Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 17 :

Ngày đăng: 14:31 19/04/20


Tay thư ký mặc bộ lê đen lấy ghế rồi nhìn tôi không nói một lời. Ông ta không có vẻ như đang đánh giá tôi, mắt ông ta cũng không để lộ vẻ khinh khỉnh, ánh nhìn sắc nhọn của ông ta cũng không xuyên thấu tôi. Không lạnh hay nóng, hay thậm chí ở tầm trung bình. Cái nhìn chăm chăm ấy không mang bất kỳ một sắc thái tình cảm nào đối với tôi. Người đàn ông chỉ đang nhìn tôi. Ông ta có lẽ đang nhìn bức tường phía sau tôi, nhưng vì tôi ở trước bức tường, nên kết quả là ông ta đang nhìn tôi.



Người đàn ông nhấc chiếc hộp đựng thuốc lá trên bàn, mở nắp lôi ra một điếu thuốc cắt thô, dùng móng tay búng búng đầu điếu thuốc vài lần, châm lửa bằng chiếc bật lửa để bàn và nhả khói ra theo một góc tù. Rồi ông ta đặt lại bật lửa trên bàn và vắt chéo chân. Ông ta nhìn chăm chăm không một lần chớp mắt trong cả quãng thời gian đó.



Đây là người mà tay đối tác của tôi đã kể. Ông ta ăn mặc quá chải chuốt, những ngón tay ông ta quá tao nhã. Nếu không vì đường cong mí mắt sắc nét và con ngươi lạnh băng như hạt thủy tinh của ông ta, tôi hẳn đã nghĩ ông ta là kẻ đồng tính. Nhưng, không thể là kẻ đồng tính với đôi mắt đó. Vậy trông ông ta giống gì? Ông ta không giống bất kỳ thứ gì.



Nếu nhìn kỹ mắt ông ta, ta sẽ thấy chúng có màu kỳ lạ. Nâu đậm với một chút sắc xanh, chẳng những thế, màu mắt trái còn khác màu mắt phải. Mỗi mắt dường như tập trung vào một chủ thể hoàn toàn khác nhau.



Những ngón tay ông ta động đậy đôi chút trên lòng. Một cách đầy ám ảnh, như thể chúng tách rời khỏi bàn tay ông ta, tiến về phía tôi. Những ngón tay bồn chồn, hấp dẫn, căng thẳng, đẹp đẽ. Chậm rãi với qua bàn để dập điếu thuốc hút chưa đến một phần ba. Tôi nhìn đá tan trong ly, nước đá trong vắt hòa lẫn với nước nho. Một sự pha trộn màu sắc không cân bằng.



Căn phòng yên lặng như tờ. Đó là sự yên lặng người ta gặp phải khi bước vào một trang viên lớn. Và đó là sự yên lặng khi ta có quá ít người trong một không gian quá rộng. Nhưng đây là một thứ yên lặng hoàn toàn khác. Một yên lặng nặng nề, ngột ngạt. Một sự yên lặng khiến ta liên tưởng đến, mặc dù tôi phải mất một lúc để nhận ra, sự yên lặng bao quanh một bệnh nhân giai đoạn cuối. Một sự yên lặng mang linh cảm về cái chết. Không khí thoáng mùi ẩm mốc và điềm gở.



"Ai cũng phải chết," người đàn ông nói nhẹ nhàng trong khi mắt nhìn xuống. Thật kỳ lạ, ông ta dường như nắm bắt được ý nghĩ của tôi. "Tất cả chúng ta, bất kể ai, cũng phải chết vào lúc nào đó."



Nói xong, người đàn ông lại chìm vào trong yên lặng nặng nề. Chỉ có tiếng kêu inh ỏi đến phát điên của đàn ve sầu bên ngoài. Những thân xác sắp chết kêu gào cuồng nộ trước một mùa sắp kết thúc.



"Hãy để tôi nói hết sức thành thật với cậu," người đàn ông lên tiếng. Lối nói của ông ta nghe có vẻ như dịch trực tiếp từ một văn bản theo công thức. Cách chọn cụm từ và ngữ pháp của ông ta khá đúng, nhưng không có cảm giác gì trong lời ông ta nói.



"Nói thành thật và nói sự thật là hai điều hoàn toàn khác nhau. Thành thật đối với sự thật như thể mũi tàu đối với đuôi tàu. Thành thật xuất hiện trước và sự thật xuất hiện sau. Sự cách biệt giữa hai điều tùy thuộc trực tiếp vào kích cỡ con tàu. Với con tàu lớn thì phải mất một lúc lâu mới tới được sự thật. Đôi khi nó chỉ hiện lên sau khi chết. Vì thế, nếu tôi không cho cậu hay bất kỳ sự thật nào trong tình hình này, không phải lỗi của tôi. Cũng không phải lỗi của cậu."



Người ta biết đáp lại câu nói này thế nào đây? Ông ta chấp nhận sự yên lặng của tôi và tiếp tục nói.



"Cậu có lẽ đang tự hỏi vì lý do gì tôi bắt cậu phải lặn lội đến đây. Đó là để cho tàu chạy lên phía trước. Cậu và tôi sẽ giúp tàu chạy lên phía trước. Bằng cách bàn bạc vấn đề một cách thành thật, tại mỗi thời điểm chúng ta sẽ tiến một bước gần hơn đến sự thật." Đến đó, ông ta ho húng hắng và liếc nhìn bàn tay tôi đang tựa trên thành xô pha. "Nhưng nói trừu tượng thế này đủ rồi, chúng ta hãy bắt đầu bằng mối lo ngại thật sự. Vấn đề ở đây là cái bản tin cậu tạo ra. Tôi tin là cậu đã được thông báo đủ về việc này."



"Tôi đã được thông báo."



Người đàn ông gật đầu. Rồi sau khi ngừng một lúc, ông ta tiếp tục, "Tôi chắc chắn là việc này đến với cậu khá đột ngột. Ai cũng sẽ khổ sở khi thành quả lao động vất vả của mình bị phá hỏng. Càng nghiêm trọng hơn nếu đó là một mắt xích sống còn cho kế sinh nhai của mình. Nó có thể đồng nghĩa với một sự tổn thất thật to lớn. Đúng như vậy không?"



"Đúng thế đấy," tôi nói.



"Tôi muốn cậu nói tôi nghe về những tổn thất thật ấy."
"Nhưng tất nhiên tôi không có ý lên lớp với cậu về tính dương dương tự đắc của nước Nhật hiện đại. Có hai điều tôi muốn cậu nhớ kỹ: một là, trước khi kết thúc thời kỳ phong kiến có lẽ không có một con cừu nào trên toàn nước Nhật, hai là, một khi được nhập khẩu, cừu chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ. Và hai điều đó có nghĩa là gì?"



Đó không phải là câu hỏi tu từ; nó được đặt ra cho tôi. "Rằng nguồn gốc mỗi một loại cừu ở Nhật đều được ghi lại," tôi đáp.



"Chính xác. Tôi có thể thêm vào điểm đó là việc gây giống cừu cũng quan trọng như với ngựa đua, khiến vấn đề truy tìm phả hệ trở nên đơn giản. Nói cách khác, ở đây chúng ta có một con vật được quản lý chặt chẽ. Việc lai tạo với các giống khác có thể được kiểm tra dễ dàng. Không có chuyện buôn lậu. Không ai điên muốn chuốc lấy vạ vào thân mà đi nhập khẩu cừu. Nói về các giống cừu, ở Nhật có giống Southdown, Corriedale, Cheviot, Romanovsky, Ostofresian, Border Leicester, Romney Marsh, Lincoln, Dorset Horn, Suffolk, và chừng đó thôi. Sau khi ghi nhớ những điều đó," người đàn ông nói, "tôi muốn cậu nhìn lại bức ảnh."



Một lần nữa tôi cầm bức ảnh và kính lúp trong tay.



"Nhớ nhìn cẩn thận con cừu thứ ba từ phải sang ở hàng đầu."



Tôi cầm kính lúp săm soi trên con cừu thứ ba từ phải sang ở hàng đầu. Nhìn nhanh sang con cừu cạnh nó, rồi quay trở lại con cừu thứ ba từ phải sang.



"Và giờ thì cậu có thể nói được điều gì đây?" người đàn ông hỏi.



"Nó là một giống khác, đúng vậy không?" tôi nói.



"Đúng thế. Ngoài con cừu đặc biệt đó ra, tất cả các con khác đều là cừu giống Suffolk thông thường. Chỉ mình con cừu ấy là khác. Nó chắc nịch hơn con cừu giống Suffolk nhiều, và lông nó màu khác. Và mặt nó không màu đen. Có gì đó ở nó cho người ta ấn tượng là nó có uy quyền hơn. Tôi đưa bức ảnh này ột chuyên gia nghiên cứu về cừu, ông ấy kết luận là con cừu này không tồn tại ở Nhật Bản. Hay thậm chí ở bất cứ đâu trên thế giới. Vì thế những gì cậu đang nhìn đây là một con cừu đúng ra không nên tồn tại."



Tôi vớ chiếc kính lúp xem xét lần nữa con cừu thứ ba từ phải sang. Khi xem xét kỹ, ở đó, giữa lưng con cừu, trông có vẻ như có một vết ố màu cà phê nhạt. Mờ mờ không rõ ràng, nó có thể là vết xước trên phim. Có thể là mắt tôi lại đang giở trò với tôi. Hay có lẽ ai đó đã thật sự đánh đổ cà phê lên lưng con cừu.



"Có một vết ố mờ trên lưng nó."



"Đó không phải là vết ố," người đàn ông nói, "Đó là một dấu chàm hình ngôi sao. Hãy so sánh nó với cái này."



Người đàn ông lôi một trang photo từ trong phong bì ra đưa thẳng cho tôi. Đó là bản sao một bức vẽ cừu. Có vẻ như được vẽ bằng bút chì đậm, với những vết ngón tay màu đen trên khắp phần giấy còn lại. Vẽ như trẻ con, tuy thế ở bức vẽ có một vẻ gì đó bắt người ta phải chú ý. Các chi tiết được vẽ hết sức cẩn thận. Hơn thế, con cừu trong bức ảnh và con cừu trong tranh rõ ràng là một. Dấu chàm hình ngôi sao chính là vết ố.



"Giờ hãy nhìn cái này," người đàn ông vừa nói vừa lôi một chiếc bật lửa từ trong túi ra đưa cho tôi. Đó là một chiếc bật lửa hiệu Dupont được chế tạo đặc biệt, nặng, chắc nịch, bằng bạc, được khắc cùng một biểu tượng cừu tôi thấy trong xe limousine. Không còn nghi ngờ gì nữa, dấu chàm hình ngôi sao trên lưng con cừu, rõ như ban ngày.



Tôi bắt đầu thấy đau đầu.