Côn Luân
Chương 57 : Cựu ái nan mẫn
Ngày đăng: 20:59 22/04/20
Nghe mấy chữ “giam cầm hành hạ”, Lương Tiêu không khỏi xao động, cố gắng lắm mới giữ được giọng bình thản:
- Ngươi định giở trò quỷ gì đây?
Hàn Ngưng Tử lui nửa bước đề phòng gã tập kích, cười hí hí:
- Không tin thì thôi, việc gì phải giở bộ dạng ngáo ộp ấy ra mà nạt
người? Muốn giết ta à, được lắm! Ta mà chết, ngươi cũng đừng hòng dò
biết Liễu Oanh Oanh ở chốn nào.
Lương Tiêu nghẹn họng, nín lặng hồi lâu rồi lạnh lùng đáp:
- Ở chốn nào cũng chẳng dính dấp gì tới ta! Ngươi đem những lời ấy mà nhả vào tai Vân Thù.
Hàn Ngưng Tử phì cười:
- Ngươi nhỏ nhen đến mức đáng ngạc nhiên. Tội nghiệp Oanh Oanh ôm mối si
tâm mà cuối cùng phải chịu cảnh bẽ bàng thế này! – Nói đoạn, thị rũ tay
áo bỏ đi.
Lương Tiêu nóng nảy vỗ bàn quát:
- Hàn Ngưng Tử, ngươi mau nói cho rõ ràng, bằng không hãy bỏ cái đầu lại đây!
Hàn thị duyên dáng xoay mình lại:
- Ta chẳng hơi đâu bận tâm đến những ân oán của các ngươi, nhưng thôi, nể mối si tình của Liễu Oanh Oanh, ta cũng kể sơ qua cho ngươi nắm được sự việc. Một năm trước đây, Oanh Oanh bị Sở Tiên Lưu bắt, giam cầm trong
Thiên Hương sơn trang trên núi Cửu Hoa. Chuyện sau thế nào thì ta không
tường, có điều, con người khả ái mỹ miều nhường ấy mà rơi vào tay quân
háo sắc già đời thế kia, chỉ e… – Nhận ra mắt Lương Tiêu rực lên từng
hồi, Hàn Ngưng Tử ngừng lời, cười giòn cất bước, thong thả đi ra khỏi
quán.
Lương Tiêu trừng trừng nhìn theo cho đến khi cái dáng yểu
điệu ấy biến mất, mặt mỗi lúc một trắng bệch, mồ hôi rịn dần thành những hạt to rồi lộp độp nhỏ xuống. Hiểu Sương không rõ Hàn Ngưng Tử đề cập
đến chuyện gì, song cũng đoán được những điều thị nói hết sức quan trọng đối với Lương Tiêu. Trông gã thần tình hoảng hốt, người cứng như hóa
đá, cô lo lắng hỏi:
- Tiêu ca ca, huynh không sao chứ?
Lương Tiêu ậm ừ, móc trong túi ra một xâu tiền quẳng cho tiểu nhị, không đợi
hắn trả tiền thừa đã vội vã bước ra cửa. Hiểu Sương luống cuống dắt lừa, gọi Hoa Sinh đi theo.
Lương Tiêu bước vùn vụt như gió, men rìa
sông chạy một mạch về phía tây. Thình lình gã dừng bước, nặng nề ngồi
xuống bờ đê, thất thần nhìn sóng nước Hoàng Hà cuồn cuộn. Hiểu Sương
thắc mắc vô cùng nhưng không tiện quấy nhiễu tâm tư gã, bèn giữ Hoa Sinh ngồi mãi đằng xa quan sát. Trước khi rời quán, Hoa Sinh đã nhanh tay vơ hết thịt bò bánh bao còn thừa nhét vào đãy riêng, bây giờ lấy ra sung
sướng thưởng thức, chẳng hơi đâu lên tiếng làm phiền bụng ai.
Lương Tiêu thẫn thờ ngồi nhìn dòng sông đến nửa canh giờ mới đứng dậy, ngó Hiểu Sương với ánh mắt do dự, ngập ngừng bảo:
- Có khi ta phải xuống nam một chuyến, muội chịu khó đi cùng ta nhé!
Hiểu Sương đáp ngay:
- Huynh khách sáo thế! Bất kể nam hay bắc, huynh đi đâu thì muội đi đấy.
Suy cho cùng, đối với một đại phu, chữa bệnh ở miền nào cũng như nhau cả thôi.
Lương Tiêu lặng người: “Huynh đi đâu thì muội đi đấy?”. Gã lẩm nhẩm câu ấy mấy lượt, khóe miệng nhếch thành một nét cười thê thảm. Hiểu Sương nghi ngại:
- Huynh làm sao thế?
Lương Tiêu thở dài buồn bã:
- Trước đây có một người cũng nói với ta câu này, ta đã đồng ý, tiếc rằng người ấy thực hiện được mà ta thì… thất hứa.
Mắt gã nhòe đi vì đau đớn. Hiểu Sương bỗng nghe lòng chua xót lạ lùng, buột miệng hỏi:
- Người ấy… là ai?
Lương Tiêu trừng trừng nhìn cô, chợt buông thõng một câu:
- Ta là một kẻ sống thừa khốn nạn, muội đi cùng ta, chỉ tổ vấy bẩn vào thân.
Hiểu Sương sững sờ, run rẩy nói:
- Vì sao huynh lại thốt ra những lời không đâu vào đâu như vậy? Muội…
không muốn nghe. – Cô nghẹn lời, hàng mi mỏng manh chớp nhẹ, hai giọt
nước mắt ứa ra.
Lương Tiêu định khuyên Hiểu Sương quay về nhà,
nhưng trông thấy cô rơi lệ, bao câu chực nói đều tắc ứ. Gã buồn buồn thở dài, lau mặt cho cô:
- Thôi, ta không nói thế nữa.
Ở đằng kia, Hoa Sinh ngừng nhai bánh bao nhân thịt, trố mắt ngó hai người.
Hiểu Sương nín khóc, nhớ ra còn có chú ta nên đâm ngượng, lảng sang
chuyện khác:
- Khởi hành thôi huynh!
Lương Tiêu gật đầu, đỡ cô lên lừa rồi dắt dây cương đi trước, Hoa Sinh cõng tay nải theo sau, cùng tiến về phương nam.
Trên đường đi, Lương Tiêu rất hiếm khi mở lời, những lúc rảnh rỗi chỉ lo
luyện quyền luyện kiếm. Hiểu Sương không đoán được gã đang nghĩ gì, lòng buồn khôn tả, đành tìm khuây trong y thư. Hai người giữ mãi thái độ
trầm mặc, Hoa Sinh chẳng biết trò chuyện cùng ai nên cũng ngậm câm, may
thay bản tính chú ta đơn giản, hễ có rượu thịt bầu bạn là đủ hài lòng.
Đi được mấy ngày, họ vượt qua sông Trường Giang tiến vào địa giới An Huy.
Giờ ngọ hôm ấy, ba người tới một quán trọ dùng cơm. Đúng lúc họ ngồi
xuống, có tiếng vó ngựa dừng phắt ngoài cửa, rồi tiếng kỵ sĩ vang rền:
- Tiểu nhị! Lấy hai cân rượu và mười cân thịt bò, mau mang lên đây, các gia gia còn bận nhiều việc!
Lương Tiêu nghe giọng khàn đặc rất quen tai, chưa đoán ra ai thì một giọng khác đã tiếp luôn:
- Lôi Chấn lão đệ, cứ từ từ, con nữ tặc đó như cua bò trong giỏ, không chạy thoát được đâu!
Lương Tiêu sực nhận ra, người thứ hai chính là Cửu đầu ngoan Bạch Tam Nguyên. “Con nữ tặc” mà lão nhắc đến ắt hẳn là Liễu Oanh Oanh. Gã hồi hộp lắng
tai nghe tiếp.
Lôi Chấn ngồi đánh ình xuống ghế, làu bàu tức giận:
- Lần này mọi người phải đồng tâm hiệp lực buộc Sở lão nhi giao con ranh
ấy ra. Đẹp mặt thật, già khú đế mà còn chơi trống bỏi, ôm khư khư con
tiểu dâm phụ không buông. Ai cho phép thế?
Bạch Tam Nguyên vỗ đùi đánh đét, hằn học phụ họa:
- Đúng! Con tiện nhân ấy đã giết ái tử của ta, lại gây ra bao nhiêu vụ
tày trời, đâu thể dễ dàng bỏ qua cho ả được! Cũng may là Lôi lão đệ đến
báo để Bạch mỗ có cơ rửa hận. Bất luận ra sao, hôm nay nhất định ép Sở
Tiên Lưu phải giao người. Không mổ bụng moi gan con khốn đó để tế vong
hồn hài nhi thì Bạch Tam Nguyên này là đồ chó đẻ!
Hai tên thi
nhau rủa xả, càng lúc càng chướng tai tục tĩu, lăng nhục Liễu Oanh Oanh
bằng đủ mọi lời bẩn thỉu. Chửi bới đã đời cũng vừa xong bữa, họ bèn lấy
giấy dầu bọc phần thịt thừa, gọi thêm một bầu rượu nóng rồi tính tiền ra đi.
Ngựa phi khi nhanh khi chậm, dần dần, cây cối hai bên đường
dày rậm hơn lên. Giữa vùng hoa đỏ lá xanh thấp thoáng nhiều mái ngói
cong vút, vòng qua một vạt rừng, trước mặt họ mở ra một miền lá hoa bát
ngát diễm lệ vô song. Miền lá hoa ấy ôm trọn một sơn trang rộng lớn,
tường trắng ngói xanh xinh đẹp rỡ ràng. Lôi Chấn vung roi trỏ:
- Bạch huynh, đó chính là Thiên Hương sơn trang!
Bạch Tam Nguyên nhìn lên nhìn xuống, bốn bề xung quanh toàn những đóa hoa
sặc sỡ, đình đài lầu các hết sức huy hoàng, lão không nén nổi một điệu
cười ghen ghét:
- Tên khốn họ Sở cũng biết cách hưởng thụ lắm!
Vó ngựa đưa họ đến cổng trang. Trên bãi trống trước lối vào đang có hai
tốp người đứng đối mặt nhau, ai nấy râu tóc dựng ngược, thái độ sừng sộ
như sắp xô xát tới nơi. Trông thấy bọn Lôi Chấn, nhóm người đứng mé nam
reo to:
- Lôi Đại lang, đến đúng lúc lắm!
Lôi Chấn nhảy xuống ngựa, vòng tay chào hỏi rồi bẩm với Lôi Hành Không:
- Trình cha, con và Bạch tiền bối bị lỡ bước trên đường nên đến muộn!
- Hắn biết Liễu Oanh Oanh đang bị giam cầm ở sơn trang này chứ?
Hà Tung Dương nhướng mày nghĩ bụng: “Vân đại hiệp không biết, nhưng dẫu có biết, lẽ nào lại đi câu kết với con nữ tặc kia? Đồ chó Thát lòng lang
dạ sói, rắp tâm làm vấy bẩn danh dự của Vân đại hiệp. Lão tử đâu thể để
ngươi vênh vang đắc thắng!”. Hắn cứng rắn đáp:
- Cố nhiên là biết chứ, Vân đại hiệp còn khẳng định với Hà mỗ, con nữ tặc ấy sống hay chết đều chẳng liên quan đến đại hiệp.
- Hắn nói thế thật?
Hà Tung Dương thét to:
- Hoàn toàn thật!
Những người có mặt nghe xong câu ấy đều hò la khen ngợi. Lương Tiêu đanh mặt
nghĩ ngợi hồi lâu, chợt bật cười. Cười dứt, gã điềm tĩnh bảo Hà Tung
Dương:
- Hôm nay ta hẵng tạm lưu tính mạng của ngươi ở đấy. Về gặp Vân Thù chuyển lời này: Lương Tiêu rất khinh hắn.
Hà Tung Dương cười mũi không trả lời, bụng bảo dạ: “Vân đại hiệp là người
thế nào, đồ chó Thát nhà ngươi lấy đâu ra tư cách đánh giá?”.
Lương Tiêu nghĩ ngợi rất lung, sắc mặt lúc tươi tỉnh lúc u ám. Thình lình gã hít một hơi dài, giọng quyết đoán:
- Được, Vân Thù đã không cứu thì Lương Tiêu này cứu vậy. – Ngừng một lát, gã bỗng gọi to. – Sở Tiên Lưu, vãn bối Lương Tiêu cầu kiến!
Tiếng gọi ngân dài rền như sấm động, vang rộng khắp sơn trang. Một lát sau
mới có tiếng vọng âm âm vẳng lại. Ai nghe cũng khiếp đảm.
Tiếng
gọi dứt, Thiên Hương sơn trang vẫn tịnh không lời đáp. Lương Tiêu cau
mặt, sải bước tiến lại phía cổng. Sở Cung lắc mình chặn đường, giọng
lạnh lùng:
- Khoan đã! Ngươi vừa nói năng huênh hoang xem thường Phần hương kiếm thuật, phải không?
- Đúng thế, Phần hương kiếm thuật chẳng qua cũng chỉ đến thế mà thôi!
Sở Cung trừng mắt, vung kiếm đâm thẳng tới. Lương Tiêu hất kiếm tre ra
vạch khẽ, đè lên sống kiếm Sở Cung. Đường kiếm này thấm nhuần tâm pháp
của Đoài kiếm đạo, quẻ Đoài tượng trưng cho đầm lầy, một trong những yếu lĩnh của nó là nội kình sinh ra lực dính, phong tỏa binh khí của đối
phương. Thanh kiếm thép của Sở Cung hệt như bị hút chặt vào bùn quánh,
không thể phát lực được nữa. Hắn kinh hoàng giật mạnh kiếm về. Lương
Tiêu khoa chân bước tới, kiếm tre áp sát thân kiếm Sở Cung, tiến cùng
tiến, lui cùng lui. Hai bên di chuyển như gió. Dù lướt ra xa đến mấy
trượng, Sở Cung vẫn không tài nào giằng nổi kiếm về. Hắn bỗng nhớ ra,
năm xưa Vân Thù đã từng dùng kiếm pháp lạ lùng này để đè nghiến thân
kiếm của mình, bất giác tim đập loạn lên.
Thấy huynh trưởng bị áp chế trước mặt bao nhiêu người, ảnh hưởng đến thanh uy hơn trăm năm nay
của gia tộc, lại nhớ rằng chính bản thân mình vừa rồi cũng bị sỉ nhục,
Sở Vũ nổi mối căm hờn, phi thân tới, múa kiếm vun vút đâm vào bẹ sườn gã thiếu niên. Lương Tiêu nhún chân quay khẽ, kiếm tre xoay ngang giật Sở
Cung ngã dúi, đoạn đâm mạnh vào mũi kiếm của Sở Vũ. Sở Vũ bàng hoàng,
kiếm mới đi nửa đường đã biến chiêu, cố gắng đẩy chếch nó xuống chừng
bốn tấc, vừa khéo đỡ ngay bên dưới lưỡi kiếm của Sở Cung. Lương Tiêu đã
đoán được nước này từ trước, lập tức chém mạnh kiếm tre xuống, sau một
tiếng “cạch” gọn ghẽ, kiếm tre lại hút dính kiếm thép của Sở Vũ.
Huynh muội họ Sở có danh chung là Thiên Hương song kiếm, uy thế lẫy lừng suốt ba mươi năm qua, hôm nay lại bị một kẻ hậu sinh tiểu bối dùng kiếm tre
kiềm chế đến nỗi không động đậy gì được, không chỉ bọn họ mà cả đám hào
kiệt vây quanh đều kinh hoàng táng đởm. Đúng khoảnh khắc lúng túng ấy,
đằng cổng bỗng vẳng ra tiếng lanh lảnh:
- Cha! Vân hoành Tần lĩnh! Cô cô! Hương lan hàm tiếu, Xuân thủy doanh doanh!
Tục ngữ nói: Có bệnh vái tứ phương. Huynh muội họ Sở nghe lời nhắc là lập
tức thực hiện, chẳng buồn cân nhắc liệu có kiến hiệu hay không. Sở Cung
xuất kiếm theo chiêu thế Vân hoành Tần lĩnh, thân hình hơi xoay đi,
trường kiếm chứa cương kình thần tốc quét ngang. Mũi kiếm của Sở Vũ lay
nhẹ tựa hoa lan bừng nở, chính là chiêu thế Hương lan hàm tiếu. Lương
Tiêu cảm thấy hai thanh kiếm sắp nhảy thoát, bèn dồn lực đè xuống. Sở Vũ liền uốn nhẹ hông như sóng gợn, chuyển động của hông lan lên vai, từ
vai lan xuống tay, từ tay lan ra kiếm, kình lực trên kiếm chỉ trong nháy mắt chuyển biến ba lần, cùng lúc ấy, hổ khẩu Lương Tiêu cũng nóng ran,
kiếm tre oằn lại.
Hiểu rằng kiếm tre sẽ gãy nếu tiếp tục ngạnh
đấu, Lương Tiêu vội giảm nội kình. Sở gia huynh muội bắt đúng khoảnh
khắc áp lực tiêu biến để thu binh khí về. Tiếng reo hò khen ngợi vang
lên rộn ràng xung quanh.
Lương Tiêu liếc mắt về phía cổng. Một thiếu nữ áo lam yểu điệu đang đứng yên ở đó, gã thiếu niên giật mình hỏi:
- Ngươi đấy à?
Cô gái chính là Sở Uyển, khuôn mặt vẫn thanh tú kiều diễm như xưa, chỉ
khác là đôi mắt trong sáng giờ vương vất nét sầu. Lương Tiêu đang định
hỏi cô ta tin tức của Triệu Thị và Triệu Bính, Sở Uyển đã nhẹ nhàng nói
trước:
- Tam thúc công vừa ngủ trưa dậy, sai ta ra mời các vị vào trang xơi nước!
Lương Tiêu đành nén lại những lời muốn hỏi đang đầy ứ lên trong miệng, giắt
kiếm tre vào hông sải bước đến cửa. Huynh muội họ Sở tự biết không ngăn
nổi gã, đành tránh sang hai bên. Đám hào kiệt đều có mục đích riêng,
cũng ào ào xông vào. Cả bọn đi theo con đường nhỏ lát đá xanh, bốn bề
hoa tươi nở rộ: trái rập rờn tường vi, phải rung rinh thục quỳ; mé đông
tiễn xuân la, bờ tây mãn địa kiều; rào trước thập tường cẩm, giậu sau mỹ nhân anh; chấp chới khắp vườn muôn vẻ tía, trĩu trịt quanh cành vạn ánh hồng. Quang cảnh rạng ngời chan chứa mắt nhìn, hương thơm nồng nàn thấm vào phế phủ mọi người khiến tâm hồn mở rộng, thái độ hùng hổ hiếu
chiến cũng dịu bớt.
Đi thêm hai dặm là hết con đường, phía trước
vẳng tới tiếng nước chảy róc rách, một dòng suối xanh như ngọc bích luồn ra giữa những khe đá chen hoa trắng, bên trên là cây cầu gỗ lượn vòng
xuống bờ bên kia. Nơi ấy cây lá la đà lả bóng quanh một ngôi tiểu đình
bát giác mái vòm sơ sài, kèo cột cong queo, gỗ tùng làm xà còn chưa lột
sạch vỏ, vẫn lởm chởm vẩy nâu.
Lương Tiêu đặt chân lên cầu, nghe thấy đầu bên kia có người khề khà ngâm:
Đời vốn như chiêm bao,
Cần chi hoài vất vả,
Tối ngày rượu nghiêng ngả,
Ngủ quên bên thềm nhà.
Tỉnh lại ngắm vườn hoa,
Oanh ríu ran đâu đó,
Nghe dịu thơm trong gió,
Phải chăng xuân đã về? [2]
- Chua loét, nghe chán cả tai!
Giọng một cô gái thình lình cắt ngang bài thơ. Cũng cái giọng lảnh lót ấy
khiến tim Lương Tiêu gần như ngừng đập, bước chân chợt đông cứng.
Người ngâm thơ cười ngất, tiếng cười vang lên hào sảng:
- Mọi việc Sở mỗ làm đều chua, còn cái tên Lương Tiêu, đánh rắm chắc cũng ngọt.
Cô gái gay gắt:
- Chỉ nói nhăng!
Tim đập thình thịch, Lương Tiêu vén hoa rẽ liễu chậm rãi đi qua cầu. Sở
Tiên Lưu đang bó gối ngồi trên tảng đá trước đình, vẻ uể oải biếng nhác, tay cầm chén rượu nhìn ra xa. Gần đó là một thiếu nữ áo lục đứng quay
lưng lại phía cầu, hai tay bịt tai, vai so cổ rụt, tựa hồ giận dữ chưa
nguôi.
Chuyện đã qua trở nên xa xăm như xảy ra tự kiếp nào. Lương Tiêu nhìn từ phía sau cô gái, định nhấc bước mà chân nặng trĩu, định
cất tiếng mà họng nghẹn ngào. Người con gái nghe động cũng quay mình
lại, gương mặt tuyệt thế làm không gian bừng sáng, hoa lá xung quanh
bỗng nhạt hẳn màu. Nàng xoáy ánh mắt khắp người Lương Tiêu, toàn thân
chấn động, vẻ mặt choáng váng, đoạn nàng thốt khẽ, nhào vào lòng gã như
én nhỏ tìm ra đường về tổ. Hiểu Sương đứng ngay phía sau, trông thấy
cảnh đó không khỏi sửng sốt, hai mắt mở to bàng hoàng.
[1] Tình cũ khó quên.
[2] Trích bài thơ Xuân nhật túy khởi ngôn chí (Nói khi tỉnh rượu ngày xuân) của Lý Bạch.