Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 1139 : Kể chuyện

Ngày đăng: 16:55 30/04/20


“Cái Nông trường Cải tạo Lao động này, ban đầu có tên là Nông trường Dân Khánh, là một nông trường quốc hữu do chính quyền Dân Khánh thành lập. Chính quyền lúc bấy giờ đã cắt một phần của nông trường làm cơ sở cải tạo lao động. Có lẽ rất nhiều bạn đang theo dõi livestream đều đã từng nghe đến cái cụm từ ‘cải lao’ này, nhưng vẫn chưa biết rốt cuộc nó là gì. Cải lao chính là cải tạo lao động. Một số phạm nhân mắc tội nhẹ, trong thời gian ngồi tù, sẽ được đưa đến các cơ sở cải tạo lao động, để lao động, làm việc và tiếp thu giáo dục tư tưởng. Điểm này hơi giống với lao động công ích ở phương Tây, có điều lao động công ích ở nước ngoài thì sướng hơn nhiều, bị phạt lao động công ích thì không phải ngồi tù. Còn ở bên chúng ta, sẽ thông qua lao động, để cải tạo tư tưởng của phạm nhân, đồng thời cũng có cung cấp một ít tiền lương, hỗ trợ cuộc sống của họ sau này. Cho nên ấy hả, việc này thực ra cực kì tốt đẹp và cực kì hữu ích.”



Chuyên gia tự tìm đường chết nói cứ như đã thuộc lòng, không hề vấp váp, tiếp tục: “Bởi vì Nông trường Cải tạo Lao động của Dân Khánh, không chỉ là một cơ sở cải tạo lao động, ngay sát bên cạnh có làng nông nghiệp, có nông trường quốc hữu chính quy. Cho nên, có rất nhiều tội phạm sau khi trải qua cải tạo lao động, được thả ra, sẽ chọn hướng vào làm việc trong Nông trường Dân Khánh. Không cần biết là thời đại nào, người dân luôn luôn vất vả cực nhọc. Người làm việc trong Nông trường Dân Khánh, cũng đều không có chỗ dựa, không có phương hướng nghề nghiệp gì cả. Mà nghĩ lại thì những tội phạm cải tạo ấy vốn dĩ là dạng người nào chứ? Trộm gà bắt chó, đâm thuê chém mướn. Mọi người hiểu rồi đấy.”



Chuyên gia tự tìm đường chết đổi qua một bộ mặt nghiêm túc: “Vì vậy cho nên, trong Nông trường Dân Khánh chẳng hề yên bình gì. Thường xuyên xảy ra chuyện đánh nhau. Theo Chuyên gia tôi được biết, năm xưa trong nông trường này đã xảy ra một chuyện. Có một tay tội phạm mãn hạn tù, được thả ra khỏi nông trường cải tạo, vào Nông trường Dân Khánh làm việc, đã tìm cách quay lại Nông trường Cải tạo giết chết cái người ngày xưa đã ức hiếp mình.”



Khang Khang kinh ngạc xuýt xoa không ngớt.



Anh Hồng nói: “Có thật không đó?”



“Đương nhiên là thật rồi, chuyện này là do tôi thăm dò được. Người kể cho tôi nghe chuyện này là một ông quản giáo ngày xưa. Mà kể ra thì chú quản giáo đó cũng có trách nhiệm trong chuyện này. Mọi người có thể tưởng tượng được mà, ngồi tù được vài năm, quan hệ giữa quản giáo và tù nhân sẽ trở nên rất tế nhị. Rất nhiều tù nhân đút lót quản giáo, tặng quà cáp này nọ. Ngày xưa pháp chế vẫn chưa được hoàn chỉnh, nên những chuyện như thế còn nhiều hơn. Cái chú quản giáo đó vốn dĩ khá thân với tên tội phạm giết người kia. Sau khi người đó mời ông ấy bao thuốc, trò chuyện vài vài ba câu rồi tặng ít quà cáp gì đó, thì ông ta đã ra tay giúp đỡ người đó. Ông ấy đã gọi cái người bị hại vốn đang canh tác trên ruộng kia, vào trong một buồng giam nhỏ ở Nông trường Cải tạo Lao động, để hai người họ giải quyết chuyện cũ. Kế đó ra sao chắc mọi người cũng hiểu rồi nhỉ.” Chuyên gia tự tìm đường chết nói cứ như thật.



Tôi nghe mà không khỏi sửng sốt, muốn gọi điện thoại cho Ngô Linh để kiểm chứng lại.



Lúc họ điều tra về Nông trường Cải tạo, chưa hề tra ra chuyện này.



Khang Khang tiếp tục tỏ ra sợ hãi, cực kì đồng điệu và nhập tâm khi nghe Chuyên gia tự tìm đường chết kể chuyện.



Chuyên gia tự tìm đường chết tạo ra vẻ mặt thần bí trước ống kính: “Cái chết của người đó đã mở ra một cánh cửa lớn. Khu đất của Nông trường Cải tạo vốn dĩ ấy hả, là nơi đầy rẫy tội ác. Thuở xa xưa, có một ông quan lớn, bị người ta vu khống và bị tịch thu toàn bộ tài sản, cả nhà từ trên xuống dưới mấy trăm mạng đều bị đày đến chỗ này của Dân Khánh. Mà kẻ thù của ông ta còn muốn nhổ cỏ tận gốc, nên đã âm thầm hạ lệnh giết sạch bọn họ. Xác của bọn họ được chôn ở đây. Nhưng người kia vẫn còn sợ sau khi chết gia tộc đó sẽ trả thù - mọi người hiểu chứ, cái thời đó đó, rất nhiều người tin chuyện này - nên đã mời người đến làm phép, trấn áp họ, khiến họ vĩnh viễn không được siêu sinh. Tay tù nhân chết trong Nông trường Cải tạo chính là ngòi nổ chủ chốt. Ông ta chết chưa được bao lâu, thì bên Nông trường Cải tạo tiến hành cải cách, rồi có người đào được di cốt của người cổ đại, rất nhiều bộ cốt, đã vậy đều không còn nguyên vẹn. Mọi người nghĩ đi, đất đã canh tác mấy chục năm, lại chẳng phải tiến hành cải cách quy mô lớn gì, chỉ là tu sửa bình thường, vậy mà tại sao lại thình lình đào ra di cốt của người cổ đại chứ?”



Khang Khang hỏi: “Những bộ hài cốt đó chính là… chính là….”



Chuyên gia tự tìm đường chết gật đầu quả quyết: “Không sai, chắc chắn là những người đã bị giết ngày xưa.”



Tôi có chút không biết nói gì.



Trên màn hình, có người đang chửi bới, có người bán tín bán nghi, có người thì tin đó là thật.




Nội dung vẫn loạn như cũ.



Người thì chửi giả tạo, kẻ thì chửi mấy ông con trai ức hiếp Khang Khang, xông vào an ủi cô gái, có người thì chủ yếu hùa vào hóng chuyện lạ…



Ống kính đã di chuyển vào trong đám cỏ dại.



Trong bóng tối, ánh sáng đèn pin soi vào đám cỏ dại, soi lên lưng của một người đàn ông đang thò tay gạt đám cỏ cao ngang đầu người để vạch lối, cũng có cả tiếng lào xào loạt xoạt chung quanh.



Cảnh tượng này khiến tôi cảm thấy quen thuộc.



Sau khi một đám người vừa xì xào bán tán, vừa đi được khoảng mười mấy phút, thì cảm giác quen thuộc lại càng mãnh liệt hơn. Chủ yếu là do cái không khí bất an hiện ra trên màn hình.



Màn hình chợt bừng sừng, đã không còn cỏ dại, mà chỉ còn lại một bãi đất trống bằng phẳng và một tòa nhà giữa bãi đất.



Tường của tòa lầu nhỏ loang lổ, bong tróc, để lộ ra lớp gạch đen đúa bên trong.



Cánh cổng sắt nặng nề to lớn đang khép chặt.



Ánh đèn pin soi lên cửa sổ, nhưng chỉ nhìn thấy một màu đen như mực.



Ngoài màn hình, văng vẳng hơi thở bị đè nén và tiếng xuýt xoa khe khẽ.



Trên màn hình, tôi trông thấy mấy khung cửa sổ thuộc khu nhà ăn. Chúng không hề có vết tích do Lưu Miểu đập vỡ.



Tất cả, hệt như đang trình hiện một lần nữa đoạn video của Thanh Diệp.