Lục Mạch Thần Kiếm

Chương 7 : Một trận ác đấu ngoài ải nhạn môn quan

Ngày đăng: 17:34 18/04/20


Trí Quang đại sư từ từ quay đầu lại, chú ý nhìn Kiều Phong, nói:



- Kiều Bang chúa! Trường hợp mà Bang chúa được tin báo cấp về việc này thì Bang chúa sẽ hành động ra sao?



Kiều Phong nghe hỏi, bầu nhiệt huyết bốc lên bừng bừng, dõng dạc đáp:



- Trí Quang đại sư! Kiều mỗ kiến thức hẹp hòi, tài đức không đủ để quần chúng cảm phục, hiệu lệnh không đủ để anh em trong bản bang tuân theo, nói ra càng thêm hổ thẹn. Dù Kiều mỗ không đủ tài năng nhưng có tấc dạ sắt son, có cốt cách của một gã nam nhi. Trong phạm vi những công cuộc đại nghĩa khí này, quyết chẳng đến nỗi không hiểu điều hơn lẽ thiệt. Nhà Ðại Tống ta bị quân Liêu cẩu lăng nhục, đó là mối căm hờn cho quốc gia, ai là người không nghĩ đến chuyện báo thù. Giả sử mà tôi không được tín báo về việc này cũng phải tự mình suất lĩnh anh em bản bang đi suốt ngày đêm đến tiếp viện.



Những câu khẳng khái hiên ngang của Kiều Phong khiến cho mọi người nghe đều cảm thấy rung động trong lòng và đều cho là bậc đại trượng phu phải thế mới xứng đáng.



Trí Quang gật đầu nói:



- Bang chúa nói như vậy thì ngày đó chúng tôi ra ngoài ải Nhạn Môn quan phục kích không phải là một hành động lầm lạc chăng?



Kiều Phong cảm thấy trong lòng tức tối, lẩm bẩm: "Ngươi cho ta là hạng người nào? Nói thế chẳng hoá ra coi thường ta lắm ru?" Tuy nhiên thần sắc vẫn bình tĩnh, ông nói tiếp:



- Những sự nghiệp oai hùng lẫm liệt của tiền bối, Kiều mỗ rất lấy làm ngưỡng mộ, chỉ tiếc mình sinh sau đẻ muộn, không được theo gót các bậc tiên hiền để dự phần vào những công cuộc nghĩa cử oai hùng, ra tay giết giặc.



Trí Quang chầm chậm nhìn Kiều Phong, nét mặt lộ vẻ khác lạ, thủng thỉnh nói:



- Sau khi chúng tôi được tin, một mặt phái người đến chùa Thiếu Lâm đưa tin, một mặt cùng nhau kéo thẳng đến Nhạn Môn quan để đánh giặc Hồ. Tôi đi cùng nhân huynh đây.



Vừa nói vừa trỏ Triệu Tiền Tôn, Trí Quang lại nói tiếp:



- Chúng tôi đi đoàn đầu cả thảy hai mươi mốt người. Trừ vị thủ lĩnh võ công tuyệt vời ra không kể, còn Uông Bang chúa, Vạn Thắng Ðao Vương Hương Lâm lão anh hùng, Hoàng Sơn Quán Vận Ðạo trưởng phái Ðịa Tuyệt đều là những tay cao thủ bậc nhất trong võ lâm lúc đương thời. Hồi đó lão tăng chưa xuất gia đầu phật, tuy theo gót quần hùng mà thực ra thì bản lĩnh người ta mười, mình chưa được hai, chẳng qua là vì lòng yêu nước, giết giặc, không dám lùi lại phía sau, mong gom góp được phần nào hay phần ấy. Chính nhân huynh đây hồi đó võ công cũng còn cao hơn lão tăng nhiều.



Triệu Tiền Tôn nói:



- Quả vậy! Võ công ngươi hồi đó còn thua xa ta lắm, hay ít ra cũng còn kém hơn một bực.



Triệu vừa nói vừa giơ hai ngón tay thẳng lên, cao thấp cách nhau đến hơn một thước. Y cho thế còn chưa đủ, liền đưa hai lòng bàn tay xa nhau đến thước rưỡi. Trí Quang lại nói:



- Lúc qua ải Nhạn Môn quan thì trời đã hoàng hôn, chúng tôi ra khỏi cửa quan chừng hơn mười dặm, vừa đi vừa ngơm ngớp phòng bị. Trời mỗi lúc một tối sầm lại. Ðột nhiên góc tây bắc có tiếng vó ngựa dồn dập, ít ra là hơn chục con, khí thế rất hùng dũng. Vị thủ lĩnh chúng giơ cao tay mặt lên, cả đoàn đều dừng bước. Ai nấy vừa mừng rỡ vừa hồi hộp mà chẳng ai nói câu nào. Mừng rỡ vì tin báo quả nhiên đúng và chúng tôi đến nơi vừa kịp để ngăn cản bên địch. Song ai cũng biết rằng bọn võ sỹ Khất Ðan này rất lợi hại vô cùng. Ai cũng nghĩ nếu tử tế họ đã không đến đây, mà họ đã đến chứng tỏ là chẳng tử tế gì.



Ngừng một giây, Trí Quang lại nói tiếp:



- Bọn này đã dám khởi hấn với phái Thiếu Lâm, một phái võ nổi tiếng nhất ở Trung Nguyên, tất là đã được tuyển lựa kỹ càng trong những tay võ sỹ cừ khôi.



Nhà Ðại Tống đánh nhau với Khất Ðan nhiều trận thua mà ít khi được. Cuộc chiến đấu hôm nay chưa ai đoán trước được là thắng hay bại. Vị thủ lĩnh vẫy tay một cái, hai mươi mốt người chúng tôi liền chia nhau mai phục vào phía sau những tảng đá lớn hai bên đường.



Hang núi này mé tả là một vực sâu, đá mọc lởm chởm, thăm thẳm nhìn không thấy đáy. Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, rồi nghe rõ cả tiếng họ ca hát. Song những khúc ca Tây Liêu điệu dài thườn thượt, lại giọng khô khan quê kệch, không



ai hiểu gì cả.



Tay phải tôi nắm chặt lưỡi đao, mồ hôi tay ướt đẫm, thò tay xuống đầu gối lau vào quần cho khô đi, nhưng chỉ được một lát lại ướt đầm. Thủ lĩnh đại ca phục ngay bên cạnh tôi, anh thấy tôi không nín thở được liền đưa tay ra vỗ nhẹ vào vai tôi hai cái rồi trông tôi mà cười. Ðoạn anh vung tay trái đánh dứ một đòn, ra điều tay này sẽ giết hết giặc Hồ.



Tôi cũng nhìn đại ca mỉm cười và thấy vững tâm được nhiều. Con ngựa bên Liêu đi đầu còn cách chừng hơn năm chục trượng, tôi nấp sau tảng đá lớn, ngó ra xem thì thấy bọn võ sỹ Khất Ðan này đều mặc áo mền dày, người dáo dài, kẻ đao ngắn, có người cầm cung đeo túi tên, lại có người để con chim ưng thật lớn đậu trên vai.



Họ vừa đi vừa hát vang, dường như không ai nghĩ đến phía trước có quân địch mai phục. Lát sau tôi đã trông rõ mặt mày người võ sỹ Khất Ðan, tên nào cũng tóc ngắn, râu rậm, mặt mũi hung dữ. Khi thấy họ đến gần, trống ngực tôi đánh thình thịch, dường như trái tim tôi muốn chui qua miệng nhảy ra ngoài.



Mọi người nghe Trí Quang thuật, tuy là việc xảy ra trước đây ba mươi năm mà trong lòng ai nấy đều hồi hộp.



Trí Quang lại nhìn Kiều Phong, nói:



- Việc thành bại này có liên quan đến quốc vận nhà Ðại Tống, cũng là sự yên nguy của ức triệu sinh linh. Chúng tôi lại không nắm vững phần thắng, chỉ trông vào ưu điểm là kẻ địch lộ liễu bên ngoài, còn mình thì nấp trong bóng tối. Theo ý



Bang chúa thì chúng tôi nên làm thế nào?



Kiều Phong đáp:



- Từ xưa đã có câu "Binh bất yếm trá". Hai nước giao binh thì không kể gì đến đạo nghĩa giang hồ hay lề luật võ lâm nữa. Quân Liêu cẩu tàn sát già trẻ, lớn bé con dân nhà Ðại Tống, họ có kiêng dè gì đâu? Theo ý kiến tại hạ thì trong trường hợp nên dùng ám khí và ám khí cần tẩm thuốc độc cực mạnh.



Trí Quang giơ tay vỗ đùi đánh đét một cái, nói:




- Ba chúng tôi thương nghị một lúc, trong lòng ai nấy đều bán tín bán nghi, thế rồi tạm thời hãy để cho đứa nhỏ Khất Ðan kia được toàn mạng. Chúng tôi trở về chùa Thiếu Lâm để nghe động tĩnh. Nếu quả bọn võ sỹ Khất Ðan kéo đến tập kích mà chúng tôi không đương nổi bấy giờ sẽ giết đứa nhỏ cũng chưa muộn.



Chủ ý đã định, chúng tôi lên ngựa đi ngay, không kể ngày đêm về đến chùa Thiếu Lâm thì thấy anh hùng các nơi đến tiếp viện đã nhiều. Ta nên biết việc này có liên hệ đến sự yên nguy sinh tử hàng bao nhiêu triệu bách tính đất Thần Châu.



Một khi đã được tin cấp báo, ai nấy đề mong góp một phần hơi sức vào công cuộc bảo vệ phái Thiếu Lâm.



Trí Quang đảo cặp mắt sáng như điện nhìn một lượt từ tả sang hữu rồi nói tiếp:



- Cuộc tụ hội tại chùa Thiếu Lâm lần này bao nhiêu bậc anh hùng nhiều tuổi hơn tôi đến tham dự rất đông, tưởng chẳng cần phải nói rõ hết mọi chi tiết. Tất cả mọi người có mặt tại chùa Thiếu Lâm đều phòng bị rất là nghiêm ngặt. Anh hùng khắp nơi về tiếp viện mỗi ngày một đông, cuộc phòng thủ cực kỳ chu đáo cẩn mật.



Thế mà từ tiết Trùng dương tháng chín cho đến tháng chạp, suốt ba tháng trời tuyệt không thấy âm hao chi hết. Mọi người toan bắt gã đưa tin ra chất vấn nhưng tìm không thấy y đâu nữa. Chúng tôi mới biết đó là tin giả, bao nhiêu người đã bị lừa dối. Trận đánh ngoài Nhạn Môn quan hai bên chết uổng không ít.



Nhưng chẳng bao lâu, Khất Ðan đem quân thiết kỵ vào xâm lấn công kích các lộ quân mặt Hà Bắc. Chuyện võ sỹ Khất Ðan có vào đánh lớn chùa Thiếu Lâm nữa hay không, không ai để ý tới nữa. Bọn chúng dù có đến tập kích hay không cũng thế, người Khất Ðan đã thành những quân tử thù của nhà Ðại Tống ta.



Thủ lĩnh đại ca, Uông Bang chúa cùng tôi, ba người trong lòng rất hổ thẹn về việc ngoài ải Nhạn Môn quan, chỉ đem việc này kể lại với phương trượng chùa Thiếu Lâm và chỉ báo tin cho những thân nhân anh em tử nạn, còn tuyệt nhiên



không nói với người ngoài. Ðứa nhỏ Khất Ðan gửi cho một nhà nông thôn dưới chân núi Thiếu Thất nuôi dưỡng.



Vấn đề khó giải quyết là ở chỗ sau này sẽ xử trí với đứa nhỏ đó ra sao? Chúng tôi đối với cha mẹ nó quả tàn nhẫn, nếu lại hạ thủ giết cả nó thì thật là quá độc ác.



Bằng nuôi cho nó lớn khôn mà người Khất Ðan đã thành kẻ tử thù của chúng ta thì phỏng có khác gì nuôi ong tay áo?



Sau thủ lĩnh đại ca lấy trăm lạng bạc giao cho nhà nông để y nuôi dưỡng đứa nhỏ và bảo vợ chồng y nhận nó làm con chính thức. Khi nó khôn lớn cũng không cho nó biết là đã lãnh tiền để nuôi nó. Vợ chồng nông gia này không có con, mừng như bắt được của, liền vâng lời ngay, vì vợ chồng ấy không biết đứa nhỏ này là dòng máu Khất Ðan.



Trước khi đem đứa nhỏ đến núi Thiếu Thất, chúng tôi đã thay quần áo như trẻ con bên Hán. Nên biết rằng nhân dân Ðại Tống thâm thù người Khất Ðan đến tận xương tuỷ. Ai biết nó là dòng dõi Khất Ðan giả trang cũng tìm cách giết nó...



Kiều Phong nghe đến đây đã đoán ra được tám chín phần, giọng run run hỏi:



- Trí Quang đại sư! Tôi... tôi... xin hỏi, nhà nông ở chân núi Thiếu Thất đó họ gì?



Trí Quang đáp:



- Bang chúa đã đoán ra, tôi chả giấu làm gì vô ích, nà nông đó họ Kiều tên gọi Tam Hoè.



Kiều Phong lớn tiếng la lên:



- Không! Không phải!... đại sư chớ nên bịa chuyện hồn ma để vu hãm tôi. Tôi đường đường là người Hán tộc, sao lại bảo tôi là dòng giống mọi rợ Khất Ðan. Nếu đại sư còn nói lăng nhăng thì tôi... tôi... sẽ... Tam Hoè công là gia gia thân sinh ra tôi, đại sư còn nói...



Ðột nhiên Kiều Phong nhảy lại trước mặt Trí Quang, túm lấy ngực áo. Ðơn Chính cùng Từ trưởng lão la lên:



- Không được! Không được!



Rồi sấn đến toan cướp Trí Quang lại. Kiều Phong chân tay rất mau lẹ, túm lấy mình Trí Quang kéo đi xa ra. Con Ðơn Chính là Ðơn Trọng Sơn, Ðơn Thúc Sơn,Ðơn Quý Sơn, ba gã nhảy xổ tới sau lưng Kiều Phong để cứu Trí Quang. Kiều Phong giận như điên cuồng, nắm lấy Ðơn Thúc Sơn quăng ra xa, rồi lại nắm lấy Ðơn Trọng Sơn đẩy mạnh một cái. Lần thứ ba, ông nắm lấy Ðơn Quý Sơn ném xuống đất, chân dậm lên đầu gã.



Ðơn thị ngũ hổ tiếng tăm lừng lẫy một dải Sơn Ðông. Năm anh em thành danh đã lâu, nào phải hạng hậu bối ở lều tranh túp cỏ mới ra đời. Thế mà Kiều Phong tay trái nắm Trí Quang, tay phải túm luôn ba gã đại hán như cầm nắm rơm ném đi,chẳng ai chống cự được mảy may. Mọi người trông thấy đều hết hồn, miệng há hốc ra.



Ðơn Chính cùng Ðơn Bá Sơn và Ðơn Tiểu Sơn, ba người xót tình máu mủ, toan nhảy xổ vào cứu viện nhưng thấy Kiều Phong dẫm lên đầu Ðơn Quý Sơn, biết rõ thần lực của ông ghê gớm, chỉ khẽ vận động kình lực xuống chân là Ðơn Quý Sơn sẽ bị gãy xương toi mạng. Vì thế mà ba cha con Ðơn Chính phải dừng chân không dám tiến lại nữa.



Ðơn Chính kêu lên:



- Kiều Bang chúa! Ta hãy lấy điều phải chăng nói chuyện với nhau, sao lại hành động nóng nảy như thế? Ðơn gia tôi với Bang chúa vốn không thù không oán, vậy Bang chúa buông tha con tôi ra.



Từ trưởng lão cũng nói:



- Kiều Bang chúa! Trí Quang đại sư là người khắp giang hồ ai cũng kính trọng,Bang chúa không được hại đến tính mạng đại sư.



Kiều Phong căm tức máu sôi, lớn tiếng nói:



- Ðúng rồi! Kiều Phong này với nhà họ Ðơn không oán không thù, Trí Quang đại sư là người mà tôi vẫn tôn kính. Các ông... các ông... muốn cất ngôi Bang chúa của tôi thì tôi xin chắp tay nhường lại. Sao phải bày đặt ra câu chuyện này để khinh miệt tôi? Tôi... tôi... Kiều mỗ này có làm điều chi mờ ám bại hoại... sao các ông lại bức bách tôi đến thế?



Mấy câu sau Kiều Phong nói với giọng nghẹn ngào. Mọi người nghe không khỏi tỏ ý đồng tình. Khi nghe thấy Trí Quang đại sư xương cốt trong mình kêu rắc rắc,ai nấy đều biết rằng tính mệnh đại sư chỉ một hơi thở là xong. Ðại sư sống hay chết đều ở trong tay Kiều Phong.