Martin Eden

Chương 30 :

Ngày đăng: 14:49 19/04/20


Một ngày thu đẹp, một ngày tiết trời cuối thu dìu dịu giống như hai người tỏ tình với nhau một năm trước đây, Martin đọc tập "Thơ tình" cho Ruth nghe. Đó là một buổi chiều cũng như một năm trước đây, hai người đi xe đạp lên ngọn đồi mà họ thích nhất. Thỉnh thoảng nàng lại thốt lên những lời tán thán thích thú, ngắt lời gã đọc. Và bây giờ, đặt tờ cuối cùng của tập bản thảo xuống bên những tờ kia, gã đợi chờ nàng phê phán.



Nàng không nói vội; cuối cùng, nàng ấp úng ngập ngừng chọn lời sao nói lên được ý nghĩ gay gắt của mình.



"Em thấy những bài thơ của anh đẹp, rất đẹp. Nhưng anh không thể bán được chúng, có phải không? Anh hiểu ý em chứ!" Nàng nói gần như năn nỉ. "Những sáng tác của anh không thực tế, có thể là có một cái gì đó chưa phù hợp với thị trường chăng? Nó đã làm cho anh không thể nhờ nó mà sống được. Martin à, anh đừng hiểu nhầm em. Em rất sung sướng, rất tự hào anh đã làm thơ tặng em - nếu em không sung sướng không tự hào thì quả em không phải thực sự là một người đàn bà nữa. Nhưng những sáng tác của anh vẫn không thể làm cho đám cưới cũng chúng ta tiến hành được. Anh thấy không, Martin? Anh đừng nghĩ rằng em là một kẻ chỉ thích tiền. Chính tình yêu, chính ý nghĩ về tương lai của chúng ta làm cho em lo lắng. Một năm trôi qua rồi từ ngày chúng ta bắt đầu biết rõ là chúng ta yêu nhau, thế nhưng ngày cưới vẫn chẳng gần hơn. Xin anh đừng cho em là thiếu tế nhị khi em nói đến chuyện cưới xin của chúng ta, bởi vì thực sự trái tim em, và tất cả đời em, em đã gửi gắm vào đó rồi. Tại sao anh không gắng kiếm việc làm ở một tờ báo hàng ngày nếu như anh cứ tha thiết theo đuổi nghề viết đến thế? Tại sao anh không đi làm một phóng viên? - Ít nhất thì cứ làm một thời gian?"



"Nó sẽ làm hỏng mất văn phong của anh!" Gã trả lời, giọng khe khẽ, đều đều. "Em không biết anh đã rèn luyện văn phong của anh như thế nào ư?"



"Thế những truyện ngắn ấy," nàng vặn lại, "anh gọi chúng là những bài viết lặt vặt. Thế mà anh vẫn viết rất nhiều. Nó không làm hỏng văn phong của anh hay sao?"



"Không, hai vấn đề khác nhau. Những truyện ngắn đó đã được anh viết ra, sau một ngày dài miệt mài rèn luyện văn phong. Nhưng công việc của một người phóng viên thì hoàn toàn là những công việc lặt vặt từ sáng đến tối, và đó là công việc chính trong cuộc sống của anh ta. Đó là một cuộc sống quay cuồng như cơn lốc, một cuộc sống chỉ có trước mắt, không có quá khứ, không có tương lai và chắc chắn cũng chẳng cần phải nghĩ tới văn phong văn phiếc gì, ngoài cái văn phong phóng sự, mà đó thì chắc chắn không phải là văn chương. Đúng vào thời kỳ văn phong của anh thành hình, kết tinh mà anh đi làm nghề phóng viên thì tức là giết chết sự nghiệp văn học của mình. Đúng thế đấy, mỗi một truyện vặt, mỗi từ trong truyện ấy là một sự xúc phạm tới bản thân anh, tới lòng tự trọng của anh, tới lòng tôn kính cái đẹp của anh. Nói thật với em, điều đó thật là khổ tâm. Anh đã phạm tội. Và trong thâm tâm, anh rất mừng khi thấy nó không bán được ở thị trường dù cho vẫn phải đem quần áo đi cầm chăng nữa. Nhưng niềm vui khi viết tập "Thơ tình" này! Niềm vui sáng tạo dưới hình thức cao quý nhất của nó! Đó là phần thưởng đền bù cho tất cả."



Martin không biết rằng Ruth không thông cảm được với niềm vui sáng tạo ấy. Nàng đã dùng từ đó - lần đầu tiên gã được nghe từ đó chính ở đôi môi nàng thốt ra. Nàng đã đọc, đã nghiên cứu nó ở trường đại học khi chuẩn bị thi tú tài văn chương, nhưng nàng không có một cái gì là độc đáo, là sáng tạo, và tất cả những biểu hiện về học thức của nàng chỉ là nhai đi nhai lại những lời nhai đi nhai lại của kẻ khác.



"Biết đâu ông chủ bút lại chẳng có lý khi ông ấy hiệu định lại toàn bộ tập "Những bài ca về biển" của anh?" Nàng hỏi. "Anh nên nhớ, ít nhất người ta cũng phải có đủ tư cách nhất định nếu không đã không làm nổi chủ bút."



"Đây cũng là một sự khăng khăng cố chấp sẵn của cái đã xác định," gã trả lời, sự bực bội của gã đối với bọn chủ bút làm cho gã không giữ được bình tĩnh. "Cái gì tồn tại đều không những là có lý mà còn không có gì hơn được. Bất kỳ một vật gì, chỉ cần nó tồn tại là đủ để chứng minh lý do tồn tại của nó - em nghe nhé, em tồn tại như con người bình thường vẫn tin một cách không tự giác, không phải chỉ ở hoàn cảnh hiện tại mà ở bất cứ hoàn cảnh nào. Tất nhiên chính vì họ ngu dốt nên họ mới tin được một điều vô lý như thế - và sự ngu dốt của họ chính là cái quá trình tư tưởng theo thuyết nhất nguyênđã được Weininger miêu tả không hơn không kém. Họ tưởng rằng họ suy nghĩ, thế mà tất cả những sinh vật không suy nghĩ một chút nào ấy lại là những kẻ cầm cân nẩy mực cho cuộc sống của một số rất ít người thực sự suy nghĩ.



Gã ngừng lại, chợt thấy mình đang nói quá sức hiểu biết của Ruth.



"Quả thực, em không biết cái anh chàng Weininger là ai," nàng cãi lại, "và lối nói của anh khái quát gớm quá, em không sao hiểu được. Em đang nói đến những tư cách để làm chủ bút."



"Và anh xin nói với em là... " Gã ngắt lời, "tư cách chính của chín mươi nhăm phần trăm các ngài chủ bút là sự thất bại. Các ngài ấy đã thất bại trong nghề viết văn. Đừng nghĩ rằng các ngài ấy thích cái công việc bàn giấy cặm cụi, chán ngấy cái công việc khốn khổ lo cho báo phát hành, lo cho công việc quản lý kinh doanh hơn cái thú viết văn đâu. Các ngài ấy đã thử viết và đã thất bại. Và điều nghịch lý đáng nguyền rủa là ở chỗ đó. Tất cả những cửa ải dẫn tới sự thành công văn chương đều được bọn chó canh cửa ấy canh giữ, chúng, một lũ đã thất bại trong văn chương. Các ngài chánh chủ bút, phó chủ bút, biên tập viên, phần lớn các ngài ấy, các ngài phụ trách đọc bản thảo cho các tạp chí, cho các nhà xuất bản, phần lớn các ngài ấy, hầu hết các ngài ấy đều muốn viết văn và đều đã thất bại. Ấy thế mà, tất cả những con người bất tài bất lực nhất dưới ánh mặt trời ấy, lại chính là những kẻ quyết định cái gì in được, cái gì không. Họ tỏ ra không có một chút gì độc đáo, tỏ ra thiếu một ngọn lửa thần kỳ, nhưng họ vẫn ngồi đó mà phê phán cái độc đáo, cái thiên tài. Và sau họ lại còn những ông biên tập - cũng toàn là những kẻ thất bại không kém. Đừng nói rằng họ không mơ giấc mơ ấy, đừng nói rằng họ không hề thử làm thơ và viết tiểu thuyết, vì họ đã mơ, đã thử, nhưng đã thất bại. Sao, một bài phê bình tầm thường còn lợm giọng hơn cả dầu cá thu. Nhưng em đã biết ý kiến của anh về bọn biên tập và bọn làm ra ta đây là những nhà phê bình rồi. Tất nhiên là có những nhà phê bình lớn, nhưng những người này thì hiếm như sao chổi vậy. Nếu anh thất bại trong nghề viết văn, anh sẽ xoay sang nghề chủ bút. Gì đi nữa, thì cũng có bánh, có bơ, có cả mứt mà ăn."



Óc nhận xét của Ruth nhạy bén, nàng thấy ngay mâu thuẫn trong cách lập luận của người yêu và nàng lại càng không tán thành những quan điểm của gã.



"Nhưng, Martin, nếu sự thực là như vậy, nếu tất cả các cửa đều đã bị đóng chặt như anh vừa kết luận, thì tại sao lại có thể có những nhà văn lớn đã từng thành công?"



"Họ thành công vì học đã đạt tới cái không thể đạt được," gã trả lời. "Họ sáng tạo những công trình huy hoàng sáng chói, họ có thể đốt thành tro tất cả những cái gì ngăn cản họ. Họ thành công vì họ đã làm được chuyện thần kỳ, đã chiến thắng trong một cuộc đấu gay go nghìn phần thắng một. Họ thành công vì họ là những con người khổng lồ dạn dày chiến đấu, nhất định không chịu khuất phục. Và chính đó là cái anh phải làm, anh phải đạt được cái không thể đạt được."




Tất nhiên, cái đó thật vô lý. Chính là do thần kinh bị căng thẳng, trí óc làm việc quá nhiều. Nhưng vấn đề là: tại sao anh lại làm như vậy? Vì em. Để rút ngắn thời gian tập sự. Để bắt Thành công phải đến nhanh hơn. Và bây giờ anh đã xong thời kỳ tập sự. Anh biết rõ mức trang bị của anh. Anh dám nói rằng anh học một tháng hơn một sinh viên bình thường học cả một năm. Điều đó anh biết chắc và anh dám nói với em thế. Nếu không vì sự cần thiết một cách ghê gớm phải nói ra để em hiểu anh, thì có lẽ cũng chẳng nói ra làm gì. Không phải là khoe khoang. Anh đánh giá kết quả bằng sách vở. Bây giờ các anh em của em chỉ là những kẻ man di ngu dốt nếu dám so sánh họ với anh, với những kiến thức mà anh đã bóp vắt ra được từ những cuốn sách anh đọc trong đêm khuya, lúc họ đang ngủ say. Đã từ lâu, anh luôn hằng ao ước được nổi tiếng. Bây giờ thì anh không cần gì lắm đến tiếng tăm. Cái mà anh cần là em, anh khao khát em hơn khao khát thức ăn, hơn quần áo, hơn tiếng tăm. Anh ước mơ được gối đầu vào ngực em, ngủ một giấc ngủ triền miên hàng thế kỷ, và giấc mơ của anh sẽ thành sự thật trước khi một năm nữa qua đi."



Sức mạnh của gã xô vào người nàng, như sóng cồn, từng đợt từng đợt; và đúng vào lúc mà ý chí của gã đối lập với nàng nhất thì nàng lại cảm thấy bị gã cuốn hút mãnh liệt nhất. Sức mạnh luôn luôn trào ra từ con người ấy choán lấy nàng, giờ đâu cuồn cuộn chảy trong giọng nói sôi nổi say sưa, trong đôi mắt sáng ngời, trong sức sống mãnh liệt, trong khí lực của trí tuệ trào dâng trong gã. Và lúc đó, trong giây lát nàng thấy vết nứt rạn trong niềm tin có thể uốn nắn lại được gã, - qua vết nứt rạn ấy nàng nhìn thấy một Martin Eden thực đẹp vô cùng và không gì chiến thắng nổi. Và cũng như những nhà dạy thú, thường có những lúc nghi ngờ, lúc này nàng cũng nghi ngờ không biết sức mạnh của mình có thuần hóa nổi một tâm hồn cuồng nhiệt của một con người như thế này không.



"Và còn điều này nữa," gã nói tiếp. "Em yêu anh. Nhưng tại sao em yêu anh? Cái ở trong anh thôi thúc anh phải viết chính là cái đã làm cho em yêu anh đấy. Em yêu anh vì anh có chút nào khác những người đàn ông mà em biết và có thể đã yêu. Anh sinh ra không phải để ngồi bàn giấy hay trong buồng kế toán, không phải để làm công việc kinh doanh lặt vặt, tranh giành kiện cáo linh tinh. Bắt anh làm những việc đó, thở hít cái không khí mà họ thở hít, nuôi dưỡng những quan điểm mà họ đã tiêm nhiễm nuôi dưỡng, là em đã hủy diệt sự khác nhau ấy, hủy diệt anh, hủy diệt cái mà em yêu. Niềm ham muốn được viết là điều cốt tử nhất trong anh. Nếu anh chỉ là một cục đất, thì anh không ham muốn được viết mà em cũng chẳng muốn lấy anh làm chồng."



"Nhưng anh đã quên rằng," nàng ngắt lời, óc nhận xét nhạy bén của nàng thoáng ngay một ý đối lại. "Có nhiều nhà phát minh kỳ quặc để cho gia đình phải chết đói trong khi họ mải mê đi tìm những điều hão huyền không tưởng, như tìm ra động cơ vĩnh cửu. Chắc chắn rằng vợ con họ vẫn yêu thương họ, vẫn phải chịu đựng, nhưng không phải là vì họ mải mê mà mặc dù họ mải mê với cái động cơ vĩnh cửu đó."



"Đúng," gã trả lời. "Nhưng cũng có những nhà phát minh không kỳ quặc: họ phải chịu đựng đói khổ trong khi tìm cách phát minh ra những cái rất thực tế, và đôi khi, như người ta đã ghi nhận, họ thành công. Nhất định không phải là anh đi tìm những cái không thể đạt được... "



"Thì anh vừa đã gọi đó là "đạt được những cái không thể đạt được,"" nàng nói thêm vào.



"Đó chỉ là một lời nói bóng. Anh gắng làm những cái mà nhiều người đã làm trước anh - viết và sống bằng những sáng tác của mình."



Sự yên lặng của nàng thúc gã:



"Đối với em, phải chăng mục đích anh đang theo đuổi là một điều hão huyền, là động cơ vĩnh cửu chăng?" Gã hỏi.



Gã đọc thấy câu trả lời của nàng trong cái xiết chặt bàn tay - bàn tay của người mẹ hiền thương đứa con đau khổ. Đối với nàng lúc này, gã là một đứa con đau khổ. Một người đang mải mê chiến đấu để đạt được những cái không thể đạt được.



Lúc hai người sắp chia tay, nàng lại nhắc lại sự phản đối của bố mẹ nàng.



"Nhưng em yêu anh chứ?" Gã hỏi và nàng kêu lên.



"Em yêu anh mà! Em yêu anh!"



"Và anh yêu em, chứ không phải yêu ba, mẹ em. Ba, mẹ em không thể làm gì khiến anh đau khổ được." Đắc thắng vang lên trong giọng nói của gã. "Vì anh tin ở tình yêu của em, anh không sợ thái độ thù ghét của ba, mẹ em. Tất cả mọi việc trên đời đều có thể lầm lạc trừ tình yêu. Tình yêu không thể nào lầm lạc trừ phi yêu đương mà lại yếu hèn kiệt sức, vấp ngã trên đường."