Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 13 : Hành trình đến với những câu chuyện của người phụ nữ trung hoa

Ngày đăng: 09:53 18/04/20


Một sớm mùa xuân năm 1989, tôi ngồi trên chiếc xe đạp hiệu Phi Cáp rong ruổi qua các con phố Nam Kinh, mơ màng nghĩ đến Phan Phan, con trai tôi. Búp chồi xanh non trên cây cối, hơi sương mù mịt bao phủ những người đạp xe khác, những chiếc khăn lụa phụ nữ phấp phới bay trong gió xuân, tất cả hòa vào ý nghĩ của tôi về con trai. Tôi đã một mình nuôi nấng nó, không có sự trợ giúp của người đàn ông, và thật không dễ gì để chăm sóc thằng bé trong khi vẫn phải làm việc. Dù thế, bất kể tôi đi đâu, xa hay gần, kể cả trong cuốc xe gấp gáp đến chỗ làm, thằng bé vẫn song hành bên tôi trong tâm tưởng và tiếp thêm lòng can đảm cho tôi.



“Này, người dẫn chương trình nổi tiếng, để ý xem cô đang đi đâu đấy nhé,” một đồng nghiệp kêu lên khi tôi tất tả bước vào khu liên hợp đài phát thanh và truyền hình - nơi tôi làm việc.



Hai công an có vũ khí đứng ở cổng. Tôi xuất trình giấy thông hành. Khi vào trong, tôi sẽ phải chạm mặt mấy người bảo vệ có vũ trang khác nữa tại cửa ra vào văn phòng và phòng thu. An ninh ở đài cực kỳ nghiêm ngặt và các nhân viên luôn cảnh giác với cánh bảo vệ. Người ta kháo nhau rằng đã có một tay tân binh ngủ gật trong phiên gác đêm và bị kích động đến mức giết chết người đồng chí đã đánh thức anh ta dậy.



Phòng làm việc của tôi nằm trên tầng mười sáu của tòa nhà hai mươi mốt tầng hiện đại và gớm guốc đó. Tôi thích đi cầu thang bộ hơn là liều lĩnh đi bằng cái thang máy chẳng biết đường nào mà lần, vốn thường xuyên trở chứng. Khi tới bàn làm việc, tôi mới nhận ra mình đã để quên chìa khóa xe đạp trong ổ khóa. Thông cảm với tôi, một đồng nghiệp đề nghị sẽ gọi điện xuống chỗ người gác cổng hộ tôi. Việc đó không dễ dàng lắm vì hồi đó nhân viên bình thường chưa có điện thoại riêng và người đồng nghiệp của tôi đã phải đi tới phòng của trưởng ban để gọi điện. Cuối cùng, có người mang lên cho tôi chìa khóa cùng với đám thư từ. Giữa đống thư từ ngồn ngộn, có một bức thư đập vào mắt tôi ngay lập tức: Chiếc phong bì được làm từ bìa một cuốn sách, trên đó có dán một chiếc lông gà. Theo truyền thống của người Trung Quốc, chiếc lông gà là dấu hiệu của một tình huống quẫn bách.



Lá thư là của một cậu bé, được gửi từ một ngôi làng cách Nam Kinh chừng 250 cây số.



Cô Hân Nhiên rất mực kính mến!



Cháu đã lắng nghe tất cả các chương trình của cô. Thực ra, mọi người trong làng cháu đều thích nghe cả. Nhưng cháu không viết thư để nói với cô là chương trình của cô hay đến thế nào; cháu viết thư này để kể với cô một bí mật.



Thực ra cũng không hẳn là một bí mật, vì mọi người trong làng đều biết cả. Có một ông già sáu mươi tuổi bị thọt ở đây mới mua về một cô vợ trẻ. Cô gái trông rất trẻ - cháu nghĩ chắc là cô ây đã bị bắt cóc. Ở đây, chuyện này xảy ra như cơm bữa, nhưng nhiều cô sau đó đã trốn thoát. Ông già kia sợ cô vợ của mình bỏ trốn nên đã trói cô ấy lại bằng một sợi xích sắt to tướng. Cổ tay cô ấy bị sợi xích nặng đó làm trầy trụa, máu thấm qua quần áo cô ấy. Cháu nghĩ cứ thế thì cô ấy sẽ chết mất. Xin hãy cứu cô ấy.



Dù có làm gì thì cô cũng đừng đưa lên đài nhé. Người làng mà biết, họ sẽ đuổi cả gia đình cháu đi mất.


Tôi kể với một người bạn thời đại học về lời cảnh báo của ông Trần.



“Hân Nhiên,” anh ta nói, “cô đã bao giờ ở trong một xưởng làm bánh xốp chưa?”



“Chưa,” tôi trả lời, cảm thấy khó hiểu.



“Chậc, tôi thì rồi. Vì thế tôi không bao giờ ăn bánh xốp nữa.” Anh ta bảo tôi nên đến một xưởng làm bánh để hiểu anh ta muốn nói gì.



Tính tôi vốn nôn nóng, nên vào lúc năm giờ sáng hôm sau tôi đã tự mình đi đến một xưởng bánh nhỏ nhưng bánh ngon có tiếng. Tôi không báo trước rằng mình sẽ đến thăm, nhưng tôi không nghĩ mình sẽ gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Nhà báo ở Trung Quốc được mệnh danh là những vị vua không ngai. Họ có quyền ra vào hầu hết mọi cơ quan trên đất nước này.



Người quản lý tiệm bánh không hiểu tại sao tôi lại đến, nhưng ông ta bị ấn tượng bởi nhiệt tình của tôi đối với công việc: Ông ta bảo chưa từng gặp nhà báo nào tới sớm đến thế để thu thập tư liệu. Trời còn chưa sáng hẳn, dưới ánh đèn tù mù của gian xưởng, bảy tám người thợ nữ đang đập trứng vào một chiếc thùng to. Họ đang ngáp và khò khè ầm ĩ kinh khủng. Tiếng khạc nhổ liên tục khiến tôi khó chịu. Một người phụ nữ bị lòng đỏ trứng trát khắp mặt, có lẽ vì quẹt nước mũi hơn là do một công thức làm đẹp khó hiểu nào đó. Tôi quan sát hai người thợ nam đổ gia vị và phẩm màu vào một lớp bột nhão mỏng được nhào từ hôm trước. Hỗn hợp đó được thêm trứng rồi đổ vào các hộp thiếc trên một băng chuyền. Khi hộp thiếc ra khỏi lò, khoảng hơn chục người thợ nữ đóng gói những chiếc bánh vào hộp. Mép họ dính đầy vụn bánh.



Khi rời khỏi xưởng bánh, tôi nhớ lại những điều một đồng nghiệp từng nói với tôi: Những thứ bẩn nhất trên thế giới này không phải là nhà vệ sinh hay cống rãnh mà là nhà máy chế biến thực phẩm và bếp nhà hàng. Tôi cũng kiên quyết không bao giờ ăn bánh xốp nữa, nhưng không thể hiểu nổi những điều tôi nhìn thấy thì có liên quan gì tới vấn đề tìm hiểu người phụ nữ Trung Quốc.



Tôi gọi cho anh bạn của mình, anh có vẻ thất vọng vì tôi chẳng hiểu ra được gì.



“Cô đã thấy những chiếc bánh đẹp đẽ, mềm xốp đã được làm ra như thế nào rồi đấy. Nếu cô chỉ nhìn chúng ở tiệm bánh, cô sẽ không bao giờ biết được điều đó. Tuy nhiên, dù cô có thể mô tả được rằng xưởng đó được quản lý tệ hại và vi phạm những quy tắc về an toàn thực phẩm đến thế nào đi nữa, cô có nghĩ rằng điều đó sẽ khiến cho mọi người không còn muốn ăn bánh xốp nữa không? Những người phụ nữ Trung Quốc cũng vậy. Dù cô tiếp cận được tổ ấm và ký ức của họ chăng nữa, liệu cô có thể phán xét hay thay đổi được những luật tắc đã hình thành nên cuộc sống của họ như thế không? Hơn nữa, có bao nhiêu phụ nữ sẽ thực sự sẵn sàng từ bỏ lòng tự trọng của họ để bộc bạch với cô? Tôi e người đồng nghiệp của cô mới là bậc tri túc thực sự đấy.”