Hẹn Ước Nơi Thiên Đường
Chương 12 :
Ngày đăng: 17:19 18/04/20
Lâm Tinh không nhớ mình đã từng ngủ ngon như thế này bao giờ chưa. Cô phát hiện mình đang đi vào một đêm trắng nguyên thủy, để tâm linh nhắm mắt cảm nhận hình ảnh tưởng tượng. Giấc mơ trong sáng bay tới, bay tới. Không còn nhớ câu chuyện trong mơ nhưng còn nhớ được vô số màu sắc sặc sỡ, từng đám nổi trôi, như mây, như sương mù, như ảo ảnh, mơ hồ, lại như giơ tay ra là có thể nắm bắt. Cho đến khi tỉnh lại cô vẫn còn tìm kiếm. Cô đoán chừng ánh nắng mềm mại trên ri-đô cửa sổ chính là cội nguồn giấc mơ.
Dưới nắng, cô trông thấy máu của mình. Máu ấm nóng và căng đầy trong những ống chất dẻo chằng chịt. Cô không nhớ rõ mình đã nằm, đã ngủ bao lâu trong phòng bệnh sáng sủa này. Căn phòng ấm áp, vì vậy từng sợi thần kinh của cô chùng xuống, nhẹ nhàng. Chưa bao giờ cô được nghỉ ngơi thoải mái như lúc này. Cô muốn ngước lên nhìn chung quanh, song cái cổ mềm nhũn không còn sức lực, nhưng vô cùng hạnh phúc trông thấy Ngô Hiểu đang ngồi ở cuối giường.
Ngô Hiểu nói: “Em ngủ một lúc nữa đi.”
Cô lại lặng lẽ nhắm mắt. Trước lúc nằm xuống, cô đã được nhắc nhở, ít nhất phải bốn tiếng đồng hồ mới có thể lọc được hết máu trong cơ thể. Trước đấy cô không thể nghĩ, lọc máu lại lâu đến thế, cũng may mỗi tuần chỉ một lần. Trong phòng có bốn máy lọc máu. Bốn bệnh nhân đều lớn tuổi, chỉ một mình cô có người thân ngồi canh bên giường. Cô trông thấy những nụ cười hâm mộ của bác sĩ và y tá.
Lọc máu xong đã quá trưa. Hai người từ bệnh viện đi ra phố. Nắng chói chang làm cả hai cùng phải nheo mắt, khiến Lâm Tinh như vẫn đang lạc vào giấc mơ vừa rồi. Họ vào một nhà hàng ăn nhỏ, cùng gọi thức ăn, những món ăn rẻ tiền, không gọi đồ uống, chỉ uống nước trà rót từ cái ấm không lấy gì làm sạch sẽ. Nước trà miễn phí. Lâm Tinh vẫn lưu luyến với giấc mơ. Thức ăn đã đưa lên. Hai người cùng ăn. Sau đấy họ cùng rời giấc mơ đẹp để bàn chuyện hiện thực nhất. Lâm Tinh nói: “Em nghĩ, thôi đi, anh chỉ kiếm được chút ít tiền, đổ cả vào lọc máu, còn lấy đâu ra tiền ăn nữa.” Ngô Hiểu dùng nước trà thay rượu, cụng ly với Lâm Tinh, không trả lời. Anh hỏi: “Em còn buồn nôn nữa không?” Lâm Tinh lắc đầu: “Hết rồi.” Ngô Hiểu gật đầu. Buồn nôn là do u-rê trong máu kích thích dạ dày. Cô vừa lọc máu xong, lọc hết u-rê, ít nhất trong ba ngày không buồn nôn. Cho nên không thể không lọc máu, lọc cho đến khi hết sạch u-rê trong máu mới thôi... Còn tiền thì sao? Mỗi lần lọc máu mất bảy trăm đồng. Lâm Tinh không dám nghĩ. Nếu không đủ, mình sẽ hai tuần mới lọc một lần, buồn nôn cố chịu đựng. Không được, bác sĩ bảo ít nhất một tuần một lần. Chúng mình có thể ăn ít, nào, cạn ly, bữa cơm này coi như bữa ăn nhà hàng cuối cùng của chúng mình, lần sau tự nấu lấy. Anh nói, Lâm Tinh khóc. Những năm gần đây cô chỉ khóc khi nghe hung tin bố mẹ gặp tai nạn, nhưng mấy hôm nay nước mắt của cả cuộc đời đã chảy ra hết. Cô tự nhủ mình phải kiên cường như trước kia, nhưng rồi vẫn không cầm nổi nước mắt, không rõ vì nỗi bất hạnh hay niềm hạnh phúc đến bất ngờ.
Lâm Tinh không muốn để Ngô Hiểu thấy mình khóc. Có những người con trai rất ghét nước mắt con gái. Cô quay mặt ra ngoài cửa sổ, vờ nhìn hàng cây và người qua lại ngoài phố. Cô nghĩ, anh Hiểu, chúng mình vừa quen nhau, anh không cần thiết phải sống vì em. Em cũng không muốn chịu sức ép tâm lý. Vì em biết, tình yêu như vậy sẽ không bền lâu. Những gì không bền lâu thì không cần bắt đầu.
Hai người chọn một căn gác riêng biệt trong ngõ Dương Châu. Nhà cũ một phòng một sảnh, không có đồ dùng, không có điện thoại, nhưng có đường ống ga và hơi ấm để sưởi, vị trí trung tâm. Hai người cũng không muốn dùng đồ gỗ của người khác, ngủ trên giường người lạ quả là ngượng. Không có điện thoại cũng chả sao. Họ muốn tìm một nơi kín đáo, có cảm giác xa dân cư. Trước kia Ngô Hiểu có cái điện thoại di động hiệu Ericson. Đáng tiếc trong khi cãi nhau với bố, anh bỏ đi, để quên cả điện thoại.
Nhà mới nảy sinh tình cảm mãnh liệt mới đối với cuộc sống. Hai người sôi nổi thảo luận cách sắp xếp đồ dùng gia đình và lợi dụng không gian sống, những mong tìm được những ý tưởng hay cho không gian hai chục thước vuông nhỏ hẹp. Thoạt đầu, họ sơn lại tường. Ngô Hiểu định sơn màu đỏ làm Lâm Tinh khiếp hãi. Màu đỏ tiêu biểu cho màu nguy hiểm, và quá kích thích. Ngồi trong căn phòng màu đỏ chỉ trong chốc lát sẽ đau đầu choáng váng. Nhưng Ngô Hiểu lại bảo màu đỏ tượng trưng cho lãng mạn, tượng trưng cho dũng khí và lòng tin, có thể nâng cao hưng phấn đối với cuộc sống. Lâm Tinh phát hiện Ngô Hiểu chọn màu không xuất phát từ lý luận và cảm giác của âm nhạc, có phần nghệ thuật hóa, màu sắc trong nhà không nên quá mạnh. Lâm Tinh kiên quyết giữ quyết định cuối cùng: phòng khách sơn màu vàng nhạt, phòng ngủ sơn màu lam nhạt. Màu vàng vui tươi phấn chấn, cũng là màu có mối liên hệ thân thiết với ánh nắng. Màu lam yên tĩnh, sạch sẽ, gợi không khí tự nhiên, dễ liên tưởng đến bầu trời và mặt biển. Nhưng để chiếu cố tâm lý Ngô Hiểu, hai người đi siêu thị chọn ri-đô màu đỏ thẫm nhằm thỏa mãn ý thích màu sắc của anh. Loại vải ấy rẻ tiền, màu sắc cũng thích hợp. Cả hai cùng vừa ý. Dù về tâm lý hay về khái niệm âm nhạc, màu đỏ có chức năng thức tỉnh tâm hồn, lại có cái cao sang kiểu tôn giáo Roma, đồng thời tạo hương sắc cho thị giác.
Về mặt bày biện đồ dùng lớn, Lâm Tinh rất kiên cường. Những đồ dùng nhỏ giao quyền cho Ngô Hiểu, cho dù một vài điểm không hợp ý. Ví dụ, anh treo nhiều khuôn mặt tươi cười và đau khổ của những ngôi sao ca nhạc phương Tây, làm cho chủ đề của căn phòng thêm nổi bật. Dưới con mắt Lâm Tinh, chủ đề của đồ dùng trong gia đình có thể lựa chọn màu sắc và không khí nào đó, ví dụ dịu dàng, ví dụ mùa hè, ví dụ hoài cổ, vân vân, không nên làm nổi bật một nghề nghiệp nào đấy, ví dụ âm nhạc. Hơn nữa, Lâm Tinh ngầm có ý ghen tị với âm nhạc. Cô thấy tranh giành Ngô Hiểu không phải là những cô gái lăng nhăng không có nội tâm như kiểu Aly, mà ma lực của âm nhạc là vĩnh viễn tồn tại. Nhưng thấy Ngô Hiểu rất vui khi treo nhiều ảnh như vậy, cô không nỡ làm anh mất hứng. Cô thích trông thấy vẻ vui mừng của Ngô Hiểu, mong anh trong cái không gian nhỏ bé của hai người tìm thấy cảm giác chủ đạo. Hơn thế, lòng nhiệt tình của Ngô Hiểu đối với âm nhạc không hề giảm, không thể ly gián.
Đến nơi ở mới tâm tình con người cũng khác trước. Bệnh của Lâm Tinh cũng dần ổn định. Cô bắt đầu đưa tập bản thảo viết về tập đoàn Trường Thiên ra sửa chữa theo ý ông Tổng biên tập. Cô gửi thư cho cậu thanh niên Vệ Hoa vẫn đưa cô đi thăm các cơ sở, đề nghị cậu ta cung cấp thêm tư liệu để viết về đạo đức của ông Ngô Trường Thiên, chú trọng đạo đức cá nhân và doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. Vệ Hoa trả lời thư rất nhanh chóng, nhưng tư liệu ít đến độ đáng thương. Cậu ta chỉ nói những câu cách ngôn quản lý doanh nghiệp của ông, còn những sự việc cụ thể thì bổ sung không bao nhiêu. Nhưng Vệ Hoa dành phần lớn nội dung thư là để nhớ lại những ngày gặp Lâm Tinh ở Cát Hải, đồng thời nói cậu ta đã gửi cho cô mấy lá thư nhưng vì địa chỉ không rõ ràng, nên bị trả lại. Trong thư Vệ Hoa báo tin: cậu ta không làm việc ở Tập đoàn Trường Thiên nữa, mà chuẩn bị đi học ở Mỹ. Ở Mỹ cậu ta có một ông cậu thuộc tầng lớp trung lưu tài trợ học phí, mong hôm nào lên Bắc Kinh xin thị thực nhập cảnh sẽ đến thăm Lâm Tinh.
Lâm Tinh không trả lời thư cậu ta. Cô và Vệ Hoa đến với nhau từ hai hướng, đi theo hai hướng khác nhau, chỉ gặp nhau nơi giao điểm ngắn ngủi. Nếu cảm tình tốt đẹp, bao nhiêu năm sau mỗi người một phương có thể vẫn còn nhớ đến nhau.
Ngoài việc sửa chữa bản thảo, cô vẫn tiếp tục chữa bệnh. Cô quan tâm chủ yếu đến cuộc sống trước mắt. Căn phòng ở ngõ Tĩnh Nguyên cũng đã cho thuê, Aly và Hân thuê thêm. Hai cô không muốn cho ai vào ở cùng, vậy là mỗi cô thêm ba trăm đồng biến căn phòng ấy thành nơi chứa đồ đạc. Hai cô cũng đã đến thăm chỗ ở mới của Lâm Tinh và Ngô Hiểu, hết lời khen cách bài trí của họ. Nhất là Aly ánh mắt lộ vẻ ghen tị. Không biết có phải tâm lý ấy không, cô ta lặng lẽ kéo Lâm Tinh ra một góc, hỏi tình cảm cô với Ngô Hiểu đã vững chắc đến mức độ nào rồi. Tất nhiên Lâm Tinh trả lời vững chắc không thể phá vỡ nổi. Aly nói, Vậy thì tốt. Trong lời nói như có ẩn ý. Lâm Tinh hỏi thế nào? Aly nói không có chuyện gì, gần đây tớ thấy anh ấy hay đi với một cô. Hai người cùng đến cùng đi, ra vào có đôi. Nghe nói cô kia yêu âm nhạc lắm, chỉ thích tiếng kèn saxo.