Emily Trên Dải Cầu Vồng
Chương 12 : Trước dấu hiệu của đống cỏ khô
Ngày đăng: 16:05 19/04/20
“Tại sao cháu lại làm một chuyện như thế chứ?” bà Ruth hỏi; tất nhiên kèm theo cả tiếng khịt mũi nữa. Bất cứ khi nào bà Ruth bình phẩm về một thứ gì đó là y như rằng sẽ phải kèm theo một tiếng khịt mũi, thậm chí kể cả những lần người viết tiểu sử này đây lỡ quên mất mà không nhắc tới.
“Để kiếm thêm vài đô nhét vào cái ví xẹp lép của cháu ạ,” Emily trả lời.
Kỳ nghỉ kết thúc, cuốn Sách làm vườn đã hoàn thành và được đọc định kỳ cho ông Jimmy, dưới ánh chiều chạng vạng giữa tháng Bảy tháng Tám, trong niềm vui sướng vô bờ của ông; còn giờ đã sang tháng Chín, đã đến lúc quay lại với trường lớp và việc học hành, với Miền Chính Trực, với bác Ruth. Váy vóc Emily đã dài hơn chút xíu, mái tóc lại được vấn lên theo phong cách “Bím tóc Cadogan” khá thịnh hành thời đó, cao đến nỗi trên thực tế gần như “vọt” hẳn lên; cô đã quay trở lại Shrewsbury để hoàn thành năm học thứ hai; và cô vừa nói với bà Ruth rằng cô dự định thu này ở Shrewsbury sẽ làm việc vào các thứ Bảy.
Tòa soạn báo Thời đại Shrewsbury đang lên kế hoạch phát hành một ấn phẩm đặc biệt của Shrewsbury có kèm cả minh họa, và Emily sẽ đến tất cả những nơi cô có điều kiện đi được, chào hàng ấn phẩm này để thuyết phục mọi người đặt mua. Cô chật vật mãi cũng nhận được sự đồng ý có phần miễn cưỡng của bà Elizabeth, một sự chấp thuận mà hẳn sẽ chẳng đời nào giành được nếu bà Elizabeth vẫn đang chi trả toàn bộ chi phí học hành cho Emily. Nhưng ông Wallace lại đang trả tiền sách vở và học phí cho cô, và thỉnh thoảng ông còn không quên bóng gió với bà Elizabeth rằng ông phải tử tế và hào phóng lắm thì mới làm thế được. Trong thâm tâm, bà Elizabeth chẳng mấy quý mến người em trai Wallace và luôn thấy phản cảm vì ông ta chỉ giúp đỡ Emily có chút xíu thôi mà cứ ra cái vẻ ta đây tốt đẹp lắm. Vậy nên, khi Emily trình bày rằng trong suốt mùa thu, cô có cách dễ dàng kiếm đủ tiền để trang trải ít nhất là một nửa chi phí mua sách vở cho cả năm học, bà Elizabeth đành đầu hàng. Ông Wallace sẽ tự ái nếu bà, Elizabeth, nhất mực đòi thanh toán khoản phí của Emily trong khi ông ta đã quyết định trả nó rồi, nhưng ông làm gì có lý do chính đáng để mà bực bội với Emily vì cô đã tự mình kiếm tiền trang trải các chi phí. Lúc nào ông ta chả ra rả thuyết giáo rằng cánh phụ nữ nên tỏ ra tự lực cánh sinh, rằng họ nên có đủ khả năng tự nuôi sống bản thân.
Một khi bà Elizabeth đã chấp thuận thì bà Ruth cũng chẳng phản đối làm gì, nhưng bà vẫn không tán thành chuyện này.
“Cứ thử nghĩ đến chuyện cháu sẽ một mình lang thang khắp thị trấn xem!”
“Ôi, cháu sẽ không đi một mình đâu ạ. Ilse cũng sẽ đi cùng cháu mà,” Emily đáp.
Có vẻ như bà Ruth chẳng thấy như thế thì có gì tốt đẹp hơn.
“Chúng cháu sẽ bắt đầu vào thứ Năm,” Emily nói.
“Vì cha thầy Hiệu trưởng Hardy mới mất nên thứ Sáu trường sẽ nghỉ học, và ba giờ chiều thứ Năm lớp học của bọn cháu đã tan hết rồi. Tối hôm đó chúng cháu sẽ đi chào hàng ở đường Tây.”
“Cho ta hỏi chút nhé, liệu các cháu có định cắm trại bên vệ đường không đấy?”
“Ôi, không đâu ạ. Chúng cháu sẽ ngủ qua đêm tại nhà dì của Ilse ở Wiltney. Sau đó, đến thứ Sáu, chúng cháu sẽ cắt ngược lại đường Tây, chào hàng khắp cả khu trong ngày hôm đó, rồi đến tối thứ Sáu sẽ nghỉ lại tại nhà người quen của Mary Carswell ở St. Clair… rồi đến thứ Bảy sẽ theo đường Sông đi về nhà.”
“Lố bịch không để đâu cho hết,” bà Ruth nói. “Từ xưa đến nay, chẳng người nhà Murray nào từng làm một chuyện như thế. Ta thật chẳng hiểu nổi Elizabeth đấy. Rõ là chẳng đứng đắn chút nào khi hai cô bé như cháu và Ilse một mình lang thang khắp thị trấn tận những ba ngày.”
“Theo bác thì chúng cháu có thể gặp chuyện gì mới được chứ?” Emily hỏi.
“Có thể xảy ra đủ chuyện đấy,” bà Ruth nghiêm trang đáp.
Bà nói đúng. Đủ thứ chuyện có thể xảy ra, và đã xảy ra, trong chuyến du hành đó; nhưng buổi chiều thứ Năm, cả Emily lẫn Ilse đều lên đường trong tâm trạng hào hứng, hai cô nữ sinh lớ ngớ chỉ nhìn thấy cuộc đời toàn một màu hồng và hạ quyết tâm sẽ vui vẻ ra trò. Emily đặc biệt cao hứng. Hôm đó cô vừa nhận được thêm một bức mỏng trong hòm thư, trên góc in địa chỉ của một tờ tạp chí tầm thường, thông báo gửi biếu cô ba kỳ của tờ báo nói trên làm nhuận bút cho bài Vườn đêm, bài thơ được đặt làm phần kết cho cuốn Sách làm vườn và vốn được cả cô lẫn ông Jimmy đánh giá là viên ngọc quý của tập sách. Emily đã cất cuốn Sách làm vườn vào trong chiếc tủ trên mặt lò sưởi ở phòng cô tại Trăng Non, nhưng cô đã chép lại các “đoạn kết” trong đó định trong mùa thu sẽ lần lượt gửi tới một số tòa soạn báo. Quả là điềm tốt khi ngay trong lần gửi đầu tiên, bài thơ đã nhanh chóng được chấp nhận.
Ilse bị giọng nói này chọc tức.
“Vì Chúa, Emily, đừng có kỳ quặc như thế!” cô kêu lên.
Trong chớp mắt, thế giới diệu kỳ mà ngay lúc này đây Emily đang sống trong bỗng run rẩy và nhập nhòa giống như một hình phản chiếu trên mặt nước vừa bị khuấy động. Rồi sau đó…
“Đừng tranh cãi ở đây nhé,” cô nài nỉ. “Chúng mình có thể đẩy nhau ngã ra khỏi đống cỏ mất.”
Ilse bật cười khanh khách. Khi người ta đã bật cười một cách sảng khoái thì thật chẳng thể duy trì cơn giận dữ được. Vậy nên buổi tối dưới những vì sao của họ đã không bị trận cãi cọ nào phá hỏng. Hai cô gái thầm thì trò chuyện một lúc, về những bí mật, những ước mơ và nỗi sợ hãi của các nữ sinh. Thậm chí, hai cô bạn còn nói cả đến chuyện lập gia đình trong tương lai. Tất nhiên lẽ ra họ không nên bàn đến chuyện đó, nhưng hai cô gái vẫn làm thế. Có vẻ như Ilse hơi bi quan đối với các cơ hội hôn nhân của mình.
“Bọn con trai luôn coi tớ như một người bạn thân, nhưng tớ không tin là sẽ có ai thật lòng yêu tớ.”
“Vớ vẩn,” Emily trấn an. “Chín phần mười đám con trai sẽ phải lòng cậu cho mà xem.”
“Nhưng chính người thứ mười mới là người tớ muốn,” Ilse ủ rũ bảo vệ quan điểm của mình.
Sau đó hai cô gái bàn tán hầu như về hết thảy mọi chuyện trên đời. Cuối cùng, cả hai nghiêm trang lập thỏa thuận rằng cho dù sau này ai trong hai người chết trước đi nữa thì chỉ cần có cơ hội cũng sẽ phải quay lại tìm người kia. Biết bao nhiêu thỏa thuận kiểu thế từng được lặp đi kia chứ! Và liệu có một thỏa thuận nào như thế từng được thực hiện hay chưa?
Rồi Ilse bắt đầu gà gật và ngủ thiếp đi mất. Nhưng Emily không ngủ… không muốn ngủ. Cô có cảm giác trời đêm quá đáng yêu đến độ chẳng tài nào ngủ được. Cô chỉ muốn nằm thức chong chong tận hưởng không khí ban đêm và ngẫm ngợi về hàng ngàn vấn đề.
Sau này, mỗi khi nhớ về buổi tối dưới những vì sao đó, Emily luôn coi nó như một dấu mốc quan trọng. Hết thảy mọi thứ thuộc về nó và ở trong nó đều vỗ về bảo bọc cô. Nó lấp đầy cô bằng vẻ đẹp của mình, để rồi đến lượt cô sau đó hẳn sẽ phải mang vẻ đẹp ấy đến với thế giới. Cô chỉ ước sao mình có thể sáng tạo ra một từ mầu nhiệm nào đó đủ khả năng diễn tả điều này.
Vầng trăng tròn vành vạnh nhô lên cao. Có phải một mụ phù thủy già đội mũ chóp nhọn vừa cưỡi chổi cắt ngang qua mặt trăng không nhỉ? Không phải, chỉ là một con dơi và một ngọn cây độc cần nhỏ bên hàng rào. Cô tức thời sáng tác một bài thơ, chẳng cần chút nỗ lực mà các dòng các câu cứ thế tự ngân vang trong tâm trí cô. Trong bản năng của cô, một mặt cô thích viết văn xuôi, nhưng mặt khác cô lại thích viết thơ. Tối nay, mặt bản năng này đã áp đảo và tâm trí cô dồn hết vào giai điệu. Một vì sao lớn phập phồng treo là là ngang bầu trời phía trên Indian Head. Emily mê mải ngắm nhìn vì tinh tú, lòng bỗng nhớ đến câu chuyện tưởng tượng ngày xưa của Teddy, về kiếp trước của cậu trên một vì sao. Ý nghĩ đó đã túm lấy trí tưởng tượng của cô, và Emily dệt nên một cuộc đời trong mơ, sống trên một hành tinh hạnh phúc nào đó xoay xung quanh vầng thái dương vĩ đại xa xăm đó. Rồi những ánh sáng từ phương Bắc xuất hiện, những quầng lửa nhạt lờ lững trôi ngang bầu trời, những ngọn mác ánh sáng dường như là vũ khí của các đoàn quân chốn thiên cung, các đạo quân nhợt nhạt hay lảng tránh hết lùi lại tiến. Emily đắm đuối nằm ngắm nhìn toàn bộ cảnh tượng này. Tâm hồn cô đã được gột rửa thanh khiết nhờ tắm đẫm trong sự huy hoàng. Cô là đại tư tế của vẻ đẹp đang trong nghi lễ thờ phụng thiêng liêng, và cô biết nữ thần của mình là mỉm cười.
Cô lấy làm mừng vì Ilse đã ngủ. Lúc này, bất kỳ sự bầu bạn nhân thế nào, ngay cả những mối quan hệ thân thương nhất và hoàn hảo nhất, cũng đều khiến cô thấy xa lạ. Chỉ riêng bản thân cô đã đủ thỏa mãn cô rồi, không cần tình yêu, không cần sự bầu bạn, cũng không cần bất kỳ cảm xúc thế nhân nào để dưỡng bồi niềm hạnh phúc. Những giây phút như thế này họa hoằn lắm mới xảy ra trong một đời người, nhưng khi đã đến với cuộc đời ai đó rồi, chúng đều tuyệt vời khôn tả, như thể trong chớp mắt sự hữu hạn đã biến thành vô hạn; như thể trong một thoáng loài người đã được nâng lên vào hàng ngũ thánh thần; như thể toàn bộ sự xấu xí đã bị xóa sạch, chỉ còn lại vẻ đẹp không tì vết. Ôi… vẻ đẹp… Emily run lên trong vẻ đẹp ngất ngây thuần khiết đó. Cô yêu nó, đêm nay nó đã lấp đầy sự sống trong cô như chưa bao giờ như thế. Cô không dám cử động, không dám thở, chỉ e sẽ phá vỡ cái dòng chảy của vẻ đẹp đang tuôn tràn trong cô. Cuộc sống như một nhạc cụ diệu kỳ được dùng để tấu lên những bản hòa âm siêu phàm.
“Ôi, lạy Chúa, xin Người hãy làm cho con xứng đáng với nó; ôi, hãy làm cho con xứng đáng với nó đi,” cô nguyện cầu. Liệu có khi nào cô xứng đáng với một thông điệp như thế không; liệu có khi nào cô bạo gan đánh liều mang theo một phần vẻ đẹp của “cuộc đối thoại thiêng liêng” đó quay về với thế giới thường nhật của bãi chợ nhơ nhuốc, của phố xá nhộn nhạo? Có phải chia sẻ nó; cô không thể bo bo giữ nó cho riêng mình. Liệu thế giới có nghe thấy… có hiểu… có cảm nhận được? Chỉ cần có một lòng một dạ trung thành với sự ủy thác và chia sẻ đúng thứ mà cô đã nhận được sự ủy thác, không cần biết rồi sẽ được ngợi ca hay bị khiển trách. Đại tư tế của vẻ đẹp… phải, cô sẽ không phụng sự bất kỳ ngôi đền nào khác!
Cô thiếp ngủ giữa cơn ngất ngây này; mơ đến cảnh cô chính là nhà thơ Hy Lạp Sappho đang nhảy xuống từ vách đá Leucadia; rồi tỉnh dậy, nhận thấy mình đang ở dưới chân đống cỏ khô, khuôn mặt thất kinh của Ilse đang từ bên trên ngó xuống cô. May mà lúc cô ngã xuống còn kéo theo rất nhiều cỏ khô, thành ra cô vẫn có thể cẩn trọng phát biểu,
“Tớ nghĩ mình vẫn còn nguyên vẹn không sứt mẻ gì.”