Nam Quốc Sơn Hà

Chương 14 : Nhân trị, pháp trị

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


U-bon vương Lê-Văn trình ra tất cả những chứng cớ về việc tể-tướng Dương-đạo-Gia làm gian tế cho Tống như: thư của Tần-vương Triệu-Thự gửi cho y, thư của y gửi sang cho Thự, bản cung từ mà Đoàn-quang-Minh nộp cho Ỷ-Lan. Mặt Dương-đạo-Gia tái xanh như tầu lá.



Vương tâu với nhà vua:



– Thần còn một số thư từ tối mật, không thể công bố với bách quan. Xin dâng để bệ hạ ngự lãm.



Nói rồi vương tháo cái túi đeo ở trên lưng xuống, lấy cái tráp khá lớn dâng lên cho nhà vua. Nhà vua đỡ tráp, thấy rất trầm trọng, thì biết bên trong có nhiều vật lạ. Ngài mở tráp ra, ánh sáng vàng, ngọc trong tráp chiếu sáng ngời. Trên cùng có tờ giấy ghi rõ số vàng, ngọc, của Tống do ai đem sang, đã trao cho ai, trao tại đâu, ngày nào. Dưới đáy tráp còn một số thư từ do thái-hậu, hoàng-hậu gửi cho Dương-đạo-Gia. Nhà vua mở từng tờ thư ra coi, long nhan đỏ lên vì giận. Ngài nghĩ thầm:



– Hỡi ơi! Thiên-Cảm thái hậu được phụ hoàng ta cực kỳ sủng ái. Chính vì vậy mà phụ thân bà là Dương-đức-Thành mới được lên tới chức tể-tướng. Rồi Dương gia lạm quyền, khiến Dương-đức-Thao, Dương-đức-Uy bị Ưng-sơn giết chết. Hồi đó phụ hoàng ta đã ân xá cho họ Dương. Ta tưởng như vậy, từ nay chúng không dám làm bậy nữa. Không ngờ bây giờ, chính thái-hậu, hoàng-hậu với Dương-đạo-Gia còn mưu dâng nước này cho Tống. Dù nhân từ đến đâu ta cũng không tha cho chúng được nữa. Đạo lý tộc Việt không cho ta giết thái-hậu, hoàng-hậu. Nhưng giữa đạo lý tộc Việt với việc bảo vệ giang sơn do biết bao anh hùng đổ máu mới tồn tại, thì ta phải chọn giang sơn. Thôi thì ta cứ xử vụ này bằng lối nhân từ, trù trừ, để Ưng-sơn song hiệp giết chúng đi cho rảnh.



Nghĩ vậy, nhà vua quay lại hỏi Khai-Quốc vương:



– Tâu Quốc-phụ, xin Quốc-phụ ban từ dụ cho thần nhi về việc này.



Khai-Quốc vương đưa mắt nhìn quần thần một lượt:



– Khu-mật-viện Đại-Việt do cô gia thành lập đã hơn ba chục năm. Trong ba chục năm qua, bất cứ gian thần tặc tử nào làm gì. Bọn Tống, bọn Chiêm, bọn trộm cướp nhất cử nhất động, Khu-mật-viện đều biết hết. Gần đây cô gia bận tu hành, ít chú ý đến chính sự, nhưng không phải vì vậy mà cô gia để mũ ni che tai. Tiền nguyên, hậu quả vụ này cô gia theo dõi rất kỹ, mỗi sự việc, mỗi hành động của Tống, của gian thần cô gia đều thông báo cho Bảo-Hòa, cho Bình-Dương, cho Tự-Mai, cho Lê-Văn biết. Nhưng cô gia chỉ giới hạn bởi năm người thôi. Xin bách quan đừng sợ hãi bọn gian. Để cô gia mời các nhân chứng vào đây cho quý vị thấy.



Vương bảo Thường-Kiệt:



– Con ra mời Yên-vương vương phi cùng sư bá Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo vào đây.



Thường-Kiệt ra ngoài một lát thì bốn người vào. Nhà vua thấy Lê-thiếu-Mai, vội xuống ngai vàng cung tay:



– Cháu xin có lời vấn an Lê tiên nương, kính mong tiên nương tha cho cái tội không ra ngoài thành tiếp đón.



Lê-thiếu-Mai vội cung tay:



– Thực nhọc sức bệ hạ. Tôi về đây với tư cách là con dân Đại-Việt, mà bệ hạ miễn cho lễ nghi đã là may mắn rồi. Đa tạ bệ hạ đã hạ thể. Tôi được tiên-nương Bảo-Hòa gọi về khẩn để khuyên can Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng nhẹ tay với một số gian thần tặc tử.



Nhà vua thân kéo ghế cho Thiếu-Mai ngồi bên công chúa Bảo-Hòa.



Nhắc lại để độc giả nhớ: Yên-vương Triệu-nguyên-Nghiễm là thái sư, là Quốc-phụ của Trung-quốc, trong khi chức tước của vua Lý Thái-tổ, Thái-tông chỉ là Nam-bình vương, thấp hơn vương đến mấy bậc, mà Lê-thiếu-Mai là vương phi của Yên-vương, địa vị cao quý biết mấy. Gần đây, Thiếu-Mai cùng với Dương-Bình, Hoàng-Giang cư sĩ, Lê-Văn, đi hành y-đạo cứu người, nức tiếng thiên hạ, được tặng danh hiệu Đại-Việt tứ tiên, cho nên bà đi đến đâu cũng được trọng vọng. Trước đây, đa số những người bị Mộc-Tồn hòa thượng kết án tử hình, chỉ cần bà lên tiếng, là phạm nhân được ân xá ngay.



Nhà vua cũng truyền lấy ghế mời Phục-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo ngồi.



Phụ-Quốc cung tay:



– Tâu bệ hạ, ba anh em tên nhà quê ở đất Thiên-trường được Khai-Quốc vương gọi về đây để bàn kế cứu mấy vạn người gia thuộc của bọn gian thần tặc tử sắp bị sư đệ Tự-Mai giết chết. Nhưng vì anh em thần bận rộn, về trễ một ngày, hóa cho nên Trung-nghĩa đại tướng quân Trịnh-quang-Thạch cùng vợ con, gia thuộc, súc vật đều bị giết chết hôm qua.



Nhà vua kinh hoảng:



– Cả nhà Trịnh-quang-Thạch bị giết hết rồi sao?



– Vâng. Thạch với bẩy bà vợ; tám con trai, mười chín con dâu; bốn con gái, bốn con rể; ba mươi mốt cháu nội, cháu ngoại, mấy trăm súc vật đều bị giết sạch. Tài vật trong nhà gồm tiền, vàng, bạc cho đến thực vật như lúa, gạo, cá khô, với thịt thú vật bị giết... đều đem chia cho cùng dân trong tổng Dương-quang.



Lễ-bộ tham tri Mai-Thứ hỏi:



– Thưa đại hiệp, trường Trung-nghĩa lúc nào cũng có hơn ba trăm môn sinh luyên võ, lại nữa trong làng Thổ-lội có hơn trăm hoàng nam cầm binh khí, thì làm sao...làm sao Ưng-sơn song hiệp có thể hành sự dễ dàng như vậy? Không lẽ Song-hiệp mang đại binh theo?



Trung-Đạo mỉm cười:



– Thượng-thư quá trung thực, nên không hiểu được sư đệ Tự-Mai. Khi còn là Tần-vương, ở giữa kinh thành nhà Tống, mà y còn ra tay giết cả nhà của tể-tướng đến mấy nghìn người, huống hồ cái gọi là trường Trung-nghĩa? Y hiện có mặt ở Trường-sa chứ đâu có về Đại-Việt? Kẻ ra tay có lẽ là thủ hạ của y mà thôi.



Ông nói thực chậm: Khi Ưng-sơn đã ra tay, thì y nghiên cứu cực kỳ chu đáo. Sáng sớm hôm qua, dân làng Thổ-lội, Phú-thụy, Minh-khai, Kiêu-kị nghe tiếng mõ rao rằng: Ưng-sơn song hiệp sẽ xử tội Trịnh-quang-Thạch. Lập tức họ ùn ùn kéo nhau đến trường Trung-nghĩa. Khi họ tới nơi, thì thấy lý dịch như lý-trưởng, phó-lý, trương-tuần, thủ-bạ đều ngồi sau cái bàn dài. Phía trước bàn, bên phải là toàn thể gia thuộc Trịnh-quang-Thạch bị trói. Phía bên trái là môn sinh trường Trung-nghĩa. Phía trước bỏ trống, dân chúng thấy vậy tụ tập ở đây.



Trung-Đạo ngừng lại hớp một hớp trà rồi tiếp: Chắc các vị hỏi tại sao lại có sự kiện lạ như vậy phải không? Thưa, nhóm người của Ưng-sơn chỉ có bẩy mạng. Tinh mơ hôm qua, sau khi ăn sáng xong, toàn thể môn sinh, gia thuộc của Quang-Thạch cảm thấy chân tay vô lực, thì ra họ trúng độc. Bấy giờ bẩy người xuất hiện. Tất cả môn sinh, gia thuộc đều bị điểm huyệt. Người cầm đầu chỉ đánh ba chiêu, khiến Quang-Thạch, Quang-Minh bị lạc bại. Họ điểm huyệt, rồi kề đao vào cổ, bắt chúng viết thư gọi lý dịch đến, gọi mõ tới. Khi lý dịch, mõ đến, thì đều bị điểm huyệt, rồi cho ngồi vào bàn. Một người trong bọn Ưng-sơn vung đao chặt đầu tên tay sai ác đức nhất của Quang-Thạch là Vũ-Đức, khiến mõ kinh hồn táng đởm. Sau đó họ bắt mõ phải đi rao như lời họ truyền. Nếu quý vị là mõ, liệu quý vị có can đảm chống lại họ không?



Trung-Đạo đưa mắt nhìn những chân tay của phe họ Dương một lượt, khiến ai nấy đều lạnh gáy.



Ông tiếp: người cầm đầu nhóm Ưng-sơn đem bản cáo trạng Trịnh-quang-Thạch ra đọc cho dân chúng nghe.



Phụ-Quốc trình nhà vua một trục giấy:



– Tâu bệ hạ, đây là bản án mà Ưng-sơn đọc trước mặt dân tổng Dương-quang, cùng treo khắp vùng Kinh-Bắc.



Nhà vua gọi Bùi-Hựu:



– Văn-minh điện đại học sĩ. Xin học sĩ đọc cho cả triều đình nghe.



Bùi-Hựu cầm trục giấy mở ra đọc:



« Kiểm-hiệu thái-sư,



Lĩnh-Nam tiết độ sứ,



Tả kim ngô đại tướng quân.



Khu-mật-viện sứ.



Quan sát sứ,



Giang-Nam đô hộ,



Thượng-trụ quốc, lĩnh Thị-trung. Kinh-Nam vương, nhà Đại-Tống, là thôn phu đất Thiên-trường Đại-Việt cùng trưởng-đại công chúa Huệ-Nhu.



Cáo tri với trăm họ, võ-lâm tộc Hoa, tộc Việt rõ.



Tên Trịnh Quang-Thạch nguyên là dư đảng của bọn Hồng-thiết-giáo. Thời Thuận-thiên, sau khi chư vương nổi loạn, Hồng-thiết-giáo bị tuyệt diệt, y ẩn thân vào làm gia tướng họ Dương. Khi con gái họ Dương được vua Thái-tông bên Đại-Việt sủng ái, tấn phong làm Thiên-cảm hoàng hậu. Y tự nguyện tĩnh thân làm thái giám. Sau đó nhờ có công trong những lần theo quân đi dẹp giặc, y được thăng hàm Trung-nghĩa đại tướng quân, tước Siêu-loại hầu.



Tưởng với chút tài mọn, được làm tướng, được phong hầu, đã khiến y thoả mãn. Hay đâu, y lại cùng với chủ là Dương Đạo-Gia, mưu thí chúa cướp ngôi, mãi quốc cầu vinh. Y lập ra trường Trung-nghĩa, thu đệ tử, dạy văn lẫn võ, rồi Dương Đạo-Gia dùng thế lực bổ làm văn quan, võ tướng, gây thanh thế, sau đó sẽ đi đến cướp ngôi vua Đại-Việt. Đó là tội phản nghịch. Theo bộ Hình-thư của Đại-Việt, thì phải xử lăng trì, và giết cả nhà.



Gần đây, Đạo-Gia với y cho người sang Trung-nguyên hiệp đảng với bọn tham quan Tống triều, hầu sau khi Đạo-Gia cướp ngôi vua, sẽ được Tống triều phong vương. Y đã nhận trước sau một nghìn lựơng vàng cùng ngọc ngà châu báu của Tần-vương Triệu-Thự, đem về mua chuộc võ lâm, tham quan Đại-Việt, đợi khi Tống đánh sang, sẽ nổi lên làm nội ứng. Y lại chiêu mộ võ sĩ, rồi sai sang Chiêm-thành, giúp Chiêm huấn luyện sĩ tốt, để một mai khi Tống cử sự đánh sang, thì Chiêm đánh phía sau Đại-Việt. Đây là tội mãi quốc. Theo bộ Hình-thư Đại-Việt thì bản thân phải tội lăng trì và giết cả nhà.



Tên Thạch cùng Tần-vương Triệu-Thự hiệp đảng với họ Dương gây ra vụ án chùa Từ-quang, với hai mục đích. Một là để hãm hại các võ tướng vốn xuất thân từ nhà họ Mai của Linh-Cảm hoàng thái hậu. Hai là gây chia rẽ giữa triều đình võ lâm Đại-Việt với phái Đông-a và cô-gia nằm trong mưu đồ thí chúa, mãi quốc. Theo bộ Hình-thư của Đại-Việt, phải tội lăng trì và giết cả nhà.



Tội của họ Dương, tội của Quang-Thạch phạm trường là Đại-Việt, đáng lẽ triều đình cùng võ lâm Đại-Việt phải xử chúng. Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế đã được mỹ nhân Ỷ-Lan tâu trình đầy đủ trên đường từ Pháp-vân tự về Thăng-long. Vua bà Bắc-biên chưởng môn phái Mê-linh, tiên nương Thân Bảo-Hòa chưởng môn phái Tản-viên, phò mã Thân Thiệu-Thái chưởng môn phái Tây-vu, đại sư Huệ-Sinh phái Tiêu-sơn, sư huynh Trần Phụ-Quốc chưởng môn phái Đông-a... tất cả đều biết tội trạng của họ Dương, của Trịnh Quang-Thạch từ lâu. Thế mà, ba tháng trôi qua, vẫn chưa xử tội chúng.



Than ôi! Họa nước, ách dân như dầu sôi, như lửa cháy mà triều đình với võ lâm còn chần chờ, nên cô gia với công chúa phải thế thiên hành đạo, để bảo vệ Đại-Việt, để giữ tình thương giữa tộc Hoa, tộc Việt, cùng là con cháu vua Thần-Nông. Trước hết xử lăng trì tên Trịnh Quang-Thạch và giết cả nhà y. Sau đây một tháng, nếu triều đình, võ lâm Đại-Việt chưa xử tội họ Dương. Triều đình, võ lâm Trung-nguyên chưa xử Tần-vương, cô gia sẽ thế thiên xử chúng.



Nay cáo tri.



Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh năm thứ 5 của Đại-Việt.



Niên hiệu Gia-hựu năm thứ 8 của Đại-Tống».



Trung-Đạo tiếp:



– Sau khi đọc bản cáo trạng, người của Ưng-sơn đem hết thú vật, tài sản của Thạch chia cho dân nghèo trong làng. Họ gọi tên từng người, lĩnh từng món một. Thì ra họ đã nghiên cứu tài sản của y, nghiên cứu rõ người nào trong làng đáng được hưởng món nào. Phân chia tài sản xong, họ đem tên Quang-Thạch ra xử lăng trì. Cứ mỗi tiếng trống, tiếng chiêng lại dùng dao sắc cắt một miếng thịt. Quang-Thạch kêu thét lên như lợn bị chọc tiết. Sau khi xẻo miếng thứ năm, y đau quá định cắn lưỡi chết, thì một người trong nhóm Ưng-sơn cậy miệng y ra nhét dẻ vào. Cứ thế, họ xẻo đến miếng thứ một trăm mười bẩy thì y chết. Bấy giờ họ mới xử tử toàn gia y. Sau đó họ tha cho đám đệ tử trường Trung-nghĩa, rồi lên ngựa đi mất.



Nhà vua giật mình quay lại hỏi Lý Thường-Kiệt:



– Thường-Kiệt, Trịnh-quang-Thạch còn một người con là Quang-Liệt, hiện làm vũ-vệ hiệu-úy trong cung. Người phải cố gắng bảo vệ y đừng để Ưng-sơn nhập cung giết chết.



Thường-Kiệt đã ăn cùng mâm, ngủ cùng dường, chơi đùa với nhà vua suốt thời thơ ấu ở Tản-lĩnh, gì mà ông không biết ý ngài: ngài muốn ông dọa thêm mấy câu cho bọn gian thần kinh hãi Ưng-sơn hơn mà thôi. Nghĩ vậy ông tâu:



– Tâu bệ hạ, đối với Kinh-Nam vương, thần chỉ là đứa sư điệt nhỏ bằng hạt cát bên trái núi. Bản lĩnh của người lại cao thâm khôn lường. Đệ tử của người toàn những đại cao thủ Hoa-Việt, hành sự xuất thần nhập hóa đến quỷ không hay, thần không biết, thì làm sao nô tài đủ sức bảo vệ Quang-Liệt? Hơn nữa Quang-Liệt được đem vào cung do chỉ dụ của thái-hậu, chỉ thái-hậu mới được quyền sai phái y. Cho nên vụ bảo vệ y, muôn ngàn lần thần không thể nào đương nổi.



Quang-Liệt run run bước ra quỳ gối rập đầu:



– Thần hiện chầu hầu bệ hạ, thì coi như tính mệnh được bảo đảm. Nhưng còn... vợ con. Xin bệ hạ cứu vợ con, gia thuộc của thần. Vì sáng nay trên đường vào triều, thần thấy mảnh giấy này dán trên yên ngựa, xin kính đệ lên bệ hạ ngự lãm.



Y trình ra một tờ giấy, trên in hình chim ưng bay qua núi, dưới có mấy chữ « Gian thần, mưu thí chúa, mãi quốc, phải giết cả nhà trước giờ Ngọ ».



Bách quan cùng hướng ra sân nhìn bóng mặt trời. Vua bà Bình-Dương nói:



– Tôi biết tính của Kinh-Nam vương lắm, khi vương đẽ hẹn giờ hành hình, hoặc trừng phạt người nào, mà người đó trốn đâu cho quá giờ đó thì vương sẽ tha cho luôn. Chỉ còn một khắc nữa (14 phút ngày nay) thì coi như Trịnh vũ-vệ sẽ được ân xá.



Trần-phụ-Quốc hỏi Quang-Liệt:



– Phụ thân của hiệu úy trước làm gia tướng cho Dương phủ, rồi mới tĩnh thân làm thái giám, thì ông có vợ, có con là chuyện thường. Còn vũ-vệ tĩnh thân hồi bẩm sinh, được thái-hậu tiến cung, thì sao có vợ, có con được?



Công chúa Bảo-Hòa vẫy tay ra hiệu với Phụ-Quốc:


Nhà vua nói với Bùi-Hựu:



– Xin Văn-minh điện đại học sĩ khẩn cho làm chiếu chỉ để trẫm ban hành tu chính điều 329 bộ Hình-thư.



Khai-Quốc vương hỏi Trần Trung-Đạo:



– Sư huynh, cứ như tờ cáo trạng, thì Ưng-sơn yêu cầu Tống triều xử tội thái-tử Triệu-Thự. Không biết Tống triều đã xử chưa? Nếu xử thì xử như thế nào?



Trung-Đạo đứng lên hướng vào nhà vua:



– Tâu bệ hạ, Gia-Hựu hoàng đế đã lớn tuổi, sức khoẻ không được tốt, nên người ban chỉ gọi thái-tử khẩn về kinh để có thể thay người nhiếp chính. Thái-tử vừa lên đường về thì Dư-Tĩnh đột nhiên bị bệnh nặng phải ở lại Liễu-châu dưỡng bệnh. Đoàn tùy tùng đến núi Linh-lăng lại đến lượt Tiêu-Chú bị bệnh. Thành ra theo hộ giá thái-tử chỉ có vương phi Cao Thái-Vân, Lý-Hiến với đại-sư Pháp-Nhẫn mà thôi. Thái-tử bàn định bí mật đi qua Trường-sa không cho sư đệ Tự-Mai biết, rồi vượt Trường-giang về Biện-kinh. Khi đoàn tùy tùng tới Hành-Nam thì khám phá ra bao nhiêu vàng bạc không cánh mà bay. Vương phi Thái-Vân phải bán chiếc vòng đeo cổ để lấy tiền lộ phí. Nhưng đêm ấy, đoàn tùy tùng qua đêm tại một khách điếm thì sáng dậy hành lý bị mất sạch, kể cả thẻ bài, cùng chiếu chỉ của hoàng-đế truyền thái-tử kinh lý Nam-phương.



Triều đình nghe Trung-Đạo kể, họ đều đưa mắt nhìn nhau như cùng nói thầm:



– Thôi rồi, Ưng-sơn ra tay rồi.



– Tuy vậy đoàn tùy tùng vẫn tiếp tục lên đường, khi qua Hành-sơn thì đột nhiên ngựa của họ ngã lăn ra, sùi bọt mép chết hết. Tiền không, thẻ bài chứng nhận thân phận không, Thái-tử kinh hãi hỏi đại sư Pháp-Nhẫn xem phải làm sao? Đại sư đưa ý kiến rằng thành Trường-sa là nơi Kinh-Nam vương đóng đô không xa làm bao. Vương tuy khắt khe thực, nhưng dù sao vương phi cũng là cô của thái-tử, chỉ có cách đến đó để nhờ công chúa Huệ-Nhu giúp phương tiện về kinh. Từ Hành-sơn về Trường-sa mất khoảng ba ngày sức ngựa. Tiền không, y phục để thay đổi không, dọc đường đoàn tùy tùng phải vào mấy ngôi chùa xin ăn, tắm rửa. Cực chẳng đã, khi đoàn tùy tùng tới Tương-Nam, thái-tử đến xin gặp viên tri huyện ở đó để xin chu cấp trở về kinh. Không ngờ đoàn tùy tùng vừa xưng là thái-tử thì bị viên tri huyện truyền lính bắt trói giải về kinh để chém đầu. May nhờ võ công Pháp-Nhẫn cao siêu, nên phái đoàn không bị lính bắt. Đại sư Pháp-Nhẫn gặp viên tri huyện hỏi tại sao lại vô lễ như vậy? Thì viên tri huyện cho biết mới hai hôm trước, xa giá thái-tử cùng với Cao vương phi, Bắc-ban chỉ hậu Lý-Hiến, đại sư Pháp-Nhẫn qua đây. Viên tri huyện tiếp đón, cung phụng cực kỳ chu đáo. Công nho của huyện còn bẩy trăm lượng vàng chưa kịp đem về nộp cho An-phủ-sứ, thì thái-tử truyền rằng ngươi cần dùng vàng vào quốc sự tối khẩn, phải trao cho người. Thái-tử có biên nhận, đóng ấn tín đàng hoàng. Khi đi thái-tử còn truyền rằng: « Có bọn du thủ du thực, điên điên khùng khùng giả làm Thái-tử đi làm tiền các quan địa phương. Vậy hễ thấy chúng đến phải bắt trói giải về kinh ngay ».



Triều đình Đại-Việt nghe Trung-Đạo tường thuật đều bật cười, nhưng họ vô cùng ái ngại cho thái-tử Triệu-Thự. Vì họ biết rằng Ưng-sơn đã cho người trộm ấn tín, thẻ bài của bọn Triệu-Thự, rồi giả làm phái đoàn để lấy vàng, cùng lừa các quan, để các quan tưởng bọn Thự là bọn du thủ, du thực, mà giết chúng. Trung-Đạo tiếp:



– Lý-Hiến phải hết sức giải thích với viên tri huyện, nhưng y vẫn không tin. Cuối cùng nhờ một vị đội trưởng trong quân của huyện lệnh nguyên là đệ tử phái Thiếu-lâm nhận ra đại sư Pháp-Nhẫn là Thủ-tọa Đạt-ma đường. Triệu-Thự yêu cầu đưa y về Trường-sa, giáp mặt với công chúa Huệ-Nhu thì mới rõ trắng đen. Viên tri huyện đành cho quân áp tải cả đoàn đi. Khi qua Tương-đàm, lại xẩy ra biến cố nữa.



Mọi người cùng im lặng, chờ đợi Trung-Đạo kể. Trung-Đạo hướng Thường-Kiệt:



– Con cho sư bá gáo nước, sư bá mới kể tiếp được.



Ỷ-Lan bưng ngay ấm trà trước mặt, rót ra ba cái chung rồi bưng đến trước mặt ông:



– Kính mời đại hiệp xơi nước.



– Đa tạ Thần-phi.



Trung-Đạo uống nước rồi tiếp:



– Khi quân áp tải phái đoàn vào đến thị trấn Tương-Đàm, thì đã thấy thiết kỵ dàn ra như chờ đón. Thái-tử cho rằng tướng chỉ huy đạo quân ở đây biết rằng mình tới, nên tiếp đón. Viên tướng chỉ huy hỏi: « Có phải Tần-vương đó không? ». Thái-tử lên tiếng: « Ta đây. Tướng quân báo danh đi ». Lập tức đoàn thiết-kỵ bao vây đám tùy tùng của thái-tử lại. Biết có chống trả cũng vô ích, Triệu-Thự đành để cho chúng trói lại bỏ lên xe mang về trại. Lý-Hiến hỏi viên tướng: « Mi là ai mà vô lễ như thế này? Mi có biết rằng mi bắt giam trừ quân thì sẽ bị chu di tam tộc không? ». Viên tướng cười nhạt: « Bọn trộm cướp kia, bọn mi giả danh thái-tử lừa dối biết bao nhiêu quan lại một giải Hoa-Nam rồi, bây giờ bọn mi sa lưới, còn chối cãi ư? ». Viên đội trưởng của Tương-Nam giải thích rằng y được lệnh giải bọn này về Trường-sa cho công chúa nhận diện. Viên tướng lắc đầu: « Cách đây năm ngày, tôi tiếp được lệnh chỉ của thái-tử, có kiềm thự ấn tín cho biết người cùng với vương phi, đại-sư Pháp-Nhẫn, quan Bắc-ban chỉ hậu Lý-Hiến sẽ đi qua Tương-Đàm, hẹn phải ra đón. Chúng ta đón người, dâng tiệc, cùng dâng lễ vật. Sau đó người lên đường. Trước khi ruổi ngựa, người dặn ta: Có bọn gian tế giả dạng ta đánh lừa các quan địa phương để lấy tiền bạc. Vậy khi người thấy chúng đến thì bắt đem ra giữa chợ chém đầu ngay. Bây giờ các người sa lưới ta, còn chối cãi gì nữa? »



Phò-mã Thân-thiệu-Thái hỏi:



– Thưa sư thúc, không lẽ đại-sư Pháp-Nhẫn chịu để bị chém đầu sao?



– Dĩ nhiên là không. Đêm đó đại sư Pháp-Nhẫn cọ tay vào cánh cửa cho đứt dây trói, cứu cả bọn ra. Họ ăn cắp ngựa, rồi trốn đi. Nhưng khi họ đến Trường-sa, lúc qua chợ, tế tác thấy họ mặc quần áo lôi thôi, rách rưới mà lại cỡi ngựa của thiết kị. Họ mật báo cho quan tổng trấn Trường-sa. Lập tức quan tổng trấn Trường-sa truyền lệnh: cho thủy quân giả làm phu đò; dùng hai thuyền khác nhau. Một thuyền chở người, một thuyền chở ngựa. Khi chở chúng ra giữa hồ thì làm lật thuyền bắt sống. Cả bọn bị trấn nước đến phình bụng ra, trói thành một xâu giải đến dinh quan tổng trấn. Quan tổng trấn cho xét ngựa, biết là ngựa của Tương-Đàm, bèn kết tội cả bọn trộm ngựa của thiết kị, lên án chém ngang lưng ngay lập tức. Triệu-Thự kinh hoàng, y không xưng là thái-tử nữa, mà xưng là cháu công chúa Huệ-Nhu, yêu cầu cho được gặp công chúa. Quan tổng trấn không tin, y năn nỉ mãi, rồi viết một bức thư xin trao cho công chúa. Thư đi, mãi hôm sau công chúa mới sai võ sĩ đến đón y vào phủ Kinh-Nam vương.



Trung-Đạo hỏi Khai-Quốc vương:



– Vương gia là anh kết nghĩa của sư đệ Tự-Mai, xin vương gia thử đoán xem thái độ của y ra sao?



– Tôi biết Tự-Mai lắm. Khi kẻ nào bướng bỉnh không biết tội, thì y sẽ truy cho đến cùng. Còn khi kẻ nào biết ăn năn hối lỗi, van xin thì y tha ngay. Tôi chắc không những y không trách mắng Thự, mà còn an ủi, rồi cho thiết kị hộ tống về kinh.



Trung-Đạo chắp tay xá vương:



– Đúng như vương ước tính. Khi quân giải bọn Triệu-Thự tới phủ Kinh-Nam vương, sư đệ với công chúa chạy ra xem, thì đúng là thái-tử. Sư đệ thân cởi trói, rồi quát mắng đám thuộc hạ. Nhưng công chúa nhất định đòi đem thái-tử ra chặt đầu vì ba tội trạng. Một là gây chia rẽ tình Hoa-Việt. Hai là giả Kinh-Nam vương với công chúa, như vậy vô tình hại vương với công chúa. Ba là không có chiếu chỉ mà sang Đại-Việt. Sư đệ phải hết sức năn nỉ, công chúa mới chịu tha cho bọn Triệu-Thự về.



Ỷ-Lan nhìn Trung-Đạo tủm tỉm cười. Trung-Đạo hỏi:



– Thần phi! Có lẽ lời tường thuật của kẻ thôn phu này thiếu văn hoa làm thần phi cười chăng?



– Thưa đại hiệp, tôi đâu dám thế. Tôi cười vì Kinh-Nam vương thực khéo léo, đến công chúa là vợ mà cũng không biết chồng!



–???.



– Tôi nghĩ là tất cả những khốn khổ của Thự ở dọc đường là do Kinh-Nam vương sai bộ hạ gây ra, mục đích làm cho y nhục nhã. Vương đã làm như thế thì vương phải để y sống chứ? Giết y làm chi? Vả giữa hai việc để y sống và giết y thì việc nào có lợi? Giết y thì tiếng tăm Ưng-sơn khiến thiên hạ sợ hãi ư? Thì thiên hạ đã sợ rồi. Còn để y sống thì mai này y lên làm vua, mỗi khi nghĩ đến vương ắt y nổi da gà. Mỗi khi nói đến Nam xâm thì y bạt vía. Hơn nữa trong chuyến đi này y mất hết chí khí, mất hết uy tín, thì để y sống mới lợi. Còn giết y, thì triều đình sẽ lập người khác lên thay. Như vậy dễ gì người này sợ vương bằng y? Để y sống thì Đai-Việt ta ít ra cũng yên tĩnh trong suốt thời gian y trị vì.



Ghi chú,



Quả nhiên sau này Triệu-Thự lên ngôi vua, tức vua Tống Anh-Tông. Trọn thời gian Anh-Tông ở ngôi, bất cứ bọn quan lại nào bàn đến Nam xâm là nhà vua gạt đi. Đó là chuyện sau.



Ỷ-Lan đến trước nhà vua rập đầu binh binh. Nhà vua kinh hãi vội đỡ nàng dậy:



– Có việc gì khanh cứ nói, sao lại hành đại lễ như thế này?



– Tâu bệ hạ, ban nãy thần thiếp đã dẫn lời Quản-Trọng: « Làm vua không thể tư tâm, khoan dung, dễ dàng với người mình yêu; khắt khe với người mình ghét». Mấy hôm nay, thần thiếp nghe nội cung xì xầm, rồi đại thần bàn tán, bệ hạ quá sủng ái thần thiếp mà ban sắc chỉ phong thần thiếp làm thần-phi. Như thế e có chỗ bất thường trong hậu cung. Vậy thần thiếp thỉnh bệ hạ cứ cho thần làm tu-dung, tu-nghi, hay cung-nữ cũng được. Đợi sau này, thần thiếp có công trạng, hoặc tỏ ra được đức độ, bệ hạ sẽ phong cho thần thiếp lên chức phi cũng chưa muộn. Có thế mới chính được đạo tu, tề, trị, bình.



Nhà vua định từ chối đề nghị này, thì vua bà Bình-Dương gật đầu:



– Xin bệ hạ chuẩn tấu lời của Yến-Loan. Vì Yến-Loan là đệ tử của phái Mê-linh, đã là điều làm cho miệng thế dị nghị, ghen ghét rồi. Nay đùng một cái phong làm thần-phi thì e rằng bất lợi cho Yến-Loan hơn là lợi.



Nhà vua hỏi quan thái-phó Lý-đạo-Thành:



– Xin thầy cho biết tôn ý.



Đạo-Thành tâu:



– Bệ hạ nên phong cho Lê mỹ nhân làm phu-nhân là được rồi. Vì đẳng trật phu nhân không có trong nội cung bản triều. Bệ hạ có thể đặt phu cao hay thấp hơn thần phi cũng được.



Ỷ-Lan lại tâu:



– Hôm từ Thổ-lội về kinh, bệ hạ có hứa sẽ ban hành chiếu chỉ đại xá thiên hạ, để tạo ít phúc trạch cho thiếp. Nay xin bệ hạ thực hiện. Như vậy, tội của thái-hậu, hoàng-hậu trong vụ này được tiêu trừ.



– Được, trẫm giữ lời hứa.



– Bệ hạ còn hứa dùng tiền chuộc những người con gái bất hạnh phải bán thân cho nhà giầu, đem về gả cho người nghèo không tiền cưới vợ, và những người góa vợ. Nay nhân có vụ Dương tể tướng cùng một số quan phạm trọng tội. Thiếp cả gan xin bệ hạ đem hết số tiền chuộc tội của các quan, cùng vàng bạc tang vật trong vụ Tống mua chuộc võ lâm Đại-Việt mà sư thúc Lê-Văn đem nộp... để chuộc những người con gái bất hạnh...



Nhà vua gật đầu:



– Trẫm hứa. Bây giờ hai mẹ con bà Thúy-Hòang có thể ra về. Còn như họ muốn ở lại trong cung với phu nhân, trẫm cũng chuẩn tấu. Thôi, bãi triều.



Ban nhạc tấu bản Long-hồi:



Kỳ nghi bất thắc,



Túc ung hòa minh.



Tỷ tập hy vụ thuần hỗ,



Thọ khảo thả ninh.



Lệnh văn bất dĩ,



Duật tuấn hữu thanh.



Thiên tử vạn niên,



Phúc lộc lai thành. (9)



Chú giải,



(9) Dịch:



Cung đình chính lễ,



Đầy đủ, hòa minh.



Phúc tốt sáng rực,



Thọ bền, an ninh.



Thanh truyền vô tận,



Tốt bền dài lâu.



Thiên tử vạn năm,



Phúc lành đến mãi