Emily Trên Dải Cầu Vồng

Chương 11 : Cao và sâu

Ngày đăng: 16:05 19/04/20


“Shrewsbury,



“28 tháng Tư, 19…



“Cuối tuần vừa rồi tôi đã về Trăng Non và sáng nay quay trở lại. Bởi vậy, hôm nay là ngày thứ Hai buồn chán và tôi rất nhớ nhà. Hễ cứ đến thứ Hai là bác Ruth lại có phần khiến người ta càng thấy không thể chịu đựng nổi hơn; hoặc có vẻ như thế khi đem so sánh với bác Laura và bác Elizabeth. Ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi, bác Jimmy không tỏ ra dễ chịu như thường lễ. Bác ấy hơi cắm cảu và lại thêm vài cơn mơ hồ kỳ quặc vì hai lý do: thứ nhất, mấy cây táo non bác ấy trồng đang chết dần vì bị chuột gặm nhấm suốt mùa đông; thứ hai, bác ấy không tài nào thuyết phục được bác Elizabeth thử dùng loại đĩa gạn kem mới mà người khác ai cũng đều đang sử dụng cả. Riêng tôi thì lấy làm mừng vì bác Elizabeth đã không đồng ý. Tôi chẳng hề mong muốn khu chế biến bơ sữa lâu năm xinh đẹp của chúng tôi cùng những chiếc chảo sữa màu nâu bóng loáng bị xóa sổ hoàn toàn sau quá trình cải tiến. Tôi chẳng thể tưởng tượng nổi trang trại Trăng Non sẽ như thế nào nếu không có khu chế biến bơ sữa.



“Khi tôi đã có thể xóa sạch nỗi bất bình ra khỏi tâm trí bác Jimmy, hai bác cháu tôi cùng khám phá cuốn danh mục Carlton và bàn bạc xem lựa chọn như thế nào là hợp lý nhất với hai đô la kiếm được từ tiếng cú cười. Hai bác cháu đã cân nhắc hàng chục khóm hoa và khoảnh vườn khác nhau, cũng đã thu hoạch được từ đó rất nhiều niềm thích thú đáng giá đến vài trăm đô la; nhưng cuối cùng lại chọn một khoảnh cúc hẹp – những cây hoa màu oải hương nằm chính giữa, được bao bọc bởi những cây hoa trắng, thêm một đường viền màu hồng nhạt, và bốn góc là bốn người lính gác màu tím. Tôi tin chắc nó sẽ đẹp lắm: và đến tháng Chín, tôi sẽ được chiêm ngưỡng vẻ yêu kiều của nó, lòng thầm nhủ, ‘Đây chính là thứ mình đã tưởng tượng!’



“Tôi đã tiến thêm một bước nữa trên Đường Alps. Tuần trước, tạp chí Phụ nữ đã chấp nhận bài thơ của tôi, Bà Gió, và trả nhuận bút cho tôi bằng hai kỳ báo. Không có tiền mặt… nhưng có thể đợi đến lần sau nữa. Tôi phải nhanh nhanh kiếm đủ tiền trả cho bác Ruth chính xác đến từng xu bác ấy đã phải bỏ ra để tôi sống cùng bác ấy. Đến lúc đó bác ấy sẽ không chì chiết tôi vì chi phí mà vì tôi bác ấy phải gánh nữa. Gần như chẳng có ngày nào bác ấy lại bỏ lỡ một vài lời bóng gió về chuyện đó… ‘Không đâu, bà Beatty ạ, có lẽ năm nay tôi không thể quyên góp cho các hội truyền giáo nhiều như bình thường được, bà biết rồi đấy’… ‘Ôi, không đâu, ông Morrison, các mặt hàng mới của ông đẹp thật đấy, nhưng mùa xuân năm nay tôi không đủ khả năng chi trả cho một chiếc váy lụa đâu’… ‘Quả thực đáng lẽ phải bọc lại vải cho cái ghế sofa này… nó đã sờn rách kinh quá rồi… nhưng phải một, hai năm tới chắc cũng chẳng bàn đến chuyện này được.’ Cứ kiểu như thế.



“Nhưng tâm hồn tôi không thuộc quyền sở hữu của bác Ruth.



“Tiếng cú cười được đăng lại trong tờ Thời báo Shrewsbury… kể cả lỗi ‘chăn của người thợ săn’ nữa. Theo tôi hiểu, Evelyn Blake tuyên bố cô ta không hề tin rằng tôi đã viết bài thơ ấy… cô ta tin chắc đã đọc một bài giống y hệt ở chỗ nào đó từ mấy năm trước.



“Evelyn thân mến!



“Bác Elizabeth không nói gì về chuyện này, nhưng bác Jimmy kể cho tôi nghe rằng bác Elizabeth đã cắt bài thơ đó ra cất vào cuốn Kinh Thánh mà bác ấy vẫn để trên cái giá gần giường ngủ. Khi tôi kể cho bác ấy nghe rằng tôi được trả nhuận bút cho bài đó bằng số hạt giống trị giá hai đô la, bác ấy bèn bảo rất có khả năng đến khi gửi thư cho họ, tôi sẽ phát hiện ra họ đã phá sản mất rồi!



“Tôi định gửi tới Giờ vàng cái truyện ngắn thầy Carpenter vốn thích viết về đứa trẻ đó. Ước gì tôi có thể đưa nó đi đánh máy, nhưng chẳng cách nào làm thế được, vậy nên tôi sẽ phải viết lại nó cho rõ ràng. Chẳng biết liệu tôi có dám không nữa. Chắc chắn họ sẽ trả tiền cho một câu chuyện chứ.



“Chú Dean sẽ sớm về nhà. Thật vui biết bao nhiêu khi sắp được gặp chú ấy! Không biết liệu chú ấy có cho là tôi đã thay đổi quá nhiều không nữa. Chắc chắn tôi đã cao hơn rồi. Bác Laura bảo chẳng mấy chốc rồi tôi sẽ phải mặc những bộ váy dài thật sự và buộc tóc cao lên, nhưng bác Elizabeth lại nói mười lăm tuổi thì vẫn còn quá nhỏ cho những chuyện đó. Bác ấy bảo đảm con gái tuổi mười lăm thời nay chẳng hề ra dáng phụ nữ như hồi bác ấy tầm tuổi đấy. Tôi biết, bác Elizabeth thực lòng luôn ấp ủ nỗi sợ hãi rằng nếu bác ấy để tôi trưởng thành thì tôi rồi sẽ lại bỏ nhà theo tiếng gọi của tình yêu – ‘giống Juliet’. Nhưng tôi không sốt ruột muốn trưởng thành. Cứ như thế này thì dễ chịu hơn nhiều – cứ lửng lơ chẳng lớn chẳng bé. Như thế, nếu muốn thì tôi cứ việc hành động theo kiểu trẻ con và sẽ chẳng ai dám làm tôi xấu hổ; còn hễ muốn cư xử cho ra dáng người trưởng thành thì tôi vẫn có quyền nhờ mấy phân chiều cao trội hơn đó.



“Tối nay, trời êm ả, lất phất mưa. Những cây liễu đuôi sóc ngoài đầm và mấy cây bu lô non trong Miền Chính Trực đã tung tấm mạng trong suốt mùa tím phủ trùm lên những thân cành trần trụi của chúng. Có lẽ tôi viết một bài thơ về Viễn cảnh mùa xuân.”



“5, tháng Năm, 19…



“Ở trường trung học đang bùng nổ phong trào viết thơ mùa xuân. Evelyn đã được đăng một bài trên tờ Bút lông số tháng Năm về Hoa. Vần điệu rất khập khiễng.



“Lại còn Perry nữa! Cậu ấy cũng cảm thấy cái thôi thúc mùa xuân thường niên, theo như cách gọi của thầy Carpenter, và đã viết một bài đến là khiếp gọi là Người nông dân già gieo hạt giống. Cậu ấy gửi nó đến Bút lông và tòa soạn đã đăng bài này lên, trong mục ‘Chuyện hài’. Perry khá hãnh diện về nó và chẳng hề nhận ra cậu ta đã tự biến mình thành một con lừa. Ilse giận dữ đến tái xám mặt mày khi đọc được bài này và từ lúc đó không thèm nói năng gì với cậu ta nữa. Cậu ấy bảo Perry không phải đối tượng phù hợp để kết giao. Ilse quá khắt khe với Perry. Tuy nhiên, khi đọc bài thơ này, đặc biệt là câu,



“ ‘Tôi cày, bừa và gieo hạt…



Tôi đã làm hết sức mình



Giờ thì tôi sẽ mặc kệ vụ mùa



Và để Chúa lo nốt phần còn lại.’



tôi chỉ muốn tự tay giết chết cậu ta. Perry không tài nào hiểu được có vấn đề gì không ổn.



“ ‘Nó vần mà, đúng không?’



“ ‘Ồ, phải rồi, nó vần lắm!’



“Dạo gần đây, Ilse còn tức điên với Perry vì cậu ta mặc áo khoác đứt hết cúc chỉ còn sót mỗi một cái đến trường. Chính tôi cũng không chịu nổi chuyện này, vậy nên khi tan học, tôi thì thầm nhắn Perry đến lúc hoàng hôn thì gặp tôi năm phút cạnh ao Dương Xỉ. Tôi mang theo kim chỉ và cúc rồi lén ra ngoài đó khâu hết cúc lại. Cậu ta không hiểu có gì không phải nếu đợi đến tối thứ Sáu để bác Tom khâu lại cúc cho chứ. Tôi hỏi,



“ ‘Sao cậu không tự mình khâu, Perry?’



“ ‘Tớ không có cúc mà cũng chẳng có tiền mua cúc,’ cậu nói, ‘nhưng đừng lo, rồi sẽ có ngày nếu muốn thì tớ mua cúc bằng vàng cũng được.’



“Bác Ruth nhìn thấy lúc về tôi mang theo cả kéo, chỉ đủ thứ vậy nên tất nhiên bác ấy muốn biết ở đâu, khi nào và tại sao. Tôi kể lại toàn bộ câu chuyện và bác ấy bảo,




“Tôi giải thích toàn bộ câu chuyện với bác Ruth, nhưng bác ấy vẫn không khỏi hoài nghi và có vẻ vẫn cho rằng câu chuyện này quả thật quá mức thiếu thuyết phục.



“ ‘Lạ quá đấy nhỉ, giữa vỉa hè rộng đến hơn bốn mét mà cháu lại chẳng thể bước qua một người đàn ông mà không ôm chầm lấy anh ta,’ bác ấy nói.



“ ‘Thôi mà, bác Ruth,’ tôi nói, ‘cháu biết bác nghĩ cháu là kẻ ranh mãnh, khó lường, ngu ngốc và vô ơn bạc nghĩa. Nhưng bác cũng biết rõ cháu mang trong người một nửa dòng máu Murray, và liệu bác có cho rằng bất kỳ người phụ nữ nào mang bất kỳ giọt máu Murray nào chảy trong huyết quản lại ôm chầm lấy một người bạn nam ngay giữa đường giữa phố không?’



“ ‘Ồ, ta đã nghĩ là cháu khó có khả năng tỏ ra mặt dạn mày dày đến mức đó,’ bà Ruth thừa nhận. ‘Nhưng bà Taylor lại bảo bà ta đã chứng kiến chuyện đó. Ai ai cũng đều đã nghe kể rồi. Ta không thích trong nhà lại có người bị nói này nói nọ theo kiểu đó. Nếu cháu đừng có bất chấp lời ta khuyên can cứ thế đi chơi cùng Ilse Burnley thì đã chẳng xảy ra chuyện này rồi. Đừng có bao giờ để những chuyện tình cờ như thế xảy ra lần nữa đấy.’



“ ‘Những chuyện như thế xảy ra một cách tình cờ đâu ạ,’ tôi nói. ‘Chúng đều đã được số phận định trước hết rồi.’ “



“3 tháng Sáu, 19…



“Miền Chính Trực mới đẹp đẽ xiết bao. Tôi có thể quay lại hồ Dương Xỉ để viết lách rồi. Bác Ruth cực kỳ nghi ngờ hành động này. Bác ấy không bao giờ quên rằng tôi từng có tối ‘gặp gỡ Perry’ ở đó. Hồ nước giờ đang độ quyến rũ nhờ nằm dưới bóng những cây dương xỉ non. Tôi nhìn vào mặt nước, tưởng tượng ra nó chính là cái hồ trong truyền thuyết, có thể chiếu tỏ tương lai cho những ai soi mình xuống đó. Tôi vẽ ra trong tâm trí hình ảnh chính mình đang nhón gót lên bước tới hồ lúc nửa đêm một ngày trăng tròn, quăng vào giữa lòng hồ một món đồ quý giá nào đó rồi rụt rè nhìn cảnh tượng vừa bày ra trước mắt.



“Liệu nó sẽ chỉ cho mình thấy gì đây? Đường Alps đã được chinh phục một cách huy hoàng? Hay thất bại?



“Không, không bao giờ có chuyện thất bại!”



“9 tháng Sáu, 19…



“Tuần vừa rồi là sinh nhật bác Ruth và tôi đã tặng bác ấy một chiếc khăn trang trí giữa bàn do tôi tự thêu. Bác ấy cảm ơn tôi nhưng thái độ có phần cứng nhắc và có vẻ chẳng mảy may quan tâm đến nó.



“Tối nay, tôi ngồi trong hốc cửa sổ bên hông phòng ăn, làm bài tập đại số dưới ánh sáng cuối ngày. Mấy cánh cửa xếp đều mở toang, và bác Ruth đang nói chuyện cùng bà Ince trong phòng khách. Tôi cứ đinh ninh hai người biết tôi đang ở bên hông nhà, nhưng có lẽ tôi đã bị rèm cửa che khuất mất rồi. Đột nhiên tôi nghe nhắc đến tên mình. Bác Ruth đang khoe với bà Ince tấm khăn lót giữa bàn, vẻ khá hãnh diện.



“ ‘Cô cháu Em’ly tặng cái này cho tôi làm quà sinh nhật đấy. Nhìn xem đường kim mũi chỉ đẹp chưa này. Con bé khéo tay khâu vá thêu thùa lắm.’



“Đây có đúng là bác Ruth không vậy? Tôi ngạc nhiên đến sững cả người, chẳng nói năng nhúc nhích gì được.



“ ‘Khâu vá thêu thùa thì đã là gì so với sự thông minh của con bé chứ,’ bà Ince nói. ‘Tôi nghe nói hiệu trưởng Hardy vẫn đang kỳ vọng con bé sẽ đứng đầu lớp trong kỳ thi cuối năm đấy.’



“ ‘Mẹ con bé, cô em Juliet của tôi ấy, vốn thông minh sáng láng lắm đấy,’ bác Ruth nói.



“ ‘Mà con bé lại còn xinh xắn nữa chứ,’ bà Ince nói.



“ ‘Cha con bé, Dougles Starr, vốn đẹp trai đến khó ai bì kịp,’ bác Ruth nói.



“Đến đó thì họ bỏ ra ngoài. Vậy là, ít nhất một lần trong đời, một kẻ nghe lén đã được nghe người khác nói điều tốt đẹp về chính mình!



“Ấy vậy mà lại là từ bác Ruth cơ đấy!”



“17 tháng Sáu, 19…



“Giờ thì tôi không còn phải tắt nến vào buổi tối nữa, ít nhất là khi vẫn chưa quá muộn. Bác Ruth cho phép tôi thức khuya vì giờ đang là kỳ thi cuối năm. Perry đã làm thầy Travers tức điên vì cậu ta viết vào cuối bài kiểm tra đại số chữ Matthew 7:5. Đến lúc tra lại, thầy Travers đọc thấy câu: ‘Hỡi kẻ đạo đức giả, trước hết hãy lấy cây đà ra khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt an hem mình được.’ Ai cũng biết thầy Travers chỉ làm ra vẻ thế thôi chứ thật ra chẳng giỏi giang gì trong môn Toán. Vậy nên thầy ấy nổi giận đùng đùng ném bài thi của Perry đi để ‘coi như sự trừng phạt vì tội láo xược’. Thật ra Perry tội nghiệp đã nhầm lẫn. Cậu ta chủ định viết là Matthew 5:7. ‘Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!’ Cậu ta đã tìm gặp thầy Travers để giải thích, nhưng thầy Travers không chịu nghe. Đến lúc đó Ilse bèn ra tay vào hang hùm bắt cọp, có nghĩa là, đến gặp thầy hiệu trưởng Hardy, kể lại đầu đuôi câu chuyện và xin thầy ấy nói giùm với thầy Travers. Kết quả là Perry vẫn được điểm, nhưng bị cảnh cáo lần sau đừng có mà tìm cách xuyên tạc Kinh Thánh nữa.



“28 tháng Sáu, 19…



“Năm học đã kết thúc. Tôi đã giành được cái ghim cài ngôi sao. Đây là một năm đầy trải nghiệm, học tập chuyên cần nhưng cũng tràn ngập những sự kiện thú vị, và rất nhiều nỗi day dứt. Giờ đây, tôi sắp quay trở lại Trăng Non yêu dấu, tận hưởng hai tháng tuyệt vời đắm chìm trong tự do và hạnh phúc.



“Trong kỳ nghỉ, tôi định sẽ viết một cuốn sách làm vườn. Tôi đã nung nấu ý tưởng này được một thời gian và từ lúc nảy sinh ý nghĩ này, tôi chẳng tài nào viết truyện được nữa. Tôi sẽ thử sức ở một loạt tiểu luận về khu vườn của bác Jimmy, mỗi tiểu luận sẽ được kết thúc về khu vườn của bác Jimmy, mỗi tiểu luận sẽ được kết thúc bằng một bài thơ. Nó không chỉ là cách thực hành hiệu quả mà còn làm vui lòng bác Jimmy nữa.”