Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 11 : Con gái viên tướng quốc dân đảng

Ngày đăng: 09:54 18/04/20


Những chủ đề được thảo luận trên chương trình của tôi thỉnh thoảng lại khơi mào cho một cuộc tranh luận rất lớn giữa các thính giả, và thật ngạc nhiên, tôi thường thấy các đồng nghiệp của mình muốn tiếp tục tranh luận vào ngày hôm sau. Buổi sáng sau hôm tôi phát chương trình về chủ đề người khuyết tật, một chương trình đã khơi lên rất nhiều ý kiến khác nhau, tôi đi chung thang máy với ông Ngô, trưởng phòng hành chính. Thang máy kêu và rung lên khi tới tầng mười sáu, ông tranh thủ cơ hội nói chuyện với tôi về chương trình đêm trước. Ông là một thính giả thường xuyên của chương trình Khinh Phong Dạ Thoại, và rất háo hức chia sẻ quan điểm cùng ý kiến cá nhân với tôi. Tôi thấy xúc động trước mối quan tâm của ông. Chính trị đã làm quá nhiều người Trung Quốc chẳng còn tâm huyết với cuộc sống, đến mức khó lòng kiếm nổi những người đàn ông tuổi trung niên mà vẫn còn háo hức với sự đời như ông Ngô.



“Tôi nghĩ những gì cô thảo luận trong chương trình tối qua rất thú vị,” Ông Ngô nói. “Những người gọi đến đều đồng ý rằng chúng ta nên có lòng thương và sự thấu hiểu với người khuyết tật. Lòng thương thì khá dễ, nhưng tôi nghĩ thấu hiểu thì không hề dễ chút nào. Bao nhiêu người có thể thoát ly cách nghĩ của một người lành lặn để hiểu người khuyết tật trong sự hạn chế của họ? Và những trải nghiệm của người khuyết tật bẩm sinh hẳn phải khác với của người bị khuyết tật ở chặng sau của cuộc đời. Tất nhiên... Ơ kìa, chuyện gì thế nhỉ? Có phải đèn đỏ bật sáng không?”



Thang máy bị kẹt và đèn báo động bật lên, nhưng không ai hoảng sợ - hỏng hóc là chuyện thường ngày. May thay, thang máy dừng lại ở một tầng chứ không bị kẹt giữa hai tầng và thợ sửa chữa (một trong những người nổi tiếng nhất tòa nhà) đã nhanh chóng mở được cửa ra. Khi ra khỏi thang máy ông Ngô nói với tôi lời cuối, gần như đang ra lệnh vậy: “Hân Nhiên, sớm bố trí lúc nào đó nói chuyện với tôi. Đừng có chỉ nghĩ tới các thính giả của cô thôi đấy. Nghe chưa?”



“Vâng, nghe rồi ạ,” tôi đáp to trong khi ông Ngô bước đi.



“Vậy cô đã nghe nói rồi hả, Hân Nhiên?” Một giám sát chương trình chặn tôi lại ngoài hành lang.



“Nghe gì cơ? Tôi đang nói với trưởng phòng Ngô mà,” tôi đáp.



“Tôi lại cứ ngỡ cô đã nghe nói về cuộc tranh cãi về chương trình của cô trong phòng biên tập hôm qua.”



Biết miệng lưõi các đồng nghiệp của mình sắc bén thế nào, tôi thận trọng. “Họ tranh luận về vấn đề gì? Chủ đề gì? Về điều gì đó mà thính giả gọi nói tới à? Hay về điều gì mà tôi nói?”



“Họ tranh cãi về chuyện khuyết tật bẩm sinh hay khuyết tật về sau đáng buồn hơn,” anh chàng giám sát viên đáp vẻ ung dung trong khi đi thẳng không nhìn lại.



Sáng đó, hình như phòng biên tập lại tiếp tục cuộc tranh luận tối hôm trước. Khi tôi bước vào phòng làm việc, bảy tám người đang tranh cãi hăng say; hai kỹ thuật viên cũng tham gia vào. Tất cả bọn họ đều có quan điểm quyết liệt với chủ đề này; một số người còn phấn khích đến độ mặt mũi đỏ bừng, những người khác khoa chân múa tay hoặc gõ bút chì liên hồi lên mặt bàn. Tôi thận trọng để tránh bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi, vì đã phải nếm mùi khi đề cập đến vấn đề người khuyết tật với các thính giả, những người đã giữ tôi ở lại phòng thu một lúc lâu sau khi phát sóng; tận ba giờ sáng tôi mới đến về nhà. Hết sức kín đáo, tôi quơ lấy cả nắm thư mình cần lấy và nhanh chân đi ra.



Ngay khi tôi vừa tới cửa, ông Trần gọi to, “Hân Nhiên, đừng có đi! Cô khơi lên đống lửa này thì phải dập nó đi chứ!”



Tôi mấp máy một lời cáo lỗi, “Tôi sẽ trở lại, sếp muốn tôi lên gặp sau mấy phút nữa”, và hối hả đi tìm nơi ẩn náu ở khu văn phòng lãnh đạo, đến nơi đã thấy ông ta đang chờ mình.



“Cô thiêng thật đấy!” Ông kêu lên.



Tôi bồn chồn, lo lắng nghĩ đến điều xấu nhất.



“Đây là bản sao danh sách những cuộc gọi đến. Tôi nghĩ có khả năng sẽ có một cuộc phỏng vấn thực sự thú vị ở đó. Cô xem qua đi rồi chiều nay chúng ta trao đổi với nhau,” ông ta độc đoán nói.



Có một lời nhắn cho tôi ở trên bản danh sách cuộc gọi: con gái của một thiếu tướng Quốc Dân Đảng đang trong bệnh viện tâm thần và tôi phải liên lạc với bác sĩ Lý nào đó. Không có chi tiết nào báo hiệu đây là một chuyện tốt đẹp, nhưng tôi biết ông giám đốc rất sắc sảo; nếu ông ta nói có vấn đề thì có lẽ là đúng. Ông ta có biệt tài nhìn ra những vấn đề rộng hơn, đáng đưa lên mặt báo hơn đằng sau những vấn đề nhỏ. Tôi thường nghĩ chắc ông ta sẽ thành đạt lắm về mặt chuyên môn nếu được làm việc trong môi trường báo chí tự do hơn.



Tôi gọi cho bác sĩ Lý, một người ăn nói ngắn gọn. “Người phụ nữ này là con gái một vị tướng Quốc Dân Đảng. Cô ấy bị thiểu năng trí tuệ, nhưng không phải là bẩm sinh. Người ta bảo cô ấy từng giành mấy giải văn cấp tỉnh ở Giang Tô hồi còn nhỏ nhưng bây giờ...” Ông ta đột ngột ngừng lại. “Xin lỗi, tôi có thể nói chuyện riêng với cô được không?”



Tôi đồng ý ngay, và chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ tới thăm bệnh viện vào một rưỡi chiều hôm đó.



Sau vài lời chào hỏi, bác sĩ Lý đưa tôi đi thăm người phụ nữ. Một gương mặt trắng nhợt, đờ đẫn quay về phía tôi và bác sĩ Lý khi chúng tôi bước vào căn phòng trắng yên tĩnh.



“Thạch Lâm, đây là Hân Nhiên. Cô ấy tới thăm cô đấy,” bác sĩ Lý nói.
Hồng Vệ Binh bắt Thạch Lâm phải quan sát qua cửa sổ trong khi chúng thẩm vấn và tra tấn gia đình họ Vương. Chúng giật tóc và kẹp mí mắt cô để cô phải tỉnh suốt mấy ngày đêm, để nhìn thấy bàn chân Quốc Vĩ chảy máu, Vương Nguyệt ôm lấy bụng, Vương Đa và Lưu Đình rùng mình sợ hãi và đứa con trai nhỏ xíu của Vương Nguyệt trốn trong góc khóc òa. Mặt Thạch Lâm từ đầu đến cuối vẫn không có biểu hiện gì, nhưng cô toát mồ hôi và run rẩy. Chỉ khi Hồng Vệ Binh chuẩn bị đập vỡ bàn chân phải của Quốc Vĩ bằng gậy và dùi cui, Thạch Lâm mới đột ngột hét lên bằng một giọng chói tai, kỳ dị, “Đừng đánh chú ấy, đừng đánh chú ấy! Họ không phải cha mẹ tôi. Cha tôi tên là Trương Trọng Nhân, mẹ tôi tên là Vương Tính, họ đang ở Đài Loan!”



Mọi người choáng váng im lặng mất một lúc, rồi gia đình họ Vương nhất loạt lao về phía cửa sổ và hét lên, “Không đúng! Con bé bị điên rồi, nó không biết mình đang nói gì cả!”



Thạch Lâm nhìn họ khi họ hét lên phủ nhận, rồi cười phá lên. “Tôi biết tôi không phải là con hoang, tôi có cha có mẹ đàng hoàng,” cô nói. Rồi mép cô sùi bọt và khuyu xuống.



Hồng Vệ Binh chộp ngay lấy những cái tên Thạch Lâm vuột miệng nói ra; dựa vào lời xác nhận về cha mẹ mình của Thạch Lâm và những bằng chứng buộc tội khác mà Hồng Vệ Binh tuyên bố là đã được xác minh, gia đình họ Vương bị tống giam. Thể trạng Vương Đa rất yếu và thường xuyên ốm - ông qua đời trong tù. Lưu Đình bị liệt nửa người do phải ngủ trên sàn nhà tù. Vương Nguyệt sinh đứa con thứ hai trong tù, một bé gái. Cô bé được đặt tên là Vương Ngọc vì chữ Ngọc trong tiếng Hán được cấu tạo bằng cách thêm một nét chấm vào chữ Vương, tượng trưng cho một thành viên thêm vào gia đình họ Vương. Tên gọi ở nhà của cô bé là Tiểu Ngọc vì cô rất nhỏ và yếu. Khi họ ra tù mười năm sau đó, Quốc Vĩ phải chống gậy mới đi được.



Cuối những năm 1980, Vương Nguyệt và Quốc Vĩ tình cờ gặp lại một trong những Hồng Vệ binh từng ngược đãi họ. Hắn ta thừa nhận rằng, ngoài tên của cha mẹ Thạch Lâm và một tấm ảnh tập thể các lãnh đạo của Quốc Dân Đảng ra, những bằng chứng của Hồng Vệ Binh nhằm chống lại Thạch Lâm và gia đình họ Vương đều là bịa đặt.



Thạch Lâm bị bệnh tâm thần, nhưng tình trạng không ổn định: có một số ngày cô tỉnh táo hơn. Hồng Vệ Binh đưa cô tới một ngôi làng vùng núi tỉnh Hồ Bắc để những người nông dân địa phương “cải tạo”. Cô không thể làm việc ngoài đồng vì tình trạng tâm thần không ổn định, vì vậy cô được giao cho một công việc khá nhẹ nhàng là đi chăn bò. Ít lâu sau, đám đàn ông trong làng bắt đầu kiếm cớ để leo lên những sườn núi đầy cỏ xa xôi nơi Thạch Lâm đưa bò lên gặm cỏ. Họ phát hiện ra rằng tất cả những gì khiến Thạch Lâm lên cơn là câu hỏi: “Cha mày là ai?”



Cô cười to và hét lên man dại, rồi sau đó ngất đi. Trong khi cô còn bất tỉnh, đám đàn ông cưỡng hiếp cô. Nếu cô chống cự, chúng sẽ hét to lặp đi lặp lại, “Cha mày là ai, mày có phải là con hoang không?” Cho đến khi Thạch Lâm mất trí đến mức phải tuân theo mệnh lệnh của họ.



Một bà cụ tốt bụng trong làng biết được chuyện khi bà nghe thấy một người đàn ông cãi nhau với vợ anh ta. Bà ra giữa làng nguyền rủa đám đàn ông, “Lũ thú vật vô lương tâm. Các người chẳng phải được đàn bà đẻ ra hay sao? Các người không có mẹ hả? Các người sẽ phải trả giá!” Bà cụ đưa Thạch Lâm về ở với mình, nhưng cô hoàn toàn không còn nhận thức được thế giới xung quanh nữa.



Vào đầu năm 1989, Vương Nguyệt và gia đình tìm được Thạch Lâm ở ngôi làng thuộc tỉnh Hồ Bắc đó và đưa cô về sống với họ. Thạch Lâm không nhận ra họ nữa và họ cũng hầu như không còn nhận ra cô sau ngần ấy năm sống ở vùng nông thôn. Vương Nguyệt đưa Thạch Lâm đi khám sức khỏe toàn bộ tại bệnh viện. Khi đọc kết quả, bà ốm liệt luôn. Kết quả khám cho thấy thân thể Thạch Lâm đầy những vết sẹo do bị cắn, một phần núm vú bị nhai nát và môi âm hộ bị rách. Phần cổ tử cung cùng âm đ*o đều bị tàn phá nghiêm trọng và bác sĩ gắp ra một cành cây từ tử cung của cô. Các bác sĩ không xác định được cành cây đó đã ở trong tử cung của cô bao lâu.



Khi Vương Nguyệt bình phục lại sau trận ốm, bà gọi điện cho các cán bộ Đảng ở ngôi làng thuộc tỉnh Hồ Bắc mà Thạch Lâm đã từng sống và bảo bà sẽ kiện họ ra tòa vì tội bạo hành Thạch Lâm. Các cán bộ ở đó nài nỉ bà: “Đây là một vùng còn nghèo. Nếu tất cả đàn ông ở làng này bị tống giam thì lũ trẻ sẽ bị đói.” Vương Nguyệt quyết định không khởi kiện nữa. Khi bỏ máy xuống, bà nghĩ: “Trời sẽ trừng phạt chúng.”



Dù sợ rằng hồi phục lại trí nhớ cho Thạch Lâm sẽ khiến cô phải chịu nỗi đau khủng khiếp, Quốc Vĩ đã đề nghị thử tìm cách nào đó giúp Thạch Lâm lấy lại được chút nhận thức về thế giới xung quanh. Suốt bảy, tám năm, Vương Nguyệt và Quốc Vĩ đã đưa Thạch Lâm đi điều trị vài lần, nhưng không thu được kết quả gì. Ý nghĩ hỏi Thạch Lâm về cha cô để kích thích phản ứng có thoáng qua trong đầu họ, nhưng họ lại quá sợ hãi trước những hậu quả của nó.



Vương Nguyệt tìm cách liên lạc được với anh chị của Thạch Lâm ở Đài Loan, và họ đã về thăm cô em gái thất lạc lâu nay. Họ không thể liên kết hình ảnh người đàn bà không hề có phản ứng gì và có đôi mắt đờ đẫn trước mặt mình với cô bé thông minh, sôi nổi mà cha mẹ họ đã miêu tả, nhưng trông Thạch Lâm giống mẹ họ đến mức không ai có thể nghi ngờ gì về thân phận của cô.



Vương Nguyệt không nói với họ lý do thực sự gây ra tình trạng của Thạch Lâm. Không phải bà sợ bị trách là đã không trông nom Thạch Lâm, mà vì bà biết những người không sống qua thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa sẽ không thể hình dung hay thấu hiểu được những chuyện đã xảy ra. Vương Nguyệt không hề có mong muốn gieo thù oán, và né tránh nhắc lại chi tiết chuyện xảy ra với Thạch Lâm. Bà bảo họ rằng Thạch Lâm mất trí sau một tai nạn ô tô. Khi anh chị của Thạch Lâm hỏi cô có đau đớn lắm không, bà đảm bảo với họ rằng không hề, và cô bị mất trí sau tai nạn ít lâu.



Vương Nguyệt không ngừng tự hỏi mình Thạch Lâm đã nhận thức được đến mức nào về nỗi đau đớn mà cô phải chịu trước khi cô mất trí. Tôi miễn cưỡng nói với bà rằng, giống như những người bị mất ý thức khác khi đã lớn, Thạch Lâm hẳn là đã buộc phải như vậy do phải chịu nỗi đau đớn tột cùng. Nỗi đau đớn của Thạch Lâm đã tích tụ từng lớp từng lớp từ cái đêm chạy khỏi Nam Kinh qua suốt tuổi thơ dữ dội của cô, và cô không biết phải trút nó đi đâu vì không muốn làm gia đình họ Vương phải khổ tâm. Những năm bị hành hạ ở Hồ Bắc đã nghiền nát hẳn ý thức của cô.



Khi tôi trở về đài phát thanh để thực hiện buổi chương trình ban đêm sau cả buổi chiều ở bệnh viện, văn phòng trống tênh. Tôi thấy một cốc nước quả trên bàn với một lời nhắn từ Mạnh Tinh, người đã chuẩn bị cốc nước quả cho tôi, lo rằng tôi hẳn đã kiệt sức. Mạnh Tinh nổi tiếng là một người phụ nữ căn cơ không bao giờ cho ai một cái gì, vì vậy tôi rất cảm động. Giám đốc đài cũng để lại cho tôi một lời nhắn bảo tôi nộp cho ông bản tường trình cuộc phỏng vấn về con gái của viên tướng Quốc Dân Đảng vào ngày hôm sau.



Sáng hôm sau, tôi kể cho giám đốc nghe câu chuyện của Thạch Lâm, nhưng nói luôn rằng tôi không thể đưa câu chuyện này lên sóng phát thanh được. Ông ngạc nhiên, “Có vấn đề gì sao? Cô vốn luôn sẵn sàng để phát thanh mọi chuyện mà?”



“Không có vấn đề gì cả,” tôi đáp, “nhưng tôi không thể khiến mình kể lại câu chuyện này hoặc dàn dựng chương trình về nó. Việc này thực quá khó.”



“Đây là lần đầu tiên tôi nghe cô nói có chuyện gì quá khó, vậy thì chắc chắn nó là một câu chuyện quá khủng khiếp. Tôi mong rằng cô sẽ quên được nó.”



Tôi không bao giờ có dịp để nói chuyện về việc hiểu người khuyết tật với ông Ngô được nữa. Ông mất vì bệnh gan phát trong một dạ tiệc cuối tuần đó. Trong lễ tang, tôi thầm nói với ông những suy nghĩ của tôi, chắc rằng ông có thể nghe được những lời tôi nói. Sau khi mọi người rời khỏi cõi đời này, họ vẫn sống trong ký ức của những người còn sống. Thỉnh thoảng bạn có thể cảm thấy sự hiện diện của họ, nhìn thấy khuôn mặt hay nghe giọng nói của họ.