Hảo Nữ Trung Hoa

Chương 2 : Cô bé giữ ruồi làm vật nuôi

Ngày đăng: 09:53 18/04/20


Đương nhiên, ông Trần và người bạn đại học của tôi đều đúng ở một điểm. Sẽ khó lòng tìm được những người phụ nữ sẵn sàng nói chuyện một cách thoải mái với tôi. Với phụ nữ Trung Quốc, thân thể trần truồng là một thứ đáng hổ thẹn chứ không phải cái đẹp. Họ luôn che đậy kỹ càng. Đề nghị phỏng vấn một người phụ nữ cũng giống như bảo họ phải trút bỏ quần áo vậy. Tôi nhận ra là tôi sẽ phải thử những cách thức tế nhị hơn để tìm hiểu về cuộc sống của họ.



Những lá thư tôi nhận được từ các thính giả, tràn đầy khao khát và hy vọng, là xuất phát điểm của tôi. Tôi hỏi giám đốc xem liệu mình có thể thêm chuyên mục hòm thư đặc biệt dành cho phụ nữ - trong đó tôi sẽ thảo luận và có thể sẽ đọc một số lá thư nhận được vào cuối chương trình - được không. Ông ta không phản đối ý tưởng đó, ông ta cũng muốn biết xem phụ nữ Trung Quốc nghĩ gì để có thể xử lý mối quan hệ căng thẳng với bà vợ. Tuy nhiên, bản thân ông ta không có quyền cho phép thực hiện chuyên mục đó; tôi sẽ phải gửi một lá đơn tới văn phòng trung ương. Tôi quá quen với thủ tục này rồi: Các sếp trong đài chỉ như những chú bé chạy việc được tuyên dương, chẳng có quyền điều hành gì cả. Lãnh đạo bên trên là những người ra quyết định cuối cùng.



Sáu tuần sau, đơn của tôi được gửi trả về, với bốn cái dấu đỏ chót kết thành tràng hoa khẳng định sự thông qua chính thức. Thời lượng dự kiến của chuyên mục bị cắt xuống còn mười phút. Dù thế, tôi vẫn cảm thấy như được lộc trời cho vậy.



Tác động của chuyên mục Hòm Thư Phụ Nữ kéo dài mười phút ngắn ngủi của tôi vượt quá cả mong đợi: Số lượng thư thính giả gửi về tăng đến mức hàng ngày tôi nhận được hơn một trăm lá thư. Sáu sinh viên đại học phải giúp tôi xử lý đống thư này. Chủ đề của các bức thư càng ngày càng trở nên đa dạng. Những câu chuyện thính giả kể cho tôi xảy ra trên khắp đất nước, trong những thời gian khác nhau từ khoảng bảy mươi năm trước hoặc trước đó đến giờ, trong cuộc sống của phụ nữ ở nhiều vị thế xã hội, đặc trưng văn hóa và nghề nghiệp khác nhau. Họ tiết lộ những thế giới bị che giấu khỏi tầm mắt của đa phần dân chúng, kể cả tôi. Tôi thực sự xúc động trước những lá thư đó. Nhiều lá còn có cả dấu ấn cá nhân, như là hoa, lá hay vỏ cây ép khô, và những vật lưu niệm móc tay.



Một chiều, tôi trở về cơ quan thì nhận được một cái gói cùng bức thư ngắn mà người gác cổng để lại trên bàn tôi. Hình như có một người phụ nữ chừng bốn mươi đã đem gói đồ tới nhờ người gác cổng chuyển lại cho tôi; bà ta không để lại tên tuổi, địa chỉ gì. Vài đồng nghiệp khuyên tôi nên đưa gói đồ đó cho phòng an ninh kiểm tra trước khi mở, nhưng tôi không làm vậy. Tôi có cảm giác rằng vận mệnh không gõ cửa hai lần, và bị thôi thúc mạnh mẽ muốn mở gói đồ ấy ra ngay. Bên trong là một hộp đựng giày đã cũ, trên nắp có hình vẽ một con ruồi trông như người rất xinh xắn. Màu sắc hầu như đã bạc hết cả. Bên cạnh miệng con ruồi có ghi một câu: Không có mùa xuân, hoa không nở; không có chủ, hộp không được mở. Ngoài ra còn có một chiếc khóa nhỏ vừa xinh với cái nắp.



Tôi ngần ngại: Liệu có nên mở nó ra không? Rồi tôi nhận thấy một dòng nhỏ xíu rõ ràng là vừa mới được dán lên: Hân Nhiên, xin hãy mở ra.



Cái hộp đựng đầy những mẩu giấy màu vàng, bạc phếch. Những mẩu giấy chi chít chữ, không cùng kích cỡ, hình dạng, hay màu sắc: Chúng gần như là những mẩu đầu thừa đuôi thẹo của loại giấy được dùng làm sổ bệnh án ở bệnh viện. Trông giống một cuốn nhật ký. Trong đó cũng còn có cả một bức thư chuyển phát có ký nhận, dày. Nó được gửi cho Nghiêm Ngọc Long ở Đội Sản Xuất X, tỉnh Sơn Đông, và người gửi là một cô Hồng Tuyết nào đó, địa chỉ là một bệnh viện ở tỉnh Hồ Nam. Lá thư đóng dấu bưu điện ngày 24 tháng Tám năm 1975. Nó cũng đã được mở ra, và trên cùng có ghi: Hân Nhiên, tôi trân trọng đề nghị cô hãy đọc từng từ một. Một thính giả trung thành.



Vì tôi không có thời gian xem qua đống mẩu giấy trước giờ phát sóng, tôi quyết định đọc lá thư trước:



«Ngọc Long thân!



Chị có khỏe không? Em xin lỗi vì đã không viết thư cho chị sớm hơn, không có lý do gì thực sự cả, chỉ là vì em có quá nhiều điều muốn nói, mà lại chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Xin hãy tha lỗi cho em.



Đã muộn để xin chị tha thứ cho lỗi lầm khủng khiếp không thể sửa chữa được của em, nhưng em vẫn muốn nói với chị, Ngọc Long thương mến, em rất xin lỗi!



Trong thư, chị có hỏi em hai câu: “Tại sao em không muốn gặp cha?” và “Điều gì đã khiến em nghĩ ra chuyện vẽ một con ruồi, và tại sao lại vẽ nó đẹp đến thế?”



Ngọc Long thân mến, cả hai câu hỏi đó đều quá sức đau đớn đối với em nhưng em sẽ vẫn cố gắng giải đáp cho chị.



Có đứa con gái nào lại không yêu cha mình? Cha là một thân cây lớn che chở cho cả gia đình, là trụ cột chống đỡ cả ngôi nhà, là người bảo vệ cho vợ và các con. Nhưng em không yêu cha - Em ghét ông ấy.



Ngày mùng một Tết năm em bước sang tuổi mười một, em rời khỏi giường từ sáng sớm tình mơ, phát hiện ra mình bị chảy máu mà không biết vì sao. Em sợ quá khóc òa lên. Mẹ em nghe tiếng khóc vội chạy đến, bảo, “Hồng Tuyết, con đã lớn rồi đấy.” Không ai - kể cả mẹ - từng nói với em về những vấn đề của phụ nữ. Ở trường không ai dám hỏi những câu hỏi xúc phạm như thế bao giờ. Ngày hôm đó, mẹ có chỉ cho em một chút về cách xử lý chuyện chảy máu đó, nhưng chẳng giải thích thêm điều gì nữa cả. Em phấn khích lắm: Em đã trở thành phụ nữ rồi! Em chạy quanh sân, nhảy múa, suốt ba tiếng. Thậm chí em còn quên cả cơm trưa nữa.



Một ngày tháng Hai, tuyết rơi dày lắm, mẹ đi thăm một người hàng xóm. Cha em từ căn cứ quân sự trở về, một chuyến thăm nhà hiếm hoi. Ông ấy bảo em: “Mẹ mày bảo mày thành người lớn rồi. Nào, cởi quần áo ra cho bố xem có đúng thế không.”



Em không biết ông ấy muốn xem cái gì, mà trời thì lạnh căm - em không muốn cởi quần áo.



“Nào nhanh lên! Để bố giúp!” ông nói, khéo léo cởi quần áo em ra. Ông ấy khác hẳn với vẻ chậm chạm thường ngày. Hai bàn tay ông xoa xoa nắn bóp khắp người em, luôn miệng hỏi: “Có phải hai cái núm vú này đang nhô lên không? Có phải máu chảy ra từ đây không? Cái miệng kia có muốn hôn bố không? Bố xoa thế này có thích không?”



Em thấy nhục nhã. Từ khi biết nhớ, chưa bao giờ em trần truồng trước mặt ai đó trừ phi trong những nhà tắm công cộng có vách ngăn. Cha em đã nhận ra em đang run rẩy. Ông bảo em không việc gì phải sợ, và dặn mình không được nói với mẹ. “Mẹ chưa bao giờ thích con cả. Nếu mẹ biết là bố yêu con thế này thì mẹ sẽ chăm sóc con ít hơn nữa.”



Đó là “kinh nghiệm đàn bà” đầu tiên của em. Sau đó em thấy buồn nôn.



Kể từ lần đó, cứ khi nào mẹ không ở trong phòng, thậm chí cả khi mẹ đang nấu nướng ngay trong bếp hay ở trong nhà vệ sinh, cha lại dồn em vào sau cánh cửa và xoa nắn khắp người. Càng ngày em càng thấy khiếp sợ cái thứ “tình yêu” đó.



Sau đó, cha em được thuyên chuyển đến một căn cứ quân sự khác. Mẹ không thể đi theo ông vì công việc của bà không cho phép. Bà bảo bà đã kiệt sức vì phải nuôi nấng hai chị em em, bà muốn cha em làm trọn trách nhiệm của người cha trong một thời gian. Và thế là bọn em đến sống cùng cha.



Em đã rơi vào hang sói.



Trưa nào cũng vậy, kể từ ngày mẹ đi, cha trèo lên giường em khi em đang ngủ trưa. Mỗi nhà có một căn hộ riêng trong nhà tập thể và ông viện cớ rằng em trai em không thích ngủ trưa để nhốt nó bên ngoài.



Vài hôm đầu, ông ấy chỉ lấy tay xoa nắn thân thể em. Sau dần, ông bắt đầu thọc lưỡi vào miệng em. Rồi ông bắt đầu thúc cái vật cứng ở phần thân dưới vào người em. Ông bò vào giường em, bất kể ngày hay đêm. Ông dùng tay banh em ra và làm chuyện bậy bạ. Thậm chí ông ta còn thò ngón tay vào bên trong em nữa.



Từ đó, ông ấy thôi không giả bộ đó là “tình yêu của người cha” nữa. Ông đe dọa em, bảo rằng nếu kể với ai khác thì em sẽ bị mọi người chỉ trích và bị rắc rơm lên đầu đem đi bêu ngoài phố vì em đã trở thành cái mà người ta gọi là “đồ đĩ điếm”[3].



Cơ thể đang dậy thì nhanh chóng của em khiến ông ta càng ngày càng kích động, còn em thì càng ngày càng khiếp sợ. Em lắp một cái khóa vào cửa phòng ngủ, nhưng ông ta không thèm bận tâm tới chuyện mình có đánh thức hàng xóm hay không mà cứ gõ ầm ĩ vào cánh cửa cho đến khi em mở. Thỉnh thoảng ông ta còn lừa mọi người trong khu tập thể giúp ông ta phá cửa phòng em ra, hoặc bảo với họ rằng ông ta phải trèo qua cửa sổ để lấy mấy món đồ vì em ngủ say quá. Thỉnh thoảng chính em trai em cũng giúp ông ta một tay mà không biết mình đang làm gì. Vì thế, bất kể là em có khóa cửa hay không, ông ta cũng sẽ đường hoàng vào được phòng em ngay trước mắt mọi người.



Mỗi khi nghe tiếng gõ cửa, em thường sợ đến đờ cả người, chỉ cuộn mình trong chăn mà run rẩy. Những người hàng xóm sẽ bảo em, “Mày ngủ như chết ấy, nên bố mày phải trèo vào mà lấy đồ, tội nghiệp ông ấy!”



Em không dám ngủ trong phòng nữa, thậm chí em còn không dám ở trong đó một mình nữa. Cha nhận ra em càng ngày càng hay lấy cớ đi ra ngoài, nên ông ta đề ra quy tắc là hàng ngày em phải trở về nhà đúng giờ ăn trưa. Nhưng em thường ngất xỉu trước khi kịp ăn xong bữa: Ông ta bỏ thuốc ngủ vào thức ăn. Em không còn cách nào để tự vệ cả.



Đã nhiều lần em nghĩ đến chuyện tự sát, nhưng lại không đành lòng bỏ mặc em trai, giờ nó chẳng còn ai để mà trông cậy. Em càng ngày càng gầy hơn, và ngã bệnh nặng.



Lần đầu tiên em được đưa vào bệnh viện quân đội, cô y tá trực đã bảo với bác sĩ tham vấn, bác sĩ Chung, rằng em ngủ không yên giấc. Em thường run bắn lên sợ hãi vì bất kỳ tiếng động nào nhỏ nhất. Bác sĩ Chung, không biết nguyên cớ thực sự, lại cho rằng đó là vì em sốt cao quá.



Tuy nhiên, ngay cả khi em ốm thập tử nhất sinh như thế, cha vẫn tới bệnh viện và lợi dụng em khi em phải truyền nước và không di chuyển được. Một lần, khi nhìn thấy ông ta đi vào phòng, em đã hét lên thất thanh, nhưng cha em chỉ bảo cô y tá trực đang chạy vào rằng tính em rất hay cáu kỉnh. Lần đầu tiên đó, em chỉ nằm viện hai tuần. Khi trở về nhà, em thấy một vết thâm tím trên đầu em trai, và vài vết máu khô trên chiếc áo khoác nhỏ của nó. Nó bảo rằng lúc em ở trong bệnh viện, bố nổi điên lên đánh nó vì một lý do hết sức vớ vẩn. Ngày hôm đó, người cha bệnh hoạn của em đã điên cuồng ép ghì thân thể em - vẫn ốm yếu đến bất lực - vào người ông ta và thì thầm rằng ông ta nhớ em đến chết đi được!



Em không thể nín khóc. Đây là cha em ư? Ông ta có con chỉ để thỏa mãn dục vọng thú vật của mình thôi sao? Ông ta sinh ra em để làm gì cơ chứ?



Kinh nghiệm ở bệnh viện đã chỉ cho em cách để tiếp tục sống. Đối với em, những mũi tiêm, những viên thuốc và những lần thử máu còn sung sướng hơn là sống với cha. Thế nên em bắt đầu tự làm mình ốm, hết lần này tới lần khác. Mùa đông, em ngâm mình trong nước lạnh, rồi đứng bên ngoài trên băng dưới tuyết; mùa thu, em ăn thức ăn ôi thiu; một lần, trong cơn tuyệt vọng, em đã giơ cánh tay ra hứng một miếng sắt đang rơi để nó cắt vào cổ tay trái của mình (Nếu không nhờ một thanh gỗ mềm ở bên dưới thì chắc chắn mình đã mất bàn tay). Lần đó, em đã giành được cả thảy sáu mươi đêm an toàn. Do tự làm bản thân bị thương rồi lại phải uống thuốc, càng ngày em càng gầy thảm hại.



Hơn hai năm sau, mẹ được thuyên chuyển công tác và tới sống với cha con em. Việc bà chuyển tới không làm suy suyển dục vọng bẩn thỉu của cha đối với em. Ông ta bảo thân thể mẹ em đã già nua teo tóp, và em là vợ bé của ông ta. Mẹ không có vẻ gì là nhận ra sự tình cho tới một hôm vào cuối tháng Hai, khi cha đánh em vì không mua thứ gì đó đúng ý ông, lần đầu tiên trong đời em hét vào mặt ông ta, hòa lẫn cả đau khổ và giận dữ: “Ông là ai chứ? Ông thích đánh ai thì đánh, ông thích bậy bạ với ai thì bậy bạ!”



Mẹ em, lúc ấy đang đứng ngoài nhìn, hỏi em nói thế nghĩa là sao. Em vừa mở miệng, cha đã trừng mắt hăm dọa, “Đừng có nói linh tinh!”



Em đã chịu đựng đủ lắm rồi, nên em nói với mẹ toàn bộ sự thật. Em có thể thấy mẹ đau khổ tột cùng. Nhưng chỉ vài giờ sau, người mẹ “hiểu nhẽ” ấy bảo với em rằng, “Để cả nhà này yên ổn, con phải chịu đựng điều đó. Nếu không, tất cả chúng ta sẽ làm gì được đây?”



Hy vọng của em hoàn toàn sụp đổ. Chính mẹ đẻ của em đang thuyết phục em cam chịu để cho cha em, chính là chồng bà ấy lạm dụng - lẽ công bằng ở đâu trong chuyện này?



Đêm đó em sốt tới 40 độ. Em lại được đưa vào viện, rồi ở luôn tới tận bây giờ. Lần này em không cần phải làm gì để tự làm mình ốm nữa. Đơn giản là em suy sụp, vì trái tim em suy sụp. Em không hề có ý định quay trở lại cái nơi được gọi là nhà ấy nữa.



Ngọc Long thân, đó chính là lý do vì sao em không muốn gặp cha mình. Ông ta là loại cha gì chứ? Em vẫn im lặng là vì em trai và mẹ (dù bà ấy chẳng hề yêu thương em); không có em họ vẫn là một gia đình như trước.



Tại sao em vẽ con ruồi, và tại sao em lại vẽ nó đẹp đến thế?



Bởi vì em khao khát có một người mẹ và người cha thực sự. Một gia đình thực sự nơi em được là con, được khóc trong vòng tay mẹ cha; nơi em có thể an toàn ngủ trên giường trong nhà mình; nơi những bàn tay yêu thương sẽ vỗ về mái đầu, an ủi em sau một giấc mơ đáng sợ. Từ thuở bé xíu, chưa bao giờ em cảm nhận được thứ tình yêu đó. Em hy vọng, em ao ước có được nó, nhưng em chưa bao giờ có được, và giờ thì sẽ chẳng bao giờ có được nữa, vì chúng ta chỉ có một cha một mẹ mà thôi.



Một con ruồi nhỏ đáng yêu từng một lần cho em thấy sự đụng chạm của những bàn tay yêu thương.



Ngọc Long thân, em không biết sẽ phải làm gì tiếp theo đây. Có lẽ em sẽ tới để tìm chị, và giúp đỡ chị bằng cách nào đó. Em có thể làm được nhiều việc, mà em cũng không ngại khó ngại khổ đâu, miễn là em được ngủ yên bình. Chị có ngại không nếu em tới? Hãy viết thư báo cho em biết nhé.


Mình muốn viết thư trả lời Ngọc Long, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Mình không biết phải trả lời chị ấy thế nào cho rõ ràng mạch lạc cả. Chỉ biết đó hẳn phải là một lá thư rất dài.



Ba ngày nay, mình không dám ghé qua thăm ruồi con. Trong mơ mình thấy nó bảo... ôi, trời nóng quá đi mất!



• 18 tháng Tám - Mát mẻ



Cuối cùng thì trời cũng đã trút được cảm xúc của mình. Bầu trời mùa thu cao vút và không khí vừa trong lành vừa tinh khôi. Mọi người đều có vẻ như vừa trút được một tiếng thở dài nhẹ nhõm, và tống khứ sự ảm đạm của bao ngày qua. Các bệnh nhân, bị ngột ngạt trong bệnh viện, sợ cái nóng, giờ đều tìm cớ để đi ra ngoài.



Mình không muốn đi đâu cả. Mình phải viết thư cho Ngọc Long. Sáng nay mình đã cho ruồi con vào trong hộp diêm rồi đi tản bộ nửa tiếng. Nhưng vì sợ thỏi sôcôla bị chảy ra và làm đau ruồi con, nên mình phải trả nó về tủ lạnh càng sớm càng tốt.



Hôm qua, bác sĩ Chung cảnh cáo mình khi chú ấy đi kiểm tra trong phiên trực. Chú bảo rằng mặc dù kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh thiếu máu của mình không trầm trọng lắm, nhưng máu của mình vẫn không phải là bình thường do sốt cao tái diễn liên tục cũng như tác dụng phụ của thuốc. Nếu mình không an dưỡng đúng cách, rất có thể mình sẽ bị nhiễm trùng máu. Y tá Cao dọa mình rằng nhiễm trùng máu là chết. Cô ấy cũng chỉ ra rằng sau mười tiếng đồng hồ truyền dịch, mình không nên ngồi vào bàn viết mà không nghỉ ngơi hay tập thể dục gì cả. Y tá Trương thì nghĩ mình viết một bài khác cho Quân Đội Nhân Dân Tự Do hay tạp chí Thanh Niên Trung Quốc và hào hứng hỏi mình đang viết gì. Mình đã có vài bài được đăng và chắc có lẽ y tá Trương là độc giả nhiệt thành nhất của minh.



• Tháng Tám - Nắng



Hôm nay mình gửi thư chuyển phát có ký nhận cho Ngọc Long. Lá thư rất dày nên mình đã phải tiêu nhẵn số tiền nhuận bút của một trong những bài viết được đăng trước đó để trả bưu phí.



Trước đây, mình thường mơ rằng nỗi đau của mình bằng cách nào đó có thể bị xóa bỏ, nhưng mình có thể xóa bỏ được cuộc đời mình không? Mình có thể xóa bỏ được quá khứ và tương lai của mình không?



Mình thường soi mặt mình rất kỹ trong gương. Trông nó có vẻ trơn láng vì sức trẻ, nhưng mình biết nó đã có vết hằn bởi những điều mình phải trải qua: lơ là trang điểm, nên hai nếp hằn thường xuyên xuất hiện, đó là dấu hiệu của nỗi sợ hãi mà mình cảm thấy đêm ngày. Mắt mình không có chút láng ướt hay vẻ xinh đẹp của một cô gái trẻ, trong đáy sâu của nó là một trái tim đang vật vã. Đôi môi thâm khao khát cháy bỏng được cảm nhận mặt đất; đôi tai, bị yếu đi vì phải luôn luôn cảnh giác, đã không thể mang dù chỉ là một đôi gọng kính; tóc xác xơ vì lo âu, trong khi lẽ ra nó phải bóng loáng khỏe mạnh.



Đó có phải là gương mặt của một cô bé mười bảy?



Vậy chính xác thì đàn bà là gì? Liệu có nên xếp đàn ông vào cùng loại với đàn bà không? Tại sao họ lại khác nhau đến thế?



Sách vở phim ảnh hay nói làm đàn bà thì tốt hơn, nhưng mình không tin được. Chưa bao giờ mình thấy điều đó đúng, không bao giờ.



Sao con ruồi to vào đây vo ve cả buổi chiều này cứ đậu trên bức tranh mình vừa vẽ thế? Liệu nó biết ruồi con trong tranh không nhỉ? Mình xùy đuổi nó đi nhưng nó chẳng sợ gì cả. Thay vào đó, mình lại sợ - nhỡ đây là mẹ ruồi con thì sao?



Thật nghiêm trọng - mình phải...



• Tháng Tám - Nắng



Hôm qua lúc đèn tắt mình chưa viết xong.



Hôm nay con ruồi to đó vẫn ở trong phòng mình. Nó rất khôn. Mỗi khi có ai vào, nó lại trốn mất, mình chẳng biết ở đâu. Ngay khi bốn bề vắng lặng nó lại đậu vào bức tranh hoặc vo ve quanh mình. Mình không biết nó đang làm gì cả. Mình có cảm giác hình như nó không muốn rời xa mình.



Buổi chiều, bác sĩ Chung bảo nếu tình trạng của mình ổn định thì chứng tỏ việc điều trị có hiệu quả, và mình sẽ được cho ra viện về nhà dùng thuốc để hồi phục sức khỏe. Y tá trưởng bảo họ sẽ thiếu nhiều giường bệnh khi mùa thu tới, cho nên những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đều sẽ rời viện.



Về nhà ư? Thật kinh khủng! Mình phải nghĩ cách để ở lại.



• Tháng Tám - Âm u



Mình gần như thức trắng đêm. Mình nghĩ tới nhiều cách, nhưng tất cả đều không thể thực hiện được. Làm sao bây giờ?



Có lẽ cách nhanh nhất là làm cho mình nhiễm bệnh, nhưng những phòng bệnh truyền nhiễm đều bị cách ly hết sức nghiêm ngặt.



Hôm nay đầu mình rối bời nghĩ đủ cách để ở lại đến mức mình bước hụt một bậc ở cầu thang căng tin. Một chân dẫm vào không khí và mình ngã chổng kềnh. Đùi mình thâm một vết to tướng còn cánh tay rách một vết sâu. Khi giao ca, bác sĩ Du bảo y tá chấm thêm một ít thuốc mỡ lên tay mình.



Cô ấy bảo thể trạng mình yếu ớt và rất dễ bị nhiễm trùng máu, và dặn dò cô y tá coi chừng ruồi muỗi khi thay băng cho mình, bảo rằng ruồi mang đầy mầm bệnh.



Tối hôm ấy, y tá trực bảo trong phòng mình có ruồi và chú ấy muốn xịt thuốc giết nó.



Mình không muốn ruồi to bị giết nên mình nói với chú ấy rằng mình dị ứng với thuốc xịt ruồi. Chú ấy bảo mai sẽ đập ruồi cho mình vậy. Mình không biết ruồi to trốn ở đâu. Mình định để mở cửa sổ khi ngủ để nó trốn đi. Mình không biết liệu làm thế có cứu được nó không nữa.



• Tháng Tám - Mưa phùn



Mình không cứu được ruồi to. Lúc 6 giờ 40 sáng, bác sĩ Du vào kiểm tra phòng và đập nó bẹp gí trên bức tranh của mình. Mình bảo rằng mình muốn giữ lại bức tranh nên ngăn được bác sĩ Du vứt ruồi to đi, và đưa nó vào tủ lạnh với ruồi con. Không biết tại sao, nhưng mình luôn cảm thấy chúng có mối quan hệ đặc biệt.



Mình nghĩ vết thương trên cánh tay mình đã hơi nhiễm trùng. Nó đã trở thành một vết sưng đỏ tấy to tướng, và mình cảm thấy rất không thoải mái khi viết. Nhưng mình bảo cô y tá thực tập thay băng cho mình rằng nó sẽ lành thôi và không cần phải bôi thêm thuốc mỡ nữa. Lạ thật, cô ấy tin mình! Chiếc áo bệnh nhân dài tay che kín mít cả cánh tay mình.



Mình hy vọng cách này sẽ hiệu quả.



“Ruồi mang theo ổ vi trùng.” Câu nói của bác sĩ Du gợi ý cho mình, và mình đã quyết định thử một phen. Mình chả thèm bận tâm đến hậu quả, thà chết còn hơn phải về nhà.



Mình định ép xác ruồi to vào vết thương trên cánh tay.



• 30 tháng Tám - Nắng



Thành công rồi! Hai ngày nay mình càng lúc càng sốt cao. Mình thấy rất mệt, nhưng sung sướng. Bác sĩ Chung rất sửng sốt trước tình trạng xấu đi của mình; chú ấy định làm thêm một xét nghiệm máu toàn diện cho mình.



Mấy hôm nay, mình chưa đi thăm ruồi con thương mến của mình. Mình cảm thấy như thể vừa bị chuột rút khắp người.



Ruồi con ơi, tao xin lỗi.



• Tháng Chín



Tối qua mình vừa được đưa vào bệnh viện chính.



Mình rất mệt và buồn ngủ. Mình nhớ ruồi con lắm, thật đấy.



Mình không biết Ngọc Long đã trả lời thư mình chưa..."



Tôi đọc xong tập nhật ký khi tia nắng đầu tiên ló ra ở đằng Đông, và tiếng mọi người đến làm việc ở những văn phòng quanh đó bắt đầu rộn rịp. Hồng Tuyết đã chết vì nhiễm trùng máu. Giấy chứng tử cũng được để trong chiếc hộp đó, ghi ngày 11 tháng Chín năm 1975.



Ngọc Long ở đâu? Cô ấy có biết Hồng Tuyết đã chết không? Người đàn bà tầm bốn mươi tuổi đã đem chiếc hộp tới cho tôi là ai? Liệu những bài viết đăng báo của Hồng Tuyết có hay như những trang nhật ký trong cái hộp này không? Khi biết con gái mình tự sát, liệu cha Hồng Tuyết có cảm thấy hối hận không? Liệu mẹ Hồng Tuyết, người đã đối xử với con gái của mình như một vật hy sinh, có nhận thức ra được điều gì từ bản năng của người mẹ không?



Tôi không biết câu trả lời cho những câu hỏi ấy. Tôi không biết đã có bao nhiêu cô gái bị bạo hành tình dục đang khóc giữa hàng nghìn linh hồn còn mơ màng trong thành phố sáng hôm đó.