Long Xà Diễn Nghĩa
Chương 138 : Truyền Nhân Y Bát
Ngày đăng: 19:28 20/04/20
Cho dù là người luyện công hay thường nhân, ít nhiều đều biết bốn chữ kinh điển "Khí Trầm Đan Điền". Có điều "Khí Trầm Đan Điền" cụ thể là gì thì cho dù là người luyện võ, vạn người tin rằng chỉ có mười hai mươi người biết rõ.
"Đan Điền" thực ra là thứ rất huyền diệu, không phải là cơ quan trong thân người, cũng không phải bắp thịt hay xương cốt. Người người đều nghe nói đến Đan Điền nhưng không ai biết cụ thể nó là gì.
Những điều Vương Siêu nói với Hoắc Linh Nhi vừa rồi đúng là tinh yếu của nội gia chính tông. Một trong những nguyên tắc chủ yếu của nội gia là "Bì Mao Công", muốn Bì Mao Công, cơ bản nhất là phải làm được "Khí Trầm Đan Điền" và "Đề Động Vĩ Chuy"!
Đan điền không phải toàn thể bụng dưới, mà là vị trí bụng dưới cách rốn chừng ba thốn, nối liền mật thiết với hạ âm. Con người khi tiểu tiện thường rùng mình, lúc đó toàn thân rung mạnh, lông da sởn lên như gà chọi. Đó là trong vô ý thực hiện được "Khí Trầm Đan Điền"!
Nước tiểu tự nhiên bị ép xuống bài tiết ra ngoài, kéo theo khí trầm, khí trầm đến Đan Điền da lông sẽ dựng lên.
Cũng vậy, người ta khi đại tiện phải kéo động cơ hậu môn, cơ hậu môn động sẽ vô ý kinh động đến huyệt Vĩ Chuy, da lông cũng có thể dựng lên.
Hai nơi Đan Điền và Vĩ Chuy thực sự là hai đại kinh mạch chủ yến trong cơ thể, chính là hai mạch "Nhâm, Đốc" lừng danh trong tiểu thuết võ hiệp. Vương Siêu nói Hoắc Linh Nhi có thể lĩnh ngộ được tinh yếu của nội gia từ đại tiểu tiện, chính là một lời chỉ rõ thiên cơ, rất rõ ràng dễ hiểu.
Nếu là những thầy dạy võ ngoại môn khác, cho dù hiểu đạo lý này cũng không thể nói ra, vì nó quá thô tục. Giảng giải nhiều nhất cũng chỉ dùng những thuật ngữ như "Khí Trầm Đan Điền", "Thực Phúc" hay "Động Thủy Hỏa", mơ mơ hồ hồ như vậy thôi.
Nếu là người hiểu biết kiên nhẫn, nhiều nhất cũng chỉ nhắc đến chữ "đề" (nhấc lên) rồi để tự lĩnh ngộ. Lĩnh ngộ được xem như thiên tư thông minh, lĩnh ngộ không được xem như không có tư chất.
Thực ra thiên tư của con người không chênh lệch nhau quá nhiều, quan trọng là sư phụ có nói rõ hay không, thêm vào đó là sự cố gắng của bản thân, có dụng tâm không, có nhập thần không mà thôi.
Chỗ tinh yếu của nội gia, nếu giảng rõ thực ra rất thô tục. Nhiều môn phái các đời chỉ truyền nam không truyền nữ, một nguyên nhân chính là điểm này.
Thời cổ đại, nam nữ lễ giáo khắt khe, từng câu từng chữ đều phải cẩn thận, sao có thể ở trước mặt người khác giới nói trắng ra những từ "đại tiện", "tiểu tiện", "hạ âm", "đề nhấc"…
Một sư phụ có thể thu nhận rất nhiều đồ đệ, nhưng đồ đệ thực sự có thể chống đỡ cho môn phái thường chỉ có một, người đó gọi là "Truyền nhân y bát".
Thế nào là Truyền nhân y bát? Chính là đồ đệ khi luyện công, sư phụ không chỉ ngồi xem mà còn cẩn thận chỉ dẫn. Là đồ đệ khi mới luyện công, sư phụ hằng ngày phải tốn khí lực điều dưỡng thân thể, xoa huyệt thông mạch. Tất cả các nguyên lý võ học, những tâm đắc trong luyện công tỉ võ, sư phụ đều truyền lại cho Truyền nhân y bát.
Truyền nhân y bát còn quan trọng hơn cả nhi tử, không những tận tình dạy dỗ mà còn phải đối đãi thật tốt.
Đào tạo một đệ tử thực sự là việc tốn rất nhiều khí lực. Sư đồ thực sự không phải cha con, mà còn hơn cả cha con.
Nghĩ lại những hao tổn tâm sức mà Đường Tử Trần đã tốn cho Vương Siêu, có thể nhận ra truyền nhân thực sự được dạy dỗ như thế nào.
Đồ đệ truyền thừa y bát trong võ lâm không phải như trong các trường võ hiện đại, thu nhận một lúc cả trăm nghìn người, ầm ĩ luyện tập, hết giờ về nghỉ.
Kiểu võ quán như vậy căn bản không thể học được gì, luyện không thành công phu gì cả.
Đệ tử y bát không thể tính theo số lượng. Còn đệ tử thông thường, sư phụ dạy một thế nhiều nhất là giảng giải qua nguyên lý, còn lại tự luyện. Luyện không được, không liên quan đến ta!
Đứng bên cạnh nhìn đệ tử luyện tập, chỉ dẫn uốn nắn từng tư thế, đó mới là sư phụ tốt. Ngày ngày chà thuốc xoa bóp lại là việc chỉ làm được cho một người, dù sư phụ muốn bồi dưỡng nhiều y bát cũng không thể đủ sức lực và thời gian.
Đoàn Quốc Siêu hai mươi sáu tuổi võ công đã lợi hại như vậy, rõ ràng phải là Truyền nhân y bát được một vị hòa thượng già nào đó trong Thiếu Lâm tận tâm đào tạo. Không giống như Vĩnh Hạc Vĩnh Báo, là những võ sư nổi tiếng nửa đường mới xuất gia.
Vương Siêu và Lâm Nhã Nam đi dạo xong về doanh trại quân khu. Cùng lúc đó, một đoàn hòa thượng Thiếu Lâm cũng đang thương lượng về chuyện của Vĩnh Hạc, Vĩnh Báo.