Lục Mạch Thần Kiếm
Chương 101 : Hai bên ý hợp tâm đầu
Ngày đăng: 17:36 18/04/20
Hư Trúc còn đang ngơ ngẩn thì Cát Ðại Bá hấp tấp đáp:
- ... Trúng vào huyệt Huyền Khu, Khí Hải, ... Hư Không Trúc
Hư Trúc cả mừng nói:
- Huynh đài đã biết được vị trí Sinh tử phù thì hay lắm.
Chiêu Dương ca thiên điếu vừa rồi đã khiến cho thần trí Cát Ðại Bá tỉnh lại.
Hư Trúc liền vận dụng chân khí thuần dương rồi dùng phép Thiên Sơn lục dương chưởng của Ðồng Mỗ đã truyền thụ cho vỗ vào ba huyệt đạo Huyền Khu, Khí Hải và Hư Không Trúc.
Chỉ chớp mắt Sinh tử phù lạnh như băng trong người Cát Ðại Bá tiêu tan.
Cát Ðại Bá thoát cơn nguy khốn, đứng dậy múa may khoa chân mừng rỡ như người được của báu rồi đột nhiên y phục xuống đất dập đầu binh binh lạy Hư Trúc, nói:
- Thưa ân công! Tính mạng Cát Ðại Bá này ân công đã ban cho. Từ đây về sau ân công có điều gì sai khiến, dù phải nhảy vào đống lửa, Cát Ðại Bá này cũng chẳng dám từ nan.
Hư Trúc bản tính khiêm cung, thấy Cát Ðại Bá hành đại lễ, cũng vội vàng dập đầu binh binh lạy trả rồi nói:
- Tại hạ không dám nhận trọng lễ. Nếu huynh đài sụp lạy thì tại hạ cũng phải dập đầu.
Cát Ðại Bá lớn tiếng nói:
- Xin ân công đứng lên cho. Ân công làm như vậy khiến cho tiểu nhân phải tổn thọ.
Ðể biểu thị tấm lòng cảm kích, Cát Ðại Bá dập đầu thêm mấy cái nữa, Hư Trúc cũng dập đầu đáp lễ.
Hai người còn đang sì sụp lạy lẫn nhau chưa ai chịu ai thôi trước thì đột nhiên có mấy người la lên:
- Mau phá giải Sinh tử phù.
Rồi đổ xô cả lại như ong vỡ tổ, vây lấy hai người.
Một lão già giơ tay ra nắm lấy Cát Ðại Bá nói:
- Thôi đừng lạy lục nữa, để bọn ta còn xin ân công giải độc cứu mạng.
Hư Trúc thấy Cát Ðại Bá đứng dậy rồi, mới đứng thẳng người lên nghiêm chỉnh nói:
- Các vị đừng nóng nảy, hãy nghe tại hạ nói một lời.
Lập tức nhà đại sảnh yên lặng như tờ.
Hư Trúc nói:
- Muốn phá giải Sinh tử phù cần phải biết đích xác bộ vị mới được. Vậy các vị có biết không?
Mọi người lại náo loạn cả lên.
Người thì nói:
- Tại hạ có biết.
Kẻ lại nói luôn:
- Tại hạ bị trúng vào huyệt Uỷ Trung và huyệt Nội Ðình.
Lại có người nói:
- Người tại hạ đau đớn ngứa ngáy mỗi tháng một khác. Dường như Sinh tử phù chạy loạn khắp trong cơ thể không khác gì lúc luyện công bị chân khí nghịch hành.
Ðột nhiên có người lớn tiếng quát lên:
- Anh em không được ồn ào. Ai cũng la làng thì Hư Trúc Tử tiên sinh biết lối nào mà nghe.
Người la đó chính là Ô lão đại. Mọi người yên lặng trở lại.
Hư Trúc nói:
- Tại hạ tuy được Ðồng Mỗ truyền thụ phép phá giải Sinh tử phù... nhưng... cái đó...
Bảy tám người trong bọn không nhịn được lại reo lên:
- Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Như vậy ngô bối có thể thoát chết.
Hư Trúc lại nói tiếp:
- Nhưng về việc nhận xét Sinh tử phù ở bộ vị nào thì tại hạ hãy còn nông cạn. Nếu vị nào không biết rõ thì chúng ta sẽ tìm kiếm dần dần. Ðồng thời trong quý vị có mặt nơi đây, vị nào tinh thông về y thuật hợp tác cùng tại hạ nghiên cứu và nhất định phải chữa cho bằng được.
Quần hào lại reo ầm lên:
Hồi lâu tiếng hoan hô dần dần nhỏ đi rồi dừng lại. Mai Kiếm đột nhiên cất tiếng lạnh như băng nói:
- Chủ nhân ta ưng thuận phá giải Sinh tử phù cho các ngươi đó là tấm lòng từ bi quảng đại của người. Nhưng bọn mi lại dám cả gan lớn mật làm phản, khiến cho Ðồng Mỗ phải ly cung xuống núi rồi quy tiên. Bọn ngươi lại tiến đánh núi Phiêu Diễu, sát hại bao nhiêu chị em bộ Quân Thiên. Vậy món nợ đó các ngươi tính sao?
Nàng vừa dứt lời, quần hào ngơ ngác nhìn nhau, trong lòng sợ hãi vô cùng. Họ nghĩ rằng lời Mai Kiếm vừa nói là đúng sự thực, mà Hư Trúc lại là truyền nhân của Ðồng Mỗ thì dĩ nhiên y không thể bỏ qua những tội lỗi tày đình mà họ đã phạm vào.
Có người muốn khẩn cầu, nhưng nghĩ lại tội làm cho Ðồng Mỗ phải ly cung mà chết và tội phản loạn kéo dài đến đánh cung Linh Thứu đều cực kỳ thâm trọng! Ðâu có thể nói mấy câu năn nỉ mà xong được? Nên chẳng ai dám lên tiếng.
- Thôi! Chuyện xong rồi ta nên bỏ qua! Tại hạ không hiểu vì lẽ gì y nổi cơn thịnh nộ. Hỡi ôi! Thật là khó hiểu!...
Vương Ngọc Yến theo bọn Ðặng Bách Xuyên đi trước Mộ Dung Phục, thấy Ðoàn Dự chưa ra khỏi toà đại sảnh thì quay lại nói:
- Ðoàn công tử! Sau này sẽ có ngày tái hội.
Ðoàn Dự giật mình. Trong lòng chua xót miễn cưỡng đáp:
- Vâng... Rồi ta gặp nhau...
Chàng đứng nhìn bóng Vương Ngọc Yến đi mỗi lúc một xa. Bên tai chàng còn văng vẳng câu nói của Bao Bất Ðồng: "Vương cô nương là người nhà Mộ Dung công tử" thì chàng lại nát gan đứt ruột và tự coi mình như con cóc ghẹ đòi ăn thịt ngỗng trời. Bất giác chàng lẩm bẩm:
- Phải rồi! Lúc Mộ Dung công tử đứng trước cửa sảnh đường thần oai lẫm liệt, anh hùng khí khái xiết bao nhiêu! Y giơ tay một cái là phá ngay được chiêu thức của hai kẻ kình địch thì bản lãnh cao thâm biết là chừng nào! Sức mạnh không trói nổi con gà thì lọt vào mắt xanh của nàng thế nào được? Lúc này Vương cô nương nhìn biểu huynh nàng với con mắt đầy tình tứ vừa ngưỡng mộ vừa thương yêu. Ðoàn Dự này quả nhiên chỉ là con cóc ghẹ mà thôi!
Trong nhà đại sảnh còn lại hai chàng thanh niên. Hư Trúc thì bị làn mây nghi ngờ bao phủ, ngồi cúi đầu xuống như ngây như dại. Còn Ðoàn Dự lại đau xót nỗi biệt ly, nét mặt buồn rầu như kẻ mất hồn. Hai người bâng khuâng nhìn nhau tựa hồ một đôi chàng ngốc.
Hồi lâu, Hư Trúc buông một tiếng thở dài.
Ðoàn Dự cũng thở dài theo rồi nói:
- Nhân huynh! Nhân huynh cùng tiểu đệ đồng bệnh tương lân. Mối tương tư chôn sâu tận đáy lòng biết lấy gì tiêu khiển?
Hư Trúc nghe nói bất giác mặt thẹn đỏ bừng. Y tưởng Ðoàn Dự đã biết vị nữ lang trong mộng của mình, liền ấp úng hỏi:
- Ðoàn... công tử, sao Ðoàn huynh lại biết?
Ðoàn Dự đáp:
- Nhân huynh bất tất phải dè dặt. Ai không biết Tử Ðô là người đẹp thì người đó không có mắt, ai không biết nàng đó đẹp thì không phải là người nữa. Lòng yêu cái đẹp ai mà chẳng có? Nhân huynh cùng tiểu đệ đều thuộc hạng chìm nổi phương trời, đã gặp nhau tất phải hiểu nhau.
Chàng nói xong lại buông tiếng thở dài.
Nguyên Ðoàn Dự thấy trong bọc Hư Trúc có cất dấu bức chân dung Vương Ngọc Yến thì tưởng y cũng yêu nàng như mình.
Vừa rồi Mộ Dung Phục cùng Hư Trúc có chuyện xích mích, dĩ nhiên cũng chỉ vì Vương Ngọc Yến mà ra.
Ðoàn Dự nghĩ vậy lại nói:
- Nhân huynh võ công tuyệt đỉnh, nhưng về duyên phận tính tình không hợp thì bất luận dùng cách nào cũng không được.
Hư Trúc lẩm bẩm:
- Về duyên phận tính tình không hợp... duyên phận này tự nhiên mà gặp... chứ không phải cầu mà nên được... Phải rồi! Sau khi từ biệt, bóng người mù mịt bên trời góc bể biết đâu mà tìm?
Hư Trúc nói đây là về nữ lang trong mộng của mình, nhưng Ðoàn Dự tưởng y nói về Vương Ngọc Yến.
Cả hai thanh niên này đều ngốc nghếch, không thông hiểu việc đời, thế mà mỗi lúc một trở nên ý hợp tâm đầu.
Quần nữ cung Linh Thứu đặt tiệc, Hư Trúc cùng Ðoàn Dự dắt tay nhau ngồi vào chiếu.
Các động chúa, đảo chúa đều là thuộc hạ cung Linh Thứu, dĩ nhiên không ai dám lên ngồi cùng bàn với Hư Trúc.
Hư Trúc không hiểu gì về việc tiếp khách. Y thấy ai đến bên cũng mặc chẳng niềm nở chào mời mà chỉ nhỏ to chuyện trò với Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự trong lòng điên đảo vì Vương Ngọc Yến. Chàng khen nàng không tiếc miệng: Nào tính nết dịu dàng nhu thuận, nào tư dung siêu phàm thoát tục.
Hư Trúc cứ tưởng chàng khen Mộng trung nữ lang của mình mà không dám hỏi tại sao chàng lại biết nàng? Y cũng không dám hỏi đến lai lịch của nàng nữa. Trái tim y đập nhộn lên rồi lẩm bẩm:
- Mình đã tưởng Ðồng Mỗ chết đi rồi thiên hạ không còn ai biết Mộng cô của mình ở nơi đâu. Thế mà còn Ðoàn công tử đây nhận được thì ra đấng hoàng thiên có ý thương xót loài người không để ai phải tuyệt vọng. Nhưng khốn nỗi Ðoàn công tử lại đem lòng ái mộ tương tư nàng. Nếu mình tiết lộ ân tình dưới nhà hầm nước đá tất nhiên chàng nổi cơn thịnh nộ, bỏ bữa tiệc dở dang, rũ áo ra đi thì mình không biết bấu víu vào đâu để nghe ngóng tin nàng được.
Hư Trúc thấy Ðoàn Dự trầm trồ khen ngợi cô nương đó thì cũng phụ hoạ vào với tấm lòng thành thực.
Hai người cùng nói chuyện về tình nhân của mình mà chẳng ai nói rõ tình nhân mình là ai, thành ra hai vị cô nương riêng biệt mà hai vị tình lang đều tưởng là chỉ có một.
Ðoàn Dự nói:
- Nhân huynh! Theo thuyết của nhà Phật thì mọi việc đều lấy chữ duyên làm cứu cánh. Ðạt Ma tổ sư đã nói: "Chúng sinh không biết mình là ai thì những sự đau khổ hay vui mừng đều do duyên kiếp mà ra". Thế thì ta có được việc gì vui vẻ hay buồn phiền chẳng qua là duyên nợ kiếp trước nên kiếp này được hưởng thụ hay phải đền bồi. Duyên phận hết rồi lại trở thành không, chả có chi là đáng vui mừng hay đáng tủi.
Hư Trúc nói:
- Phải rồi! Những chuyện đắc thất của con người là tuỳ ở duyên phần. Dù đắc dù thất cũng không thay đổi lòng dạ. Nguyên lý của Phật gia là ở chỗ đó.
Ta nên biết rằng môn Phật học tại nước Ðại Lý hưng thịnh vô cùng. Ðoàn Dự từ thủa nhỏ tụng kinh niệm Phật, nên chàng đã được thấm nhuần rất nhiều Phật học.
Hư Trúc cùng Ðoàn Dự hai người nói chuyện với nhau về lý thuyết nhà Phật rất là tương đắc. Bên này dẫn chứng một câu trong kinh Kim Cương thì bên kia lại nêu ra một đoạn kinh Pháp Hoa rồi cùng nhau than thở cho khuây khoả nỗi tương tư.
Bốn nàng Mai, Lan, Cúc, Trúc luân lưu nhau rót rượu khuyên mời.
Ðoàn Dự uống một chén thì Hư Trúc cũng uống một chén.
Ðôi bạn này vừa uống rượu vừa trò chuyện cho đến nửa đêm.
Bữa tiệc đã mãn.
Quần hào no say đứng dậy cáo từ và do quần nữ cung Linh Thứu đưa vào các phòng ngủ.
Hư Trúc cùng Ðoàn Dự mười phần đã say đến tám chín, mà vẫn còn tiếp tục ngồi uống và nói chuyện.