Duyên

Chương 1 : Trà duyên, vị khách qua đường ung dung bình thản

Ngày đăng: 00:00 22/04/20


Tới tìm Lục Hồng Tiệm mà không gặp



Dời nhà vào phố chợ,



Dâu gai dọc nẻo xa.



Cạnh rào dăm khóm cúc,



Thu về chẳng thấy hoa.



Gõ cửa không tiếng chó,
Vị cao tăng ấy chính là Giảo Nhiên, Thi tăng, cũng là Trà tăng thời Đường, khi chưa xuất gia mang họ Tạ, cháu mười đời của Tạ Linh Vận, người sáng lập ra phái thơ Sơn Thủy thời Nam Bắc Triều. Lục Hồng Tiệm mà ngài tìm gặp, chính là Lục Vũ. Hai người nhờ trà mà gặp gỡ, rồi quen biết nhau. Lục Vũ từ nhỏ bị người nhà bỏ rơi, được Trí Tích thiền sư trụ trì chùa Long Cái nhặt được bên bờ Tây Hồ, đem về chùa nuôi dưỡng. Lên mười hai tuổi, vì không quen sống trong chùa, ông bèn trốn khỏi chùa Long Cái, gia nhập đoàn kịch làm con hát. Về sau cơ duyên run rủi, may được quen biết với Giảo Nhiên đại sư trụ trì chùa Diệu Hỉ ở Trữ sơn, Lục Vũ mới có thể chấm dứt cuộc đời phiêu bạt lênh đênh, dốc lòng nghiên cứu Trà đạo.



Giảo Nhiên lớn hơn Lục Vũ mười mấy tuổi, từng ngao du qua rất nhiều danh sơn như Lư sơn, Thái sơn, Tung sơn, Lao sơn v.v..., đã thu hết phong cảnh trên đời vào đáy mắt. Ngài rất tâm đắc với việc tăng lữ uống trà trong danh sơn cổ tự, đó gọi là trà thiền một vị, trong chùa chiền, trà đã trở thành một thứ tập tục và văn hóa, có quan hệ mật thiết với cuộc sống của tăng nhân. Nước trà thuần tịnh, vị trà thơm mát, giúp người tu hành tẩy sạch muộn phiền thế tục, gột rửa tâm tình. Một ấm trà thơm, một vầng trăng sáng, một cơn gió lành, mấy cuốn sách kinh, bầu bạn với họ qua vô vàn tháng năm tịch mịch. Mà trà, ở trong chén của họ, cũng dần có tính linh, có thiền ý. Giảo Nhiên đã đem những đạo lý về trà mà mình ngộ được trao đổi với Lục Vũ, giúp "Trà kinh" của Lục Vũ đạt tới cảnh giới tối cao giữa thời hoàng kim của văn hóa thưởng trà.



Uống rượu là tự dối, tự say, còn thưởng trà là tự tỉnh, tự tháo gỡ khúc mắc. Người đời quá nửa là mê rượu, cho rằng hết thảy phiền não, đều có thể một chén nuốt xuống, nào biết đâu say rồi sầu muộn lại càng tăng. Nhưng uống trà có thể thanh tẩy tinh thần, chỉ mấy chén trà nhạt mà như ngọc dịch quỳnh tương, sau khi thưởng thức, phiền não tự tiêu tan. Trà ngon thực sự phải bắt nguồn từ núi sâu, không vướng bụi trần, chỉ tẩm đầy mây khói và sương móc. Ấm tốt thực sự, lại do bùn đất chôn sâu lâu ngày trộn với nước mà nặn ra, được lửa thời gian hun đúc, rồi kinh qua tháng năm đánh bóng. Người thưởng trà, phải là hạng sâu sắc mà thuần khiết, trong một chén nước trong, nhẫn chịu dụ hoặc của cõi thế. Mặc cho thế gian mù mịt gió mây, vẫn đếm hết những bình thản của tháng năm trong nhu tình của một chén trà.



Đời người phải chịu được tịch mịch. Thế gian lúc nào cũng nhan nhản phồn hoa, khuấy động cõi lòng vốn chẳng bình hòa của chúng ta. Nếu gặp lúc nôn nóng hay uể oải, nhất định sẽ có một quán trà nhàn tĩnh, thu nhận bạn và tôi. Vào những mùa khác nhau, những thời tiết khác nhau, với những tâm trạng bất đồng, thì trà uống vào, cũng sẽ có mùi vị khác nhau. Có lẽ chúng ta không hiểu được bao nhiêu văn hóa về trà trong "Trà kinh" của Lục Vũ, không hiểu những huyền diệu ẩn trong các thứ các loại trà, cũng chẳng hiểu được nhật nguyệt trong lòng ấm, nhưng trong quán trà, chỉ cần thưởng thức một chén trà hợp khẩu vị mình, chẳng vì phong nhã, chỉ để thanh tâm. Lại đọc thêm thơ của Giảo Nhiên, tuy không phải ai cũng hiểu được áng thơ ngài, nhưng chắc chắn có thể cảm nhận được ý cảnh mộc mạc đơn thuần ấy. Khi người đời đều cho rằng thiền ý thâm sâu khó biết, thực ra thiền ý chính là bãi tha ma trên nẻo đường quê, là đóa cúc trồng bên giậu, là một tiếng chó sủa, mấy hộ nhà nông.



Chớp mắt lại đã vào tiết thu trong, sen trút hết lớp xiêm y thuần tịnh, chỉ còn lá tàn cành héo trong ao, trông giữ những tâm sự dở dang. Vào lúc không người, còn có mấy cành cúc, mấy gốc quế, dưới ánh dương tự thị thanh cao. Nếu bạn từ chân trời đến, vừa khéo ngang qua một quán trà tên Trà Duyên Quá Khách, xin hãy nhớ rằng, nơi đó có một chén trà thuộc về bạn.