Nam Quốc Sơn Hà

Chương 22 : Tân-pháp Vương-an-thạch

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Thiệu-Cực tiếp:



– Thân phụ Thạch tên Ích, làm chức đô-quan viên-ngoại lang. Thủa nhỏ Thạch ham đọc sách, cực thông minh, nhớ dai. Bất cứ sách gì, chỉ đọc một lần là y không bao giờ quên. Đỗ đầu tiến sĩ khoa Tân-Tỵ (1041), niên hiệu Khánh-lịch nguyên niên đời vua Nhân-tông, so với bản triều là niên hiệu Càn-phù hữu đạo thứ ba đời vua Thái-tông. Lúc đầu được bổ làm phán quan ở Hoài-Nam, rồi quần mục phán quan, đô tri phán quan ở Thường-châu. Niên hiệu Gia-hựu thứ 6, bên Đại-Việt là niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ ba (1061), 41 tuổi, được gọi về triều coi về chế-cáo. Như vậy, trong hai mươi năm quan trường, ông vẫn lận đận với chức tước nhỏ bé. Chỉ vì làm bất cứ chức gì, ông cũng đưa những ý kiến cải tổ mới mẻ, nên quan trên cho rằng ông là « đạo Nho » (đồ Nho ăn cắp) đôi khi « cẩu nho ». Ông có lối nghị luận cao kỳ, biện bác, tự đưa ra những thuyết thực tiễn. Những thuyết đó có thể làm thay đổi toàn bộ phong tục, luật pháp, chính sự Trung-nguyên mấy nghìn năm. Trong khi Nho học luôn dẫn cứ cổ nhân ra làm gương. Dưới đây thần xin trích một đoạn ngắn, về bài tựa chính sách tân pháp của Thạch:



«... Nay tài lực thiên hạ ngày một khốn cùng. Phong tục mỗi lúc một suy đồi. Cái nạn đó bởi dân không biết pháp độ, không biết chính sự của tiên vương. Pháp độ của tiên vương do ý của người. Pháp độ do người đặt ra, thì cũng có thể do người canh cải được. Tại sao ta không thể bỏ ngoài tai nhĩ mục thiên hạ, dẹp lời dị nghị của thiên hạ, để tạo pháp độ mới? Ta phải lấy lực của thiên hạ mà làm nảy sinh tài vật cho thiên hạ. Dùng tài vật của thiên hạ để cung phụng những chi phí cho thiên hạ... »



An-Thạch vốn là kẻ sĩ đất Kinh-sở, nên tuy có tài kinh thiên động địa, văn chương quán thế, mà trong triều ít người biết đến. Bấy giờ trong triều là thời của tể thần Hàn Kỳ, Lã Di-Giản. Hai người cùng anh em, con cháu, thân thuộc kết thành hai nhà lớn, tạo một văn phong « Hàn, Lã ». An-Thạch kết thân với em Hàn Kỳ là Hàn Giáng, Hàn Duy, và Lã Công-Trứ. Nhân Hàn Duy làm thị giảng cho thái-tử Húc. Mỗi khi thái-tử hỏi về chính sự, Duy trình bầy những tư tưởng mới của Thạch. Thái-tử khen ngợi, thì Duy nói: « Đó là của Vương An-Thạch không phải của thần ». Thái-tử nảy ra ý muốn gặp Thạch. Nhưng luật Tống triều không cho những quan cấp nhỏ như Thạch được gặp thái-tử. Cho đến nay thái-tử Húc lên ngôi, thành Hy-Ninh đế, Thạch được đắc dụng. Để chuẩn bị cho Thạch trực diện đối giảng với vua, Hy-Ninh đế phong cho Thạch tri Giang-ninh phủ, rồi mấy tháng sau gọi về triều phong làm Vũ-lâm học sĩ kiêm thị-giảng. Mới đây cho phép Thạch vượt cấp bộ trình bầy tân pháp của y.



Thiệu-Cực ngừng lại cho cử toạ theo kịp rồi tiếp:



– Tân pháp của Vương An-Thạch có ba mục đích. Một là làm cho dân bớt bị quấy nhiễu, thêm giầu có. Hai là quốc sản dồi dào. Ba là binh lực hùng mạnh. Xét cho kỹ, Tân-pháp có nhiều điểm giống những cải cách của Đại-Việt, mà cũng có những điểm mới. Như làm cho dân giầu gồm bốn phần là mộ-dịch, quân-thâu, nông-điền, thủy-lợi. Mộ-dịch là bỏ lệ bắt xâu, mà tùy theo người giầu nghèo có thể mượn người thay thế. Điều này Đại-Việt ta đã làm từ mấy năm nay rồi, khác đôi chút là bên ta để người làm xâu trả tiền cho công nho, rồi công nho thuê người làm. Quân thâu là có thể lấy chỗ gần thay chỗ xa, lấy cái đắt thay cho cái rẻ, để thu thuế cho đồng đều. Nông-điền thủy lợi thì hoàn toàn giống Đại-Việt về phương diện khai hoang, về phương diện khơi sông vét lạch đem nước vào ruộng. Làm lợi cho dân có phép thanh-miêu, thị-dịch, phương-quân-điền. Thanh-miêu là lúc lúa còn xanh, dân thiếu tiền, thì nhà nước cho vay lấy lời 2 hay 3 phân. Khi lúa chín gặt rồi, phải trả cả vốn lẫn lời.



Ỷ-Lan gật đầu tán thưởng:



– Phép này hay đấy. Thường thì dân vay của nhà giầu, chúng lấy lời tới 7 hay 8 phân. Như vậy khi dân quá túng thiếu sẽ đi vay mượn, đỡ khốn khổ. Bởi khi khốn cùng họ sẽ trộm cắp cướp bóc. Nay có phép này nước thêm giầu. Thế còn các phép khác?



– Phép thị dịch là nhà nước bỏ tiền ra mua hàng của nông dân, thợ thuyền khi hàng nhiều quá, để người bán khỏi bị lỗ, phá sản; rồi đợi khi hàng khan hiếm thì bán ra với giá phải chăng. Còn phương quân điền là chia ruộng thành loại mà đánh thuế như của ta, nhưng kém chi tiết hơn.



Tể-tướng Lý Đạo-Thành hỏi:



– Còn phép làm cho binh hùng, tướng mạnh?



– Thưa Tể-tướng, phép này họ ăn cắp của ta hoàn toàn, rồi đổi đi một chút mà thôi. Phép có tên bảo-giáp. Bảo-giáp là bỏ bớt cấm-binh, như bên ta là Thiên-tử-binh, mà dùng dân binh, giống bên ta là Hoàng-nam trong các xã. Họ cho họp mười nhà thành một bảo, có một bảo trưởng trông coi. Năm bảo thành một đại bảo, có một đại bảo trưởng trông coi. Mười đại-bảo thành một đô-bảo, có đô bảo trưởng trông coi. Nhà nào có hai đinh, thì bắt một để vào bảo. Đám dân binh này phải luyện tập, đợi khi cần thì xung quân. Còn phép bảo-mã là phát ngựa cho các bảo nuôi, hoặc cấp tiền để cho dân mua. Mỗi nhà được quyền nuôi một hay hai ngựa. Khi hữu sự thì bảo-binh dùng bảo mã nhập ngũ ra trận.



Triều đình đều hiện ra nét lo lắng không ít. Ỷ-Lan nhìn Thiên-Ninh, rồi nhìn Quách Sĩ-An muốn hỏi ý kiến. Quách Sĩ-An đứng dậy, chỉnh đốn y phục nói lớn:



– Tậu bệ hạ, Tân-pháp hay thực. Nếu họ áp dụng năm năm trở đi, mà không bị trở ngại, các nước xung quanh sẽ bị Tống chiếm hết. Nhưng ta không sợ. Bởi với tình hình Tống triều như hiện nay, khó mà thi hành được.



Nhà vua hỏi:



– Khanh thử phân tích cho triều đình biết về cái khó mà thi hành được ấy để cùng bình nghị.



Quách Sĩ-An chắp tay đứng dậy:



– Tâu bệ hạ, kể từ đời vua Chân-tông, Nho-học triều Tống cực thịnh. Nếu các đại thần thời Thái-tổ, Thái-tông hầu hết xuất thân bằng võ nghiệp, thì đến thời vua Chân-tông trở về đây toàn do những Nho thần, danh sĩ, văn gia, tư tưởng gia. Nho thì bảo thủ, bầt cứ cái gì cũng phải viện dẫn Tứ-thư, Ngũ-kinh. Vua thì phải Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Cái gì cũng phải theo mô thức cũ. Những gì mới mẻ, sai trái với cổ nhân đều là tặc Nho, đạo Nho, khuyển Nho cả. Nay Vương An-Thạch đưa ra cải cách mới, thay đổi hoàn toàn xã hội, thì sẽ gặp phải sự chống đối không những của các đại thần, mà còn của tất cả bọn khoa bảng chưa xuất chính, cũng như bọn Nho-gia còn ở hương đảng. Một điều ta không sợ.



Triều đình đều gật đầu công nhận lý của Quách Sĩ-An đúng.



– Cũng từ thời vua Chân-tông, bắt đầu thiết lập hệ thống quan giai rất chặt chẽ. Một chức quan không thể vượt quá hai cấp cao hơn mình để trình việc. Tỷ như một viên lang-trung, không thể gặp thượng-thư. Vì theo đẳng cấp thì lang-trung, lên tới thượng thư, cách nhau ba bậc: lang-trung, thị-lang, tham-tri, thượng-thư. Cho nên Vương An-Thạch có tài nghiêng trời lệch đất, dù nhà vua đã nghe tiếng, thích Thạch từ lâu, y cũng không thể được trực diện đối thoại với nhà vua. Nhà vua muốn được nghe y tâu trình, thì phải thăng chức tước cho y dần dần, cho tới khi lên đến cấp Đại-học-sĩ. Mà luật triều Tống từ đời Thái-tổ định rằng, ngoài trừ thân vương, hay võ tướng có đại công... không một vị quan nào có thể được thăng chức trong vòng dưới sáu tháng. Đúng ra, với đẳng trật hiện tại của Thạch, nhà vua muốn thăng y tới đại học sĩ, thì phải đợi ít ra một năm rưỡi nữa. Nhưng nhà vua nóng lòng, mà thăng chức tước cho Thạch mau quá, khiến Thạch vượt qua những đại thần thâm niên hơn y, cho nên mầm ghen tỵ đã tràn làn trong Tống triều. Đó là hai điều ta không sợ.



Nhà vua nhìn Ỷ-Lan, cả hai cùng gật đầu tỏ ý tán thưởng lý luận của Quách Sĩ-An. Ỷ-Lan khuyến khích ông:



– Xin thầy tiếp cho.



– Muốn thực thi Tân-pháp, thì Thạch phải là Tể-tướng với đầy đủ quyền hành. Chức tước của Thạch quá nhỏ, dù nhà vua có cất nhắc mau đến mấy cũng phải năm, ba năm mới trao quyền cho y được. Nhược bằng nhà vua cho Thạch vượt đẳng cấp lên làm tể tướng ngay, thì lại bị các đại thần chống đối vì ganh tỵ. Lại nữa khi thi hành Tân-pháp, thì tất cả các đại thần đều phải bỏ hết những công trình đã thành công bấy lâu, rồi mò mẫm theo quyền sai phái, chỉ đạo của Thạch; mà dưới mắt họ, y chỉ là tên thư lại, tên cẩu Nho mới đắc thời. Đời nào họ chịu? Khi họ không chịu thì họ chống đối. Họ chống đối thì họ dèm pha, vận động đồng liêu nhập đảng, vận động hậu cung. Con đường cải cách của Thạch sao có thể thành công trong năm, sáu năm. Đó là ba điều ta không sợ.



Tể-tướng Lý Đạo-Thành hơi cau mày, tỏ vẻ bất mãn lý luận của Sĩ-An, vì chính ông chống đối những cải cách của Ỷ-Lan. Công chúa Thiên-Ninh biết thế, nàng hỏi Sĩ-An:



– Ba lý giải của tiên sinh thực sắc bén. Thế còn lý thứ tư?



– Khi ban hành Tân-pháp, phải có thời gian để các quan địa phương hiểu thấu thi hành. Lệnh ban ra, nhưng họ chưa hiểu thấu, hoặc giả chống đối, chỉ thi hành lấy lệ thì sao thành công được? Như vậy ít ra phải năm năm mới thành công. Trong năm năm đó, nhà vua chưa thấy thành công, mà kẻ bất mãn ngày một tăng, người này nói ra, người kia nói vào, riết rồi nhà vua cũng mệt nỏi, chán nản, có khi bãi bỏ. Đó là bốn điều Thạch khó thành công. Ta không sợ.



Công chúa Thiên-Ninh xen vào:



– Nước Việt mình vốn nhỏ, trên từ phụ hoàng đến các quan đều một lòng. Vấn đề cải cách nhỏ bé, do chính phụ hoàng với thần-phi chủ trương, thần nhi thân điều khiển, mà còn gặp biết bao trở ngại ở hương đảng, huống hồ Vương An-Thạch. Xin tiên sinh tiếp cho.



Sĩ-An biết cô công chúa này cho nước thuốc mình, ông hứng chí tiếp:



– Trong văn giới Tống, trong giới quan trường, Thạch vẫn là người vô danh. Nay bỗng một bước nhảy ra, bỏ hết những gì thời Hán, thời Đường đã làm, xóa bỏ vết tích thời Thái-tổ, Thái-tông, Chân-tông, rồi đem tư tưởng của mình bắt những người có danh, có tiếng tuân thủ, thì ai nghe? Họ sẽ xúm vào mà công kích. Dĩ nhiên trường hợp này nhà vua phải có hai thái độ. Thái độ thứ nhất là rút lại Tân-pháp. Như thế cải cách của Thạch không những chẳng ích lợi gì, mà lại hóa ra gây xáo trộn trong nước. Thái độ thứ nhì là cách chức hàng loạt các cựu thần, bổ nhiệm bọn trẻ thay thế. Bọn trẻ hăng say, thế nào cũng đi quá đà. Quá đà thì gây bất mãn. Bất mãn thì bị chống đối. Chống đối thì có nội loạn, rút cuộc cũng thất bại. Huống hồ ngay trong nội cung, cũng có tranh chấp giữa hai người đàn bà. Một là Thái hoàng thái-hậu vợ vua Nhân-tông. Hai là Thái-hậu vợ vua Anh-tông. Bà Thái-hoàng thái-hậu thì có uy tín từ lâu. Còn bà Thái-hậu Cao Thái-Vân thì có võ công cao, đọc sách nhiều. Hiện cả hai bà đều buông rèm thính chính. Khó mà tránh khỏi tranh chấp giữa hai bà. Hy-Ninh đế có tài đến đâu, nâng đỡ Thạch đến đâu cũng bị hai bà kiềm chế. Đó là đều thứ năm ta không sợ Thạch.



Triều đình cùng vỗ tay, thở ra nhẹ nhõm. Nhà vua gật đầu, tuyên chỉ:



– Khu-mật viện phải theo sát tình hình. Ta sẵn sàng cho người thu nhặt những lỗi lầm của Tân-pháp, của bọn tân quan của An-Thạch, rồi cung cấp cho những đại thần bảo thủ, để họ chống đối. Khi một đại thần vì chống đối Tân-pháp bị cách chức, bị đầy đi xa; ta cho dư luận đề cao, ngầm vận động dân chúng tiễn đưa thực long trọng. Tại nơi tân nhậm, ta cũng vận dụng dân chúng tiếp rước nồng hậu. Các quan bị đầy thấy mình bỗng trở thành có lý, họ càng chống thêm. Những quan khác thấy gương ấy, cũng chống đối để được hưởng tình cảm của dân như những người bị đầy trước.



Nhà vua nói chậm từng tiếng:



– Trẫm nhắc lại, các khanh làm quan, là muốn cho dân giầu nước mạnh. Còn người Tống đi làm quan thường vì hai vấn đề, một là vàng, hai là danh. Với lối vận động dân chúng như trên, ta cho họ danh. Ta cũng bí mật đem vàng, giả làm dân chúng, thương gia tặng cho gia đình họ, khuyến khích gia đình họ xui họ chống Tân-pháp. Như vậy Vương An-Thạcch khó mà thành công.



Nhà vua hỏi Thiệu-Cực:



– Với Tân-pháp, Kinh-Nam vương có ý kiến gì không?



– Tất cả các cựu thần trước đây chia làm hai phe. Một phe chủ đánh Nam phương, một phe chủ đánh Tây và Bắc. Nay Vương An-Thạch lại thiên về việc đánh Tây-hạ, bác bỏ việc đánh phương Nam. Thạch đưa ý kiến là dùng kỳ binh chiếm Hy-hà, như vậy là uy hiếp được Tây-hạ. Triều đình nghị luận phân vân. Cuối cùng hai bà Thái-hậu đều nói: khi vua Nhân-tông băng hà có để di chúc rằng việc dụng binh ở Bắc, ở Tây phải hỏi Kinh-Nam vương. Triều đình cho sứ mời vương về kinh. Trên đường đi, vương sai chim ưng hỏi ý kiến ta. Vậy xin hoàng-thượng ban chỉ.



Nhà vua hỏi:



– Chư khanh nghĩ sao?



Tôn Đản vui mừng ra mặt. Ông nói:



– Về việc dùng binh ở Tây-hạ, Liêu, kiến thức Kinh-Nam vương bỏ xa chúng ta. Nhưng tại sao vương lại hỏi ta? Vấn đề như thế này: vương để cho ta định kế của mình trước, rồi vương mới quyết định, sao cho đôi bên đều thuận tiện. Vương An-Thạch chỉ giỏi về cai trị, chứ y dốt đặc về việc dùng binh. Tại sao? Khi y muốn thi hành Tân-pháp, thì phải sao cho trong nước vô sự; vua quan mới chú tâm mà thi hành. Nay giữa Hạ với Tống trải qua mấy năm thanh bình, thình lình y hiến kế đánh Hy-hà là tại sao? Vì y bị phe đại thần chê là không biết gì về binh bị.



Ỷ-Lan góp ý:



– Thưa sư thúc, cháu đã nghiên cứu địa thế Tây-hạ với Tống. Nếu như Tống đánh úp được Hy-hà, thì không khác gì kề lưỡi gươm vào cổ thủ đô Linh-châu. Bấy giờ tiến lên, Tống có thể làm chủ cả vùng đồng bằng phì nhiêu, lui có thể bảo vệ biên cương Tống vững chắc. An-Thạch nghĩ rằng muốn có hòa bình để thi hành Tân-pháp thì phải kiềm chế Tây-hạ. Nhưng y hơi lầm lẫn. Vì nếu Tống đánh được Hy-hà, thì bằng mọi giá Tây-hạ phải chiếm lại, chắc chắn chiến tranh dằng co lâu lắm. Vậy ta nên thư cho Kinh-Nam vương thuận đề nghị của An-Thạch, chiếm Hy-hà. Như thế trong khi ta đánh Chiêm, Tống không thể điều binh uy hiếp ta, vì bận chiến tranh với Tây-hạ.



Long tâm hoàng đế mừng không kể siết, ngài nói với Tôn-Đản:



– Xin sư thúc thư cho Kinh-Nam vương rằng Đại-Việt rất đồng ý với vương, để Tống đánh úp Hy-hà.



Lý Đạo-Thành tiếp:



– Đại-Việt ta gặp may. Ta đang lo Tống đánh úp Bắc-cương, bây giờ Tống lại gây chuyên với Tây-hạ, thì họ không còn binh lực uy hiếp ta. Ta yên tâm bình Chiêm. Trở lại tình hình Chiêm. Xin mời Trung-thành vương tổng quản Khu-mật viện tâu trình.



Hoàng-tử Hoằng-Chân, năm trước đã được cử làm quản Khu-mật viện thay Lý Thường-Kiệt, vì Lý-Thường-Kiệt được cử làm Thái-úy tổng lĩnh Thiên-tử binh.



Ghi chú,



Xin nhắc lại, Khu-mật viện triều Lý gần như lĩnh nhiệm vụ bao gồm các cơ quan ngày nay như:



Nếu ở miền Nam Việt Nam:



– Phủ đặc ủy Trung-ương tình báo,



– Phòng 2 bộ Tổng-tham mưu.



– Tổng nha Cảnh-sát.



– Cục An-Ninh quân đội.



– Phòng 3 Tổng-tham-mưu,



– Trung-tâm hành quân Tổng-tham-mưu.



Nếu ở miền Bắc Việt Nam,



– Bộ Công-an,



– Cục Quân-báo,



– Cục Tác-chiến,



– Cục Phản-gián.



Nếu ở Hoa-kỳ,



– FBI,



– CIA,



– CID,



– G2, thuộc Ngũ-giác đài,



– G3, thuộc Ngũ-giác đài,



– TOC, thuộc Ngũ-giác đài.



Xét quan chế triều Lý,



– Chức Đại-tư-mã tương đương với chức Tổng-tư-lệnh ngày nay.



– Chức Thái-úy tương đương với Tổng-tham mưu trưởng.



– Chức Tổng-lĩnh Thiên-tử binh, tương đương với Tư-lệnh lục quân.



– Chức Đại-đô đốc, tương đương với Tư-lệnh hải-quân.



– Chức Vũ-kị thượng tướng quân tương đương với Tư-lệnh thiết giáp binh.



Vương vừa bước ra, nhà vua đã ban chỉ:



– Miễn lễ cho ngự đệ.



Hoàng-tử tâu:



– Thần, kiểm-hiệu thái-phó, Trung-vũ quân tiết độ sứ, thượng-trụ quốc, đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Trung-thành vương, tổng-quản Khu-mật viện, Lý Hoằng-Chân, xin tâu trình về tình hình Chiêm.



Vương chỉ lên bản đồ:



– Địa thế Chiêm-quốc bắc giáp Đại-Việt ở cửa ải Nam-giới thuộc Nghệ-an. Phía Nam giáp với Chân-lạp ở vùng Pan-đu-ran-go (nay là Phan-rang. Danh tự Phan-rang phiên âm từ tiếng Chàm Pan-đu-ran-go mà ra). Phía Tây giáp Lão-qua. Địa thế Chiêm nằm dài theo dẫy núi Trường-sơn. Toàn nước chia làm bẩy khu vực. Các khu vực này ngăn cách với nhau bằng những giải núi chạy từ Trường-sơn ra biển. Giữa hai khu vực, giao thông với nhau bằng những con đường mòn băng qua núi rất khó khăn. Cho nên tiến quân bằng đường bộ thực là thiên nan vạn nan. Chính vì thế Chiêm cũng không đặt trọng binh phòng thủ ở các khu địa đầu, giáp gới với ta. Bộ binh của họ đặt ở miền trung và tại các cửa sông. Nhưng thủy quân họ rất mạnh.



... Về dân chúng, thì trước kia chỉ có sắc dân Việt, nói tiếng Việt. Nhưng gần nghìn năm nay tộc Mã-lị-á tiến dần về phiá Bắc ngày một đông. Cho đến nay dân trong nước cứ bẩy người gốc Mã-lị-á thì ba gốc Việt. Dù là người Chàm, nhưng họ vẫn tự coi họ là người Việt, nói cả hai thứ tiếng Chàm-Việt. Đến thời Thập-nhị sứ quân, nước ta bị nội chiến, khá nhiều người Việt bỏ quê hương sang Chiêm sống. Họ quy tụ với nhau, tìm khu đất trù phú, khai hoang lập ấp. Dần dần khu ấp của họ trở thành rộng lớn bằng một huyện của ta, dân cư khu nhỏ thì vài nghìn đinh, khu đông thì ba bốn vạn đinh. Họ nói tiếng Việt, tự tổ chức lấy làng xã, tự cử người cai trị. Họ giữ nguyên phong tục, tập quán Việt, họ còn lập đền thờ các anh hùng tộc Việt, tháng đôi tuần hương khói để dạy con cháu không quên nguồn gốc. Mỗi lần ta đem quân sang đánh Chiêm, họ đều cung ứng tin tức, lương thảo, cử người dẫn đường. Khi một vua gốc tộc Việt lên ngôi, thì họ được mọi thứ dễ dàng. Khi một vua tộc Mã lên ngôi thì họ chịu cực khổ trăm chiều. Hiện có tất cả 72 trang, kể từ Nam-giới tới núi Hải-vân. Phía Nam Hải-vân thì có 18 trang. Hồi cuối đời Đinh, một số di thần không thần phục nhà Lê, kéo dân chúng, tông tộc sang Chiêm kiều ngụ, một số trang ấp lại được tổ chức. Cuối thời Lê, lại một số con cháu, di thần Lê triều bỏ nước sang Chiêm, rồi cũng thành lập trang ấp. Người Việt ở Chiêm, dù trốn loạn Thập-nhị sứ-quân, dù gốc con cháu dư đảng sứ quân, dù gốc Đinh triều, Lê triều, họ chia rẽ nhau, đôi khi chém giết nhau, nhưng họ cùng giống nhau ở một điều là yêu nước, tự hào cái gốc Việt của mình, và hướng về đất nước. Nếu ta khéo léo, có thể quy tụ được họ.



Ỷ-Lan chú ý theo dõi rất kỹ vấn đề người Việt. Phi hỏi:



– Hiện Khu-mật viện đã ngầm thông tri cho họ biết cuộc Nam-chinh chưa?



– Tâu Thần-phi, không những ta chưa báo cho họ biết, mà ta còn không nên báo. Hơn nữa cần phải dấu kín.



– Sao vậy?



– Thời Thập-nhị sứ quân, có đến bốn sứ quân thuộc Hồng-thiết giáo. Sau khi thống nhất sơn-hà vua Đinh cho truy lùng dư đảng Hồng-thiết giáo rất ngặt. Nhật-Hồ lão nhân cử một trong Ngũ-sứ là Nguyễn San vào trấn Chiêm-thành, gây cơ sở ở đó. Lợi dụng người Việt ở ngoại quốc đều yêu nước, hướng về quê hương, Nguyễn San và đám đệ tử của y len lỏi vào các trang người Việt, thành lập cơ sở, tổ chức đội ngũ, rồi nắm quyền cai trị. Tuy vậy võ lâm cũng cử người vào giúp dân ta thoát khỏi ách của chúng, nên tình trạng các trang rất mập mờ, khi võ phái mạnh thì muốn theo các võ phái, họ sung sướng một chút. Còn khi Hồng-thiết mạnh thì theo Hồng-thiết. Bọn Hồng-thiết cực kỳ ác độc. Ai chống chúng là chúng khép vào tội phản quốc, rồi giết chết, hoặc chúng báo với Chiêm rằng người ấy làm gian tế cho ta, cuối cùng cũng bị Chiêm giết.



Công-chúa Thiên-Ninh lắc đầu:



– Khải thúc phụ! Như vậy bọn Hồng-thiết là đầu trộm đuôi cướp, nhân danh xã tắc, quê hương để ăn cướp. Giống hệt người Hoa ở bên ta. Chính quyền Chiêm không can thiệp gì ư?



– Không! Không những họ không can thiệp, mà còn nhắm mắt lờ đi cho ta chém giết ta. Trải đến thời quân Tống sang đánh ta, một số dư đảng Hồng-thiết giáo vùng Lưỡng-quảng làm hướng đạo cho giặc, cùng hô hào dư đảng trong nước làm nội ứng cho Tống. Giặc Tống tan, triều Lê càng truy lùng dư đảng rất ngặt. Dư đảng của chúng lại trốn sang Chiêm ở, thành ra lực lượng ở Chiêm chúng rất mạnh. Đến bản triều, đức Thái-tổ ban luật ân xá, Hồng-thiết giáo Đại-Việt lại bùng lên, nhưng vì giáo chủ Nhật-Hồ bị Lê Ba giam cầm, nên yếu hơn Hồng-thiết giáo bên Chiêm. Nguyễn San muốn tách ra làm giáo chủ Chiêm giống như Sử-vạn Na-vượng bên Lào, Khiếu Tam Bản bên Chân-lạp. Lê Ba giả lệnh Nhật-Hồ lão nhân sai Nhất-Trụ vào giết chết. Từ đấy giáo chúng ở Chiêm lâm cảnh sứ quân, không người cầm đầu. Lát nữa thần sẽ xin tâu chi tiết về Hồng-thiết giáo.



Vương chỉ vào một bức lụa khác:



– Bây giờ xin trình bầy về tổ chức triều đình Chiêm. Triều đình Chiêm tổ chức gần giống triều đình Đại-Việt. Cao nhất là vua, thuộc tộc Mã, tên Chế-Củ. Tên Chiêm là Du-ra-vạc-man đệ tam (Rudravarman III), người Trung-quốc gọi là Dang-pu-sơ-li Lu-đa-ban-ma-đê-ba (Yan Pu cri Rudravarmandra). Năm nay 37 tuổi. Y là người văn mô vũ lược, có chí lớn, khéo thu phục nhân tâm. Tám năm trước, mới lên ngôi vua, y đã tỏ ý tự muốn mở rộng biên cương. Y lập chí trước chiếm lấy vùng Nghệ-an, Thanh-hóa của Đại-Việt, làm cho Đại-Việt suy yếu; bấy giờ y rảnh tay đánh chiếm vùng đồng bằng mênh mông của Thủy-chân lạp.



Quan Thái-úy Quách Kim-Nhật hỏi:




Hoằng-Chân hài lòng. Vương ban lệnh:



– Bây giờ sư đệ Phạm-Dật cùng đô-thống Lưu-trọng-Kiệt, Nguyễn-văn-Huy, thay quần áo dân dã, đi cùng với Lê-Mưu, mang theo mười võ-sĩ hiên ngang nhập vào Vọng-hương. Đợi trời cập choạng tối, ta xưng là Hồng-thiết giáo Đại-Việt tuân lệnh Đinh-kiếm-Thương vào Vọng-hương để xét lại việc Trần-Bình lạm quyền, đàn áp dân nghèo. Lưu-trọng-Kiệt làm trưởng đoàn, Nguyễn-văn-Huy làm phó, Phạm-Dật làm quản đạo. Dĩ nhiên tên Bình sẽ chống đối, thì ta lập tức dùng võ công kiềm chế y. Sau đó, thì quân ta từ ngoài đột nhập vào Vọng-hương. Bấy giờ ông Lê-Mưu mới nói thực sự cho dân chúng biết.



Lê-Mưu chỉ Lê-kim-Loan, Võ-kim-Liên:



– Thưa vương gia, đây là con gái út của tiểu nhân với con gái đầu lòng của chú Võ Thương. Cả hai rất thông thạo đường lối trong trang, lại có học chút ít võ nghệ. Xin vương gia cho các cháu nó đi dẫn đường. – Được, vậy Loan cùng đi với Phạm-Dật. Còn Liên thì đi theo đạo của Vũ-Quang dẫn đường.



Ba người cùng mười võ sĩ lấy ba thớt voi lên đường. Kim-Loan tung mình lên bành voi ngồi chung với Phạm-Dật. Nàng chỉ đường cho voi quản tượng đi.



Hoằng-Chân ban lệnh:



– Anh em còn lại, sẽ tiến đánh Vọng-hương. Sư đệ Trần-Ninh cùng đạo Quảng-vũ tả đến bao vây phía Đông. Sư đệ Vũ-Quang đem đạo Quảng-vũ hữu bao vây phía Nam. Sư đệ Hoàng-Nghi đem đạo Bổng-nhật tả bao vây phía Bắc. Sư đệ Lý-Đoan đem đạo Bổng-nhật hữu bao vây phía Đông. Khi có lệnh thì chia quân làm hai. Một nửa vây bên ngoài, dùng cọp, beo canh phòng. Một nửa dùng sói tấn công vào, bắt hết bọn Hồng-hương thiếu niên nội-giáo tập trung lại.



Phạm-Dật cùng Lưu-trọng-Kiệt, Nguyễn-văn-Huy lấy voi lên đường. Hơn giờ sau thì tới cổng vào Vọng-hương. Hai thiếu niên áo nâu cổ quấn khăn hồng đang canh gác, thấy người lạ, vội vẫy tay cho voi ngừng lại. Một tên hỏi:



– Các vị từ đâu tới?



Phạm-Dật hất mặt lên trời làm bộ hách dịch:



– Chúng tôi từ Nghệ-an vào đây, muốn gặp Trần-Bình.



Gã giáo chúng thấy một thiếu niên dám gọi tên đạo trưởng của mình một cách sách mé, thì hơi chột dạ:



– Xin các vị chờ đợi một lát, vì đạo-trưởng của tôi đang họp hội đồng giáo vụ Vọng-hương để xử tội một tên phản giáo.



Lưu Trọng-Kiệt quát:



– Chúng ta được lệnh của giáo chủ Lê-phúc-Huynh đến đây thanh tra, mà tên Bình không ra đón ư? Các người đưa ta vào.



Nói rồi Kiệt cho thúc voi tiến lên. Tên giáo chúng vội chạy đi trước dẫn đường. Khu Vọng-hương quả thực rộng lớn như một huyện bên Đại-Việt. Đi một lát tới một trang trại, cổng xây bằng đá, mái lợp ngói xanh, cánh cửa sơn đỏ chói. Bên ngoài bao bọc bởi hàng rào trúc cắt xén cực kỳ công phu. Nhìn qua cổng, trong trang, một con đường đi lát đá xanh, hình vuông bằng sáu gang tay. Hai bên đường là hai cái hồ, nước trong xanh. Giữa hồ mấy con thiên nga lông trắng đang nhởn nhơ bơi lội. Hồ bên trái, có căn nhà thủy tạ bằng gỗ sơn son thiếp vàng, nóc uốn cong. Trên nóc đắp hai con rồng chầu vào nhau tranh châu. Cây cầu bắc từ bờ ra bằng gỗ lim đen bóng. Giữa hồ bên trái có cái đảo nhỏ, trên đảo dựng một tượng đá, râu ria trông ba phần giống người, bẩy phần giống quỷ. Đó là tượng của ma đầu Lệ-Anh, giáo chủ Hồng-thiết giáo đầu tiên. Ngay sát phía trong cổng, có đôi voi bằng đá, lớn như voi thực.



Xa hơn chút nữa, cách bờ hồ khoảng vài chục trượng, là một ngôi dinh thự hai tầng, tường bằng đá, cột bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ngói xanh. Lưu-trọng-Kiệt nghĩ thầm:



– Bọn Hồng-thiết giáo to mồm hô hào vì người nghèo, do dân nghèo, lấy của người giầu cho người nghèo, nhưng khi chúng thành công rồi, thì giáo chủ là một tên vua ác đức. Còn những đạo trưởng trở thành những ông vua con. Cứ nhìn dinh thự của y thì thấy còn khang trang hơn dinh thự các an-vũ sứ Đại-Việt.



Tên giáo chúng cung tay:



– Mời các vị chờ đây, đệ tử xin vào báo với đạo trưởng.



Nói rồi y chạy vào trong, tốc thẳng đến ngôi dinh thự. Lát sau một đám gồm hai nam, một nữ đi ra. Cái người dáng to béo, mặt sạm đen, hơi dần độn lên tiếng:



– Tôi là Trần-Bình, đạo trưởng đạo Vọng-hương. Không biết các anh em từ đâu tới?



Thấy Kim-Loan đi cùng với đám người mới đến, Trần-Bình tỏ vẻ ngạc nhiên. Nhưng y không nói ra. Lưu-trọng-Kiệt nói:



– Tôi là Lưu-trọng-Kiệt, quản lĩnh bản giáo vùng Nghệ-an, Thanh-hóa, mới từ Đại-Việt sang để gặp anh em.



Kiệt chỉ Nguyên-văn-Huy, Phạm-Dật, cùng mười giáo chúng:



– Đây là hai sư đệ của tôi được sư phụ Đinh-kiếm-Thương cử đến thanh tra công việc bản giáo vùng Vọng-hương, Vọng-giang.



Nói rồi ông trình thẻ bài ra. Trần-Bình cầm lấy thẻ bài đem xong rồi y cúi đầu cung kính:



– Mời các vị huynh đệ vào.



Y giới thiệu người đàn ông da trắng đi cạnh:



– Vị ngày là quản giáo trang Vọng-giang tên Nguyễn-minh-Sang.



Y chỉ vào người đàn bà:



– Đây là nhà tôi.



Phạm-Dật làm bộ thông thạo:



– Phải chăng bà chị có khuê danh là Võ-xuân-Loan không? Đệ còn nhỏ tuổi, ở xa mà cũng từng nghe danh chị như sấm nổ bên tai.



Mụ Xuân-Loan cười sung sướng:



– Chút danh mọn, không đáng làm bận tâm cậu em.



Trong phòng chính tòa nhà, ở giữa kê một cái án thư dài đến một trượng. Bốn bên án thư, mỗi bên để bốn cái ghế bành. Tất cả đều khảm xà cừ thực đẹp. Bên phải là một cái bể đào sâu dưới nền nhà, có giả sơn, tượng đá chạm trổ tinh vi. Trong bể có mấy con cá chép to hơn bàn tay vàng óng ánh đang bơi lội. Bên trái, một cái bể sâu đến hơn trượng, bốn thành dát đá bóng láng thẳng đứng. Dưới bể lúc nhúc hàng nghìn con rắn lớn nhỏ. Có con cuộn tròn nằm ngủ, có con thì bò lúc nhúc, có con thì nghển cổ bành mang, thè lưỡi ra. Dưới đáy bể có mấy cái đầu lâu, xương sườn, xương chân tay.



Bọn Phạm-Dật đã được Khu-mật viện cho biết rằng, các đạo Hồng-thiết giáo đều nuôi rắn để lấy nọc luyện công, và dùng làm hình pháp đe dọa giáo đồ, dân chúng. Ai không phục tùng, lập tức chúng quẳng xuống hầm cho rắn ăn thịt. Mấy bộ xương đó, chắc là của nạn nhân bị xử tử.



Võ-xuân-Loan nói với chồng:



– Cuộc họp này tôi không cần dự, ông hãy cùng anh em quyết định hết. Để tôi vào nhà sai anh em làm tiệc đãi khách, rồi đem thứ rượu nếp than ngâm với chín loại rắn ra đây mời anh em.



Phạm-Dật hơi ngạc nhiên, nó nghĩ thầm:



– Phàm trong các đạo Hồng-thiết giáo, người quản-đạo chỉ cần có võ công cao, tổng chỉ huy mà thôi. Còn mọi quyết định đều do người phụ trách giảng-kinh quyết định. Bề ngoài ta là toán thanh tra, mụ này là giảng-kinh của Vọng-hương phải ở lại để trả lời các câu hỏi, mà mụ lại bỏ đi là nghĩa gì đây? Ta phải cẩn thận mới được.



Trà nước xong xuôi. Bình hỏi:



– Tôi nghe đâu Đại-Việt đem quân sang đánh Chiêm. Đinh lão gia, với sư phụ tôi thông tri đi các trang bắt phải chuẩn bị giáo chúng, lương thực để hợp với quân Chiêm chống giặc. Lệnh ban ra, thì chúng tôi phải thi hành, nhưng khổ một điều dân chúng không tuân lệnh đã đành, mà đến giáo chúng cũng không hưởng ứng. Chính giáo hữu Minh-Sang đây cũng chống. Vậy dám hỏi huynh, giáo chúng vùng Nghệ-an có chấp hành lệnh hay không?



Phạm-Dật trả lời lơ mơ, để dò dẫm:



– Tình hình giáo-đồ tại Đại-Việt không giống bên chiêm, bởi người ngồi trong bóng tối điều khiển chúng tôi là Đinh-Hiền lão gia đã bại lộ, triều Lý đem chém rồi. Nên giữa các đạo không liên lạc được với nhau. Riêng đạo Nghệ-an, huynh trưởng chúng tôi là đệ tử của Cửu-chân vương gia, được lệnh vương gia theo dõi tin tức, rồi báo cho người. Vậy thái độ anh em nội-giáo Vọng-hương với cuộc chiến ra sao?



– Từ khi bản giáo phát triển ở Chiêm đến giờ, đều lấy tinh thần yêu nước, hướng về quê cha đất tổ làm chủ đạo. Giáo-đồ, dân chúng đóng góp tài vật không tiếc để chuyển về quê xây đền thờ anh hùng dân tộc. Những anh em hoạt động cho giáo, đều được miễn mọi dịch vụ trong làng, còn được trả bổng rất hậu. Tiền bạc đó, do dân chúng đóng góp. Gần đây Đinh lão gia, Lục lão gia, nhờ đắc thế với Chế-Củ, mà bản giáo nắm được quyền ở tất cả các trang. Các lão gia truyền chư đạo một mật lệnh rằng khi đánh xong quân Lý, người Việt sẽ nắm hết quyền ở Chiêm, rồi sát nhập Chiêm vào với Đại-Việt. Bấy giờ dân chúng tha hồ mà sung sướng.



Minh-Sang tiếp lời:



– Khi được tin báo Đại-Việt đem quân sang đánh Chiêm, tuy chưa tiếp lệnh của Hội-đồng giáo vụ trung-ương, nhưng các đạo trưởng đã hăm hở ngầm loan báo cho dân chúng, chuẩn bị làm nội ứng giúp Đại-Việt. Dân chúng, giáo đồ hồ hởi, náo nức ghê lắm. Thì hỡi ơi! Bỗng chúng tôi được lệnh cho đội ngũ giáo đồ, dân chúng chuẩn bị vũ khí, lương bổng lên đường cùng quân Chàm đánh quân Đại-Việt. Hầu như các đạo trưởng đều bàng hoàng, cho sứ đi hỏi chư vị lão gia trong Hội-đồng giáo-vụ trung-ương. Các vị đều khẳng định, phải hợp với Chàm đánh lại quân Đại-Việt. Ba phần tư các đạo trưởng không tuân lệnh, một phần tư tuân lệnh thi hành. Chư đạo-trưởng tuân giáo chỉ vừa tập hợp dân chúng, giáo đồ tuyên cáo lệnh, đều bị chính giáo-đồ, dân chúng chống đối.



Y ngừng lại hỏi Lưu-trọng-Kiệt:



– Bây giờ Đinh lão gia cho các vị đến đây, chắc để kiểm tra xem chúng tôi có thi hành giáo chỉ nghiêm chỉnh hay không hẳn?



Phạm-Dật lắc đầu:



– Không phải thế.



– Vậy các anh em kiểm tra gì?



– Đinh lão gia sai chúng tôi truyền mật lệnh: Hội-đồng giáo vụ trung ương hiện chia làm hai khuynh hướng. Một khuynh hướng nhất định trợ người Việt đánh Chàm. Sau khi Chàm thua, họ phải cắt đất dâng cho mình. Bấy giờ đất đó giao cho ta cai trị. Người Việt ta sẽ làm chủ vùng Bố-chính, Ma-linh, Địa-lý. Một khuynh hướng lại chủ trương ta phải theo Chàm, một mai mang quân Chàm về chiếm Đại-Việt. Đinh lão gia, Lục lão gia cho chúng tới hỏi anh em xem ý kiến anh em thế nào?



Trần-Bình đáp không suy nghĩ:



– Tôi thấy mình giúp Chiêm đánh lại người Việt mình thực không nên. Ai lại ta giết ta bao giờ? Khi mình giúp chúng đánh mình, có hai vấn đề xẩy ra. Nếu như Chiêm thắng, tinh lực mình kiệt quệ, Đại-Việt cũng kiệt quệ, Chàm nó vốn hung dữ, nó tràn vào nước mình thì hơi ơi, hóa ra mình dâng nước cho tụi mọi ư? Còn như bại, bấy giờ quan quân Đại-Việt sẽ thẳng tay xử mình. Khi quân Đại-Việt rút về, bấy giờ dân Chiêm nó đổ oán thù lên đầu người Việt, thì còn đâu lực lượng mà chống trả? Tôi nghĩ, mình nên theo Đại-Việt thì hơn!



Nguyễn Minh-Sang cũng bàn:



– Tôi thì tôi nhất quyết giúp Đại-Việt. Vậy phiền các huynh về thưa với Đinh lão gia cho.



Nguyễn Văn-Huy thủng thẳng nói:



– Các lão gia sai chúng tôi tới đây chỉ để thử ý hai huynh mà thôi. Chứ các người đã quyết định rồi. Các người đã sai sứ yết kiến Đại-Việt hoàng đế. Ngài tuyên hứa, sau khi bình Chiêm, thì từ núi Hải-vân vào Nam trao trả Chiêm. Từ núi Hải-vân ra Bắc, thì trao cho Hồng-thiết giáo cùng các thủ lĩnh người Việt ở Chiêm tổ chức thành nước Nhật-nam như thời vua Trưng.



Nguyễn Minh-Sang hỏi:



– Hiện giáo chúng ở Chiêm do giáo-chủ Trần-đông-Thiên, phó giáo chủ Trần-quỳnh-Hoa lãnh đạo. Dưới có Đinh lão gia làm tả hộ giáo; Vũ lão gia làm hữu hộ giáo; Lê lão gia làm giáo-chủ Đại-Việt. Ngoài ra còn ngũ vị sứ giả, mười vị kỳ-chủ. Vậy không biết sau này Đại-Việt hoàng đế cho lão gia nào làm vua ba vùng Bố-chánh, Địa-lý, Ma-linh?



Phạm-Dật đưa mắt nhìn Trọng-Kiệt, cả hai cùng nghĩ thầm:



– Hôm qua, vô tình mình đã tìm ra tông tích Lục-chương-Anh là Vũ-chương-Hào. Còn tên các ma đầu khác thì chưa biết danh tánh chúng. Hôm nay mới được biết ma đầu Lê-phúc-Huynh làm giáo chủ Đại-Việt, không biết y ẩn ở đâu? Bây giờ nghe giọng điệu tên Sang nói, thì có lẽ ma đầu Lê-phúc-Huynh cũng ở bên Chiêm. Ta phải dò xem y là ai mới được. Nghĩ vậy Phạm-Dật nói lơ mơ:



– Triều đình định để cho Hồng-thiết giáo tự chọn lấy một vị làm vua. Theo anh em thì nên để vị nào làm vua?



Minh-Sang nói ngay:



– Nếu nói về võ công thì đệ nhất là giáo chủ, phó giáo chủ. Nhưng lão nhân gia không muốn làm vua vùng nhỏ bé đâu, mà người muốn làm vua cả vùng Đại-Việt, Đại-lý, Lão-qua, Chiêm-thành, Chân-lạp, Xiêm-la. Còn lại ba vị Vũ, Lê, Đinh, võ công cả ba vị ngang nhau. Vũ lão gia thì nắm hết quân đội Chiêm trấn ở vùng Nam Hải-vân. Đinh lão gia tuy nắm quân ở Bố-chánh tuy ít, nhưng người nắm hết các trang động, đệ tử của người là Bố-bì Đà-na nắm quân ở Thi-nại. Còn Lê lão gia thì người nắm toàn thể thủy quân, đệ tử của người nắm hết quân đội. Tôi nghĩ cuối cùng phải để Đinh lão gia làm vua.



Nghe Minh-Sang nói, Ninh, Kiệt, Huy cùng bừng tỉnh: thì ra tên Thi-đại-Năng chính là tên Lê-phúc-Huynh cải danh.



Trần-Bình lên tiếng gọi vọng vào:



– Tiệc xong chưa?



Có tiếng vợ y đáp lại:



– Xong rồi.



– Dọn lên đi.



Hai giáo chúng bưng lên một mâm cỗ: cá rán, thịt rừng xào mướp hương, bồ câu quay... tất cả bẩy món.



Y cung tay nói:



– Hôm nay trong lúc sơ ngộ, anh em em đạo Vọng-hương xin kính mời anh em Nghệ-an cùng uống với nhau ít chung rượu lạt, rồi mai này xông pha giết giặc.



Minh-Sang rót rượu ra chung, để trước mặt Dật, Kiệt, Huy, rồi hỏi:



– Tình hình ngoài mặt trận ra sao? Bây giờ chúng tôi phải làm gì?



Phạm-Dật trình bầy thực sự trận chiến trên biển, tại vùng Bố-chánh, rồi tiếp:



– Các lão gia truyền chúng tôi theo trợ chiến đạo quân của Trung-thành vương đánh úp Tư-dung, rồi tiến ra đánh Ma-linh, hợp với quân của Tín-nghĩa vương đánh Nhật-lệ. Hiện quân của Trung-thành vương vừa vượt núi sắp tới đây. Chúng tôi đến báo cho các huynh biết để chuẩn bị cung ứng lương thực.



Minh-Sang lắc đầu:



– Huynh phải cho tôi yết kiến Trung-thành vương mới được. Tôi nghĩ đạo quân Bố-chánh do Đinh lão gia chỉ huy, thì cần gì đánh nữa? Thủy quân do Lê lão gia thống lĩnh lại càng không cần. Bây giờ chúng ta đánh úp Đồ-bàn bằng đường khác hay hơn. Tôi trấn ở gần Hải-vân, tôi biết được con đường thượng đạo, vượt qua dẫy núi này đổ vào phía Nam, ta đánh ngay vào Đồ-bàn, thì bắt được Chế-Củ.



Trần Bình cầm chung đưa lên trước mặt:



– Nào mời các huynh đệ.



Dật, Kiệt, Huy cùng cầm chung lên:



– Xin mời.



Bỗng ba viên sỏi từ trên nóc nhà bay xuống, trúng vào ba chung rượu của Dật, Kiệt, Huy vỡ tan tành, rượu bắn tung vào quần áo ba người, rồi có tiếng nói:



– Khoan, đợi chúng ta cùng uống với.



Trần-Bình quát:



– Ai?



Bốn nhà sư ngồi trên xà nhà buông mình xuống nhẹ nhàng như chiếc lá rụng. Ba người vung tay, Minh-Sang, vợ chồng Bình đã bị điểm huyệt. Mười tám tên giáo chúng canh gác bên ngoài mang vũ khí tràn vào tấn công bốn nhà sư. Bốn nhà sư ra tay cực kỳ thần tốc, mười tám tên giáo đồ bị điểm huyệt ngã lổng chổng.