Đại Đường Song Long Truyện

Chương 703 : Cuộc chiến ở Thiền viện

Ngày đăng: 13:20 19/04/20


Tịnh Niệm Thiền Viện yên tĩnh khác thường. Lúc này chính là giờ kinh chiều, vừa rồi còn có tiếng chuông báo bắt đầu khóa kinh, vì sao lại chẳng nghe tiếng mõ gỗ cốc cốc và tiếng hòa thượng tụng kinh? Tựa hồ những người xuất gia trong toàn tự đột ngột biến mất hết cả.



Vầng trăng sáng đã thay ánh tịch dương treo trên bầu trời đêm xanh xám, ánh trăng phủ khắp quảng trường ngập tuyết. Tự viện trùng trùng khoác màu bạc như tơ, phật tháp chung lâu phản chiếu ánh trăng vàng êm dịu. Trong cảnh sắc tuyết trắng và ánh trăng dung hòa tuyệt vời của trời đất, thanh âm Ninh Đạo Kỳ từ hướng đồng điện (điện bằng đồng) truyền đến, không cần lấy hơi lên giọng mà từng chữ vang lên trong màng nhĩ Khấu Trọng hết sức rõ ràng, dường như vị có danh Trung Nguyên đệ nhất nhân, một trong tam đại tông sư cái thế đại cao thủ Ninh Đạo Kỳ này đang ở bên cạnh tai gã mà nói nhẹ nhàng:



- Ta thật hy vọng Tống huynh đêm nay đến tìm ta uống rượu tâm sự, cùng chia sẻ sự nhận thức đối với sinh mệnh. Chỉ hận thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu (1), khiến bọn ta phải rơi vào trầm luân điên đảo, niềm hi vọng đó chỉ đành để trong lòng. Hiện nay đại họa ở Trung Nguyên đã như lửa cháy ngang mày, khiến tên ngốc đã sớm quên mất năm tháng, vui vẻ đến không biết quay về ta không thể không mặt dầy mời Tống huynh đến chỉ điểm vài chiêu Thiên Đao. Ta quả thật không hề nghĩ tới mình có chịu nổi hay không, xin Tống huynh thấy tới mức nguy cấp thì nương tay lưu tình cho.



Trong lòng Khấu Trọng dấy lên lòng tôn kính không kềm chế được. Những lời nói này của Ninh Đạo Kỳ thể hiện trọn vẹn khí phách thân phận đại tông sư của Đạo môn, không hề che giấu thâm ý bên trong của mình là muốn dựa vào trận đấu này phá hỏng kế hoạch xuất sư Lĩnh Nam của Tống Khuyết, lại không nói lời thừa mà dùng cách khiêm tốn nhất để chính diện tuyên chiến với Tống Khuyết.



Chỉ cần Tống Khuyết có bất kỳ sai lầm nào, dầu chỉ đối đáp sai một câu cũng có thể trở thành yếu tố thất bại cho đêm nay.



Cao thủ tương tranh không được có sai lầm, dù chỉ là một sơ sót nhỏ bé.



Tống Khuyết chắp tay sau lưng, thong thả rảo bước lướt về hướng đồng điện, bật cười khanh khách đáp:



- Lời của đạo huynh thật có ý nghĩa, khiến Tống Khuyết ta không uổng chuyến đi này. Tâm pháp tự bảo khiêm nhường của Đạo huynh đã đến cảnh giới hoàn toàn quên mình, đạt được ý lấy hư làm tĩnh của đạo môn. Tống Khuyết đã lĩnh giáo!



Tâm thần Khấu Trọng kịch chấn. Lời của Tống Khuyết có khả năng trấn nhiếp người ta tựa như đao của ông, bằng vào mấy câu nói nhẹ nhàng đã lộ rõ sự thông suốt thấu đáo của ông đối với Ninh Đạo Kỳ, chứng tỏ ông đang ở cảnh giới cao nhất. Phạm Thanh Huệ đối với ông không còn chút ảnh hưởng nào. Tống Khuyết sao có thể làm được?



Sau khi có đao rồi quên đao.



Sau khi đau khổ tương tư là quên đi hoài niệm.



Từ Lương Đô cho đến đây, đối với Tống Khuyết mà nói thì đúng là chặng tu hành đao đạo cấp bậc cao nhất, khiến người thay đổi triệt để. Sau khi có được đao rồi vong đao. Nhìn tấm lưng hùng vĩ của Tống Khuyết, gã cảm nhận rõ ràng trên người ông có lòng tin mạnh mẽ mà không có người nào có thể làm thay đổi. Không có thắng, không có bại, cả hai thứ đều không tồn tại trong đầu ông.



Đây mới đúng là Thiên Đao chân chính.



Ninh Đạo Kỳ vui vẻ nói:



- Tống huynh coi trọng ta quá! Ta trước nay không thích triết lý của Lão Tử, chỉ thích sự kiệt xuất của Trang Chu (Trang Tử), càng yêu mến ý lấy nhập thế làm xuất thế, thuận theo đạo lý tự nhiên của ông ta. Nếu không đêm nay đâu cần phải muối mặt ở nơi này.



Hai người đối thoại lời nói chỗ nào cũng sắc bén, bên trong hàm chứa ý sâu sắc. Tống Khuyết ngạc nhiên nói:



- Nguyên lai đạo huynh theo đuổi chính là cái được gọi là “Chí Nhân” xem thường sinh tử thọ yểu, thành bại được mất, khen chê tốt xấu, thoát khỏi mọi ham muốn, coi thiên địa vạn vật cùng đồng nhất thể, không biết có ta hay không có ta. Tống Khuyết ta nói lăng nhăng lải nhải thế chắc hẳn là không lọt pháp nhĩ của đạo huynh rồi.



Lời Tống Khuyết nói nghe thì như tâng bốc, nhưng sự thật lại chỉ ra Ninh Đạo Kỳ lần này bị cuốn mình vào dòng xoáy tranh bá thiên hạ, mang đầy mưu tính trong lòng, trái ngược hoàn toàn với ý tưởng siêu thoát của Trang Chu. Chỉ cần đạo tâm Ninh Đạo Kỳ không đủ kiên định, vì thế hoài nghi chính bản thân mình, kẻ hở trên tâm linh và tinh thần ấy có thể khiến ông ta thất bại chẳng sai.



Từ lúc bắt đầu, Tống Khuyết thiện về tấn công đã không ngừng từng chút ép đến, còn Ninh Đạo Kỳ lại lấy thoái làm tiến, dùng nhu chế cương.



Khấu Trọng theo sau Tống Khuyết băng qua gác chuông, cuối cùng lên tới đồng điện trung tâm thiền viện, nơi có quảng trường bằng phẳng với các lan can bằng đá trắng điêu khắc. Ở trước bức tượng Văn Thù Bồ Tát cỡi Kim Mao Sư tại trung tâm quảng trường đá trắng, Ninh Đạo Kỳ vuốt râu cười:



- Sau khi sinh ra thiên địa, mới biết có sự bắt đầu của thiên địa, trước khi thiên địa mất, mới biết thiên địa có kết thúc. Nguyên có sanh tất có tử, có bắt đầu tất có chung cuộc. Tử chính là hiệu quả của sinh, sinh chính là thể nghiệm của tử, đó chính là đạo của tự nhiên. Đạo trời biến đổi là thường, không vì Nghiêu tồn, không vì Kiệt vong (2). Đạo lý có Thể có Dụng (3). Nguyên khí của Thể là bất động; sức sống của Dụng là xoay chuyển trong thiên địa. Do đó sự vật cùng cực tất phản, phúc nương nhờ họa, họa dựa vào phúc. Lão Tử chú trọng vô vi, Trang Tử chủ trương tự nhiên, không phải dạy người ta không lý tới sáng tạo cầu thành, nếu không làm sao lại có được Ngũ Thiên tinh diệu của Lão Tử, ngụ ngôn của Trang Chu? Chỉ là sáng tạo không phải chiếm hữu, thành công mà không cho là mình làm. Tống huynh có cho rằng đúng thế không?



Phong thái Ninh Đạo Kỳ vẫn như trước, năm chòm râu theo gió phất phơ, mũ cao đai rộng, thân khoác cẩm bào, ánh mắt ẩn chứa sự hồn nhiên không tranh giành với thế sự, nhìn Tống Khuyết mà mắt không hề chớp, dường như không nhận biết đến sự tồn tại của Khấu Trọng. Xung quanh sân không hề thấy một chút đèn lửa, chẳng có bóng người nào.



Khấu Trọng biết ý, dừng lại bên ngoài dãy lan can điêu khắc bằng đá trắng, không muốn vì sự hiện diện của mình ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến của hai người. Ninh Đạo Kỳ chỉ cần có chút chia trí, Tống Khuyết tất lợi dụng chỗ hở mà nhập vào cho đến khi Ninh Đạo Kỳ lạc bại thân vong.



Hai bên phía sau Ninh Đạo Kỳ là những bức tượng đắp người theo hầu của Văn Thù Bồ Tát như Dược Sư, Thích Già. Ngoài ra còn có năm trăm La Hán bằng đồng phân bố đều khắp trên sân thượng bằng đá trắng, giống như chư thiên thần phật giáng lâm phàm trần, lặng lẽ làm người chứng kiến cho cuộc chiến kinh thiên động địa có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong võ lâm trung thổ trong vòng một trăm năm nay.



Trong lư hương lớn trước am thờ phật Văn Thù, đàn hương đang bốc cháy, mùi hương tản đi khắp nơi, làm cho bầu không khí của cuộc quyết chiến sắp đến tăng thêm phần thần bí và siêu trần thoát tục.



Tống Khuyết điềm tĩnh tự nhiên bước trên bậc thềm đá trắng, đi thẳng vào sân đến chỗ trước mặt Ninh Đạo Kỳ chừng hai trượng, nhẹ nhàng nói:



- Đạo huynh từ sinh tử của chính mình thể hội sự khởi đầu và kết thúc của trời đất, theo đạo tự nhiên mà thoát khỏi giới hạn của sinh tử, khiến Tống Khuyết nhớ đến Cự Bằng Thần Điểu trong Tiêu Diêu Du của Trang Chu với cái lưng lớn như núi Thái Sơn, cánh như đám mây rủ ở trên trời, nương theo ngọn gió lốc xoắn như sừng dê mà bay lên chín vạn dặm, đến chỗ không còn mây, nâng đỡ trời xanh (4). Tống Khuyết tuy thiếu khả năng đi đi về về nơi chân trời cuối đất ấy, nhưng nhảy nhót trên cành cũng cảm thấy tự do tự tại mặc tình thỏa thích tung hoành, đạo huynh thấy sao?
Tống Khuyết chuyên chú về công, Ninh Đạo Kỳ chuyên về thủ.



Người nào cũng không thể chiếm được một chút lợi thế hơn đối phương.



Thắng bại liên quan ở chỗ liệu Ninh Đạo Kỳ có thể chặn được đệ cửu đao của Tống Khuyết.



Tống Khuyết vui vẻ nói:



- Khó giấu được pháp nhãn của đạo huynh. Rốt cuộc Tống Khuyết cũng kiến thức được Tán Thủ Bát Phác danh chấn thiên hạ của đạo huynh. Chỗ tinh yếu là ở chữ "Hư" ấy. Hư có thể sinh khí, cho nên cái hư ấy vô hạn, thanh tịnh đạt đến mức hư thì cái hư ấy trở thành thật. Giữa hư và thật, trạng thái tuy có vẻ rất khác nhau, nhưng đều là đạo của tự nhiên, huyền diệu khó giải thích, không lớn không nhỏ.



Khấu Trọng nghe thấy mà trong lòng chấn động, cái gọi là tài mà bất tài, chính là chỉ hữu dụng và vô dụng thật ra đều không tồn tại.



Trong lòng Khấu Trọng bội phục sát đất. Cả hai người đều hiểu rõ đối phương, bất phân cao thấp. Kết quả cuộc chiến quả thật khó lòng mà dự đoán được.



Ninh Đạo Kỳ cười ha hả:



- Còn sáu đao nữa, xin mời Tống huynh!



-----



Chú thích



(1) Câu này hay nhắc đến trong Tru Tiên; là lời của trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử:



Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu. Thiên địa chi gian, kì do thác nhược hồ? Hư nhi bất khuất; động nhi dũ xuất. Đa ngôn sổ cùng, bất như thủ trung.



Dịch: Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm, thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm. Khoảng giữa trời đất như ống bể, hư không mà không kiệt, càng chuyển động, hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh (Theo bản dịch của Nguyễn Hiến Lê); tôi nghĩ ý Huỳnh Dị muốn mượn câu này để nói tất cả mọi điều trong thế gian đều đến từ mặt khách quan không như ý, chứ không liên hệ gì tới tư tưởng về mặt đạo đức luận của Lão Tử (Lời dịch giả).



(2) Vua Nghiêu, Thuấn được coi như thánh; vua Kiệt, Trụ được xem là kẻ ác trong lịch sử và văn hóa Trung Hoa.



(3) Việc lễ, nguyên tắc thì cái phần thực hành là Dụng còn ý bao hàm ở trong gọi là Thể. (Dịch giả)



(4) Thang chi vấn cấc dã thị dĩ. Cùng phát chi bắc hữu minh hải giả, thiên trì dã. Hữu ngư yên, kì quảng sổ thiên lí, vị hữu tri kì tu giả, kì danh vi côn. Hữu điểu yên, kì danh vi bằng,bối nhược Thái sơn, dực nhược thuỳ thiên chi vân, đoàn phù dao dương giác nhi thượng giả cửu vạn lí, tuyệt vân khí, phụ thanh thiên, nhiên hậu đồ Nam, thả thích Nam minh dã. Xích yến tiếu chi viết: “bỉ thả hề thích dã? ngã đằng dược nhi thượng, bất quá sổ nhận nhi hạ, ngao tường bồng hao chi gian, thử diệc phi chi chí dã. Nhi bỉ thả hề thích dã?” Thử tiểu đại chi biện dã.



Dịch: Trong cuộc đàm thoại giữa ông Thang và ông Cách cũng có một đoạn như vầy: Ở phương Bắc hoang dã có một cái biển gọi là “Ao trời”, trong biển có một con cá chiều ngang rộng mấy ngàn dặm, không biết chiều dài là bao nhiêu, gọi là cá côn; có một con chim gọi là chim bằng, lưng lớn như núi Thái Sơn, cánh như đám mây rủ ở trên trời, nó nương ngọn gió lốc, xoắn như sừng cừu, bay lên cao chín vạn dăm, vượt lên khỏi các đám mây, lưng đội trời xanh mà bay về biển Nam. Một con chim cút ở trong cái đầm nhỏ cười nó: “Con đó bay đi đâu vậy? Tôi lên cao độ vài nhẫn rồi xuống, bay liệng trong đám cỏ bồng cỏ cảo, cho bay như vậy là đủ rồi. Con đó bay đi đâu vậy kìa?”. Lớn với nhỏ khác nhau như vậy đó.



(Trích trong đoạn 5



(5) Trang Tử hành ư sơn trung,kiến đại mộc,chi diệp thịnh mậu,phạt mộc giả chỉ kì bàng nhi bất thủ dã。Vấn kì cố 。viết :” vô sở khả dụng” Trang tử viết:” thử mộc dĩ bất tài đắc chung kì thiên niên.” Trang tử xuất ư san, xá ư cố nhân chi gia。 Cố nhân hỉ,mệnh thụ tử sát nhạn nhi hưởng chi。Thụ tử thỉnh viết:”kì nhất năng minh,kì nhất bất năng minh,thỉnh hề sát?” chủ nhân viết:” sát bất năng minh giả ”



Minh nhật,đệ tử vấn ư Trang Tử viết:” tạc nhật sơn trung chi mộc,dĩ bất tài đắc chung kì thiên niên;kim chủ nhân chi nhạn,dĩ bất tài tử。Tiên sinh tương hà xử?” Trang Tử tiếu viết: “Chu tương thủ hồ tài dữ bất tài chi gian。Tài dữ bất tài chi gian,tự chi nhi phi dã,cố vị miễn hồ lụy.”



Dịch: Trang tử đi trong núi, thấy có cây lớn cành lá sum suê. Người đốn cây dừng lại bên cạnh mà không đốn. Hỏi lý do, thì người ấy đáp: “Vì không dùng được gì cả”. Trang Tử nói: “Cây nầy nhờ bất tài mà được sống trọn tuổi trời”.



Trang Từ sau ra khỏi núi, ghé nghỉ lại nhà một người quen. Người quen mừng rỡ, gọi trẻ giết ngỗng làm thịt đãi khách. Đứa trẻ thưa: “Một con biết kêu, một con không biết kêu, xin hỏi giết con nào?”. Chủ nhân đáp: “Giết con không biết kêu”.



Hôm sau, các học trò hỏi Trang Tử: “Hôm qua, cây trong núi nhờ bất tài mà được sống trọn tuổi trời, nay con ngỗng của chủ nhà vì bất tài mà chết. Tiên sinh định ở vào chỗ nào?”. Trang Tử cười đáp: “Chu nầy sẽ ở vào khoảng giữa tài và bất tài. Giữa tài và bất tài, có vẻ giống nhau đấy nhưng lại không phải, cho nên chưa tránh khỏi lụy”. (Trần Văn Chánh dịch.)



Tham khảo:



(