Hành Trình Về Phương Đông

Chương 5 : Những sự kiện huyền bí

Ngày đăng: 13:45 19/04/20


Bác sĩ Kavir cho biết nếu phái đoàn muốn nghiên cứu những sự kiện huyền bí, những phép thuật lạ lùng thì phải đến gặp pháp sư Vishudha.



Vị pháp sư này có lệ không bao giờ tiếp khách, ngay cả những tín đồ thuần hành sùng kính nhất. Ông sống trong một căn nhà nhỏ với một vài đệ tử thân tín và rất ít khi nào ra ngoài. Các đệ tử cho biết thầy họ không bao giờ biểu diễn phép thuật dù ở nơi kín đáo và không chịu cho phái đoàn vào. Bác sĩ Kavir mang hết tài dẫn dụ ngoại giao cũng như quyền lực hăm dọa nhưng họ vẫn khăng khăng.



Sự hiện diện của một nhóm người Âu gây nhiều chú ý của dân chúng và tín đồ hành hương nên chỉ một lúc, một đám đông đã vây kín phái đoàn. Có lẽ tiếng động ồn ào này tạo sự chú ý của vị pháp sư nên ông ra lệnh cho đệ tử mời Bác sĩ Kavir vào nói chuyện.



Một lúc sau, Kavir bước ra nét mặt hân hoan:



"Ðạo sư Vishudha không tiếp khách lạ nhưng ngài đặc biệt tiếp phái đoàn như một ngoại lệ đấy."



Ðó là một ông lão to lớn, tóc bạc trắng như cước ngồi trên tấm bồ đoàn kết bằng cỏ, nét mặt ông lạnh như băng và đôi mắt như nhìn vào khoảng không như không thèm chú ý gì đến phái đoàn. Một đệ tử lên tiếng:



"Các ông đến đây với mục đích gì?"



Giáo sư Allen lên tiếng:



"Chúng tôi được biết đạo sư có các quyền năng phi thường. Mục đích chuyến đi này của chúng tôi là nghiên cứu những sự kiện huyền bí, ghi nhận một cách khoa học những điều mắt thấy, tai nghe..."



"Như vậy các ông muốn xem một vài pháp thuật?"



"Nếu đạo sư vui lòng.."



Vishudha nghe thông ngôn xong mỉm cười yêu cầu giáo sư Olivers cho mượn một cái khăn tay và một chiếc kính loupe. Ông ta dơ chiếc kính lên ánh sáng mặt trời cho nó chiếu lên chiếc khăn tay và tuyên bố: "Tôi sẽ thu hút các mùi hương trong không khí, các ông thích mùi gì?"



"Tôi thích mùi hoa lài."



Vishudha mỉm cười trao trả chiếc khăn cho giáo sư Olivers, một mùi thơm phảng phất khắp phòng và ai cũng biết đó là mùi hoa lài. Mọi người quan sát kỹ chiếc khăn, nó không hề ướt hay có dấu hiệu gì rằng người ta đã nhỏ vào đó một chút dầu thơm. Như đoán được ý nghĩ mọi người, Vishudha yêu cầu giáo sư Mortimer đưa ra một chiếc khăn tay khác. Giáo sư Kavir thông dịch:



"Bây giờ các ông hãy chọn một mùi hoa gì đặc biệt của xứ các ông mà không hề có tại xứ Ấn Ðộ..."



"Ðược lắm, tôi muốn mùi hoa Tullip."



Vishudha mỉm cười dơ chiếc kính Loupe lên ánh sáng mặt trời cho nó chiếu vào chiếc khăn và lần này mùi hoa Tullip lại thơm nồng khắp phòng. Phái đoàn vội vã yêu cầu những mùi hương lạ lùng và lần nào ông cũng làm hài lòng. Thậm chí đến cả những mùi thuốc hóa học, những mùi acid trong phòng thí nghiệm ông cũng có thể làm được. Mọi người quan sát kỹ xem ông ta có dấu gì dưới lớp áo choàng không. Vishudha mỉm cười vén cao tay áo để chứng tỏ ông không hề làm trò ảo thuật hay cất dấu hương liệu gì đặc biệt trong người.



Giáo sư Mortimer buột miệng:



"Xin ông giải thích việc này?"



Mọi người giựt mình vì phong tục xứ Ấn, chất vấn một đạo sư là điều bất kính. Vishudha quay sang giáo sư Kavir nói vài lời, ông này thông dịch:



"Ðó chỉ là một khoa học nhỏ gọi là Thái Dương Học. Ánh sáng mặt trời chứa đựng một năng lực rất mạnh, nếu biết chọn lựa và cô lập nó ta có thể tạo mọi vật theo ý muốn."



Giáo sư Mortimer giựt mình:



"Thái Dương Học, phải chăng nó là một khoa học của dân Atlantic?"



"Ðó là một khoa học đã một thời thịnh hành tại châu Atlantic nhưng không phải riêng của giống dân Atlante."



"Như thế châu Atlantic là có thật... châu này đã chìm xuống biển từ lâu và chỉ có Plato ghi nhận lại trong tập sách của ông... chuyện này ra sao?"



Vishudha trầm ngâm:



"Tin hay không là tùy các ông, người Âu lúc nào cũng đòi hỏi bằng chứng nầy nọ, nếu các ông muốn gọi nó là truyền thuyết cũng chẳng sao... Khoa học nơi đâu cũng có nguồn gốc, khi tiến đến một trình độ cao xa thì thời gian hay không gian đâu có nghĩa lý gì nữa. Khoa Thái Dương Học thật ra xuất xứ từ Tây Tạng ở một thời đại xa xôi khi Ấn Ðộ còn là một hòn đảo và rặng Hy Mã Lạp Sơn còn là một bờ biển... nhưng điều này đâu có ích gì cho việc nghiên cứu của các ông?"



"Ông có thể làm gì với môn này?"



"Các ông còn muốn gì? Như vậy chưa thỏa mãn sao?"



Vishdha đứng dậy bước đến bên một chậu hoa gần đó. Mặc dù chậu nở đầy hoa nhưng trong đó cũng có một số bông đã tàn. Vishudha dơ chiếc kính loupe chiếu lên các bông hoa này. Trước cặp mắt kinh ngạc của mọi người, những bông hoa khô héo bỗng trở nên tươi tốt, thơm tho. Mọi người nín thở, không ai nói nên lời. Vishudha dơ chiếc kính lên chiếu vào lòng bàn tay ông. Một chùm nho tươi tốt bỗng xuất hiện. Nên nhớ Ấn Ðộ là xứ nhiệt đới đâu trồng được nho, hơn nữa lúc đó đang vào mùa Ðông, các cây nho bên Âu Châu đều khô héo. Có được chùm nho tươi tốt là một việc vô lý, lạ lùng. Vishudha đưa chùm nho cho giáo sư Allen xem và thản nhiên tuyên bố:
Bác sĩ Bandyo im lặng như đắm chìm vào một tư tưởng nào đó, sau cùng ông nói:



"Ðối với một đứa bé vừa ra đời, khoa học chỉ lo cho chúng ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ mà thôi chứ không hiểu chúng cần một yếu tố vô cùng quan trọng đó là tình thương. Khi thể xác được chăm sóc thế nào thì các thể khác cũng phải được chăm lo y như vậy và món ăn cần thiết của các thể này là tình thương. Thiếu tình thương, đứa trẻ khó lòng sống sót vì nhu cầu tình cảm đôi lúc còn quan trọng hơn các nhu cầu khác. Tình thương là một yếu tố dinh dưỡng cần thiết để trẻ em nẩy nở tâm lý, tinh thần và chính vì cha mẹ không lo đủ nhu cầu này mà các đứa bé chậm lớn, thiếu phát triển. Các bệnh tâm lý, thần kinh đều trực tiếp phát nguồn từ đây. Lý do nầy cũng giản dị thôi, đứa bé hình dung vũ trụ theo lối cư xử của cha mẹ đối với nó. Tùy theo nó được yêu hay ghét mà cuộc đời hiện ra đáng ghét hay đáng yêu. Từ lúc sơ sinh, nó nhận đuợc tiềm lực yêu thương từ Ðức Mẹ và nếu được yêu thương, năng lực này sẽ phát động mạnh mẽ và nó sẽ trở thành một trung tâm ban rải tình thương. Trái lại, nếu bị hất hủi nó sẽ trở nên hung hãn vì mầm yêu thương đã bị dập tắt rồi. Bổn phận làm cha mẹ là một điều vô cùng thiêng liêng, một trách nhiệm vô cùng quan trọng hơn là việc chỉ lo cho nó đủ ăn, đủ mặc. Tình thương là một năng lực sáng tạo khiến người thương và kẻ được thương đều trở nên phong phú. Trên thế gian này, tình thương là một thứ mà ai cũng có thể cho mà không sợ phung phí. Một tình thương chân thật có giá trị giao hòa, không gì có thể thay thế được. Nó không bao giờ gây hư hại mà chỉ tạo ảnh hưởng tốt lành. Tình thương là một sinh lực có thể chữa trị tất cả mọi bệnh tật và đây là điều khoa học cần chú trọng đến.



Bác sĩ Bandyo dẫn chứng:



"Sách Journal of Medecine có đề cập đến cuộc nghiên cứu của bác sĩ Rene Spitz thuộc đại học New York: Hai nhóm trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng khác nhau. Nhóm thứ nhất được nuôi dưỡng bởi chính cha mẹ chúng, nhóm thứ hai được giao cho các cô y tá. Tất cả đều được nuôi nấng, ăn uống như nhau chỉ khác ở sự yêu thương. Chỉ vài tháng, nhóm trẻ thứ nhất phát triển mạnh mẽ, lên cân, khỏe mạnh khi nhóm thứ hai chậm ăn, chậm lớn và đau ốm lung tung. Bác sĩ Spitz kết luận rằng trẻ con cần tình thương để có thể phát triển bình thường.



Khoa học thực nghiệm đã chứng minh như thế nhưng bậc làm cha mẹ đâu mấy ai dành nhiều thời giờ cho các con? Họ chỉ lo cho chúng ăn mặc đầy đủ là cảm thấy đã làm tròn bổn phận rồi. Cũng vì thế, xã hội Âu Mỹ tuy vật chất đầy đủ, nền giáo dục rất cao mà lại phát sinh đủ các hiện tượng tội ác, thần kinh, vi phạm luật pháp một cách kỳ dị khác các xứ chậm tiến. Tại sao những nhà thông thái không đặt câu hỏi phải chăng bậc cha mẹ đã không dành đủ thời giờ cho con trẻ để nó phát triển bình thường?"



Phái đoàn im lặng, họ thấy bác sĩ Bandyo quả rất có lý trong vấn đề này. Giáo sư Mortimer lên tiếng:



"Hãy trở lại vấn đề các thiên thần, họ còn ảnh hưởng gì đến đời sống con nguời nữa không?"



"Các thiên thần ít khi nào can thiệp vào đời sống con người. Thật ra, họ vô cùng bận rộn với các sinh hoạt riêng biệt. Thế giới của họ cấu tạo bằng các nguyên tử thanh, nhẹ có sức rung động rất nhanh nên họ không thích dính dáng vào thế giới hữu hình vốn có các rung động thô kệch. Ðiều này có thể ví như các ông đang sống ở một nơi mát mẻ, sạch sẽ không lý nào lại chui vào chỗ hôi hám, nóng bức làm gì."



Bác sĩ Allen tò mò:



"Ông có thể sử dụng khả năng thần nhãn vào các việc khác như thế giới bên kia cửa tử được không?"



Bác sĩ Bandyo mỉm cười:



"Bạn mến, trước hết tôi xin xác định rằng chết không phải là hết mà chỉ là một giai đoạn di chuyển từ kiếp sống này qua kiếp sống khác. Con người chỉ rời bỏ thể xác này thôi. Sự chết không có gì đáng sợ như người ta vẫn nghĩ."



"Như thế người chết có thấy chúng ta không?"



"Họ nhìn thấy chúng ta qua thể vía mà thôi. Do đó, họ biết được tình cảm hoặc ý nghĩ, cảm xúc của ta mặc dù họ không còn nghe được lời nói, âm thanh cõi trần nữa."



"Như vậy họ vẫn ở gần người sống?"



"Lúc mới từ trần còn quyến luyến, họ vẫn ở nguyên chốn cũ gần nhà cửa, gia đình, những người thân. Theo thời gian, họ ý thức được cõi giới mới rồi siêu thoát nghĩa là hòa nhập với cõi giới mới, không quanh quẩn ở cõi trần nữa.



Sự quyến luyến rất có hại cho người chết, nhất là những người chết bất đắc kỳ tử, họ còn nhiều dục vọng, ham muốn nên cứ quanh quẩn ở cõi trần, không chịu đi đâu hết."



"Số phận trẻ em khi chết ra sao?"



"Chúng ít ham muốn, dục vọng nên thảnh thơi, tự tại hơn. Lúc đầu chúng vẫn quanh quẩn, nô đùa quanh cha mẹ và không ý thức sự chết của mình. Chúng tái sinh rất mau lẹ và thường hay trở lại gia đình cũ vì các nhân duyên từ trước. Thí dụ như một bà mẹ xẩy thai do sự bất cẩn của bác sĩ chẳng hạn. Ðứa bé vẫn tiếp tục quanh quẩn bên mẹ chúng và sẽ đầu thai trở lại khi có dịp. Trong trường hợp phá thai lại khác, đứa bé không hiểu tại sao mẹ chúng lại ghét chúng và làm hại chúng như thế? Nó quanh quẩn gần đó một cách rất đáng thương và tìm cách hỏi mẹ chúng nhưng dĩ nhiên không tìm được câu trả lời."



"Người Á Châu thường tin rằng các vong linh thân nhân có thể giúp đở người sống và có các quyền năng đặc biệt do đó, có tục lệ thờ cúng tổ tiên. Theo ông thì điều này ra sao?"



Bác sĩ Bandyo cười lớn:



"Theo sự hiểu biết của tôi, con người khi sống ra sao thì chết cũng thế thôi, không có gì thay đổi hết. Họ không thông minh hơn, hiểu biết hơn. Hơn nữa, âm dương cách trở, họ khó có thể giúp gì cho người cõi trần. Dĩ nhiên, họ rất muốn tiếp xúc với thân nhân còn sống nhưng người sống đâu ý thức gì đến sự hiện diện của họ. Ðó cũng là lý do người chết rất đau khổ. Hơn nữa, người chết đọc được tư tưởng người sống qua thể vía và đôi lúc biết rõ sự thật còn làm họ đau khổ hơn nữa. Thử tưởng tượng cha mẹ đọc được tư tưởng đứa con mừng rỡ khi cha mẹ chết vì được hưởng gia tài. Người chồng mừng rỡ vì vợ chết từ nay tha hồ tự do, muốn làm gì thì làm. Người chồng thấy vợ mừng chồng chết vì đã trút được gánh nặng. Các ông nên biết, người đau khổ nhiều phần lớn là người chết chứ không phải người sống, do đó, họ cần an ủi, chỉ dẫn."



"Nhưng làm sao an ủi họ được? Ông vừa nói âm dương cách trở kia mà."



Bác sĩ Bandyo mỉm cười:



"Có nhiều cách giúp đỡ người chết, một cách tiêu cực và một cách tích cực. Ðối với thân nhân người chết họ có thể làm một cách tiêu cực như giúp cho người chết thấy thoải mái, nhẹ nhàng để họ mau siêu thoát. Việc thứ nhất nên tránh than khóc, kêu gào, để người chết khỏi xúc động, thương tiếc và quyến luyến khó rời cõi trần đuợc. Việc thứ hai là tránh cỗ bàn, mổ gà, làm thịt vì như thế chỉ kêu gọi các vong linh bất hảo, các cô hồn đói khát kéo đến đầy nhà gây ảnh hưởng xấu đến người chết. Nên cầu nguyện trong suốt 49 ngày liền vì đây là lúc người chết đang ở trong trạng thái quan trọng, sự cầu nguyện khiến đầu óc họ trở nên sáng suốt, hiểu biết dễ siêu thoát. Nên thiêu xác thay vì chôn cất để người chết không thấy đau khổ khi nhìn thể xác mình hư thúi, bị dòi bọ đục khoét, khi không còn lưu luyến thể xác họ dễ siêu thoát hơn. Tại Ấn Ðộ, tất cả người chết đều được hỏa táng, đó là phong tục rất tốt vì không còn các vong hồn quanh quẩn các nghĩa địa nữa.



Việc tích cực giúp đỡ thường do các tu sĩ đảm trách, họ xuất vía sang cõi chết để an ủi, hướng dẫn vong linh. Tu sĩ đảm nhiệm việc này phải phát nguyện phụng sự hoàn toàn, trải qua một thời gian huấn luyện để giữ tâm trí luôn sáng suốt vì cõi chết có nhiều cảnh ghê rợn với các sinh vật lạ lùng, một người thiếu kiến thức, hiểu biết có thể kinh hoàng ghê rợn. Chỉ khi nào có thể tự chủ hoàn hoàn, không bị ảnh hưởng bên ngoài làm giao động, tâm hồn luôn yên tĩnh không lo âu, sợ sệt và có một tình thương rộng rãi hoàn toàn đến tất cả, không còn phân biệt thì sự giúp đỡ mới kín đáo, vô tư và có hiệu quả. Các ông nên nhớ, qua cõi này, sinh vật có thể đọc được tư tưởng lẫn nhau nên một lời nói không chân thật, tinh khiết có thể mang đến các hậu quả không thể lường trước.



"Tại sao ông biết rõ như thế?"



Bác sĩ Bandyo mỉm cười:



"Tại vì tôi đang được huấn luyện để làm việc này. Sự khai mở thần nhãn giúp tôi thu tập kiến thức về cõi giới vô hình và từ đó, tôi nhận thức sứ mạng Ðức Mẹ đã giao cho tôi. Tôi đã phát nguyện dành trọn đời để thực hiện thiên ý, đó là lý do tôi từ bỏ đời sống quay cuồng của đô thị để đến đây. Ban ngày, tôi là một bác sĩ chăm lo săn sóc những người bệnh. Thời giờ còn lại tôi phục vụ Ðức Mẹ qua các công việc ngài giao phó. Các bạn thân mến, trọn cuộc đời, chưa lúc nào tôi sống thật trọn vẹn như bây giờ."