Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 13 : Người phụ nữ không được cha nhận ra

Ngày đăng: 09:54 18/04/20


Suốt đêm đầu tiên ở Trại giam nữ Tây Hồ Nam, tôi không dám chợp mắt vì sợ những giấc mơ hãi hùng cứ trở đi trở lại. Nhưng ngay cả khi mở mắt, tôi cũng không thể gạt những hình ảnh hồi nhỏ ra khỏi đầu. Trời rạng, tôi tự nhủ phải để quá khứ lại sau lưng và tìm cách làm cho Hoa Nhi tin tưởng mình để chia sẻ câu chuyện của cô với những người phụ nữ khác. Tôi hỏi người quản tù liệu tôi có thể nói chuyện với Hoa Nhi lần nữa trong phòng thẩm vấn không.



Khi cô vào, sự hờn dỗi và thách thức của ngày hôm trước đã tan biến và gương mặt cô hằn sâu nỗi đau khổ. Từ cái nhìn đầy ngạc nhiên của cô, tôi đoán trông tôi cũng khác sau một đêm bị ký ức giày vò.



Hoa Nhi bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách kể cho tôi chuyện mẹ cô đã chọn tên cho cô, chị cô và các em trai của cô như thể nào. Mẹ cô bảo rằng mọi vật trong thế giới tự nhiên đều phải đấu tranh để dành được chỗ đứng của mình, nhưng cây, núi và đá là những thứ mạnh nhất, vì thế bà đã gọi cô con gái đầu là Thụ (cây), con trai đầu là Sơn (núi) và con trai thứ là Thạch (đá). Một cây ra hoa sẽ đậu quả, còn hoa trên núi hay trên đá thì sẽ làm đẹp cho núi, cho đá, vì vậy Hoa Nhi được gọi là Hoa (hoa).



“Mọi người bảo tôi là xinh nhất nhà... có lẽ vì tôi tên là Hoa.”



Tôi xúc động trước tính thơ của những cái tên đó và thầm nghĩ mẹ Hoa Nhi hẳn phải là một người rất hiểu biết. Tôi rót cho Hoa Nhi một cốc nước nóng từ chiếc phích trên bàn. Cô ấp lấy nó bằng cả hai tay, nhìn chăm chăm vào làn khói bốc lên từ đó, và lẩm bẩm khe khẽ, “Cha mẹ tôi là người Nhật.”



Tôi sửng sốt trước thông tin đó. Không hề có một ghi chép nào về điều này trong hồ sơ phạm tội của Hoa Nhi.



«Họ đều dạy ở trường đại học và chúng tôi được đối xử đặc biệt. Những gia đình khác phải sống chung trong một căn phòng, nhưng nhà tôi thì có tới hai phòng. Cha mẹ tôi ngủ trong phòng nhỏ còn chúng tôi ngủ ở phòng lớn. Chị Thụ tôi thường đưa anh Sơn và tôi tới nhà các bạn chơi. Cha mẹ họ rất tử tế với chúng tôi, họ hay cho chúng tôi đồ ăn vặt để nhấm nháp và bảo chúng tôi nói cho họ nghe tiếng Nhật. Tôi còn rất bé nhưng tiếng Nhật của tôi rất tốt và tôi thích dạy cho những người lớn đó chút vốn từ. Những đứa trẻ khác chén sạch đồ ăn trong khi tôi nói cho họ nghe, nhưng chị tôi luôn để dành cho tôi một ít. Chị che chở cho tôi."



Mặt Hoa Nhi sáng lên.



«Cha tôi rất tự hào về chị Thụ vì chị ấy học hành giỏi giang. Cha tôi bảo chị ấy có thể giúp ông trở nên sáng suốt hơn. Mẹ tôi cũng khen chị tôi là con gái ngoan vì chị luôn để ý chăm sóc tôi và anh Sơn để mẹ có thời gian chuẩn bị bài vở và chăm sóc em Thạch lúc đó mới ba tuổi. Chúng tôi vui nhất là khi được chơi với cha. Ông mặc quần áo giả trang thành người khác khiến chúng tôi cười bò ra. Thỉnh thoảng ông giả làm Ông Già Vác Núi trong truyện cổ tích Nhật Bản, và ông cõng cả bốn anh em tôi trên lưng. Chúng tôi đè lên ông cho đến khi ông thở hổn hển, nhưng ông vẫn tiếp tục cõng chúng tôi, kêu lên: “Tôi... đang vác... núi!"



Thỉnh thoảng ông choàng khăn của mẹ tôi quanh đầu giả làm Bà Ngoại Sói trong câu chuyện cổ tích của Trung Quốc. Mỗi khi ông chơi trốn tìm với chúng tôi, tôi lại rúc vào trong chăn và hét lên một cách hồn nhiên, “Hoa Nhi không có trong chăn đâu!”



Ông trốn rất kỹ. Có lần ông còn trốn trong một cái vựa thóc to. Khi ông chui ra, người ông đầy bột ngô, kiều mạch và gạo."



Hoa Nhi cười khi nhớ lại hồi ức đó và tôi cũng cười theo.



Cô nhấp ngụm nước, nhấm nháp.



«Chúng tôi rất hạnh phúc. Nhưng sau đó, năm 1966, cơn ác mộng bắt đầu. Những ngọn lửa nhảy múa đánh dấu sự chấm dứt tuổi thơ hạnh phúc của tôi xuất hiện trước mắt."



Giọng Hoa Nhi xua đi hình ảnh đó.



«Một chiều hè, cha mẹ tôi đã đi làm và tôi đang làm bài về nhà dưới sự giám sát của chị Thụ còn em trai út ngồi chơi đồ chơi. Đột nhiên, chúng tôi nghe thấy tiếng hô khẩu hiệu nhịp nhàng vang dội bên ngoài. Hồi đó người lớn vẫn luôn luôn hô khẩu hiệu hay quát tháo, vì vậy chúng tôi cũng không để ý gì lắm. Âm thanh đó ngày một gần, cho đến khi nó ở ngay ngoài cửa nhà tôi. Một nhóm thanh niên đứng ngoài đó hô lên, “Đả đảo lũ chó theo chân đế quốc Nhật! Tiêu diệt lũ gián điệp ngoại quốc!"



Chị tôi đã xử sự như một người lớn. Chị mở cửa và hỏi đám học sinh, cũng tầm tuổi chị, “Các người làm gì thế hả? Cha mẹ chúng tôi không có nhà."



Một cô gái đứng đằng trước đám đông nói, “Nghe đây, lũ mất nết, cha mẹ chúng mày là gián điệp của đế quốc Nhật. Chúng đã bị giai cấp vô sản khống chế. Chúng mày phải cắt đứt mọi quan hệ với chúng và khai báo những hoạt động gián điệp của chúng!"



Cha mẹ tôi, gián điệp! Trong những bộ phim tôi đã xem, gián điệp luôn luôn là những kẻ xấu xa. Nhận thấy tôi sợ hãi thế nào, chị gái tôi vội đóng cửa lại và đặt tay lên vai tôi. “Đừng sợ. Chờ bố mẹ về rồi mình sẽ kể với bố mẹ”, chị bảo vậy.



Anh trai tôi đã mấy lần bảo muốn tham gia Hồng Vệ Binh. Lúc đó anh ấy nói khẽ. “Nếu họ là gián điệp, anh sẽ tới Bắc Kinh để tham gia cách mạng chống lại họ".



Chị gái tôi lườm anh và bảo, “Đừng có nói vớ vẩn!"



Khi đám học sinh ngừng hò hét trước cửa nhà tôi thì trời cũng đã tối. Sau này, ai đó bảo tôi là đám người đó định khám nhà nhưng không dám vì thấy chị gái tôi đứng ngay ngưỡng cửa bảo vệ ba đứa tôi. Hình như lãnh đạo Hồng Vệ Binh đã mắng chúng một trận tơi bời vì thế."



“Chúng tôi không gặp lại cha một thời gian dài.” Mặt Hoa Nhi lạnh băng.



«Suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, bất kỳ người nào xuất thân từ gia đình giàu có; được học cao, là một chuyên gia hay học giả, có những mối quan hệ với nước ngoài hay từng làm việc trong chính quyền trước năm 1949 đều bị xếp vào thành phần phản cách mạng. Có nhiều tội phạm chính trị loại này đến mức nhà tù quá tải. Không có chỗ giam giữ, những trí thức này bị đày đến vùng sâu vùng xa để làm việc trên đồng ruộng. Tối đến họ lại phải thú nhận tội lỗi của mình với các Hồng Vệ Binh, hoặc học theo người nông dân, những người chưa từng nhìn thấy chiếc xe ô tô hay nghe nói tới điện. Cha mẹ tôi đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn lao động và cải tạo như vậy."



Người nông dân dạy các trí thức những bài hát họ hát khi trồng cấy và cách mổ lợn. Lớn lên trong môi trường sách vở, học hành, các trí thức rùng mình trước cảnh tượng máu chảy và thường khiến người nông dân kinh ngạc trước sự thiếu kỹ năng và kiến thức thực tế của họ. Một nữ giáo sư đại học tôi từng phỏng vấn kể với tôi rằng người nông dân giám sát bà nhìn các cây giống lúa mì mà bà đã lóng ngóng làm bật rễ lên mà hỏi đầy thương hại, “Cô thậm chí còn chẳng phân biệt được chồi cỏ với chồi lúa phải không? Vậy thì những đứa trẻ cô dạy học được gì ở cô? Làm sao cô yêu cầu chúng kính trọng cô được?” Bà giáo sư bảo rằng những người nông dân ở vùng núi mà bà bị đày tới vô cùng tốt với bà, bà đã học được rất nhiều điều từ cuộc sống khắc khổ của họ. Bà cảm thấy rằng tính cách của con người về cơ bản là đơn giản và không lắt léo, chỉ khi được dạy về xã hội con người ta mới làm xáo trộn nó lên. Bà nói cũng có phần đúng, nhưng bà là người may mắn khi trải qua Cách Mạng Văn Hóa.
Không kiếm được lý do gì khả dĩ để có thể ly hôn, Hoa Nhi cuối cùng đành phải viện đến cái cớ rằng anh không thỏa mãn được nhu cầu sinh lý của cô, nhưng trong lòng lại hiểu rõ rằng anh là người duy nhất có thể làm được điều đó. Đối mặt với chuyện ấy, chồng Hoa Nhi không nói được gì nữa. Tan nát cõi lòng, anh bỏ tới Châu Hải xa xôi, lúc đó vẫn còn chưa phát triển."



Giọng Hoa Nhi vẫn vang lên bên tai trong lúc tôi nhìn cảnh vật thay đổi bên ngoài chiếc xe jeep đang đưa tôi về nhà sau vài ngày ở Trại giam Nữ Tây Hồ Nam.



"“Người chồng tôi yêu ra đi,” cô nói. "Tôi cảm thấy trái tim mình như bị dứt ra khỏi lồng ngực... Tôi nghĩ: mười một tuổi tôi có thể thỏa mãn được đàn ông, hai mươi tôi có thể khiến họ phát điên, ba mươi tôi có thể khiến họ hồn xiêu phách lạc, và bốn mươi...? Đôi khi tôi muốn dùng thân xác mình để ban một cơ hội cho những người đàn ông còn có thể nói lời xin lỗi; giúp họ hiểu được quan hệ tình dục với một người đàn bà là như thế nào; đôi khi tôi lại muốn tìm ra những tên Hồng Vệ Binh đã hành hạ tôi đó và nhìn nhà chúng bị phá và gia đình chúng tan nát. Tôi muốn trả thù tất cả đàn ông và bắt họ phải chịu đau khổ.



Danh dự của người đàn bà với tôi không có ý nghĩa gì nhiều. Tôi đã sống với vài người đàn ông, và để họ tiêu khiển với tôi. Vì chuyện đó, tôi bị đưa vào hai trại cải tạo lao động và bị kết án tù hai lần. Giáo viên chính trị trong trại gọi tôi là tội phạm không thể cải huấn được, nhưng tôi chẳng bận tâm. Khi người ta nguyền rủa tôi là không biết xấu hổ, tôi cũng không giận dữ. Mọi người Trung Quốc đều chú ý đến thể diện, nhưng tôi không hiểu cái thể diện của họ thì liên quan thế nào đến những bộ phận còn lại của cơ thể họ.



Chị Thụ là người hiểu tôi nhất. Chị ấy biết tôi sẽ làm bất cứ điều gì để những ký ức tình dục khủng khiếp yên ngủ, và tôi muốn một quan hệ tình dục trưởng thành để hàn gắn những cơ quan sinh lý bị tổn thương của mình. Đôi khi tôi chỉ như chị Thụ nói; rồi đôi khi tôi lại không phải như vậy.



Cha tôi chẳng biết tôi là ai, tôi cũng thế."



Hôm thứ hai sau khi về đài phát thanh, tôi gọi hai cuộc điện thoại. Một cuộc cho bác sĩ phụ khoa. Tôi kể cho bà nghe về hành vi tình dục của Hoa Nhi và hỏi liệu có phương pháp điều trị nào cho những chấn thương về mặt tinh thần và thể xác mà cô đã trải qua không. Có vẻ vị bác sĩ đó chưa từng nghĩ tới câu hỏi như vậy bao giờ. Vào lúc đó ở Trung Quốc, không có khái niệm về bệnh tâm lý, chỉ có bệnh về thể xác.



Cuộc gọi thứ hai là cho cảnh sát trưởng Mai. Tôi nói với ông Hoa Nhi là người Nhật và hỏi liệu cô có thể được chuyển tới một trong các nhà tù dành cho người ngoại quốc nơi điều kiện tốt hơn không. Ông ngừng một lúc, rồi đáp, “Hân Nhiên, cho đến khi nào chuyện Hoa Nhi là người Nhật được quan tâm thì im lặng là vàng. Hiện giờ tội của cô ta là tội về quan hệ tình dục bừa bãi và sống như vợ chồng ngoài trái phép; không nên để cô ta phải ở lâu hơn quá thời hạn tù. Nếu người ta biết cô ấy là người Nhật cô ta sẽ bị buộc tội có động cơ chính trị cho những hành động của mình và như thế còn tệ hơn.”



Những ai từng sống qua thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa đều nhớ những người phụ nữ phạm vào tội có quần áo ngoại quốc hay thói quen của người nước ngoài đều bị đấu tố công khai. Tóc của họ bị xén thành đủ kiểu kỳ quặc làm trò cười cho Hồng Vệ Binh. Mặt họ bị bôi nhem nhuốc bằng son; giày cao gót bị buộc vào nhau thắt quanh người họ; những mẩu vỡ đủ kiểu của hàng ngoại bị treo lủng lẳng vào quần áo của họ xiên xẹo trông kỳ dị. Hết lần này tới lần khác, những người phụ nữ đó phải thuật lại từng chi tiết việc họ đã có những sản phẩm ngoại quốc đó như thế nào. Tôi mới chỉ bảy tuổi khi lần đầu tiên chứng kiến những gì những phụ nữ đó phải trải qua: diễu hành qua các đường phố để bị chế nhạo; tôi nhớ lúc đó mình đã nghĩ nếu có kiếp sau thì mình không muốn sinh ra làm đàn bà nữa.



Nhiều người trong số họ trước đó đã cùng chồng trở về quê cha đất tổ để cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng và sự nghiệp xây dựng đất nước Trung Hoa mới. Trở lại Trung Quốc, họ phải xoay sở để làm việc nhà bằng các thiết bị gia dụng sơ sài nhất, nhưng điều đó chẳng là gì so với việc phải triệt bỏ những thói quen và quan điểm thoải mái mà họ đã quen từ tấm bé ở nước ngoài. Mọi lời lẽ và hành động đều bị phán xét từ góc độ chính trị; họ phải chịu chung cảnh ngộ bị ngược đãi của chồng họ vì bị quy là gián điệp và thẩm thấu cách mạng rồi lại cách mạng vì sở hữu những vật dụng của phụ nữ có xuất xứ từ nước ngoài.



Tôi đã từng phỏng vấn nhiều phụ nữ phải trải qua những chuyện như vậy. Năm 1989, một người phụ nữ nông dân ở vùng núi kể với tôi rằng bà từng được vào học trong học viện âm nhạc. Mặt bà chằng chịt đường ngang đường dọc và bàn tay thô ráp chai sần; tôi không nhìn thấy một bằng chứng nào về khả năng âm nhạc ở bà. Chỉ khi bà nói với giọng âm vang đặc biệt chỉ có ở những ai từng được học các bài luyện thanh, tôi mới bắt đầu nghĩ có thể bà đã nói thật.



Bà đưa cho tôi xem những tấm ảnh chứng minh những nghi ngờ của tôi hoàn toàn vô căn cứ. Bà và gia đình đã từng có thời gian ở Mỹ; khi họ trở về Trung Quốc, bà mới chưa tròn mười tuổi. Bà đã có thể phát triển năng khiếu âm nhạc của mình ở một trường nhạc tại Bắc Kinh, ngay trước khi Cách Mạng Văn Hóa diễn ra. Mối liên hệ của cha mẹ bà với nước Mỹ đã khiến họ phải trả giá bằng tính mạng và phá hoại cuộc đời của con gái họ.



Mười chín tuổi, bà bị đưa tới vùng núi nghèo xơ xác và bị các cán bộ ở thôn gả cho một người nông dân. Kể từ đó bà sống ở nơi ấy, trong một vùng nghèo đến mức người trong thôn không thể mua nổi dầu ăn để nấu nướng.



Trước khi tôi đi bà hỏi tôi, “Lính Mỹ vẫn còn ở Việt Nam phải không?”



Cha tôi quen một người phụ nữ trở lại Trung Quốc sau nhiều năm ở Ấn Độ, khi bà đã năm mươi tuổi. Bà là giáo viên, vô cùng tốt bụng với các học sinh, bà thường dùng tiền tiết kiệm của mình để giúp học sinh gặp khó khăn về tài chính. Khi bắt đầu Cách Mạng Văn Hóa, không ai nghĩ bà sẽ bị ảnh hưởng, nhưng bà đã bị đấu tranh và cải tạo hai năm vì cách ăn mặc của bà.



Người giáo viên đó ủng hộ quan điểm cho rằng phụ nữ phải mặc màu rực rỡ, và trang phục kiểu Mao Chủ Tịch chỉ thích hợp với đàn ông mà thôi, vì vậy bà thường mặc sari bên trong chiếc áo khoác theo qui định. Hồng Vệ Binh xem đó là sự bất trung với Tổ Quốc và chỉ trích bà là tôn thờ và có niềm tin mù quáng vào đồ ngoại quốc. Trong số những Hồng Vệ Binh đấu tranh với bà có những học sinh mà bà đã cho tiền trước đó. Họ xin lỗi vì hành vi của mình, nhưng nói, “Nếu chúng em không đấu tranh với cô, chúng em sẽ gặp rắc rối, và gia đình chúng em cũng sẽ bị liên lụy.”



Cô giáo đó không bao giờ mặc lại bộ sari yêu thích nữa, nhưng trước khi qua đời bà vẫn lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại: “Sari thật đẹp”.



Một giáo viên khác kể cho tôi nghe về những điều bà đã phải trải qua trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Một họ hàng xa của bà ở Indonesia gửi cho bà một thỏi son và một đôi giày cao gót nhãn hiệu của Anh qua một người trong đoàn đại biểu của chính phủ. Biết rằng những món quà từ nước ngoài có thể khiến họ bị nghi ngờ là gián điệp, bà vội vã ném chúng đi mà không kịp bọc lại. Bà không biết có một cô bé tầm mười một, mười hai tuổi đang chơi bên cạnh thùng rác, cô bé này đã báo lại tội của bà cho cán bộ chính quyền. Nhiều tháng trời, cô giáo đó bị dong khắp thị trấn trên thùng xe tải để đám đông đấu tố.



Khoảng giữa những năm 1966 và 1976, những năm đen tối của Cách Mạng Văn Hóa, có rất ít đặc điểm cả về kiểu cắt may lẫn màu sắc để phân biệt quần áo nam giới với nữ giới. Những đồ dùng dành riêng cho phụ nữ rất hiếm. Đồ trang điểm, quần áo đẹp và trang sức chỉ tồn tại trong những tác phẩm văn chương bị cấm. Nhưng bất kể những người Trung Quốc lúc đó có cách mạng thế nào đi chăng nữa thì không phải ai cũng cưỡng lại được bản tính. Một người có thể cách mạng ở mọi phương diện khác, nhưng bất cứ ai không kháng cự nổi trước ham muốn tình dục tư bản chủ nghĩa đều bị lôi lên sân khấu để bị đấu tố hoặc ra tòa; một số người tự kết liễu cuộc đời vì tuyệt vọng. Những người khác tự dựng mình lên thành mẫu mực về đạo đức nhưng lợi dụng những người đàn ông hay phụ nữ thuộc diện phải cải tạo, biến sự khuất phục tình dục của họ thành bài kiểm tra về lòng trung thành. Phần lớn những người sống qua thời kỳ đó phải chịu một đời sống tình dục cằn cỗi, hầu hết là phụ nữ. Trong giai đoạn sung sức nhất, chồng họ bị bắt giam hoặc gửi tới các trường huấn luyện cán bộ tới gần hai chục năm trời còn vợ thì phải chịu cảnh sống như góa bụa.



Ngày nay những tác hại của Cách Mạng Văn Hóa đối với xã hội Trung Quốc đang được đưa lên xét lại, trong đó sự tàn hại tới những bản năng giới tự nhiên cũng là một nhân tố được tính đến. Người Trung Quốc có câu: Mọi gia đình đều có một cuốn sách mà tốt nhất là không nên đọc to lên. Nhiều gia đình Trung Quốc không muốn đối mặt với những chuyện đã xảy đến với họ suốt thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Những chương sách đó thấm đẫm nước mắt và không thể mở ra được. Những thế hệ sau này hay người bên ngoài sẽ chỉ thấy phần đầu đề phai mờ. Khi người ta chứng kiến niềm vui của các gia đình hay bạn bè tái hợp sau nhiều năm ly tán, ít ai dám hỏi mình rằng những người ấy đã phải đương đầu với những ham muốn và nỗi đau của họ ra sao suốt ngần ấy năm.



Đó thường là những đứa trẻ, đặc biệt là con gái, những người phải chịu hậu quả của ham muốn tình dục bị cấm cản. Một cô gái lớn lên trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa bị vây quanh bởi sự ngu dốt, điên cuồng và trụy lạc. Trường học và gia đình không thể và cũng bị cấm trang bị cho chúng thậm chí những hiểu biết cơ bản nhất về giới tính. Chính nhiều bà mẹ và giáo viên cũng mù tịt về những vấn đề này. Khi cơ thể dậy thì, các cô bé trở thành con mồi của những vụ quấy rối tình dục hoặc cưỡng hiếp, những cô gái như Hồng Tuyết, trải nghiệm duy nhất về khoái cảm thân xác là từ một con ruồi; Hoa Nhi, bị cách mạng cưỡng bức; người phụ nữ trên máy trả lời điện thoại bị Đảng sắp xếp hôn nhân; hay Thạch Lâm, người không bao giờ biết được rằng mình đã lớn. Thủ phạm gây ra những chuyện đó là các giáo viên, bạn bè, thậm chí cha hay anh họ, những kẻ đã mất kiểm soát đối với phần con trong mình và hành xử theo một cách đồi bại và ích kỷ nhất mà một người đàn ông có thể làm. Hy vọng của những cô gái đó bị phá hủy, và khả năng được trải nghiệm những khoái cảm ái ân bị hủy diệt vĩnh viễn. Nếu chúng ta có thể lắng nghe những cơn ác mộng của họ, chúng ta có thể dành mười hay hai mươi năm lắng nghe những câu chuyện như vậy.



Giờ đã quá muộn để mang lại tuổi trẻ và hạnh phúc cho Hoa Nhi và những người phụ nữ đã phải trải qua Cách Mạng Văn Hóa khác. Họ kéo những bóng đen khủng khiếp của ký ức theo sau mình.



Tôi nhớ, một hôm trong văn phòng, Mạnh Tinh đã đọc to thư của một thính giả yêu cầu một bài hát đặc biệt và nói, “Tôi không hiểu nổi. Tại sao những người phụ nữ lớn tuổi này lại thích những bài hát cũ rích đó đến vậy? Tại sao họ không nhìn quanh mình xem thế giới ngày nay ra sao? Họ chuyển động quá chậm chạp so với thời đại.”



Lý Đại gõ bàn cái cộp một nhát rõ mạnh bằng bút chì và quở trách, “Quá chậm chạp ư? Cô nên nhớ rằng những người phụ nữ đó chưa từng có thời gian để tận hưởng tuổi trẻ của họ đâu!”