Nam Quốc Sơn Hà
Chương 21 : Hoa-kiều Đời Lý
Ngày đăng: 09:02 19/04/20
Các quan bàn tán, rồi lý luận phận vân. Có người đưa ý kiến đuổi hết người Hoa đi. Có người lại đề nghị tập trung họ vào một khu. Cũng có người muốn thích chữ vào mặt họ. Cuối cùng công chúa Thiên-Ninh tâu:
– Tâu phụ hoàng, tất cả những đề nghị trên đều không thể dùng được. Thời đức Thái-tổ, bang Nhật-hồ đã hô hào dân chúng nổi lên chém giết người Hoa cực kỳ tàn nhẫn. Vì vụ này, Tống vu cáo rằng ta đối xử tàn tệ với dân của họ, họ đòi mang quân sang đánh. Sứ của họ hạch hỏi lôi thôi mãi. Việc tập trung họ vào một khu, hay thích chữ vào mặt họ lại càng không nên, bởi từ trước đến giờ ta thường hô hào Hoa, Việt đều là con cháu vua Thần-nông! Nay vì họ trung thành với chúa, không ăn cơm Tống, mà sang kiều ngụ ở ta, ta đối xử tàn nhẫn với họ thì không nên. Thần nhi xin phân tích vấn đề người Hoa tỷ mỉ, rồi đề nghị biện pháp đối phó.
Ỷ-Lan khuyến khích:
– Công chúa đã lặn lội khắp đất nước kiểm soát việc cải cách nông nghiệp. Công chúa biết rõ dân tình. Công chúa cứ trình bầy.
– Trước hết hãy phân người Hoa ra làm ba loại. Một là loại sang ta từ thời Ngô, Đinh, Lê về trước, tức cách đây trăm năm, trải bốn đời. Theo lễ nghi người Hoa, thì từ tổ bốn đời trở đi, con cháu không giỗ vào ngày kị, mà tập trung vào ngày rằm tháng giêng. Cho nên, đa số họ không còn liên lạc gì với anh em, họ hàng trong nước. Mồ mả từ cụ tới ông, cha họ đều ở Đại-Việt. Loại này con cháu họ hầu như mù mịt về Trung-quốc. Họ không nói tiếmg Hoa nữa, mà chỉ nói tiếng Việt. Những bang hội của họ cũng không còn đem chính nghĩa phục hồi tiên triều ra làm chủ đạo nữa, họ coi như mình là người Việt. Ta không cần phải chú ý tới.
Cả triều đình đều đồng ý với Thiên-Ninh. Nàng tiếp:
– Loại thứ nhì là những người nghèo khổ, tha phương cầu thực. Họ vượt biên trốn sang Đại-Việt chỉ với một hy vọng là kiếm miếng cơm manh áo. Loại này đa số không ở trong bang hội nào. Sở dĩ họ phải nhập vào bang hội, là vì sợ bị kèn cựa, bị đe dọa. Đối với họ, ta cho người mật liên lạc, giúp tiền cho họ phá hoang, hoặc cấp ruộng công điền cho họ cầy cấy. Ta phân tán họ đi mỗi làng mấy người. Họ sẽ nhớ ơn triều đình, trở thành ngoan dân. Con cháu họ sinh ra, lớn lên ở Đại-Việt, sẽ chỉ nói tiếng Việt. Qua nhiều lần đi về các trấn kiểm soát cải cách nông thôn, thần nhi đã giúp được ít nhất một phần ba số người Hoa cùng khổ này. Họ nhớ ơn đến độ thờ sống phụ hoàng.
Triều đình vỗ tay hoan hô.
Công chúa lại tiếp:
– Loại người Hoa thứ ba, là loại mới sang kiều ngụ gần đây. Họ thuộc con cháu di thần của các vua Nam Đường, Bắc-Hán, Ngô-Việt, Nam-Hán, Bắc-Tề, nổi lên trung hưng, bị Tống triều dẹp tan, rồi truy lùng. Đa số họ có võ công, có văn học. Vì sang Đại-Việt để lánh nạn do vong quốc, nên họ tổ chức thành những bang hội, có kỷ luật, lập trường dạy con cái học, nói tiếng Hoa; đôi khi có luật lệ riêng. Họ liên lạc mật thiết với nhau trong mưu đồ trở về trung hưng triều đại cũ. Họ còn anh em, họ hàng bên Trung-nguyên. Hàng năm, họ kéo nhau về quê trong dịp tết, dịp giỗ tổ, thăm lại cố lý. Tống triều dùng mồ mả, anh em, họ hàng gây áp lực, bắt họ phải làm gian tế. Thảng hoặc, có người tự nguyện làm gian tế để một mai Tống chiếm Đại-Việt, họ sẽ trở thành quan cai trị.
Hình-bộ tham-tri Hoàng Khắc-Dụng hỏi:
– Khải công chúa, như vậy họ quên quê hương ư? Họ không muốn trở về quê ư? Thần nghĩ họ làm gian tế cho Tống, mong Tống ân xá để họ về quê làm ăn chứ? Hoặc giả họ mong khôi phục lại đại nghiệp của triều đại cũ chứ?
Thiên-Ninh cười rất tươi:
– Đấy là quan Tham-tri dùng lý mà suy. Thực tế ra người Hoa không có một ý niệm về quốc gia. Từ cổ, họ chỉ biết đến thiên hạ. Thiên hạ tức là dưới gầm trời này, chỗ nào cũng là đất của trời cả. Họ ở đâu cũng được. Khổng-tử đi du thuyết khắp các nước để mong tìm một ông vua nào dùng đạo của mình, chứ ngài đâu có khư khư ôm nước Lỗ? Hơn một lần ngài định đem đạo đến các nước Di, Địch. Đệ tử hỏi: người quân tử lại tới chỗ thô lậu ư? Ngài trả lời: người quân tử tới chỗ nào thì chỗ ấy không còn dã man nữa. Cho nên người Hoa thường bỏ quê hương, tha phương cầu thực dễ dàng hơn người Việt.
Công chúa thấy các đại thần gật đầu công nhận lời nói của mình, nàng tiếp:
– Ngược lại bất cứ giống người nào, tới chiếm Hoa-hạ cai trị, người Hoa cũng không coi là người ngoại quốc như người Việt ta. Bởi vậy Lưu Trí-Viễn là người rợ Sa-đà, vào chiếm Trung-nguyên lập ra triều Hán trong Ngũ-đại. Trước đó, Ngũ-hồ loạn Hoa, cai trị Hoa-Bắc biết bao năm? Gần đây Liêu chiếm gần hết Hoa-Bắc, cai trị người Hoa, bắt Tống tiến cống, mà người Hoa vẫn coi Liêu như là một chủng của họ mà thôi. Người Hoa kỳ thị là kỳ thị văn hóa, chứ không kỳ thị chủng loại. Với những người Hoa ở Đại-Việt đã mấy chục năm rồi, họ trở thành giầu có, họ đâu có muốn về quê nghèo khổ với hai bàn tay trắng làm gì? Khi họ ra đi bởi không thần phục Tống triều cũng có, vì sợ Tống triều làm tội vì liên hệ với triều đại cũ cũng có; tài sản của họ ở quê hương hoặc bị tịch thu, hoặc anh em, bà con chia nhau cũng có. Nay họ trở về, thì tài sản không còn. Họ chả dại gì mà về quê sinh sống.
Hộ bộ thượng-thư Mai Đình hỏi:
– Tâu điện hạ, có phải họ không về quê, vì sợ cái án con cháu di thần triều đại cũ không?
– Thưa thượng-thư, đó là cái mặt nạ của đám thủ lãnh bang-hội đấy. Mình mà tin chúng, thì chúng coi mình như những tên khờ khạo. Di thần là di thần nào? Di thần đời Lục-triều, đời Ngũ-đại ư? Triều Tống kế tục sự nghiệp của họ Sài, trăm quan của họ Sài, trở thành khai quốc công thần của triều Tống. Còn con cháu họ Sài luôn được hưởng những ưu đãi biệt lệ. Người thừa kế chính thống họ Sài, cha truyền con nối được phong vương. Trên trăm năm qua, triều Tống chưa bao giờ làm tội một người họ Sài hay con cháu cựu thần họ Sài nào cả. Còn di thần của đời Lục-triều, đời Ngũ-đại ư? Những con cháu của triều đại đó có tội gì với Tống đâu mà Tống truy tội? Vả lại, mỗi khi một vị vua Tống lên ngôi đều đại xá thiên hạ cả. Những đám lưu vong sang ta, dù phạm tội gì, họ cũng được tha. Nhưng có ai về đâu? Này thưa quan Thượng-thư, những bang, hội, đảng của người Hoa dựng lên với nhân danh trung hưng cựu triều để quyên góp tiền bạc của dân chúng. Ai nộp tiền cho chúng, thì chúng để yên, ai không nộp tiền cho chúng, thì chúng kết tội là làm gian tế cho Tống, để chống lại chí trung hưng. Chúng nhân danh này nọ, sai người tới đánh, giết, cô lập. Trong khi chúng bí mật làm gian tế cho Tống. Bọn này chẳng qua là bọn lừa dối bịp bợm, bọn ăn cướp cạn, cướp công khai. Ta nên thẳng tay bắt đem chặt đầu ít tên, là Hoa dân sẽ đội ơn ta vô cùng. Tóm lại bọn này làm gian tế cho Tống, mong Tống sang, rồi kiếm tý danh, để tiếp tục đè đầu đè cỗ đồng bào chúng và bóc lột dân ta mà thôi.
Công chúa thấy Ỷ-Lan gật đầu liên tiếp, nàng phấn khởi vô cùng:
– Đối phó với đám này dễ mà khó. Dễ vì hễ ta quyết tâm là làm được. Khó vì phải tinh tế lắm, bằng không thì bị họ áp dụng gậy ông lại đập lưng ông.
Nàng nhìn Thường-Kiệt:
– Thần nhi nghĩ, nhát búa thứ ba này chỉ mình Khu-mật viện phá nổi mà thôi. Có năm điều phải làm. Điều thứ nhất mang tên « dĩ bỉ vi ngã », nghĩa là biến người của họ thành của mình. Ta tìm những người thủ lĩnh bang hội, hoặc gia đình họ bị tội, rồi gọi lên điều tra, lấy cung, kết tội kín, đe dọa. Chờ tới khi họ sợ quá, bấy giờ mới ra điều kiện bắt làm việc cho Khu-mật viện. Ta hứa rằng: nếu họ trung thành, bao nhiêu tội trạng được xoá bỏ hết, mà cả gia đình được che chở. Thế là bao nhiêu bí mật bang hội mình biết hết. Bang hội đang là điều lo lắng của ta, là cái ưu việt của Tống, lại biến thành tai mắt cho ta.
Nhà vua gật đầu, ngài thân rót một chén sâm thang ban cho công chúa. Công chúa tạ lĩnh, uống hết rồi tiếp:
– Điều thứ nhì mang tên « đâm bị thóc, chọc bị gạo ». Ta nghiên cứu xem bang nào, hội nào khích bác nhau, chống đối nhau. Ta ra lệnh cho người của ta ở bang hội đó tỏ ra hết sức trung thành với bang-hội, gây hấn với bang hội kia. Nếu làm cho hai bên đánh nhau, giết nhau, thâm thù với nhau càng tốt. Các quan địa phương nhắm mắt cho họ chém giết nhau. Dĩ nhiên người của ta ở bang hội kia cũng làm như vậy với bang hội này. Đối với những bang hội quá chặt chẽ, ta cho hai nhóm của ta nhập bang, mà chúng không biết nhau. Ta bảo nhóm Ất rằng nhóm Giáp là kẻ thù của triều đình, phải kèn cựa, bôi bẩn, đánh phá nhóm Giáp. Ta lại bảo nhóm Giáp rằng nhóm Ất là kẻ thù, phải triệt hạ. Thế là hai nhóm bôi mặt đá nhau... như thế bang hội ấy phải vỡ làm ba, làm bốn ngay. Đến nước đó, các thủ lĩnh bang hội thay vì giúp đỡ nhau, thì lại hằm hè tìm cách hãm hại nhau. Họ rình mò tội lỗi của nhau để tố cáo với quan lại. Ta ngồi yên hưởng lợi.
Triều thần ồn lên những tiếng khen ngợi. Thiên-Ninh tiếp:
– Điều thứ ba mang tên « ngạ cẩu tranh cốt », nghĩa là chó đói tranh xương. Ta coi các bang hội như đàn chó đói, muốn chó cắn nhau, ta chỉ việc quẳng ra cục xương nhỏ, chúng sẽ xúm vào tranh ăn, cắn nhau. Khi ta đã áp dụng hai điều trên, thì trong mỗi bang hội đều có ít nhất hai phe gườm nhau, mà đôi khi hai phe đều là tay sai của ta mà họ không biết. Quan địa phương ban lệnh rằng: cần khuyến khích học phong, thương mại, canh nông, tôn giáo ở các bamg hội. Quan sẽ xét bang nào, hội nào ích lợi cho người Hoa thì miễn thuế ruộng vườn cho tài sản bang hội đó. Hoặc có thể cấp công điền cho bang hội, gọi là nâng đỡ. Ta cố tình cấp, mà không bắt phải chứng minh sự ngay thẳng, mặc cho người lãnh đạo bang-hội nhũng lạm. Lập tức ta sai nhóm đối lập trong bang là người của ta. Ta bảo họ hô hào mọi người nổi lên chống đối. Bấy giờ ta tùy nghi, thấy nhóm nào yếu, thiểu số, ta ủng hộ nhóm đó. Bọn lãnh đạo bang hội yếu quá thì phải dựa vào ta, để ta coi họ là thủ lĩnh hợp pháp.
Cử tọa vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Công-chúa tiếp:
– Điều thứ tư, là bắt tất cả người Hoa phải nói tiếng Việt. Ai nói tiếng Hoa thì bị phạt. Ai không biết tiếng Việt thì phải đóng thuế thực nặng, còn bị cấm làm một số nghề như buôn bán, canh nông, đánh cá, săn bắn. Như vậy chỉ ít lâu sau, trẻ con người Hoa không biết nói tiếng Hoa, thì đâu còn là người Hoa nữa?
Công chúa ngừng lại quan sát cư tọa, rối tiếp:
– Điều thứ năm là hiện mỗi người dân trong nước được cầy năm sào ruộng công điền không phải nộp tô. Nay ban lệnh người Hoa nào lấy vợ Việt, chồng Việt, thì ngay lập tức được cấp công điền. Từ trước đến giờ, mỗi năm một người Hoa không phân biệt tuổi tác phải nộp thuế kiều ngụ. Nay ta ban luật, người nào lấy vợ, lấy chồng người Việt thì miễn khoản thuế đó. Như vậy là đám người Hoa bị đồng hóa rất mau.
Nàng mỉm cười tiếp:
– Đến nước đó, các bang hội không thể tập trung thành lực lượng lớn nữa. Bang này nguýt hội kia. Hội này đánh nhau với bang nọ. Trong bang chỉ lo dành ăn, dành quyền lẫn nhau. Ta tọa thủ bàng quan, ngư ông hưởng lợi. Khu-mật viện Tống có tài thánh cũng không thể tập trung họ lại thành khối mà phản mình.
Nhà vua đẻ ra công chúa Thiên-Ninh, nhưng công chúa do tiên nương Bảo-Hòa nuôi dạy. Vì vậy ngài tuyệt không ngờ bản lĩnh con gái lại tới mức đó. Ngài chợt nhớ ra, là mấy năm qua, công chúa với Ỷ-Lan ở bên nhau như bóng với hình. Công chúa học ở Ỷ-Lan những kinh nghiệm ngoài đời. Từ khi có việc cải tổ ruộng đất, công chúa lĩnh trách vụ thay triều đình kiểm soát, thanh tra, nên công chúa đã đi khắp đất nước giải quyết những tranh chấp, do thế nàng nắm rõ tình hình người Hoa. Long tâm vui vẻ, ngài phán:
– Công chúa thực là Thánh-Thiên của trẫm. Bấy lâu nay công chúa lập biết bao nhiêu công lao với xã tắc mà trẫm không biết. Nay công chúa có đề nghị gì nữa không?
Công chúa tâu:
– Thần nhi đa tạ phụ hoàng. Từ lâu, phụ hoàng dùng thần-phi như một đại học sĩ, không việc gì, không điều gì mà phụ hoàng không ủy thác. Như vậy thần-phi mệt mỏi quá. Thần nhi xin phụ hoàng cho thần-phi tuyển thêm mấy người phụ giúp nữa. Như vậy công việc mới mau chóng.
Nhà vua gật đầu:
– Công chúa tâu trẫm mới biết. Ừ nhỉ, vậy thần-phi định tuyển những ai nào?
Ỷ-Lan tâu:
– Thiếp xin bệ hạ chuẩn tấu cho công-chúa Thiên-Ninh phụ thần về Hộ-bộ. Công-chúa Động-Thiên phụ thần về Hình-bộ. Vương phi Hoằng-Chân Nguyễn-thị Trinh-Dung phụ về Khu-mật viện, Binh-bộ. Vương-phi Chiêu-Văn Lê Ngọc-Nam phụ về Lại-bộ. Phu nhân tướng Nguyễn Căn Vũ Thanh-Thảo phụ thần về Công-bộ. Phu-nhân tướng Bùi Hoàng-Quan Trần-thị Ngọc-Huệ phụ về Lễ-bộ. Như vậy đủ rồi.
Triều đình đều biết bốn vị Trinh-Dung, Ngọc-Nam, Thanh-Thảo, Ngọc-Huệ đều là bạn thời thơ ấu của thần-phi Ỷ-Lan, lại là học trò của Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản, nên đều tỏ vẻ chấp nhận việc tiến cử của thần-phi.
Đỗ Oanh đến trước mặt nhà vua quỳ gối:
– Mộc-tồn bồ-tát tuyên phạt thần mười roi về tội bất cẩn. Xin bệ hạ cho thần thụ hình, bằng không thì... người phạt thần nặng lắm.
Nhà vua định ra lệnh đánh Đỗ Oanh, thì tiên-nương Bảo-Hòa vẫy tay:
– Thôi tha cho. Từ nay phải chú ý kiểm soát cẩn thận.
Biết khi Mộc-tồn hòa thượng phạt ai, mà tiên nương Bảo-Hòa lên tiếng ân xá, là ông không truy phạt tội nhân nữa, Đỗ Oanh hướng tiên nương hành lễ:
– Đa tạ sư phụ đại xá.
Niên hiệu Thiên-huống Bảo-tượng thứ nhì, đời vua Thánh-tông nhà Lý (1069), Xuân, tháng hai, ngày Đinh-Dậu (dương-lịch 24-2-1069) bên Trung-quốc nhằm niên hiệu Hy-ninh thứ nhì đời Tống Thần-tôn.
Ghi chú
Vua thứ ba của triều Lý tên thực là Nhật-tông, con đầu lòng của Thái-tông, lên ngôi vua năm Giáp-Ngọ (1054), lấy niên hiệu là Long-thụy Thái-bình. Đến năm Kỷ-Hợi (1059) cải niên là Chương-thánh Gia-khánh. Năm Bính-Ngọ (1066) nhân sinh thái-tử Càn-Đức, cải nguyên là Long-chương Thiên-tự. Chỉ hai năm sau, năm Mậu-Thân (1068) nhân được hiến voi trắng, coi là điềm lành, cải niên là Thiên-huống Bảo-tượng. Hồi đầu năm 1069 vẫn còn dùng niên hiệu Thiên-huống Bảo-tượng. Đến giữa năm, sau chiến thắng mới đổi là Thần-vũ nguyên niên. Kể từ đầu đời Lý, các vua vẫn lấy quốc hiệu là Đại-Việt, nhưng trên văn kiện chưa bao giờ dùng chính thức. Đến đời vua Thánh-tông, ngài chính thức dùng quốc danh Đại-Việt trong văn kiện, và cả ngay với những văn kiện bang giao với Tống. Vì hồi đó Đại-Việt quá mạnh, khiến Tống kiềng! »
Sáng sớm, xung quanh điện Uy-viễn bao trùm một không khí uy nghi cùng cực. Trên trời, lúc nào cùng có hai chực chim ưng bay lượn tuần hành, theo lệnh của một Ưng-binh đứng trên ngọn cây điều khiển. Xung quanh điện, giáp-sĩ gươm đao sáng ngời, đứng canh gác, thân bất động như những pho tượng đá. Vòng ngoài Ngao-binh dàn hơn trăm chó sói tuần hành. Những đại thần, tướng lĩnh dù thị vệ đã quen, nhưng khi vào điện cũng phải bỏ mũ, để xem mặt. Ai cũng biết đây là cuộc họp cực mật.
Đúng giờ Thìn, Thiên-huống Bảo-tượng hoàng đế đi trước, phía sau là Ỷ-Lan thần-phi, có thị vệ hộ tống đến điện Uy-viễn. Hoàng đế vào trong rồi, thì đàn chó sói khép vòng vậy. Kể từ giờ này, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Nhạc cử bài Nguyên-thọ (đã nói trong hồi trước), báo hiệu vua thiết đại triều.
Lễ nghi tất.
Quan Tổng-lĩnh thị-vệ Đỗ Oanh thân tiễn một trăm hai mươi nhạc công rời khỏi điện.
Năm trước mỗi khi thiết triều Tể-tướng Lý Đạo-Thành tâu điều gì, phải xưng tên, cùng toàn vẹn chức tước. Tháng trước đây, hoàng-đế giáng chỉ ban cho ông khi tâu không phải xưng tên nữa. Kể từ khi triều Lý lập lên đến giờ, chỉ có mình Khai-Quốc vương được ban cho danh dự này, nay Tể tướng Lý Đạo-Thành là người thứ nhì.
Ông tâu:
– Hôm nay thiết triều cơ mật, để quyết định kế sách bình Chiêm. Tất cả tướng soái, đô-đốc liên hệ đều tề tựu. Riêng quốc-phụ thánh thể bất an, nên quốc-mẫu phải săn sóc người, thành ra vắng mặt. Khác với mọi lần, hôm nay tất cả lục vị phu nhân phụ giúp Ỷ-Lan thần phi cũng tham dự để biết tình hình.
Ông chỉ sáu phu nhân:
– Tâu bệ hạ, sáu vị phu nhân trợ giúp thần-phi là: công chúa Thiên-Ninh giúp về việc bộ Hộ, nội cung, Hoàng-thành. Công chúa Động-Thiên trợ giúp về việc bộ Hình. Vương-phi Trung-thành vương Hoằng-Chân là Nguyễn-thị Trinh-Dung trợ gúp về Binh-bộ, Khu-mật viện. Vương phi Tín-nghĩa vương Chiêu-văn là Lê Ngọc-Nam giúp về Lại-bộ. Phu-nhân Định-viễn tướng quân Nguyễn Căn là Vũ Thanh-Thảo giúp về Công-bộ. Phu nhân của Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân Bùi Hoàng-Quan là Trần-thị Ngọc-Huệ giúp về Lễ-bộ. Xin bệ hạ ban chỉ.
Nhà vua hướng vào hai con trai của quốc-phụ là Trung-thành vương Hoằng-Chân, Tín-nghĩa vương Chiêu-văn, hỏi:
– Hôm qua trẫm đến thăm Quốc-phụ, người có vẻ mệt. Trẫm dâng sâm thang. Không biết tình trạng nay ra sao?
Tín-nghĩa vương Chiêu-Văn tâu:
– Đạ tạ bệ hạ, phụ vương chỉ còn mệt chút ít thôi.
Long-tâm mở rộng, nhà vua hướng vào chư tướng ban chỉ:
– Từ khi mở nước, đời nào cũng có những anh hùng cầm gươm ra trận để bảo vệ đất tổ. Nước Chiêm-thành, vốn thuộc tộc Việt. Nhưng trong hơn nghìn năm tộc Việt ta bị Trung-quốc cai trị, họ bỏ rơi vùng phía Nam Đại-Việt. Trong khi đó, một dị tộc Mã-lị-á vốn là dân man mọi ven biển, hung dữ, không văn hóa, tiến dần lên phía Bắc, chiếm lĩnh vùng Việt-thường, chia cắt lập ra nước Chiêm-thành, Chân-lạp. Tuy nhiên, Chân-lạp vẫn do tộc Việt cai trị. Duy Chiêm-thành, tộc Mã luôn nổi lên giết tộc Việt lập triều đại. Mỗi khi triều đại tộc Mã cầm quyền, là chúng đem quân vượt biển hoặc tràn qua biên giới vào cướp phá phía Nam ta. Triều đình nhiều lần sai sứ vào răn dạy, chúng gửi sứ sang tạ tội, nhưng chứng nào tật ấy. Hôm nay tạ tội, ngày mai lại tái phạm. Tội quấy rối biên thùy còn có thể làm ngơ cho được. Gần đây, Chế Củ gửi sứ sang Tống, ước hẹn với Tống cùng khởi binh đánh phá Đại-Việt. Tống hứa, cắt vùng đất từ Thanh-hóa trở vào phong cho Chế Củ. Từ đấy Chế Củ đồn trữ lương thảo, thao luyện quân sĩ, đóng chiến thuyền, định năm tới cùng Tống tiến quân vào Đại-Việt ta. Than ôi! Trẫm nhận ngôi từ liệt tổ, muốn cho dân giầu, hạnh phúc như thời vua Hùng, vua Trưng, mà Bắc thì Tống không để yên. Nam thì Chiêm quấy phá. Cùng chẳng đã cây muốn lặng, gió chẳng muốn đừng, trẫm phải tự vệ. Trong phép dụng binh, tiên hạ thủ chế nhân, hậu hạ thủ chế ư nhân (mình ra tay trước thì khống chế được người, mình ra tay sau thì bị người khống chế). Nay trẫm họp chư khanh tại đây để bàn định kế sách tiến quân phạt Chiêm.
Ngài gọi Lý Thường-Kiệt:
– Người hãy lại đây.
Lý Thường-Kiệt quỳ gối trước ngai vàng. Nhà vua cầm thanh Thượng-phương bảo kiếm trao cho ông, rồi ban chỉ:
– Người với ta có tình sư thúc, sư điệt, người lại là bạn học với ta từ thời thơ ấu. Sau duyên đưa đẩy người thành nghĩa tử của ta. Suốt hơn hai mươi năm qua, ta với người tuy nghĩa là chúa tôi, nhưng tình thì e hơn ruột thịt. Hôm nay ta thân chinh, phong người làm nguyên soái. Cuộc Nam chinh này là cuộc chiến một mất một còn. Nếu ta thắng, thì Tống không dám đem quân qua. Ta bại, thì Tống sẽ dốc quân chiếm nước đánh ta. Ta thắng, thì Đại-Việt còn, như ta bại thì Đại-Việt mất. Này Thường-Kiệt, người thắng thì Đại-Việt còn, người bại, Đại-Việt mất. Đại-Việt còn hay mất hoàn toàn do người đấy.
Thường-Kiệt tiếp kiếm:
– Thần xin hết sức mình để bảo vệ đất tổ.
Nhà vua rót ngự tửu ban cho Thường-Kiệt ba chung. Thường-Kiệt uống rồi, đứng dậy, ngồi vào ghế dành cho nguyên soái. Ông hướng vào cử tọa:
– Phàm ra quân, thì phải lo phòng vệ căn bản. Ta Nam chinh, thì trước hết phải phòng Tống ở phương Bắc có thể đánh úp. Xin mời Lạng-châu quốc-công trình bầy về tình hình mới nhất của Tống đã.
Thân Thiệu-Cực tâu:
– Thần Hữu kim-ngô thượng-tướng quân, lĩnh Đại-tư-mã Bắc-biên, Lạng-châu quốc-công kính xin tâu trình về tình hình Tống. Năm trước thần đã tâu về việc Nhân-tông bên Tống băng hà, Hy-Ninh đế lên ngôi, triều đình chia làm hai phe. Một chủ xâm Nam thùy và một phe chủ hòa. Nhưng mới đây, một biến cố rung động Trung-nguyên, có ảnh hưởng lớn lao vô cùng đến các nước lân bang. Đó là Tống mới nảy ra một thiên tài, thông kim bác cổ tên là Vương An-Thạch. An-Thạch có chương trình cải cách làm cho nước giầu, binh mạnh. Nếu cuộc cải cách của Thạch thành công, có thể đưa Tống đến giầu mạnh bất khả đương.
Nhà vua phán:
– Trẫm theo dõi tấu trình của Khu-mật viện nói về cuộc cải cách này lẻ tẻ. Nay khanh khá trình bầy thực chi tiết vụ này để triều thần cùng biết. Trước hết khanh nói về tiểu sử Vương An-Thạch đã. Tại sao y đang là một chức quan nhỏ, bỗng chốc nhảy lên địa vị tể thần? Ai đã tiến cử y? Tiến cử trong trường hợp nào? Chương trình cải cách của y ra sao, mà lại gọi là Tân-pháp.
Thiệu-Cực lấy ta một số thẻ tre, trên viết đầy chữ, rồi liềc qua một lượt. Ông tâu:
– Vương An-Thạch, hiệu là Bán-sơn, tự là Giới-phủ, người đất Lâm-xuyên thuộc Phủ-châu, sinh giờ Tuất ngày 12 tháng 11 năm Tân-Dậu niên hiệu Thiên-hy thứ tư đồi Tống Chân-tông, so với bản triều là niên hiệu Thuận-thiên thứ 12 đời đức Thái-tổ (1021).
Ghi chú
Xét số Tử-vi của Vương An-Thạch thì thấy: mệnh lập tại Dần, Cự-môn, Thái-dương thủ mệnh. Cát tinh phù gồm Hóa-lộc, Hóa-quyền, Hóa-khoa, Văn-khúc, Tả-phụ, Thiên-khôi. Thực trên đời nghiên cứu Tử-vi, chưa bao giờ tôi thấy một lá số lại hội đủ tất cả những cát thiên về biện thuyết ở mệnh như vậy. Cự-môn, Thái-dương ở Dần là cách Nhật xuất thiên môn, cả hai sao đều là quyền tinh, khiến đương số nói giỏi, nói được nhiều người nghe; thông minh tuyệt đỉnh, nổi tiếng khi sống, chết rồi muôn đời sau còn được người ta khâm phục. Đã vậy Cự ngộ Quyền, đắc thêm cách « Quyền hội Cự, Vũ anh hùng ». Nên ông là một loại anh hùng của Tống. Đã hết đâu, còn hội Khoa, Xương khiến cho công danh nhẹ bước, được người đời kính trọng. Khoa, Xương, Lộc tạo cho ông thành đại văn hào, đại thi hào, đại tư tưởng gia. Cung quan vô chánh diệu tại Ngọ; Nhật tại Dần, Nguyệt tại Tý chiếu lên là cách Nhật, Nguyệt tịnh minh, tá cửu trùng ư kim điện, nghiã là làm tể thần. Vì Thiên-khôi thủ mệnh, Thiên-việt cư quan, đắc cách tọa quý hướng quý nên thi tiến-sĩ ông đỗ đầu. Chỉ tiếc rằng Kình-dương cư Tuất, Đà-la cư Thân chiếu vào cung mệnh nên trên hoạn đồ luôn bị dèm pha, chỉ trích.
Những cải cách của ông giống như những biện pháp kinh tế đời nay, đi trước Âu-Mỹ cả nghìn năm. Nếu Tống tận dụng cải cách này, thì thế cuộc thay đổi; Trung-quốc đã ngự trị thế giới từ mấy thế kỷ trước, chứ đâu đến nỗi bị Bát-quốc làm nhục ở cuối thế kỷ thứ mười chín. Chỉ tiếc rằng vì bị đồng liêu chỉ trích, Vương An-Thạch xui vua Thần-tông xâm lăng Đại-Việt bị Ỷ-Lan với Lý Thường-Kiệt đánh bại, đưa đến ông mất chức Tể-tướng, rồi cải cách của ông bị bỏ.