Nam Quốc Sơn Hà
Chương 51 : Nghìn Năm Yên-dũng Khí Hạo Nhiên
Ngày đăng: 09:02 19/04/20
Tại chiến lũy Yên-dũng, Đại-Việt
Ngày 19 tháng giêng, mùa Xuân, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Lý Nhân-tông nước Đại-Việt; bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống (Đinh-Tỵ, DL.1077).
Sau cuộc đổ bộ ngày 19 tháng giêng, công chúa Động-Thiên, phò mã Hoàng Kiện, Qui-đức đại tướng quân Trần Di với phu nhân Phương-Lý tuẫn quốc. Toàn bộ hiệu Vũ-thắng hy sinh. Hai cặp vợ chồng Hùng Trí, Âu Lam; Hùng Tín, Âu Hồng tuân chỉ công chúa Động-Thiên phá vòng vây chạy về chiến lũy Yên-dũng báo hung tin cho Hoài-hóa thượng tướng quân Lý Đoan với phu nhân là Liên-hương Nhu-mẫn quận chúa Trần Ngọc-Liên vào buổi trưa ngày hôm đó.
Hầu kinh hãi, bàn với quận chúa và Lý Tứ, Mai-Tứ:
– Theo tin của tế tác gửi về, khi Quách Quỳ nghị kế, thì chỉ mặt Như-nguyệt là thực, còn hai mặt Phú-lương, Vạn-xuân là hư. Không ngờ giờ phút cuối cùng y đổi kế, lại nữa ta bị bất ngờ vì bọn thú binh hàng giặc, thành ra mặt Phú-lương ta bị thiệt hại nặng. Bây giờ Yên Đạt, Khúc Chẩn, đang đem đại binh vượt sông, chỉ nội ngày mai chúng sẽ đánh chiến lũy này. Vậy sư huynh, sư tỷ với phu nhân tính sao?
Lý Tứ bàn:
– Yên Đạt, Khúc Chẩn đã chiếm được chiến lũy Phú-lương, nhưng bị mất ba tướng Lôi Tự-Văn, Tống Đạo, Lữ Chân với hai hàng tướng Nùng Thịnh-Đức, Sầm Khánh-Tân. Tuy vậy tin mới nhất của Khu-mật viện cho biết bọn Trường-bạch song hùng với hơn trăm võ sĩ phái này hiện ở trong quân Tống. Về quân, vừa rồi chúng bị tổn thất năm vạn, nhưng vẫn còn ba vạn quân triều, năm vạn bảo binh, với sáu mươi chỉ huy tân-đằng-hải, cộng lại mười một vạn người. Chúng thừa sức tràn ngập chiến lũy này. Theo thuộc hạ nghĩ, mình phải gửi tấu chương về triều xin viện binh.
Hầu vội viết biểu gửi đi ngay.
Hơn giờ sau, chim ưng mang lệnh của Khu-mật viện, do nguyên soái Lý Thường-Kiệt ký báo cho biết:
«... Đã khẩn cho hai hiệu binh Thiên-trường, Trường-yên lên đường. Hãy cố cầm cự. Sẽ có kế phá giặc ».
Được thư, Lý Đoan họp chư tướng loan báo. Mai-Tứ đề nghị:
– Viện binh có lên đường ngay, thì ít ra cũng phải ba ngày nữa mới tới. Vậy ta phải cố thủ trong chiến lũy hơn là giao chiến. Hiện Yên Đạt, Khúc Chẩn đang lo chôn cất, băng bó cho thương binh. Bây giờ trời đã về chiều chắc y chưa thể đánh ta ngay hôm nay (19-1). Lợi dụng chúng không phòng bị, đêm nay ta dùng Lôi-tiễn, thú binh đánh y một trận phủ đầu. Có như vậy, trong hai ngày y chưa thể đánh ta được. Trong thời gian đó, thì viện binh đã tới rồi.
– Được ta cứ đợi.
Hầu quyết định: Nếu như tối y không đánh ta, thì đêm nay ta đánh y.
Hầu nói với phu nhân:
– Yên Đạt nghĩ rằng phía sau y, ta không còn quân. Y đem hết binh hùng tướng mạnh vượt sông. Giả như ta có một đạo binh nhỏ đánh vào hậu cứ y, thì có thể đốt hết lương thảo của y. Như vậy y phải ngừng tiến quân, để chiếm lại hậu cứ.
Phu nhân mừng vô hạn:
– Ta viết thư cho vua bà Thiên-Thành, để người làm việc đó. Chỉ cần nghìn cảm tử quân với một đội thú binh là đủ rồi.
Hầu ngồi viết thư rồi sai chim ưng mang đi liền.
Trời chập choạng tối, thì chim ưng mang thư của công chúa Thiên-Thành với phò mã Thân Cảnh-Long tới:
«... Ta được lệnh của Khu-mật viện, đem một đại lực lượng đánh chiếm hậu cứ Yên Đạt cùng một lúc với thư cầu cứu của đệ. Yên tâm, ta sẽ cho quân lên đường vào sáng mai (20-1); sẽ đánh cướp hậu cứ chúng vào chiều mai, hay sáng ngày kia (21-1) ».
Đến đó, tế tác vào báo:
– Thưa quân hầu, Tống cũng có Ưng-binh tuần thám, thành ra tế tác ta không biết rõ tình hình ra sao?
Lý Đoan nhảy lên than:
– Nguy thực, cũng may ta chưa xuất quân cướp trại chúng, bằng không Ưng-binh, Ngao-binh của chúng báo động thì nguy thay!
Hầu với phu nhân tập hợp tướng sĩ giảng giải cho họ biết rõ tình hình, rồi kết luận:
– Dù biết sáng mai, hay có thể vài ngày nữa Tống mới đánh ta. Nhưng ta vẫn phải canh phòng cho thực cẩn thận.
Hầu ra lệnh:
– Chiến lũy của ta có ba mặt Tây, Bắc và Đông tiếp giáp với ruộng lúa. Địch sẽ tấn công bằng ba mặt này. Cả ba mặt ta đều có lũy tre dầy tới hai trượng bao bọc, chúng không thể phá mà vào được. Vì vậy chúng sẽ cố đánh chiếm ba cổng lớn. Ta cần trấn ba cửa này cho chắc là được.
Hầu đưa mắt nhìn Hùng Tín, Âu Hồng:
– Sư huynh, sư tỷ trấn mặt Tây. Mặt này đồng sâu, bùn nhiều, hào lại sâu, rộng. Chắc chúng sẽ cố tấn công bằng con đường vào lũy mà thôi.
Hầu nói với Hùng Trí, Âu Lam:
– Mặt Đông có con đường rộng chạy vào chiến lũy, ắt chúng sẽ cố đánh mặt này. Sư huynh, sư tỷ phải lợi dụng Lôi-tiễn, nỏ thần mà cản chúng.
Hầu nói với phu nhân:
– Mặt Bắc thông với bên ngoài bằng cả bãi đất rộng, chắc chắn chúng sẽ dồn hết nỗ lực tấn công. Vậy em với sư tỷ Mai-Tứ trấn tại đây. Còn anh với sư huynh Lý Tứ trấn tại trung ương, tiếp viện các nơi.
Hầu ghé miệng vào tai vợ chồng Hùng Trí, Hùng Tín:
– Nghe nói sư bà Mộc-tồn học được thuật bắn liên châu của Cao Cảnh-hầu thời Âu-lạc, người dốc túi truyền cho Thần-vũ thập anh. Có đúng thế không?
Âu Hồng lắc đầu:
– Sư phụ có truyền cho mười chúng tôi thực, nhưng ngộ tính của tám chúng tôi quá tối tăm, nên chỉ bắn mỗi lần được hai mũi tên. Duy sư huynh Hùng Trí, Hùng Tín là học được trọn vẹn, có thể bắn một lúc từ hai tới tám mũi vào những vị trí khác nhau.
– Hay lắm.
Hầu khen: Vậy lát nữa hai sư huynh sẽ làm như thế, như thế. Biết đâu chẳng giết được Yên Đạt, Khúc Chẩn.
Hùng Trí cực kỳ cao hứng:
– Tuân lệnh tướng quân.
Đêm đó hoàn toàn yên tĩnh.
Sang ngày 20 tháng giêng cho đến giờ Thìn vẫn không thấy Tống tấn công. Tin tế tác báo cho hầu biết:
«...Yên Đạt, Khúc-Chẩn cho binh sĩ đẵn tre, bện cỏ làm lá chắn, loại lá chắn lớn đến tám người khiêng. Chúng dùng lá chắn kết thành xe, rồi cho trâu đi phía sau lá chắn đẩy xe. Quân thiết đột nấp sau xe mà tiến lên... »
Hầu nhảy phắt lên:
– Cái thằng Yên Đạt này khôn thực. Chúng biết rằng ta có nỏ thần lợi hại, chúng làm lá chắn để che phủ cho quân tiến lên. Như vậy ta chỉ có thể đánh cận chiến với chúng mà thôi.
Chợt nghĩ ra một kế, hầu nói với quận chúa:
– Từ đây về Siêu-loại không xa. Em mau lấy ngựa về làng bảo lý trưởng rằng có lệnh của anh, tập họp tất cả nam nữ mục đồng (trẻ chăn trâu) tuổi từ mười hai trở lên, tuyển lấy ba chục người, rồi đem đến đây. Nhớ dặn chúng mang theo ống sáo, tù và.
Quận chúa Trần Ngọc-Liên không biết chồng tuyển mục đồng làm gì, nhưng thấy dáng điệu vội vã khẩn cấp của hầu, bà không dám hỏi lại. Quận chúa tuyển năm nữ binh theo hầu, rồi lấy ngựa lên đường.
Đến giờ Mùi, hầu đang ngồi bàn luận với chư tướng, thì có tiếng trống ngũ liên báo động vọng vào. Hầu cùng chư tướng vội ra vị trí chiến đấu. Hướng mắt quan sát ba mặt Tây, Bắc, Đông, bất giác hầu nổi da gà lên: Quân Tống dàn trận thành ba lớp đang từ từ tiến sau một bức thành kết bằng lá chắn để trên các xe do trâu đẩy.
Lý Đoan chỉ vào hai người đứng trên mình trâu phía sau đội hình quân Tống, nói với Lý Tứ:
– Sư huynh nhìn xem kìa. Tên cỡi trâu bên trái là Yên Đạt, tên cỡi trâu bên phải là Khúc Chẩn. Hôm nay chúng ta phải một mất một còn với chúng đấy.
Lý Tứ hỏi Lý Đoan:
– Tướng quân! Tại sao quân của Yên Đạt tới mười một vạn, mà thuộc hạ thấy dường như chúng chỉ dùng chưa tới ba vạn tấn công ta?
– Sư huynh nên biết Yên Đạt là một tướng cầm quân kinh nghiệm. Sau trận Phú-lương, chỉ một hiệu Thiên-tử binh của ta, mà y phải hy sinh tới năm vạn người. Vì vậy lần này y tính toán cẩn thận. Với ba lớp quân thế kia, nếu đánh thực sự thì chỉ phá được hai lớp rào là đã chết hết rồi. Đây chắc là y thử hệ thống phóng thủ của ta đấy.
Hầu ra lệnh:
– Tuyệt đối không dùng Lôi-tiễn bắn vào đội hình lá chắn. Đợi chúng tới gần, rời bỏ lá chắn sẽ có biện pháp đánh chúng. Cần kiên nhẫn, không nên xuất hiện.
Quân Tống vẫn từ từ tiến theo sau đội hình xe trâu đẩy lá chắn. Trong chiến lũy im lặng, không một tiếng người, một tiếng thú. Trên trời đoàn Thần-ưng bay lượn thực đẹp, trong tư thế chờ đợi đánh xuống.
Bên ngoài, Yên Đạt nói với Khúc Chẩn:
– Vợ chồng thằng Lý Đoan chết hết rồi hay sao mà trong chiến lũy không một tiếng động, không một bóng người. Cả cờ xí cũng không?
Khúc Chẩn tỏ vẻ ngần ngại:
– Tôi nghe nói, trong Giao-chỉ ngũ kiêu, thì tên Đinh Hoàng-Nghi lắm mưu nhiều mẹo nhất. Tên Lý Đoan dùng binh hay nhất. Ta phải cẩn thận mới được.
– Tôi không sợ nó. Bởi nó chỉ có một hiệu binh, trong khi ta còn tới mười một vạn người ngựa.
Quân Tống vẫn tiến từ từ. Còn năm mươi trượng, rồi ba mươi, rồi hai mươi trượng. Trong chiến lũy vẫn im lìm. Từ đâu đó có tiếng kèn âm ỷ như tiếng ma quỷ gọi hồn vọng lại.
Khúc Chẩn càng lo lắng:
– Chẳng lẽ Lý Đoan dùng kế không thành? Y chưa phản ứng gì cả!
Trong chiến lũy vẫn im lìm.
Khúc Chẩn đánh ba tiếng lệnh. Quân Tống cùng hô lên một tiếng rồi tung mình ra khỏi lá chắn nhào xuống hào, xung phong. Nhưng hào sâu, lại đầy chông, lớp đầu tiên xuống hào dẵm phải chông kêu thét lên; lớp thứ hai cũng đã rời lá chắn, xung phong; lớp thứ ba vừa rời lá chắn. Cả ba đội hình quân Tống đồng reo hò tiến lên.
Trong chiến lũy vẫn im lìm.
Đến lượt Yên Đạt phập phồng lo sợ:
– Hay chúng bỏ chạy hết rồi? Không lẽ. Bọn Thiên-tử binh chỉ biết chết mà không biết lui kia mà?
Lớp đầu của quân Tống dẵm phải chông đã được lớp thứ ba lôi lên khỏi hào. Tiếng rên, tiếng la, tiếng gọi nhau ơi ới ngoài chiến lũy. Mà... trong chiến lũy vẫn im lìm.
Khúc Chẩn chửi tục:
– Tổ bà nó! Giả như trong chiến lũy không có quân Việt, mà quân mình bị thương đến mấy nghìn thế kia thì tức đến chết đi được!
Hoài-hóa thượng tướng quân Lý Đoan đứng trên một đài cao, hầu mở to mắt quan sát rất kỹ tình hình quân Tống, trên tay hầu cầm năm lá cờ năm mầu để ra lệnh. Cạnh hầu là đô thống Lý Tứ ứng trực trợ giúp. Vì chưa quen chiến trận, Lý Tứ thấy quân Tống lớp thì bị chông đang được đồng đội cấp cứu, lớp thì đang vượt hào, lớp thì bắt đầu chặt rào; thế mà Lý Đoan vẫn chưa phát lệnh phản công, khiến ông chịu không được, miệng nghiến răng ken két, tay bật lên như muốn phát chiêu. Nhưng vì giữa tình thế cực kỳ căng thẳng này, Lý Tứ không dám lên tiếng.
Lý Đoan chỉ cho Lý Tứ:
– Sư huynh xem kìa, chúng dùng toàn bảo binh với tân đằng hải. Chắc đây chỉ là cuộc tấn công thám thính. Đã vậy ta cũng không cần tiếp chiến. Ta để cho chông với đội Thần-long (rắn lục) làm thịt đám binh này là được rồi.
Hầu gọi quân chấp pháp tới ra lệnh:
– Truyền cho các đội Thần-long dàn rắn chuẩn bị cho rắn nằm sẵn trên các cành tre, cùng bờ ngoài lũy tre chờ lệnh.
Quân chấp pháp đi liền.
Ba lớp quân Tống lội lõm bõm hơn hai khắc (30 phút) mới đem hết thương binh ra ngoài. Số còn lại đã vượt qua hào, đang dùng đao chặt lũy tre.
Lý Đoan cầm cờ đen phất lên ba lần. Lập tức nỏ binh châm lửa, bắn lên trời ba trái Lôi-tiễn. Lôi-tiễn xé không gian vọt tới mây rồi phát nổ. Ba trái cầu lửa tỏa ra như ba cái nấm khổng lồ. Đó là lệnh cho Thần-long phản công. Nhưng cờ xí, chiến lũy vẫn chưa thấy dựng lên.
Quân Tống đang chặt lũy, thì từ trên những cành tre, trên những ngọn tre, trong những bụi tre, không biết bao nhiêu rắn rơi xuống đầu, cổ, mặt, chân tay. Những con rắn lục nhỏ như cái đũa rất nhanh nhẹn, sau khi đợp người này, lại phóng sang đợp người khác. Quân Tống vội buông đao bắt rắn, phủi rắn khỏi người, nhưng không ai bắt được con nào cả.
Yên Đạt, Khúc Chẩn thấy quân mình đang phá chiến lũy thình lình bỏ đao nhảy nhót, la hét, phủi phủi, đập đập... thì kinh ngạc không biết cái gì đã xẩy ra. Hai người thúc trâu tiến vào sát bờ hào hỏi:
– Cái gì vậy?
Nhị-hùng biết rằng đây là điều kiện vua bà đưa ra. Nếu hai người chấp thuận thì sẽ được Thiệu-Thái giải độc cho. Bằng không thì mỗi ngày lên cơn một lần, sau 49 ngày thì chết. Nhất-hùng đưa mắt nhìn em, rồi cung tay:
– Đa tạ giáo chủ, đa tạ vua Bà.
Thiệu-Thái móc trong túi ra hai viên thuốc trao cho song hùng:
– Đây là hai viên thuốc tạm giải cái độc cho nhị vị. Tôi xin cử người đưa nhị vị về Thiên-trường. Khi tới Thiên-trường, Kinh-Nam vương sẽ dùng thần công trị vĩnh viễn độc tố cho nhị vị.
Vua Bà hướng vào trận của đám đệ tử Mê-linh, Trường-bạch hô lớn:
– Ngừng tay!
Đám đệ tử Mê-linh, Trường-bạch cũng lùi lại phía sau.
Vua Bà chỉ tay vào Trường-bạch song hùng:
– Chúng ta ngừng tay thôi. Nhị vị tiên sinh đây nhận lời mời của Kinh-Nam vương về chơi Thiên-trường. Mà Kinh-Nam vương là sư đệ của ta. Thì ra chúng ta là người nhà cả. Đại-Việt có câu tục ngữ: Đánh nhau vỡ đầu rồi mới nhận họ. Hai phái Trường-bạch với Mê-linh bây giờ là bạn. Chúng ta thân thiện với nhau đi.
Thiệu-Thái cử năm đệ tử Tây-vu dẫn Trường-bạch song hùng với chư đệ tử hướng về phía Nam mà đi.
Trong khi vua Bà với Trường-bạch song hùng đối đáp, thì trận chiến vẫn diễn ra cực kỳ khốc liệt. Cả hai bên đều thiệt hại lớn lao: Kìa khu quân Tống vây đội sói, đội sói chỉ còn đâu mươi con, đang chiến đấu tuyệt vọng. Cạnh đó xác quân Tống ngổn ngang, thương binh đang rên la. Kìa, khu quân Tống vây đội hổ, đội hổ còn hơn hai chục con đang quay lưng lại với đội báo chống nhau với quân Tống. Khu này quân Tống chết quá nhiều, xác chết trải la liệt trên một bãi rộng. Nhưng khu voi với trâu thì quân Tống chưa làm chủ được. Trâu tuy không hung dữ, thiện chiến như voi, nhưng nhờ bọn Hổ-đói, Báo-mập, Gấu-lùn là những đứa trẻ điếc không sợ sấm, khi thì leo lên cây chỉ huy, khi thì bám hai tay vào hông trâu, mà ẩn thân dưới bụng trâu, thành ra quân Tống không hạ được một đứa nào cả. Khu này quân Việt Việt đang thắng thế.
Quân Tống quá đông, ào ạt vào trong chiến lũy, tràn ngập khắp nơi, chúng phóng hỏa đốt doanh trại, nhà cửa. Cả một vùng. lửa bốc cháy, khói đen ngập bầu trời trong tiếng thú gầm, tiếng trâu rống, tiếng trống thúc, tiếng lệnh kêu đến độ không ai có thể nghe được tiếng người bên cạnh nữa.
Quân Việt chiến đấu trong tuyệt vọng.
Bỗng quân Tống ở phía ngoài chiến lũy la hoảng lên, làm Yên Đạt phải quay lại nhìn. Bất giác y nổi gai ốc: Kị binh Đại-Việt xuất hiện thế như thác đổ, dàn thành một tuyến dài đánh từ Tây sang Đông, cắt đứt trận tuyến phía ngoài chiến lũy của Tống. Quân Tống chưa kịp phản ứng, thì kị binh lại từ Đông đánh quặt về Tây. Thế là quân Tống bị cắt làm ba đoạn, một đoạn trong chiến lũy, một đoạn bị đánh tan, và một đoạn về phía Phú-lương. Hiệu binh Thiên-trường đang đuổi theo cánh quân này. Yên Đạt nghiến răng tức giận:
– Tổ bà nó, cả hiệu Thiên-trường chưa quá vạn người, trong khi bên mình có tới ba vạn mà bỏ chạy như vịt thế kia thì nhục thực!
Nhưng Yên Đạt quên rằng trong ba vạn quân bỏ chạy đó, thì đa số thuộc các chỉ huy tân đằng hải từng tham chiến cuộc tấn công dò dẩm, cuộc đốt chiến lũy. Trong mỗi chỉ huy năm trăm người, phân nữa chết, một phần bị thương, nên nay chúng thấy quân mình bị cắt làm ba bởi đội kị binh mạnh như hùm như hổ, thì ba hồn bẩy vía thăng thiên, chúng bỏ chạy lấy thân.
Đúng theo binh pháp của Tống, khi bị đánh khúc giữa thì khúc đầu ở trong chiến lũy với khúc sau phải đánh kẹp lại, bao vây kị binh lại. Khốn nhưng quân Tống trong chiến lũy đang phải đối đầu với hai hiệu binh, trong đó hiệu Bổng-nhật cực kỳ thiện chiến tinh nhuệ. Còn khúc sau, thì lại hè nhau bỏ chạy về phía Phú-lương mất.
Kị binh Việt bỏ không đuổi khúc sau, mà đổi thế trận đánh bịt hậu tiền quân đang ở trong chiến lũy. Quân Tống kinh hoàng, hàng ngũ rối loạn, nhưng Yên Đạt là tướng tài. Y chia quân làm hai quay lưng lại với nhau mà chiến đấu trong tuyệt vọng. Y ra lệnh cho các tướng:
– Dù gì, ta cũng đông gấp ba chúng. Ta chỉ dơ tay là chiếm được chiến lũy. Tiến lên!
Trận chiến vẫn tiếp tục diễn ra.
Vua bà Bình-Dương nghĩ rất nhanh:
– Nếu để hai bên chém giết nhau, mình có diệt hết được mấy vạn quân Tống này thì cũng phải hy sinh cả vạn quân. Chi bằng ta tha cho chúng về Bắc ngạn Phú-lương, rồi trấn ở Nam ngạn. Với số binh tướng còn lại, Yên Đạt không thể vượt sông được nữa.
Bà ra lệnh đánh chiêng thu quân. Quân sĩ hai bên cùng ngừng chiến rồi lùi lại. Vua Bà thủng thẳng tiến lên xá Yên Đạt một xá:
– Yên tướng quân vẫn mạnh giỏi a! Nghĩ lại cuộc đời thực ngắn ngủi. Mới hôm nào chúng ta gặp nhau ở Biện-kinh, thế mà thoáng một cái đã mấy chục năm.
Lòng Yên Đạt rối như tơ vò:
– Giữa chúng ta là tướng của hai đội quân thù nghịch nhau, ý vua Bà muốn gì đây?
Vua Bà mỉm cười, ngài vận nội lực nói lớn:
– Tướng quân là một anh tài tinh hoa của Tống. Chư quân đều là những người có lòng son với xã tắc. Nhưng, tất cả bị đem sang xứ muỗi độc, nước độc này chỉ vì cái tham vọng điên rồ của Vương An-Thạch. Bàn cho thực phải, với Tân-pháp của y, nếu cứ thong thả thi hành, thì chỉ năm năm nữa nước sẽ giầu, binh sẽ mạnh vô cùng. Tống thiên tử chỉ việc ngồi trùm Hoa-hạ, ban phúc, ban lộc cho dân, thì giang sơn Đại-Tống trở thành giang sơn Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Các nước nhỏ như Đại-Việt phải khuất thân quy phục. Thế mà vì ngu tối, y xúi Hy-Ninh đế đem trăm vạn hùng binh sang đây. Nay trăm vạn không còn quá hai chục vạn, mà chư vị vẫn chỉ luẩn quẩn ở giải sông Cầu này. Nói đâu xa, tướng quân có mười lăm vạn binh, vượt sông xong mất bốn vạn, mà Đại-Việt chỉ mất có một vạn.
Bà chỉ vào Lý Đoan, Ngọc-Liên:
– Với cái chiến lũy nhỏ bé này, mà sau hai trận thăm dò, đốt chiến lũy; bên Đại-Việt không một người chết, chẳng ai bị thương mà tướng quân phải hy sinh đến hai vạn quân. Tướng quân sai Khúc Chẩn mang hai vạn binh triều về tái chiếm hậu cứ Phú-lương. Y bị con với dâu ta là Thiên-Thành, Cảnh-Long đánh tan. Bây giờ phía ngoài, trên vạn bị kị binh giết, ba vạn bỏ chạy về Phú-lương. Trong chiến lũy có ba vạn, nhưng chết hơn vạn rồi, phía sau bị kị binh đánh, phía trước bị hiệu Bổng-nhật, Trường-yên cản. Trường-bạch song hùng với chư đệ tử bỏ đi. Tướng quân nghĩ xem, liệu tướng quân có thể tiến về Thăng-long không? Huống hồ...
Vua Bà vẫy tay một cái, nỏ binh bắn lên trời một Lôi-tiễn. Lập tức xa xa tiếng trống thúc rộn ràng, tiếng trâu rống, tiếng quân reo vang dội. Bà mỉm cười:
– Tôi đã điều thêm hai hiệu binh Thanh-hóa, Nghệ-an về tiếp viện.
Bà ngừng lại cho Yên Đạt suy nghĩ:
– Tướng quân nổi tiếng là người thương yêu binh sĩ. Đằng nào thì cái mộng đánh Thăng-long của tướng quân cũng hóa ra hư ảo rồi. Tiến lên chỉ làm cho binh tướng chết vô ích mà thôi. Vậy tốt hơn hết là bảo vệ lấy chủ lực. Vậy nếu tướng quân muốn, tôi sẽ mở vòng vây cho tướng quân, để tướng quân rút về Phú-lương an toàn. Không biết tướng quân nghĩ sao?
– Thế còn quân của Thân Cảnh-Long chặn đường về Tống?
Yên Đạt đặt vấn đề: Liệu vua Bà có hứa rằng mở vòng vây, cung cấp lương thảo cho chúng tôi trên đường rút quân không?
– Tôi hứa!
Vua Bà vẫy tay, một nữ binh chạy lại gần, ngài trao cho nữ binh này một binh phù:
– Người đem ra ngoài trao cho Vũ-kị đại tướng quân nói rằng có lệnh của ta, mở đường cho quân Thiên-triều lui về.
Yên Đạt nghe vua bà Bình-Dương nói mà muốn nổi đóa. Bởi bà sai mở đường cho y rút quân, thì rõ ràng y bị thua, bị nhục rồi, mà bà lại dùng chữ « Quân Thiên-triều » thì là điều diễu cợt. Nhưng y phải nuốt giận.
Nữ binh cầm binh phù hiên ngang đi qua trận của quân « Thiên-triều », ra ngoài chiến lũy trao cho Hà Mai-Việt. Lập tức kị binh lùi lại dàn thành hàng dài thăm thẳm dọc con đường đi Phú-lương. Yên Đạt phất tay. Quân Tống vác xác đồng đội, vác thương binh, từ từ rời khỏi chiến lũy. Còn y, tay y cầm kiếm cùng đội thân binh đứng cản hậu.
Trong khi quân Tống rời khỏi chiến lũy, thì hai hiệu Bổng-nhật, Trường-yên cũng tập trung lại. Lý Đoan nói với tướng chỉ huy hiệu Trường-yên:
– Bọn Tống xảo quyệt không chừng, tôi phải đem hiệu Bổng-nhật chiếm lại chiến lũy Phú-lương, củng cố lại hệ thống phòng thủ. Vậy huynh trấn tại đây thay tôi.
Hầu phất cờ ra lệnh. Sau trận chiến, hiệu Bổng-nhật tuy có bị tổn thất, nhưng đây là đạo quân tinh nhuệ, thiện chiến bậc nhất, nên tinh thần vẫn hùng tráng. Duy các đội thú binh thì gần như tan rã hết. Mặc dù có kị binh dàn hai bên đường, hiệu Thiên-trường dàn ra ba khu đất trống; nhưng hầu ra lệnh cho hiệu Bổng-nhật đi sau đội trâu dàn trận bám sát quân Tống. Đội của Báo-mập đi bên trái với sư một, đoàn này đo Hùng Trí, Âu Lam chỉ huy. Đội của Gấu-lùn đi bên phải với sư hai, đoàn này do Hùng Tín, Âu Hồng chỉ huy. Đội của Hổ-đói đi trên đường với sư ba, đoàn này do quận chúa Ngọc-Liên chỉ huy. Vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái cùng các cao thủ phái Mê-linh theo sau đoàn này.
Lý Đoan hỏi vua bà Bình-Dương:
– Tấu điện hạ. Ban nãy điện hạ nói với Yên Đạt rằng ta có hai hiệu Thanh-hóa, Nghệ-an tiếp viện. Vậy hai hiệu đó đâu?
Vua Bà nói nhỏ vào tai hầu:
– Làm gì mà điều được hai hiệu đó đến đây mau thế? Trước khi đến đây, ta ban lệnh cho các xã tụ tập hoàng nam, trâu bò, trống chiêng lại; đợi khi có lệnh thì cho hoàng nam reo, trống chiêng thúc, rúc tù và cho trâu bò rống để làm kế hư binh.
Khoảng hơn nửa giờ thì tên quân Tống cuối cùng đã vượt phù kiều sang Bắc ngạn Phú-lương. Yên Đạt sợ quân Việt đuổi theo, y sai cắt phù kiều. Trong khi hiệu Bổng-nhật dàn ra đóng dọc chiến lũy thì vua Bà truyền hiệu Thiên-trường vào các làng cùng với hoàng nam, hoàng nữ đẵn tre củng cố lại các hàng rào.
Chợt Vũ-kị đại tướng quân la lớn:
– Đoan đệ, Liên muội, sao rồi?
Lý Đoan, Ngọc-Liên đang nằm gục trên lưng voi. Ông tung mình lên bành voi Lý Đoan đỡ hầu đem xuống. Trong khi vua bà Bình-Dương đỡ Ngọc-Liên. Máu trong miệng hai người chảy dài trên môi, trên cổ. Cả hai người chỉ còn thoi thóp thở.
Phò mã Thân Thiệu-Thái nắm ấy tay Lý Đoan, vua bà Bình-Dương nắm lấy tay Ngọc-Liên. Cả hai dồn chân khí ra để trị thương.
Hà Mai-Việt với Long-biên ngũ hùng thân với nhau như chân tay, ông hỏi viên tướng cận vệ của Lý Đoan:
– Quân hầu với quận chúa bị thương lúc nào vậy?
– Quận chúa bị Trường-bạch song hùng đánh trúng một chưởng bay tung đi đến hơn hai trượng. Nữ binh cứu được đem vào chiến lũy để dưỡng thương. Nhưng nằm nghe tiếng trống thúc, tiếng quân reo, quận chúa lấy khăn lau máu trên người, rồi gượng lên voi chỉ huy quân chống với giặc. Còn quân hầu thì bị trúng một Huyền-âm chưởng, nhưng may nhờ có hai con trâu đứng trước, nên chỉ bị nội thương nặng. Hầu giả vớ như không bị thương, gượng lên mình trâu điều quân.
Một lát sau, Lý Đoan tỉnh dậy trước, hầu ọe một tiếng, mửa ra hai bụm máu rồi hỏi trong cơn mơ mơ tỉnh tỉnh:
– Hà đại ca! Ngọc-Liên đâu rồi?
Quận chúa thở phều phào:
– Em đây. Anh có sao không?
– Anh hỏng mất rồi! Tạng phủ nát hết thì sống sao được? Còn em, em ra sao?
– Đau đớn khắp người, sức lực mất hết.
Hầu gượng ngồi dậy, rút trong bọc ra một tấm lụa, đó là tờ biểu hầu cùng quận chúa viết để dâng lên Linh-Nhân hoàng thái hậu, nhưng chưa kịp gửi đi. Bây giờ trong lúc âm dương cách trở, hầu trao mảnh lụa cho Hà Mai-Việt:
– Đại ca! Hai đứa chúng em đã cầm chắc cái chết trong tay, nên viết tờ biểu này dâng lên Thái-hậu. Vậy khi chúng em chết rồi, đại ca sai người đem về triều và tâu thêm rằng:
« Đứa em bất nghĩa, giữa đường nằm xuống, không tiếp tục cùng người chị bảo vệ đất nước. Mong được chị tha thứ cho ».
Vua bà Bình-Dương, phò mã Thân Thiệu-Thái muốn nói mấy câu, nhưng hai vị đang dồn hết chân khí để giữ tính mệnh vợ chồng Lý Đoan, nên không thể mở miệng. Vì mở miệng ra, chân khí yếu đi, e tính mệnh hai người lâm nguy.
Hầu quơ tay nắm lấy vai quận chúa:
– Ngọc-Liên, trong tám năm chúng mình làm vợ chồng, tâm đầu, ý hiệp. Chưa bao giờ chúng mình nhăn mặt, nói nặng với nhau một câu.
– Nhưng tiếc quá!
– Em tiếc gì? Mình đã có với nhau hai mặt con, như vậy không đủ ư?
– Anh có nhớ không? Chúng mình thường mơ rằng sau khi hết giặc, chúng mình xin Thái-hậu cho phép, rồi ruổi ngựa đi thăm tất cả thắng cảnh của đất nước. Ngồi trên núi, bên suối, ven sông, em sẽ hát cho anh nghe.
Nói rồi quận chúa cất tếng hát. Đó là bài hát của vùng Kinh-Bắc mà quận chúa mới học được. Lúc đầu tiếng hát rất cao, rất trong, nhưng được ba câu thì tiếng hát rời rạc, rồi từ từ im hẳn. Hầu kinh hoảng gọi lớn:
– Ngọc-Liên! Em ra sao?
Hẫu gượng ngồi dậy nghiến răng bế bổng quận chúa vào lòng rồi nói trong hơi thở:
– Sống chúng ta... yêu nhau..., giữ nước... như chim liền cánh. Chết chúng ta chết bên...
Chữ « nhau » chưa ra khỏi miệng thì hầu ngã xuống.
Đám trẻ mục đồng hét lên:
– Quân hầu! Quân hầu là anh bọn em. Chị Ngọc-Liên, chị là tiên nữ, chị không thể chết được!
Bọn trẻ khóc rống lên thảm thiết. Để cho chúng khóc một lúc vơi nước mắt rồi, vua bà Bình-Dương an ủi chúng:
– Anh, chị của các con không chết đâu!
– Tâu bà, rõ ràng anh chị ấy chết rồi đây này!
– Anh chị ấy xuất hồn rời khỏi xác, rồi về với vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng. Các con không nên khóc. Khóc là hèn nhát, không phải con cháu thánh Gióng, vua Đinh.
Bọn trẻ nín khóc liền.
Ghi chú,
Hoài-hóa thượng tướng quân Trực-tâm hầu Lý Đoan tuẫn quốc năm 26 tuổi. Thiên-y, Đại-từ, Liên-hoa nhu mẫn quận chúa Trần Ngọc-Liên tuẫn quốc năm 25 tuổi. Sau khi hết giặc, triều đình nghị công truy phong cho ngài chức tước như sau: Thiên-y, Ưu-dũng, Chí-nhân đại vương. Quận chúa được phong Nam-thiên, Liên-hoa, Đoan-nhu công chúa. Truyền lập đền thờ. Trải qua 918 năm, đến nay (1095) đền thờ của ngài vẫn còn tại làng Cẩm-chàng, xã Bồng-lai, huyện Quế-võ, tỉnh Hà-Bắc. Độc giả muốn thâm cứu thêm về cuộc đời anh hùng của ngài, xin xem bài tựa NQSH quyển 1, phần 7.1.4.