Emily Trên Dải Cầu Vồng

Chương 22 : Yêu ai yêu cả đường đi

Ngày đăng: 16:05 19/04/20


Khi người dân Shrewsbury phát hiện ra bà Dutton đang hậu thuẫn cho cô cháu gái, ngọn lửa tin đồn từng quét khắp thị trấn đã bị dập tắt trong một thời gian ngắn ngủi đến không ngờ. Bà Dutton đóng góp cho đủ loại quỹ của nhà thờ Thánh John nhiều hơn bất kỳ thành viên nào khác - hỗ trợ thích đáng cho nhà thờ quen thuộc vốn là một truyền thống của nhà Murray. Bà Dutton là chủ nợ của một nửa số thương nhân trong thị trấn; bà nắm trong tay một lá thư quan trọng của Nat Tolliver đủ khiến ông ta phải thao thức nhiều đêm. Bà Dutton có vốn hiểu biết đủ sức gây hoang mang về những bí mật vốn được đào sâu chôn chặt của các dòng họ - thứ hiểu biết bà sẵn sàng nhắc đến chẳng hề kiêng kỵ. Bởi vậy, bà Dutton thuộc kiểu người cần được giữ gìn tâm trạng vui vẻ, và nếu ai đó phạm phải sai lầm mà tưởng rằng vì bà quá khắt khe với cháu bà nên người ta muốn khinh rẻ cháu bà cũng chẳng thành vấn đề, vậy thì họ càng sớm sửa chữa sai lầm này thì càng tốt cho tất cả những ai có liên quan.



Tại quầy hàng của bà Tolliver ở hội chợ từ thiện quy mô lớn kia, Emily bán áo khoác trẻ em, chăn, giày len trẻ em, mũ bon nê; và cô mời chào các quý ông đứng tuổi vào mua bằng nụ cười giờ đây đã trở nên nổi tiếng của cô; tất cả mọi người đều đối xử tử tế với cô, và cô đã lấy lại được tâm trạng vui vẻ, mặc dù trải nghiệm vừa rồi vẫn lưu lại vết sẹo trong lòng. Nhiều năm sau, dân chúng Shrewsbury vẫn nói rằng Emily Starr chưa bao giờ thực lòng tha thứ cho họ cái tội bàn luận về cô; và họ còn nói thêm rằng người nhà Murray chưa từng biết đến chuyện tha thứ, bạn biết rồi đấy. Nhưng đừng có nói đến chuyện tha thứ làm gì. Emily đã phải chịu cảnh khổ sở sống dở chết dở, nên từ đó về sau, chỉ cần nhìn thấy bất kỳ ai từng dính líu tới nỗi khổ sở ấy của mình, cô đều không tránh khỏi cảm giác căm ghét. Một tuần sau đó, khi bà Tolliver mời cô đảm nhiệm vai trò rót trà tại buổi tiếp đón người họ hàng của bà ta, Emily đã lịch sự từ chối mà chẳng thèm nhọc công đưa ra bất kỳ lời biện bạch nào. Và từ trong cái cách cô hếch cằm hay trong cái ánh nhìn bình thản như nhìn kẻ bằng vai phải lứa, có thứ gì đó khiến bà Tolliver cảm nhận một cách sâu sắc rằng trong ánh mắt của một Murray ở trang trại Trăng Non, bà ta vẫn là Polly Riordan của ngõ Riordan và vĩnh viễn không bao giờ thành bất kỳ người nào khác.



Nhưng Andrew được chào đón khá ngọt ngào khi anh ta có phần bẽn lẽn ghé qua vào tối thứ Sáu sau đó. Mặc dù trên thực tế đã được chứng thực là người cùng hội cùng thuyền, nhưng rất có thể anh ta vẫn có phần không dám đoán chắc mình sẽ được nhận sự đón tiếp như thế nào. Tuy nhiên, Emily đối xử với anh ta bằng thái độ hòa nhã trông thấy. Có lẽ cô có mục đích riêng. Một lần nữa, tôi cần nhắc nhở để các vị nhớ rằng tôi là nhà viết tiểu sử của Emily chứ không phải người biện hộ cho cô. Nếu cô trả đũa Andrew bằng một cách thức nào đó mà tôi có lẽ không tán thành, tôi còn làm gì được ngoài việc phàn nàn về nó chứ? Tuy nhiên, tôi lấy làm mừng vì mình có thể tình cờ bình luận rằng theo ý tôi, Emily đã đi quá xa khi nói với Andrew – sau khi anh chàng kể lể về mấy lời khen ngợi mà anh ta nhận được từ viên quản lý – rằng anh chàng chắc chắn là một người tuyệt vời. Tôi thậm chí chẳng thể vì muốn bao biện cho cô mà nói rằng cô đã thốt lên câu này bằng giọng châm biếm. Cô không làm thế: cô nói nó bằng cái giọng điệu ngọt ngào nhất kèm theo hành động ngước mắt lên rồi sau đó cụp mắt xuống, khiến cho đến cả trái tim vốn rất ổn định của Andrew cũng bị lỡ mất một nhịp. Ôi, Emily, Emily!



Mùa xuân năm đó, mọi chuyện của Emily đều khá suôn sẻ. Cô nhận được một vài sự chấp thuận và mấy tấm séc, thêm vào đó, bắt đầu tỏ ra tự đắc vì mình có thể tàm tạm được gọi là nhà văn. Họ hàng của cô bắt đầu hơi nghiêm túc để tâm đến đam mê viết lách của cô. Không thể bác bỏ sự hiện diện của những tấm séc kia được.



“Từ đầu năm đến giờ, Emily đã kiếm được năm mươi đô la nhờ viết lách rồi đấy,” bà Ruth nói với bà Drury. “Tôi bắt đầu cho rằng đứa trẻ này đã tìm ra con đường kiếm sống dễ dàng rồi.”



Con đường dễ dàng! Emilym nghe lỏm được nhận xét này lúc đang đi qua hành lang, chỉ mỉm cười và thở dài. Bà Ruth, hay bất kỳ ai khác, thì biết được gì về bao nỗi thất vọng và bao thất bại của những con người leo lên Đường Alps chứ? Bà biết gì về bao nỗi tuyệt vọng và bao khổ sở vất vả của người nhìn thấy đồ mà không thể với tới được. Bà biết gì về bao đắng cay chua xót của người thai nghén được một câu chuyện tuyệt vời và viết nó thành câu chứ, để rồi phần thưởng cho mọi nỗ lực không ngừng nghỉ ấy chỉ là một bản thảo trống rỗng nhạt nhẽo? Bà biết gì về những cánh cửa tắc nghẽn và những điện thờ bất khả xâm phạm của ban biên tập? Về những mẩu thư từ chối tàn nhẫn và những lời ngợi khen nhạt nhòa đáng sợ? Về những hy vọng bị trì hoãn, về hàng tiếng đồng hồ ngờ vực chán chường và mất lòng tin vào bản thân?



Bà Ruth không biết gì về những điều này, nhưng bà đùng đùng phẫn nộ mỗi khi bản thảo của Emily bị trả lại.



“Khinh suất, ta gọi nó như thế đấy,” bà nói. “Đừng có gửi cho biên tập tòa soạn thêm một dòng nào nữa. Nhớ cho kỹ, cháu là một Murray đấy!”



“Cháu e là ông ấy không biết điều đó đâu ạ,” Emily nghiêm túc nói.



“Vậy tại sao cháu không nói với ông ta?” bà Ruth hỏi.



Vào tháng Năm, Shrewsbury xôn xao một dạo khi Janet Royal từ New York trở về nhà mang theo những bộ quần áo lộng lẫy, danh tiếng chói lòa cùng con chó su của cô. Janet vốn là một cô gái gốc Shrewsbury, nhưng cô chưa từng sống ở quê hương kể từ khi “lên đường tới nước Mỹ” hai mươi năm trước. Cô thông minh, tham vọng và cô đã gặt hái được thành công. Cô là biên tập viên văn học của một tạp chí quốc gia tiếng tăm dành cho phụ nữ, đồng thời là một trong những độc giả đọc bản thảo cho một nhà xuất bản có tên tuổi. Emily đã nín thở khi nghe tin cô Royal đến. Ôi chao, giá như cô có thể chỉ cần nhìn thấy cô ấy thôi; trò chuyện cùng cô ấy; hỏi cô ấy về hàng trăm thứ cô muốn biết! Khi ông Towers nói với cô bằng thái độ không hề khách sáo rằng hãy đi phỏng vấn cô Royal và viết thành bài cho tờ Thời đại, Emily run rẩy cả người, nửa vì hoảng loạn, nửa vì phấn khích. Đây chính là cái cớ của cô. Nhưng liệu cô có thể không... liệu cô có đủ tự tin không? Liệu cô Royal có cho rằng cô là kẻ tự phụ không thể chịu nổi không? Cô có thể hỏi cô Royal những câu hỏi như thế nào về sự nghiệp của cô ấy cùng những ý kiến của cô về chính sách đối ngoại của liên bang Mỹ cũng như thái độ tương hỗ giữa Mỹ và các quốc gia khác? Có lẽ cô chẳng bao giờ có đủ sức mạnh.



“Cả hai chúng tôi đều thờ phụng tại cùng một điện thờ, nhưng cô ấy là nữ tư tế cao cấp trong khi tôi chỉ là một nữ tu hèn mọn nhất,” Emily viết trong nhật ký. Sau đó cô thảo cho cô Royal một bức thư thấm đẫm tinh thần tôn sùng, và viết đi viết lại hàng chục lần, xin phép được phỏng vấn cô ấy. Sau khi gửi bức thư đi rồi, cô thao thức suốt cả đêm vì chợt nghĩ đến chuyện, lẽ ra cô không nên kết thúc bức thư bằng “Chân thành” mà nên đổi bằng “Trân trọng”. Cách nói “chân thành” có vẻ mang sắc thái của một mối quan hệ vốn không tồn tại. Cô Royal thể nào cũng cho rằng cô đang tỏ ra tự phụ cho xem.



Nhưng cô Royal đã gửi lại một bức thư duyên dáng; Emily đã nhận được nó vào hôm nay.



“Ashburn, thứ Hai.



“Cô Starr thân mến:



“Tất nhiên cô có thể đến gặp tôi và tôi sẽ kể cho cô nghe mọi điều tôi biết cho Jimmy Towers (Cầu Chúa mang lại sự bình an cho tâm hồn ông ấy, và chẳng phải ông ấy là anh bồ đầu tiên của tôi đó sao!) và mọi chuyện cô muốn biết cho chính bản thân. Tôi nghĩ, một nửa lý do khiến tôi quay trở lại đảo H.E. mùa xuân này là vì tôi muốn gặp người đã viết Người phụ nữ từng đét mông đức vua. Tôi đã đọc truyện này mùa đông năm ngoái khi nó được đăng tải trên tờ Roche và thấy nó thật hấp dẫn. Hãy đến kể cho tôi về bản thân cô và những tham vọng của cô nhé. Cô là người tham vọng, phải không nào? Và tôi cho là cô cũng sắp nhận ra các tham vọng của mình rồi, và nếu có thể, tôi rất muốn giúp. Cô có một thứ tôi không bao giờ có được – khả năng sáng tạo đích thực – nhưng tôi lại rất giàu kinh nghiệm và cô có thể thoải mái hỏi về những bài học tôi đã đúc rút được từ đó. Tôi có thể giúp cô tránh được một số bả mồi cạm bẫy, và tôi hẳn sẽ không giúp được nếu không phải đã từng bị ‘lôi kéo’ ở vài nơi rồi. Chiếu thứ Sáu tuần sau, hãy đến Ashburn khi ‘tan trường’ nhé, và chúng ta sẽ trò chuyện chân thành.



“Thân ái,



“Janet Royal.”



Emily rung động toàn thân khi đọc bức thư này “Thân ái” – ôi, Chúa ôi! Cô quỳ bên cửa sổ, đôi mắt mê say nhìn ra ngoài trời, hướng đến chỗ những cây linh sam mảnh mai giữa Miền Chính Trực và đồng cỏ ba lá ướt đẫm sương đằng sau. Ôi, liệu có thể chăng một ngày nào đó cô cũng sẽ trở thành người phụ nữ thành công, sáng chói giống như cô Royal? Bức thư kia dường như đã khiến điều đó trở nên có khả năng; dường như khiến mọi giấc mơ tuyệt vời đều trở nên có khả năng. Và vào thứ Sáu – bốn ngày nữa – cô sẽ tới gặp gỡ trò chuyện thân mật cùng nữ tư tế cấp cao của mình.
(Một con mèo xám khổng lồ toát lên phong thái người mẹ bước ngang qua ngưỡng cửa bên ngoài nhà. Chu – Chin lao vọt ra từ dưới cây đàn piano, phóng giữa bốn cái chân kệ đứng cao, đuổi theo con mèo đang phi như bay. Cái kệ đứng đổ sầm xuống và cây thu hải đường xinh đẹp của bà Royal nằm tan nát trên sàn, giữa đống đất và mảnh gốm vỡ.)



Cô Royal, không chút đồng tình: “Tội nghiệp dì Angela! Dì ấy sẽ thương tâm lắm cho xem!”



Emily: “Nhưng chuyện đó không có gì to tát, phải không ạ?”



Cô Royal, dịu dàng: “Ồ, không; không hề.”



Emily, tham khảo cuốn sổ ghi chép: “Cô có nhận thấy nhiều thay đổi ở Shrewsbury hay không?”



Cô Royal: “Cô thấy người dân thay đổi rất nhiều. Thế hệ trẻ không mang lại cho cô những ấn tượng tốt đẹp.”



(Emily viết lại câu này. Chu – Chin lại xuất hiện, rõ ràng đã đuổi con mèo băng qua một vũng bùn mới, và tiếp tục thưởng thức món vải len phủ ghế, dưới cây đàn piano)



Emily đóng cuốn sổ ghi chép lại và đứng dậy. Dẫu có vì ông Towers đến mức nào đi chăng nữa thì cũng không đủ sức khiến cô kéo dài cuộc phỏng vấn này. Trông cô ta giống như một thiên thần trẻ, nhưng cô ta lại có những suy nghĩ khủng khiếp. Và cô cắm ghét cô Royal – ôi chao, cô mới căm ghét cô ta biết nhường nào chứ!



“Cảm ơn cô, thế này là đầy đủ rồi,” cô nói, với thái độ kiêu kỳ không thua kém gì cô Royal. “Cháu rất tiếc vì đã làm cô mất nhiều thời gian như thế. Tạm biệt cô.”



Cô hơi cúi đầu chào và bước ra hành lang. Cô Royal theo chân cô tới cửa phòng khách.



“Chẳng phải cháu nên mang con chó của cháu đi cùng thì hơn sao, cô Starr?” cô hỏi giọng ngọt ngào.



“Cô bảo sao ạ?”



“Cô bảo là sao cháu không mang con chó của cháu đi?”



“Chó của cháu?”



“Phải. Chắc hắn nó vẫn chưa xử lý xong tấm vải phủ ghế đâu, nhưng cháu có thể cầm cả tấm vải đi. Giờ thì nó cũng chẳng còn mấy ích lợi với dì Angela đâu.”



“Nó... nó... không phải con chó của cháu,” Emily hổn hển nói.



“Không phải chó của cháu? Thế nó là chó của ai?” cô Royal hỏi.



“Cháu... cháu cứ tưởng nó là của cô... con chó su của cô,” Emily nói.