Đại Đường Song Long Truyện

Chương 528 : Sinh tử chi đạo

Ngày đăng: 13:18 19/04/20


Thượng Tú Phương mở cẩm hộp ra với sự giúp đỡ của Tông Tương Hoa. Bên trong một cây trúc tiêu xuất hiện trước mắt Từ Tử Lăng. Dù gã đối với nhạc khí không có nhiều kiến thức nhưng cũng có thể từ phong cách tạo hình cực kỳ tinh mỹ mà nhìn ra đây chính là một tinh phẩm trong tiêu khí, so với loại tiêu được chế tạo ở Trung Thổ quả là có điểm đặc dị riêng.



Thượng Tú Phương đưa cả cẩm hộp đưa cho Từ Tử Lăng, nghiêm trang nói:



- Từ công tử có thể chuyển giúp Tú Phương cây Thiên Trúc tiêu này cho Thanh Tuyền tiểu thư chăng? Nàng là người Tú Phương đã ngưỡng mộ lâu nay, chỉ hận chưa có duyên gặp mặt.



Liệt Hà hân hoan nói:



- Thì ra việc Tú Phương tiểu thư tìm kiếm Thiên Trúc tiêu là có mục đích và ý nghĩa như vậy.



Từ Tử Lăng cung kính nhận cẩm hộp, ngạc nhiên hỏi:



- Tú Phương tiểu thư làm sao biết ta quen với Thanh Tuyền cô nương?



Thượng Tú Phương đưa mắt nhìn gã một cái, mỉm cười:



- Sáng nay khi Tú Phương được Liệt công tử khẳng khái tặng nhạc quyển đã đến Thánh Quang tự lạy tạ thần ân nên mới nhận được lời chỉ bảo.



Từ Tử Lăng trong lòng ngạc nhiên, biết rằng Thượng Tú Phương sáng nay đến Thánh Quang tự là để gặp Sư Phi Huyên, từ chỗ của nàng ta mới biết gã là người có tư cách đến được U Lâm Tiểu Trúc ở Ba Thục gặp mặt Thạch Thanh Tuyền.



Ài! Sư Phi Huyên rõ ràng là muốn kết hợp gã và Thạch Thanh Tuyền. Thế nhưng nàng ta không biết Thanh Tuyền đối với chuyện tư tình nam nữ tâm đã như khô mộc, căn bản là không có chút hứng thú nào. Bản thân gã nếu gặp nàng thêm lần nữa cũng chỉ khiến cho vết thương lòng thêm sâu sắc mà thôi.



Lại nghĩ khi Thượng Tú Phương gặp Sư Phi Huyên xong, trên đường hồi cung ghé thăm Khấu Trọng đã bị tên tiểu tử đó gần như cưỡng bách hôn lên môi nàng. Lúc đó gã cảm thấy hành vi của Khấu Trọng thật quá ty tiện. Thế nhưng hiện tại đối diện với mỹ nữ thiên sinh lệ chất lay động lòng người, thân thể tràn đầy mị lực này, gã lại không kìm chế được nảy sinh cảm giác thấu hiểu và đồng tình với hành vi lỗ mãng “tình bất tự cấm” của tên huynh đệ của mình.



Từ Tử Lăng đột nhiên tưởng tượng lại mỹ cảnh ngày đó tại căn phòng nhỏ trong thành bảo của Giải Huy ở Thành Đô, Thạch Thanh Tuyền ngồi bên cửa sổ tấu tiêu cho gã nghe. Lúc đó gã cũng xung động muốn ôm nàng vào lòng mà hôn, chỉ là không như Khấu Trọng đối với Thượng Tú Phương đem ra làm thật mà thôi.



Đôi mắt đẹp của Thượng Tú Phương chăm chú nhìn khuôn mặt thoáng mơ màng lại chợt đượm vẻ u buồn của Từ Tử Lăng, tỏ vẻ hối hận như đã thất thố điều gì nói:



- Tú Phương không phải đã gợi lại tâm sự của Từ công tử chứ? Nếu vậy Tú Phương quả thật đắc tội rồi!



Từ Tử Lăng ngượng nghịu mỉm cười, cất cẩm hộp vào trong bọc, trong lòng đấu chí lại dâng cao, thầm nghĩ tối nay không thể để bị người ta giết được, nếu không làm sao có thể hoàn thành tâm nguyện của Thượng Tú Phương. Gã cương quyết gật đầu:



- Tú Phương tiểu thư yên tâm. Tiêu này nhất định sẽ được đưa tận tay Thanh Tuyền tiểu thư.



Liệt Hà vẫn chưa tha cho gã, cười nói:



- Từ huynh còn chưa hồi đáp câu hỏi của Tú Phương tiểu thư về tâm sự của huynh.



Từ Tử Lăng mắng thầm trong bụng, rốt cuộc cũng biết vì sao Khấu Trọng và Khả Đạt Chí đều muốn giết tên tiểu tử này, chính vì hắn thật thâm hiểm. Gã bèn mỉm cười đáp lời:



- Ai lại không có tâm sự chứ? Chỉ là không thể nói ra thôi!



Thượng Tú Phương u uất thở dài, mục quang hướng về phía hai người Khấu, Khả đang trò chuyện trên bình đài, khẽ cúi đầu nhỏ giọng:



- Tú Phương hiểu rõ cách chế ngự nhạc khí, các vị hiểu rõ cách chế ngự binh khí. Thế nhưng chúng ta chỉ e vĩnh viễn cũng không hiểu làm sao chế ngự được lòng mình. Thật là hết cách!



Liệt Hà khẽ run người, lộ xuất thần sắc trầm tư.



---oOo---



Lúc này Bái Tử Đình và Mã Cát đã trở lại đại sảnh. Lập tức mọi người đang phân tán trò chuyện đều tập trung chú ý vào hắn.



Bái Tử Đình trước tiên liếc nhìn Khấu Trọng và Khả Đạt Chí vẫn đang tựa vào lan can mải miết trò chuyện trên bình đài, rồi cười ha hả cất tiếng:



- Còn có một vị quý khách mà Bái Tử Đình ta ngưỡng mộ đã lâu vẫn chưa đại giá quang lâm. Nếu các vị không phiền chúng ta đợi thêm một khắc rồi mới nhập tiệc được không? Cũng là để cho Thiếu Soái và Khả tướng quân thêm chút thời gian hàn huyên.



Thượng Tú Phương vui vẻ hỏi:



- Quý khách mà Đại Vương nói có phải là Tống nhị công tử không?



Từ Tử Lăng lúc này mới biết Tống Sư Đạo cũng được mời, bất quá chuyện này đúng là vô cùng hợp lý vì Bái Tử Đình vốn rất hân thưởng văn hóa Trung Thổ. Trong khi đó, Tống Sư Đạo lại đến từ môn phiệt có quyền thế nhất ở phương Nam, luôn kiên trì bảo tồn văn hóa chính thống của Hán thất, đương nhiên y chính là đối tượng mà Bái Tử Đình ngưỡng mộ. Thế nhưng gã có chút lo lắng không biết Tống Sư Đạo gặp phải chuyện gì mà đến muộn như vậy.


Mã Cát không vui hỏi lại:



- Ta sao lại ủng hộ Bái Tử Đình, Thiếu Soái đừng ngậm máu phun người.



Khấu Trọng quay hẳn người lại, dựa nhẹ vào lan can, lạnh lùng cười nói:



- Ta biết Cát gia vẫn tưởng rằng Khấu Trọng ta không hiểu rõ chân tướng sự việc. Đây có thể nói là cơ hội cuối cùng của Cát gia, quyết định xem ngươi được an hưởng tuổi già hay là không được chết yên ổn. Hiện tại cuộc chiến tranh giành thiên hạ đã biến thành cuộc chiến giữa Hiệt Lợi, Lý Thế Dân và Khấu Trọng ta, không ai có thể đoán trước được kết quả. Nếu Mã Cát ngươi không biết quan sát tình thế mà chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt thì thời cơ qua rồi sẽ không trở lại nữa. Đêm nay mà để ta giết được Thâm Mạt Hoàn thì ngày mai ta sẽ không còn hứng thú nghe ngươi nói bất cứ chuyện gì nữa đâu.



Mấy câu này của Khấu Trọng vô cùng gay gắt, thẳng thắn bác bỏ những lời chiêu dụ an ủi của Mã Cát, bức lão phải xác định lập trường.



Cho dù Mã Cát là kẻ âm mưu thâm hiểm cũng không biết ứng phó thế nào, bất giác hơi thở của lão trở nên gấp gáp, ánh mắt hung dữ sáng lên lấp loáng.



---oOo---



Phục Nan Đà nghiêm mặt nói:



- Bất kỳ tư tưởng tôn giáo nào, khi phát triển đến một trình độ nhất định sẽ hình thành một loại quyền uy tối thượng, không cho phép bất cứ kẻ nào nghi ngờ. Tôn giáo cổ xưa nhất ở nước Thiên Trúc ta là đạo Bà La Môn, dựa vào Vệ Đà Kinh và Du Già để tu hành. Thế nhưng khi đạo Bà La Môn biến thành một loại uy quyền không thể nghi vấn thì xuất hiện những luồng tư tưởng đối lập với thứ uy quyền đó của một số thầy tu. Trong đó bao gồm Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, Ni-kiền-đà Nhã-đề của Kỳ Na giáo, lãnh tụ của Sinh Hoạt phái là Mạt Già Lê Câu Xá Lê, A-kì-đà Sí-xá-khâm-bà-la của Thuận Thế phái, họ đều là những bậc tông chủ khai sơn lập giáo. Đáng tiếc bọn họ đều không thể thoát khỏi cái bóng của đạo Bà La Môn, chẳng hạn đều coi trọng nghiệp báo luân hồi và lại thờ cúng các vị thần khác. Bọn họ tuy nhìn ra lẽ tất yếu phải có cải cách, thế nhưng lại đổi bình mà không đổi thuốc, khiến cho hậu thế bước theo vết xe đổ của đạo Bà La Môn, sùng bái đa thần và thực hành các loại cúng bái tế lễ.



Từ Tử Lăng cảm thấy ý tưởng này rất mới mẻ. Gã tuy không phải là tín đồ của Phật giáo nhưng cũng cảm thấy Phật giáo cao cao tại thượng vô cùng siêu việt, người thường không thể lý giải được. Hiện tại nghe vị Quốc sư đến từ Thiên Trúc này nói về sự tích bình sanh của Phật tổ vốn cũng là người Thiên Trúc, lại còn đưa ra lời phê bình, gã chợt có cảm giác Phật tổ cũng là một con người, hoặc ít ra cũng từng là “người”.



Thượng Tú Phương cất tiếng phản bác:



- Phật giáo Thiền tông chú trọng “đốn ngộ“, không trọng tụng kinh hay tế lễ, Quốc sư chỉ trích như vậy tựa hồ không đúng sự thật.



Từ Tử Lăng trong lòng thầm khen, Thượng Tú Phương tuyệt không vì địa vị và quyền thế của Phục Nan Đà mà e dè, lại dám vì lòng tin của mình mà biện hộ. Gã đã từng gặp gỡ Thiền Tông Tứ Tổ là Đạo Tín đại sư, rất có hảo cảm đối với tư tưởng “trực chỉ nhân tâm, đốn ngộ thành phật” siêu nhiên giải thoát, không vương vấn đến ngoại vật, đạt đến cảnh giới phong lưu, tiêu dao tự tại.



Phục Nan Đà mỉm cười, chậm rãi đáp:



- Tú Phương tiểu thư nói không sai. Bất quá Thiền Tông chính là Phật giáo đã được Trung Thổ hóa. Chữ Phạn gọi Thiền là “Thiền Na“, nghĩa là “Tĩnh Lự“, được phát triển thành chữ “Thiền“ của Phật giáo mà người người ở Trung Thổ đều biết. Như vậy càng chứng tỏ những kẻ sĩ hiểu biết ở Trung Thổ đã nhìn ra khuyết điểm của Phật giáo từ nước ta truyền tới. Đáng tiếc Thiền Tông vẫn còn khiếm khuyết một chút, đó là quá coi trọng “bản ngã“ của một cá nhân. Thế nhưng so với trọng tụng kinh, trọng sùng bái thần linh, trọng nghi thức tất nhiên cao minh hơn nhiều.



Thượng Tú Phương khẽ nhướng mày, tuy không thể hoàn toàn chấp nhận luận điểm của Phục Nan Đà nhưng cũng không tìm được lời nào có thể bài bác lão ta.



Phục Nan Đà không trực tiếp giải đáp vấn đề của Liệt Hà nhưng lại từ vấn đề đó mà phát huy, chỉ ra điểm thiếu sót của Phật giáo, lại càng khiến người khác mong mỏi biết được tư tưởng của bản thân lão ta.



Bái Tử Đình chắp tay sau lưng đứng cạnh Phục Nan Đà, chỉ làm kẻ đứng ngoài quan sát chứ không gia nhập thảo luận.



Từ Tử Lăng cuối cùng cũng không nhịn được lên tiếng:



- Nếu như không trọng bản ngã thì còn dựa vào cái gì? Trọng bản ngã chính là đại biểu cho “trực chỉ nhân tâm“, không chú trọng đến sùng bái thần phật, bỏ hết những lễ nghi phiền phức và những điển tích cổ hủ, không chút câu thúc, thâm nhập tìm hiểu Phật tính Chân Như vốn có của mỗi cá nhân.



Phục Nan Đà cười một tràng dài:



- Hai chữ “Chân Như” nói hay lắm. Khó mà được Từ công tử có nhã hứng như vậy. Không biết công tử có hứng thú dành chút thời gian nghe ta thuyết pháp về đạo “Phạm Ngã như nhất” không?



Phó Quân Tường động dung nói:



- Xin đại sư chỉ điểm bến mê!



-----------------------------------------------



Tạm chú thích (bởi bác yeshe):



1.Ni-kiền-đà Nhã-đề tử (Phan: Nirgrantha Jnatiputra, Pàli: Nigantha Nataputta) sáng lập Kỳ Na(Kì Ni) giáo. Ông cho rằng, khổ lạc được tạo ra từ đời trước, không thể tu mà diệt được mà phải chịu đền trả đời này. Ông này chắc là Sakyamuni Futuomo mà Huỳnh Dị nhắc tới.



2. Mạt-già-lê Câu-xá-lê tử (Phạn: Maskari Gosaliputra; Pàli: Makkhali Gosala) chủ trương thuyết Tự nhiên thuộc Túc mệnh luận, cho rằng mệnh của con người không tùy thuộc vào nghiệp quả, không liên can gì đến những hành động đang làm.



3. A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la (Phạn: Ajita Kesakambala, Pàli: Ajita Kesakambala) theo thuyết Duy vật, Khoái lạc, cho rằng sự kham nhận khổ ải nhất định đưa đến khoái lạc.



Nguồn Quangduc.com: Nói về ngoại đạo lục sư. Ngoại đạo lục sư là sáu vị giáo chủ với sáu giáo thuyết khác nhau, thịnh hành lúc Phật còn tại thế.