Duyên

Chương 1 : Non nước, nhân gieo từ định mệnh thuở trước

Ngày đăng: 00:00 22/04/20


Cảnh chùa Đông Lâm ở Lư sơn



Núi cao phả khí xanh,



Hang tối ngụ thần tích.



Vắng lặng vẳng tiếng tiêu,



Thác chảy xuôi róc rách.



Khách một mình ngao du,



Cứ đi mà quên đích.
Lần theo những di tích tu hành của Tuệ Viễn thiền sư, dạo chơi chùa Đông Lâm, tựa hồ một bước chân nào đó có thể giẫm lên vết chân ngài, một ý thiền nào đó có thể tương thông với ngài. Nơi đây là một thế giới bồ đề kỳ diệu, một bông hoa, một gốc cây, đều trở thành phong cảnh đẹp đẽ nhất. Núi non trùng trùng, suối chảy róc rách, gió đùa bóng trúc, tháp Phật san sát như rừng, ưa nhất là sắc biếc xanh trong núi, có thể rửa mắt gột lòng. Trong thiền phòng, tăng lữ tĩnh tọa tụng kinh, hoặc dăm ba người tụ lại châm trà bình phẩm, cùng tu thiền lý. Tiều phu đốn củi trên sườn núi, chuyện vãn cùng một chú sơn ca. Ẩn sĩ hái thuốc trong mây, cứu được một con hồ ly trắng bị thương. Bên sông, có cô gái nhà nông đang giặt lụa, véo von hát khúc sơn ca mộc mạc, dẫn người tới chốn thanh xuân bất lão.



Núi Nam xa xa, còn có mấy nếp nhà tranh, dăm khóm cúc bên giậu ấy, phải chăng là năm xưa Đào Uyên Minh vun trồng? Ông lão ngồi câu bên dòng nước, có phải danh sĩ Tạ Linh Vận một đời quyến luyến nước non không? Núi sông cây cỏ chính là Phật của ông, hoa xuân trăng thu chính là thơ của ông, sự trong sáng tĩnh tại và tâm linh thấu triệt của ông, phát sinh và gắn kết chặt chẽ với Phật với Thiền. Tuệ Viễn là thầy giỏi, cũng là bạn tu của họ, Lư sơn là đạo tràng, bọn họ cùng tu hành với hết thảy sinh linh trong rừng, không cầu thành tiên thành Phật, chỉ mong ngắt lấy một quãng thời gian thuần khiết mà xa xăm từ trong vĩnh hằng, kẹp vào trang đầu của cuốn sách năm tháng, lưu lại mấy trang ngan ngát hương giấy dấu mực cho những kẻ bình phàm như chúng ta.



Một sinh một tử, một khởi một diệt, vĩnh viễn chia lìa, riêng mình an tĩnh. Biết bao sinh mạng nhỏ nhoi đã héo tàn rơi rụng thành bùn đất trong bể thời gian, chẳng đọng lại chút dấu vết. Chẳng rõ hơi ấm trên trần thế, có thể len qua lớp đất vàng mỏng manh lạnh lẽo, lan tới linh hồn bất diệt của họ hay chăng? Nhưng chung quy lại, vẫn có những thứ không thể tiêu tan, bọn họ đem cảnh giới viên mãn quán thông ngộ được trong đời cùng tư tưởng thiền huyền diệu, gửi vào non xanh nước biếc vạn đời không đổi. Chúng ta có thể tham thiền từ hoa cỏ bụi đất, ngộ đạo giữa chim muông trùng thú. Từ nay trở đi, khiến cho mình sống khiêm nhường bình thản hơn. Giũa bỏ hết thảy rườm rà, chỉ giữ lại thuần phác; sàng lọc hết xấu xa, để lại cái đẹp đẽ; quên tất thảy oán hận, chỉ giữ lại thiện lương.



Khó quên nhất chính là thềm đá dài đằng đẵng sau chùa Đông Lâm, cùng con đường vắng dẫn tới tháp Phật. Hai bên đường trồng đầy trúc xanh, bước vào liền cảm thấy tịch mịch, quá trình ấy chính là xuyên qua hoa lệ tới thanh mát, từng cảnh từng cảnh tượng theo gió lướt qua, dần dà đạt đến mức bình thản ung dung. Chân bạn bất giác sẽ bước chậm lại, thật chậm, thật khẽ khàng, vì những khóm trúc xanh xếp thành hàng ấy, sẽ rủ rỉ kể bạn nghe những câu chuyện Phật chuyện Thiền từng xảy ra trong chùa Đông Lâm. Chỉ đến khi màn đêm buông xuống, tất cả khách qua đường ai nấy đều quay về chốn gió bụi, mấy khóm trúc mới yên lặng trở lại, cùng vị thiền sư ngày trước ngồi thiền tụng kinh, ghi lại đời này kiếp trước, nhân quả vận mệnh của mình vào trang sách.



Đứng trên cao ngang với ráng chiều, nhìn xuống khói lửa nhân gian, mới phát hiện ra, một khe suối, một dòng sông, một mảnh ngói, một mái hiên nơi ấy, đều khiến người ta quyến luyến. Rốt cuộc đã hiểu được, chẳng qua mình chỉ gột bỏ lớp trang điểm dày cộp của hồng trần, tạm thời khóa những náo nhiệt bên ngoài cửa, vào chùa trong núi, tĩnh tọa đối diện với nội tâm mà thôi. Cầm một cuốn kinh, vờ chăm chú đọc, mùi mực trong sách khiến lòng người đắm đuối, nhưng không cách nào thực sự ngộ được thâm ý của nó. Dù cho những thiền lý ấy, vô ngôn mà tha thiết muốn độ hóa chúng ta đến nhường nào. Chẳng rõ nó không thể chinh phục chúng ta, hay là chúng ta không thể chinh phục nó, hoặc có lẽ không phải chinh phục, mà chỉ là duyên còn mỏng đấy thôi. Nơi đây đã định sẵn không phải chốn về, bến sau vẫn còn cả chặng đường hối hả - dù chúng ta không muốn lên đường, chỉ muốn trông giữ sự thanh tịnh ở đây, để trái tim mình âm thầm nở như sen. Có những thiền lý mà một số người chỉ chớp mắt đã ngộ được, một số khác có ngẫm nghĩ cả đời cũng chẳng thể ngộ ra. Tuệ Viễn thiền sư thuộc loại thứ nhất, vô vàn chúng sinh thuộc loại thứ hai. Tiếng trống chiều là đường xuống núi của du khách, chẳng biết ai đã thắp sáng ngàn ngọn đèn sen để giữ lại những người này, cũng để tiễn đưa những người kia. Tôi đã định sẵn là người được đưa tiễn ấy, bao năm như vậy, tìm kiếm qua vô số núi sâu chùa cổ, đều đến đi hối hả như chuồn chuồn điểm nước. Là từ lúc nào, bắt đầu yêu phải yếu hèn, hận phải quỵ lụy, khóc phải giấu giếm, cười phải phỉnh phờ? Tôi thực khâm phục những kẻ vì yêu mà cúi đầu, vì yêu mà bất chấp tất cả. Chỉ có bọn họ, mới dám lôi những ẩm thấp trong lòng ra dưới nắng, cương quyết hong khô.



Suy cho cùng, tôi là một kẻ thanh đạm. Lẽ ra tôi nên cùng một người đàn ông có cặp mắt trong veo yên ổn sống qua ngày tại một nơi mình không quen ai, cũng chẳng ai quen mình. Trong những năm tháng cuộc đời, dùng những viên gạch tình yêu, xây nên một tổ ấm hạnh phúc nho nhỏ. Chẳng cần trời tàn đất tận, chỉ cần một đời này thôi, bởi kiếp sau tôi đã thề với Phật, phải làm một nhành cây ngọn cỏ, một hạt bụi bên cạnh ngài. Đều nói rằng một nụ cười làm tan hết sầu khổ, gặp gỡ và chia biệt, cũng chỉ là một nụ cười cầm hoa của Phật Tổ mà thôi.