Nam Quốc Sơn Hà

Chương 2 : Tiềm long hàn vi

Ngày đăng: 09:01 19/04/20


Tiếp theo bộ Anh linh thần võ tộc việt



............



Niên hiệu Long-thụy Thái-bình thứ sáu, đời vua Lý Thánh-tông, là năm Kỷ-Hợi (1059), bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Gia-hựu thứ tư, đời vua Tống Nhân-tông.



Bấy giờ vào tiết tháng hai, hoa soan nở rực bầu trời. Mỗi trận gió thổi, là y như những cánh hoa tím nhạt bay lả tả trong không gian. Bên bờ những con sông nhỏ, hoa tầm xuân nở rực lên mầu hồng. Những áng cỏ non ven đường trổ mầu xanh non, mướt như tơ. Giữa cảnh hoa xuân rực rỡ ấy, một kỵ binh phi như bay trên con đường dài. Khi đến cổng làng Sủi, thì ngừng lại. Toán Hoàng-nam gác cổng đồng loạt đứng dậy hỏi:



– Huynh ơi, có công văn gì đấy?



Ghi chú:



Thời Lý, con trai đến tuổi mười sáu, thì được làng làm lễ rất trọng thể, rồi ghi tên vào một cuốn sổ vàng. Kể từ ngày ấy được gọi là hoàng nam (con trai vua). Cũng kể từ đấy, hoàng nam được cấp ruộng công điền để cầy cấy, được tham dự những buổi họp của làng xã, cùng đóng góp vào công việc ích lợi chung trong làng, ngoài nước. Hoàng-nam được coi như một tài nguyên quốc gia. Sang triều Lê, Nguyễn được đổi thành xuất đinh.



Viên kỵ binh vẻ mặt nghiêm trọng nói với người trưởng toán canh cổng làng:



– Anh Tề à. Có lệnh khẩn, tôi cần trao tận tay cho ông Lý, anh đưa tôi vào ngay đi.



Người trưởng toán Hoàng-nam, tên Tề cầm cái dùi đánh vào chiếc mõ hình con cá một hồi lẻ ba tiếng, rồi đứng lên, nói với viên kỵ binh chạy trạm:



– Mời huynh đến nhà cụ Lý với tôi.



Hai người sóng vai vào làng. Trong khi một hoàng-nam khác cầm lấy cương ngựa của viên kỵ binh, cột vào gốc cây bên cạnh. Cụ Lý-trưởng đã khăn áo chỉnh tề đứng đón ở trước cổng nhà. Viên kị binh cúi đầu chào:



– Kính cụ Lý. Có thư của quan huyện Gia-lâm đạt đến cụ.



Ông Lý tiếp thư, miệng cười:



– Mời anh vào uống chén trà đã.



Viên kỵ binh lắc đầu:



– Cháu cảm ơn cụ nhiều, để khi khác. Cháu còn phải chạy trạm nữa.



Ghi chú:



Thời Lý, Trần, những kị binh chạy trạm, đem lệnh từ phủ huyện hay triều đình đi các nơi, được dân chúng, hương đảng quý mến, chiều đãi vì họ là những người có đức hạnh tốt, lại phải học lễ nghĩa rồi mới được giao việc. Từ đời Lê về sau, thì triều đình, hay nghe lời lính trạm bắt tội hương đảng, nên bọn lính trạm thường hống hách vô cùng. Hơi tý là hoạnh họe, đòi tiền, đòi ăn uống.



Viên kỵ binh lễ phép chào rồi ra đi. Cụ Lý cầm bao thư lên xem, ngoài đóng dấu con chim ưng bay trên trời, chân cặp hai thanh gươm. Kinh nghiệm giúp cụ biết đây là công văn của Khu-mật viện. Cụ vội mở ra đọc. Bức công văn khá dài, đến bốn tờ giấy. Ðọc xong, cụ bảo Tề:



– Cháu đánh trống mời quan viên ra đình làng họp khẩn cấp.



Tề trở về điếm cánh, cầm dùi đánh trống. Mới sau một khắc, mà dường như tất cả chức sắc trong làng đã lục tục kéo đến đình. Như thường lệ, quan viên làng ngồi làm bốn chiếu trên bốn bệ. Bệ cao nhất dành cho các vị quan lớn về hưu, bệ này cao đến hơn ba thước (75cm). Bệ thứ nhì cao hai thước, dành cho các vị đỗ đạt. Bệ thứ ba cao hơn thước dành cho ông tiên chỉ, lý trưởng, phó lý, trương tuần. Các chiếu còn lại dành cho trưởng xóm, cùng các viên chức khác.



Ghi chú:



Hồi này thuật thời thơ ấu của Linh-Nhân hoàng thái hậu, thường gọi tắt là Ỷ-Lan thái hậu (1059). Mọi sự kiện tôi căn cứ vào cuốn phổ mà tiền nhân tôi để lại. Phần cuối cuốn phổ có chép hương ước của làng Siêu-loại, tức làng Sủi là quê hương ngài. Hương ước này làm vào niên hiệu Thiên-phù Duệ-vũ nguyên niên đời vua Lý Nhân-Tông, tức năm Canh-Tý 1120. Như vậy hương ước làm sau khi Ỷ-Lan thái hậu băng ba năm, tôi chắc những thủ tục điều hành trong làng chưa thay đổi làm bao so với hồi ngài còn niên thiếu, bởi chỉ cách nhau 61 năm. Làng Siêu-loại nay thuộc xã Phú-thị, huyện Gia-lâm, Hà-nội.



Lý trưởng đứng lên cung tay:



– Trình trên có các quan lớn, các chức sắc. Quan huyện Gia-lâm mới đạt thư khẩn cấp đến cho làng ta.



Cụ Tiên-chỉ hỏi:



– Có chuyện gì rồi ư?



– Vâng, quả thế. Quân Tống lại xâm lăng vào Bắc-biên. Vua bà Bình-Dương cùng phò mã Thân Thiệu-Thái cấp báo về triều đình. Long-Thụy hoàng đế họp đình thần. Quan Tư-không Lý Ðạo-Thành, quan Tể-tướng Dương Ðạo-Gia, quan Văn-minh điện đại học sĩ Bùi Hựu bàn nên sai sứ sang cáo với Tống triều. Quan Thái-sư Dương Bình, Thái-úy Quách Kim-Nhật, cùng với quan Tả kiêu-vệ đại-tướng quân Lý Thường-Kiệt bác ý kiến, đòi áp dụng chính sách Bắc-cương của Khai-Quốc vương.



Trưởng giáp Nhất hỏi:



– Cụ Lý à, cháu còn trẻ, không biết rõ chính sách Bắc-cương ra sao, xin cụ chỉ dạy cho.



Cụ Lý được dịp bầy tỏ sở kiến của mình:



Nguyên vào niên hiệu Thuận-thiên thứ mười bẩy (1026), quan Thái-sư phụ quốc thái úy là Khai-Quốc vương cùng triều đình Bắc-biên họp mấy ngày, rồi đưa ra đường lối đối phó với bọn biên thần Tống hiếu sự. Chính sách gồm bẩy điều. Nhưng điều quan trọng nhất là: đối với triều đình thì hậu lễ, lời khiêm. Ðối với bọn biên thần thì thẳng tay dùng sức mạnh.



Ghi chú:



Xin đọc Anh-hùng Bắc-cương, cùng tác giả, 4 quyển.



Ông Phó lý hỏi:



– Vụ Tống dở quẻ ra làm sao xin cụ nói cho rõ để cả làng được hiểu.



Lý trưởng bỡ ngỡ một chút rồi hướng vào một người già, tóc bạc phơ, nhưng không râu, ngồi ở chỗ cao nhất:



– Vụ này Quân-hầu biết nhiều, xin Quân-hầu giảng cho.



Lão già gật đầu nói:



– Ðược, được chứ.



Một thanh niên hỏi bạn:



– Ông này có phải là Trung-nghĩa hầu không? Lý lịch ông ra sao?



- À, ông có tên là Trịnh Quang-Thạch, vốn là gia tướng của quan Kiểm-hiệu Thái-phó, Tả-bộc-xạ, Ðồng-trung-thư môn hạ bình chương sự, Chiêu-văn-quan đại học sĩ, giám tu quốc sử Dương Ðức-Thành, tức Tể-tướng thời vua Thái-tông. Hồi trẻ ông hầu tiểu thư con quan Dương tể tướng. Sau tiểu thư tiến cung được phong Thiên-Cảm hoàng hậu, ông tự thiến làm thái giám hầu Hoàng-hậu. Vì ông có võ công cao, cùng văn tài, nên dần dần được thăng lên đến chức Nhập-nội đô-tri. Ông cũng có thời cầm quân. Lúc về hưu, ông được thăng hàm Trung-nghĩa đại tướng quân, tước Siêu-loại hầu. Vùng mình ở đây là ấp phong của ông. Khi mới được phong, ông đem tông tộc, rồi mượn thêm một số nhân sĩ, mở ra trường Trung-nghĩa để dạy văn, luyện võ cho thiếu niên. Hiện có rất nhiều võ tướng, văn quan xuất thân từ trường ông, nên ông có uy tín với triều đình.



– Hèn gì ai cũng cung cung kính kính với ông.



Siêu-loại hầu nói:



– Từ xưa đến giờ biên giới Tống-Việt thường ngăn cách bằng 207 trang ấp. Các trang ấp này là lạc ấp còn sót lại từ thời vua Hùng. Mỗi trang là một giòng họ, người cai trị là một lạc hầu. Người Hán gọi là khê động. Các khê động thường bị biên thần Tống lấn áp, đe dọa, vì vậy khi thì họ theo Tống, khi thì họ theo Việt. Vào thời vua Thái-tông, Khai-Quốc vương giúp cho tộc Nùng nổi lên, đánh chiếm Lưỡng-quảng. Nùng Trí-Cao được tôn làm Nhân-Huệ hoàng đế (1052), quốc hiệu là Ðại-Nam. Nước Ðại-Nam bao gồm lãnh thổ 107 khê động với Lưỡng-Quảng. Ðại-Nam, Ðại-việt, Ðại-lý, Lão-quan, Xiêm-la, Chân-lạp, Chiêm-thành kết thành tộc Việt, để chống lại Tống, nếu Tống xâm lăng.



Ông ngừng lại, đưa mắt nhìn cử tọa rồi tiếp:



– Nhưng khi Trí-Cao đắc thế rồi thì y lại muốn dùng 9 tộc Nùng cai trị các tộc Mán, Thái, Trang, Mèo, Lô-lô, Tày. Các lạc hầu của 198 tộc khác chống lại. Trí-Cao thẳng tay đàn áp. Y còn bắt các tộc khác bỏ phong tục, tiếng nói của mình, mà học tiếng Hán, chữ Hán. Thế là Ðại-Nam bị rạn nứt. Thấy việc nguy hại, vua bà Bình-Dương phải can thiệp. Nhưng Trí-Cao cho rằng nước mình còn lớn hơn Ðại-Việt, dân đông hơn tất cả các nước thuộc tộc Việt, nên y không nghe. Sau cùng chính vua Thái-tông sai sứ sang khuyên răn, y cũng không nghe. Vì vậy, 198 tộc khác bỏ Ðại-Nam, xin trở về với Ðại-Việt, rút lại lãnh thổ của y chỉ có 9 khê động Nùng với phần đất Lưỡng-Quảng. Tống dò được tin đó, sai Ðịch Thanh mang đại quân sang đánh. Người Hán tại Lưỡng-Quảng nổi lên theo Tống. Lúc đầu Trí-Cao thắng được mấy trận. Sau bị bại, mất hết vùng Quảng-châu, Khâm-châu, Liêm-châu. Y vội rút về Quảng-Tây. Biết thế nguy, y cầu cứu với vua Thái-tông.



Ông ngừng lại, nhấm một chung trà. Ðám thanh niên trẻ nhao nhao lên hỏi:



– Thưa cụ thế Ðại-Việt có cứu Trí-Cao không?



Siêu-loại hầu hỏi ngược lại:



– Theo chư vị, Ðại-Việt có nên cứu hay không?



Lập tức cả đình ồn lên bàn tán, kẻ thì bảo nên cứu, người thì bảo không nên. Siêu-loại hầu hỏi một trung niên nam tử:



– Thầy đồ Thái, thầy là người có kiến thức, thầy cho biết ý kiến?



Làng Thổ-lội có hai thầy đồ dạy chữ. Thầy thứ nhất ăn lương của trường Trung-nghĩa, họ Trần, tên là Trọng-San. Thầy đồ thứ nhì ăn lương vua, họ Quách tên Sĩ-An, nhưng vì cụ Tiên-chỉ trong làng cũng tên là Sĩ-An, nên thầy xin đổi là Thái, để kiêng húy vị ngồi đầu hương đảng. Nghe Siêu-loại hầu hỏi, thầy đứng dậy cung tay:



– Thưa cụ, nếu cháu là vua Thái-Tông thì cháu cứu y.



Lập tức có nhiều tiếng ồn ào:



– Không cứu tên phản bội. Không, không cứu.



Thầy đồ Thái nói:



– Thưa cụ, theo như cháu nghĩ, người xua quân đánh chiếm Lưỡng-Quảng là Khai-Quốc vương chứ không phải vua Thái-Tông. Chính Vương đã ứng mệnh trời, hợp lòng người, cùng võ lâm suất lĩnh tộc Việt tiến đánh chiếm lại đất cũ thời vua Hùng. Vương giao cho tiên-cô Bảo-Hòa tổng chỉ huy. Còn sắc dân Nùng với Trí-Cao chỉ có một đạo quân nhỏ. Ngôi vua với nước Ðại-Nam như từ trên trời rơi xuống cho Trí-Cao với 9 khê động Nùng. Nên sau khi lên ngôi vua, Trí-Cao bắt buộc phải dùng người Hán, dùng văn tự Hán. Dĩ nhiên người Hán khuyên y nên tách khỏi tộc Việt thành một nước riêng. Cái ngu của Trí-Cao là phía Bắc Ðại-Nam tiếp giáp với vùng Kinh-hồ của Tống. Vùng này vua Tống phong cho phò mã Tự-Mai làm Kinh-Nam vương. Ðáng lẽ Trí-Cao phải biết rằng Kinh-Nam vương là người dùng binh giỏi nhất Hoa-Việt, y cứ dựa vào Vương để Vương làm bức tường trấn Tống cho, thì Ðại-Nam vững như bàn thạch. Ðây y lại vô lễ với Vương. Y viết thư cho Vương mà dám xưng trẫm, coi như mình là Hoàng-đế, còn Vương chỉ là một quận vương mà thôi. Nên Vương mới để cho Ðịch Thanh đem quân vượt Kinh-Nam đánh y. Bây giờ, quân Tống đến đánh, tất nhiên người Hán phản y về với Tống, y lâm đường cùng. Nếu ta cứu y, thì sau này vĩnh viễn y phải quy phục Ðại-Việt.



Mọi người vỗ tay hoan hô.



Siêu-loại hầu nói:



– Khi Ðịch Thanh tới đánh Trí-Cao thì Khai-Quốc vương đang vân du tại Chân-lạp. Vua Thái-Tông không chịu cứu y. Khai-Quốc vương được tin, trở về, xin vua xuất binh cứu Trí-Cao. Vua bằng lòng, nên Vương sai Trấn-Bắc đại tướng quân Vũ Nhĩ đem đạo quân biên phòng vượt biên đánh phía sau Ðịch Thanh. Nhưng khi quân ta vừa vào đất Tống thì toàn thể nước Ðại-Nam đã bị Ðịch Thanh chiếm. Vì vậy Vũ Nhĩ phải rút quân về (1053).



Hầu thở dài:



– Chuyện đó vừa dứt thì vua Thái-Tông băng hà. Thấm thoát nay đã bẩy năm (1059). Sau khi Ðịch Thanh diệt Trí-Cao, y tổ chức lại vùng Lưỡng-Quảng. Triều đình Tống biết dùng những tướng bại trận để trấn Nam-thùy, vì họ có kinh nghiệm. Nhưng chính bọn này lại hay gây rối.



Phó lý hỏi:



– Bẩm quân hầu, đó là những tên nào vậy?



Một trong những viên quan có tài là Tiêu Chú. Y xuất thân tiến sĩ, nhưng giỏi việc binh. Hồi Trí-Cao đánh, y làm chức Tri huyện ở Quảng-châu. Y khôn khéo rút quân về vùng Chương-giang, đợi Ðich Thanh tới đánh, y mới phản công. Chính y bắt sống được mẹ và con Trí-Cao. Sau khi Trí-Cao bị dẹp, Tống phong cho y coi Ung-châu, cuống họng của Tống thông với ta. Y có ý định đánh lấy Ðại-Việt. Y cho tuyển quân, huấn luyện, gửi tế tác sang ta. Y đã nhiều lần dâng biểu về triều để xin trình bầy phương lược đánh Ðại-Việt. Nhưng quan trên của y là Lý Sư-Trung, Tiêu Cố luôn bác ý kiến của y. Vả trong triều, vua Tống là anh em kết nghĩa của Kinh-Nam vương Tự-Mai, ngài chủ trương giữ vững mặt Nam, để chống mặt Bắc, nên Chú không làm được gì. Nhờ Kinh-Nam vương Tự-Mai cho biết rõ ý vua Tống cùng bọn quan coi Quảng-Tây không muốn gây hấn ở Nam-phương, vì vậy vua Thái-tông mới cương quyết: hơi đụng chạm là phản ứng thực mạnh. Nên nay mới có việc đem Thiên-tử binh lên để làm cho Tống kinh hãi.



Ghi chú:



Sự kiện này chép trong Tống-sử, quyển 332, trang 10.676, Lý Sư-Trung truyện. Trang 10.690 Lục Sằn truyện. Quyển 334, trang 10.727 Thẩm Khởi truyện. Trang 10.732 Tiêu Chú chuyện.



Phó lý hỏi:



– Vậy bây giờ Tống dở quẻ, không rõ Long-Thụy hoàng-đế quyết định sao?



Lý trưởng đáp:



– Ngài đồng ý giải quyết theo chính sách Bắc-cương thời Thuận-thiên. Ngài truyền cho Tả kiêu-vệ đại tướng quân, Thái-hà hầu Lý Thường-Kiệt mang mười đạo Thiên-tử binh lên Bắc-cương đặt dưới quyền vua bà Bình-Dương, để đối phó với giặc. Vì vậy quan huyện Gia-lâm truyền cho làng ta phải cấp một trăm dân đinh chuyên chở lương thảo trong vòng một tháng.



Ghi chú:



ÐVSKTT, Lý Kỷ: Năm Kỷ-Hợi, niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh nguyên niên, (Tống niên hiệu Gia-hựu năm thứ tư) mùa xuân, tháng ba, đánh Khâm-châu nhà Tống, dương oai rồi rút về, vì (vua) ghét Tống phản phúc.



Các quan viên xã đồng ồn lên những tiếng bàn tán xôn xao. Cụ Tiên-chỉ hỏi Trương-tuần:
Vì bị trúng lạnh từ hơn hai ngày trước, thành ra, tối về nàng thở hít, mà khí bế tắc không thông, nên hôm nay nàng mệt nhừ. Vừa về đến nhà, nàng thấy Minh-Can cùng với hai bạn trai, hai bạn gái đang luyện võ với nhau ở sân. Minh-Can thấy nàng về, nó lên lớp:



– Về mau, đun nước pha chè cho khách uống.



Minh-Ðệ thản nhiên vào bếp nấu nước, rồi pha trà. Một người bạn trai của Minh-Can hỏi:



– Con ở nhà chị đấy à?



– Gần như vậy.



Minh-Ðệ đã quen với cảnh này, nên nàng nín nhịn. Vì mệt quá, nàng vào bếp, chui trong đống rơm nằm nghỉ. Vừa thiu thiu thì chị Sửu gọi:



– Ðệ đâu?



Nàng chưa kịp trả lời, thì cái cán chổi đập vào chân nàng hai cái. Ðau quá, nàng nhảy dựng dậy. Chị Sửu quát:



– Có đi xay thóc, dã gạo không? Chiều nay mà không có gạo nấu cơm thì chỉ có chết, nhớ nhá.



Sau khi đập Minh-Ðệ hai cán chổi, chị Sửu ngẫm ra một điều là mọi khi chị đập sẽ thôi, là Minh-Ðệ ôm chân ngồi nhăn nhó một lúc mới đi nổi. Bây giờ nàng chỉ kêu lấy lệ, dường như không đau đớn gì.



Minh-Ðệ vội lấy thúng vào gian nhà chứa thóc, xúc thóc đem ra cối xay. Xay xong lại phải sàng, xảy, rồi đem gạo ra cối dã. Gạo dã xong, thì trời về chiều. Chị Sửu quát:



– Con ngẫn ngờ kia, mau quét nhà, rồi gánh nước rửa chuồng lợn.



Minh-Ðệ tuy mệt nhừ, người hâm hấp sốt, nhưng vẫn phải tuân hành. Nàng gánh được hai gánh nước trót lọt. Ðến gánh thứ ba thì trượt chân ngã lăn xuống đất. Không may, bắp chân chà phải mảnh sành, máu chảy ra chan chứa. Từ chị Sửu, cho tới Minh-Can, cùng mấy đứa em trai là Thắng, Lực đều dương mắt thản nhiên nhìn. Nàng quằn quại một lúc, rồi cố gắng ngồi dậy, uể oải ra vườn tìm cây thuốc dấu, hái mấy lá cho vào cối dã ra, đắp lên vết thương, rồi xé vạt áo cũ băng lại. Lát sau vết thương cầm máu. Nàng lê bước về buồng, nằm xuống nghỉ. Nhưng chị Sửu đã oang oang:



– Con ngớ ngẩn làm bộ, giả đau trốn việc đâu rồi? Có ra ngay không thì bảo?



Ghi chú:



Cây nhọ-nồi: loại cây mọc hoang khắp Việt-Nam. Tên Hán-Việt gọi là Bách-thảo-sương. Tên khoa học là Pulvis Fumu carbonissantus. Khi dã cây này ra, thì có chất mầu đen, giống như nhọ nồi. Cây này tính vị cay, hơi ấm, nhập tâm, phế kinh, tác dụng cầm máu, trợ tiêu hóa, giải độc. Có thể dùng trị chảy máu cam, chảy máu chân răng, tả lỵ. Chảy máu chân răng: dã nhọ nồi bôi vào. Chảy máu cam: án nhọ nồi khô, thổi vào mũi. Chữa ghẻ ngoài da trẻ con: tán nhọ nồi khô, trộn với mỡ heo, mỡ gà bôi lên. Chữa tả lỵ: nhọ nồi khô uống với cháo nóng, ngày hai lần, mỗi lần 8g.



Minh-Ðệ chưa kịp trả lời, thì tiếng Minh-Can nói:



– Chị để em vào, lôi nó ra cho chị nhá!



– Ừ, em làm dùm chị.



Minh-Can xồng xộc bước vào buồng, nó vung tay tát Minh-Ðệ hai cái, rồi quát:



– Giả đau trốn việc này!



Mọi khi Minh-Can tát, thì Minh-Ðệ cảm thấy đau đớn. Nhưng nay sau hai cái tát với tất cả sức lực dáng vào mặt nàng, mà nàng chỉ cảm thấy hơi ran rát thôi. Minh-Can cũng nhận ra điều đó, thị bẻ quặt cánh tay nàng, rồi nhắc bổng lên, ném ra sân đánh huỵch một cái. Ðau quá, Minh-Ðệ nằm im, không bò dậy được.



Minh-Can cáu:



– Con chết tiệt giả bộ nữa hả?



Nó co chân đá vào mông nàng hai cái. Vốn đã bị đòn nhiều thành kinh nghiệm, Minh-Ðệ ngẫm ra khi bị đòn, nàng cứ nhập tĩnh thực sâu, rồi thở hít, thì cái đau giảm một nửa. Vì vậy nàng nhắm mắt nhập tĩnh rồi thở hít. Hai cái đá khiến thân thể nàng lăn đi hai ba vòng, nhưng nàng vẫn nằm bất động. Thằng Mãnh chạy ra lay nàng:



– Chị Ðệ, chị Ðệ.



Nàng vẫn nằm bất động. Nó oà lên khóc:



– Chị Ðệ chết rồi, mau đi báo làng.



Nói rồi nó chạy vội đi. Chị Sửu vội ngăn lại:



– Con nỡm này nó giả đò đấy, em mà báo làng, thì làng họ nọc cổ em ra họ đánh cho mà coi.



Thằng bé vội ngừng lại. Chị Sửu với Minh-Can vội khiêng Minh-Ðệ vào nhà, rồi đi luộc trứng, đánh cảm. Bấy giờ Minh-Can, chị Sửu mới biết sợ. Chị sờ tay vào ngực nàng, thấy còn thoi thóp thở, nên yên tâm. Chị chỉ mặt thằng Mãnh, Tráng và con Minh-Nhàn:



– Muốn sống thì câm cái miệng, đứa nào hé môi thì tao đập chết, nghe không?



Ba đứa trẻ im lặng gật đầu.



Khi mặt trời lặn, thì ông bà Thiết về. Xe vừa dừng trước ngõ bà Thiết không thấy Minh-Ðệ ra dắt ngựa đi tắm, cùng cho ăn cỏ như thường lệ, bà hét lên:



– Cái con trời đánh thánh đâm đâu rồi? Có ra tắm ngựa hay không?



Minh-Can đon đả cùng bốn đứa trẻ chạy ra:



– A, bố về, mẹ về.



Thằng Lợi chạy đến ôm chân bà, bà đẩy nó ra:



– Làm gì thế này, cút.



Sau khi đẩy đứa trẻ ra, bà chợt thấy nét mặt Minh-Can như có vẻ sợ hãi, tay bà vòng ra ôm lấy cổ con gái:



– Con gái của mẹ. Sao hôm nay ở trường có gì lạ không? Mẹ mua quà cho con đây này.



Bà móc trong bọc ra cái khăn lụa, choàng lên cổ Minh-Can. Thằng Lợi mới có bốn tuổi, thấy mẹ hắt hủi mình, nó ngơ ngác nhìn bà Thiết bằng con mắt sợ hãi, rồi không hiểu nghĩ sao nó òa lên khóc. Ông Thiết vội bế nó lên lên, nó nức nở:



– Chị Sửu với chị Can đánh chết chị Ðệ rồi.



Bà Thiết chép miệng:



– Cứ đánh chết nó đi cũng chẳng sao.



Ông Thiết cau mày hỏi chị Sửu:



– Bây giờ nó ở đâu?



– Thưa ông, sau khi đi việc làng về, cháu bảo nó gánh nước rửa chuồng lợn, nó giả bệnh rồi vào buồng nằm ngủ, mọi việc nào xay thóc, nào dã gạo, nào thổi cơm, em Can phải làm hết.



Lập tức bà Thiết rống lên như trâu gầm:



– Ông thấy không, con trời tru, đất diệt; con tù đâm chó đéo nó như vậy đấy, nó làm khổ cho con tôi, trời hở trời???



Bà cầm hai bàn tay Minh-Can lên xem xét tỷ mỉ dưới ánh đèn, trong lòng đầy xót xa, bà bảo chị Sửu:



– Từ nay trở đi, cái con thiên lôi đánh nó có dở chứng gì, thì mặc nó, chị đừng bắt đứa con châu ngọc của tôi phải làm việc.



Minh-Can xen vào:



– Tự con muốn chính tay mình xay thóc, dã gạo để dâng hiến cho bố mẹ chứ có phải chị Sửu bảo con đâu? Mẹ đừng mắng chị ấy mà con phải tội.



Bà Thiết ôm sát Minh-Can vào lòng:



– Ông thấy con nó có hiếu không? Thực không thua Tử-Lộ đội gạo, đâu kém vua Thuấn. Nó thực được cả người, cả nết, chứ đâu có như con khốn nạn kia.



Ông bà vào nhà thay quần áo, cơm đã dọn lên. Cả nhà ngồi vào hai mâm cơm. Ông Thiết bảo Lực:



– Con vào gọi chị dậy ăn cơm.



Thằng Lực vào buồng nói lớn:



– Chị Ðệ ơi, dậy ăn cơm.



Minh-Ðệ đau đớn, mệt mỏi, lại đang lên cơn sốt, chỉ ngất đi chứ chưa chết. Tuy nhiên trong cái ngất, nàng ngủ được một giấc, thành ra sức lực dần dần trở lại. Nghe tiếng em gọi, nàng nói trong hơi thở hổn hển:



– Các em cứ ăn cơm đi, chị không ăn đâu.



Lực trở ra nói với mẹ:



– Chị Ðệ không ăn cơm.



Bà Thiết nghiến hai hàm răng vào nhau, mắt bà đỏ gay, mở tròn như hai con ốc ang to. Bà rít lên:



– Mày lại hờn hả? Mày dỗi hả? Có dậy ngay không?



Giữa lúc đó, Minh-Ðệ từ từ tỉnh giấc, tay đau, chân đau, mông bị vết đá tím bầm, nàng nghiến răng ngồi dậy, nhưng vẫn không nổi. Bà Thiết chụp ngay đôi đũa cả rồi lao người vào buồng Minh-Ðệ; không nói, không rằng, bà quất vào mông, vào lưng, vào vai nàng liên tiếp không biết bao nhiêu cái. Mấy cái đầu Minh-Ðệ còn dãy đụa, nhưng mấy cái sau nàng lại ngất đi, không biết gì nữa, mặc cho bà Thiết đánh. Ðánh một lúc mỏi tay, bà Thiết hơi ngạc nhiên, vì thấy Minh-Ðệ không rên siết như mọi khi, bà chán nản ngừng tay:



– Ðể thằng cha mày dạy mày.



Bà ra nhà ngoài rống lên khóc với chồng:



– Ông thấy chưa? Nó làm gan, nằm lỳ ra không chịu dậy. Con ông đấy, ông dạy nó đi.



Kinh nghiệm cho ông Thiết biết, nếu ông đưa ra lời bênh Minh-Ðệ, thì vợ sẽ đánh chết đứa con gái bất hạnh của mình. Nhược bằng ông hùa theo vợ, thì tội cho nó, nên ông im lặng.



Bà Thiết thở hổn hển bảo Minh-Can:



– Con vào nắm cổ nó ném ra ngoài vườn kia cho mẹ. Mẹ không chịu được nữa rồi.



Ðược mẹ sai hành hạ kẻ thù, Minh-Can sướng quá, ả bước vào buồng chị túm áo ngực nàng nhắc bổng lên, rồi chạy ra vườn. Lúc đầu thị định ném nàng ra sau vườn thôi, nhưng bỗng tính ác nổi dậy, thị chạy ra chuồng hôi rồi ném nàng xuống. Bụp, Minh-Ðệ rơi xuống dưới hố đầy phân, đầy dòi bọ ngập đến ngang lưng. Nhưng vừa đau đớn, vừa mệt mỏi, nàng nào biết gì? Ðầu nàng gục vào bờ chuồng hôi.



Ghi chú:



Thời Lý, chưa có cầu tiêu che kín như bây giờ. Thường mỗi nhà hay nhiều nhà chung nhau đào một hố sâu, bắc ván lên để ngồi đi đại tiểu tiện. Xung quanh trồng cây ré để che phòng người ta "nhìn thấy". Cứ mấy ngày, phân nhiều thì đem tro đổ lên trên. Khi nào phân đầy, thì múc lên pha với nước đem bón cây, bón lúa. Trong nhà, mọi người vẫn tiếp tục ăn uống, vui vẻ. Bà Thiết vừa ăn, vừa nói với chồng:



– Không biết ma quái, của nợ ở đâu nó lạc vào nhà này làm khổ cho tôi, làm khổ cho con Minh-Can.