, liền kinh ngạc nói: “Anh Thái, anh đã uống hết rồi á?”
“He he,” tôi chỉ cười không đáp.
“Không sao chứ?” Từ Trì nhìn mắt tôi, sờ sờ tay tôi, lại lắc lắc cả người tôi nữa.
“He he he,” tôi lại cười.
“Thật không ngờ đấy,” Từ Trì nói. “Nào! Anh em mình uống thêm bát nữa!”
“Trì huynh!” Tôi vội vàng túm cậu ta lại, “là Noãn Noãn uống hết giúp anh đấy.”
Từ Trì bật cười ha hả, Noãn Noãn cũng cười, còn tôi chỉ cười gượng gạo.
Tôi đã đổi tiền đô Mỹ trước từ Đài Loan, tới Bắc Kinh lại lấy tiền đô đổi sang nhân dân tệ.
Tôi không muốn nói với Noãn Noãn quá trình phức tạp này, chỉ vào ba tờ tiền trong tay nói: “Giờ em thử coi, đây là tờ 1000 Đại tệ có hình Tưởng Giới Thạch, 100 nhân dân tệ in ảnh Mao Trạch Đông, 100 Đài tệ in hình Tôn Trung Sơn trên đó. Vậy một “tờ Tưởng Giới Thạch” có thể đổi được hai phẩy năm “tờ Mao Trạch Đông” và một “tờ Mao Trạch Đông” lại đổi được bốn “tờ Tôn Trung Sơn”. Em đã hiểu chưa?”
Noãn Noãn thấy thú vị, liền bật cười, gật gật đầu.
“Đúng rồi,” tôi nói, “anh vừa gọi thẳng tên Mao Trạch Đông, em không sao chứ?”
“Mao Trạch Đông vẫn luôn đứng cùng quần chúng nhân dân, gọi thẳng tên có gì sai đâu?”
“Mao – Trạch – Đông,” tôi đọc rành rọt từng chữ, “thật là không làm sao?”
“Anh nhạt toẹt quá đấy.” Noãn Noãn nói xong, liền nhớ ra vừa nãy mình cũng đã có phản ứng như thế, bèn phá lên cười.
“Từ Đài Loan bay đến Hồng Kông rồi lại bay đến Bắc Kinh, anh tiêu mất khoảng 10 tờ Tưởng Giới Thạch.” Nói đoạn tôi hỏi Noãn Noãn: “Xin hỏi như thế là bao nhiêu ông Tôn Trung Sơn?”
“Quá đơn giản,” Noãn Noãn nói, “100 tờ Tôn Trung Sơn.”
“Thế bằng bao nhiêu tờ Mao Trạch Đông?” tôi lại hỏi.
“25 tờ chứ gì” Noãn Noãn vừa cười vừa trả lời.
“Tiếp theo là một câu hỏi rất uyên thâm,” tôi nói. “Nếu anh tiêu hết hai ‘tờ Tưởng Giới Thạch’, 3 ‘’tờ Mao Trạch Đông’’, 4 ‘’tờ Tôn Trung Sơn’’, xin hỏi anh đã tiêu hết bao nhiêu ‘’tờ Mao Trạch Đông’’?”
“Hả?” Noãn Noãn sững người.
Chúng tôi bước vào thiệm Thụy Phù Tường, bên trong bày đầy các xấp vải lụa muôn hình muôn vẻ, khiến người ta hoa hết cả mắt.
Ở đây còn có một quầy cắt may, khách hàng chọn vải xong, người thợ may có thể giúp khách may y phục vừa vặn.
Cũng có thể đặt may xường xám, đo các số đo, chọn vải xong, chóng một chút là hôm sau có thể giao hàng; nếu là khách du lịch nước ngoài, cửa tiệm còn gửi xường xám đã may xong đến tận khách sạn cho khách.
“Chín ông Mao Trạch Đông!” Noãn Noãn đột nhiên nói.
Tôi giật thót người, người trong cửa tiệm dường như cũng đều giật mình, ầm ập ném tới những ánh nhìn kỳ lạ.
“Đấy là đáp án của câu hỏi vừa rồi,” Noãn Noãn có vẻ ngượng nghịu, giảm thật nhỏ âm lượng.
Ra khỏi Thụy Phù Tường, bước vào Nội Liên Thăng, liền nhìn thấy bức hoành “Tiệm giày vải số 1 Trung Quốc”
“Noãn Noãn, cho anh mượn chân em xem nào,” tôi nói.
“Định mua giày cho người yêu hả?”
“Anh không có người yêu,” tôi nói.
Noãn Noãn bật cười khúc khích, cúi xuống cởi dây giày.
“Nhưng bạn gái thì có mấy cô, phải mua vài đôi,” tôi lại nói.
Noãn Noãn khựng tay lại, rồi buộc lại dây giày, đứng lên.
“Đùa thôi mà,” tôi vội vàng cười cười, “anh định mua giày cho mẹ anh.”
Noãn Noãn trừng mắt nhìn tôi, rồi lại cúi xuống tháo dây giày.
“Anh có biết cỡ chân của mẹ anh không?” Noãn Noãn hỏi.
“Chắc là biết.”
“Thật không?”
“Hồi nhỏ hay bị đánh, anh toàn quỳ dưới đất ôm lấy chân mẹ gào khóc: Mẹ, con sai rồi!” Tôi cười nói: “Nhìn lâu rồi, cỡ chân mẹ cũng in sâu trong óc.”
“Toàn nói linh tinh.” Noãn Noãn cũng bật cười.
Noãn Noãn giúp tôi chọn một đôi giày vải để khâu thủ công, mặt giày màu đen có thêu vài bông hoa nhỏ màu đỏ.
Đây là hàng khuyến mại, giá 88 nhân dân tệ, tôi rút tờ 100 nhân dân tệ ra, rồi gọi Noãn Noãn lại: “Nào, chúng ta cùng tạm biệt Mao chủ tịch một tiếng,” tôi nói.
Noãn Noãn chẳng buồn để ý đến tôi, đi thẳng ra ngoài.
Nhân viên bán hàng trả lại cho tôi một tờ 10 tệ và hai đồng 1 tệ.
“Em xem,” tôi bước tới cạnh Noãn Noãn, chỉ vào chân dung Mao Trạch Đông trên tờ 10 tệ, nói: “Mao chủ tịch không nỡ xa bọn mình, thay quần áo cái lại trở về rồi này.”
“Bắc thất!” Noãn Noãn nói.
“Mắng hay lắm,” tôi nói, “câu này đúng là dùng thế đấy.”
Ra khỏi Nội Liên Thăng, Noãn Noãn nói em muốn đi mua một thứ, mười phút sau sẽ quay lại, rồi liền chạy mất tiêu.
Đợi chưa đầy năm phút, tôi đã thấy chán, bèn mua cây kẹo gậy, ngồi xổm xuống góc tường vẽ vòng tròn.
“Mua xong rồi.” Noãn Noãn chạy trở lại, hỏi: “Anh đang làm gì đấy?”
“Anh đang diễn cảnh đứa trẻ bị lạc mẹ.” Tôi đứng dậy.
“Đúng là mất mặt.” Noãn Noãn nói.
“Em mua gì thế?” tôi hỏi.
“Mấy hôm nữa rồi anh sẽ biết.” Noãn Noãn úp úp mở mở.
Phố đi bộ Đại Sách Lan kéo dài từ đông sang tây không đến 300 mét, nhưng tôi và Noãn Noãn vẫn đi bộ đến hai chân mỏi nhừ.
Vừa may trước cửa Đồng Nhân Đường có chỗ để ngồi, chúng tôi bèn ngồi xuống nghỉ giải lao.
“Chỗ này thích thật, cho mọi người được ngồi,” tôi nói. “Nếu như trời nóng quá đi bộ đến ong đầu, có thể vào luôn bên trong gặp bác sĩ bốc thuốc.”
Đúng thế.” Noãn Noãn lau mồ hôi, đưa cho tôi một bình sữa chua.
Tôi phát hiện mùa hè ở Bắc Kinh dường như không thể thiếu được sữa chua lạnh.
“Hay đọc tin trên báo về Đại Sách Lan, đến hôm nay mới có dịp đến đây dạo phố,” Noãn Noãn nói.
“Là những tin thế nào?” tôi hỏi.
“Phần lớn đều là giới thiệu về các cửa tiệm cổ hàng trăm năm, thỉnh thoảng cũng có thông tin về việc dỡ bỏ tu sửa.”
“Dỡ bỏ thật á?”
“Chắc là tu sửa. Nhưng tu sửa xong phong vị kinh kỳ có còn không thì cũng không biết được,” Noãn Noãn nói. “Tuổi này rồi, những thứ cần thuần khiết luôn rất chóng chết.”
Em nhìn ánh chiều tà, hồi lâu lại nói: “Dưới ánh chiều tà, bóng dáng người con gái ngồi nơi Đại Sách Lan uống sữa chua, có lẽ về sau cũng chẳng thể nhìn thấy nữa.”
“Nhưng tinh thần của em sẽ vẫn luôn trường tồn,” tôi nói.
“Nói cái gì thế.” Noãn Noãn bật cười thành tiếng.
Cũng gần đến giờ về, mọi người chầm chậm đến đầu phố phía đông Tiền Môn tập trung.
Tôi thấy biển hiệu “Toàn Tập Đức” phía đối diện, liền hào hứng nói với Noãn Noãn: “Toàn Tập Đức kìa!”
“Muốn ăn vịt quay à?” Noãn Noãn hỏi.
“Ừ.” Tôi gật đầu. “Hôm nay hình như có mời miễn phí.”
“Thật không?” Noãn Noãn giật thót mình. “Làm sao thế được?”
“Anh vừa mới thấy trước cửa tiệm có xếp mấy băng ghế dài, chắc là mời xem miễn phí người ta ăn vịt quay.”
“Anh...” Noãn Noãn không nói tiếp nữa, quay ngoắt đi không thèm để ý đến tôi.
Hai mắt tôi vẫn nhìn chằm chằm vào tiệm vịt quay Toàn Tự Đức phía đối diện.
“Lương Lương,” Noãn Noãn nói, “nếu anh muốn ăn, lần sau đến Bắc Kinh em sẽ mời anh.”
“Đây là lời hứa trong gió hả?”
“Hả?”
“Lúc có gió không nên hứa gì cả, làm vậy sẽ là lời hứa gió bay đấy.”
“Em có như anh đâu,” Noãn Noãn nói. “Em nói muốn tới Noãn Noãn, anh đến một lời hứa cho tử tế cũng không có.”
“Xe đến rồi,” tôi nói.
“Lại vờ vịt nữa.” Noãn Noãn khẽ hừ một tiếng.
Quay về trường ăn cơm xong, mọi người lại tập trung trong giảng đường trưng bày chiến lợi phẩm hôm nay.
Chiến lợi phẩm hôm nay vô cùng phong phú, xem ra hầu bao của rất nhiều người đều đã thất thoát không ít ở Đại Sách Lan.
Từ Trì cho tôi xem ảnh cậu ta chụp ở Đại Sách Lan, có một bức chụp bóng lưng tôi và Noãn Noãn đang kề vai uống sữa chua.
Nhớ tới lời Noãn Noãn nói lúc đó: “Tuổi này rồi, những thứ thuần khiết luôn rất chóng chết."
Không biết lần sau tới Bắc Kinh (nếu như vẫn còn có lần sau), những thứ thuần khiết nào sẽ ra đi trước đây?
Và còn thứ thuần khiết nào vẫn rất thuần khiết?
Nằm trên giường nhắm chặt mắt, tôi thấp thoáng nghe thấy vài âm thanh.
Có lẽ là do ảnh hưởng của vách hồi âm ở Thiên Đàn, tiếng cười của Noãn Noãn vẫn cứ vọng lại trong tim tôi.