Kim Sơn Hồ Điệp
Chương 116 : Mississippi (1)
Ngày đăng: 13:28 19/04/20
Vì trong phòng có bật lò sưởi nên chăn khá ấm, không những thế lại còn khiến người ta cảm thấy khô hanh. Mùi nước khử trùng bốc lên, khắp mọi ngóc ngách trong phòng đều có mùi như ở bệnh viện. Hoài Chân chui vào chăn, trước khi quấn chăn quanh mình thì ngửi một cái, vẫn không ưa nổi. Bất giác cô lại nhớ đến những đêm mưa ngày xuân và thu ở phòng khám Huệ Thị, những khi đó già Huệ thường treo sợi dây thơm an thần trên giá cắm nến, nến đốt dây mùi hương bay ra, ngào ngạt khắp phòng, vừa tự nhiên lại chân thực. Không giống mùi khử trùng ở bệnh viện phương Tây, dù xung quanh người người tấp nập, nhưng vẫn để người ta cảm thấy lạnh lẽo, trong hơi thở toát lên mùi chết chóc.
Mà phố người Hoa lại không chỉ có mỗi thế. Ở đó không có lò sưởi công cộng, cứ đến mùa đông là nhà nhà đều đốt lò lửa, không quá khô hanh; Nắng hè ở San Francisco không gắt, người từ miền Nam đến lại có thói quen dùng đồ tre cho mát; trà hoa cúc Long Tỉnh Phổ Nhĩ trong các quán ăn Quảng Đông được vận chuyển bằng đường biển đến, mùa đông tới là nhà nào nhà nấy cũng nấu canh xương heo, mùi thuốc và mùi gỗ đã trở thành bản sắc của phố người Hoa.
Có lúc cô cảm thấy người già Trung Quốc rất khéo léo tỉ mỉ, tuy bọn họ đi thuyền vượt biển đến đây, coi như đã đánh mất bảy phần thần thái, song vẫn khiến một người hiện đại như cô khó có thể hiểu thấu đáo trong vòng nửa năm một năm. Có điều phải nói dù không lĩnh ngộ được triệt để, nhưng cũng cảm thấy bản sắc văn hóa ấy thấm nhuần vào ruột gan đến tận xương tủy. Thỉnh thoảng có lúc cô đọc báo của người da trắng, thấy bọn họ bình phẩm về phương Đông cổ đại là cô lại vô cùng kiêu ngạo. Một ngàn năm trước, lá trà trên con đường tơ lụa đã để người Anh chiếm được của hời, bọn họ vừa được chút lợi lộc là lập tức xem nó như của báu, về sau khi cà phê ở Nam Mỹ truyền đến, ai ai cũng cảm thấy đó chỉ là “mặt hàng thứ cấp”. Nếu không phải người Mỹ bị người Anh ép vùng lên trong sự kiện tiệc trà Boston*, để mấy trăm năm sau các chuỗi cửa hàng cà phê phổ biến khắp toàn cầu, thì nói không chừng cà phê sẽ không bao giờ có ngày vươn mình.
(*Sự kiện “Tiệc trà Boston” (Boston Tea Party) là một hành động quyết liệt nhằm phản đối Đạo luật Trà đã được Quốc hội Anh ban hành hồi tháng 5/1773. “Tiệc trà Boston” đã châm ngòi cho cuộc chiến chống lại triều đình Anh, đến năm 1776 nước Mỹ chính thức, không còn là thuộc địa của Anh. Cũng từ sau “bữa tiệc trà” trong cảng biển Boston, việc uống trà bị xem là hành động “phản bội” của những người Mỹ “thiếu lòng yêu nước”. Rất nhiều người Mỹ chuyển sang uống cà phê.)
Nghĩ đến đây, Hoài Chân lại cảm thấy kiêu ngạo. Dù sao đi chăng nữa, vốn dĩ bản chất của sự kiện tiêu hủy nha phiến tại Hổ Môn* và tiệc trà Boston khác nhau: một bên là đế quốc cũ gần đất xa trời, một bên là sinh mệnh mới thoát khỏi những ràng buộc. Nhưng cô vẫn không nhịn được nghĩ: từ “tiệc trà Boston” tính đến nay đã bao nhiêu năm rồi nhỉ, hai trăm năm chăng? Từ sự kiện tiêu hủy nha phiến ở Hổ Môn, hai trăm năm sau là năm nào?
(*Vào đầu thế kỷ 19, Anh Quốc và một loạt các nước phương tây đã vận chuyển một lượng lớn thuốc phiện vào Trung Quốc, điều này mang lại lợi nhuận cho Anh Quốc nhưng lại gây ra những thiệt hại nặng nề cho xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Về sau Lâm Tắc Từ đã tiến hành tiêu hủytoàn bộ nha phiến tại bến cảng Hổ Môn.)
Cô nằm trong chăn, tay chống lên gối viết ra vài câu lên giấy, lại vòng ở đây gạch ở kia chỉnh sửa lui tới, cuối cùng trang giấy biến thành một bản nháp. Viết nháp xong, cô đưa ngay cho người thầy nghiêm túc phê bình cô “người bản địa không nói như thế này”, còn nhân tiện dạy cô năm kiểu hôn Pháp ướt át kia. Thầy giáo tốt im lặng nhận lấy, ngồi xếp bằng ở cuối giường sửa cho cô.
Cô nghe thấy đầu bút của anh di chuyển soạt soạt trên giấy, càng nghe càng buồn.
Lại đổi cách nghĩ khác an ủi mình, tiếng Anh chỉ là chuyện nhỏ, mà cô đã dốc ruột dốc gan viết ra nhiều thứ như thế, nếu người khác không quan tâm mới là chuyện lớn.
Thế là cô hỏi, “Anh còn ghét người Hoa không?”
Anh đáp I don’t know, sau đó nói không biết phải miêu tả cảm giác này thế nào.
Cẩn thận ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng anh nói, “Có một hôm anh phát hiện điều mình thích và ghét trái ngược nhau hoàn toàn. Có nghĩa hoặc là anh đã thích nhầm, hoặc là anh đã ghét nhầm. Muốn để một người cố chấp nhận sai là điều rất khó, nên bọn họ đành phải từ từ học cách tiếp nhận sống chung với nó.”
Hoài Chân cười hỏi, “Vậy xin hỏi bây giờ sống chung thế nào rồi?”
Ceasar nói, “Chúng va chạm vào nhau tạo ra phản ứng hóa học rất thần kỳ. Thật ra chúng không hề tương phản, có thể cùng tồn tại một cách tự nhiên, vừa nguyên thủy lại ngây thơ, sinh trưởng một cách hoang dã, giống như bản năng vậy.”
Cô nói, “Em vẫn không hiểu lắm.”
“Có một hôm, có một tu nữ mắng bọn em là đồ Trung Quốc già cằn chết tiệt —— ‘thậm chí ngay đến tín ngưỡng tôn giáo cũng không có, đúng là đáng sợ.’ Nhưng anh khó có thể tưởng tượng được lại có một ngày sẽ gặp em ở nhà thờ. Dù một điều có khó hiểu tới đâu thì khi đặt trên người em, thật bất ngờ nó lại trở nên hợp lý.” Anh nghiêng đầu hôn chụt lên môi cô, đưa ra câu trả lời mang tính tổng kết, “That’s you.”
Hoài Chân hôn trả lại anh, cảm thấy ý tại ngôn ngoại chính là “tiểu yêu tinh làm khổ người ta này”, không kiềm chế được bật cười khanh khách.
Cẩn thận ngẫm nghĩ, cô cảm thấy những lời anh nói tình cờ trùng với ý giáo sư Hằng Mộ Nghĩa đã nói.
Cô bảo, “Gần như mọi người đều cảm thấy phố người Hoa không có gì tốt đẹp, ngoài nha phiến, đánh bạc, gái mại dâm. Bọn họ gọi phố người Hoa là cống thoát nước.”
Anh nói, “Thế thì có rất nhiều thứ không phải là thích, mà là nghiện.”
Cô lại bảo, “Có lẽ anh cũng nghiện đấy.”
Anh không đáp.
Một lúc sau anh mới nói, “Ngày trước khi ở Hương Cảng, cha anh có một người tình. Sau đó về Mỹ thì ông không quay lại Hương Cảng nữa. Ông ấy kết hôn với Queline, rồi có Catherine, làm một cặp vợ chồng điển hình trong những sự kiện xã giao, cũng đối xử với Queline rất tốt. Vào ngày sinh nhật Catherine mười bốn tuổi, ông uống say, ngồi trên sofa trong phòng khách nói một câu bằng tiếng Quảng —— ‘Aak kam, ấy bui suấy ngộ, Aak kam, Aak kam..’ “
Hoài Chân tự động phiên dịch lại, “A Đàn, cho anh cốc nước.”
Anh gật đầu, “Không ai biết tiếng Quảng, nhưng tất cả đều biết người ông lưu luyến không phải là Queline. Mọi người im lặng, đến khi ông tỉnh lại cũng không một ai nói với ông. Ông nội cũng thế, chỉ lạnh lùng nhìn cha anh làm trò cười trước thiên hạ. Có lẽ chính cha anh biết rất rõ, mười sáu năm đã trôi qua nhưng ông ấy vẫn không quên. Ngày hôm đó khi thấy dáng vẻ ấy của cha, anh mới biết nghiện là gì. Anh không muốn trở thành người như ông ấy, mà ông nội càng không muốn.”
Hoài Chân hỏi, “Nên anh mới không thích người Hoa sao?”
Anh nói, “Cũng không phải, anh không ghét bà ấy. Anh còn không nhớ trông bà ấy thế nào, chỉ có vài mảng ký ức rất mơ hồ. Mùa hè ở Hương Cảng rất nóng, cửa sổ lại không làm cửa kính mà là chỉ treo một lớp lụa mỏng, anh vẫn còn nhớ bụi chuối ở bên ngoài cửa sổ hình tròn, rất nhiều muỗi nhưng không đốt ai mà chỉ đốt mình anh, dù bôi mỡ chanh đuổi muỗi cũng vô ích, đến giờ anh vẫn còn bóng ma về nhiệt đới. Nửa đêm bị muỗi đốt tỉnh, anh nhìn thấy bà ấy đi ra khỏi phòng cha, ngồi trên giường anh vẫy quạt đuổi muỗi. Bà ấy rất ít nói, trong ký ức, anh chỉ nhớ được cảnh bà dịu dàng ngồi ở đầu giường. Anh thích bà ấy. Nhưng đến rất nhiều năm về sau khi anh gặp vô số phụ nữ Trung Hoa, rất nhiều lần bọn họ đã chứng thực hình ảnh ngồi quỳ ở đầu giường anh đêm hôm đó. Cho đến cuối cùng, anh càng lúc càng cảm thấy, phụ nữ Trung Hoa luôn phục tùng đàn ông tuyệt đối như vậy, cho nên mặt mũi bọn họ rất mơ hồ, không có chút gì đặc sắc, bị đóng đinh vào thanh gỗ, trở thành mẫu vật nhợt nhạt không có thần thái, được đặt trong viện bảo tàng; Hoặc là bọn họ cụ thể hóa bản thân, tự định giá mình và đồng loại, mặc cho người ta nhìn ngó bình luận, mặc cho người ta mua bán làm thịt.”
Cô lắc đầu.
“Đau bụng à?”
Cô lại lắc đầu.
Ceasar đứng dậy muốn bật đèn lên, nhưng Hoài Chân níu anh lại, ấm ức nói nhỏ, “Em muốn xả khí.”
Anh sững sờ hai giây, sau đó cười phá lên.
Cô tức giận.
Ceasar ôm cô, đưa tay vào xoa bụng cô rồi nói khẽ bên tai, just go ahead.
Cô nói, thối lắm.
Anh bảo, no problem.
Qua một lúc lâu, một âm thanh rất khẽ vang lên trong bóng đêm, vừa ngắn vừa nhỏ như chú thỏ đánh ngáp.
Ceasar lại bật cười.
Hoài Chân muốn khóc, nói, đều do anh hết, em đã bảo em không ăn kebab rồi.
Ceasar xin lỗi, lần sau không ăn nữa.
Cô bảo, không phải lỗi của anh, là của kebab.
Trước khi anh mở miệng nói tiếp, cô vội nép mình vào nói không sao. Bởi vì não người ngoại quốc sẽ mãi mãi không biết được cái sai là kebab hay là mình dẫn cô ấy đi ăn kebab.
Một lúc sau bụng lại kêu rột rột.
Cô suy sụp nằm trong ngực anh, xấu hổ nức nở.
Ceasar cười nói không sao, cô ấy đã tố cáo với anh rồi.
Hoài Chân nhắm chặt hai mắt, có sự thoải mái khi tự mình xả ra, còn có cả sự bi tráng như anh hùng hy sinh.
Ceasar kiềm chế nín cười, không đổ dầu vào lửa lúc cô ngượng chín mặt.
Tình cảnh “khó khăn” ấy kéo dài gần một giờ.
Sỡ dĩ biết rõ như thế là nhờ cặp đôi bên cạnh. Lúc bọn họ kết thúc, chàng trai thích thú khoe khoang nói, trời ơi! Một tiếng đồng hồ rồi! Không phải lần này có hai mươi phút sao?
Cô gái nói, đúng thế đấy Tom, đúng thế đấy. Rồi cô ấy còn nói, đúng là làm chuyện này với người vẫn thú vị hơn.
Hoài Chân đang mơ màng buồn ngủ thì bị lời ân ái bất thình lình bên đó đánh thức, cô lập tức trở mình, muốn hỏi anh có thối không.
Nhưng cô còn chưa kịp nói, thì Ceasar thấy cô tỉnh lại đã lập tức nhẹ nhàng hỏi, còn đau không?
Vừa dứt lời, Hoài Chân chôn mặt vào ngực anh, không hiểu sao lại muốn khóc.