Nam Quốc Sơn Hà

Chương 15 : Dân giầu, nước mạnh

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Ỷ-Lan về Thăng-long đã hơn năm rồi. Trong suốt một năm liền nàng làm việc cạnh nhà vua như một đại-học-sĩ. Mỗi tấu chương, nàng đọc cho nhà vua nghe, bàn luận với ngài. Sau khi nhà vua quyết định, thì chính nàng cầm bút son phê lên, rồi trình cho nhà vua ký. Các đại thần, từ tể-tướng Lý-đạo-Thành cho tới những vị trấn nhậm ở biên cương, khi thấy nét chữ châu-phê như rồng bay, như phượng múa, lời văn uyển chuyển thì biết ngay là của Ỷ-Lan phu-nhân. Trí nhớ của Ỷ-Lan rất tốt, mỗi tấu chương tới, nàng nhắc lại chuyện cũ như thế nào, nhà vua đã ban chỉ dụ ra sao, nay kết quả các nơi tấu về như thế đó. Nàng sai làm riêng một cái tráp, chia làm mười tám ngăn, mỗi ngăn cất một cuốn sổ ghi chú, tóm lược những diễn biến quan trọng. Trong mười tám ngăn, thì một ngăn cho phủ tể-tướng, một ngăn cho hậu cung, một ngăn cho Khu-mật-viện, sáu ngăn cho sáu bộ... lại có những ngăn cho Thị-vệ, cho Bắc-biên v.v. Cho nên chư sự trong cung, lục bộ, ngoài biên, nhất nhất mỗi sự nhà vua hỏi đến, nàng tâu trình rành mạch.



Tuy được nhà vua sủng-ái, tuy tài ba, tuy phụ tá nhà vua, nhưng Ỷ-Lan nghĩ rằng: lấy chồng vua hay lấy chồng dân, hạnh phúc hay không thì do mình tạo ra. Điều đó không khó. Nhưng đối với nàng, mình lấy chồng vua thì sao phải được lòng chồng, được lòng người xung quanh, rồi có thể nhân địa vị mình, mà mưu hạnh phúc cho dân. Cho nên nàng hết sức nhũn nhặn, yêu thương mọi người, luôn nhắc nhở nhà vua lấy lòng từ-bi của nhà Phật mà xử sự với cung nga, thái giám.



Hơn năm trước, trên đường từ Thổ-lội về Thăng-long, Ỷ-Lan nhớ đến năm đứa trẻ cùng sống ở chùa Từ-quang với nàng và bẩy đứa trẻ nghèo khó ăn xin ở Thăng-long. Nhớ nhung chồng chất, nàng định khi tới nơi, sẽ triệu hồi hai hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn đem chúng vào hoàng thành tương kiến. Nhưng khi nhập cung, nàng bị ràng buộc bởi luật lệ, lễ nghi; phải chờ cho tới khi được phong làm Ỷ-Lan phu nhân, mới có quyền triệu hồi, tương kiến với hoàng-tử. Lại nữa, từ triều đình, đến nội cung, nơi nào cũng có những lời xì xầm chống đối nàng về cái xuất thân dân dã, nếu nay nàng lại đem mười hai đứa em xuất thân ăn xin vào cung, thì những cái lưỡi dài như mãng xã lại được dịp nhả độc. Nàng đành nín nhịn.



Bây giờ, một năm qua, uy tín, tư cách của nàng lên cao, không còn ai dám xì xầm chống đối nữa, nàng mới nghĩ đến tương hội với bọn trẻ. Nàng hỏi cung nữ phụ trách lễ nghi:



– Này chị, ví thử tôi muốn mời hai hoàng-đệ Hoằng-Chân với Chiêu-Văn vào cung, thì thủ tục ra sao?



– Thưa phu-nhân, có hai cách. Một là phu nhân có thể thỉnh quốc-mẫu Thanh-Mai cùng hai hoàng-tử vào cung dự yến, rồi nhân đó, triệu hồi cả mười hai trẻ cùng theo. Hai là phu-nhân có thể ban chỉ tuyên triệu hai hoàng-tử đem đám trẻ vào, để phu-nhân xét xem việc dạy dỗ chúng đến đâu rồi.



– Có thể nào chỉ mời hai hoàng-tử vào dự yến, mà không có Quốc-mẫu chăng? Tôi thấy chỉ vì mấy đứa trẻ, mà phải thỉnh đại giá Quốc-mẫu thì thực không nên.



– Như vậy thì chỉ hoàng thượng mới có quyền. Vì dù sao phu-nhân cũng chỉ là chị dâu hai hoàng-tử, chứ chưa phải là bề trên, mà có thể ban yến.



Ỷ-Lan đem ý ấy tâu với nhà vua. Nhà vua vui vẻ:



– Được, trẫm chuẩn tấu.



Ngài gọi một thái giám:



– Người sang phủ Quốc-phụ tuyên triệu hai hoàng tử Hoằng-Chân với năm trẻ ở Thổ-lội, hoàng-tử Chiêu-Văn với bẩy trẻ mồ côi ở Thăng– long... ngay chiều nay vào dự yến.



Buổi chiều đến, hai hoàng-tử cùng đám trẻ nhập Hoàng-thành bằng hai xe, mỗi xe có bốn ngựa kéo. Thị-vệ đã chờ đợi sẵn, họ tiếp cương ngựa, rồi cúi rạp người xuống:



– Hoàng-thượng với phu-nhân đang chờ hai hoàng tử.



Viên thái-giám lễ nghi cung tay hành lễ, rồi dẫn đường đi trước. Đây là lần đầu tiên trong đời, đám trẻ được vào hoàng thành. Thằng Dật chỉ cung Ỷ-Lan nói:



– Này, anh em coi kìa, cung Ỷ-Lan sao lại giống căn nhà của ông bà Thiết trong làng mình quá nhỉ?



Thằng Đoan cũng nhận ra cái quen thuộc:



– Còn chín cây ngâu này thì cắt tỉa giống những cây ngâu ở chùa Từ-quang.



Bỗng thằng Ninh reo lên:



– Kìa, con trâu mộng của chị Minh-Đệ kìa.



Năm trẻ ở Thổ-lội quên mất đây là hoàng cung, chốn cực kỳ tôn nghiêm. Chúng reo lên chạy lại phía con trâu. Nguyên con trâu này, hồi mấy năm trước học trò trường Trung-nghĩa định giết để mừng thượng thọ Trịnh Quang-Thạch, nó chạy vào chùa Từ-quang lánh nạn. Ỷ-Lan đã mua lại. Sau khi nàng nhập cung, lý-trưởng sai người đem nó lên Thăng-long cho nàng. Ỷ-Lan đích thân chăm nuôi nó trong cung, để cho nông dân nghèo không có trâu cầy... mượn.



Dù thời gian đã mấy năm qua, đám trẻ lớn lên, nhưng con trâu cũng đã nhận ra chúng. Năm trẻ vuốt ve, vỗ lưng, xoa đầu, đứng xung quanh trâu.



Đến đó viên thái giám kính sự hô:



– Hoàng-thượng tuyên chỉ mời hai hoàng tử cùng các thiếu niên.



Đám trẻ vội bỏ trâu, theo hoàng tử Hoằng-Chân, Chiêu-Văn vào cung Ỷ-Lan. Hai người vừa bước vào, thì nhà vua cùng Ỷ-Lan đã đứng đón ngay ở cửa:



– Miễn lễ cho hai ngự-đệ cùng đám trẻ. Mời nhị vị ngự đệ ngồi.



Đám trẻ khoanh tay đứng sau lưng hai hoàng tử. Theo đúng lễ nghi, chúng phải cúi đầu không được nhìn nhà vua với Ỷ-Lan.



Lễ tất.



Nhà vua mỉm cười:



– Chắc ngự đệ không hiểu nguyên do nào trẫm lại mời hai vị vào đây cùng ăn yến phải không? Việc như thế này: Ỷ-Lan trước đây từng biết hai ngự đệ, hằng nghe danh hai ngự đệ, lại từng được hai ngự đệ giúp đỡ mấy năm qua. Nhưng hai ngự đệ lại chưa biết Ỷ-Lan, nên ý Ỷ-Lan muốn thỉnh hai ngự đệ vào để chị em gặp nhau.



Hai hoàng tử liếc mắt nhìn Ỷ-Lan. Hai ông tuyệt chưa từng thấy nàng bao giờ. Trước mặt hai ông, nàng chỉ là một thiếu nữ, trang phục như gái quê, nhưng đẹp huyền ảo. Mặc dù là hoàng tử, có nhiều dịp gặp gỡ người đẹp, nhưng hai ông chưa từng thấy ai đẹp mộc mạc như vậy.



Ỷ-Lan lên tiếng:



– Chị dâu em chồng tương kiến. Thiếp xin bệ hạ cho được nói với nhau bằng ngôn từ bình dân.



Nhà vua cười:



– Được chứ, em cứ tự nhiên.



Ỷ-Lan hướng năm đứa trẻ ở Thổ-lội:



– Dật, ngửng mặt lên nhìn xem Ỷ-Lan phu nhân là ai nào?



Phạm Dật ngửa mặt lên, nó thấy Ỷ-Lan thì reo:



– Chị Minh-Đệ! Sao chị lại ở đây? Bọn em nhớ chị muốn chết.



Đám trẻ nghe Phạm Dật reo, chúng quên mất rằng chưa có phép, chúng không được ngước mắt nhìn lên, chúng cùng mở to mắt nhìn nàng:



– Chị Minh-Đệ. Ối sao chị đẹp thế này?



– Ối chị Yến-Loan. Sao chị lại ở đây?



Nguyên, sau khi được hoàng tử Hoằng-Chân cứu nạn ở Thăng-long, năm trẻ làng Thổ-lội, được ông mang chúng về dinh nuôi nấng, dạy văn, luyện võ. Chúng có kể chuyện Minh-Đệ cho ông nghe. Ông cùng năm đứa đi khắp Thăng-long tìm nàng, nhưng không thấy. Ít lâu sau hoàng-tử Chiêu-Văn nhận lời Khất hoà thượng nuôi bẩy trẻ ở Yên-phụ. Nhân dịp hai đám trẻ gặp nhau, chúng đem « đời tư » của nhau ra kể, thế là chúng biết chúng có chung một bà chị. Thời gian hơn năm qua, chuyện bà chị dần dần đi vào lãng quên, thì hôm nay chúng gặp lại nàng trong khung cảnh uy nghiêm này.



Ỷ-Lan truyền cho chúng ngồi. Trong mười hai đứa, thì Lý Đoan có học nhất. Nó nói:



– Bọn em mất tin chị. Gần đây em có nghe đồn đức vua về làng mình tìm Hằng-Nga, đem Hằng-Nga làm vợ. Bọn em đâu ngờ lại là chị.



Nhà vua nói với hai hoàng tử:



– Anh em mình sang bên này. Anh có nhiều chuyện muốn nói với hai em. Để cho chị em Ỷ-Lan ôn chuyện cũ.



Nhà vua với hai hoàng tử đi rồi, Ỷ-Lan tóm lược mọi biến chuyển kể cho đám trẻ nghe. Chúng cũng đem những gì chúng học được nói với nàng.



Lý Đoan đề nghị:



– Từ hồi ấy đến giờ chúng em cũng không có tin nhà. Vậy bây giờ chị dẫn chúng em về quê, chị cứ nhận bọn em là con nuôi chị, để bọn học trò Trung-nghĩa phải lạy sứt trán ra cho bõ ghét.



– Không, chị không lớn hơn các em nhiều tuổi, thì nhận các em làm con sao được? Chị nhận các em làm em nuôi đủ rồi. Còn trường Trung-nghĩa ư? Trường đó không còn nữa.



Nàng kể biến cố Ưng-sơn giết cả nhà Trịnh Quang-Thạch cho chúng nghe, rồi nói:



– Bây giờ chị cho phép, cứ mỗi tháng các em được vào cung thăm chị một lần.



Bọn trẻ reo hò vui mừng. Kể từ ngày nhập cung, đây là lần đầu tiên Ỷ-Lan gặp người thân cũ, nàng mừng chi siết kể. Từ đấy, mười hai trẻ được tự do ra vào cung Ỷ-Lan. Nàng có thêm một số chân tay thông minh, lanh lẹ, và trung thành.



Theo luật triều Lý, thì mỗi tháng hai lần, nhà vua cùng Hoàng-hậu, phi tần phải đến cung Thiên-Cảm chầu Thái-hậu. Tuy nhà vua đã tuyên chỉ rằng đẳng trật phu-nhân của Ỷ-Lan dưới đẳng trật phi. Nhưng khi chầu hầu thái-hậu, Ỷ-Lan cứ đứng sau hết các bà phi đã đành, mà còn sau các mỹ-nhân.



Nhà vua chưa có hoàng-tử, nhưng đã có ba công chúa. Một là công chúa Thiên-Thành, nhũ danh An-Dân do Trần giai phi sinh ra. Công chúa là đệ tử của vua bà Bình-Dương đã hạ giá với thế-tử Thân Cảnh-Long con trai của vua bà Bình-Dương với phò-mã Thân Thiệu-Thái. Hiện công chúa ở Bắc-cương. Công chúa thứ nhì là Động-Thiên, nhũ danh An-Hải do Lý tuyên phi sinh ra. Công chúa là đệ tử của quốc-mẫu Thanh-Mai, đã hạ giá với đô đốc Hoàng Kiện đệ tử của Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, hiện ở với chồng tại bến Tiềm-long bên bờ sông Hồng. Công chúa thứ ba là Thiên-Ninh nhũ danh An-Quốc, do Mai quý phi sinh ra, học trò của tiên nương Bảo-Hòa. Công chúa tuy đến tuổi trưởng thành, nhà vua định cho hạ giá nhiều lần, nhưng ỷ được sư phụ Bảo-Hòa cưng chiều, công chúa xin đi tu. Dĩ nhiên nhà vua không chuẩn tấu. Công chúa ở trong Hoàng-thành. Ngay từ khi Ỷ-Lan tiến cung gặp công chúa là thân với nhau ngay như bóng với hình.



Lệ triều Lý định từ thời vua Thái-tổ rằng có ba loại thiết triều. Một là đại triều vào mồng một, nếu cuộc đình nghị chưa xong thì có thể kéo dài đến vô hạn định. Thứ nhì là thiết tiểu triều vào các ngày mồng năm, mồng mười, mười rằm, hai mươi và hai mươi lăm. Thứ ba là cuộc thiết tinh-triều (tinh là ngôi sao), thì bất cứ khi nào nhà vua cần bàn với quần thần để quyết định một việc quan trọng.



Khi thiết đại triều thì cao nhất là thân-vương, tể-tướng, thượng thư, các an-vũ sứ, tiết-độ-sứ, đô đốc thủy quân, đại-tướng thống lĩnh kỵ-binh, chư tướng chỉ huy các đạo Thiên-tử-binh, tổng-quản Khu-mật-viện, tổng-lĩnh thị vệ, quan tổng-trấn Thăng-long. Khi thiết tiểu triều thì thành phần vẫn như trên, nhưng không có các thân vương, an-vũ-sứ, tiết-độ-sứ, đô đốc thủy quân, đại tướng thống lĩnh kỵ-binh. Còn thiết tinh-triều thì chỉ có tể-tướng, lục bộ thượng thư, quản Khu-mật-viện và những thành phần chuyên môn liên quan đến các vấn đề cần nghị sự.



Hôm nay nhà vua thiết tinh-triều về vấn đề cần cải cách sao cho dân giầu. Thành phần chính yếu vẫn không thay đổi, nhưng thêm một số các quan thuộc bộ Hộ, bộ Lại, bộ Hình như tham-tri (tương đương với thứ trưởng ngày nay), thị-lang (tương đương với tổng giám đốc ngày nay). Đặc biệt, có cả Ỷ-Lan phu nhân cũng tham dự. Buổi thiết tinh-triều tại điện Cao-minh. Vì buổi thiết triều này không có vấn đề quốc phòng, nên quốc-phụ Khai-Quốc vương với Quốc-mẫu Thanh-Mai vắng mặt. Đứng hầu cạnh nhà vua, có công chúa Thiên-Ninh.



Trước đây, trong những buổi thiết tinh-triều như thế, thì nhà vua ngồi trên ngai sơn son thiếp vàng. Phía trước ngai vàng có chiếc án thư chạm rồng. Còn các quan thì đứng. Nhưng từ sau ngày Ỷ-Lan phu nhân nhập cung, nàng tâu với nhà vua rằng, khi triều hội, các quan phải vận động hết tinh anh thần thức hầu bàn quốc sự. Thế mà các quan phải đứng hằng mấy giờ thì cơ thể mệt, ắt thần tổn. Phu-nhân xin nhà vua ban cho các đại thần được ngồi. Từ đấy, mỗi khi thiết tinh-triều, các đại thần được xếp chỗ ngồi trên ghế, sau cái án thư. Trên án thư để một khay bánh trái, nhiều ít tùy theo thứ bậc.



Ba hồi chiêng trống, đội nhạc cử bài ca Giáng-long. Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế cùng Ỷ-Lan phu nhân ra. Các quan hành lễ. Sau khi hoàng-đế với Ỷ-Lan phu nhân ngồi, lễ quan hô:



– Chư đại thần an tọa.
– Văn-minh điện đại học sĩ hãy soạn chiếu chỉ, nội trong ba ngày phải tấu cho trẫm thự. Tất cả những luật, lệ, lệnh bàn từ sáng đến giờ, Tể-tướng hãy cứu xét xem phần nào cần ban trước, phần nào cần ban sau, chứ đừng ban một lúc, e hương đảng không kịp dạy dân. Trẫm muốn cử một đại thần đứng ra theo dõi, kiểm soát việc tuân hành những cải cách này. Vậy chư khanh nghị xem ai có thể đương nổi?



Nhà vua nhìn các đại thần, người nào cũng cúi đầu tỏ vẻ ngại ngùng. Ngài phán:



– Tại sao chư khanh lại sợ cái công việc này?



Tể-tướng Lý Đạo Thành tâu:



– Trong các đại thần đây, thì văn mô vũ lược thực không thiếu. Nếu bệ hạ tuyên chỉ cho họ nhảy vào nước, vào lửa họ cũng dám. Còn những cải cách này bao gồm nhiều lãnh vực quá, nào phải đi kinh lý khắp nơi, nào phải có uy quyền trên các tuyên-vũ, an-vũ, nào phải có uy là bao trùm các biên cương trọng thần. Mà biên cương trọng thần hiện có tới Ngũ-long công chúa, năm phò mã; vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái. Nào phải động chạm đến các phú gia địa chủ trong đó hầu hết là các quan, các võ phái. Đã hết đâu, còn bao gồm việc trong nội cung nữa. Người phụ trách sẽ bị một trong hai điều bất hạnh.



Nhà vua tỏ vẻ cương quyết:



– Thầy nói bất hạnh gì?



– Một là khi làm hết phận sự quân phụ trao cho, nếu không bị miệng thế dèm pha rồi bị giáng chức thì cũng bị cường hào trong võ lâm giết chết. Hai là sợ đụng chạm, nhắm mắt cho qua, thì nói như Ỷ-Lan phu nhân « mèo vẫn hoàn mèo » thực có tội với xã tắc, với bệ hạ, rồi cũng bị cách. Nên không ai dám nhận. Người mà bệ hạ muốn cử vào việc này phải có quyền với nội cung, có võ công cao để tự vệ, không thể bị dèm pha. Nói cho đúng, người đó phải là thái-tử thì mới đương nổi.



Ỷ-Lan tâu:



– Hoàng-thượng chưa có thái tử, thì dùng công chúa. Kể từ khi đức Thái-tổ lập chính thống, thời Thuận-thiên có tổ-cô-mẫu Hồng-Châu, cô mẫu An-Quốc, Lĩnh-Nam Bảo-quốc Hòa-dân. Đời đức Thái-tông có vua bà Bình-Dương, công-chúa Kim-Thành, Trường-Ninh. Hoàng-thượng có công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh, cả ba đều văn võ kiêm toàn, đủ sức lĩnh việc đó.



Nhà vua suy nghĩ một lúc rồi nói:



– Thiên-Thành võ công cực cao, thao lược gồm tài, trẫm đã cho hạ giá, tương lai trấn Bắc-biên. Động-Thiên giỏi thủy-chiến, tính khí cương quyết quá, e phụ trách việc này không nổi. Chỉ duy có Thiên-Ninh là người biết uyển chuyển, giỏi cai trị, hòa giải, vỗ an. Vậy trẫm trao cho Thiên-Ninh.



Công chúa Thiên-Ninh bước ra quỳ gối. Nhà vua trao thanh Thượng-phương bảo kiếm cho công chúa:



– Đại-Việt giầu mạnh là nhờ cuộc cải cách này. Cuộc cải cách này thành công hay không là do Ninh nhi. Trẫm trao thanh Thượng-phương bảo kiếm cho Ninh nhi. Khi Ninh nhi đeo bảo kiếm này, thì Ninh nhi là trẫm. Ai không tuân, Ninh nhi có quyền tiền trảm hậu tấu. Tương lai dân giầu nước mạnh là do Ninh nhi. Vậy Ninh nhi ước tính xem bao nhiêu lâu thì những cải cách này hoàn thành?



Công chúa Thiên-Ninh đỡ thanh kiếm rồi tâu:



– Tâu phụ hoàng, trong ba năm mà những cải cách này không hoàn thành, thì thần nhi không đem đầu cường hào ác bá về nộp, mà tự nộp đầu để tạ tội với Tiên-vương.



Vừa lúc đó, có viên Lễ-bộ thị-lang bước vào dâng lên hoàng đế một tấu văn của Khu-mật-viện Bắc-biên. Nhà vua trao cho Ỷ-Lan đọc. Ỷ-Lan xé bao thư ra đọc lớn:



«... Đại-tư-mã Bắc-biên, hữu kim-ngô thượng tướng quân, Lạng-châu quốc-công, quản Khu-mật-viện Bắc-biên Thân Thiệu-Cực xin khẩn tấu: Gia-hựu hoàng đế nhà Đại-tống lâm bệnh. Các quan đồng cử thái-tử Triệu Thự tạm nhiếp chính. Hoàng-hậu muốn truất phế Triệu Thự, đặt em y lên thay, vì em y lấy cháu gọi bà bằng cô. Nhưng Thự được một số võ-lâm cao thủ phò tá, lại rất được lòng đám Nho-gia, nên tể-tướng Hàn Kỳ đồng tâu nhà vua cho y nhiếp chính ».



Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế hỏi các quan:



– Chư khanh có ý kiến gì không?



Lý Thường-Kiệt tâu:



– Kể từ khi phò-mã Thân Thiệu-Thái cùng vua bà Bắc-biên tiến quân đánh sang Tống để thị uy đến giờ, bọn hủ nho hiếu chiến chủ trương mở rộng Nam-thùy Tống đã kinh sợ. Tuy nhiên chúng vẫn chưa chịu thôi hẳn. Lợi dụng Tống đế cao niên, sức khỏe suy kiệt, chúng thuyết phục thái-tử kinh lý Nam-thùy. Quốc-phụ biết rất rõ. Người thiết kế cho vua bà Bắc-biên, phò-mã Thân Thiệu-Thái, U-bon vương Lê Văn, rồi võ-lâm Đại-Việt làm cho thái-tử kinh hồn táng đởm trốn về nước. Một mặt Quốc-phụ báo cho Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai biết. Vương sai thủ hạ đón đường, gây cho y thân bại danh liệt. Cho nên nay Thái-tử mất hết ý chí. Tuy vậy bọn chủ Nam xâm gồm: Dư Tĩnh, Tiêu Cố, Tiêu Chú, Lý Hiến, Quách Qùy, Triệu Tiết đã mật hội với nhau, tìm dịp gây hấn ở Nam-phương, tạo ra một vài biến cố để triều đình phải dốc quân nghiêng nước chiếm Đại-Việt. Chúng soạn kế hoạch Ngũ-lôi, để đánh chiếm Nam phương. Nay giữa Hoàng-hậu với tể-tướng Hàn Kỳ có sự tương tranh về việc lập tân quân. Mà phe Hàn Kỳ thắng thế. Như vậy Đại-Việt ta có lợi lớn.



Nhà vua hỏi:



– Khanh hãy kiến giải cái lợi đó như thế nào?



Tâu, nếu như Tống đế băng-hà, thì thái-tử Triệu Thự sẽ lên ngôi vua. Dĩ nhiên trong trường hợp này Hoàng-hậu được phong làm Thái-hậu. Các đại thần theo phe bà ắt đòi cho bà thính chính. Bấy giờ trong triều có hai phe. Hai phe mải tương tranh với nhau, thì không còn nghĩ đến Nam xâm nữa. Cái kế hoạch Ngũ-lôi không người chủ trương trở thành năm cái pháo tịt ngòi.



Lần đầu tiên Ỷ-Lan được nghe đến đại sự. Nàng hỏi:



– Xin sư huynh cho muội biết Hoàng-hậu của Gia-hựu hoàng đế (Nhân-tông) là người như thế nào? Bà có bản lĩnh bằng Lưu hậu của vua Chân-tông trước đây không?



Điều Ỷ-Lan hỏi là điều cả triều đình đều muốn biết. Thường-Kiệt lấy ra một tập giấy, rồi đọc:



– Tâu phu nhân, Tống triều tuy là triều đình trọng Nho học, nhưng hậu cung lại thường xen vào việc triều chính hơi nhiều. Một là khởi đầu khi khi lập lên triều Tống, sinh mẫu của Thái-tổ là Chiêu-huệ Đỗ thái hậu khuyên nhà vua nên nhường ngôi cho em, mà không nhường ngôi cho con. Kết quả đưa đến vua Thái-tông được lên làm vua. Vụ này tạo ra một tiền lệ cho các bà thái-hậu xen vào việc triều chính. Hai là Tống triều phát triển học phong cho nữ giới, nên các bà hoàng, bà phi được tuyển đều có thêm điều kiện phải có học. Thời vua Chân-tông về sau, hầu hết các bà phi đều có cái học uyên thâm về Nho. Bà nào càng có học, càng được triều thần xưng tụng, nể vì, dễ leo lên bậc phi, bậc hoàng hậu. Cho nên khi một bà được tuyển cung, dù đã có học, nhưng vẫn cố gắng dùi mài kinh sử. Vốn có học, thì các bà luôn luôn là thầy dạy khai tâm cho con cái. Cho nên con các bà dù thành thân vương, dù thành Thái tử; sau này lên làm đại thần, làm vua đều ảnh hưởng của mẹ hơn là ảnh hưởng của sư-phó. Đó là đều các bà luôn luôn nắm quyền khi con mới lên ngôi vua.



Văn-minh điện đại học sĩ Bùi Hựu phụ họa:



– Vì vậy, khi một bà hoàng hậu không có con trai, mới bắt con người khác trong hoàng tộc về nuôi. Như Lưu hoàng-hậu của vua Chân-tông, bắt con của Lý thần phi đem về nuôi, dối rằng con mình (3). Nên khi vua Chân-tông băng hà, người con đó lên ngôi vua, tức Gia-hựu hoàng đế hiện thời. Bà được phong làm Chương-hiến minh-túc hoàng thái hậu. Bà nắm quyền trong mười mấy năm trời, đến nỗi Yên-vương Triệu-nguyên-Nghiễm là chú vua, nắm quyền nghiêng nước, mà phải chờ đến khi Quốc-phụ sang sứ trợ giúp mới loại được bà (4). Về Gia-hựu hoàng đế, dường như trước đây có một hoàng hậu bị giết, đến nỗi Ưng-sơn song hiệp nổi giận tru diệt đến mấy trăm người giữa Biện-kinh thì phải?



Ghi chú,



(3) Tất cả đoạn trên đây nói về hậu cung nhà Tống, tôi thuật đúng nguyên văn Tống-sử, quyển 242, Hậu-phi truyện thượng, trang 8605 đến 8628.



(4) Xin xem Anh-linh thần võ tộc Việt của Yên-tử cư-sĩ.



Thường-Kiệt gật đầu:



– Vâng quả thế. Về các bà phi, bà hậu của Gia-hựu hoàng đế thì đầu tiên là Quách hoàng-hậu. Hậu là người châu Ứng, đất Kim-thành, cháu của đại thần Bình-lỗ quân Tiết-độ sứ. Niên hiệu Thiên-thánh thứ nhì (Giáp-tý, 1024) được phong hoàng-hậu. Lúc đầu, nhà vua sủng ái Trương mỹ-nhân, muốn lập làm hoàng-hậu. Nhưng Chương-hiến minh túc hoàng thái hậu (Lưu hậu) bác bỏ. Sau Thượng mỹ nhân, Dương mỹ nhân lại được nhà vua sủng ái. Hai bà này ỷ được sủng ái, lại cậy biết võ, thường bất tuân chỉ của hậu. Một hôm, Thượng mỹ nhân hỗn láo dám đánh hậu. Vốn là sư tỷ của công chúa Huệ-Nhu tức vương phi Kinh-Nam vương Trần-tự-Mai, võ công hậu rất cao. Hậu nổi giận phóng chưởng đánh Thượng mỹ nhân. Hai người diễn ra cuộc chiến. Qua vài chục chiêu, Thượng mỹ nhân lạc bại bị đánh ngã. Hậu dáng xuống một chưởng trầm trọng, nhà vua thấy vậy nhảy lên đỡ chưởng của hậu. Nhưng công lực nhà vua thấp quá, hậu lại không thu được chưởng về, thành ra nhà vua trúng chưởng bị bay tung đi đến hơn trượng. Sau đó hậu cực lực tạ tội. Nhưng nhà vua vẫn nổi giận, mưu với viên thái giám Văn-Ứng, lĩnh chức Nhập-nội đô-tri để phế hậu. Văn-Ứng khuyên nhà vua để thương tích tím bầm trên mặt ra thiết triều, rồi cáo với đình thần biết. Tể tướng Lã Di-Giản trước đây theo phe Lưu hậu, dối vua; bị hậu tâu vua cách chức. Nay Giản được dịp trả thù, khuyên vua phế hậu. Nhà vua nghe theo, phế hậu, giáng làm Tịnh-phi, Ngọc-kinh sung diệu tiên sư, cải tên là Thanh-ngộ, đầy vào cung Trường-lạc. Các đại thần như Khổng Đạo-Phụ, Phạm Trọng-Yêm, Đoàn Thiếu-Vận đều dâng biểu nói hậu vô tội. Nhà vua nổi giận, cách chức cả ba người. Niên hiệu Cảnh-hựu nguyên niên (Giáp-tuất, 1034), Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai và công chúa Huệ-Nhu thắng Tây-hạ, hồi triều. Vương hỏi thăm hậu tại sao mà bị đầy? Nhà vua sợ rằng nếu không xử vụ án đúng luật, thì vương sẽ giết Thượng, Dương mỹ nhân ngay. Vì vậy hậu được tha khỏi cung Trường-lạc, cho về ở cung Dao-hoa, phong làm Kim-đình giáo chủ, Sung-tĩnh nguyên sư. Nhà vua rất hối hận việc này, nhân đó làm bài nhạc-phủ, tặng hậu. Hậu hòa lại, lời lẽ cực kỳ thống thiết bi ai. Thượng mỹ nhân bị giáng xuống làm Động-chân cung nhân, Dương mỹ nhân bị giam ở một khu vườn trong cung. Một hôm nhà vua nhớ lại tình ái nồng nàn với hậu, mật sai sứ mời hậu. Hậu tâu: « Nếu bệ hạ muốn vời một hoàng hậu, thì phải họp trăm quan, ban sách phong, phục hồi ngôi vị hoàng hậu đã ». Giữa lúc đó Kinh-Nam vương phải trấn nhậm ở phương Bắc. Bọn Nho thần Lã Di-Giản lại dèm pha, nên sách phục hồi hoàng hậu bị bỏ. Nhân một lần hậu bệnh, Văn Ứng dâng thuốc, hai ngày sau hậu băng. Sau Kinh-Nam vương hồi triều điều tra ra vụ Văn Ứng thuốc hậu chết. Ưng-sơn song hiệp giết cả nhà Văn Ứng hơn trăm người, kể cả trâu bò, lừa ngựa, chó mèo, gà vịt.



Tể-tướng Lý Đạo-Thành hỏi:



– Còn đương kim Tào hoàng hậu. Bà xuất thân ra sao?



– Trình Tể-tướng đương kim Hoàng-hậu của Gia-hựu hoàng đế, bà là người có học, võ công cao, lại can đảm, đạo đức, nên rất nhiều uy tín. Tuy bà không có con trai, nhưng bà nuôi dạy thái-tử Triệu Thự từ hồi thơ ấu. Sau này lớn lên, Triệu Thự uất ức vì cái chết của cha đẻ mình do Kinh-Nam vương giết, nên không theo chủ trương hoà hoãn Nam-phương của bà, mà chủ trương Nam xâm. Bà họ Tào, gốc người Chân-định, cháu của Khu-mật viện sứ Chu-vũ Huệ-vương Tào Lâm, khai quốc công thần thời Tống Thái-tổ. Hồi còn là khuê nữ, bà có học võ, học văn với Phiêu-kị đại tướng quân, lĩnh Tư-mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo. Vì vậy võ công của bà rất cao thâm, lại đàn ngọt, hát hay, có tài hội họa. Bà chế ra loại sơn vẽ trên lụa, trên gấm để may quần áo.



Triều đình cùng bật lên tiếng «Ồ».



Thường-Kiệt đưa mắt nhìn Ỷ-Lan rồi nói tiếp:



– Niên hiệu Minh-Đạo thứ nhì (Quý-Hợi, 1023) Quách hậu bị phế, bà được chiếu vời nhập cung. Tháng chín, niên hiệu Cảnh-hựu nguyên-niên (Giáp-Tuất, 1034) sách phong làm hoàng hậu. Tuy làm Hoàng-hậu, là chị dâu của Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai với công chúa Huệ-Nhu, nhưng khi gặp hai vị này, bà vẫn gọi vương là sư thúc, xưng là đệ tử.



Tham-tri Quách Sĩ-An mới về triều làm quan, ông không biết nhiều về chuyện võ lâm, nên hỏi:



– Xin Thiếu-bảo cho biết rõ hơn, tại sao bà lại gọi Kinh-Nam vương là sư thúc?



– Nguyên Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai, xuất thân từ phái Đông-a, là em kết nghĩa của Tống đế. Nhưng vương là sư đệ của Tư-mã Kinh-châu Trần Trung-Đạo. Nếu xét về phía nhà vua, thì hậu là chị dâu của vương. Còn xét về võ học, thì vương là sư thúc của hậu.



Nhà vua gật đầu tỏ ý hài lòng, ngài phán với Lý Thường-Kiệt:



– Cũng như Ỷ-Lan, tuy làm phu nhân của trẫm, ở ngôi nghĩa mẫu của khanh, nhưng vẫn trọng vai sư huynh của khanh vậy.



– Tính hậu ôn nhu văn nhã, từ ái, kiệm ước. Tất cả hoa cảnh trong Thượng-uyển đều chính tay hậu với cung nga trồng. Gấm vóc, lụa là trong cung cũng chính hậu dạy cung nữ dệt. Niên hiệu Khánh-lịch thứ tám, tháng giêng (Mậu-Tý, 1048), nhân hội hoa đăng, nhà vua muốn dạo chơi kinh thành. Hậu cực lực can gián vì cảm thấy như sắp có biến cố gì. Quả nhiên sau đó ba ngày, một số thị-vệ gác Hoàng-thành, đang đêm làm loạn. Chúng tìm nhà vua ở tẩm điện. Bấy giờ hậu đang hầu nhà vua, thấy nhà vua định chạy trốn. Hậu sai đóng cửa cung, truyền cho Nhập-nội đô-tri Vương Thủ-Trung đem thị-vệ tới cứu giá. Cuộc chiến đang diễn ra, nhiều cung nga, thái giám bị giết. Một số các bà phi ngồi run sợ khóc lóc. Hậu rút kiếm ra quát lớn: hãy đứng lên chống giặc, còn hơn ngồi khóc chờ giặc giết. Hậu đoán giặc tấn công không xong, tất phóng hỏa, nên truyền cung nga, thái giám múc nước dội lên cửa cung. Quả nhiên giặc phóng hỏa, cung không cháy. Sau cùng hậu rút kiếm xung ra phá vòng vậy. Thủ lĩnh giặc đấu với hậu hơn hai trăm chiêu, bị hậu giết. Giữa lúc đó cứu binh tới, giặc tan. Hậu gọi tất cả cung nga, thái giám, thị-vệ chiến đấu tại tẩm cung đến trước mặt, vung kiếm cắt hết búi tóc. Người người tái mặt, không ai hiểu tại sao cả.



Ỷ-Lan than:



– Bà thông minh thực.



Nhà vua hỏi:



– Khanh khen bà là ý gì vậy?



– Tâu, trong khi giặc nổi lên, có người theo giặc, có người chiến đấu chống giặc. Như vậy sau khi giặc tan, thiếu gì kẻ theo giặc vỗ ngực tự xưng là chiến đấu chống giặc cứu giá? Này Thái-bảo sư huynh. Muội nghĩ, sau khi dẹp giặc, Hoàng-hậu sẽ cho tập trung cung nga, thái giám, thị vệ lại, chia làm hai loại. Loại y phục sạch là loại hèn nhát trốn tránh. Còn loại y phục dơ bẩn, tro bụi đầy người, sẽ chia làm hai. Ai còn nguyên tóc là theo giặc. Ai bị cắt tóc là có công cứu giá.



– Tâu phu nhân đúng thế. Sau khi dẹp xong giặc, ai cũng vỗ ngực xưng là đã liều chết cứu giá. Nhà vua định phong thưởng cho tất cả. Hậu đã phân loại như trên. Những ai hèn nhát thì tha tội. Kẻ theo phản loạn thì đem xử tử hết. Còn những người có công thì được phong thưởng. Từ ngày ấy đến giờ uy tín của hậu rất cao.



Đến đó thì lễ quan vào tâu:



– Quốc-công Thân Thiệu-Cực vừa về triều, xin yết kiến khẩn cấp.



Nhà vua thân đứng dậy ra đón Thiệu-Cực. Ngài nắm tay ông:



– Biểu huynh thực vì xã tắc mà lao khổ quá độ.



Ngài dẫn ông vào, kéo ghế để ngồi cạnh, lại thân rót chén sâm thang ban cho ông. Thiệu-Cực tâu:



– Sau khi gửi tấu chương cho chim ưng mang đi, thần vẫn không yên tâm, phải trở về để diện tấu.



Tể-tướng Lý Đạo-Thành tóm lược những điều đã nghị sự cho Thiệu-Cực nghe.