Côn Luân
Chương 9 : Tuyết vũ Phượng tường
Ngày đăng: 20:57 22/04/20
Hôm ấy họ vượt qua một cái lạch trên sông Trường Giang, tiến vào địa phận Hồ Bắc. Văn Tĩnh nhận ra thuyền nhà binh cắm đầy mặt sông, lại gặp rất nhiều nhân vật giang hồ cắp đao mang giáo. Y để tâm nghe ngóng mới biết sau khi Mông Ca chết, Hốt Tất Liệt đánh bại ấu đệ A Lí Bất Ca, đoạt lấy tước hãn Mông Cổ, đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, đóng đô ở Bắc Kinh đã mấy năm rồi. Gần đây, theo kế sách của hàng tướng nhà Tống là Lưu Chỉnh, ông ta sai bỏ đại doanh ở Lục Bàn sơn, di chuyển quân đội từ Ba Thục đến Tương Phàn2. Quân Tống đóng ở Tương Phàn liên tiếp cấp báo về triều, sau đấy, không chỉ triều đình rầm rộ tăng binh mà Môn chủ Thần Ưng môn là Thiên nhãn Điêu vương Vân Vạn Trình cũng phát thiếp võ lâm, hiệu triệu giang hồ lập “Quần Anh minh” chiêu tập nghĩa quân chống giặc.
Văn Tĩnh hiểu ra nguyên do của sự nhộn nhịp ấy, ngẫm nghĩ: “Thục đạo hiểm trở, thuận lợi về địa thế. Tương Phàn bằng phẳng rộng rãi, chính là chỗ tung hoành của thiết kỵ Mông Cổ. Lưu Chỉnh xuất thân thủy quân Đại Tống, tinh thông thủy chiến, hắn theo bên kia đã mười năm, Mông Cổ ngày nay nói riêng thủy sư thì chưa biết thế nào, song nếu họ kết hợp cả hai đường thủy bộ thì quân mình khó bề chống đỡ …” Lại nghĩ sắp đánh nhau to, sinh linh lầm than, Văn Tĩnh đâm ra buồn bã. Trong khi đó mẹ con Ngọc Linh chỉ náo nức những chuyện ồn ã, nằng nặc đòi đi xem Quần Anh minh bằng được.
Từ sau trận Hợp Châu, Văn Tĩnh đã phát ốm lên vì nợ nước thù nhà, chẳng hứng thú đâu mà bận tâm đến cái đại hội ấy, huống hồ ở đó đông người lắm tai mắt, ngộ nhỡ gặp phải người quen đất Thục thì rắc rối to, nên thoạt tiên y kiên quyết phản đối, song chống đỡ được hai hôm, không chịu nổi vợ con eo sèo, cuối cùng y đành đồng ý đi xem, nhưng định rõ quy tắc: chỉ được quan sát, không được sinh sự. Hai mẹ con hớn hở hứa hẹn, nhưng Lương Tiêu bản tính khó sửa, chưa được một ngày đã xô xát với hai đạo sĩ.
Lúc này thấy con trai gây vạ còn chối bay chối biến, Văn Tĩnh rất bực, song nhận ra hai đạo sĩ cũng chẳng phải hạng tử tế gì, bị Lương Tiêu chọc ghẹo kể như ác giả ác báo mà thôi, nên y không nói không rằng, chỉ lãnh đạm quan sát.
Đạo sĩ mặt trắng hơi lúng túng, liếc nhìn vợ chồng Văn Tĩnh, hừ mũi:
- Được lắm! Các người dám vô lễ với đạo gia, vậy hãy báo tên hiệu, đạo gia sẽ ghi nợ.
Văn Tĩnh còn cân nhắc xem nên trả lời thế nào, Lương Tiêu đã cười đáp:
- Cha ta tên Triển Thích, mẹ ta tên Cát Nữu, còn tên ta là Bích Tử.
Văn Tĩnh ngạc nhiên nghĩ bụng, thằng nhóc lộn xộn quá, nói cái quái gì thế không biết? Đạo sĩ mặt trắng lặp lại:
- Triển Thích, Cát Nữu, Tị Tử3, hừm, cái tên này thì hơi kỳ cục …
Lương Tiêu cười nói:
- Có gì đâu mà kỳ cục, tại ngươi là một lão mũi trâu đó thôi.
Mọi người ngẩn ra, rồi phá lên cười khoái trá. Đạo sĩ mặt đen mắc lỡm, trừng mắt quát:
- Đồ lộn giống…
Ngọc Linh từ từ đứng dậy, hỏi:
- Tên mũi trâu, ngươi chửi ai đấy?
Dung mạo nàng cực đẹp, nhưng ánh mắt thì sắc lạnh vô cùng, đạo sĩ mặt trắng cảm thấy bất ổn, cung tay nói lớn:
- Non nước còn đây, ngày sau tất có dịp tái ngộ ba vị. – nói đoạn, hắn kéo sư đệ chạy vù ra cửa.
Văn Tĩnh quay lại giải huyệt cho La Tùng, nhìn sang Hàn Tranh đã cứng miệng, hôn mê bất tỉnh, y bất giác cau mày:
- Vị nhân huynh này bị thương nặng đấy!
La Tùng hậm hực:
- Tên đạo sĩ khốn kiếp xuất cước thực tàn độc… - cùng với lời nói, khuôn mặt y đổi ra ảm đạm vô cùng.
Văn Tĩnh chìa tay về phía Ngọc Linh. Phu phụ tâm đầu ý hợp, Ngọc Linh hiểu ngay, lườm chồng bảo:
- Lại muốn làm người tốt nữa kia… - miệng thì lầu bầu vậy, song nàng vẫn lấy ra một bình ngọc mỡ dê, đổ hai viên Huyết Ngọc Hoàn Dương đan vào tay Văn Tĩnh.
Văn Tĩnh ấn huyệt Đản trung của Hàn Tranh, đẩy Hạo nhiên chính khí sang. Họng Hàn Tranh phát ra tiếng lục khục, rồi y kêu “A!”, hàm mềm đi, Văn Tĩnh tống một viên đan dược vào, lại dùng nội lực đánh tan thuốc. Chừng thời gian cạn một tuần trà, sắc mặt Hàn Tranh hồng lên, gã từ từ mở mắt.
La Tùng mừng rỡ vô kể, đang định tạ ơn, chợt thấy hai bóng người lướt vào quán. Người đi đầu cất tiếng gọi:
- Hàn lão đệ!
Hàn Tranh vừa hân hoan vừa ngạc nhiên, bất chấp thương tích gắng gượng nhổm dậy đáp:
- Cận Phi huynh! – rồi nhìn ra mé sau Cận Phi, y càng hớn hở, - Vân công tử cũng đến ư?
Cận Phi tuổi ước ba mươi, mặt chữ điền, vai rộng tay dài, khí phách hùng dũng. Vị tiểu hậu chủ sau lưng y xem ra chưa đến mười lăm, dung mạo anh tuấn, nghe Hàn Tranh gọi, khuôn mặt trắng trẻo hơi đỏ lên, cậu thẹn thùng đáp:
- Hàn đại ca, lâu quá rồi không gặp!
Cấn Phi nhìn sắc mặt nhợt nhạt của Hàn Tranh, ngạc nhiên hỏi:
- Hàn lão đệ, ai làm đệ bị thương vậy?
Hàn Tranh nhớ lại chuyện lúc trước, vừa thẹn vừa căm, đập chân nói:
- Con mẹ nó, thằng mọi mũi trâu chết băm chết vằm!
Gã vừa bị thương bất tỉnh, giờ lại chửi người ta đâu ra đấy, làn hơi sung mãn, chính gã chưa cảm thấy lạ, nhưng La Tùng thì hết sức kinh ngạc, liếc Văn Tĩnh tự nhủ:
- Đan dược của người này thật thần kỳ.
Cận Phi nhướng đôi mày rậm:
- Thằng mọi mũi trâu? Ý Hàn đệ nói đến một đạo sĩ mặt đen?
Hàn Tranh kinh ngạc:
- Sao kia? Cận Phi huynh cũng chạm mặt tên đó rồi?
Cận Phi lắc đầu:
- Tôi đang vâng mệnh sư phụ tìm bắt hắn. Đạo sĩ mặt đen ấy đi lẫn với vài đứa tùng đảng khác, nhưng được cái dễ nhận diện. Trên đường lên bắc, hắn đã đánh bị thương nhiều đồng đạo tới phó hội. Sư phụ sai tôi dẫn các sư đệ tỏa đi khắp nơi chặn bắt, nhất định phải tóm được chúng. – y nhìn sang La Tùng, - Vị này là ai?
Hàn Tranh cười:
- Đây là La Tùng huynh.
Cận Phi hơi đổi sắc mặt, vòng tay nói:
- Thì ra là La Đoạn thạch. Cửu ngưỡng! Cửu ngưỡng!
La Tùng đáp lễ:
- Không dám, không dám! Uy danh Cận huynh như sấm động bên tai.
Cận Phi nghiêm chỉnh đáp:
- Cận Phi thô lậu, chút danh phận hèn mọn trên giang hồ nào đáng kể chi! La huynh đã từng tham gia chiến dịch Hợp Châu, anh dũng không tiếc thân, giết giặc như chẻ tre mới thực sự đáng nể. Dạo ấy thầy tôi có việc bận nên không kịp đến Hợp Châu, giờ đây mỗi lần nhắc tới La huynh đều luôn miệng khen ngợi!
Trận Hợp Châu là sự kiện tâm đắc nhất trong đời La Tùng, khổ nỗi lần đầu ra sa trường đã trúng một đao, sau đó nằm liệt giường cả tháng trời, khi ngồi dậy đi lại được thì chiến dịch cũng kết thúc rồi, làm gì đến mức anh dũng không tiếc thân, giết giặc như chẻ tre, nay nghe Cận Phi ca tụng y vừa sướng vừa ngượng, lúng túng bảo:
- Thực hổ thẹn, La mỗ ngu dốt chậm chạp, không đáng nhận lãnh lời khen vàng ngọc của Vân Điêu vương, – đang mải chuyện thì thoáng trông thấy cả nhà Văn Tĩnh dợm bước ra cửa, y gọi giật giọng. – Xin đừng đi!
Vừa nghe kể La Tùng đã từng tham chiến ở Hợp Châu, Văn Tĩnh đã bở vía, vội vội vàng vàng dắt vợ con bỏ đi. Lúc nghe La Tùng gọi, y càng rảo chân cho nhanh, nào ngờ mới được mấy bước thì một bóng người bỗng đâu xẹt tới trước mặt. Thiếu niên họ Vân chắn ngang đường.
- Bảo các hạ dừng lại, không nghe thấy hả? – cậu ta khum các ngón trái thành trảo, chộp vào vai Văn Tĩnh.
- Tiên sinh, tại sao tự nhiên ông giết con ngựa của tôi?
Người áo đen lạnh lùng hừ một tiếng, chậm rãi đứng dậy. Vóc người ông ta không cao, nhưng đứng trên gò nên trông khí thế rất oai phong, đầu đội trời chân đạp đất.
Ông ta thoáng ngẫm nghĩ, giọng chợt trầm xuống, nửa hỏi nửa đáp:
- Thằng ranh, ngươi là đệ tử của Vân Vạn Trình hay là môn nhân của lão Cùng nho?
Vân Thù ngạc nhiên:
- Vân Vạn Trình là cha tôi. Còn lão Cùng nho là ai, tôi có quen đâu?
Người áo đen cười nhạt:
- Giả bộ ngơ ngác lừa gạt hả? Tư thế tung mình lên ngựa của ngươi là Xuyên Vân túng của Thần Ưng môn, nhưng mấy bước trước đó thì là gì?
Vân Thù sực hiểu:
- Ông muốn nói đến Phượng Tường tiên sinh phải không?
Người kia tức giận hừ mũi:
- Phượng phượng gà gà cái khỉ gì? Thằng oắt con nhà ngươi thực gian dối! – ông ta vụt dịch ra sau một bước, lúc trụ bộ thì đã ở dưới chân gò.
Thấy người ta giật lùi mà có thể bước xa đến mấy trượng như thế, Vân Thù đâm hoảng, chưa kịp định thần thì người đó đã đến ngay trước mặt, lật tay về sau tóm vào ngực cậu.
Vân Thù luống cuống vung chưởng chặt cánh tay người đó, chưởng vỗ trúng trảo, hung mãnh lạ thường, nhưng người áo đen không hề né tránh. Rìa chưởng chém tay như thể va vào thép nguội, Vân Thù vội vàng chuyển thế ưng trảo mổ xuống mạch môn đối phương, trảo lực cũng chứa vài phần hỏa hầu, sức phạt đứt tứ chi. Nào ngờ cổ tay người kia trơn như xoa mỡ, chuồi qua các đầu ngón tay Vân Thù, tốc độ không suy suyển, xỉa thẳng đến ngực cậu bé. Truyện "Côn Luân "
Vân Thù thi triển Tam tam bộ vội vã thoái lui, nhưng người kia cũng tiếp tục chạy lùi nhanh như gió. Bất kể cậu bé biến hóa ra sao, năm ngón tay của người áo đen vẫn đều đặn ép dần đến từng tấc, từng tấc một. Khi Vân Thù lùi tới bước thứ mười cũng là lúc bị trảo đối phương chụp vào ngực. Nguy cấp quá, cậu thét lên một tiếng thật to, tung chân phải đá lên thắt lưng người áo đen, thực không ngờ vừa đá là trúng liền. Cậu bé mừng rỡ, song lập tức nhận ra chỗ chạm chân đang mềm nhũn đi, như thể chìm lút vào một đống bông. Cậu còn chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, người áo đen lại hừ khẽ, da thịt ông ta thình lình đàn hồi, lún chỗ này nảy chỗ kia, nhanh khôn tả. Vân Thù chỉ kịp nghe thấy một tiếng rắc, rồi cảm giác đau nhói chạy lan từ bẹn, chắc hẳn đùi phải đột ngột bật ngược nên đã bị chấn gãy rồi.
Cậu kêu lên thảng thốt, giật lui ra sau. Người áo đen nhoài tay theo, tóm lấy ngực áo cậu, bỗng dưng ngơ ngẩn, lẩm bẩm nói:
- Ngươi chỉ học được chút màu mè bên ngoài thế thôi hử? – Giọng nói thoáng vẻ bất ngờ, rồi ông ta vụt lăng tay, quẳng Vân Thù xuống đất, thét:
- Thế còn Tam tài Quy nguyên chưởng đâu?
Vân Thù ngã chúi xuống bùn, mặt mũi lấm bẩn, máu chảy ròng ròng, nghe vậy nhịn đau đáp:
- Tam tài Quy nguyên chưởng là cái gì? Tôi không biết.
Người kia cười nhạt:
- Thằng này bộ dạng gian giảo, cùng một hạng như lão Cùng nho kia. Hừ, ngươi nói Vân Vạn Trình là cha ngươi, phải không?
Thoạt tiên giọng ông ta rất kích động, nhưng nói được mấy câu lại khôi phục âm điệu lành lạnh đều đều, nghe không biết là vui hay giận. Thêm vào đó ông ta vẫn một mực quay lưng lại cậu bé, Vân Thù chưa nhìn rõ nhân dạng lần nào, buột miệng hỏi:
- Ông là ai? Có thù với cha tôi hay sao?
Người áo đen hừ mũi, bỗng phá lên cười ha hả. Vân Thù nghe giọng cười ồ ạt như nước triều, màng nhĩ chấn động, một luồng máu nóng phụt lên đỉnh đầu như muốn phá óc lao ra. Ngạt thở. Rồi tiếng cười lại thình lình tắt ngấm, người áo đen ngửa đầu nhìn trời, lạnh lùng nói:
- Ngươi hỏi ta là ai ư? Hà, lão phu lâu ngày không xuất thế, xem ra thiên hạ đã quên ta rồi! – Đoạn lại hừ mũi, cao giọng hỏi – Hôm nay Vân Vạn Trình tổ chức đại hội ở Bách Trượng Bình phải không?
Vân Thù nhấm nhẳn:
- Phải thì sao?
Người kia nói:
- Hay lắm! Cái lão Cùng nho dạy ngươi võ công chắc cũng đến Bách Trượng Bình đấy nhỉ?
Vân Thù sực hiểu, nghĩ bụng:
- Lão cứ một điều Cùng nho hai điều Cùng nho, lại hỏi bộ pháp của ta, phải chăng người lão đang tìm chính là Phượng Tường tiên sinh? Võ công lão cao cường như thế, không chắc tiên sinh thắng được. Làm người phải trọng chữ Nghĩa, Phượng Tường tiên sinh với ta tâm đầu ý hợp, Vân Thù dẫu chỉ còn một hơi thở, cũng quyết không làm những việc lỗi đạo bạn bè. Tên độc ác này càng ép ta khai nơi ở của tiên sinh, ta càng không thốt ra nửa chữ. – nghĩ vậy, cậu nói to – Võ công của ta đều do phụ thân dạy, không liên quan gì đến người khác, cũng chẳng có Cùng nho nào ở Bách Trượng Bình cả.
Người kia nổi giận, định bụng tra khảo, song tính tình cao ngạo, không muốn dùng phương pháp hạ lưu đó, thầm nghĩ: “Thằng ranh cứ lải nhải Phượng Tường tiên sinh, lại khăng khăng rằng ngoài Vân Vạn Trình ra không còn ai dạy công phu cho nó. Chỉ toàn điều dối trá, chẳng câu nào đáng tin. Hừ, ngươi bảo lão Cùng nho không ở Bách Trượng Bình, vậy sự thực chắc là ngược lại rồi. Nhưng mà, võ công của lão già ấy rất cao, xung quanh còn nanh vuốt của bao nhiêu tên người Tống nữa, nếu ta đường đột xông vào thì hung hiểm quá. Hừ, nhưng thế thì sao? Dẫu là đầm rồng hang hổ, lão phu cũng không coi vào đâu.” Nghĩ rồi cười khẩy: “Được, lão phu sẽ đi lật tung cái của khỉ Bách Trượng Bình ấy lên.”
Vân Thù tức ngực, tự nhủ nếu để liên lụy đến cha thì thực là bất hiếu, nhưng nếu nói ra nơi hạ lạc của Phượng Tường tiên sinh thì bất nghĩa rõ ràng. Cậu còn đương bối rối chưa quyết, bỗng một làn gió tanh cực kỳ khó ngửi xộc vào mũi, kế đó là cảm giác lạ lùng sởn gai ốc chạy lan xuống từ đỉnh đầu, đọng lại ở thắt lưng; cuối cùng là cơn lạnh rờn rợn bò lên dọc cột sống. Vân Thù cảm thấy mỗi tấc da đều run rẩy tê dại, nhưng khốn nỗi huyệt Đản trung đã bị khống chế, không làm sao quay đầu nhìn được, chỉ biết cơn gió tanh càng lúc càng nồng, rồi luồng khí nóng dày nặng thốc từng đợt vào tai. Cậu bé không nén được nỗi sợ hãi, lệ hoen đầy mi hòa với máu chảy ra từ mũi và miệng, rỏ xuống đất.
Hết chương 9Chú thích:
13961397 Tuyết múa phượng bay.
14001401 Tức Tương Dương.
14041405 Bích Tử và Tị Tử phát âm tiếng Hán từa tựa nhau, Bích là màu xanh ngọc. Tị là cái mũi. Đạo sĩ nghe nhầm.
14081409 Suối, suối, suối.
14121413 Bài thơ này trích trong Tây Hồ Du lãm chí. Tác giả là Quán Vân Thạch, người Tiền Đường. Truyện kể lúc uống rượu ông thường có hứng làm thơ. Một hôm, mấy nhân sĩ cùng ngoạn cảnh, uống rượu ngâm thơ, muốn lấy Tuyền (suối) đặt vận để làm một bài. Ai đó ngâm được mấy chữ Tuyền, tuyền, tuyền rồi tắc. Chợt có người chống gậy tới, nghe vậy ứng khẩu ngâm rằng: “Tuyền, tuyền, tuyền, Bính xuất cá cá trân châu viên, Ngọc phủ phách xuất ngoan thạch tủy, Kim câu đáp xuất lão long diên.” Mọi người nói: “Ngài chắc chắn là Quán công chứ không sai.” Quán Vân Thạch bèn đọc tiếp: “Nhiên nhiên nhiên.” (Tất nhiên rồi!). Sau đó cả bọn mời rượu, họ Quán uống say rồi đi. Tích này về sau được thuật lại trong Từ uyển tụy biên, do Phùng Kim Bá thời nhà Thanh soạn.
Dịch nghĩa tạm: Suối suối suối, Tuôn ra hạt nào hạt nấy như trân châu, Rìu ngọc bửa đá cứng, Câu vàng múc dãi rồng.
14181419 Ngày nay Ngưu Bách Vạn được dùng như một danh từ chỉ hạng đại gia, nhà giàu. Ở đây có lẽ chỉ riêng vào một cá nhân nào đó. Tôi sẽ kiểm chứng nếu còn các đoạn liên quan về sau.
14221423 Bài thơ Dạ thướng Thụ Hàng thành văn địch (Đêm lên núi Thụ Hàng nghe tiếng sáo) của Lý Ích đời Đường. Bản dịch thơ trên là của Phụng Hà.
Nguyên văn Hán Việt:
Hồi Nhạc phong tiền sa tự tuyết
Thụ Hàng thành ngoại nguyệt như sương
Bất tri hà xứ xuy lô địch
Nhất dạ chinh nhân tận vọng hương
Dịch nghĩa:
Cát ở trước ngọn Hồi Nhạc trông như tuyết
Ánh trăng ngoài thành Thụ Hàng như sương
Không biết ai thổi sáo sậy từ đâu
Làm cho lữ khách cả đêm nhớ nhà
14581459 Tái Bắc nằm ở phía bắc Trường Thành, gồm khu tự trị Nội Mông Cổ, khu tự trị người Hồi Ninh Hạ và tỉnh Cam Túc ngày nay.