Nam Quốc Sơn Hà

Chương 25 : Cái tình là cái chi chi

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Trong khi Tín-nghĩa vương mải đối đáp với Đinh Kiếm-Thương thì ba người trùm đầu cùng bốn nhà sư cứu vương đã bỏ đi mất. Vương phi hỏi Tây-hồ thất kiệt:



– Các em có nhận ra lý lịch của những vị đó không?



Trần Di đáp ngay:



– Bốn nhà sư, thì bọn em nhận ra ngay là các vị sư bá Viên-Căn, Viên-Mộc, Viên-Chi, Viên-Diệp ở chùa Từ-quang. Còn ba vị bịt mặt thì em chưa hề gặp qua. Võ công họ xử dụng là võ công Đông-a, nhưng chưởng lực mạnh đến không thể tưởng tượng được. Họ là ai vậy?



Tín-nghĩa vương mỉm cười:



– Người nhà cả đấy. Phen này Nam chinh trở về ắt mấy vị đó mách vương mẫu ta vì tội bất cẩn, e ta bị đòn mất.



Vương phi kinh ngạc:



– Họ là người trên của anh ư?



Vương dơ tay cao hơn đầu:



– Cao hơn là cái chắc!



– Là cậu Tự-Mai chăng?



– Cậu út hiện đang cầm quân đánh Hy-hà cho Tống, làm gì có thời giờ mà đến đây? Nếu là ông cậu đó, thì người đã đánh đít anh ngay tức thời.



– À, em hiểu rồi, ba ông đó là ba sư bá Trần Phụ-Quốc, Trần Bảo-Dân, Trần Trung-Đạo, có mỹ danh là Côi-sơn tam anh, danh sĩ Tống gọi là Tương-giang tam kiệt.



– Đúng thế. Hiện tại, võ lâm Hoa-Việt mà đủ công lực đỡ độc chưởng của Đinh Kiếm-Thương e không quá sáu người.



– Là những ai thế anh?



– Một là vương mẫu, hai là cậu Tự-Mai, ba là Mộc-tồn hòa thượng và Côi-sơn tam anh.



– Thế còn ngoại tổ?



– Ngoại tổ như con rồng, khi ẩn khi hiện, ai mà biết người ở đâu? Vả người đã có lời thề: Hồi trẻ người làm cho Đinh Kiếm-Thương thất tình, tiêu ma chí khí, nên người ra lệnh rằng dù Đinh Kiếm-Thương làm tội ác gì chăng nữa, đệ tử Đông-a cũng không được giết y. Vì vậy ban nãy anh mới tha cho y đi. Bằng anh bắt, giết y, thì sau này ngoại tổ sẽ đánh anh què giò.



Vương quay lại bốn thiếu nữ Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương:



– Ta xin lỗi mấy muội muội.



Ngọc-Hương kinh hãi:



– Bọn... bọn tiểu nữ đâu dám. Sao... sao vương gia lại hạ thể như vậy?



Vương phi Ngọc-Nam kéo bốn thiếu nữ ngồi xuống bên mình, rồi dùng lời ôn tồn nói:



– Khi chúng ta bị giặc kiềm chế, tưởng mất mạng trong chốc lát. Bất cứ ai trong những người thân của chúng ta cũng kinh hồn táng đởm, thế mà bốn em lại bình tĩnh lấy khăn đỏ choàng cổ, làm như là bọn nội giáo Hồng-thiết cúi đầu đón thầy trò Đinh. Hỏi ai nhìn thấy mà không nghĩ rằng bốn em phản phúc theo Đinh? Cho nên trong lòng chúng ta nảy ra ý khinh rẻ các em. Nay mới biết rằng, các em mưu trí cực cao, nên vương mới nói lời xin lỗi, dù chỉ nghi oan trong tâm thôi.



Đến đó, có thư do chim ưng mang tới. Tín-Nghĩa vương mở ra coi, thì là lệnh của nguyên soái Lý-thường-Kiệt:



«... Để chuẩn bị cho trận thủy chiến, xin vương gia gửi đội Giao-long cùng với Tây-hồ thất kiệt rút về biển Nghệ-an, sẽ có chiến thuyền đón, dự trận Nhật-lệ... »



Vương gọi Tây-hồ thất kiệt lại, rồi ra lệnh:



– Trận thủy chiến Nhật-lệ sắp diễn ra. Sư huynh Thường-Kiệt yêu cầu ta gửi các em với đội Giao-long binh chi viện. Vậy Trần Di làm chánh tướng, lấy ngựa khẩn đi Nghệ-an ngay ngày hôm nay.



Bầy trẻ vội bái biệt vương lên đường.



Suốt mấy ngày, Tín-nghĩa vương cùng vương phi lo giải quyết vấn đề cai trị từ Nam-giới vào tới Bố-chánh và một phần Địa-lý. Được cái khi lên đường, triều đình cho phép vương toàn quyền cắt cử, bổ nhiệm quan chức, tổ chức cai trị. Nên tuy mới chiếm được Bố-chánh chưa quá mười ngày, mà nền cai trị đã ổn định. Con đường chuyển vận từ Nghệ-an trở vào, hoàn toàn an ninh.



Hai ngày sau lại có lệnh của nguyên soái Thường-Kiệt:



«... Trung-thành vương với tả lãnh vệ thượng tướng quân Dư Phi tiến đánh Nhật-lệ, gặp nhiều bất lợi. Chiến lũy Chiêm quá kiên cố. Xin cho đoàn binh thú với Long-biên ngũ hùng đem đoàn dũng sĩ phủ Trung-thành tiếp ứng... »



Vương gọi gọi Long-biên ngũ hùng:



– Năm em đừng quản đường xa vất vả, mau đem tất cả voi của ta cùng các đội binh thú tiếp viện cho mặt trận Nhật-lệ.



Vương đưa mắt nhìn Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương:



– Các em muốn dự trận Nhật-lệ hay ở đây?



Kim-Liên bẽn lẽn:



– Xin cho chúng em ra trận.



– Vậy thì bốn em lên đường cùng với Long-biên ngũ hùng. Anh nhắc các em nhé: Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng. Yêu là thấy nơi người mình yêu điều mình mong ước, chứ không phải điều mình tìm được. Cái mong ước của các em là làm được những đều kinh thiên động địa lợi cho đất nước.



Vương phi Ngọc-Nam mỉm cười:



– Trong Long-biên ngũ hùng, thì Phạm Dật có Kim-Loan; Vũ Quang có Kim-Liên; Lý Đoan có Ngọc-Liên; Trần Ninh có Ngọc-Hương. Vậy còn Hoàng Nghi thì có ai chưa?



Hoàng-Nghi cúi đầu xuống thở dài. Vương-phi hỏi:



– Nếu em muốn, chị kiếm cho em hàng chục cô. Người tình rất dễ kiếm, người bạn rất dễ giữ; cái khó là kiếm được người bạn và giữ được người tình. Việc gì mà buồn?



Hoàng Nghi vâng dạ, nhưng phi thấy cái vâng dạ đó vẫn gượng ép. Phi hỏi:



– Em có gì buồn cứ nói thực ra xem chị có giúp được không?



Ngọc-Liên đỡ lời cho Nghi:



– Nghi có một người.



Nàng hát:



Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền,



Muốn về bên nớ, nhưng duyên lỡ rồi.



Tín-Nghĩa vương, Ngọc-Nam, Long-biên Ngũ-hùng đều là người miền Bắc, lần đầu tiên nghe Ngọc-Liên dùng tiếng nớ rất có duyên, cùng bật cười. Ngọc-Liên cười:



– Anh ba yêu một nàng, mà không thể... Nói như vương gia: Hai người cùng yêu nhau, cùng nhìn nhau, nhưng không cùng nhìn về một hướng. Nàng nhìn về Phật-thệ, còn chàng thì nhìn về Thăng-long, thành ra duyên tình long đong. Hai người không thể... lòng rối như bòong boong.



Từ hôm gặp nhau đến giờ Ngọc-Nam nghiệm thấy trong bốn cô gái Việt kiều này, cô nào cũng xinh đẹp, mỗi người một vẻ. Kim-Liên thì ôn nhu văn nhã, ai nhìn cô cũng như bị cô hút vào đôi mắt u ẩn. Kim-Loan thì đẹp lồ lộ như bông ngọc lan mới nở, lúc nào cũng ríu rít như con chim buổi sáng mùa xuân, tiếng cô ngọt nhhư cam thảo, hễ cô cất tiếng nói, là y như đứa trẻ nhõng nhẽo, ai nghe cũng phải mềm lòng. Còn Ngọc-Liên thì không đẹp, nhưng duyên dáng lạ lùng. Liên có hai hàm răng trắng đều như bắp, một cái răng nanh bên phải hơi kểnh, nên mỗi khi cô cười càng có duyên thêm; tính cô hiếu động, thích làm bếp, làm bếp cực giỏi. Cô luôn hóa phép thành những món ăn rất khoải khẩu. Cô lại nói giỏi, hay triết lý. Còn Ngọc-Hương thì đẹp não cùng, đẹp ủy mị, suốt ngày đọc sách. Hễ mở miệng ra là dẫn kinh, dẫn sách, nên mấy trẻ đặt cho cô cái tên bà đồ.



Nghe Ngọc-Liên trêu Hoàng Nghi, vương phi Ngọc-Nam thấy ngay bổn phận mình trong công việc tế nhị này, mà chồng không thể làm được. Nàng hỏi Ngọc-Liên:



– Không thể gì?



– Thưa vương phi, anh ba Nghi quen với một cô ở trong tù. Cha cô là một đại quan chức Chiêm. Nay mai cả nhà sẽ bị đem ra chém. Nếu như nàng bị giết thì có lẽ anh ấy đi tu thôi. Vì vậy anh ấy buồn.



– Chuyện ra sao, Liên kể cho chị nghe nào?



– Cô tên là Nang Chang-Lan, cô rất giỏi tiếng Việt. Cha cô tên Câu-thi Lị-ha-thân Bài-ma-la (Sri Harivarman) thuộc giòng dõi vua Băng-vương La-duệ. Khi Chế-Củ lên ngôi, phong cho ông làm Bố-chánh quận vương. Suốt thời gian làm quận vương ở đây, ông tàn sát người Việt thê thảm lắm. Vì cô biết tiếng Việt, học văn hóa Việt, nên cô cực lực ngăn cản cha, bị cha đánh đòn nhiều lần. Nay Chiêm bại, cả nhà ông bị bỏ ngục, chờ ngày đem chém. Anh ba Hoàng Nghi ra vào lấy cung, gặp gỡ cô, nhờ cô thông ngôn, riết rồi hai người thương yêu nhau. Bây giờ anh ba ra trận, chắc khi trở về thì Lan không còn nữa, mà cho đến nấm mồ cũng chưa chắc được thấy, nên anh ba buồn là phải. Chia ly là chết đi một tý trong cuộc đời mình. Nàng chết, thì trong không gian như không còn cả thân mình nữa!



Vương phi đưa mắt nhìn vương. Vương biết vợ muốn mình tha chết cho cha của Lan. Nhưng tội của ông này quá nặng, ngay đối với Chiêm, ông cũng tàn sát có hàng nghìn người. Bây giờ thả ông ra, e dân chúng băm vằm ông làm muôn mảnh. Vì vậy vương trả lời vương phi bằng cái lắc đầu.



Hoàng Nghi quỳ gối trước Tín-nghĩa vương:



– Vương huynh ơi! Xa cách người mình yêu là điều đau khổ hơn sự chết. Em xin vương huynh một điều.



– Đệ cứ nói.



– Tội của cha Lan nặng quá, em không dám bước qua quốc pháp. Em chỉ xin vương huynh ban cho đặc ân: Đợi khi em đánh trận Nhật-lệ về hãy giết gia đình Lan, để em còn được thấy nàng, thu nhặt thi thể gia đình nàng chôn cất cho phải đạo.



Vương vỗ vai cậu em đa tài đa tình:



– Đệ đừng có tuyệt vọng. Kỳ này đệ ra dự trận Nhật-lệ với hoàng thượng. Đệ cố lập công. Sau khi chiến thắng, hoàng thượng thăng thưởng gì đệ cũng không nhận, chỉ xin ân xá cho nàng mà thôi. Còn vụ hành hình gia đình nàng, ta có thể hoãn lại trong vòng một năm.



Vương nhìn đám trẻ, nghĩ thầm trong lòng:



– Tình yêu làm lên những vị ngọt tuyệt vời nhất, và những nghịch cảnh đau khổ nhất trên đời.



Ngọc-Nam vốn cùng quê với Hoàng-Nghi, nàng biết nó từ thời thơ ấu. Thương hại nó, nàng vuốt tóc:



– Huống hồ sau trận bình Chiêm, Long-biên ngũ hùng đều có công lớn. Các em đồng xin lấy công chuộc tội cho gia đình Lan, thì gì mà không được. Chị hứa, chị sẽ nói với chị Ỷ-Lan cho. Chị Ỷ-Lan mà xin ân xá thì nhất định gia đình Lan sẽ thoát chết. Hoặc giả chỉ mình cha Lan bị tội mà thôi.



Bọn trẻ vội ra điểm binh tướng lên đường.



Kim-Liên nói nhỏ với Hoàng-Nghi:



– Tam đệ nhân dịp này vào nhà tù thăm nàng Lan trước khi rời đây. Chị chắc Tín-nghĩa vương không trách phạt đâu.



Hoàng-Nghi quả có ý định đó, nhưng nó chưa dám. Nay nghe lời Kim-Liên nói, nó gật đầu, rồi tới nhà tù. Người coi tù vốn đã biết tình cảm giữa Nghi với Lan, nên khi thấy nó, vội đưa nàng ra rồi lánh mặt.



Vừa thấy Nghi là Lan đã òa lên khóc. Nàng nói nhẹ như tiếng chim:



– Anh ơi! Đêm qua em mơ thấy cả nhà bị đưa ra cho voi dầy. Còn em thì bị ném xuống hầm cho rắn ăn thịt.



Nghi an ủi:



– Không có việc đó đâu. Anh đã xin Tín-nghĩa vương để một năm sau mới hành hình gia đình em. Còn anh với năm người bạn, nhất định lập công kỳ này, rồi khi về triều, đức vua ban thưởng gì bọn anh cũng không nhận, chỉ xin lấy công chuộc tội cho gia đình em.



– Liệu có được không anh? Thân phụ em từng giết không biết bao nhiêu người Việt. Ví dù đức vua có ân xá, thì người Việt cũng không thể quên thù hận. Họ sẽ tìm đến để trả thù.



– Anh nghĩ, sau này, gia đình em di sang Đại-Việt ở, rồi mai danh, ẩn tích, ai mà tìm cho ra?



Hai trẻ nói với nhau đủ thứ chuyện. Phàm chuyện trai gái mới yêu nhau, thì chẳng chuyện gì ra chuyện gì cả, nhưng dù nói đến suốt ngày, suốt tháng cũng không hết.



Có tiếng người gõ cửa, rồi vương phi Ngọc-Nam bước vào. Lan vội hành lễ. Ngọc-Nam bảo Hoàng-Nghi:



– Bạn hữu đang chờ em cùng lên đường. Hãy dừng lại ở đây. Chị hứa sẽ bảo người coi tù cung cấp thực phẩm cho gia đình Lan thực thầy đủ.



Thấy Hoàng-Nghi còn lần lữa, vương phi túm cổ áo nó, tung ra sân, nó uốn cong người, rồi đáp lên lưng con ngựa, giống như nhảy lên cỡi vậy.



Ngồi trên lưng ngựa, Nghi còn cố ngoái cổ lại:



– Em hãy an tâm chờ anh.



Rồi nó ra roi cho ngựa phi như tên bắn.



Năm trai, bốn gái, chỉ huy một đoàn gồm trăm thớt voi kéo những chiếc xe chở hổ, báo, sói, khỉ trực chỉ hướng Nhật-lệ. Trên trời, một đoàn chim ưng dẫn đường. Đi được nửa ngày, gần đến chiều thì viên hướng đạo quay trở lại trình với Phạm-Dật:



– Trình tiểu tướng quân, phía trước có hai ngả ra Nhật-lệ. Một ngả cứ trực chỉ phía Nam khoảng bẩy mươi dặm, rồi rẽ về hướng Đông. Một ngả rẽ hướng Đông ngay, rồi đi men theo bờ biển. Xin tiểu tướng quân định liệu, nên đi ngả nào?



Phạm-Dật thúc voi lên trước quan sát: đây là ngã tư của hai con đường. Một con đường Bắc-Nam, và một con đường Tây-Đông. Nó hỏi Ngọc-Liên, Ngọc-Hương:



– Này hai em, hai em có biết gì về đường xá ở vùng này không?



Ngọc-Liên lắc đầu:



– Bọn em chỉ biết địa thế quanh Bố-chánh thôi. Tuy nhiên, trước khi đi, em có mang theo một bức họa đồ. Ta chiếu họa đồ coi, may ra.



Nàng rút cuốn trục lụa trên lưng mở ra, rồi chỉ cho Phậm-Dật:



– Đây, chúng ta ở đây. Thì ra ngã tư này là ngã tư từ Bố-chánh vào Địa-lý và từ Lão-qua đi Nhật-lệ. Nếu ta đi tiếp xuống Nam, rồi đổi hướng Đông, thì đường lớn, nhưng qua nhiều núi. Còn đi thẳng hướng Đông, rồi men bờ biển mà đi tuy đường hẹp, nhưng không qua núi.



Qua nửa ngày đi đường, Hoàng-Nghi đã tỉnh táo. Nó đề nghị:



– Chúng ta dừng quân qua đêm ở đây, rồi viết thư cho Trung-thành vương hỏi xem người quyết định sao? Nên đi đường nào? Nhiệm vụ của chúng ta ra sao?



Cả bọn cho an dinh hạ trại. Thú được thả ra cho chạy chơi, sau nửa ngày bị giam trong cũi. Phạm-Dật lệnh cho Ưng-binh trèo lên cây điều khiển chim ưng canh phòng không phận; lại sai Ngao-binh cho gác vòng ngoài trại. Sau khi kiểm điểm xong, năm tướng với bốn thiếu nữ vào trướng ăn cơm chiều.



Chín thiếu niên vừa ăn, vừa bàn quốc sự, vừa thảo luận võ công. Kim-Liên là người rất tinh tế, nàng thấy Hoàng-Nghi mặt buồn rười rượi, thì an ủi:



– Chị nghe Tín-nghĩa vương nói, trong năm anh em, thì anh Dật như ông cụ non, nói năng cẩn trọng, tính cực cẩn thận. Nhị đệ Vũ-Quang thì ôn tồn như con gái, nhưng võ công cực cao. Tam đệ thì đọc thiên kinh vạn quyển, cử bút thành văn, mưu trí, cũng như tài dụng binh khó ai bì kịp. Tứ đệ Lý-Đoan thì giỏi y lý. Ngũ đệ Trần-Ninh thì khéo nói, biện thuyết giỏi. Tam đệ đọc sách nhiều, thế mà nay không tìm ra phương cách quên sầu sao?



– Chị hai nói!



Hoàng-Nghi than: Tình yêu là một điều bí ẩn; dầu được nói đến nhiều, vì chỉ người nào đang yêu mới thực sự biết mình được yêu. Tình yêu là sự yếu đuối nhất của thần minh. Sách chỉ dạy bầy binh bố trận, dạy cai trị, chứ có dạy yêu nhau đâu mà em biết? Em có cảm tưởng như gặp gỡ Lan lần này là lần cuối vậy. Nếu vì lý do gì, mà em không gặp Lan lần nữa, thì em sẽ tìm Mộc-tồn Vọng-thê hòa thượng xin quy y. Trong thế gian này lại thêm một Tiểu-vọng-thê hòa thượng nữa.



Kim-Loan an ủi:



– Tam đệ đừng bi quan. Chị nghĩ số phận tam đệ không quá bi ai như vậy đâu. Nếu Lan có mệnh hệ gì, thì tam đệ vẫn còn sướng hơn hai người.



– Ai vậy?



– Người thứ nhất là Đinh Kiếm-Thương, người thứ nhì là Mộc-tồn hòa thượng.



Hoàng-Nghi phì cười:
Hai viên chánh phó tướng Chiêm vừa dàn xong quân, y lên tiếng gọi:



– Ta muốn nói chuyện với tướng người Việt.



Y nói tiếng Việt rất rõ. Ba chiếc xe ngựa thủng thẳng tiến ra. Hoàng-Nghi nói với Đông-Thiên:



– Thưa giáo chủ, Chiêm có tới ba nghìn kị binh. Tuy ta loại được gần ngàn, nhưng với số hai ngàn còn lại, chúng thừa sức tiêu diệt bọn tiểu bối. Vậy xin giáo chủ, phó giáo chủ với các vị kỳ-chủ xông bào trận giết hết bọn tướng, bọn đội trưởng, chúng không người chỉ huy, thì ta có thể thắng chúng.



Đông-Thiên quay lại nói với em cùng các kỳ chủ:



– Hễ ta hô một tiếng thì các người xông vào nghe.



Hoàng-Nghi hỏi vên tướng Chiêm:



– Xin tướng quân cho biết cao danh quý tính?



– Ta ư? Ta tên...



Đến đó Đông-Thiên hú lên một tiếng dài, Hoàng-Nghi cầm cờ phất. Đội báo, sói tru lên lao vào đội hình Chiêm, đội tiễn thủ Long-biên đứng trên lưng ngựa lao về trước, tay buông tên. Đông-Thiên cùng đám kỳ chủ nhấp nhô mấy cái đã ông vào trận Chiêm. Cứ mỗi chiêu, là một tướng, một đội trưởng ngã ngựa. Quân hai bên hỗn chiến.



Đúng ra, nếu quân Chiêm bình tĩnh dàn trận chiến đấu, thì với đội thú ít ỏi, thêm nghìn kị binh Việt, không thể là đối thủ của họ. Nhưng vì họ bị phục kích bất ngờ, ngay loạt tên đầu hơn nghìn kị binh ngã ngựa, mấy trăm kị binh khác bị báo, sói làm bị thương. Hai là khi trận chiến vừa dàn ra, khai mạc; các tướng, các đội trưởng của của họ bị Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa với các kỳ chủ xung vào trong quân, chỉ một hiệp là bị giết chết. Quân sĩ không người chỉ huy, hàng ngũ rối loạn, nên không còn quân khí. Thế là không ai bảo ai, binh tướng cùng bỏ chạy.



Phía sau, đội voi, báo, sói rượt bén gót.



Khi đạo binh Chiêm rút lên đỉnh đồi thứ nhất, thì một tiếng pháo nổ, một loạt tên bắn ra, hơn trăm kị binh ngã ngựa, rồi đàn hổ xông vào, đánh cắt làm đôi. Tiếng loa xướng lên bằng tiếng Chiêm:



– Quẳng vũ khí đầu hàng, bằng không thì bị thú ăn thịt.



Đám kị binh Chiêm trong cái kinh hoàng, chúng đều vứt vũ khí đầu hàng. Không một người nào chạy thoát.



Lúc mới gặp Long-biên ngũ hùng, anh em Đông-Thiên với mười kỳ-chủ Hồng-thiết thấy bọn Long-biên ngũ hùng chỉ là năm đứa trẻ, với bốn thiếu nữ, võ công bình thường... thì tỏ ra coi thường. Qua trận phục kích vừa rồi, y mới thấy rằng chúng là những chiến tướng tài ba, nào phục binh, nào tấn công, nào dàn quân, nào truy kích, chúng phối hợp với nhau rất nhịp nhàng. Đạo kị binh Chiêm mạnh như vậy, đông như vậy, mà chúng làm cho kinh hoảng, khiến quân khí mất hết, đến nỗi bị chết phân nửa, đầu hàng phân nửa. Y càng phục đội tiễn thủ hơn, vì mỗi lần buông tên, là mũi tên đều trúng giữa trán một binh Chiêm. Còn báo, sói, chỉ cắn kị binh, mà không cắn ngựa, thành ra số ngựa Chiêm chết không quá trăm con. Phía Việt thu được trọn vẹn mấy nghìn ngựa.



Phạm-Dật biết rằng, trong trận vừa qua, nếu không nhờ Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa với mười kỳ-chủ ra tay đánh giết đám tướng soái, cùng đội trưởng Chiêm, thì anh em nó không thể thắng dễ dàng như vậy. Nó đưa mắt cho bốn em, rồi cùng hướng Đông-Thiên, Quỳnh-Hoa với mười kỳ-chủ:



– Bọn tiểu bối kính tạ ơn thần võ của giáo chủ với thập kỳ-chủ.



Đông-Thiên vuốt râu, gật gù đầu nhận lễ của Long-biên ngũ hùng.



Vừa lúc đó, có chim ưng mang thư tới. Phạm-Dật mở ra coi, rồi nói:



– Ngoài khơi, thủy quân Chiêm, Việt đang giao tranh, chưa phân thắng bại. Phía trước, quân của Trung-thành vương với Dư-Phi đang đại chiến với Chiêm, mình hơi bất lợi. Lệnh trên bắt chúng ta phải đánh cảm tử, chiếm thủy trại giặc, để làm bộ binh, thủy binh chúng kinh hoàng.



Đô-thống Trần-thạnh-Nhiên lắc đầu từ chối:



– Chúng ta vừa trải qua cuộc giao tranh, người, thú đều mệt mỏi, nhiều người bị thương. Ta hãy nghỉ quân nửa buổi đã.



Hoàng-Nghi lắc đầu:



– Giữa lúc hai đạo thủy, bộ đều trông vào ta để dành thắng lợi. Ta chỉ chậm một khắc, thì quân hai đạo kia chết hàng nghìn. Vì vậy dù có phải hy sinh hết đạo binh này, chúng ta cũng phải đánh gấp.



Nó ra lệnh:



– Chúng ta chấp nhận đánh cảm tử. Bây giờ sẵn tù binh Chiêm ở đây, ta lấy quần áo, vũ khí, cờ xí, lừa ngựa của họ, giả làm đội kị mã trở về lấy lương thảo. Còn thú thì ta nhốt trong xe đậy kín, nói là chở xác tử sĩ. Tất cả chúng ta đều im lặng, để cho mấy chị Kim-Loan, Kim-Liên, với hàng binh Chiêm đối đáp với binh canh. Đợi khi binh Chiêm mở cổng cho chúng ta vào trong rồi, thì ta mở cũi cho thú tràn ra đánh chiếm trại.



Nó nói nhỏ vào tai Kim-Loan, Kim-Liên mấy câu. Hai cô bèn cho gọi một đội trưởng kị binh Chiêm chuyên vận tải lương thảo lại, rồi ôn tồn nói:



– Nhà ngươi mới đầu hàng, các tiểu tướng quân nào có thể tin bọn người hàng thực hay hàng giả? Nên các tiểu tướng quân muốn đem người cho cọp ăn thịt. Trong năm mươi người đây, hôm nay ta đem mười người cho hổ ăn thịt, vậy ai tình nguyện?



Tên đội trưởng rét run. Y đáp:



– Xin cô nương nói dùm với các tiểu tướng quân rằng chúng tôi thành thực đầu hàng, không hề giả dối. Xin các tiểu tướng quân tha mạng bọn tôi, mà bắt ngựa cho hổ ăn thịt, thịt ngựa ngon hơn thịt người nhiều.



Kim-Liên lắc đầu:



– Người nói vậy thì ta tin vậy, nhưng ta nghĩ các người phải làm một cái gì chứng tỏ lòng ngay thẳng, thì các tiểu tướng quân mới tin. Người tên gì?



– Tiểu nhân tên Yan Đà-lị-tha.



Y chỉ đội quân của y:



– Chúng tôi xin đi tiên phong cùng với các tiểu tướng quân đánh lại quân Chế-Củ.



– Vậy thì được rồi. Lát nữa chúng tiến đánh thủy trại của Lê-phúc-Huynh. Vậy người dẫn binh đội của người theo tiền quân, giả lệnh của tướng chỉ huy kị binh, trở về trại lĩnh cỏ khô cho ngựa. Sao cho chúng ta vào được trại, bấy giờ chúng ta đánh chiếm trại. Nếu sự thành công, thì chúng ta cho các người về với vợ con, hoặc nếu các người muốn, chúng ta cho các người nhập ngũ làm quân Việt.



Đà-lị-Tha mừng rỡ, chắp tay lậy rối rít:



– Tiểu nhân là đội trưởng thường phụ trách lĩnh lương thảo ở thủy trại, binh tướng gác trại đã quen mặt. Tiểu nhân xin đi tiên phong.



– Được, chúng ta tin lời người.



Hoàng-Nghi đưa con mắt nhìn Trần-thạnh-Nhiên, rồi tiếp:



– Từ đây đến thủy trại Chiêm không xa. Ta chia quân làm ba. Một đạo đánh cảm tử, xông vào giữa trại, rồi đánh thốc ra bờ biển. Một đạo tiếp theo đánh dọc bờ biển thủy trại về Bắc. Một đạo đánh dọc bờ biển thủy trại về Nam. Sau khi chiếm được thì đốt trại liền. Khói lửa bốc lên, khiến đạo bộ binh, thủy binh Chiêm kinh hoàng. Vậy...



Nó cầm cờ phất lên ra lệnh:



– Anh Phạm-Dật, chị Kim-Loan lĩnh hai trăm tiễn thủ, đội hổ, ba trăm kị binh, cùng năm mươi hàng binh Chiêm, giả làm quân Chiêm đi lĩnh lương thảo. Khi vào được trại, ta đánh cảm tử, xuyên trại ra bờ biển. Anh Vũ-Quang, chị Kim-Liên lĩnh hai trăm tiễn thủ, đội voi, ba trăm kị binh tiếp theo, đánh quặt lên Bắc. Chú Lý-Đoan, cô Ngọc-Liên, lĩnh một trăm tiễn thủ, đội báo, ba trăm kị binh, tiếp theo, đánh quặt xuống Nam. Chú Trần-Ninh với cô Ngọc-Hương, lĩnh ba trăm kị binh, đội sói tiến ra bờ biển, chiếm, đốt hết những chiến thuyền Chiêm không dự chiến, đậu ở bến.



Nó nói với Trần-thạnh-Nhiên:



– Còn đô thống với tôi đem trăm kị binh với đội khỉ đi treo cờ ngũ hành khắp trên đường chúng ta đi. Để khi bộ binh Chiêm bại chúng chạy về, sẽ nghi ngờ có phục binh mà không dám đi vào.



Trần-thạnh-Nhiên lắc đầu:



– Tôi nhận lệnh của Dư tướng quân dụ địch chạy men theo bờ biển, chứ không được lệnh đánh thủy trại. Vả tôi là đô thống, không phải tuân lệnh một thiếu niên chưa có chức tước gì. Tôi không thể chia kị binh cho người khác xử dụng.



Trong khi Hoàng-Nghi ra lệnh, thì ngoài khơi, tiếng trống thúc, tiếng quân reo, tiếng pháo nổ, cùng khói bốc lên mịt mờ. Nó nhìn về phía Tây, nơi hai đạo bộ binh đang giao chiến, tiếng ngựa hí, tiếng trống thúc muốn át hẳn tiếng nó nói. Lòng nó nóng như lửa đốt. Nó nói với Thạnh-Nhiên:



– Đô-thống! Hãy bỏ ra ngoài tỵ hiềm, cùng anh em chúng tôi đánh cảm tử để cứu hai đạo thủy bộ của ta.



Mặt Thanh-Nhiên lạnh như tiền:



– Đánh giặc thì tôi sẵn sàng, chứ đánh theo lối tự tử đó thì tôi không đồng ý. Tôi phải cho quân nghỉ một vài ngày đã.



Phạm-Dật nổi cáu nói với anh em:



– Thôi, chúng ta đành dùng thú binh, với tiễn thủ đánh cảm tử vậy.



Đông-Thiên hỏi:



– Còn chúng ta? Chúng ta làm gì?



Hoàng-Nghi cung tay:



– Về kế hoạch thì đệ tử định. Nhưng về thần võ thì xin đại giá giáo chủ với các kỳ-chủ trổ thần oai cho. Xin nhị vị Xích-kỳ giúp anh Phạm-Dật; nhị vị Lam-kỳ giúp anh Vũ-Quang; nhị vị Huyền-kỳ giúp Lý-Đoan; nhị vị Bạch-kỳ giúp Trần-Ninh; đại giá giáo chủ, phó giáo chủ, nhị vị Hoàng-kỳ theo giúp đệ tử.



Nó nói với Trần Thanh-Nhiên:



– Tất cả tù binh, vũ khí, lừa ngựa bắt được của Chiêm xin nhờ đô thống giữ dùm.



Rồi nó phất cờ ra lệnh tiến quân.



Phạm-Dật, Kim-Loan cùng trăm tiễn thủ, năm mươi hàng binh Chiêm đi theo Đà-lị-Tha, đánh xe chở đàn hổ hướng trại Chiêm, kéo cờ Chiêm thủng thẳng mà đi. Phía sau là đội của Vũ-Quang, Lý-Đoan, Trần-Ninh. Tới cổng doanh trại Chiêm, viên đội trưởng giữ cổng thấy Đà-lị-Tha thì hỏi:



– Yan, tình hình ra sao?



– Ta thắng lớn, tướng quân lệnh cho ta về lĩnh cỏ khô, lúa cho ngựa đây.



– Đúng kỳ, mai mới là ngày lĩnh cỏ, sao hôm nay người đã về lĩnh?



– Sau trận chiến khủng khiếp, ngựa đói, ăn hết số cỏ mang theo, nên ta phải về xin lĩnh thêm.



– Được rồi!



Y vẫy tay ra hiệu cho binh canh mở toang cổng trại. Đà-lị-Tha cùng năm mươi quân canh vào trước, phía sau là xe chở hổ với Phạm-Dật, Kim-Loan với đoàn tiễn thủ, từ từ tiến thẳng ra phía sau trại. Kho cỏ nằm về phía Bắc trại, mà Đà-lị-Tha lại đi ra phía bờ biển, khiến viên đội trưởng gác cổng kinh ngạc chỉ tay về phía Bắc gọi:



– Yan, người lầm rồi, kho cỏ ở phía kia mà!



Đến đó đội binh của Vũ-Quang đã tới, đang vào cổng trại. Viên đội trưởng canh cổng thấy có sự khác lạ, y hỏi:



– Các người là ai? Tại sao lĩnh cỏ mà không mang xe, lại xua voi đi?



Kim-Liên trả lời:



– Sao người ngu thế, hiện quân Việt đầy khắp núi rừng, mà chở lương thảo đi khơi khơi thì bị cướp hết, nên chúng ta mang voi đi hộ tống.



Viên đội trưởng thấy Kim-Liên là đàn bà, y định hỏi nữa, thì véo một tiếng, một mũi tên trúng giữa óc y. Y ngã lộn xuống đất. Phạm-Dật cầm tù và rúc lên, đội binh của Vũ-Quang xua voi đánh về hướng Bắc. Hổ binh mở cửa xe, xua hổ đánh thẳng ra bờ biển. Phía sau, đội binh của Lý-Đoan, Trần-Ninh cũng vừa tới. Bốn đội nhanh chóng tràn vào doanh trại, rồi phóng hỏa, khói lửa bốc lên ngút trời.



Bao nhiêu binh tướng thủy bộ của Chiêm đã xuất trại, ra hai mặt trận thủy bộ hết, chỉ để lại những binh tướng bị bệnh, và khoảng hơn nghìn quân coi kho, thì địch sao lại với các đội thú với đội tiễn thủ? Không đầy một giờ, doanh trại Chiêm đóng dài trên mười dặm bị bao trùm trong biển lửa, binh tướng đều đầu hàng hết. Long-biên ngũ hùng tuyệt không ngờ mình lại thành công mau thế. Khi Vũ-Quang đánh tới khu nhà tù, nó ra lệnh cho voi phá cửa, rồi sai lùa tù nhân ra. Nhà tù tuy nhỏ, mà giam tới hơn hai nghìn người. Nó nhờ Kim-Loan, Kim-Liên, Ngọc-Liên, Ngọc-Hương phân loại tù. Hầu hết là tù nhân Việt-kiều, bị Chiêm nghi ngờ nổi dậy giúp quân Đại-Việt, nên bị bắt giam. Chợt Vũ-Quang chú ý đến một đám tù nhân, trông mặt hơi quen quen. Nó quay lại hỏi Kim-Liên:



– Em xem, những người này sao coi quen quá?



Kim-Liên nhìn theo tay Vũ-Quang, nàng kêu lớn:



– Nội giáo Vọng-hương! Đây là những thanh niên năm nữ nội giáo trang Vọng-hương nhà em. Họ đi theo vợ chồng Trần-Bình, Võ-xuân-Loan cướp voi của ta.



Hình ảnh những tượng binh chết phơi thây trên bình nguyên Tư-dung là một mối hận vô bờ bến của Long-biên ngũ hùng. Trần-Nghi hú lên một tiếng, ra lệnh cho đoàn chó sói bao vây lấy đám này. Vũ-Quang cũng nhận ra vợ chồng Trần-Bình đang cúi gầm đầu xuống, để che dấu mặt. Nó ra lệnh trói bọn này. Võ-xuân-Loan nói với Kim-Loan, Kim-Liên:



– Loan ơi! Dù gì thì cháu với ta cũng người đồng hương với nhau. Cháu cứu ta với.



Vũ-Quang cười nhạt:



– Thế còn mấy chục tượng binh phơi thây ở Tư-dung thì mi tính sao đây? Phen này ta sẽ cho hổ, báo gặm từng miếng thịt của mi ra để báo thù.



Hoàng-Nghi cùng Đông-Thiên đã trở về. Bọn trẻ xúm vào hỏi tình hình trận chiến giữa Trung-thành vương với quân Chiêm. Hoàng-Nghi tường trình công việc:



– Đại giá giáo chủ, phó giáo chủ với phu phụ Hoàng-kỳ chủ xử dụng bọn khỉ treo cờ dọc khắp con đường từ doanh trại đến mặt trận. Chúng tôi càng tới gần mặt trận, thì tiếng quân reo, ngựa hí càng lớn. Tôi leo lên cây cao quan sát, thấy đạo quân phía Nam của mình đánh lên đang có vẻ thắng thế. Còn đạo quân của tả-lãnh vệ đại tướng quân Dư-Phi trực diện với quân Chiêm đang giằng co nhau. Quân Chiêm núp sau những chiến lũy kiên cố dùng cung tên bắn ra. Quân Việt thì có hai đạo Long-dực tả và hữu, đạo Thần-điện tả, bốn nghìn kị binh với một trăm thớt voi. Quân Việt xung phong trước sau có tới mười lần trong hai ngày, mà không phá nổi chiến lũy. Thấy quân mình mệt mỏi, Dư tướng quân ra lệnh tạm lui binh, thì kị binh, tượng binh từ trong chiến lũy tràn ra đuổi theo. Đau một điều là trong đó có cả đội voi của mình bị vợ chồng Võ-xuân-Loan nộp cho Chiêm.



Nó ngừng lại để thở, rồi tiếp: Tôi bàn cùng giáo chủ, giữa lúc quân Chiêm đang đuổi theo quân Việt, chiến lũy còn không quá trăm người canh gác, ta bất thần vào đánh chiếm lấy. Tuy chỉ có trăm võ sĩ với đoàn khỉ, nhưng nhờ võ công của giáo chủ cùng các vị kỳ chủ cao siêu đến không tưởng được, chúng tôi giết trăm quân canh trong một vài khắc, rồi chiếm những cổng chính chiến lũy, cho đóng cổng lại. Chúng tôi sai treo cờ Việt la liệt khắp nơi, sau đó ngồi chờ. Tôi viết thư báo cáo tình hình cho tướng quân Dư-Phi.



Lý-Đoan suýt xoa:



– Mình chỉ có mấy cao thủ với trăm chiến sĩ, nếu mấy vạn quân Chiêm trở về thì sao?



– Thì mình đành tử chiến vậy.



Hoàng-Nghi tiếp: Cũng may, lúc đó khói ở thủy trại Chiêm bốc lên mờ mịt. Quân Chiêm kinh hãi, vội ngừng lại rút về chiến lũy. Nhưng khi tới gần, chúng thấy cổng chiến lũy đóng, cờ Đại-Việt treo la liệt. Chúng vội ngừng lại quan sát. Mấy viên tướng Chiêm xua một đội voi tiến tới cổng chiến lũy. Đội voi đó chính là đội voi của mình. Tôi đứng lên bờ cổng trại, phất cờ ra lệnh cho voi quay ngược lại đánh quân Chiêm. Đoàn voi nhận được lệnh của chủ tướng, chúng rống lên bất tuân lệnh quản tượng, lao vào đội hình quân Chiêm. Phía sau quân của tướng Dư-Phi đã trở lại. Quân Chiêm rối loạn hàng ngũ, cùng đánh dạt về phía Bắc để thoát thân. Hiện chúng bị cắt làm ba làm bốn. Tôi bắt tay được với tướng Dư-Phi. Một mặt ông cho đuổi theo tàn quân Chiêm, một mặt ông viết thư sai chim ưng chuyển tin cho Tín-nghĩa vương, để vương đem quân chặn đầu bắt đám quân Chiêm rút về vùng Bố-chánh.



Kể xong, Hoàng-Nghi hỏi:



– Tình hình tại đây ra sao?



Phạm-Dật vẫy tay:



– Tốt đẹp.



Phạm-Dật cho đánh trống thu quân. Mọi việc vừa hoàn tất thì từ ngoài khơi, hơn mười chiến thuyền Chiêm đang từ từ tiến vào quân cảng. Hoàng-Nghi sai ưng binh cho mười chim ưng bay ra tuần thán, rồi nó hô lớn:



– Phải cẩn thận. Dàn trận chuẩn bị tác chiến.



Các đội thú được dàn ra dọc bờ biển, núp vào những mỏm đá, những bức tường đổ. Đội tiễn thủ Long-biên chia nhau phục rải rác trên khắp quân cảng. Long-biên ngũ hùng cũng ẩn thân theo quân mình.



Phạm-Dật nói với Đông-Thiên, tay chỉ vào sau căn nhà cháy mất nóc:



– Xin đại giá giáo chủ cùng chư vị kỳ-chủ tạm ẩn vào sau bức tường kia. Hễ thấy bọn anh em chúng tôi thất lợi thì tiếp cứu.



Một là Đông-Thiên không biết gì về quân sự, hai là mấy ngày qua, y đi theo Long-biên ngũ hùng, y thấy đây là những thiếu niên cực kỳ thông minh, yêu nước, được huấn luyện rất chu đáo về hành binh, bố trận. Cho nên y để mặc bọn Phạm-Dật điều động. Trong lòng y, y nghĩ:



– Muốn làm vua Chiêm, muốn thống lĩnh tộc Việt, ta không thể dựa vào võ công cao cường, mà phải dùng tới quân sự. Dùng quân sự ta phải có tướng giỏi, bằng không cũng vô ích. Làm sao ta đào tạo được những thiếu niên như thế này, mới mong thành công. Ta cần quan sát bọn này hành sự, để biết thêm về dụng binh.



Vì vậy y im lặng theo sự điều động của Hoàng-Nghi, rồi cùng em gái với đám kỳ-chủ ẩn thân vào phía sau căn nhà cháy. Ngoài khơi mười chiến thuyền Chiêm vẫn lù lù tiến vào quân cảng, đang tìm cách ép vào bến. Đoàn chim ưng đang bay tuần tiễu, bỗng lượn một vòng, rồi từ từ đáp xuống mấy cột buồm. Hoàng-Nghi hơi nghi ngờ, nó nói hỏi Phạm-Dật:



– Anh thấy sao?



– Chim ưng của mình, không dễ gì ai sai phái được. Nay nó không bay tuần tiễu, mà đậu thế kia, thì có thể là trên chiến thuyền cũng có người biết chỉ huy chim ưng. Ta thử gọi chim ưng về xem.



Ưng binh vâng lệnh phất cờ gọi chim ưng về. Đoàn chim ưng thấy hiệu lệnh của chúa tướng vội cất cánh bay về. Ưng binh làm hiệu hỏi chúng, rồi trình:



– Thưa tiểu tướng quân, chiến thuyền kia là của mình.