Nam Quốc Sơn Hà

Chương 12 : Luận về chữ lễ

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Trinh-Dung chắp tay hành lễ với thầy đồ Trọng-San:



– Thưa thầy! Thầy là bậc khiêm khiêm quân tử, xin thầy dạy cho một điều: người quân tử có cần phải giữ lễ với kẻ thô lậu, tiểu nhân không?



Trọng-San nói với Quang-Minh:



– Quang-Minh, đức người quân tử như gió, đức của tiểu nhân như cỏ. Cho nên phàm làm người quân tử, phải dùng đức mà cảm hóa kẻ tiểu nhân. Lê cô nương dù ít học, nhưng con cũng phải giữ đạo, đừng để mất cái đức cung đi. Cô Trinh-Dung trách cứ ta đúng đấy.



Đoàn Quang-Minh vẫn bướng:



– Thưa thầy vâng. Nhưng con dám quả quyết rằng con mọi kia mà giải thích được chữ lễ, thì con xin quỳ gối gọi nó là sư mẫu.



Yến-Loan cung tay hướng thầy đồ Thái, rồi thầy đồ Trọng-San:



– Ở đây có hai thầy chứng cho. Con cũng xin thề rằng, nếu con không giảng được chữ leã trong Nho-giáo, thì con xin làm đầy tớ cho Đoàn huynh cả đời.



Trịnh Quang-Thạch cười nhạt nói với ông bà Thiết:



– Đấy nhá! Chính miệng con nặc nô này nó nói đấy nhá. Nếu nó thua, thì ông bà đừng có mà than thở.



Bà Thiết chắp tay cúi rạp người xuống:



– Bẩm lạy quan lớn. Dù nó thua hay nó được, mà quan lớn nhận nó làm tôi mọi, thì cũng phúc cho đời nó lắm đấy ạ!



Thầy đồ Thái nói với thầy đồ Trọng-San:



– Minh là học trò huynh. Đệ là học trò đệ. Bây giờ chúng ta thay phiên nhau hỏi chúng. Huynh hỏi Minh-Đệ. Đệ hỏi Quang-Minh. Cứ như thế, trong năm câu, nếu như ai trả lời đúng nhiều câu hơn, thì người đó thắng cuộc.



Trọng-San tuy là thầy Quang-Minh, nhưng ông lại là nhà Nho chính-thống, đem đạo thánh đi truyền cho thiên hạ. Nên dù Quang-Minh thắng hay Yến-Loan thắng ông cũng không bận tâm. Ai đọc nhiều, học nhiều, thì biết nhiều. Ai học ít, đọc ít thì bị thua. Thua thì lại tiếp tục học cho giỏi bằng người. Ông đáp:



– Vâng. Quang-Minh lớn tuổi hơn Minh-Đệ, vậy xin huynh hỏi y trước cho.



Thầy đồ Thái hướng Quang-Minh:



– Đoàn huynh! Cứ như Đoàn huynh biết thì chữ lễ có từ bao giờ? Ai là người định ra chữ lễ đầu tiên?



– Thưa thầy chữ lễ có từ thời Khổng-tử. Khi Khổng-tử chưa thành danh, mà đã được vị quan nước Lỗ là Trọng-tôn Cồ gửi hai người con đến học leã. Như vậy chính ngài là người định rõ thế nào là lễ.



Nghe Quang-Minh ứng đối sai lạc, thầy đồ Trọng-San thở dài, lắc đầu. Ông hy vọng Minh-Đệ cũng không hơn học trò mình. Ông hỏi Minh-Đệ:



– Lê cô nương, Quang-Minh trả lời có đúng không?



– Thưa thầy sai. Sai hoàn toàn. Đức thánh giỏi về lễ, không có nghĩa rằng ngài đặt ra lễ nghi đầu tiên. Chính ngài là người san định kinh Lễ, chứ không phải ngài đặt ra lễ. Nay kinh Lễ tuy mất, nhưng cũng còn một thiên Lễ ký. Ngài nói: Thuật nhi bất tác, nghĩa rằng ta chỉ thuật lại những gì của người xưa, chứ không sáng tác. Vì vậy lễ nghi của Nho gia vốn có từ trước Khổng-tử.



Thầy đồ Trọng-San không ngờ kiến thức Yến-Loan lại rộng như vậy. Mỗi lời Yến-Loan nói ông lại gật đầu. Tuy học trò ông thua, nhưng ông giữ đạo Trung-dung, nên khi thấy một cô gái quê mà giỏi như vậy, ông lại vui vẻ. Ông thủng thỉnh nói:



– Câu đầu Quang-Minh đáp sai. Lê cô nương giảng đúng. Người thua rồi.



Tuy nói vậy, nhưng ông vẫn hy vọng vào câu khác, may ra Quang-Minh gỡ được. Ông hỏi Yến-Loan:



– Bây giờ tới lượt tôi hỏi Lê cô nương. Thế chữ Lễ để chỉ điều gì?



Yến-Loan đáp không suy nghĩ:



– Thưa thầy tối cổ chữ lễ dùng để chỉ việc cúng tế, có tính cách tôn giáo. Sau dần dần, gồm cả phong tục, tập quán như: quan, hôn, triều, sính, tang, tế. Rồi tới thời Khổng-tử thì còn có nghĩa là điển chương, hình pháp.



Quang-Minh lắc đầu:



– Bịa đặt! Bịa đặt! Xin dẫn chứng?



Yến-Loan cười khỉnh:



– Tôi xin dẫn chứng. Trong Tả-truyện chép:



«...Tấn hầu bảo Nhữ Thúc-Tề « Lỗ hầu cũng giỏi về Lễ đấy nhỉ?”. Đáp « Đó là nghi thức, không thể gọi là lễ. Lễ để giữ nước, thi hành chính lệnh mà không mất lòng dân” (1).



Câu trên đã phân biệt nghĩa hẹp của lễ là nghi, tức là quan, hôn, tang, tế. Câu dưới nói rõ lễ là điển chương, luật pháp. Nhưng lễ khác với luật ở chỗ lễ có mục đích giáo hóa, ngăn ngừa tính ác, việc ác chưa xẩy ra. Còn luật pháp để trị cái ác đã xẩy ra rồi.



Ghi chú,



(1) Nguyên văn: Tấn hầu vi Nhữ-thúc-Tề viết: « Lỗ hầu bất diệc thiện ư lễ hồ?”. Đối viết: « Thị nghi dã, bất khả vị lễ. Lễ sở dĩ thủ kỳ quốc, hành kỳ chính lệnh, vô thất kỳ dân giả dã”.



Quang-Minh lắc đầu:



– Láo, ngụy biện.



Thầy đồ Trọng-San xua tay:



– Minh thua rồi, Lê cô nương giảng đúng. Lê cô nương thắng hai câu. Thế nhưng Quang-Minh lại bảo là sai, thì Quang-Minh thua một câu nữa. Bây giờ xin thầy Thái hỏi Minh.



– Đoàn huynh cho biết lễ nghĩa là gì?



– Thưa thầy trong Lễ ký đã định nghĩa trọn trong mấy chữ: Lễ là cái thực của nghĩa. (2)



Ghi chú,



(2) Nguyên văn: Lễ dã giả, nghĩa chi thực dã.



Minh-Đệ lắc đầu:



– Lễ không giản dị như vậy đâu. Lễ có rất nhiều nghĩa. Một là lễ dùng để làm phạm giới cho cung, cẩn, dũng.



Quang-Minh kêu lên:



– Bậy! Bịa đặt.



Minh-Đệ lại cười rất tươi hướng ông đồ Trần:



– Thưa thầy, xin thầy cho biết câu này do ai nói:



« Cung kính mà không có lễ thì phiền; cẩn thận mà không có lễ thì thành sợ hãi; dũng mà không có lễ thì thành ra loạn; chính trực mà không có lễ thì thành ra hấp tấp ».



– À, câu đó là của đức thánh Khổng. (3)



Ghi chú,



(3) Nguyên văn: Cung nhi vô lễ tắc lao, thận nhi vô lễ tắc tỷ, dũng nhi vô lễ tắc loạn, trực nhi vô lễ tắc giảo.



Mặt Quang-Minh đỏ như gấc, y gượng gạo:



– Cô nói lễ có nhiều nghĩa. Đây mới là một. Một không phải là nhiều? Vậy thứ hai, thứ ba, thứ tư là gì?



– Tôi đã trình bầy hết đâu? Nghĩa thứ hai của lễ do chính Khổng-tử nói: « chỉ kẻ bất nhân mới không có lễ ».



Quang-Thạch biết Yến-Loan nói kháy mình. Y hừ một tiếng:



– Mi khỏi nói kháy nữa. Nếu mi không dẫn chứng được nghĩa này, thì ta lột da đầu mi.



– Dạ, quân hầu khỏi đe dọa. Câu đó nguyên văn như sau: « Nhân nhi bất nhân, như lễ hà”. Ngài còn nói: Người ta sinh ra tính vốn trực. Như vậy con người càng tự nhiên thì càng có lễ. Ngài cực ghét bọn ngồi trên mà làm láo (xảo ngôn lệnh sắc). Nhưng ngài cũng định rõ: chất phác mà thiếu văn vẻ thì quê mùa. Văn vẻ mà thiếu chất phác thì rườm rà. (4)



Ghi chú,



(4) Nguyên văn: Chất thắng văn tắc dã. Văn thắng chất tắc xử.



Nàng hướng vào Quang-Minh:



– Nghĩa thứ ba của lễ là phải khoan hòa, không như luật pháp thì tàn bạo. Trong Đại-học đã dẫn lời ngài: xử kiện thì ta cũng xử như người, phải làm sao cho dân dừng kiện nhau mới là người cai trị giỏi. (5). Một nghĩa nữa của lễ mà Khổng-tử định nghĩa rằng phải thành thực, ngay thẳng trước hết. Luận-ngữ, thiên Bát-dật thuật: Tử-Hạ hỏi Khổng-tử rằng. Kinh-thi nói: « Miệng chúm chím cười tươi, mắt đẹp đẽ long lanh, trên nền trắng có bức họa đủ mầu » nghĩa là gì? Ngài đáp: « phải có sẵn nền trắng rồi sau mới vẽ thành bức họa ». Tử-Hạ hỏi tiếp: « thế là phải thành thực, trung chính rồi mới theo lễ ư? ». Ngài khen Tử-Hạ là hiểu được ý ngài. (6)



Ghi chú,



Nguyên văn:



(5) Thính tụng ngô do nhân dã, sử vô tụng hồ?



(6) Tử-Hạ vấn viết: Thi vân « Xảo tiếu thiến hề, mĩ mục phán hề, tố dĩ vi huyến hề ». Hà thị dã? Tử viết: Hôi sự hậu tố. Viết: Lễ hậu hồ? Tử viết: Khởi dư giả, Thương dã.



Cuộc tranh luận về chữ lễ giữa đệ nhất Thái-bảo trường Trung-nghĩa, được coi như văn hay chữ tốt bậc nhất trong vùng cùng với một cô gái quê, chỉ đọc thông văn tự; diễn ra trước mặt lý dịch trong làng Thổ-lội, cùng hơn trăm học trò. Rõ ràng Quang-Minh là người có học thức nhất, thì ngôn từ lại thô tục, cộc cằn; còn Yến-Loan trước mắt mọi người thì chỉ là một thứ rác rưởi, nhưng ngôn từ của nàng lời lời ôn nhu văn nhã, lý luận đanh thép. Ngay chính ông bà Thiết cũng không ngờ kiến thức con mình lại rộng bao la đến như vậy. Chỉ có một người duy nhất không ngạc nhiên, đó là thầy đồ Thái.



Thầy đồ Trần Trọng-San vốn là người quân tử, lại học nhiều, hiểu rộng, chỉ qua mấy câu đối đáp, thầy biết ngay sở học của học trò mình thua xa Minh-Đệ. Ông cung tay nói với thầy đồ Thái:



– Nhân huynh! Tính chung Lê cô nương đáp đúng ba câu, Quang-Minh đáp sai ba câu. Đệ công nhận kiến thức Quang-Minh thua Lê cô nương quá xa. Dù có tranh luận đến mấy nữa cũng vô ích mà thôi. Đệ là thầy Quang-Minh, đệ xin trân trọng nói với nhân huynh rằng Lê cô nương thắng, Quang-Minh thua.



Từ nãy đến giờ, bốn người bạn của Yến-Loan đứng nghe bạn đối đáp về Nho-học, họ quá kinh ngạc, vì trước đây kiến thức của năm người ngang nhau. Thế mà chỉ với hai năm xa cách, mà Yến-Loan đã bước những bước dài trên đường học văn, bỏ xa đệ nhất Thái-bảo trường Trung-Nghĩa.



Trinh-Dung bước ra, hướng Quang-Thạch xá một xá:



– Bẩm quân hầu, cháu là con gái, lại ít học, cháu có vài câu thắc mắc, mong quân hầu giải cho.



– Được cháu cứ hỏi.



– Thưa quân hầu.



Trinh-Dung lễ phép: Không biết trong trường Trung-nghĩa có dạy về đạo người quân tử cho môn sinh không?



– Có, không những dạy, mà còn dạy rất kỹ.



– Thế bẩm quân hầu, chỉ học để biết, hay là còn phải thực hành?



– Tri thì phải hành chứ!



– Như vậy cháu thấy dường như trong trường không dạy về tam cương, ngũ thường thì phải.
Không sót nơi nào không hưởng,



Âm dương mưa thuận nắng hòa.



Lân, phượng trong cung ngoài nội,



Hòa hót mừng nước thanh bình.



Trời đất tiếp phúc mãi mãi,



Thôn dã an ninh, phồn vinh.



Thánh đức ngày càng dài rộng,



Tuổi thọ vua ta vô cùng.



Hai đội thiếu nữ múa hát xong, lui vào đứng thành hàng dài bên đường. Cô nào cũng tưởng tượng rằng đức vua đang ngắm nhìn mình sau bức màn kiệu. Minh-Can cũng có mặt trong đội vũ đó. Ả ẹo ẹo nghiêng vai ngiêng đầu, tay vuốt tóc làm dáng, trong tâm tưởng ả cho rằng mình là Hằng-Nga, và đức vua sẽ truyền đem ả về cung phong làm hoàng-hậu ngay.



Bỗng đâu đó có tiếng tiếng tiêu thổi lên véo von, ai cũng nhận ra đó là bài tiêu của bọn mục đồng thường tấu. Rồi có tiếng hát rất trong vọng lại:



Đức vua ngự ở trong cung,



Gian thần che phủ, mắt trông thấy gì?



Đức vua chỉ thấy cung phi,



Quần là, áo lụa, thấy gì nữa đâu?



Trăm họ đói rách, khổ đau,



Đức vua lễ Phật để cầu gì đây?



Cầu Phật, Phật ở phương Tây,



Sao không cầu đức, cầu ngay lòng mình.



Ta nay muốn nói thực tình,



Dẫu đao kề cổ, há đành chịu câm?



Tiếng hát rất rõ ràng, vọng lại ai cũng nghe thấy. Hương lý đều tái mặt hướng về nơi phát ra tiếng hát, thì ở đó có một cô gái quần lụa đen, áo cánh nâu đang đứng dựa gốc cây lan, quay lưng lại, nên không ai nhìn rõ mặt.



Trung-nghĩa đại tướng quân bảo đệ tử:



– Người ra bắt con nhỏ nào đó, đem chặt đầu tức thời.



Tên học trò dạ một tiếng, rồi tung mình vượt qua khoảnh vườn, tới chỗ cô gái đứng. Y vung tay chụp cổ áo cô. Ai cũng tưởng cô gái sẽ bị túm cổ nhắc bổng lên. Nhưng không ngờ, vù một tiếng, tên võ sinh bay bổng lên cao, rồi rơi xuống nằm dài ra như một khúc cây, không ai rõ y còn sống hay chết.



Cô gái lại cầm tiêu thổi một bản nhạc đồng quê, rồi cô cất tiếng hát:



Vua, quan nào phải ông trời?



Nhân, nghĩa không đủ, hại người chưa thôi?



Người xưng trung, nghĩa, là ai?



Là quân hại nước, xin trời thấu cho.



Rồi cô gái lại thổi tiêu.



Từ hôm Yến-Loan tố cáo Trung-nghĩa đại tướng quân, Siêu-loại hầu là phường bất trung, bất nghĩa, mãi quốc cầu vinh, dân làng ngày đêm thì thào bàn tán không ít. Trịnh Quang-Thạch phải cho mõ rao khắp trang ấp, ai mà nhắc đến chuyện đó thì y cho cắt lưỡi. Thế nhưng dân làng vẫn cứ thì thầm. Hôm nay, giữa lúc đức vua qua làng, mà cô gái này lại hát những câu như trên làm cho Quang-Thạch kinh hoảng. Y ra lệnh cho mười đệ tử:



– Xuống vây, bắt con chăn trâu đó chém ngay.



Nhưng có tiếng đức vua gọi Tả-kiêu vệ đại tướng quân Lý Thường-Kiệt. Ngài nói rất nhỏ, đến độ chỉ mình Thường-Kiệt nghe rõ. Thường-Kiệt vẫy tay bảo đám đệ tử trường Trung-nghĩa:



– Trở về chỗ, để đó cho ta.



Ông bảo một cung nữ đi sau kiệu vua:



– Người mời cô gái đến đây yết kiến hoàng thượng.



Người cung nữ băng qua khu vườn tới sau cô gái nói:



– Này chị. Đức vua tuyên chỉ gọi chị tới hầu.



Cô gái vẫn không quay lại. Cô lên tiếng hỏi người cung nữ:



– Ông vua của chị gọi tôi đấy à? Ông là vua của chị chứ không phải là vua của tôi. Tôi không tới đâu.



Rồi nàng nói một mình:



– Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Dân quý nhất, thứ đến đất nước. Vua không đáng gì). Tôi là dân, thì tôi đáng quý nhất, rồi tới xã tắc. Cái ông vua của chị chỉ đứng vào hàng thứ ba so với tôi mà thôi. Tại sao cái người đứng bậc ba, mà lại gọi người đứng bậc một tới nhỉ? Tại sao vua không tới đây để hầu tôi?



Nàng nói với cung nữ:



– Chị về hỏi đức vua của chị rằng: phàm làm vua, thì phải ưu tiên thiên hạ chi ưu; lạc hậu thiên hạ chi lạc. (Lo trước cái lo của dân. Vui sau cái vui của dân). Thế trong nước hiện có bao nhiêu người bị oan khuất nhà vua có biết không? Trong nước có bao nhiêu con gái nhà nghèo phải bán mình ở đợ, nhà vua có biết không? Trong triều, ngoài biên có bao nhiêu gian thần, phản quốc nhà vua có biết không? Nếu nhà vua của chị trả lời được bằng ấy câu hỏi, thì tôi sẽ đến trước ngài rập đầu tạ tội. Còn không, thì xin ngài hãy về kinh mà sửa đức.



Tiếng nói của nàng rất trong, rất rõ. Khi những lời đó lọt vào tai thầy trò Trịnh Quang-Thạch, thì tất cả đều tái mặt. Nhưng cũng những tiếng nói đó lọt vào tai Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế cùng Thái-bảo Lý Thường-Kiệt, công chúa Thiên-Thành, phò mã Thân Cảnh-Long, thì cả bốn người cùng rúng động.



Màn kiệu mở ra, hoàng-đế tung mình khỏi kiệu, rồi phóng lại phía cô thôn nữ. Trịnh Quang-Thạch vẫy tay cho mười học trò của y cùng vọt theo sau đức vua để hộ vệ. Nhưng thấp thoáng ba bóng xẹt tới trước mặt chúng. Rồi bình, bình, bình, thầy trò Quang-Thạch lại bay tung về chỗ cũ, giống như chúng nhảy trở về vậy.



Mọi người nhìn lại, thì ra Thái-bảo Thường-Kiệt cùng công chúa Thiên-Thành, phò mã Cảnh-Long ra tay ngăn cản. Công chúa nói bằng giọng uy nghiêm:



– Các người không được vọng động!



Đức vua tiến đến trước mặt cô gái. Ngài ngây người ra một lúc, rồi tay ngài như run run nắm lấy tay cô. Ngài cất tiếng:



– Yến-Loan, em đấy ư? Anh nhớ em đến chết được. Anh tìm em khắp nơi mà không thấy. Anh phải bầy ra việc đi hành hương để tìm em.



Cô gái đó quả thực là Yến-Loan, nàng run run hỏi:



– Trời ơi, thì ra anh là vua đấy à? Sao anh nói dối rằng anh là nho sĩ Dương Tông? Tể tướng họ Dương bảo anh là quân trộm cướp, đã đột nhập hoàng thành ăn cắp nữ trang của Hoàng-hậu đem tặng em. Tể tướng bắt anh xung quân rồi.



Đức vua vẫn nói trong hơi thở:



– Khi mới gặp em, anh chả nói rồi, mà em cứ mắng anh là nói thánh, nói tướng. Hôm đó, Thường-Kiệt núp phía sau nghe em với anh đối thoại. Anh đã nói rằng y thấy anh là bỏ chạy kia mà. Tại sao? Vì y là dưỡng tử của anh.



Bây giờ Yến-Loan mới biết người yêu của mình lại chính là Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế. Hèn gì hôm đi chơi ở Thăng-long, nàng chê đức vua là thiếu đức nhân, thì lập tức Dương Tông quát lớn lên. Nàng tự chửi thầm:



– Mình đáng chết thực, hôm đầu chàng chẳng từng nói tên chàng là Dương Tông đó sao. Tên của nhà vua là Nhật-Tông. Nhật tức mặt trời, mặt trời là thái dương. Vậy Dương Tông hay Nhật-Tông cũng vậy.



Nhà vua ban chỉ:



– Thôi, chúng ta xa cách như vậy đủ rồi. Em hãy theo anh về cung để cùng kiến tạo đất nước này thành đất nước thời vua Hùng, vua Trưng, sao cho muôn người đều hạnh phúc.



– Em không về đâu!



Nhà vua chưng hửng:



– Sao vậy?



– Anh đã trả lời mấy câu hỏi ban nãy của em đâu?



– Được rồi, ngay khi về Thăng-long, anh sẽ ban chỉ đại xá thiên hạ, anh sẽ bỏ tiền ra chuộc tất cả con gái nhà nghèo phải bán mình cho người, rồi đem gả cho người góa vợ, hoặc người nghèo không tiền cưới vợ. Anh lại ban chỉ xá thuế trên toàn quốc một năm. Sau đó em với anh sẽ bắt hết bọn gian thần, tặc tử dạy dỗ chúng nó trở lại chính đạo. Như vậy em đà vui lòng chưa?



– Em cũng không về. Em không muốn làm vợ vua.



– À, em không muốn làm vợ vua thì thôi. Hôm đó em với anh đánh cuộc. Anh nói rằng nhất định Thường-Kiệt không dám xuất hiện. Còn em thì bảo sư huynh sẽ xuất hiện. Chúng ta ước hẹn, nếu ai thua thì phải làm một việc cho người thắng. Hôm ấy Thường-Kiệt đâu có xuất hiện? Như vậy là em thua rồi. Em thua thì phải làm cho anh một việc chứ?



Yến-Loan nhớ chuyện cũ, lòng nàng ngùn ngụt yêu đương, hỏi:



– Bây giờ anh muốn em phải làm gì nào?



Nhà vua nắm tay nàng:



– Điều anh muốn là... em về Thăng-long, làm vợ anh.



Yến-Loan dơ tay định đánh sẽ vào vai nhà vua, để tỏ một cử chỉ yêu đương. Nhưng nàng vội dụt tay lại, vì người đứng trước nàng không còn là Dương Tông đa tình nữa, mà là Hoàng-đế. Nàng cười, hai mắt óng ánh đầy tình tứ:



– Thôi, em chịu thua rồi.



Tuy hai người đối đáp rất nhỏ, nhưng quan Thái-bảo Lý Thường-Kiệt, cùng công chúa Thiên-Thành, phò mã Thân-cảnh-Long cũng nghe rõ mồm một. Công chúa vận nội lực nói lớn:



– Hoàng thượng đã tìm thấy Hằng-Nga rồi. Hằng-Nga đang cùng hoàng thượng đàm thoại về việc sao cho dân giầu, nước mạnh.



Dân chúng khắp làng Thổ-lội đều đã nghe nói nhiều về Yến-Loan. Nào là học một biết mười, nào là đức hạnh, nào là tề gia nội trợ giỏi, nhưng do số kiếp an bài, nên bị mẹ ghét bỏ, bị em hành hạ, bị người ở khinh khiến. Họ thường đem chuyện nàng ra bàn luận với tất cả thương cảm. Rồi tự nhiên nàng biến mất, hai năm mới trở về với nhan sắc diễm lệ. Mới đây nàng đấu văn thắng đệ nhất thái bảo trường Trung-nghĩa, đấu võ thắng cả Trung-nghĩa đại tướng quân. Sau khi thắng, nàng mắng y là bất trung, bất nghĩa, là gian thần bán nước. Thế nhưng y không dám hại cha mẹ nàng. Họ than thở với nhau: nàng đẹp như vậy, nhưng không chịu ra cho làng tuyển vào đội ca vũ đón đức vua. Bây giờ họ thấy đức vua nói chuyện thân mật với nàng như một cặp tình nhân dân dã. Ngài lại tuyên chỉ rằng nàng chính là Hằng-Nga trong giấc mộng năm xưa. Người người nhìn nàng mặc quần áo quê mùa, nhưng đẹp huyền ảo, đi cạnh đức vua. Ai cũng suýt xoa:



– Hằng-Nga giáng thế có khác.



Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế đắt Yến-Loan trở về kiệu. Yếm-Loan thấy bốn người bạn Trinh-Dung, Ngọc-Huệ, Thanh-Thảo, Ngọc-Nam trong đội thiếu nữ múa hát. Nàng vẫy tay gọi bốn người:



– Em về Thăng-long, rồi sẽ đón bốn chị cùng về, để Hồng-hà ngũ tiên mưu hạnh phúc cho dân, tạo hùng khí Đại-Việt như thời vua Trưng.



Đức vua cùng Yến-Loan lên kiệu. Nhã nhạc lại tấu khúc Hồi-loan.



Ghi chú,



Trong kiệu, đức vua với Yến-Loan bàn bạc những gì? nói với nhau những gì? và... làm những gì? Cho đến nay, sau ngót nghìn năm không ai đoán ra nổi. Chúng tôi đã tìm tòi hết chính sử, dã sử, huyền sử không có sách nào thuật để người sau biết. Độc giả Nam-quốc sơn vốn thông minh, xin cứ tùy tâm mà đoán. Nếu độc giả có đoán sai cũng không sao, tôi tin rằng anh hồn hai vị cũng không trừng phạt đâu. Bởi Chương-thánh gia khánh hoàng đế là ông vua nhân từ. Còn Ỷ-Lan sau trở thành Linh-Nhân hoàng thái hậu, về già lại đi tu, đắc quả Bồ-tát, đầy từ bi hỷ xả, tuy ngài rất thiêng, nhưng không chấp nhất bậc cháu chắt như chúng ta.