Nam Quốc Sơn Hà

Chương 16 : Kế Hoạch Ngũ-lôi

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Nhà vua ban chỉ dụ:



– Bây giờ ta trở lại việc triều Tống. Như ban nãy bàn, thì phe của hậu là phe thân với Đại-Việt, và chủ hòa. Bây giờ khanh hãy trình bầy về cái kế hoạch Ngũ-lôi của Tống ra sao một lượt nữa để Ỷ-Lan với các tân quan nắm vững.



– Tâu phu nhân.



Thường-Kiệt hướng Ỷ-Lan nói bằng giọng ôn nhu: Ngũ là năm, lôi là sấm. Tống dùng năm đạo binh để chuẩn bị mở rộng Nam thùy. Trong sáu nước Nam thùy gồm Đại-Việt, Chiêm-thành, Chân-lạp, Lão-qua, Xiêm-la, Đại-lý thì Đại-Việt mạnh nhất. Chính Quốc-phụ đã đưa ra đường lối liên hiệp giữa sáu nước tộc Việt, mà Đại-Việt là minh chủ. Bằng như Tống mang quân đánh một trong sáu nước, thì cả sáu nước đồng khởi binh chống lại. Cho nên Tống đưa ra kế hoạch Ngũ-lôi để đánh Đại-Việt.



Nhà vua hỏi Ỷ-Lan:



– Ái-khanh thử đoán xem, tại sao Tống không đánh mấy nước kia, mà lại chỉ chĩa mũi dùi vào Đại-Việt?



– Tâu, đánh rắn phải đánh đầu trước. Nếu Tống đem quân đánh sáu nước một lúc thì hao tốn sinh mạng, mà lại khó thành công. Vì vậy trước hết họ dồn lực lượng đánh Đại-Việt. Sau khi thắng Đại-Việt, những nước nhỏ Chiêm, Chân, Lão như cỏ non gặp bão, phải cúi đầu tuân phục. Bấy giờ họ dùng quân các nước nhỏ, tù-hàng binh Đại-Việt tiến đánh Xiêm-la, Đại-lý. Thì Xiêm, Lý làm sao giữ nổi?



Triều đình đều gật đầu, công nhận lý Ỷ-Lan là xác thực.



Thường-Kiệt tâu tiếp:



– Năm nhát búa đánh Đại-Việt gồm: thứ nhất là chia rẽ. Chia rẽ cũng có năm loại. Chia rẽ giữa hai phe họ Dương, họ Mai trong triều. Hai là chia rẽ giữa văn quan với võ tướng. Ba là chia rẽ giữa hoàng thân với ngoại thích. Bốn là chia rẽ giữa các võ phái. Năm là chia rẽ nội cung với triều đình. Nhát thứ nhì là gây nội chiến. Trong bóng tối họ giúp Dương gia nắm trọng quyền, rồi cướp ngôi. Dĩ nhiên trong trường hợp này Ngũ-long công chúa, cùng quân các trấn ở ngoài sẽ đem quân về triều để diệt tặc thần. Thế là có nội chiến. Khi ta có nội chiến thì không thể làm minh chủ. Hoặc giả các nước trong liên minh, có nước ngả theo phe này, có nước ngả theo phe kia. Thế liên minh tộc Việt tự tan vỡ.



Triều đình cùng im lặng nghe Thường-Kiệt tường trình. Trước đây Ỷ-Lan cứ nghĩ rằng âm mưu của Tống chỉ giản dị trong việc Dương gia làm gian tế mà thôi. Nay nghe Thường-Kiệt tường trình, nàng mới thấy cả một âm mưu vừa sâu vừa độc. Cũng may Đại-Việt có Quốc-phụ, có những đại thần như Thân Thiệu-Thái, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Lý Thường-Kiệt, sáng suốt tìm ra, đã làm tất cả những việc phải làm, ứng phó kịp thời.



Tiếng Thường-Kiệt vẫn sang sảng:



– Nhát búa thứ ba là dùng người Hán sinh sống trên Đất Việt làm nội ứng. Từ lâu rồi, mỗi khi có một triều đại mới bên Trung-quốc chiếm được ngôi vua, là y như con cháu di thần triều đại cũ lại tràn sang ta xin kiều ngụ. Họ sống thành bang hội, tổ chức rất chặt chẽ, họ chỉ nói tiếng Hoa, mặc quần áo Hoa. Họ cần cù làm ăn, khéo léo hối lộ với quan lại, lâu ngày họ thành giầu có, thế lực. Ngay từ khi Tống Thái-tổ lên ngôi, Tống triều đã âm thầm sai sứ sang phong chức tước cho những thủ lĩnh bang hội này, truyền bảo họ làm tế tác, báo mọi tin tức Đại-Việt cho Khu-mật viện Nam-thùy. Tống triều hứa rằng, khi quân Thiên-triều kéo sang, ai làm nội ứng nổi dậy; lúc chiếm được Đại-Việt thì sẽ trao quyền cho bang hội của người ấy. Các thủ lĩnh người Hoa sẽ giữ các chức tước phương Nam. Biên thần Nam thùy Tống hợp bọn gian tế Hoa-kiều này với bọn gian tế Việt trong triều đình. Để khi bọn người Hoa có gì khó khăn với quan lại, thì được che chở. Ngược lại bọn Hoa kiều cung phụng tiền bạc, đôi khi cả gái cho bọn quan lại gian tế. Hiện trong nước, cứ mười người Việt, có một Hoa-kiều. Đó là nhát búa cực kỳ sắc bén và nặng nề.



Thường-Kiệt dừng lại, nhắp một chung trà, rồi tiếp:



– Nhát búa thứ tư là nhân Đại-Việt rối loạn vì nội chiến, họ theo dõi tình hình. Khi thấy phe nào yếu thế, họ cử sứ sang phong chức tước cho phe đó, để phe đó mạnh lên, khiến chiến cuộc kéo dài. Chiến cuộc kéo dài thì tinh lực quốc gia suy kiệt, lòng người ly tán. Võ lâm chém giết nhau, thù hận nhau. Bấy giờ họ mới đem đại quân qua, nhân danh trợ giúp phe yếu, vì phe này là thần-tử nhà Tống. Tống để phe gian tiến quân trước, quân Tống đi theo trấn nhậm những nơi chiếm được, và chỉ can thiệp khi phe gian bại. Thế là phe mạnh tan rã. Mà khi phe yếu chiếm được nước, thì kiệt quệ tinh lực, bấy giờ họ sẽ bóp như bóp một con kiến.



Thường-Kiệt đem trục lụa vẽ bản đồ sáu nước tộc Việt ra, chỉ vào phía Nam:



– Nhát thứ năm là dùng Chiêm-thành đánh phía sau ta, để ta phải chia quân ra cự địch. Từ thời Lĩnh-Nam, tộc Mã-lị-á (Mã-lai ngày nay), đi ngược lên phía Bắc, hòa lẫn với tộc Việt ở Chân-lạp, Chiêm-thành. Nhờ tính tình hung ác, không lễ nghĩa, hành xử man rợ mà chiếm được ưu thế tại hai nước này. Khi sắc dân Mã nắm được quyền bính, là họ tìm cách tiến lên Bắc định xâm lấn Đại-Việt. Đây là trở ngại lớn cho thế thống nhất tộc Việt của ta hơn nghìn năm nay.



Nhà vua quay lại Lễ-bộ thượng thư:



-– Khanh hãy nhắc lại tất cả những lôi thôi của Chiêm quốc trong mấy năm gần đây với Đại-Việt một lượt, để triều đình cùng nắm vững.



Lễ-bộ thượng-thư Mai Cảnh-Tiên đứng lên hành lễ:



– Thần thái-tử thiếu-phó, Lễ-bộ thượng thư, Khu-mật viện phó-sứ, Cần-chính điện thuyết thư, Kiến-xương hầu xin tâu.



Nhà vua vẫy tay:



– Thiếu-phó an tọa.



– Đa tạ bệ hạ. Về thời vua Hùng, vua An-Dương, Chiêm-thành là đất của Văn-lang, Âu-lạc. Nhưng sau một thời gian dài tộc Việt bị tộc Hoa cai trị, Chiêm bị cắt ra thành một nước nhỏ. Kể từ thời Lĩnh-Nam, một sắc dân mọi rợ tộc Mã, rất hung dữ ở biển Nam, tiến dần lên lập nghiệp ở Chân-lạp, Chiêm-thành, rồi chiếm được ngôi vua. Khi Hán đem quân sang đánh Lĩnh-Nam, vua Quang-Vũ sai sứ sang cắt đất Nhật-nam, phong chức tước cho vua Chiêm, xui quân Chiêm đánh phía sau ta, bị anh hùng Lại Thế-Cường, Trương Thủy-Hải, Trương Đằng-Giang đánh bại (1). Từ sau khi vua Trưng tuẫn quốc, tộc Mã càng ngày càng mạnh ở phương Nam, họ không chịu nhận gốc con cháu vua Hùng, riết rồi thành một nước khác biệt với ta, họ không còn nói tiếng Việt nữa. Thời vua Đinh, họ mượn tay Ngô Nhật-Khánh, để có chính nghĩa đem quân vào đánh ta.



Ghi chú,



(1) Xin xem Cẩm-khê di hận của Yên-tử cư-sĩ do Nam-á Paris xuất bản.



Tể-tướng Lý Đạo-Thành ngắt lời:



– Xin Thiếu-bảo đi vào chi tiết hơn cái vụ này một chút.



– Tuân lệnh Tể-tướng. Nguyên Ngô Nhật-Khánh là một sứ quân, giòng dõi vua Ngô-Quyền. Sau khi Nhật-Khánh đầu hàng vua Đinh. Vua lấy mẹ Nhật-Khánh làm vợ, đem em y gả cho thái tử Đinh-Liễn, lại gả con gái mình cho y. Nhưng Nhật-Khánh vẫn muốn phục hồi ngôi vua. Y chạy sang Chiêm cầu viện. Chiêm nắm lấy cơ hội đó, niên hiệu Thái-bình thứ mười (Kỷ-Mão, 979) cho hơn nghìn chiến thuyền theo Nhật-Khánh về đánh Đại-Việt. Nhưng thuyền đến cửa biển Đại-ác thì bị bão đánh chìm hết. Thời vua Lê Đại-Hành, ngài sai hai sứ là Từ Mục, Ngô Tử-Canh sang thông hiếu. Chiêm nghe lời Tống, giam sứ lại. Vua Lê nổi giận, niên hiệu Thiên-phúc thứ ba (Nhâm-Ngọ, 982) ngài đem quân sang phá kinh đô, hủy tông miếu của Chiêm để thị uy. Từ ngày đó Chiêm chịu thần phục, tuế cống. Niên hiệu Thiên-phúc thứ năm (Giáp-Ngọ, 994) lại xẩy ra vụ lôi thôi ở Nam biên. Tướng trấn thủ của ta viết thư thống trách. Vua Chiêm sai sứ sang tạ tội. Vua không nhận. Chiêm phải sai hoàng đệ Chế-Lai sang cống, vua Lê mới tha tội cho. Nhưng đến niên hiệu Ứng-thiên thứ tư (Đinh-Dậu, 997) phe người Mã chiếm quyền, lại cho quân quấy nhiễu Nam thùy ta.



... Kịp đến bản triều, niên hiệu Thuận-thiên thứ nhì (1011) người Chiêm sang cống sư tử. Đức Thái-tổ ủy lạo, phong chức tước cho vua Chiêm, lại ban ấn ngọc. Đến niên hiệu Thuận-thiên thứ mười một (Canh-Thân, 1020) phe Mã lại lên cầm quyền, họ mang quân chiếm mười xã của ta. Đức Thái-tổ sai đức Thái-tôn cùng quan thái-úy Đào Thạc-Phụ đem quân sang đánh, chiếm lại đất Bố-chánh. Trong triều phe gốc Việt lại lên nắm quyền. Niên hiệu Càn-phù Hữu-đạo nguyên niên (Kỷ-Mão, 1039) phe Mã đảo chính cướp ngôi vua, con cháu di thần gốc Việt chạy sang ta cầu cứu. Song bấy giờ phía Bắc ta đang dụng binh, nên tạm nhượng họ ở Nam-phương. Từ đấy Chiêm bỏ ta sang Tống thần phục. Tống gửi người sang giúp Chiêm luyện quân. Chiêm chuẩn bị đánh phía sau Đại-Việt, để Tống đánh phiá trước. Quốc-phụ tổ chức đại hội tộc Việt ở Bắc-cương, Trưởng đại công chúa Bảo-Hòa bàn nên hòa hoãn với Tống, rồi thình lình đem quân đánh Chiêm. Sau khi Chiêm bại, ta mới giúp Nùng Trí-Cao đánh Tống. Vì vậy niên hiệu Thiên-cảm Thánh-vũ nguyên niên (Giáp-Thân, 1044) đức Thái-tông cùng Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản mang đại quân sang đánh Chiêm. Quân ta đại thắng, chém vua Chiêm là Sạ-Đẩu, bắt 30 voi, năm nghìn người, trong đám tù nhân có cả hoàng hậu Mỵ-Ê, nhiều cung nga, giết ba vạn quân giặc. Từ đấy phe gốc Việt cầm quyền, Chiêm tu cống hàng năm. Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ ba (Tân-Sửu, 1061), Chế Củ (2) được sư phụ là Đinh Kiếm-Thương, cùng với dư đảng bang Nhật-hồ trợ giúp, giết vua, cướp ngôi. Kiếm-Thương được phong là Thái-sư Quốc-phụ, Cửu-chân vương. Ngay sau khi Chế Củ lên ngôi vua, y cử sứ sang xin thần phục Tống. Tống phong cho y làm Chiêm-vương. Tống triều mật chỉ cho an-vũ-sứ Quảng-Tây mua sắm ngựa chiến gửi sang giúp y. Tống còn gửi nhiều võ quan sang cố vấn cho y thao luyện thủy quân, đóng chiến thuyền, để chuẩn bị đánh ta.



Ghi chú,



(2) Đại-Việt sử ký toàn thư gọi là Chế Củ, Việt-sử lược gọi là Đệ-Củ. Tống-sử quyển 489 gọi là Dang-pu-sơ-li Lu-đa-ban-ma-đệ-ba. Trong Le Royaume du Champa của Henri Maspéro gọi là Yan Pu Cri Rudravarmandra đệ tam.



Tể-tướng Lý Đạo-Thành tâu:



– Tình hình Chiêm như vậy thì thực đáng lo. Nhưng Chiêm có cử động gì cũng do Tống cả. Tình hình Tống đang tranh quyền nhau chưa ngã ngũ. Cuộc tương tranh này dường như tể-tướng Hàn Kỳ hơi thắng thế, hơi thì chỉ là tạm thời. Xin Hoàng-thượng sai sứ sang cống phương vật, nhân đó ta dò biết thêm tin tức, để liệu bề hành động. Nếu quả triều Tống đang chia phe đảng cắn cấu nhau như vậy, ta cất quân phá Chiêm. Chiêm bị phá, ta đỡ đi lưỡi búa nguy hiểm.



Nhà vua hỏi Thường-Kiệt:



– Thái-bảo nghĩ sao?



– Tâu bệ hạ, tể-tướng luận đúng. Hiện ta có hệ thống Tế-tác rất tinh-vi ở bên Tống. Hệ thống này do chính Khu-mật-viện Đại-Việt cùng Khu-mật-viện Bắc-biên chỉ huy. Mỗi biến chuyển của Tống triều ta đều biết hết. Trong triều, đám văn quan hiện chia làm hai phe. Phe đương cầm quyền do Hàn Kỳ cầm đầu. Phe mới đang ngấp nghé thay thế do Văn Ngạn-Bác cầm đầu. Phe Hàn Kỳ thì a dua theo Triệu Thự, chủ mở rộng Nam-biên. Phe này gồm có bọn Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Tiêu Cố, Lý Sư-Trung. Phe Văn Ngạn-Bác thì được Hoàng-hậu tin dùng. Chúng được phái Hoa-sơn là nơi phát tích ra triều Tống ủng hộ. Bây giờ xin bệ hạ sai một vị nào trí tuệ thực minh mẫn giả đi sứ cống phương vật, quan sát tại chỗ, rồi đưa ra quyết định ta ủng hộ phe nào, giúp phe nào. Thần thấy ở đây quan tham-tri bộ Lễ Trần Trọng-San có thể sung vào làm chánh sứ. Quan tham-tri bộ Lại Quách Sĩ-An có thể sung làm phó sứ. Còn cống phẩm, thì như đã bàn trước, lần này cống cho Tống mười con voi thuần. Mười con trâu đực thực lớn.



Nhà vua chuẩn tấu, ngài nói với Thiệu-Cực:
– Đệ tử biết lão nhân gia không phải là đại hiệp Trần Tự-An. Sư phụ ơi, tên người là Đinh Kiếm-Thương phải không? Theo đệ tử biết, thì những kẻ có bản lĩnh ngang với người, e Đại-Việt, Đại-Tống đếm trên bàn tay. Tại sao lão nhân gia lại phải đội tên đại hiệp Tự-An? Đệ tử thực không hiểu nổi.



– Bậy nào. Ta chính là Trần Tự-An, đứng hàng nhì trong Đại-Việt ngũ long, sau gã thầy chùa Minh-Không. Đúng ra ta đứng đầu ngũ-long đấy chứ. Nhưng vì gã Minh-Không là thầy chùa, là sư huynh của gã Lý Công-Uẩn nên ta phải đứng sau gã. Còn thực ra bản lĩnh của ta hơn y nhiều. Tại sao phu nhân lại bảo ta là Đinh Kiếm-Thương?



Mặt lão trở thành lầm lì:



– Đinh Kiếm-Thương hiện giờ vẫn còn sống. Y ẩn ở trong phủ đệ của tể-tướng Dương Đạo-Gia. Từ hôm Dương Đạo-Gia bị cách chức, không rõ y đi đâu mất.



Lòng Ỷ-Lan đầy nghi hoặc. Không biết nàng tin lão hay tin vua bà Bình-Dương? Nàng hỏi lại:



– Sư phụ, có một đêm đệ tử trở lại con đò tìm sư phụ, thì thấy sư-mẫu cùng hai đò phu chết cong queo, miệng bị nhét thịt chó. Sau đấy đệ tử bị bắt giam, thành ra không trở lại được. Có đúng sư mẫu bị Mộc-Tồn hòa thượng sát hại không?



– Đúng thế. Hôm ấy ta đi tìm phu-nhân ở nhà Lý Thường-Kiệt. Khi trở về, thì thấy vợ ta bị tên Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng sát hại. Ta định giết y để trả thù cho hiền thê. Sau hơn trăm hiệp, y bị lạc bại bỏ chạy. Ta đuổi y cho tới Thanh-hóa thì mất tích. Khi ta trở về Thăng-long thì người ta chôn sư mẫu rồi. Từ hôm mất sư mẫu, ta như người hóa điên, ta đi tìm phu nhân. Mãi hôm nay mới thấy.



Ỷ-Lan hỏi khéo:



– Đệ tử nghe sư phụ chế ra Cổ-loa tâm pháp, rồi truyền cho sư huynh Lý Thường-Kiệt. Cớ sao sư phụ bắt đệ tử phải đánh cắp tâm pháp này cho sư phụ?



– Hừ! Phu-nhân đâu biết rằng ta già rồi nên quên mất tâm pháp đó. Nhưng không lẽ ta là thái sư phụ, mà lại đi hỏi y? Ừ, sau khi mi rời ta, không có thuốc giải, mà phu nhân sống được kể cũng lạ. Có phải thằng lỏi Thường-Kiệt đem thuốc giải cho phu nhân không?



– Quả đúng như sư phụ đoán. Sư huynh Thường-Kiệt đã cho đệ tử thuốc giải. Sau này U-bon vương Lê Văn với phò-mã Thân Thiệu-Thái còn dùng thần công trị tuyệt nọc Chu-sa huyền-âm cho đệ tử nữa.



– Vì vậy phu nhân mới trốn không gặp ta, khiến ta phải đi tìm phu nhân. Có đúng vậy không?



– Không phải thế. Nhưng sư phụ ơi, Chu-sa huyền-âm chưởng là chưởng tà môn. Bất cứ người trong chính phái, hay tà phái đều muốn tru diệt. Sư phụ nên bỏ đi, đừng luyện nữa.



– Tà môn! Thế nào là tà môn? Võ công là gì? Là dùng hết khả năng để chém giết nhau. Vì vậy có người dùng đao, có người dùng kiếm, có người dùng ám khí. Nay ta dùng thuốc để đánh địch thì cũng thế. Cái bọn hèn hạ đánh không lại thì kêu ầm lên là tà môn. Ta hỏi phu nhân câu này nhé: nếu phu nhân không dùng Huyền-âm nội lực, thì sao có thể bắt tên Đoàn Quang-Minh, con Minh-Can khai ra sự thực trong dinh Trung-nghĩa? Nếu không dùng võ công Chu-sa thì sao có thể thắng tên Trịnh Quang-Thạch?



Ỷ-Lan vẫn chưa chịu thua:



– Trước đây chính sư phụ chế ra phương pháp phản Chu-sa chưởng. Chính phương pháp này đã đánh bại các trưởng lão bang Nhật-Hồ. Rồi cũng chính sư huynh Thông-Mai kịch đấu với Nhật-Hồ lão nhân, đi đến chỗ cả hai cùng chết. Nhưng sư huynh Thông-Mai may mắn được lão sư Phan Nam cứu thoát. Thế mà nay sư phụ lại luyện độc chưởng đó của Nhật-Hồ.



Bỗng có tiếng thanh la, tiếng quát tháo, rồi có nhiều tiếng chân người chạy rầm rập, cùng tiếng thị-vệ:



– Gian tế! Gian tế!



Kiếm-Thương phóng mình qua cửa sổ mất tích.



Lập tức một đội nữ binh gươm đao sáng choang, do một thiếu nữ cầm đầu chạy đến. Ỷ-Lan nhận ra thiếu nữ đó là công chúa Thiên-Ninh. Công chúa cung tay hành lễ với nàng, rồi hỏi:



– Phu-nhân có sao không? Gian tế đâu rồi?



Ỷ-Lan nắm tay Thiên-Ninh:



– Cảm ơn Thiên-Ninh, cô không sao cả. Gian tế đấu chưởng với cô, bất phân thắng bại. Sau thấy động, y bỏ chạy. Chỉ có Thúy-Hoàng, với Thúy-Phượng bị trúng độc nhưng không sao.



Nàng dắt Thiên-Ninh vào cung Ỷ-Lan, trong khi đội nữ binh dàn ra mau chóng bao vây lấy xung quanh. Ỷ-Lan dùng phương pháp hút độc của Đinh Kiếm-Thương dạy, nàng xoa trên mặt hai người, mỗi người một cái, lập tức mẹ con Thúy-Hoàng, Thúy-Phượng tỉnh ngay.



Thiên-Ninh hỏi:



– Phu nhân! Gian tế là loại người nào vậy? Y định làm gì?



Ỷ-Lan lắc đầu:



– Cô thực không rõ ý đồ của y. Y là một lão già tuổi trên bẩy mươi. Võ công của y là võ công Đông-a, nhưng nội lực lại là nội lực Hồng-thiết.



Từ ngày nhập cung, Ỷ-Lan rất thân với ba bà phi, sinh mẫu của công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên và Thiên-Ninh. So vai vế thì cái tước phu nhân của nàng thấp hơn tước phi của ba bà. Về tuổi tác, các bà đáng tuổi mẹ nàng, nên nàng không dám ỷ được sủng ái mà lên mặt. Trái lại, nàng rất lễ phép, nhũn nhặn với các bà. Nên các bà cực kỳ yêu quý nàng.



Riêng Thiên-Ninh, vì là đệ tử công chúa Bảo-Hòa, võ công nàng cao thâm vô cùng, nàng lại uyên thâm Nho học, rất giỏi về tổ chức canh nông, tiền tệ, thuế má. Nàng đã được triều đình trao cho nhiệm vụ kiểm soát việc thi hành cải cách canh nông, binh lương. Khi vừa gặp nhau lần đầu, Ỷ-Lan với nàng thân nhau ngay. Hai người thường bàn quốc sự với nhau. Tuy vai vế Ỷ-Lan ngang với mẹ Thiên-Ninh; Thiên-Ninh gọi nàng là phu nhân, xưng con, Ỷ-Lan xưng cô với nàng. Nhưng hai người như cặp bạn thân thiết vô cùng. Ỷ-Lan xin với nhà vua cho nàng thu nhận tiểu thư con các quan, luyện tập thành đội nữ binh, hầu bảo vệ cho Hoàng-thành. Nhà vua đồng ý ngay. Chỉ trong vòng nửa năm đội nữ binh đả có khả năng chiến đấu như một đạo binh. Ỷ-Lan lấy tên nữ tướng võ công cực cao thời vua Trưng tên Trần Năng tước phong công chúa Gia-Hưng đặt cho đạo binh này.



Ghi chú,



Sau này khi Quách Quỳ, Triệu Tiết đem đại binh sang đánh, công chúa Thiên-Ninh được chỉ định trấn thủ phòng tuyến bảo vệ vòng đai Thăng-long. Quân Tống phá vỡ chiến lũy Như-nguyệt, như nước vỡ bờ, tiến tới rừng tre cách Thăng-long có 25 cây-số. Công-chúa Thiên-Ninh dùng đạo binh Yên-lãng tử chiến, đánh bật quân Tống lui về Như-nguyệt.



Gia phả cũng như từ đường của con cháu họ Lý tại Bắc Cao có đôi câu đối:



Thập bát anh hùng giai Phù-đổng,



Tam thiên nữ kiệt tỷ Mê-linh.



Nghĩa là 18 anh hùng đều có thể ví với Phù-đổng Thiên-vương, ba nghìn nữ kiệt có thể sánh với các anh hùng thời vua Trưng.



Sau khi tuẫn quốc, Công-chúa rất thiêng. Hiện đền thờ Công-chúa tại Thị-cầu, lỵ sở của tỉnh Bắc-ninh, hằng năm vào đầu xuân, có hằng mấy trăm người tới vay tiền Bà Chúa-kho.