Hành Trình Về Phương Đông

Chương 8 : Cõi giới vô hình

Ngày đăng: 13:45 19/04/20


Hamoud là một pháp sư có kiến thức rất rộng vè cõi vô hình. Khác với những đạo sĩ phái đoàn đã gặp, ông này không phải người Ấn mà là một người Ai Cập.



Ông ta sống một mình trong căn nhà nhỏ, xây dựa vào vách núi. Hamoud không hề tiếp khách nhưng trước sự giới thiệu của bác sĩ Kavir, ông bằng lòng tiếp phái đoàn trong một thời gian ngắn. Vị pháp sư có khuôn mặt gầy gò, khắc khổ và một thân hình mảnh mai. Ông ta khoác áo choàng rộng và quấn khăn theo kiểu Ai Cập.



Giáo sư Evans-Wentz vào đề:



"Chúng tôi được biết ông chuyên nghiên cứu các hiện tượng huyền bí..."



Pháp sư thản nhiên:



"Ðúng thế, tôi chuyên nghiên cứu về cõi vô hình."



"Như thế ông tin rằng có ma..."



Vị pháp sư nói bằng một giọng chắc chắn, quả quyết:



"Ðó là một sự thật không những ma quỷ hiện hữu mà chúng còn là đối tượng nghiên cứu của tôi."



"Bằng cớ nào ông tin rằng ma quỷ có thật?"



"Khắp nơi trên thế giới đều có các giai thoại về ma. Vì con người sợ hãi một cái gì mà họ không thể nhận thức bằng các giác quan thông thường nên họ đã phủ nhận nó. Sự phủ nhận này mang đến niềm sợ hãi, từ đó họ thêu dệt các giai thoại rùng rợn, ly kỳ, không đúng sự thật. Nếu chúng ta chấp nhận ma quỷ hiện hữu như một con voi hay con ngựa thì có lẽ ta sẽ không còn sợ hãi. Các ông đòi hỏi một chứng minh cụ thể chăng?"



"Dĩ nhiên, chúng tôi cần một bằng chứng hiển nhiên..."



"Ðược lắm, các ông hãy nhìn đây."



Vị pháp sư mở ngăn kéo lấy ra một cặp que đan áo, một bó len và mang ra góc phòng để xuống đất. Ông ta thong thả:



"Chúng ta tiếp tục nói chuyện rồi các ông sẽ thấy."



Mọi người ngơ ngác, không hiểu ông muốn nói gì, giáo sư Mortimer nóng nảy:



"Nếu ông nghiên cứu về cõi vô hình xin ông giải thích về quan niệm Thiên Ðàng Ðịa ngục cũng như đời sống sau khi chết ra sao?"



Vị pháp sư nghiêm giọng:



"Ðó là một quan niệm không đúng, sự chết chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp chứ không phải là hết. Vũ trụ có rất nhiều cõi giới chứ không phải chỉ có một cõi này.



"Khi chết, ta bước qua cõi trung giới và cõi này gồm có bảy cảnh khác nhau: Mỗi cảnh được cấu tạo bằng những nguyên tử rất thanh mà ta gọi là chất "Dĩ thái." Tùy theo sự rung động (vibration) khác nhau mà mỗi cảnh giới (Astral plane) một khác. Tùy theo vía con người có sự rung động thanh cao hay chậm đặc mà mỗi người thích hợp với một cảnh giới, đây là hiện tượng "Ðồng thanh tương ứng" mà thôi. Khi vừa chết, thể chất cấu tạo cái vía được sắp xếp lại, lớp thanh nhẹ nằm trong và lớp nặng trọc bọc phía ngoài, điều này cũng giống như một người mặc nhiều áo khác nhau vào mùa lạnh, áo lót mặc ở trong, áo choàng dầy khoác ngoài.



Vì lớp vỏ bọc bên ngoài cấu tạo bằng những nguyên tử rung động chậm và nặng nề, nó thích hợp với các cảnh giới tương ứng ở cõi âm và con người sẽ đến với cảnh giới này. Sau khi ở đây một thời gian, lớp vỏ bao bọc bên ngoài dần dần tan rã giống như con người trút bỏ áo khoác bên ngoài ra, tùy theo các lớp nguyên tử bên trong mà họ thích ứng với một cảnh giới khác. Cứ như thế, theo thời gian khi các áp lực vật chất tan rã hết thì con người tuần tự tiến lên những cảnh giới cao hơn. Ðiều này cũng giống như một quả bóng bay bị cột vào đó những bao cát mỗi lần cởi bỏ được một bao thì quả bóng lại bay cao hơn một chút cho đến khi không còn bao cát nào thì nó sẽ tự do bay bổng. Trong bảy cảnh giới của cõi âm thì cảnh thứ bảy có rung động nặng nề, âm u nhất, nó là nơi chứa các vong linh bất hảo, những kẻ sát nhân, người mổ sẻ súc vật, những cặn bả xã hội, những kẻ tư tưởng xấu xa, còn đầy thú tánh. Vì ở cõi âm, không có thể xác, hình dáng thường biến đổi theo tư tưởng nên những kẻ thú tánh mạnh mẽ thường mang các hình dáng rất ghê rợn, nửa người, nửa thú. Những người thiếu kiến thức rõ rệt về cõi này cho rằng đó là những quỷ sứ. Ðiều này cũng không sai sự thật là bao nhiêu vì đa số những vong linh này luôn oán hận, ham muốn, thù hằn và thường tìm cách trở về cõi trần. Tùy theo dục vọng riêng tư mà chúng tụ tập quanh các nơi thích ứng, dĩ nhiên người cõi trần không nhìn thấy chúng được.



Những loài ma đói khát quanh quẩn bên các chốn trà đình tửu quán, các nơi mổ sẻ thú vật để tìm cách rung động theo những khoái lạc vật chất tại đây. Khi một người ăn uống ngon lành họ có các rung động, khoái lạc và loài ma tìm cách hưởng thụ theo tư tưởng này. Ðôi khi chúng cũng tìm cách ảnh hưởng, xúi dục con người nếu họ có tinh thần yếu đuối, non nớt. Những loài ma dục tình thì quanh quẩn nơi buôn hương bán phấn rung động theo những khoái lạc của người chốn đó và tìm cách ảnh hưởng họ. Nếu người sống sử dụng rượu, các chất kích thích thì ngay trong giây phút mà họ không còn tự chủ được nữa, các loài ma tìm cách nhập vào trong thoáng giây để hưởng một chút khoái lạc vật chất dư thừa.



Vì không được thỏa mãn nên theo thời gian các dục vọng cũng giảm dần, các nguyên tử nặng trọc cũng tan theo, vong linh sẽ có các rung động thích hợp với một cảnh giới cao hơn và y sẽ thăng lên cõi giới tương ứng.



Dĩ nhiên, một người có đời sống trong sạch, tinh khiết sẽ không lưu ở cõi này mà thức tỉnh ở một cõi giới tương ứng khác. Tùy theo lối sống, tư tưởng khi ta còn ở cõi trần mà khi chết ta đến những cảnh giới tương ứng, đây chính là định luật "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu."



Toàn thể phái đoàn im lặng nhìn nhau, vị pháp sư Ai Cập đã diễn tả bằng những danh từ hết sức khoa học, chính xác chứ không mơ hồ, viễn vông. Dù sao đây vẫn là một lý thuyết rất hay nhưng chưa chứng minh được. Có thể đó là một giả thuyết của những dân tộc nhiều tưởng tượng như người Á Châu chăng?



Hamoud mỉm cười như đọc được tư tưởng mọi người:



"Nếu các ông biết rằng tôi cũng là một tiến sĩ Vật Lý Học (Physics) tốt nghiệp tại Ðại học Oxford..."



Giáo sư Harding giựt mình kêu lên:



Oxford ư? Ông đã từng du học bên xứ chúng tôi sao?



"Chính thế, tôi tốt nghiệp năm 1864 và là người Ai Cập đầu tiên tốt nghiệp về ngành này.
Ở cõi trần, tâm thức con người bị giới hạn bởi ba chiều không gian. Thật ra có nhiều chiều nữa mà ta không nhìn thấy. Khối óc của ta chỉ chấp nhận chiều dài, chiều ngang và chiều đứng mà thôi. Dĩ nhiên, mọi sự đi đứng, di chuyển cũng chỉ giới hạn trong ba chiều này. Nếu tôi nói có một chiều đo thứ tư thẳng góc với ba chiều này thì các ông sẽ không thể tưởng tượng nổi. Nhưng không thấy được đâu có nghĩa là nó không hiện hữu có phải không? Muốn tìm hiểu chiều đo thứ tư này ta cần dùng đến sự so sánh. Thí dụ có một con kiến đang bò trên một tờ giấy phẳng. Giả thuyết rằng con kiến không thể rời khỏi tờ giấy này được nên thế giới của nó chỉ là một mặt phẳng giới hạn trong hai bề đo. Dù nó biết suy luận nó cũng không thể quan niệm được bề đo thứ ba tức là bề đứng. Từ không gian ba chiều của chúng ta, ta có thể làm nhiều điều tầm thường mà con kiến cho là một phép lạ thí dụ như ta để một hạt thóc lên tờ giấy. Con kiến không thể hiểu hạt thóc từ đâu xuất hiện vì giới hạn trong hai bề đo của tờ giấy, nó nghĩ rằng mọi vật phải đến từ tờ giấy chứ không thể ở một cõi nào đó. Nếu con kiến muốn đi từ đầu giấy đến cuối, nó phải bò suốt chiều dài tấm giấy. Ðối với chúng ta, vì biết chiều đo thứ ba, ta có thể gấp tờ giấy lại để hai góc tờ giấy chạm vào nhau, con kiến chỉ cần nhúc nhích đã đi đến cuối tờ giấy. Nó không thể hiểu tại sao quãng đường dài bỗng biến mất, dĩ nhiên đối với ta việc này đâu có gì lạ. Vấn đề này có thể dùng để diễn tả thuật "Rút đất" của các Lạt Ma Tây Tạng. Một khi đã hiểu chiều đo thứ tư, mọi hiện tượng cõi âm đều có thể giải thích hết sức dễ dàng, khoa học."



Phái đoàn nhìn nhau thán phục vị Pháp sư Ai Cập đã diễn tả một ý niệm phức tạp bằng một thí dụ giản dị, dễ hiểu. Nhưng còn bề đo thứ tư?



Hamoud mỉm cười:



"Các ông đều biết đường thẳng được tạo ra bởi một điểm kéo dài theo một chiều nhất định. Nếu ta di chuyển một cái chấm khoảng 2 thước thì ta có đường thẳng dài 2 thước. Nếu ta tiếp tục di chuyển chấm ấy một khoảng cách 2 thước nhưng thẳng góc với đường cũ cho đến khi trở về khởi điểm thì ta sẽ có một hình vuông có đúng không? Hình vuông có thể diễn tả bằng con số 2 bình phương theo toán học. Ðây là hình học mặt phẳng chứ không có gì lạ. Nếu ta tiếp tục di chuyển theo chiều đứng, thẳng góc với hình vuông cũ thì ta sẽ có một khối vuông (Cubic). Khối vuông có thể diễn tả bằng con số 2 tam thừa. Tóm lại ta có 3 hình: Ðường thẳng, hình vuông và khối vuông tương ứng với số 2, 2 bình phương, 2 tam thừa.



Hình học không gian ngừng ở đây, không đi xa nữa vì ta chỉ biết có 3 chiều mà thôi, nhưng toán học cho biết có thể có 2 tứ thừa, 2 lũy thừa năm, 2 lũy thừa sáu và nhiều nữa. Các con số toán học này đều có hình tương ứng trên phương diện hình học và tương ứng với 2 lũy thừa bốn hay bề đo thứ tư là chìa khóa vào cõi âm. Khoa Hình học cổ của Ai Cập không những chứng minh được mà còn có các dụng cụ để đo lường chiều thứ tư này. Trở về hình học phẳng, ta sử dụng thước kẻ để đo chiều dài. Ðể đo hình vuông ta sử dụng một thước khác gọi là thước vuông vì loại thước kẻ không thể đo góc vuông được. Cũng thế khi bước sang hình học không gian ta không thể dùng thước vuông vì hình vuông theo định nghĩa không có bề đứng, không thể đo hình khối được. Nếu di chuyển hình khối theo chiều đo thứ tư ta sẽ có hình gì? Dĩ nhiên ta không tưởng tượng được. Hình học Ai Cập cho biết nó là một hình bốn bề, có 16 góc, 32 cạnh và 24 mặt được giới hạn bởi 8 hình khối (Hình khối chỉ có 6 mặt 12 cạnh và 8 góc). Ngày nào khoa học chứng minh được hình này là họ mở cửa vào được chiều đo thứ tư. Toán học cho biết 2 lũy thừa bốn rất dễ chứng minh và từ toán học áp dụng để xây Kim Tự Tháp, đem các tảng đá vạn cân lên cao. Môn học này đã thất truyền trong quá khứ nhưng di tích của nó vẫn được ghi khắc trên những biểu tượng tại Kim Tự Tháp đấy chứ."



Hamoud im lặng như thả hồn vào một ký ức xa xăm rồi nói tiếp:



"Khi vén màn vào chiều đo thứ tư, sự phát minh khoa học ngày nay chỉ là mảnh vụn, không đáng kể. Con người có thể du lịch khắp không gian và có quyền năng ngoài sự hiểu biết của người hiện tại. Trong thời buổi vàng son, dân Ai Cập đã đi khắp không gian, đến những giải ngân hà xa lạ nhưng tiếc thay sự giao tiếp với cõi âm của chiều đo thứ tư đem lại các hiểm nguy mà họ không biết. Chính vì thế nền văn minh này đã sụp đổ, biến mất trên mặt địa cầu chỉ vì thiếu một nền tảng trí tuệ sáng suốt, không biết phân biệt chân giả. Từ ngàn xưa, các bậc trưởng lão đã nhắn nhủ rằng sự tiến bộ phải song song với trí tuệ và chỉ khi trí tuệ khai mở con người mới đủ khả năng phân biệt hư thực, xé bỏ các mê lầm của vô minh. Tiếc thay các nhà lãnh đạo Ai Cập không nhận thức điều này nên mới xảy ra những điều đáng tiếc."



"Ông muốn nói rằng dân Ai Cập đã tiến bộ như vậy sao?"



"Dĩ nhiên, khoảng 8 ngàn năm trước họ đã ở những xã hội hơn hẳn những xã hội tân tiến, văn minh nhất bây giờ bằng cớ là ngày nay, đã ai xây nổi Kim Tự Tháp chưa? Còn nhiều vấn đề thần bí khác mà một ngày nào đó các ông sẽ hiểu.



Này các ông bạn, Ai Cập đã để lại những Kim Tự Tháp hùng vĩ, kiến thức vĩ đại vào mục đích gì? Ða số người Âu cho rằng đó là một tàng trữ thi hài những vua Pharaoh, có như vậy chăng? Tại sao triều đại Pharaoh có cả trăm vua chúa mà chỉ có vài vị cho xây Kim Tự Tháp? Nhưng người ta đâu có tìm thấy thi thể vua chúa nào trong Kim Tự Tháp đâu? Hơn nữa, trong Kim Tự Tháp làm gì có ám tự hay tranh ảnh nói về một cá nhân ông vua nào đâu? Chỉ có những nấm mồ đào được chôn sâu dưới đất mới có các xác ướp và tranh vẽ thôi, điều này thế nào? Tại sao các nấm mồ trong lòng đất có khắc ký hiệu, ám tự, hình vẽ mà trong Kim Tự Tháp lại trống trơn? Dĩ nhiên quan niệm thông thường không thể hiểu nổi, nếu các ông hiểu chiều đo thứ tư thì các ông sẽ không nhìn Kim Tự Tháp như một hình khối ba chiều."



"Ông muốn nói là nó còn chiều đo nữa hay sao?"



"Ðúng thế nhưng đó là bí mật của Kim Tự Tháp, đây không phải một vấn đề ta có thể dem ra bàn luận trong một thời gian giới hạn. Các ông đang muốn chứng minh về thế giới vô hình kia mà. Tôi hy vọng dẫn chứng về Toán học vừa qua sẽ giúp các ông một chìa khóa, một căn bản mới trong tiến trình nghiên cứu..."



Giáo sư Evans-Wentz rụt rè:



"Nhưng chúng tôi vẫn chưa có bằng chứng nào rằng sự chết không phải là chấm dứt..."



Hamoud bật cười:



"Từ bao lâu nay, chết vẫn là một điều mơ hồ, đáng sợ ám ảnh mọi người. Dù ai cũng trước sau phải chết nhưng hầu như tất cả đều cố gắng không nghĩ đến nó. Ngay cả những người già yếu, liệt giường, liệt chiếu, đầy bệnh hoạn đớn đau cũng hãi hùng khi giáp mặt tử thần. Tất cả tựu chung vì họ không hiểu sự chết, không biết chuẩn bị, không biết đối đầu hay chấp nhận nó. Trong cuộc đời đầy rẫy vô thường, sự chết có thể đến bất cứ lúc nào, thế mà con người cứ lẫn tránh nó như khất nợ vậy. Sự hiểu biết về cõi vô hình giúp ta chấp nhận sự thật hiển nhiên này. Hãy đặt câu hỏi nếu sự chết là hết thì cuộc đời có ý nghĩa gì? Tại sao ta lại sinh ra đời, có mặt trên trái đất này? Tại sao có sự khác biệt giữa các cá nhân dù cùng huyết thống, điều kiện sinh sống, có kẻ khôn, người dại, kẻ thông minh tuyệt đỉnh, người ngu xuẩn khù khờ? Từ chối sự chết là từ chối một sự thật tại sao ta cứ phải trốn tránh một sự thật? Tại sao không tìm hiểu nó và chuẩn bị khi nó đến có hơn không?"



"Phải chuẩn bị như thế nào? Làm sao có thể giải thích cho những người Âu vốn hết sức đa nghi và không chấp nhận những gì viễn vông rằng có một đời sống khác bên kia cửa tử"



"Thì đó là việc của họ, tin tưởng hay phủ nhận hoàn toàn tùy theo cá nhân, việc gì các ông cứ phải thắc mắc về vấn đề giải thích. Ðiều quan trọng là tự các ông có tin hay không mà thôi. Nếu các ông tin rằng sự chết chỉ là việc cởi bỏ một cái áo cũ, khi còn sống ra sao thì khi chết cũng thế thôi, vấn đề thiên thần trên thiên đường hay ác quỷ dưới địa ngục hoàn toàn vô lý thì mọi việc sẽ khác hẳn. Nếu nói một cách hết sức khoa học, lý luận thì tùy theo dục vọng, tư tưởng của con người ra sao mà họ đến những cõi giới tương ứng, ta sẽ thấy rõ rằng con người có toàn quyền định đoạt số phận của họ khi sống cũng như khi chết. Ðó không phải là một vinh dự lớn cho loài người hay sao? Nếu ta chấp nhận rằng các dục vọng tư tưởng khi còn sống tạo ra sẽ bay vẫn vơ tác động lên vong linh cho đến khi sinh lực chúng hao mòn, tan rã thì ta thấy vấn đề chuẩn bị tư tưởng cũng như lối sống hết sức cần thiết, quan trọng. Nếu các tư tưởng này hoàn toàn nhắm về vật chất thì dĩ nhiên hoàn cảnh cá nhân hết sức bi đát vì vong linh không còn thỏa mãn chúng được nữa. Vong linh sẽ đau khổ và sẽ học được bài học về sự chế ngự dục vọng để áp dụng trong một kiếp sống tương lai. Dĩ nhiên khi dục vọng trên tiêu tan hết thì y mới siêu thoát được.



Nếu trong đời sống hàng ngày, con người không có một đời sống tinh thần thì khi chết họ sẽ ở một cảnh giới hết sức buồn nản, vô tri bất động rất lâu cho đến khi họ ý thức sự thiếu hoạt động này và có những tâm nguyện hăng hái hơn ở một kiếp khác. Thảm kịch lớn nhất là khi con người chết đột ngột, không chấp nhận rằng mình đã chết nên cố gắng bám lấy sự sống. Vì không chấp nhận rằng mình đã chết nên họ cứ ở nguyên tình trạng khi còn sống nghĩa là tình trạng chuyển tiếp, không có gì rõ ràng hết. Hồn ở cõi âm nhưng đầu óc tư tưởng vẫn ở cõi trần, họ cần được hướng dẫn, khuyên bảo.



Hãy lấy trường hợp một vong linh chết đuối, vì y không tin mình đã chết nên cứ ở trong trình trạng lúc chết nghĩa là ngộp nước. Vì đầu óc hôn mê nên y không nhìn thấy cõi âm mà giữ nguyên hình ảnh cõi trần, dĩ nhiên nó chỉ nằm trong tư tưởng của y mà thôi. Nói một cách khác, thời gian như ngừng lại, y cứ thế hôn mê trong nhiều năm. Tôi đã cố gắng thuyết phục nhưng nói gì y cũng không nghe, tôi bèn yêu cầu y trở về nhà, đầu óc y hôn mê quá rồi nên cũng không sao trở về được. Nhờ các bạn bè cõi vô hình, tôi tìm được tên tuổi và địa chỉ thân nhân vong linh. Tôi tiếp xúc với họ và yêu cầu lập một nghi lễ cầu siêu để cảnh tỉnh vong linh. Nhờ sức chú nguyện mãnh lực của buổi cầu siêu, tôi thấy vong linh từ từ tỉnh táo ra, nghe được lời kinh. Y trở về nhà và chứng kiến buổi cầu siêu của con cháu gần 60 năm sau khi y qua đời. Sau đó y chấp nhận việc mình đã chết và siêu thoát..."



"Ông cho rằng sự cầu nguyện có lợi ích đến thế sao?"



"Cầu siêu cho vong linh là một điều hết sức quan trọng và ích lợi vì nó chứa đựng một sức mạnh tư tưởng vô cùng mãnh liệt. Oai lực lời kinh và âm hưởng của nó thật là vô cùng ở cõi âm nếu người ta tụng niệm chú tâm, sử dụng hết cả tinh thần. Tiếc thay, người đời chỉ coi tụng niệm như một hình thức. Họ chỉ biết đọc các câu kinh trên đầu môi, chót lưỡi chứ không biết tập trung tinh thần nên mất đi phần nào hiệu nghiệm. Sự cầu nguyện có một sức mạnh kinh khủng, có thể dời núi lấp sông, đó là bí quyết khoa "Mật Tông" Tây Tạng."



"Như ông nói thì tôn giáo Tây Tạng có hiệu nghiệm nhiều hay sao?"



"Vấn đề cầu nguyện cho người chết không phân biệt tôn giáo và cũng không cần theo một nghi thức, nghi lễ nào nhất định mà chỉ cần tập trung tư tưởng, hết sức chú tâm cầu nguyện. Theo sự hiểu biết của tôi thì tôn giáo nào cũng có những nghi lễ riêng và nghi lễ nào cũng tốt nếu người thực hành thành tâm."



"Như vậy nghi lễ rửa tội trước khi chết có ích lợi gì không?"



"Một số người tin rằng hạnh phúc vĩnh cửu của con người tùy thuộc tâm trạng y lúc từ trần. Nếu lúc đó y tin rằng mình được cứu rỗi thì như được một vé phi cơ lên Thiên Ðàng còn không y sẽ xuống địa ngục. Ðiều này gây nhiều sợ hãi, lo âu vô ích. Nếu một người chết thình lình thì sao? Phải chăng họ sẽ xuống địa ngục? Nếu một tín đồ hết sức ngoan đạo nhưng chết ngoài trận mạc thì sao? Họ đâu được hưởng nghi lễ rửa tội? Sự chuẩn bị hữu hiệu nhất là có một đời sống thanh cao, nếu ta đã có một đời sống cao đẹp thì tâm trạng khi chết không quan trọng. Trái lại, ta không thể ao ước một tương lai tốt đẹp dù khi chết được cử hành bằng các nghi lễ to lớn, linh đình nhất. Dù sao, tư tưởng chót trước khi lìa đời cũng rất hữu ích cho cuộc sống mới bên kia cửa tử, nó giúp vong linh tỉnh táo, dễ thích hợp với hoàn cảnh mới hơn. Một cái chết thoải mái, ung dung phải hơn một cái chết quằn quoại, chết không nhắm mắt được. Theo tôi thì sự hiểu biết về cõi vô hình, sự chuẩn bị cho sự chết là điều hết sức quan trọng, cần được phổ biến rộng rãi nhưng tiếc là ít ai chú ý đến việc này."



"Vậy theo ông chúng ta cần có thái độ gì?"



"Ðối với người Âu Tây, đời sống bắt đầu khi lọt lòng mẹ và chấm dứt lúc chết đó là một quan niệm cần thay đổi. Ðời sống cõi trần chỉ là một phần nhỏ của chu kỳ kiếp sống. Chu kỳ này được biểu hiện bằng một vòng tròn mà sự sống và chết là những nhịp cầu chuyển tiếp giữa hai cõi âm và dương, giữa thế giới hữu hình và vô hình. Trên con đường tiến hóa còn hằng hà sa số các chu kỳ, các kiếp sống cho mỗi cá nhân. Linh hồn từ cõi Thượng giới chuyển kiếp xuống cõi Hạ giới qua cõi Trung giới và sau đó trở về Thượng giới cũng phải qua cõi Trung giới. Phần ở cõi trần chỉ là một phần nhỏ của một kiếp sống mà thôi. Trong chu kỳ này phần quan trọng ở chỗ vòng tròn tiến sâu vào cõi trần và bắt dầu chuyển ngược trở lên đó là lúc linh hồn hết tha thiết với vật chất mà có ý hướng về tâm linh. Các cổ thư đã vạch ra một đời sống ở cõi trần như sau: 25 năm đầu để học hỏi, 25 năm sau để lo cho gia đình đây là giai đoạn tiến sâu vào trần thế, 25 năm sau nữa phải từ bỏ việc đời để lo cho tâm linh, đó là thời diểm quan trọng để đi ngược lên, hướng về tâm linh và 25 năm chót phải từ bỏ tất cả, chỉ tham thiền, quán tưởng ở nơi rừng sâu, núi thẳm. Ðối với người Á châu thì 50 tuổi là lúc từ bỏ vật chất để hướng về tâm linh nhưng người Âu châu lại khác hẳn, họ ham mê làm việc đến độ mù quáng, cho đến già vẫn tranh đấu hết sức vất vả, cho dục vọng, cho bản ngã, cho sự sống còn, cho sự thụ hưởng do đó, đa số mất quân bình và khi chết hay gặp các nghịch cảnh không tốt. Theo ý tôi, chính vì sự thiếu hiểu biết về cõi âm nên con người gây nhiều tai hại ở cõi trần. Chính vì không nhìn rõ mọi sự một cách tổng quát, nên họ mới gây lầm lỗi chứ nếu biết tỷ lệ đời sống cõi trần đối với toàn kiếp người thì không ai dồn sức để lo cho 1/3 kiếp sống mà sao lãng các cõi trên. Nếu con người hiểu rằng quãng đời ở cõi trần rất ngắn ngủi đối với trọn kiếp người và đời sống các cõi khác còn gần với chân lý, sự thật hơn thì có thể họ đã hành động khác đi chăng? Có lẽ vì quá tin tưởng vào giác quan phàm tục nên đa số coi thế giới hư ảo này là thật và cõi khác là không có thật..."



"Nhưng nếu ông cho rằng các cõi kia còn gần với sự thật hơn thì tại sao ta lại kéo lê kiếp sống thừa ở cõi trần làm gì? Tại sao không rủ nhau đi sang cõi khác có tốt hơn không?"