Chúa Sẽ Phù Hộ Em
Chương 116 : Địa ngục trần gian
Ngày đăng: 03:03 19/04/20
Hầm tối được xây dưới lòng đất, chật hẹp, không có cửa sổ hay giường nệm, một cái lỗ hôi thối được đào ngay trên nền nhà bằng xi măng, chắc là “nhà vệ sinh”. Tù nhân bị nhốt trong hầm tối sẽ không được ra ngoài hóng gió, ngay cả đồ ăn cũng bị cắt xén tới mức một ngày chỉ có có một bữa. Đây là nơi mà lãnh đạo nhà tù Peshawar trừng phạt những tù nhân bướng bỉnh, hung hăng nhất. Sự tù túng và cách biệt với thế giới bên ngoài có thể khiến tù nhân phát điên và hiểu ra rằng trong nhà tù này, ai mới là người nắm quyền quyết định.
Tôi nằm co ro trong hầm tối, lòng sục sôi lửa giận. Tôi vốn là một cô gái yếu đuối và thụ động, ngay cả khi bị người khác chèn ép, khinh miệt, cũng chỉ nhẫn nhịn chịu đựng. Thậm chí, tôi còn bóng gió khuyên Lâm hãy quên hết những thù hận của bộ tộc mình để sống cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Nhưng ngày hôm nay, tôi đã ngỡ ra một điều, thù hận không phải là thứ có thể dễ dàng lãng quên và buông bỏ. Bằng chứng là bây giờ, ý định báo thù kẻ đã hãm hại mình đang bắt đầu nảy mầm bén rễ trong tim, trong đầu tôi.
Tôi căm hận cái thế giới này, hận tất cả những kẻ đã đẩy tôi xuống địa ngục: ông chủ cửa hàng đồ gỗ, đám cảnh sát cai ngục…và cả Lâm. Nếu anh còn một chút xót thương dành cho tôi, không phải yêu mà chỉ là chút xót thương thôi, thì đã đến và kéo tôi khỏi chốn địa ngục trần gian này rồi. Bảy năm, không biết tôi có thể sống mà ra khỏi đây sau chừng ấy thời gian không. Chẳng ai biết tôi bị bắt giam cả, mẹ, Alice, Dela; ngay cả khi họ biết tôi mất tích và đi tìm thì cũng không dễ dàng lần ra nhà tù này, chưa kể đến chuyện tôi đã bị thay tên đổi họ. Đành phải nghĩ cách tự cứu mình thôi, mặc dù hi vọng là rất mong manh.
Joseph sẽ quay lại Canna, xin đừng bi luỵ; Hovel sẽ trở lại vườn hồng, xin đường bi luỵ; Nếu như cơn hồng thuỳ có tới nhấn chìm tất cả, Noah sẽ là người chỉ đường cho bạn trong mắt bão, xin đừng bi luỵ… Tôi nhẩm đi nhẩm lại bài thơ không biết đã ăn sâu vào trí óc mình tự bao giờ, cảm giác đau đơn giảm dần. Bỗng có người lặng lẽ mở cửa hầm tối và đi vào, đỡ tôi dậy. Đầu mũi tôi cảm nhận được hơi nước nóng ấm mà từ lâu đã trở nên xa lạ. Tôi không biết đối phương là ai, chỉ cảm thấy đó là một người đàn ông cao lớn và vạm vỡ.
“Mở miệng ra.”
“Sao cơ?” Tôi hỏi lại, giọng khản đặc.
“Mở miệng ra, uống thuốc.” Người đó khẽ nói.
Hai mí mắt của tôi đã dính chặt lại bởi máu khô nên tôi không thể nhìn rõ gương mặt người đó, nhưng có thể cảm nhận được sự cương quyết trong giọng nói của anh ta: “Cô phải uống thuốc, phải tiếp tục sống!”
Cốc nước ấm được kề sát vào miệng tôi, một dòng chất lỏng chảy vào cổ họng, tôi ho sặc sụa, người đó liền đỡ lấy đầu tôi. “Anh là ai?” Tôi khó nhọc lên tiếng hỏi.
“Cô không biết tôi, nhưng tôi biết có người đang tìm cô, một người rất có quyền thế. Tôi có thể chuyển lời giúp cô, chỉ cần nói cho tôi tên thật của cô và thứ có thể chứng minh thân phận của cô.” Người đó từ tốn nói.
“Ai đang tìm tôi?”
Người đó ngập ngừng rồi đáp:”Bây giờ tôi không thể nói được, nhưng tôi sắp được thả ra. Nếu cô đưa cho tôi một tín vật, tôi sẽ chuyển tới tận tay người đang tìm cô.”
Không biết người này có đáng tin hay không, nhưng tôi còn gì để mất nữa? Tôi chỉ còn một cách là đặt cược tính mạng và tương lai của mình vào tay người đàn ông xa lạ này. Thế là tôi nói, không chút do dự: “Tôi tên là Ngải Mễ Lạp, người Trung Quốc, người Trung Quốc. Anh hãy nói với người đang tìm tôi rằng, anh ta đã từng tặng tôi một chiếc nhẫn đá quý màu lam tím.” Tôi đoán người đang tìm tôi chính là Hassan, ngoài anh ta ra, còn ai có khả năng này nữa?
Người đó lại hỏi kĩ thêm một vài chi tiết, sau đó vui vẻ nói: “Người đó nhất định sẽ đến cứu cô. Nhưng cô phải tiếp tục sống.”
“Tại sao anh lại muốn giúp tôi?”
“Vì cô rất đáng giá. Người đó hứa sẽ trả một khoản tiền rất lớn cho người cung cấp tin tức của cô.”
Tôi mơ màng nhớ đến một chuyện dường như xảy ra từ cả thế kỉ trước. Hôm đó, trong một căn nhà xa hoa tráng lệ, tôi đã hỏi Hassan: “Tôi đáng giả bao nhiêu tiền?” và anh ta đã trả lời: “Đắt hơn một con ngựa một chút.”
Tôi lần tìm trong bóng tối, túm lấy tay người đó, gắng sức hỏi: “Người đang tìm tôi…có phải là Hassan Naboo Hardel không?”
“Đại nhân Hardel? Đại nhân Hardel cũng đang tìm cô ư?” Người đó kinh ngạc hỏi lại.
Không phải Hassan, vậy thì là ai?
Người đó không nói gì nữa, khẽ khàng đi ra. Một lúc lâu sau, tôi gắng gượng mở mắt ra, tự nhủ có người đang tìm tôi, muốn cứu tôi khỏi đây, tôi phải tiếp tục sống, phải chờ bằng được ngày tự do. Nhìn xung quanh, bốn bề trống trải, tưởng như bóng tối là một dạng vật chất, có trọng lượng, có tìm cảm và sự bi thương, còn thời gian hoàn toàn là thứ vô nghĩa. Cũng may, cách một ngày lại có người nhét một chiếc bánh khô như ngói cho tôi qua cái khe hẹp dưới cánh cửa. Đây là tiêu chí duy nhất giúp tôi tính toán thời gian. Khi đồ ăn được đưa vào lần thứ ba, tôi cố hết sức lết tới cửa, ăn hết sạch cái bánh. Bây giờ, thứ tôi cần chính là sức lực.
Tôi đã từng đọc trong một cuốn sách nào đó rằng: Trong tù, chiến thắng đáng nể phục nhất chính là tiếp tục sống, nhưng không chỉ là thể xác mà còn cả tinh thần, ý chí và linh hồn. Nhà tù địa ngục trần gian, chỉ cần mất đi một trong những thứ đó thì không thể coi là còn sống, ngay cả khi có thể bước ra khỏi địa ngục đó. Bất luận thế nào, tôi nhất định phải sống, dù chỉ để được gặp lại bà Vương Bảo Ngọc.
Tuy hầm tối rất chật hẹp nhưng không gian để tập thể dục thì vẫn có. Chống tay vào tường, tôi từ từ đứng dậy, tưởng tượng mình đang đứng trên sân của khi chung cư, gió xuân thoang thoảng lướt qua, sau đó bắt đầu vài động tác cơ bản, dù chậm chạp và gượng gạo nhưng không sao, tôi có nhiều thời gian. Tập xong một lượt động tác cơ bản, tôi gần như cũng tiêu tốn toàn bộ sức lực, bèn chậm rãi ngồi xuống, nghỉ ngơi một lát rồi lại tập tiếp. Ngày lại ngày, có thể tôi dần hồi phục.
Những lúc không tập luyện, tôi nhớ lại những người, những việc mà tôi đã gặp trong thời gian một năm qua, từ việc Ngô Chung đột ngột xuất hiện trong nhà tôi đến chuyện gặp Lâm trên núi tuyết, thôn Gama, thị trấn Changga, rồi chuyện Hassan cướp cô dâu trong khu chợ, sau đó là sự xuất hiện của Laila. Tôi đã từng bước, từng bước bị cuốn vào mối thù truyền kiếp giữa người Rajput và người Pashtun. Hồ Hiểu Ân nói đúng, ngay từ khi gặp Lâm, tôi đã lún sâu vào thế giới của anh, không còn đường thoát nữa rồi.
Vài ngày sau, cửa hầm tối lại mở ra, một tên cai ngục liên tục chửi rủa và lôi tôi dậy, dẫn ra thao trường, vừa đi vừa nói: “Hôm nay, đưa mày đi xem một màn kịch hay nhé.” Tới nơi, tôi nhìn thấy những phạm nhân khác và mười mấy tên cai ngục đang đợi sẵn, ngoài ra còn có hai tên đang lép một phạm nhân nam máu me bê bết khắp người ra. Phạm nhân đó bị trói bằng dây thừng, dù ra sức kháng cự nhưng cũng không thể chống lại hai tên cai ngục vạm vỡ. Cảnh tưởng này khiến tôi liên tưởng tới những con trâu đực sắp bị làm thịt, dù trên người đầy vết dao đâm nhưng vẫn cố chống cực.
Phạm nhân đó bị trói vào một tảng đá lớn, hai tay dang ra thành hình chữ thập. Một tên cai ngục vung dùi cui lên, đập “bốp” một cái vào tay anh ta. Phạm nhân đó kêu la thảm thiết, chắc cánh tay kia đã bị đập gãy, sau đó đến lượt cánh tay còn lại và hai chân. Tôi chợt nhận ra, phạm nhân đó chính là người muốn giúp tôi chuyển tin ra ngoài.
Một tên cai ngục gầm lên: “Thằng chó này muốn giúp cô ta đưa tin, tưởng có thể giấu được chúng ta! Bất kì kẻ nào muốn giúp cô ta đều sẽ có kết cục như thế này! Lẽ ra hôm nay, thằng chó này sẽ được tự do, nhưng bây giờ, bọn tao sẽ bắt nó ở lại đây thêm một năm nữa, một năm! Đứa nào còn dám giúp cô ta thì kết cục sẽ càng thê thảm!” Cây dùi cui của tên cai ngục vung vẩy trong không khí rồi chỉ thằng vào tôi. Tôi điếng người, không thốt nên lời. Sau khi chứng kiến màn hành hình dã man đó, tôi lại bị nhốt vào hầm tối. Không biết tình hình phạm nhân kia thế nào, chắc chắn trong hàng nghìn tù nhân ở đây, sẽ không còn ai dám giúp toi nữa. Nhưng dù có người giúp hay không, tôi cũng nhất định phải ra khỏi đây.
Vài ngày nữa trôi qua, cánh cửa hầm tối lại mở ra, ánh sáng chói loá suýt nữa khiến tôi mù mắt. Cai ngục bước tới kéo tôi đi, nói: “Đứng dậy! Lần này mãy hãy thật thà một chút!”
Tôi vùng khỏi bàn tay của hắn ta, tự đi ra khỏi phòng giam, được hai bước thì phát hiện cai ngục không đi theo. Tôi liền quay lại nhìn, bắt gặp sự sửng sốt trong mắt hắn, chắc hắn không thể ngờ trong căn hầm tối tăm, kín mít này, tôi không những chưa chết mà còn có thể tự mình đi ra khỏi đó. Đối với bọn cai ngục chỉ chờ đợi sự khuất phục của tôi, đây chẳng phải điều gì tốt lành, bọn chúng không dẫn tôi về buồng giam nữ mà lại dẫn đến buồng giam nam.
“Sao lại đến buồng giam của nam?” Tôi hỏi tên cai ngục áp giải.
“Bọn tao bảo mày đi đâu thì hãy đi đó. Nếu cảm thấy không chịu nổi, có thể kêu cứu, em yêu ạ!” Tên cai ngục nói rồi cất giọng cười đểu. Tên này trông rất lạ, tôi chưa từng gặp bao giờ, có lẽ hắn ta là người thay thế cho Hutu, nhưng dù là ai thì đều là một lũ thối tha.
Sau đó, tôi bị đẩy vào buồng giam lớn nhất của nhà tù Peshawar, nơi nhồi nhét hơn trăm gã đàn ông, già có, trẻ có, với đủ màu da khác nhau. Nghe nói, năm ngoái, có một cô gái cũng bị bọn cai ngục trừng phạt như thế này hai lần, lần nào cô ta cũng bị cưỡng bức và sinh ra một đứa bé, sau đó thì phát điên. Hai đứa trẻ có màu da hoàn toàn khác nhau, không ai biết cha của chúng là ai. Những cô gái bị bọn cai ngục đẩy vào buồng giam của nam chính là món đồ chơi mà bọn chúng thưởng cho đám tù nhân đã lâu không nhìn thấy đàn bà.
“Rầm” một tiếng, cửa buồng giam đóng lại, ngay sau lưng tôi. Đám tù nhân trong buồng ngẩng đầu lên, rồi lập túc đứng dậy, vây xung quanh tôi. “Các người định làm gì? Đừng lại gần!” Tôi lùi lại, thét lên trong tâm trạng hoảng sợ cực đô. Skija bị tịch thu rồi, tôi không còn vũ khí nào để chống cự nữa. Đám tù nhân phá lên cười, ngay trước mặt tôi là một gã người Sikh, ít nhất cũng phải năm mươi tuổi, nước miếng chảy ròng ròng từ khoé miệng.
“Nghe nói cô em rất đanh đá, đá đánh cho Hutu một trận tơi tả. Cô em hợp khẩu vị của ta đấy!” Một gã béo lùn bước ra khỏi đám đông, đứng cách tôi chưa đầy một mét, nói.
Lúc này, lưng tôi đã bị dính chặt vào song sắt.
Nhà tù cũng giống giới giang hồ hỗn loạn, luôn có kẻ thủ lĩnh. Tôi biết tên này, gã chính là J béo, đại ca của buồng giam này, cũng là một trong ba thế lực lớn của nhà tù Peshawar. J béo nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt dâm dãng, từ từ tiến đến. Tôi đã hết đường lùi, liền túm lấy một song sắt sau lưng, song sắt này đã bị hoen gì do thời gian, trở nên lỏng lẻo.
“Nếu em làm ta hài lòng, em sẽ không phải hầu hạ những kẻ khác.” J béo nói.
Tôi trừng mắt lườm gã ta, chậm rãi rút song sắt ra.
“Ái chà, em muốn dùng cái này làm vũ khí sao?” J béo nhìn thanh sắt dài chưa đầy hai mươi centimet trong tay tôi, cười khẩy, giễu cợt. “Lại đây, đánh mạnh vào, chỗ này này.” Vừa nói, hắn vừa chỉ vào hạ bộ của mình.
Tôi giơ cao thanh sắt lên, sẵn sàng tấn công. Mặt J béo thoáng vẻ do sự, đương nhiên gã đó biết rõ “chiến tích oai hùng” trong buồn giam nữ của tôi. “Lại đây!” Tôi khẽ nói bằng tiếng Urdu, sau đó là tiếng Pashtun. Đám tù nhân bắt đầu lưỡng lự, có tiếng xì xào khẽ vang lên, họ đang ghé tai nhau bàn luận. Ở đây toàn những tay già đời từng trải, biết trên thế giới này, có một loại người không nên dây vào, chính là người muốn sống, vì kẻ muốn sống chắc chắn sẽ giành được chiến thắng sau cùng.
Khoảng mấy chục giây sau, một gã đàn ông thân hình vạm vỡ nhảy ra. Tôi liếc nhìn gã ta, đột nhiên lại muốn khóc. Những lời vừa nói chẳng qua chỉ là phô trương thanh thế và tự an ủi mình thôi, tôi biết nếu thật sự phải đánh nhau thì tôi sẽ chết ở đây, nhưng nếu không đánh thì kết cục sẽ càng thê thảm
“Dừng tay!” Bỗng nhiên có người quát lớn. Gã tù nhân vãm vỡ ngỡ ngàng quay đầu lại. “Buông cô ấy ra!” Người đó lại quát lên. J béo có vẻ không vui, nói: “Hà hà...Wata, chuyện này không liên quan đến mày.”
“Bây giờ có liên quan rồi, được chưa hả?” Không biết Wata từ góc nào nhảy ra, đứng chắn trước mặt tôi. Anh ta đưa mắt nhìn quanh, lúc lắc cổ, vặn cổ tay, nói: “Các anh em, tôi đánh thay cô ấy, nếu tôi thắng thì các anh không được làm phiền cô ấy nữa, được không?”
Tôi lặng lẽ đứng sang bên cạnh, thật không thể chịu nổi mùi hôi bốc ra từ người anh ta.
“Mày muốn giúp cô ta ư?” J béo hỏi với ánh mắt dò xét kì quái.
“Phải.” Wata đáp rồi quay sang nói với tôi. “Cô gái…Xin lỗi, vừa rồi tôi không nhận ra cô.”
“Wata, tuy mày có ơn với tao, nhưng mày cũng biết quy định ở đây rồi đấy, mày mà làm thế, bọn cai ngục sẽ cho anh em ta ăn dủ.”
“Tao biết, tao có thể đánh những thằng cao to trước, sau đó đến mấy tay thuộc hạ nhãi nhép của mày, đến lúc không nhúc nhích được nữa thì thôi. Sau đó, mày hãy nói với bọn cai ngục là mày và các anh em đều thưởng thức rồi, được chứ?” Wata vẫn nói với vẻ bất cần.
“Không.” Anh ta trả lời rất thẳng thắn. “Nhưng ngoài Người ra, không còn ai muốn nghe tôi cầu nguyện.”
“Anh cầu nguyện điều gì vậy?”
“Cô sống sót ra khỏi tù.” Wata nghiêm nghị đáp.
Nếu anh ta chịu tắm gội sạch sẽ, chắc chắn sẽ là một người bạn lí tưởng. Vài ngày sau, Wata vội vã chạy tới hỏi tôi: “Abu, cô đã quyết định sẽ thực hiện kế hoạch A hay kế hoạch B chưa? Ngày mai, J béo và K sẽ đánh nhau?”
“Lần trước, anh nói mỗi bên có ba mươi người tham gia, đúng không?”
“Bây giờ chắc sẽ nhiều hơn một chút, thì sao?”
Tôi ngập ngừng nói: “Nếu ba mươi người này biến thành một trăm người, thậm chí vài trăm người thì sao? Tình hình liệu có mất kiểm soát không?”
“Có.” Wata gật đầu, đáp. Đúng như điều tôi mong muốn.
“Nhưng J béo không có đến cả trăm người.”
“Vậy thì nếu hắn ta đang đánh nhau thì sau lưng có hoả hoản, thiêu trụi tài sản của hắn ta thì sao? Hơn nữa, không chỉ có một trận hoả hoạn. Sẽ có bao nhiêu người bị cuốn vào trong đó? Hai trăm? Hay ba trăm?”
Anh ta nhìn chằm chằm, nói: “Vậy phải xem vụ hoả hoạn đó lớn tới mức nào?”
“Lửa rất lớn, tất cả mọi người đều sẽ hoảng loạn, tức giận. Tôi bảo đảm.”
“Khi đó, tất cả cai ngục sẽ phải dồn lại trấn áp tù nhân, không có ai giám sát xe chở phế liệu xây dựng nữa.” Anh ta khẽ tiếp lời.
“Phải. Ít nhất sẽ mất vài phút.”
“Cho nên, chúng ta sẽ thực hiện kế hoạch A?”
“Phải. Kế hoạch A: Vượt ngục.”
“Chúng ta có thể tranh thủ vài phút đó để trốn lên xe chở phế liệu.” Tôi nói mà gần như không cần suy nghĩ. Tất nhiên là kế hoạch này không thể chắc chắn trăm phần trăm, nhưng làm gì có kế hoạch vượt ngục nào mà lại khống có rủi ro chứ.
Đêm đó, tôi không sao chợp mắt. Wata quay sang nói: “Abu, cô đang run rẩy đấy.”
“Không sao. Ngày mai không run là được.” Tôi khẽ nói. Những hình ảnh trong quá khứ lần lượt hiện lên trong đầu tôi. Có lần, Lâm nói với tôi: “Mễ Lạp, nếu có chuyện xảy ra, hãy chạy về phía tôi.” Tôi ngu ngơ hỏi lại: “Anh sẽ giúp tôi ư?”, anh đáp: “Tôi không giúp cô thì ai sẽ giúp cô!” Tôi không sao nhớ nổi, anh nói với tôi những lời đó khi nào, ở đâu. Những kỉ niệm của chúng tôi đã phai nhạt nhiều kể từ ngày tôi bị nhốt vào tù, cứ như đã là chuyện từ kiếp trước.
Quá nửa đêm, tôi nhìn thấy một tù nhân ghét sát vào tai Wata, thì thầm gì đó. Chờ người đó đi khuất, tôi liền hỏi Wata có chuyện gì. Anh ta quay lại nói với tôi: “Đúng ba giờ ba mươi phút, cô phải đến chỗ toà tháp, lái xe đã đồng ý rằng sẽ ngồi trong buồng lái, bất luận thùng xe xảy ra chuyện gì cũng không xuống. Đúng ba giờ ba mươi lăm phút, anh ta sẽ khởi độn xe.” Toà tháp chính là nơi đang được sửa chữa.
“Lái xe sao?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
Wata trợn mắt, đáp: “Cô đừng tưởng chỉ cần đánh lạc hướng cai ngục là được, còn có lái xe nữa.”
Đúng vậy. Đây là lần hành động duy nhất mà tôi có, nếu không thành công, chí có nước chết. Tôi hồi hộp đến độ tưởng như nghẹt thở. Không lâu sau, tiếng chuông báo thức vang vọng khắp trại giam, như một làn sóng xung kích, len lỏi vào từng xó xỉnh. Hôm nay, tôi hoặc là chết ở đây, hoặc là thoát được ra ngoài.
Đặt chiếc bánh mới ăn một miếng nhỏ xuống, tôi vừa định đứng dậy đã nhìn thấy một đám cai ngục đi tới, số lượng đông đảo gấp đôi với bình thường, tên nào tên nấy quần áo chỉnh tề, dùi cui sáng loáng. Trong số đó có cả Hutu. Hắn đã quay về.
Hutu mở cửa nhà giam, hét lên: “Xử lí sạch sẽ thuốc phiện, dao và dụng cụ kích dục! Sau đó, im lặng xếp hàng!”
Trán tôi lấm tấm mồ hôi hột. Bọn chúng phát hiện ra rồi sao?
Wata đứng bên cạnh khẽ nói: “Suỵt! Bình tĩnh!”
Đám tù nhân chần chừ nhìn nhau, sau đó cùng nhìn về phía J béo. Để chuẩn bị cho cuộc ẩu đả sắp diễn ra, gần đây đám thuộc hạ của hắn đã thu thập khá nhiều dao rựa làm vũ khí. J béo định khiêu khích K khi ra ngoài hóng gió, vẫn còn lâu mới tới giờ.
Đám cai ngục bắt đầu mất kiên nhẫn, giục: “Sao thế? Mau làm đi!”
J béo khẽ gật đầu, đám thuộc hạ bắt đầu thu dọn phòng một cách chậm rãi, số còn lại tự động xếp thành hàng trước song sắt. Buồng giam bên cạnh cũng vang lên những tiếng động hỗn loạn, chắclà cũng bị khám xét.
Là nhà tù có quy mô lớn nhất ở Pakistan và Afghanistan, mỗi tháng đều có không ít nhà lãnh đạo đại diện cho các thế lực đến thăm trại giam Peshawar. Tất cả cai ngục và tù nhân cũ đều biết đây chẳng qua chỉ là một màn kịch nhằm che mắt nhà cầm quyền, chỉ cần dọn dẹp sạch sẽ buồng giam, ngoan ngoãn, biết điều một chút thì cơm nước hôm đó cũng sẽ khá khẩm hơn. Trước kia, mỗi khi có người tới thăm, đám cai ngục đều đánh tiếng trước, không hiểu sao lần này lại không nói gì. Tôi để ý hình như Hutu liếc nhìn tôi mấy lần bằng ánh mắt u ám, dù tự nhủ là không được phép sợ hãi nhưng lòng bàn tay tôi vẫn bất giác ướt đẫm mồ hôi.
“Liệu có phải có người để lộ tin tức không?” Tôi len lén hỏi Wata.
Wata vừa mới nói một tiếng: “Tôi…” thì cai ngục đã gầm lên: “Không được nói chuyện.”
Ngay sau tiếng quát, một đoàn người từ đầu kia hành lang tiến vào, người đi đầu là Darla, giám ngục trưởng của nhà tù Peshawar, theo sau là một người đàn ông trung niên, mấy người thanh niên đầu quấn khăn và đám cai ngục bám đuôi họ. Họ nhìn vào từng phòng giam một.
Đột nhiên Wata trợn tròn mắt, nhìn chằm chằm vào người đàn ông trung niên, khẽ nói: “Ahmed!”
“Ai cơ?” Tôi tò mò.
“Ahmed Mufti, một trong những nhà lãnh đạo được tôn kính nhất dưới ngọn cờ Massoud của Liên minh Phương Bắc, cũng là người cai quản tỉnh biên giới phía tây bắc của Pakistan.”
“Liên minh Phương Bắc? Ông ta tới nhà giam này làm gì?”
Wata chưa kịp trả lời thì tôi đã nghe thấy lời giới thiệu của Darla với đám người kia: “Đây là buồng giam tù nhân nam của chúng tôi, hơi chật chội, do gần đây kinh phí eo hẹp nên chúng tôi chưa thể mở rộng trại giam.” Anh ta vừa nói vừa xoa hai tay vào nhau, dáng vẻ khúm núm.
Nhất định là đã có chuyện gì đó bất thường xảy ra, tôi sợ kế hoạch đào tẩu của mình không thể diễn ra theo đúng kế hoạch, mồ hôi bất giác ướt đẫm cả trán. Khi đoàn người tiến đến gần chỗ tôi, một trong số những thanh niên đi theo Ahmed đột nhiên quay sang nói với Darla: “Ngoài việc thăm buồng giam tù nhân nam, chúng tôi cũng hi vọng được nói chuyện một cách công khai và thân thiện với từng tù nhân nữ.” Giọng nói của anh ta rất nhã nhặn, mượt mà, mang âm sắc tiếng Urdu cổ mà bây giờ rất ít người biết đến. Vào giây phút nghe thấy giọng nói của anh ta, tôi choáng váng đến mức gần như khuỵu xuống.
Darla do dự nói: “Tôi đã bảo người chuẩn bị trà và điểm tâm rồi, việc này…” Nói rồi, anh ta liếc nhìn Ahmed, chưa có nhà cầm quyền nào ở Pakistan đề nghị thăm buồng giam nữ cả vì nó rất không phù hợp với quan điểm của đạo Hồi. Mặt Ahmed sa sầm nhưng ông ta vẫn cứ khẽ gật đầu vẻ nhã nhặn.
Những đốt ngón tay nắm chặt song sắt của tôi trở nên trắng toát.
“Sao bọn họ vẫn chưa đi nhỉ?” Wata sốt ruột hỏi. Bình thường, khách đến chỉ thăm hỏi qua loa rồi đi, nhưng đoàn người này thì cứ đứng lì ở đây, không hề có ý định trở ra. Thời gian chầm chậm trôi đi, tiếng ồn ào bắt đầu vang lên từ những buồng giam xung quanh.
“Hình như bọn họ đang tranh luận.” Wata vừa bám vào chấn song, cổ rướn người nhìn về phía buồng giam bên cạnh, vừa nói. Lập tức, những tù nhân khác trong phòng cũng bắt chước anh ta. Vì thấp bé nên tôi bị đẩy về một góc buồng giam, trên đầu là vô số cánh tay của các tù nhân khác. Tình hình bắt đầu trở nên lộn xộn.
Người thanh niên vừa mới nói chuyện với Darla đột nhiên quay người lại, liếc ánh mắt sắc như da qua đám tù nhân đang náo loạn phía sau song sắt. Bắt gặp ánh mắt đó, đám tù nhân lập tức im thin thít.
Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy đôi mắt đó. Trong đôi mắt ấy, tôi đã từng nhìn thấy bầu trời sao lấp lánh, từng nhìn thấy nụ cười dí dỏm và mãn nguyện, từng nhìn thấy gương mặt rạng rỡ, hạnh phúc của một cô gái. Nhưng hôm nay, ánh mắt đó lại toát ra vẻ lạnh lùng và u ám, nổi bật trên gương mặt hốc hác, cau có. Người đàn ông mặc chiếc Shalwar kameez đứng trước mặt tôi đây đã trở nên xa lạ như thể anh ta ở một thế giới mà tôi không chạm tới được. Ánh mắt của anh ta lướt qua J béo, Wata, rồi lướt qua tôi, sau đó thu về. Rồi anh ta quay người, cùng Darla đi ra khỏi trại giam.
Tôi cố gắng kìm nén để không bật khóc và gục ngã, trái tim khó khăn lắm mới trở nên kiên cường hơn lại bị một mũi dao sắc nhọn đâm vào. Lâm không nhận ra tôi! Phải chăng vì gương mặt tôi đã thay đổi quá nhiều?