Nam Quốc Sơn Hà

Chương 32 : Nhân-tông Hoàng Đế

Ngày đăng: 09:02 19/04/20


Âu Huyền cầm ống tiêu để lên miệng thổi, âm thanh nghe rất quái dị. Khoảng một khắc sau (14 phút ngày nay), có ba con rắn từ từ bò đến. Một con sắc xanh óng ánh, bằng ngón chân cái. Một con mầu vàng, to bằng cổ tay. Một con lại đen thui. Ba con rắn đến trước mặt Âu Huyền thì cuộn tròn lại, rồi ngóc cổ lên, lắc lư cái đầu, há miệng, lưỡi thè ra theo điệu nhạc. Lát sau, lại thêm mấy con nữa. Trong khoảng hai khắc, có hàng trăm con rắn vào miếu.



Cách đây gần trăm năm, hai tên đầu trộm đuôi cướp tên Mã-Mặc, Lệ-Anh, bị võ-lâm, bị vua chúa Tây-vực truy lùng, chúng trốn vào rừng sống với thú vật, rồi nhân đó luyện được độc công, chế ra Chu-sa ngũ độc, cuối cùng lập thành Hồng-thiết giáo. Cho nên sau này, những đệ tử của Hồng-thiết giáo đều biết phương pháp bắt độc trùng, bắt rắn. Âu-Huyền là đệ tử của anh em Đông-Thiên, nên nàng rất thành thạo phương pháp thổi tiêu gọi rắn. Miếu thổ thần làng Siêu-loại nằm ngay trên khu đất hoang, cạnh cánh đồng lầy lội, vì vậy Âu Huyền chỉ cần hai khắc, mà đã chiêu dụ được hơn trăm con rắn đủ loại.



Thấy với hơn trăm con rắn cũng tạm đủ dùng rồi, Âu Huyền bắt hai con rắn nhỏ tung vào người Minh-Can. Hai con rắn cuốn tròn vào hai cổ tay ả. Nàng lại tung ba con rắn lớn lên. Hai con quấn quanh cổ chân ả, một con quấn quanh cổ. Minh-Can bở vía, ả thét lên:



– Con ma đầu kia, mi... mi định làm gì ta đây? Mi có biết rằng ta được Thái-hậu phong làm đội trưởng cung nga cung Ỷ-lan, tức là bề trên người, mà người lại vô phép với ta, thì người sẽ bị giết cả nhà không?



– Dĩ nhiên là ta biết. Nhưng mi có biết ta là ai không?



–???



Âu Huyền kể sơ lý lịch cả bọn cho Minh-Can nghe. Minh-Can biết danh tự kỳ chủ tương đương với trưởng lão của Hồng-thiết giáo Đại-Việt, đó là những đại ma đầu, nói được là làm được. Ả bắt đầu cảm thấy lạnh xương sống, nhưng vẫn làm gan, không rên siết. Âu Huyền lại tiếp tục bắt rắn tung vào người ả. Lát sau người ả tua tủa đầy rắn. Ả sợ quá nhắm mắt lại. Âu Huyền cầm một con rắn khá lớn đưa đến trước mặt Minh-Can. Con rắn đợp một miếng vào má thị, lập tức máu chảy ròng ròng xuống mặt, xuống ngực ả. Ả kinh hãi quá thét lên:



– Ái! Tôi xin khuất phục.



Âu Huyền chỉ vào mặt ả:



– Ta cần biết một vài tin tức ở Thăng-long. Mi phải khai thực. Mi nên nhớ Thanh muội của ta cũng đang tra khảo tên Trịnh Ngọc. Lát nữa chúng ta sẽ so sánh hai bản khẩu cung. Nếu mỗi câu hai đứa khai không giống nhau, thì ta sẽ cho rắn đợp mi một miếng thịt. Nếu không giống nhau hai câu, ta sẽ không cho chúng đợp mi hai miếng mà cho chúng đợp tới mười miếng. Mi hiểu không?



– Xin kỳ chủ đừng... đừng làm thế. Tôi xin khai.



– Được, giấy bút đây, người khai đi.



«... Sau hai lần họ Dương thất bại trong việc chuẩn bị cướp ngôi triều Lý. Dương Đạo-Gia tuy bị cách chức tể-tướng đuổi về điền dã, nhưng vẫn không bỏ mộng cướp ngôi vua. Ông cho người sang Tống xin quy phục Vương An-Thạch, để khi ông cướp được ngôi vua từ họ Lý; Thạch tâu xin vua Tống sai sứ sang phong cho làm vua Đại-Việt. An-Thạch hứa lơ mơ. Dương Đạo-Gia bàn với em là Dương hoàng hậu. Dương hậu nhận thấy rằng việc kết nạp các quan dễ bị lộ liễu, nguy hiểm. Bà đưa ra ỷ kiến rằng nhà vua tuổi đã cao, lại cần lao chính sự quá nhiều, thì cái ngày băng hà không xa. Chỉ cần khi nhà vua băng hà, Hoàng-hậu dàn cung nga, thái giám, thị vệ quanh nơi Hoàng-thượng, rồi truyền gọi các quan vào tuyên chỉ giả; cho hậu buông rèm thính chính. Ai phản đối, thì đem chém liền. Sau đó hậu khống chế tân quân, dùng tân quân sai khiến trăm quan. Chỉ cần trong vòng vài năm là có thể đưa hết người của mình nắm các chức vụ then chốt. Bấy giờ mới đi đến phế ấu quân, đưa Dương Đạo-Gia lênlàm vua.



Để thực hiện điều đó, hoàng hậu cần có cung nga, thị vệ, thái giám thân tín giỏi võ. Bà đi đêm với Hồng-thiết giáo Chiêm. Hậu được Lê Phúc-Huynh, Vũ Chương-Hào, Phan Vũ-Tỉnh, Thâm Phúc-Dũng, Nguyễn Nhược-Điểu âm thầm quy phục từ lâu, chứ không phảimình Đinh Hiền. Họ dùng độc chưởng kiềm chế từng thị vệ, cung nga, thái giám, huấn luyện võ thuật rồi kết nạp vào phe đảng của hậu. Để đề phòng khi có biến cố, bọn Hồng-thiết luôn duy trì một đại cao thủ ẩn ở trong hoàng thành.



Hiện dưới tay thái hậu có tới 72 cung nữ võ công rất cao, với ba trăm thị vệ, hai trăm thái giám.



Hồi tháng chạp năm trước, nhà vua lâm bệnh, sau khi tiên-nương Thiếu-Mai điều trị rồi, sang phủ Quốc-mẫu chơi. Hai vị đem số Tử-vi của nhà vua ra bàn, cả hai đều quyết rằng nhà vua sẽ băng hà vào đầu năm nay. Một cung nga đứng hầu nghe trộm được tin đó, báo với thái hậu. Thế là bà vội ra khỏi hoàng-thành hội với anh, với bọn Hồng-thiết giáo bàn kế hoạch. Kế hoạch bao gồm bốn giai đoạn:



– Một là phải làm sao đưa Ỷ-Lan, Thường-Kiệt, phò mã Hoàng Kiện rời xa Thăng-long. Bằng không khi nhà vua băng hà, Hoàng-hậu khó có thể dùng cung nga, thái giám, thị vệ trực thuộc chiếm quyền. Mà dù có chiếm được quyền chỉ cần một trong ba người này ra tay, thì sẽ bị dẹp tan ngay. Trước hết là Ỷ-Lan, vốn đã thay nhà vua nhiếp chính, nàng biết cách thức điều binh; thứ nhì là Thường-Kiệt lĩnh Phụ-quốc thái phó, lĩnh Đại-tư-mã; thứ ba là Hoàng Kiện lĩnh Phụ-quốc thái úy, Binh-bộ thượng thư. Ba người này đều có thể dùng mười hai hiệu Thiên-tử binh, binh các trấn kéo về đánh dẹp. Hoàng-hậu đưa ra việc lợi dụng sự ghen ghét quá đến thù hận của bà Thiết, của Minh-Can với Ỷ-Lan, xui bà viết thư cho Huy-Lực rằng ông Thiết bệnh sắp chết. Huy-Lực ắt phải về thăm nhà, dĩ nhiên khi qua Thăng-long Lực sẽ báo cho Ỷ-Lan. Ỷ-Lan là người con cực kỳ hiếu thảo, khi nghe tin cha bệnh nặng sẽ xin phép nhà vua về thăm nhà. Trường hợp này, cung nga, thái giám, thị-vệ trực thuộc Ỷ-Lan đương nhiên theo nàng rời Thăng-long. Một mặt khác, Hồng-thiết giáo gửi lệnh cho dư đảng ở ba châu Bố-chính, Ma-linh, Địa-lý nổi lên hô hào dân Chàm đánh đuổi bọn Việt. Nhà vua tất sai Lý Thường-Kiệt vào kinh lý. Lại thư nhờ Kinh-lược an-vũ sứ Quảng-Đông cho thao diễn thủy quân rầm rộ. Tin này đưa về, tất nhà vua sai phò mã Hoàng Kiện, công chúa Động-Thiên đi Đồn-sơn duyệt thủy quân phòng thủ. Khi Ỷ-Lan, Thường-Kiệt, Hoàng Kiện rời Thăng-Long rồi thì không còn ai có quyền điều động binh tướng nữa.



– Hai là lúc nhà vua hấp hối, ắt triệu chư đại thần, cùng Ỷ-Lan, thái tử lại dặn việc sau. Hoàng hậu cho lực lượng của mình bao vây kín Hoàng-thành, không cho ai vào. Khi nhà vua băng hà đương nhiên để di chiếu lại, hoàng hậu dấu di chiếu đi, bấy giờ mới cáo với đại thần. Đại thần đa số là giới Nho gia, ắt sẽ tôn Thượng-Dương hoàng hậu là đích mẫu thái tử nhiếp chính.



– Ba là, khi thái tử lên ngôi vua mới có bẩy tuổi, thái hậu nhiếp chính sẽ mặc sức vo tròn, bóp méo theo ý muốn; tha hồ cách chức, giết những ai chống bà. Dần dần bà đưa chân tay nắm hết chức vụ then chốt.



– Cuối cùng, thái-hậu họp quần thần xúi họ dâng biểu tôn Dương Đạo-Gia lên làm vua ».



Âu Huyền lấy lời khai của Minh-Can, rồi ra ngoài cùng Âu Thanh so sánh với bản cung khai của Trịnh Ngọc. Hai người rùng mình khi thấy cả hai bản cung khai không khác nhau làm bao. Nàng lấy ra hai viên thuốc khử độc nhét vào miệng hai đứa, thuận tay điểm huyệt Trịnh Ngọc, Minh-Can, rồi đem chúng trở về dinh Dương-quang, trình hai bản cung từ cho Ỷ-Lan.



Sau khi đọc xong hai bản cung từ, Ỷ-Lan kinh hoàng nghĩ thầm:



– Dương gia với Hồng-thiết giáo chuẩn bị như vậy mà sao Khu-mật viện lại không biết gì? Nếu biết, sao không tâu với nhà vua?



Nhưng phi chợt nhớ ra một chuyện: Nguyên vào thời vua Thái-tông, sau khi xẩy ra vụ án gian nhân đánh thuồc mê Lý Thường-Kiệt rồi tĩnh thân. Khai-Quốc vương muốn cho Khu-mật viện điều tra, nhưng nhà vua lại không muốn, lấy lý dù sao Khu-mật viện cũng do các đại thần phụ trách. Nếu để Khu-mật viện điều tra, không lẽ hoàng hậu, vương phi thân thể cao quý biết mấy, mà phải chịu chấp cung? Do thế nhà vua ban chỉ định rõ rằng Khu-mật viện có quyền trên khắp lãnh thổ, trừ trong nội cung. Chắc vì vậy mà cuộc chuẩn bị của Thượng-Dương thái hậu lâu ngày, lớn như thế mà cơ quan này không biết gì.



Âu Hoàng thấy Ỷ-Lan ngồi thừ người ra, nàng nói nhỏ:



– Theo ý thần, thì Thái-phi phải liên lạc với Quốc-mẫu, Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương, Đại tư mã Thường-Kiệt, Thái-úy Hoàng Kiện, vua bà Bắc-biên xem sao; lại sai người về mật kiến Hoàng-thượng... rồi hãy hành động.



Ỷ-Lan tỉnh ngộ, bà ngồi viết thư rồi nói với Thần-vũ ngũ Hùng:



– Nếu dùng biện pháp đem quân về Thăng-long thì quá dễ dàng. Nhưng tôi không muốn có cảnh chém giết lẫn nhau. Vậy phiền Nhân sư huynh đi Bắc-biên đem thư cho vua bà; Nghĩa sư huynh đem thư cho Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương; Lễ sư huynh mang thư cho đại tư mã Thường-Kiệt với công chúa Thiên-Ninh; Trí sư huynh mang thư cho phò mã Hoàng Kiện; Tín sư huynh mang thư cho Quốc-mẫu. Còn do thám Hoàng-thành xin nhờ Âu Hoàng sư tỷ.



Sáu người mang thư, lấy ngựa ra đi. Ngay chiều hôm ấy Hùng Tín trở về báo cho Ỷ-Lan biết: Quốc-mẫu cùng với Yên-vương phi Thiếu-Mai lên đường sang Xiêm từ trước tết Nguyên-đán vừa về. Quốc-mẫu tuyên chỉ rằng Thái-phi cứ bình tĩnh.



Tối hôm ấy, Hùng Trí trở về báo rằng Phò-mã Thái-úy Hoàng Kiện bị cách chức Thái-úy, Binh-bộ thượng thư; ông với công chúa Động-Thiên bị giam lỏng ở trong phủ tại bến Tiềm-long.



Hôm sau, Hùng Nhân trở về báo rằng: Vua bà Bắc-biên Thiên-Thành với phò mã Thân Cảnh-Long về Thăng-long chịu tang vua Thánh-tông đến nay không có tin tức gì.



Ruột Ỷ-Lan nóng như nước sôi, ngồi đứng không yên.



Ba hôm sau, Hùng Nghĩa trở về cho biết, Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương được chỉ dụ của Hoàng-thượng rằng trong nước có đại tang, hai vương không được rời nơi trấn nhậm, vì sợ Chiêm thừa cơ đem quân quấy rồi.



Như vậy chỉ còn thiếu tin tức của Âu Hoàng.



Mãi bốn hôm sau, Ỷ-Lan đang chờ tin tức thêm, thì có tin báo công chúa Thiên-Ninh với Âu Hoàng xin cầu kiến. Phi vội đứng lên, ra ngoài đón. Công chúa trong y-phục đại-tang hành lễ với phi. Ỷ-Lan nóng ruột hỏi:



– Tình hình triều đình ra sao?



Thiên-Ninh dùng ngôn ngữ bình dân nói với Ỷ-Lan:



– Triều-đình, anh Thường-Kiệt sai cháu thỉnh cô về Thăng-long ngay, bằng không thì e loạn to.



– Cô không thể về trong lúc này, e Thượng-Dương thái hậu hại cô mất. Nhưng loạn do đâu mà ra? Thiên-Ninh thuật chi tiết cho cô nghe đã.



– Loạn do nội chiến.



Thiên-Ninh tâu: Sư huynh Thường-Kiệt với cháu được tin phụ hoàng băng hà, vội trở về Thăng-long. Khi nhập thành, đã thấy thị-vệ, cung-nga, thái-giám gươm đao sáng ngời canh phòng tất cả các cung, các điện. Thái-hậu tuyên triệu sư huynh Thường-Kiệt vào cung bàn việc, rồi không thấy người ra. Còn cháu vào cung vấn an mẫu thân cháu (Mai quý phi), thì người cho biết người cùng Trần giai-phi (thân mẫu công chúa Thiên-Thành); Lý tuyên-phi (thân mẫu công chúa Động-Thiên) đều được tôn làm Thái-phi. Cả ba phải chầu hầu sớm hôm dâng cơm trước tử-quan phụ hoàng.



– Còn Càn-Đức?



– Em Càn-Đức được di sang ở cùng cung với Thái-hậu. Bất cứ Thái-hậu đi đâu, làm gì, cũng có Càn-Đức bên cạnh. Ai tâu điều gì, Càn-Đức cũng lắc đầu chỉ vào Thái hậu. Còn bách quan, thì đám chân tay Dương gia bị đuổi về hồi trước, nay được phục hồi chức tước. Tể-tướng Dương Đạo-Gia được phong chức Thái-sư, tước tới Đại-vương, quyền nhiếp chính. Tóm lại, các quan đều ngơ ngơ ngác ngác không biết phải làm gì, vì có tâu gì, bàn gì cũng bị bác. Mọi quyền hành nằm trong tay Dương gia.



– Cô rất quan tâm tới Thiên-Thành với Động-Thiên. Hai người đó hiện ở đâu?



Âu Hoàng tâu:



– Cả hai bị Thái-hậu truyền giam trong ngục với chồng. Nhưng đêm qua, Quốc-mẫu trở về, người sai thị-vệ tới ngục giải thoát bốn vị. Tại đây xẩy ra cuộc long tranh hổ đấu khủng khiếp. Sau ba vị đại sư Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo, xuất hiện, mới đánh bật chúng ra được.



Ỷ-Lan kinh hãi:



– Dương hậu có những cao thủ nào mà ghê vậy?



– Tất cả ma đầu Hồng-thiết giáo Chiêm đều hiện diện đó là Lê Phúc-Huynh, Vũ Chương-Hào, Phan Vũ-Tỉnh, Thâm Phúc-Dũng, Nguyễn Nhược-Điểu, Nguyễn-thị Bằng. Bản lĩnh Côi-sơn tam anh tuy cao, nhưng bọn chúng đông quá; lại nữa chúng dùng thị-vệ bao vây, mà ba vị không nỡ giết thị-vệ. Giữa lúc đó tiên nương Thiếu-Mai với chư đệ tử của sư thúc Viên-Chiếu thình lình xuất hiện. Hai nhóm cao thủ Sài-sơn, Đông-a phá gông, cởi trói cứu hai phò mã, hai công chúa ra.



Thiên-Ninh tâu:



– Thiên-Thành, Cảnh-Long bỏ về Bắc-biên triệu tập các biên cương đại thần tường trình mọi biến cố; Động-Thiên, Hoàng Kiện thì đi Đồn-sơn, chuẩn bị thủy-quân. Bốn người định làm lớn chuyện. Còn các cao thủ Đông-a thì rút về trang ấp Quốc-phụ. Thái hậu truyền thị-vệ vây kín dinh Quốc-phụ. Các cao thủ Đông-a định xông ra giết chúng, nhưng Quốc-mẫu không cho, người tuyên chỉ chờ Thái-phi về giải quyết.



Ỷ-Lan kinh hãi than:



– Nếu hai người đó đem quân về Thăng-long, e có nội chiến, như vậy thì tinh lực quốc-gia suy kiệt mất? Nếu cô có về chưa chắc đã khiến hai người ấy rút quân.



Đến đó Phương-Quỳnh vào trình cho Ỷ-Lan một ống tre:



– Tâu thái-phi, có biểu của công chúa Kim-Thành tâu trình.



Ỷ-Lan mở thư ra, trong thư công chúa Kim-Thành tường trình tình hình lộng quyền của Dương Thái hậu nào ứcc chế giam lỏng Thái-ninh hoàng đế, nào đem những tội phạm thời tiên đế cho phục chức, nào vô cớ bắt giam công chúa Thiên-Thành, Động-Thiên với phò mã Thân Cảnh-Long, Hoàng Kiện, nào ngăn cản không cho Ỷ-Lan thần phi; công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Ôn-Thuận, Côi-sơn, Vạn-hoa cùng các phò mã Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Thân Thiệu-Cực, Tôn Mạnh, Tôn Trọng về chịu tang. Công chúa xin thái-phi Ỷ-Lan đứng ra phất cờ, đem quân về Thăng-long cứu giá. Tất cả các phò mã, công chúa ở Bắc-biên đều dồn hết lực lượng tiến quân về Thăng-long.



Ỷ-Lan càng kinh hãi:



– Trước đây phụ-hoàng cháu thường nhắc đi, nhắc lại rằng: Làm vua Bắc-biên là vua bà Bình-Dương, nhưng ổn định lại là công chúa Kim-Thành, thực không sai. Nếu Kim-Thành kéo quân về, thì chỉ mình Quốc-mẫu là ngăn cản được mà thôi. Cô bất lực trước vụ này rồi. Nội chiến e khó tránh.



Thị-vệ lại dâng biểu của Hoàng-Nghi. Hoàng-Nghi tâu trình: Phò mã Hoàng Kiện, công chúa Động-Thiên đã trốn thoát, hai vị điều hạm đội Động-đình, Âu-Cơ, Thần-phù đang tiến về Thăng-long. Đám Long-biên ngũ-hùng, Tây-hồ thất kiệt, Lê Huy-Lực, Lê-Huy cũng hưởng ứng đem mười hai hiệu Thiên-tử binh, hiệu Trường-yên, hiệu Thiên-trường theo. Hiện binh mã đang vây Thăng-long, chờ chỉ dụ của Thái phi là đánh vào thành, giết hết bọn họ Dương.



Qua xúc cảm lúc đầu, giờ đây trước nguy cơ của đất nước, tính cương cường của Ỷ-Lan trở lại. Phi nắm lấy tay Thiên-Ninh:



– Được, cô phải về. Ví dù Thượng-Dương có giết cô, cô cùng đành cam, miễn sao cho xã tắc yên, Hoàng-thượng vô sự là được rồi.



Phi truyền chỉ cho Thần-vũ thập anh:



– Các sư huynh, sư tỷ! Chúng ta lên đường.



Vì tình hình khẩn trương, Ỷ-Lan không trang phục theo Phi-tần nữa, mà nai nịt võ-phục, lưng đeo bảo kiếm, cỡi ngựa. Đoàn người ngựa rồm rộ lên đường. Tới bến đò Bắc-ngạn, đã thấy hạm đội Động-đình, Thần-phù dàn ra dọc sông. Trên chiến hạm, thủy-thủ gươm giáo sáng ngời. Phương-Quỳnh đốt chiếc pháo thăng thiên, rồi vận nội lực tung lên trời. Chiếc pháo nổ đánh đùng một cái, toả ra hình bông lan mầu trắng. Lập tức, một soái hạm từ từ cập bến. Viên thủy thủ đứng trên mũi thuyền hỏi:



– Là binh đội nào?



Phương-Quỳnh đáp:



– Đoàn thị-vệ hộ tống Hoàng-thái phi.



Công-chúa Động-Thiên, tang-phục trắng, lưng đeo bảo kiếm từ trong khoang-thuyền bước ra hỏi:



– Hoàng-thái phi đâu?



Ỷ-Lan lên tiếng:



– Cô đây! Có cả Thiên-Ninh nữa.



Thuyền cập bến, Động-Thiên lên bờ hành lễ với Ỷ-Lan, rồi tường trình:



– Cháu chờ cô về! Nếu như Dương gia đầu hàng thì thôi, bằng không thì cháu cho lệnh đánh thành.



– Công-chúa bình tĩnh lại, cô về đây để dàn xếp việc này. Phiền công chúa cho thủy quân chở đoàn thị-vệ, cung-nga, thái-giám qua sông dùm cô. Phò mã đâu?



– Phò-mã đi trên hạm đội Âu-Cơ, chưa tới.



Thuyền vừa sang sông, thì đã thấy Hoàng-Nghi với hai hiệu Thiên-tử binh Quảng-vũ, đoàn cung-thủ Long-biên dàn ra chào đón bên phải. Bên trái là hai hiệu Vũ-thắng, đội Giao-long binh với Trần Di, Phương-Lý. Phía sau là đội binh hổ, báo, voi. Khí thế cực kỳ uy nghiêm. Phi chưa kịp hỏi han, thì Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt cùng vợ; Lê Huy, Thúy-Phượng, Lê Huy-Lực... đã tụ tập lại chào đón phi.



Hoàng-Nghi tâu:



– Mười hai hiệu Thiên-tử binh, hợp với hiệu binh Thiên-trường, Trường-yên chia nhau đóng ở năm cửa thành rồi. Chỉ còn chờ chỉ dụ của Phi là hành sự.



Ỷ-Lan hài lòng:



– Các em bình tĩnh. Chị về đây để tránh đổ máu.



Đến đó có tin báo:


Ông vẫy tay, năm chị em họ Âu mang mười cái túi, mở nút đổ ra. Bọn Triệu Tiết, Yên Đạt, Tu Kỷ, Lý Hiến kinh hoàng, vì toàn là đầu của bố, mẹ, vợ, con cùng thân thuộc nhà mình. Bốn người kinh hoảng vô cùng, vì họ chỉ mới xuất hiện đây thôi, mà sao bọn Mộc-tồn hoà thượng đã biết, mà cho người vượt biên sang Quảng-Đông giết thân thuộc họ? Thoáng một cái họ hiểu ngay: Vụ này hẳn do Côi-sơn tam-anh.



Lê Phúc-Huynh hét lên:



– Chúng ta hãy xông vào giết hai tên hòa thượng thối tha kia với ba tên phản phúc trả thù cho người thân.



Nhưng đến đó, trống thúc vang trời, quân reo dậy đất lẫn với tiếng voi kêu, hổ gầm, báo rống. Đám thị-vệ, cung nữ của Thượng-Dương thái hậu đang rút chạy tán loạn.



Dương thái hậu hỏi:



– Cái gì vậy?



Chúng báo:



– Không biết bằng cách nào, đám đệ tử của trường Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản ẩn trong lớp áo thị-vệ làm phản, mở cổng thành cho quân Phong-châu, Thượng-oai, Lạng-châu tràn vào. Xin Thái-hậu định liệu.



Không hổ là đại ma đầu, Lê Phúc-Huynh dàn thị vệ, cung nữ ra phòng thủ quanh cung Thượng-Dương, rồi y vẫy tay cho các tướng Tống và bọn ma đầu lui vào trong. Y nói với thái-hậu:



– Dù gì bọn phản loạn cũng được cầm đầu bởi các công chúa, phò-mã. Xin đại giá thái hậu cứ đứng trấn ngay cửa cung, bọn chúng gan bằng trời cũng không dám tràn vào.



Lý Thường-Kiệt, cùng phò mã Hoàng Kiện, phò-mã Thân Thiệu-Cực, công chúa Kim-Thành... chỉ huy quân các trấn, các động, Thiên-tử binh nhanh chóng kiểm soát hết các cung điện trong thành. Chỉ trong hơn giờ bao nhiêu quan lại, phe đảng của Dương gia bị bắt sạch.



Quả như lời Lê Phúc-Huynh, đám binh sĩ tiến đến cung Thượng-Dương, thấy Thái-hậu đeo kiếm trấn ngay cửa cùng với thị-vệ, cung-nga; chúng ngừng lại bao vây xa xa, chờ lệnh.



Thường-Kiệt ra lệnh:



– Việc dẹp giặc đã xong. Xin các vị cho quân rút ra đóng ngoài thành. Hai đô-thống Phạm Dật, Đinh Hoàng-Nghi duy trì hai hiệu Ngự-long, Quảng-vũ bao vây cung Thượng-Dương, tuyệt đối không được tấn công vào trong cung. Còn lại chư tướng xin đến điện Càn-nguyên chầu Hoàng-thượng.



Thành Thăng-long đang ồn ào, phút chốc lại yên tĩnh. Các quan tề tựu tại điện Càn-nguyên. Ban nhạc tấu bản Nguyên-thọ, rồi Thái-Ninh hoàng đế ngự ra ngồi trên ngai vàng. Bên phải là Quốc-mẫu Thanh-Mai, Hoàng-thái-phi Ỷ-Lan; các công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh, Ôn-thuận, Côi-sơn, Vạn-hoa, Thiên-Thành, Động-Thiên, Thiên-Ninh. Bên trái là Long-thành ẩn-sĩ, các phò mã Thân Thiệu-Cực, Lê Thuận-Tông, Hà Thiện-Lãm, Tôn Mạnh, Tôn Trọng, Thân Cảnh-Long, Hoàng Kiện. Các quan văn võ đứng làm hai hàng.



Thường-Kiệt là đại-tư-mã, nên ông đứng ra tâu:



– Tâu Quốc-mẫu, cuộc phản loạn của Dương gia, được Tống, Hồng-thiết giáo hỗ trợ... đã dẹp xong. Đúng theo chỉ dụ của Hoàng-thái phi, thì ngày mai các đạo quân mới khai chiến. Nhưng trong khi đám cung nga bắt Hoàng-thái-phi, Thần-vũ thập anh đi, chúng quên không bắt Phương-Quỳnh, với con tỳ nữ Nang-Trúc. Không biết bằng cách nào đó, Nang-Trúc không bị trúng độc, nó cứu tỉnh Phương-Quỳnh rồi cả hai trốn ra ngoài thành, yết kiến chư vị phò mã, công chúa; tấu trình tình hình phiến loạn cho các vị nghe. Vì vậy công chúa Kim-Thành quyết định cho đánh thành thực nhanh. Long-thành ẩn-sĩ Tôn Đản hợp với phò-mã Thân Thiệu-Cực, Hoàng Kiện, công chúa Kim-Thành, thiết kế sao cho ít đổ máu. Tôn ẩn sĩ mật ra hiệu cho đệ tử của người trà trộn trong đám thị-vệ bất thần mở cửa thành ra. Cho nên chư quân chia làm năm đạo tràn vào nhanh chóng, cứu giá kịp. Hiện bốn hiệu Ngự-long, Quảng-vũ, cùng đạo cung-thủ Long-biên, Giao-long, Hổ, Báo, Tượng, Sói, Hầu, Ưng đang vây kín bọn phản loạn trong cung Thượng-Dương.



Ông đưa mắt nhìn công-chúa Kim-Thành, rồi tâu tiếp:



– Hai đô-thống Phạm Dật, Đinh Hoàng-Nghi chỉ huy vây phủ cung Thượng-Dương vốn là đệ tử của Quốc-phụ, nhưng lại là em kết nghĩa của hoàng-thái phi. Mà giữa Thái-hậu với Thái-phi có chỗ tỵ hiềm. Thần lo rằng dù Dương thái hậu có làm gì chăng nữa, hai người ấy cũng không dám phản ứng. Ở đây chỉ Quốc-mẫu mới có dủ uy quyền với Thái-hậu, nhưng thân thể Quốc-mẫu không thể hạ cố trong việc giao chiến nhỏ bé này. Công chúa Kim-Thành có Thượng-phương bảo kiếm của đức Thái-tông, hy vọng Thái-hậu nể nang. Xin Quốc-mẫu cho công chúa tổng chỉ huy việc bao vây cung Thượng-Dương, vì thần sợ tướng Tống với ma đầu Hồng-thiết giáo được Thái-hậu che chở sẽ giải thoát cho Dương gia.



– Được!



Công-chúa Kim-Thành dạ một tiếng rồi rời khỏi điện.



Quốc-mẫu vẫy tay gọi Thường-Kiệt:



– Con hiện là Đại-tư-mã, con phải biết người một chút. Ta thấy trong quá khứ, Dương thái hậu có những điều tàn ác với con. Ác đến độ chưa một người đàn bà nào nỡ làm với tình quân, thế mà con không hề biết. Như vậy là bất minh. Còn như biết mà vẫn khư khư nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ, là bất mẫn. Bây giờ một lần nữa con không biết người.



– Xin Quốc-mẫu ban cho huấn dụ.



– Con cho đánh chiếm tất cả các cung, lý ra cung Thượng-Dương là nơi chứa chấp bọn cầm đầu phiến loạn, mà con chỉ cho bao vây là tại sao? Ta biết rồi! Con vì nhớ tình xưa nghĩa cũ hơn là nể cái danh Thái-hậu. Như vậy là để tình riêng lên quốc-sự.



Thường-Kiệt là sư điệt của Quốc-mẫu, lại là nghĩa tử của bà. Vì vậy, nghe Quốc-mẫu ban dụ, ông vội lột mũ ra quỳ gối rập đầu tạ tội.



Quốc-mẫu tiếp:



– Thôi tha cho! Tuy nhiên, nay thấy cái nguy cơ bọn phản loạn có thể thoát thân, con lại tâu xin cho công-chúa Kim-Thành tổng chỉ huy cuộc bao vây cung Thượng-Dương. Một lần nữa, con lại không biết xét người. Con phải nhớ rằng công chúa Kim-Thành, uyên thâm Nho-học, rất ghét kẻ bất trung, bất hiếu. Ngay khi vua Thánh-tông còn tại thế, mà công chúa còn định lấy đầu Dương Đạo-Gia trước sân rồng. Huống hồ nay tội Dương gia quá nặng. Ta sợ công chúa sẽ xua quân tràn ngập cung Thượng-Dương, tàn sát Dương gia mất.



Triều-đình nghe Khu-mật viện, các bộ binh, hình, tâu chi tiết về cuộc nổi loạn, cùng những thiệt hại về nhân mạng, về tài sản.



Cuộc tâu trình vừa dứt thì có tiếng voi rống, tiếng thú gầm, tiếng binh khí chạm nhau. Mọi người đều tỏ vẻ lo lắng. Phò-mã Thân Thiệu-Cực tâu:



– Dường như quân phiến loạn đánh ra, nên có cuộc giao tranh. Xin Quốc-mẫu định liệu.



– Chả phải giặc đánh ra đâu. Công-chúa Kim-Thành đánh vào đấy! Vậy Thường-Kiệt hãy tới cung Thượng-Dương để bảo toàn tính mệnh cho Dương thái hậu.



Thường-Kiệt tuân chỉ rời điện Càn-nguyên. Hơn khắc sau, tiếng trống, tiếng vũ khí chạm nhau dứt. Thường-Kiệt, Kim-Thành trở lại điện Càn-nguyên. Thường-Kiệt tâu:



– Dương gia xua võ sĩ, gia tướng, thị-vệ trong cung đánh ra. Công chúa Kim-Thành cho thú, cung thủ Long-biên, Tây-hồ với Thiên-tử binh đánh tràn vào cung Thượng-Dương. Sau khi chiếm cung, thì chỉ bắt được bẩy mươi sáu cung nữ thôi. Thái-sư Dương Đạo-Gia cùng gia thuộc trên ba trăm người, với hơn trăm thị-vệ chết hết. Còn ma đầu Hồng-thiết giáo với tướng Tống đã trốn mất. Dương thái-hậu thì vẫn được bảo vệ tại cung của người.



Triều đình đều biết rằng Thượng-Dương thái hậu phạm nhiều trọng tội. Trong đó chỉ cần hai tội mãi quốc, uy hiếp thiên-tử... cũng đủ tru di tam tộc. Nhưng Thường-Kiệt còn nhớ tình xưa, nghĩa cũ, nên không nỡ thẳng tay với bà.



Quốc-mẫu vỗ vai công-chúa Kim-Thành:



– Thường-Kiệt muốn tâu gì thì tâu, nhưng già này cũng biết rằng công chúa ra lệnh tấn công cung Thượng-Dương rồi đem toàn thể họ Dương, gia tướng, thị-vệ ra chặt đầu. Còn bọn Tống, Hồng-thiết giáo thì công chúa mở vòng vây cho chúng thoát thân. Có đúng không?



– Quả như Quốc-mẫu minh kiến.



Công chúa Kim-Thành tâu: Thần nghĩ, mình nên tha cho bọn Hồng-thiết, để chúng trở lại tranh dành ngôi vua với bọn Chiêm, hầu Nam phương được yên ổn. Còn bọn Tống, mình có bắt được, cũng chẳng thể giết chúng. Chi bằng tha cho chúng về, rồi Ưng-sơn sẽ treo án tử hình toàn gia chúng. Sau này bất cứ hành động nào, chúng cũng ớn Đại-Việt.



Quốc-mẫu đưa mắt nhìn Ỷ-Lan:



– Trước khi băng hà, Quốc-phụ có để lại một di chiếu trao cho già này, cùng Thái-phi và Đại-tư-mã, và dặn rằng: Sau này sẽ có biến cố lớn. Khi biến cố xẩy ra, thì cả ba cùng mở, để thi hành mật chỉ.



Triều thần cùng nhớ lại.



Quốc-mẫu trao ống bạc cho công chúa Thiên-Ninh:



– Con hãy tiếp hai ống của Hoàng-thái-phi, Đại-tư-mã rồi cùng mở ra xem.



Công chúa Thiên-Ninh tiếp ba ống bạc, rồi mượn thanh Thượng-phương bảo kiếm của công chúa Kim-Thành, vận sức tiện đôi ra. Bên trong có ba mảnh lụa hình dạng lệch lạc, viết đầy chữ. Nhưng đem ráp lại với nhau thì thành một một mảnh lớn. Triều đình cùng reo lên.



Quốc-mẫu ban chỉ:



– Con trao cho quan Văn-minh điện đại học sĩ Quách Sĩ-An đọc lên.



Quách Sĩ-An cầm mảnh lụa đọc:



« Quan thái-sư Dương Bình, Hoàng-Giang cư-sĩ và tiên-nương Thiếu-Mai là ba đại y-sư của Đại-Việt ta, đều mật tấu rằng sau này, khi Hoàng-thượng băng hà, thì sẽ băng hà bất thần. Như vậy e không có di chiếu dặn dò việc sau. Đã không có di chiếu ắt có biến. Đám nho thần nhất định tôn Dương hậu làm thái hậu, trao cho việc phù tá ấu quân. Biết rằng Dương hậu, họ Dương sẽ làm phản. Nên ta để lại mấy lời. Nhất thiết tân quân, Ỷ-Lan, Kiệt nhi, triều đình phải tuân theo.



Hoàng-hậu là mẫu nghi thiên hạ. Dù Thượng-Dương hoàng hậu có phạm tội gì, thì cũng không thể gia hình đích mẫu. Chỉ nên cô lập trong cung, phụng dưỡng đầy đủ lễ nghi, để nêu cao đạo hiếu.



Ỷ-Lan có hùng tài, lại quen việc triều chính, hãy dự mọi việc cạnh tân quân. Hoàng-thượng đã bàn với ta, để ta di chúc rằng khi hoàng-thượng băng hà, mà không có di chiếu nào khác, thì di chiếu này được coi như chính chức. Tân quân, triều-đình hãy tôn Ỷ-Lan làm Linh-Nhân hoàng thái hậu.



Đối với dư đảng họ Dương, thì xử theo tội, tùy nặng nhẹ, không cho hưởng Bát-nghị nữa.



Trước đây, Dương hậu có lỗi, đã đánh thuốc mê rồi tĩnh thân Kiệt nhi. Ta biết hết, nên giữ kín việc này, bắt Dương hậu chịu yên phận không được than thở vụ bị hoàng-thượng bỏ phế. Nhưng Kiệt nhi đã thề khi tìm ra thủ phạm sẽ giết ba họ để trả thù. Này Kiệt nhi, việc cũ đã mấy chục năm qua, nên quên đi là hơn.



Nghe đấy, nhớ đấy, làm theo ta ».



Đúng luật ra, thì Thái-Ninh hoàng đế phải ban chế tôn hoàng-thái-phi Ỷ-Lan làm Linh-Nhân hoàng thái hậu. Nhưng nay di chúc của Quốc-phụ viện ý của vua Thánh-tông, như vậy không cần chế nữa. Thái-Ninh hoàng đế cùng triều thần hướng Ỷ-Lan chúc mừng.



Còn Thường-Kiệt nghe di chiếu mà kinh hoàng. Suốt bao năm qua, ông không bao giờ nghi rằng người tình Dương Hồng-Hạc lại thiến mình, cho nên lúc nào ông cũng nghĩ tình xưa, mà bao che giúp đỡ cho bà với họ Dương. Mấy chục năm qua, hằng ngày, ông cùng thân hữu, đệ tử nghiến răng thề rằng nếu tìm ra hung thủ hại ông, thì phải giết ba họ nó cho hả giận. Bây giờ nảy ra hung thủ chính là người yêu của ông. Ông điếng người, nghiến răng, không nói ra lời.



Linh-Nhân hoàng-thái hậu hướng Quốc-mẫu Thanh-Mai:



– Tâu Quốc-mẫu, xin Quốc-mẫu ban chỉ về việc Dương gia.



Quốc-mẫu xua tay:



– Từ khi Quốc-phụ băng hà, mụ già này buông tay không lý gì đến chính sự, chỉ lo vân du trị bệnh cho dân. Vừa qua, Dương gia làm loạn, nên mụ già này phải can thiệp để cứu công-chúa Thiên-Thành, Động-Thiên với phò-mã Cảnh-Long, Hoàng Kiện. Về việc xử tội Dương gia để cho đình nghị thì hơn.



Linh-Nhân hoàng thái-hậu nói với Thường-Kiệt:



– Sư huynh! Dương gia phạm tội có chính phạm, tòng phạm, chứ không phải ai cũng mang trọng tội cả. Dương Đạo-Gia cùng gia tướng đã bị giết. Còn lại vợ-con, anh-em, gia thuốc có tới hàng vạn, tội trạng họ cho đến nay chưa rõ ngọn ngành, thì chưa thể kết tội. Tốt hơn hết, ta cứ coi như họ là nhân chứng để điều tra. Nghĩa là cho đến giờ phút này họ vẫn vô tội, ta chỉ nên giam lỏng họ trong phủ Dương thái-sư. Vậy sư huynh giao họ cho Hình-bộ xét xử.



Thường-Kiệt cung tay:



– Tuân chỉ thái-hậu.



– Trong cuộc binh biến vừa rồi, tất cả các quan văn võ có công chống giặc, sư huynh xét tâu thăng thưởng, để nêu cao gương trung nghĩa. Những người chẳng may bị giặc hại, phải phủ tuất cho cha mẹ, vợ con thực xứng đáng.



Đưa mắt nhìn Hoàng-Nghi, hậu nghĩ thầm:



– Cái gương Thiên-Cảm hoàng hậu được vua Thái-tông sủng ái, rồi đưa đến Dương gia lộng quyền bấy lâu thực là cái gương lớn cho hậu thế. Nay Nghi đệ là người trí lự vô cùng, nhưng Nghi đệ lại say mê Chang-Lan đến điên đảo thần hồn, ta không thể để Nghi đệ đắm chìm trong bể ái, đưa đến di hại cho Đại-Việt. Ta phải dấu Chang-Lan đi, đợi cho Nghi đệ cưới Phương-Quỳnh rồi mới cho gặp lại Chang-Lan, như vậy dù Chang-Lan cỏ làm gì hại cho đất nước, cũng không qua mắt được Phương-Quỳnh.



Nghĩ vậy, hậu hướng Hoàng-Nghi, tuyên chỉ:



– Này Nghi đệ, ta thấy con tỳ nữ Nang-Trúc của đệ thực là thông minh và trung thành. Vậy Nghi đệ cho thể giao cho ta được không? Có thể nói cuộc binh biến vừa rồi không đổ mấu là nhờ nó. Vậy ta phong nó làm trưởng toán cung cung nga cung Ỷ-Lan. Nghi đệ nghĩ sao?



– Xin tuân chỉ thái hậu.



Hậu nói với nhà vua:



– Đối với Thượng-Dương thái-hậu, hoàng-nhi vẫn phải tôn kính như xưa, hàng ngày phải thần-hôn định tỉnh cho đúng đạo hiếu.



Đô-thống Đinh Hoàng-Nghi quỳ bước ra sân rồng rập đầu tâu:



– Tâu thái-hậu, chữ hiếu là đạo lớn vô cùng. Nhưng khi Hoàng-thượng thần hôn định tỉnh, phải có cao thủ theo hộ giá, vì võ công Thái-hậu không thể coi thường được. Lại nữa trong cung của người lúc nào cũng tiềm ẩn những hành gia thuộc Hồng-thiết giáo.



– Được, Nghi đệ lo xa như vậy là phải. Hiện có Thần-vũ thập-anh là những đệ tử đắc ý của sư bá Mộc-tồn. Mười vị này nam thì khôi ngô, nữ thì sắc nước hương trời, mà đạo hạnh lại cao; vừa rồi mười vị đã lập công lớn trong vụ dẹp phản loạn. Ta tạm cử Hùng Nhân làm Tổng-lĩnh thị-vệ, kiêm Tổng-lĩnh ngự-lâm quân. Hùng Nghĩa làm phó. Hùng Lễ làm Tổng-lĩnh thị-vệ. Hùng Trí làm phó. Hùng-Tín làm Điện-tiền hiệu-úy. Còn Ngũ-Âu đều phong làm Lễ-nghi học-sĩ, đặt dưới quyễn lễ-nghi đại học sĩ Ngô Cẩm-Thi để dạy dỗ cung nga, thái giám. Như vậy, mỗi khi hoàng-nhi thần hôn định tỉnh, sẽ có một vị theo hộ giá.



Đại-đô đốc Lý Kế-Nguyên tâu:



– Trong cuộc làm loạn vừa qua, đám cung nữ cung Thượng-Dương đã sát hại một số quan chức, thái-giám, cung nữ. Thần xin Thái-hậu trao những cung nữ đó cho Hình-bộ xét xử, để thỏa vong linh người quá cố.



Ỷ-Lan nghĩ thầm:



– Nếu trao cho Hình-bộ xét xử thì mẹ ta, em ta sẽ bị phanh thây. Vậy ta hãy tránh né việc này thì hơn.



Nghĩ vậy hậu tuyên chỉ:



– Đám cung nga, thái giám, thị-vệ, sở dĩ làm phản là do Dương gia chủ xướng. Họ chỉ biết tuân chỉ Dương thái hậu. Nay ta không xét tội Thái hậu, thì cũng không thể kết tội họ.