Hồ Sơ Bí Ẩn

Chương 356 : Mã số 068 - Mèo đen đoạt mệnh (11)

Ngày đăng: 16:45 30/04/20


Ngày 15 tháng 12 năm 2010, cả nhà người uỷ thác đều tử vong, không thấy bóng dáng con mèo đen.



Ngày 16 tháng 12 năm 2010, chấm dứt cuộc điều tra. Sự kiện này được liệt vào danh sách “Chưa hoàn thành”, cài đặt từ khoá là “Mèo đen”. Theo đánh giá sơ bộ thì con mèo đen này có khả năng gây ảo giác, xuyên tường và nhìn lén. Tạm thời vẫn chưa thể xác định được những hành động này của nó chỉ đơn thuần là để trả thù hay là cố ý mưu sát. Nếu chưa thể biết rõ về năng lực của con mèo đen kia, thì cần cẩn thận xem xét, cấm những hành vi xung động thiếu suy nghĩ....



“Anh Kỳ, anh đang nhìn gì vậy?”



Tiếng của Tí Còi làm tôi hoàn hồn trở lại.



Không biết là do bị giọng Tí Còi làm cho hoảng sợ, hay là do bị tôi nhìn chằm chằm mà con mèo đen vốn đang nằm ở góc tường bệnh viện bỗng “xạt” một tiếng nhảy vụt lên, nhảy qua góc tường bên kia.



Con mèo đen này nhát như vậy, chắc chắn không phải là con mèo đen tôi từng thấy qua trong tập hồ sơ của Thanh Diệp tôi vừa đọc vào cuối tuần đâu.



Trong lòng tôi nghĩ như vậy rồi lên tiếng nói với Tí Còi: “Không có gì cả. Tôi chỉ đang nghĩ đến một vụ uỷ thác mà đám người Thanh Diệp từng giải quyết, trong sự kiện đó có một con mèo đen rất lợi hại.”



“Thật vậy sao?” Tí Còi bỗng chuyển chủ đề: “Sao Gã Béo đi gửi xe mà lâu quá vậy?”



Tôi đưa mắt nhìn về phía Tí Còi: “Cậu vẫn còn sợ cái thứ đó à? Còn chưa thói quen sao?”



“Không phải. Những thứ khác thì không sao. Mèo đen gì đó...” Tí Còi làm bộ run rẩy vì sợ, rồi còn chà sát hai tay lại với nhau: “Anh không biết rằng mèo đen là một loài động vật rất thần thánh sao? Anh nghĩ thử xem, văn hoá phương đông hay văn hoá phương tây đều nói như vậy cả. Người ta hay nói, những người tài giỏi sẽ thường có ý kiến giống nhau, điều này chứng tỏ rằng quan điểm ấy rất chính xác.”



Tôi dở khóc dở cười, đây là cái lý do gì chứ?



Gã Béo đang bước đến chỗ chúng tôi, cuộc trò chuyện không có ý nghĩa này cũng kết thúc.
Những câu hỏi trong bảng khảo sát này đều được thiết kế rất công phu, trong mỗi câu hỏi đều có rất nhiều ám thị.



Ví dụ như tám câu hỏi đầu tiên, hỏi về thông tin cá nhân của người sở hữu quyền tài sản và đánh giá của họ về môi trường sống ở thôn Sáu Công Nông. Trong những phương án lựa chọn, đương nhiên là sẽ liệt kê rất nhiều khuyết điểm để điều tra về sự bất mãn của họ về thôn Sáu Công Nông. Sau đó lại hỏi tiếp “Có đồng ý giải toả di dời không?”, ở phía dưới sẽ có hai phương án để chọn, “Có” hoặc “Không”, với mỗi lựa chọn “có” hoặc “không” thì đều sẽ thiết kế những câu hỏi không giống nhau, trong việc chọn lựa đó sẽ tiến hành các loại dẫn dắt cho người có quyền tài sản.



Nghe nói bảng khảo sát này được một thành viên trong tổ giải toả di dời của một tỉnh nào đó thiết kế ra vào khoảng năm sáu năm về trước. Người nhà của người thiết kế ra bảng khảo sát này là một nhà tâm lí học nổi tiếng trên thế giới, chỉ cho anh ta vài điều, giống như là đã truyền lại cho anh ta một bí kíp tuyệt đỉnh vậy. Không thể xác định được điều này là thật hay giả, đương nhiên cũng không thể nghiệm chứng, hiệu quả ra sao cũng không có cách nào đi đánh giá.



Tôi nghĩ là, ám thị trong mỗi câu hỏi thì chắc chắn là có thật, nhưng nếu nói là cao siêu đến nỗi có thể thôi miên người khác thì chắc chỉ là một lời nói bậy thôi.



Các thành viên trong Phòng Di dời đều đã trải qua huấn luyện về các kĩ năng trong tâm lí học, nhưng hiệu quả như thế nào thì khó nói lắm.



Suy cho cùng thì quá trình giải toả di dời phải trải qua một thời gian rất dài. Những nhân viên Phòng Di dời không thể lúc nào cũng kè kè bên cạnh người sở hữu quyền tài sản để tiến hành tẩy não họ, càng không có năng lực đặc biệt như con mèo đen kia.



Cho dù câu hỏi trong bảng khảo sát có bao nhiêu tác dụng thôi miên đi nữa, thì nội dung trong đó không phải ai cũng có thể nghĩ ra liền ngay lập tức được, càng không thể nào xuất hiện khả năng “Nếu không biết chọn đáp án nào thì hãy chọn C” được.



Tôi nhìn vào bảng khảo sát của ông Thường, khi thấy những cái dấu móc thẳng hàng trên đó, tôi cảm thấy có chút bất lực.



Tí Còi cũng liếc sơ qua bảng khảo sát, quay đầu đau khổ nhìn về phía ông Thường: “Ông Thường, cấp trên của tụi con sẽ xem qua cái bảng khảo sát này đấy.”



Toàn bộ câu hỏi đều đánh vào phương án đầu tiên, vậy thì có khác gì so với việc nộp giấy trắng đâu? Nếu trong kì thi nộp giấy trắng, người xui xẻo là chính học sinh đó. Nhưng khi đến lượt chúng tôi, nếu như nộp giấy trắng, vậy thì những “giám khảo” như chúng tôi đây chắc chắn sẽ bị khiển trách.



Khác với Tí Còi, tôi không để lộ cảm xúc của mình, chỉ thả lỏng tay, đưa mắt nhìn về phía ông Thường.