Nam Quốc Sơn Hà

Chương 26 : Thủy Chiến Nhật-lệ

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Đến đó, chiến thuyền đã cập bến, cầu bắc lên, một toán người vừa xuất hiện, thì Hoàng-Nghi đã nhận ra là bọn Trần Di, Dương Minh. Tuy nhiên, cái gương Tín-nghĩa vương bị tập kích khiến nó cẩn thận hơn. Nó vẫy tay cho mọi người im lặng. Trần-Di cùng hơn mười Giao-long binh lên khỏi cầu tầu, tiếp theo hơn chục Giao-long binh thân thể đều mảnh mai, da mặt trắng trẻo, với một đội trưởng cũng nhỏ nhắn. Dương Minh đã trông thấy hổ binh, báo binh và dũng sĩ Long-biên phục trên bờ biển. Nó văng tục:



– Bọn Long-biên ngũ quái đâu? Tại sao bọn bay không ra đón ta? Mau lên, bằng không ta gọi là thằn-lằn ngũ quỷ bây giờ!



Đến đây cả Tây-hồ thất kiệt đều đã lên khỏi chiến thuyền. Long-biên ngũ hùng la lên một tiếng, rồi rời khỏi chỗ núp. Chúng chạy ra ôm lấy nhau mà reo hò.



Xa nhau mới có một thời gian ngắn, mà bọn chúng tưởng chừng như cách biệt đã lâu lắm. Chúng kể cho nhau nghe những gì bên mình đã làm.



Long-biên ngũ hùng thấy đội trưởng Giao-long binh có khuôn mặt rất quen, mà nó chưa nhận ra. Bỗng một âm thanh trong trẻo dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai chúng:



– Chị là Động-Thiên đây. Các em phải tuyệt đối im lặng, dấu kín thân phận của chị mới được. Nghĩa là coi như không có chị, nghe không!



Bọn trẻ vội nhìn đi chỗ khác, không chú ý đến bà công chúa thiên kim nữa.



Sau khi nghe Phạm Dật kể về chiến công bên mình đã đạt được. Nó hỏi Trần Di:



– Còn Tây-hồ thất kiệt? Các anh làm được những gì? Nếu thành công, ta gọi là Tây-hồ thất kiệt. Còn như không thành công ta gọi là Tây-hồ thất cẩu đấy nhá.



Cả bọn cười ầm lên.



Trần, Di dùng lăng không truyền ngữ nói với Long-biên ngũ hùng:



– Này bọn Long-biên ngũ quỷ, hoàng thượng sai ta gặp lão Đông-Thiên với một mật chỉ. Bất biết ta nói gì, làm gì, thì bọn bay phải răm rắp nghe theo, chớ có thắc mắc mà bể kế hoạch đấy.



Rồi làm như chợt nhớ ra điều gì, Trần-Di hỏi Phạm-Dật:



– Đức vua nghe tin đại giá Đông-phương giáo chủ đã xuất thần lực trợ Đại-Việt đánh Chiêm. Long tâm hài lòng lắm. Ngài sai bọn ta đem lễ đến tạ giáo chủ. Vậy giáo chủ đâu?



Phạm-Dật dẫn bọn Trần-Di ra mắt Động-Thiên. Tây-hồ vội cung cung kính kính hành lễ:



– Bọn hậu bối xin tham kiến giáo chủ, phó giáo chủ cùng thập vị kỳ chủ. Ở trên chiến hạm, hoàng thượng được tin đại giá giáo chủ quang lâm giúp quân Đại-Việt thì mừng vô hạn. Người ban dụ: giáo chủ giúp Đại-Việt thực giống như Phù-đổng thiên vương từ trời xuống giúp vua Hùng vậy. Người sai bọn vãn bối đem chút lễ vật tạ giáo chủ.



Nói rồi chúng bưng ra một hộp bằng bạc lớn cung cung, kính kính dâng lên Đông-Thiên. Đông-Thiên mở hộp ra, thì là một tượng Phù-đổng thiên vương bằng vàng, nhưng mặt thì giống hệt lão.



Từ ngày rời Tây-vực về Đại-Việt đến giờ, anh em Đông-Thiên bị vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, bị phản phúc nhục nhằn trước sau cả trăm lần; chưa bao giờ anh em lão được đời kính trọng; chưa bao giờ anh em lão được nghe những lời chân tình. Đây là lần đầu tiên anh em lão được đám trẻ tôn kính, lại được hoàng đế tặng tượng Phù-đổng thiên vương. Trong tâm lão khoan khoái vô cùng. Lão hướng ra ngoài khơi cung tay:



– Đa tạ hoàng thượng ban thưởng.



Lão hỏi bọn Trần-Di:



– Này cháu! Trận chiến ngoài khơi ra sao? Thằng cha Lê-phúc-Huynh đâu rồi?



– Khải giáo chủ hậu bối không rõ.



Phạm-Dật hỏi Dương-Minh:



– Trận thủy chiến ra sao?



Dương-Minh kể:



– Sau khi chúng tôi rời bản doanh Tín-nghĩa vương lên đường tới Nam-giới thì gặp công chúa Động-Thiên. Công chúa cho biết: vì sợ lộ quân tình nên nguyên soái Thường-Kiệt mới ban lệnh cho chúng tôi về Nghệ-an rồi dùng thuyền ra khơi. Sự thực không phải như vậy.



Hoàng-Nghi cười:



– Dĩ nhiên là thế!



Mắt nó lấm lét nhìn công chúa.



Trần-Di nhăn mặt:



– Tại sao? Dĩ nhiên là thế? Thế là thế nào?



– Có gì mà không hiểu.



Hoàng-Nghi cười: Đại kế nghị ở điện Uy-viễn bị lộ, kế đánh Nhật-lệ bị lộ, thì nay nguyên soái phải dùng hư kế. Một mặt truyền lệnh tới Tín-nghĩa vương rằng Tây-hồ thất quái phải về Nghệ-an, rồi có chiến thuyền đón ra khơi. Tin này gian tế báo với giặc, hẳn giặc cho người theo dõi ở Nghệ-an, để khi thấy bọn thất quái tới thì báo cho chúng biết. Trong khi nguyên soái âm thầm nhờ công chúa Động-Thiên đón đường truyền mật lệnh cho thất quái đi đường khác. Bọn gian tế chưa thấy thất quái tới bến Nghệ-an, thì cứ ngồi chờ. Trong khi đó thất quái đã ra tay.



– Giỏi!



Trần-Di khen: Bọn này được đặt dưới quyền công chúa Động-Thiên, tất cả mặc y phục của lính Chiêm bị bắt ở Nam-giới, mang thẻ bài của Kiếm-Thương, dùng ngựa của quân Nam-giới, đi ngược trở lại xuống Nam Nhật-lệ, sau đó men theo bờ biển tiến về thủy trại Chiêm.



Nó chỉ vào khu rừng phía Nam trại Nhật-lệ:



– Đêm, bọn này ra bãi biển kia, rồi lặn tới đây âm thầm đục thuyền. Phải đục tới ba đêm mới xong. Mọi việc hoàn tất, bọn này đi xuống Nam, tới cửa Tư-dung, thì lấy thuyền vòng ra khơi, tìm đến hạm đội.



Trần-Ninh thở phào:



– Các cậu gặp may dữ, nhiệm vụ hoàn thành dễ dàng quá.



– Đâu có!



Triệu-Thu than: Con mẹ nó, suýt nữa thì vào bụng cá hết.



– Còn gì nữa?



– Tổ bà nó.



Quách-Y chửi thề: Bây giờ nghĩ lại vẫn còn ớn da gà. Trong khi ra khơi, bọn này gặp bốn chiến thuyền tuần phòng của Chiêm đuổi theo. Chạy được hơn trăm dặm thì khoảng cách hai bên càng gần. Công chúa Động-Thiên ước tính rằng, cứ tình trạng này thì chỉ chạy ba chục dặm nữa sẽ bị chúng bao vây. Công chúa nảy ra sáng kiến: nếu cần, thì hy sinh một nửa, để cho một nửa sống. Kế hoạch như sau: ta vẫn chạy, nhưng cho từng toán Giao-long năm người chuồn xuống biển, đợi chiến thuyền Chiêm tới thì đục thuyền. Chỉ cần đục chìm hai chiến thuyền, thì bố bảo bọn chúng không dám đuổi theo nữa. Bọn này hoan hô, đứa nào cũng muốn lĩnh nhiệm vụ ”chết” đó. Cuối cùng công chúa chỉ đại từng đứa. Toán đầu tiên do Duy lùn xuống biển trước. Toán thứ nhì tới Úc méo, toán thứ ba do Y mỗ, toán thứ tư do Cẩm thẹo. Bọn này cương quyết ra đi, một chết không trở về. Anh em chia tay nhau bịn rịn...



Trần-Di tiếp:



– Toán đầu tiên do Duy lùn cầm đầu thành công. Chiến thuyền Chiêm bị thủng ba lỗ lớn bằng cái mâm, nước tràn vào, rồi từ từ chìm xuống. Bọn lính Chiêm thét lên hãi hùng, chúng hô hoán, báo động. Ba chiến thuyền kia phải dừng lại để cho bọn ở chiến thuyền chìm nhảy sang. Đám chỉ huy biết thuyền bị đục, chúng mở khoang, thả cá sấu ra để đánh Giao-long binh. Bọn Úc, Y, Cầm đang đục hai chiến thuyền kia, thì thấy cá sấu tới tấn công. Biết rằng đằng nào cũng chết, bọn chúng cố gắng đục thủng đáy thuyền, rồi quay lại đánh nhau với cá.



Đến đó, nó thấy mọi người im lặng theo dõi, nó ngừng lại. Lý-Đoan bực mình:



– Nói tiếp đi chứ.



– Khoan đã nào, gì mà vội vậy?



– Tao muốn biết trong bẩy con quái, có mấy con bị cá đợp mất chân, tay? Có mấy con vào bụng cá? Thế thôi.




– Các kỳ chủ của ta chỉ là những người võ công cao, sẽ xuất lực đánh giặc. Còn chỉ huy là các cháu. Vậy Trần-Di làm chánh tướng.



Hoàng-Nghi tiếp:



– Bây giờ đến đạo binh vượt Tây Trường-sơn. Tiền đạo do nhị vị Lam kỳ chủ đem bản bộ quân mã tiến đến Tà-lầm, dối rằng được lệnh đem quân tiếp viện cho đồn này. Khi vào trong đồn rồi, thì chiếm lấy đồn. Anh Phạm-Dật, chị Kim-Loan dẫn đội hổ binh đi theo trợ giúp. Trung đạo do nhị vị Huyền kỳ chủ dẫn đạo Huyền-kỳ đi tiếp ứng. Anh Vũ-Quang, chị Kim-Liên dẫn đội tượng theo yểm trợ. Hậu quân do nhị vị Xích kỳ chủ dẫn đạo Xích-kỳ đi đoạn hậu. Hai sư đệ Trần-Ninh, Lý-Đoan với Ngọc-Hương, Ngọc-Liên đem đạo báo, sói yểm trợ.



Nó hỏi Đông-Thiên:



– Còn đại giá giáo chủ, không biết giáo chủ định đi theo đạo nào?



Đông-Thiên chỉ Trần-Di:



– Ta phải đi theo đạo của cháu Trần-Di, vì nếu không có ta, khó mà các trang trưởng chịu tiếp tế lương thảo, cùng cung cấp dân phu.



– Vậy thì cháu đi theo đạo Tây Trường-Sơn. Sáng mai, giờ Mão, ta xuất phát.



Ngày 24 tháng tư đạo vượt Tây Trường-sơn lội suối, băng rừng, đã qua thung lũng Đắc-sút, rồi Đắc-tô, cuối cùng đi vào địa phận vùng Mang-bút, thì gặp đồng bằng Đắc-lĩnh. Trưa hôm ấy, đạo binh tiền phong lên đỉnh ngọn núi Đắc-lăng, nhìn sang sườn bên kia, chúng reo lên bầy tỏ sự vui mừng, vì trước mặt họ, hiện ra một cánh đồng bằng phì nhiêu, nhà cửa san sát. Viên đội trưởng quay trở lại báo với Phạm-Dật:



– Thưa tướng quân, hiện tiền đội đã tới thấy đồng bằng, dưới chân núi có một đồn binh. Vậy xin trình tướng quân rõ.



Phạm-Dật, Kim-Loan, vợ chồng Lam-kỳ chủ cùng lên trước quan sát. Kim-Loan hỏi Lam kỳ chủ:



– Theo như giáo chủ dạy, thì trang dưới chân núi này do giáo chúng Hồng-thiết cai quản phải không? Liệu họ có trung thành với sư huynh không?



Lam kỳ chủ dùng ngón tay viết xuống đất:



– Đúng thế, trang trưởng này là đệ tử của tôi. Để vợ chồng chúng tôi xuống gọi y lên đây. Chúng sẽ làm hướng đạo cho mình. Nhưng này Phạm hiền đệ, tuy chúng trung thành thực, nhưng huynh đệ cũng phải cẩn thận lắm mới được.



Hoàng-Nghi dặn:



– Sư huynh sư tỷ cẩn thận như vậy cũng phải. Nhưng hai vị đừng quên rằng họ là người Chiêm, khó biết rằng họ trung thành với Hồng-thiết giáo hay với Chiêm. Nay chúng ta đem đạo quân mà gốc là người Chiêm đã là một điều nguy hiểm rồi, lại nữa chúng ta giả là quân của Đinh-kiếm-Thương bị thua, rút chạy về, là hai điều nguy hiểm. Vậy tốt hơn hết nhị vị đừng cho trang trưởng biết rằng chúng ta là đại quân của giáo chủ, mà cứ xưng là quân của Đinh-kiếm-Thương rút về bảo vệ Đồ-bàn.



Vợ chồng Lam kỳ chủ nhanh nhẹn vượt đỉnh núi xuống dưới trang. Trong khi Phạm-Dật cho đóng quân lại dưới chân núi Đắc-lăng chờ đợi. Hoàng-Nghi cho mời các kỳ chủ cùng Long-biên ngũ hùng đến một gốc cây bên bờ suối ngồi họp, bàn kế hoạch tập kích thành Đồ-bàn. Phạm-Dật lo lắng:



– Sao giờ này mà chúng ta chưa nhận được tin tức của phó giáo chủ đi thuyết phục Vũ-chương-Hào, Lê-phúc-Huynh với Bố-bì Đà-na nhỉ? Lạ một điều, hàng ngày chúng ta đều nhận được thư của đoàn vượt Hải-vân vào giờ Mão, mà bây giờ là giờ Mùi rồi, cũng chưa thấy gì nhỉ?



Hoàng-Nghi cũng hơi phân vân, nó nói cứng:



– Ta cứ chờ một lát xem sao?



Nó mở tấm bản đồ sao lại của Đông-Thiên ra cùng các bạn bàn: đây, núi Đắc-lĩnh là chỗ này đây. Ta vượt qua đồng bằng Đắc-lăng thì tới Đồ-bàn. Còn đây là U-bặc. Cứ như lời ước hẹn, thì giờ này đạo vượt Hải-vân phải tới U-bặc rồi. Ta cứ ém quân chờ đợi, hôm nay là 24, ta tiến quân vào Đồ-bàn, và ngày 25 ta đánh thành.



Bỗng có tiếng chim ưng kêu, Phạm-Dật thở phào nhẹ nhõm, phất cờ gọi chúng xuống. Nó mở ống tre dưới chân chim ra xem; đó là lệnh của nguyên soái Thường-Kiệt:



«... Tin tế tác cho biết, phó giáo chủ cùng vợ chồng Trần-Bình, Võ-xuân-Loan đều bị Vũ-chương-Hào bắt giam. Ngũ sứ đều phản giáo chủ. Tuy nhiên giữa Chế-Củ với Chương-Hào, ngũ-sứ đã có sự nghi ngờ lẫn nhau. Trước kia toàn bộ binh mã Đồ-bàn do Chương-Hào thống lĩnh, các tướng chỉ huy ngự-lâmquân, kị binh đều là đệ tử của y. Nay Chế-Củ đặt đạo kị binh, ngự lâm quân trực thuộc hoàng đệ Chế-ma-Đa. Dưới tay Chương-Hào chỉ còn mấy hiệu bộ binh.



Đạo quân vượt Hải-vân hiện đang tiến về U-bặc, không gặp trở ngại gì. Hãy chỉnh bị binh mã để tiến về Đồ-bàn. Phải tối cẩn thận... »



Đến đó vợ chồng Lam kỳ chủ trở lại với một toán năm người Chiêm. Như đã ước hẹn trước, bọn Phạm-Dật không biết tiếng Chàm, nên chúng im lặng, chỉ có Kim-Loan, Kim-Liên giả trai tiếp xúc với họ mà thôi. Thoáng nhìn con mắt năm người đầy nghi ngờ, Hoàng-Nghi than thầm:



– Con mẹ nó! Không xong rồi! Dường như năm tên này biết mình giả trá đây.



Nghĩ vậy nó dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai Kim-Loan:



– Chị cả hỏi han chúng tình hình, để chúng khỏi nghi ngờ.



Kim-Loan nói tiếng Chàm:



– Trong năm vị, vị nào là quản giáo? Vị nào là đạo tưởng? Vị nào là trang trưởng?



Thấy Kim-Loan nói tiếng Chàm không chút vướng víu, lại tỏ ra rất đúng quy củ Hồng-thiết giáo: lớn nhất là quản giáo, rồi tới đạo trưởng, kế đến là trang trưởng. Bọn này đã bớt nghi ngờ. Một người đàn ông cổ quấn khăn hồng tự giới thiệu:



– Tôi tên Yan-chu-Bang là quản giáo. Dám hỏi: các vị thuộc đạo binh nào? Tại sao lại đi đường rừng về đây?



Kim-Loan đáp:



– Chúng tôi là quân bộ, trấn ở Nhật-lệ. Nhật-lệ thất thủ, thủy quân tan rã, nên chúng tôi phải đi đường rừng mà về.



– Thưa, trong các vị đây, vị nào có chức tước lớn nhất?



– Chẳng có ai lớn nhất cả. Chư tướng thất lạc, nên sau kỳ chủ Huyền, Lam, Xích đứng ra tụ tập tàn binh, rồi dẫn về đây mà thôi. Vậy các người phải chu cấp lương bổng cho chúng ta.



Yan-chu-Bang cau mày:



– Cách đây mấy ngày, chúng tiểu nhân được lệnh của tể tướng Lục-chương-Anh (Vũ-chương-Hào) rằng phải tra xét, đề phòng cẩn thận, vì sợ quân Đại-Việt băng rừng tiến công. Vậy xin các vị tạm đồn quân ở đây, để tiểu nhân cho ngựa phi về Đồ-bàn báo tin đã, rồi các vị hãy dẫn quân đi.



Kim-Loan gật đầu:



– Cũng được, nhưng các người phải cung ứng lương thảo đầy đủ cho chúng ta. Bây giờ ta để hai vị Xích kỳ chủ với ta cùng theo các vị về kinh để báo cáo quân tình một thể.



Yan-chu-Bang đồng ý. Y nói:



– Thế thì tiểu nhân đi với các vị.



Y chỉ mấy người đi theo:



– Vị này là Cao-Huy, đạo trưởng, vị này là Y-Bang trang trưởng. Hai người sẽ tiếp tế lương thảo cho các vị.



Vợ chồng Xích kỳ chủ, Phạm-Dật, Kim-Loan cùng lấy ngựa lên đường về Đồ-bàn với Yan-chu-Bang. Khi rời khỏi vùng núi đồi hơn hai mươi dặm, thì chim ưng đem thư đến cho Phạm-Dật. Nó mở thư ra, thì là thư của Hoàng-Nghi:



«... Giết chết tên Yan-chu-Bang, rồi trở về, nói rằng đã báo với Lục-chương-Anh. Nếu Cao-Huy hỏi Yan đâu, thì nói rằng y ở lại Đồ-bàn, mai về... »



Phạm-Dật xé thư vụn thành từng miếng nhỏ, rồi tung theo gió. Yan-chu-Bang hỏi:



– Thưa thượng quan, thư gì vậy?



Phạm-Dật rút kiếm đưa một nhát, đầu y rơi khỏi cổ. Vợ chồng Xích kỳ chủ kinh ngạc trố mắt nhìn. Dật giải thích cho y nghe. Ba người đem xác Yan vứt vào rừng, nghỉ ngơi đến chiều thì lên đường trở lại chân núi: xa xa, thấy toàn quân đóng dài thành một trại liên tiếp.