Nam Quốc Sơn Hà

Chương 6 : Tây-hồ Thất Kiệt

Ngày đăng: 09:01 19/04/20


Minh-Ðệ được trao cho một nữ quan của Khu-mật-viện thẩm cung. Nàng thường nghe nói rằng Khu-mật-viện là cơ quan an-ninh tối cao của Ðại-Việt. Rằng những người làm việc tại đó đều là những người văn mô, vũ lược được tuyển chọn cực kỳ khó khăn. Rằng chính cơ quan này, đã làm cho Chiêm-thành kinh hãi, làm cho Tống bó tay không dám nhòm ngó xuống phương Nam. Rằng những quan chức làm tại đây quyền hành bao la, có thể bác bỏ những quyết định của bộ Binh, Hình, Lại, có quyền xử tử tội nhân mà không cần tâu lên Hoàng-đế. Vì vậy khi được giải về đây, nàng tự biết sẽ bị tra tấn, bị hành hạ ghê gớm hơn ở lộ Kinh-Bắc; những quan tại đây tất nhiên bang bạnh, dữ dằn lắm.



Nữ quan thẩm cung đem nàng về chỗ làm việc của bà. Bà mỉm cười chỉ xuống chiếc ghế đối diện với bà:



– Em ngồi đây. Chị tự giới thiệu, chị tên là Trần Cẩm-Dung. Năm nay chị hai mươi tám tuổi. Lớn hơn em ít ra mười tuổi. Nào, trước khi làm việc em uống chung trà nghe. Trà sen mới ướp ngon lắm cơ!



Minh-Ðệ vâng dạ, nhưng trong lòng lo lắng:



– Không chừng bà cho mình uống trà có chất độc đứt ruột ra cũng nên. Nhưng sao bà ta ngọt ngào quá! Ừ, thì thà người ta cứ ngọt ngào với mình, rồi giết chết mình cũng được, còn hơn là chửi bới, tục tằn. Thôi thì mình cũng liều nhắm mắt đưa chân, để mặc cho nghiệp quả định liệu.



Một nữ binh pha trà bưng ra.



Bà Cẩm-Dung bưng một chung trà đưa cho nàng:



– Em uống đi!



Rồi bà cũng bưng chung trà uống. Minh-Ðệ hớp một hớp, hương trà, tỏa ra mau lẹ, xông lên mũi. Vị trà thực đậm đà, dễ chịu. Nàng nghĩ thầm:



– Ừ, thuốc độc ngon thực.



Cẩm-Dung vui vẻ:



– Chị đã đọc tất cả những gì của quan Ðề điểm hình ngục Kinh-Bắc tuyên xử về vụ chùa Từ-quang. Chị cũng đọc kỹ những đề nghị của Kinh-lược an-phủ-sứ, nhất là bản án của bộ Hình, của Tể tướng. Cuối cùng là tờ phúc bẩm của Kinh-lược an-phủ-sứ nói về Ðoàn Quang-Minh hạ lệnh giải em về đây.



Minh-Ðệ thấy mình uống thuốc độc đã lâu, mà chưa bị phản ứng thì hơi ngạc nhiên. Trong khi giọng nói của Cẩm-Dung dịu dàng lạ lùng. Cẩm-Dung tiếp:



– Theo luật lệ, khi một người được Khu-mật-viện thụ lý, thì những án đã tuyên rồi, dầu do đức Kim-thượng xử, cũng được hủy bỏ. Tất cả được làm lại từ đầu. Vậy kể từ lúc này em là người chưa có tội. Em ngồi đây với tính cách là nhân chứng, chứ không phải là tội nhân. Em hiểu chứ?



– Em hiểu.



– Bây giờ chị đưa em đến chỗ ở. Chị nhắc lại là chỗ ở chứ không phải là nhà giam. Em sẽ ở gần những nữ quan, nữ binh. Về cách xưng hô, em cứ theo tuổi mà gọi. Nào, em đi theo chị.



Cẩm-Dung dẫn Minh-Ðệ lên chiếc xe song mã. Xe đi vòng vo một lúc thì trước mặt hiện ra một cái hồ, rồi dừng lại cạnh dẫy nhà ngói, cột đỏ, rất thanh lịch, xung quanh trồng hoa. Trước nhà có tấm bảng đề Thính-hương khách xá.



Cẩm-Dung chỉ một căn phòng:



– Ðây, em ở tạm đây. Khi có tiếng chiêng đánh bốn lần thì em ra phòng phía trước kia ăn cơm. Nếu em thích đọc sách thì sang thư phòng. Lần đầu tiên đến Thăng-long, em nên đi chơi ngắm cảnh cho biết kinh đô Ðại-Việt. Hôm nay trên khắp cả nước đang ăn mừng. Thăng-long đại hội lớn hơn hết, em nên đi chơi cho biết.



Minh-Ðệ định hỏi xem lễ mừng gì, nàng chưa kịp nói, thì Cẩm-Dung móc trong bọc ra một nén bạc đưa cho Minh-Ðệ:



– Nén bạc này của em, khi giải em lên đây, người ta khám trong người em, thấy bạc thì đặt câu hỏi rằng em ở tù, mà sao lại có bạc phải không? Người ta đề nghị tịch thu. Nay chị trả cho em. Ði chơi trong kinh đô phải có bạc mà tiêu chứ? Ngày mai sẽ có xe đưa em vào điện Uy-viễn để lấy khẩu cung.



Minh-Ðệ đứng lơ đãng nhìn nước hồ lăn tăn sóng, nàng nghĩ thầm:



– Tại sao nhà tù lại đẹp đẽ như thế này? Ừ, thì mình cứ ở đây một thời gian cho biết Thăng-long.



Sau khi Cẩm-Dung đi rồi, Minh-Ðệ thuê xe dạo chơi một vòng kinh đô. Khắp Thăng-long đều treo đèn kết hoa, đốt pháo. Nam thanh nữ tú, ngựa xe dập dìu. Nàng hỏi người phu xe:



– Này anh ơi, dường như có lễ gì to lớn lắm sao mà đốt pháo, treo đèn kết hoa như vậy?



Người phu xe giảng giải:



– Cô không biết ư? Hôm nay là ngày lễ Càn-nguyên, tức sinh nhật của đức vua, nên triều đình ban lệnh tha thuế nửa năm, cùng phóng thích tất cả những tù nhân, ngoài trừ những kẻ phạm tội thập ác. Cô muốn biết tin tức Ðại-Việt thì kiếm quán trà mà nghe thầy đồ kể chuyện.



Minh-Ðệ đã nghe nói nhiều về việc tại các đô thị lớn, có quán trà, trong quán có thầy đồ kể chuyện. Nàng hỏi:



– Gần đây có quán nào không?



– Cô muốn nghe ư? Kìa, cô lên quán trà Nam-phong kia mà nghe. Thầy đồ này kể chuyện hay nhất Thăng-long đấy.



Minh-Ðệ thắc mắc:



– Sao thầy đồ lại biết mọi chuyện mà kể? Dù những việc mới đây, sách đã chép đâu?



– Ðể tôi nói cho cô nghe. Nguyên từ thời Thuận-thiên, Khai-Quốc vương muốn cho dân chúng biết những tin tức, luật lệ của quốc gia, người xin xuống chỉ rằng mỗi khi có chuyện ban hành luật mới, tin chiến sự, cùng nghi lễ quan trọng, thì tất cả các thầy đồ đều được tập trung về các lộ, trại, huyện. Tại đây các thầy sẽ được cho biết hết mọi chi tiết về những việc đó, rồi các thầy về địa phương của mình, tối tối lên quán trà, hoặc nơi hội họp của làng xã, giảng giải cho dân chúng. Quán trà Nam-phong là một nơi có thầy đồ kể chuyện. Cô nên đến nghe một lần cho biết.



Minh-Ðệ cảm ơn người phu xe, trả tiền, rồi lên quán trà. Trong quán đông nghẹt người. Họ chia làm hai khu khác nhau. Khu bên trái dành cho đàn bà con gái, khu bên phải dành cho đàn ông, con trai. Khi nàng bước vào, thì thấy thầy đồ đang nói, mọi người lắng tai nghe:



... Niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh nguyên niên, biên thần Tống gây hấn, triều đình đã cho ngài Thái-bảo Ly Thường-Kiệt đem mười đạo Thiên-tử binh lên tiếp viện cho vua Bà. Vua Bà cùng phò mã Thân Thiệu-Thái xua quân đánh qua...(1)



Ghi chú:



(1) Chuyện này đã kể ở hồi thứ 3, do Siêu-loai hầu thuật cho đệ tử và chức sắc ở Thổ-lội nghe.



Thế rồi thầy kể những biến cố ở Bắc-biên giống hệt như Siêu-loại hầu kể. Nhưng ông đi vào chi tiết hơn. Gặp những biến cố dồn dập, ông ngừng lại, làm cho thính giả hồi hộp thúc dục, ông mới kể tiếp.



Minh-Ðệ cười thầm:



– Năm trước mình đã nghe Siêu-loại hầu kể chuyện này rồi. Nhưng thầy đồ này kể hay hơn hầu nhiều.



Minh-Ðệ vừa ra khỏi quán trà Nam-phong, thì có tiếng trẻ con ăn mày đồng ca:



Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại,



Làm ơn cho xin tí cơm thừa.



Con cá nó sống vì nước,



Con người sống vì đồng tiền bát cơm.



Minh-Ðệ nhìn lại, thì ra năm đứa trẻ Dật, Quang, Nghi, Ðoan, Ninh ở chùa Từ-quang. Nàng hỏi:



– Năm em làm sao mà phải đi ăn mày?



Năm đứa trẻ đã nhận ra Minh-Ðệ, chúng reo lên:



– Chị Minh-Ðệ.



– Khổ quá, các em đang ở chùa sao ra thân tàn, ma dại thế này?



Thằng Quang đầm đìa nước mắt, nó kể:



– Sau khi sư cụ, các sư ông với chị bị bắt, thì chùa không có sư. Làng cử mấy người trông coi chùa. Chúng em không còn thầy dạy học. Hơn nửa tháng sau, quan An-vũ sứ cho lính về bắt năm đứa chúng em. Họ hạch hỏi chúng em về việc các sư ngủ với chị, cùng ăn thịt, uống rượu. Chúng em đều chối không biết. Họ đe dọa chúng em đủ điều, bắt phải khai rằng các thầy quả có giết chó, giết gà ăn thịt. Chúng em nhất nhất chối. Họ giam chúng em lại. Giam mươi ngày rồi họ thả chúng em về. Nhưng cứ mấy ngày, lính lại tới lôi chúng em lên huyện bắt phải khai như ý họ. Chúng em thấy bố mẹ khổ sở vì chúng em quá, năm đứa bàn nhau trốn về Thăng-long ăn mày sống qua ngày. Có khi đói quá phải đi ăn cắp gà, cắp chó. Lắm lúc phải móc túi nữa!



Thằng Nghi hỏi:



– Còn chị ra sao? Em gái chị nó nói chị bị voi dầy chết rồi, làm các chị Thanh-Thảo, Ngọc-Nam, Ngọc-Huệ, Trinh-Dung khóc quá chừng.



Thằng Dật hỏi:



– Sao chị lại ở đây?



Minh-Ðệ thuật qua hoàn cảnh của mình cho đám trẻ nghe, rồi hỏi:



– Các em có đói không?



Thằng Ðoan đáp:



– Ðói lè lưỡi ra rồi đây.



– Ðể chị dẫn em tới đầu đường ăn bún riêu nghe.



Ðám trẻ reo lên, đi theo Minh-Ðệ.



Tội nghiệp, đám trẻ đang tuổi lớn, cái tuổi mà ăn không bao giờ biết no, ăn bất cứ thức gì cũng thấy ngon, mà phải lang thang ăn mày, đói khát. Mỗi đứa ăn đến bẩy bát mới no. Minh-Ðệ trả tiến, rồi nói với chúng nó:



– Ðể chị dẫn các em về chỗ chị ở. Chị sẽ xin cho các em làm vườn, quét nhà kiếm miếng ăn, rồi chị dạy chữ cho.
Dù Minh-Ðệ đã được nhiều người nói cho biết rằng vị dạy khí-công cho nàng không phải là Phật bà, nhưng trong lòng nàng cứ tâm niệm rằng đó là Quan-Thế-Âm bồ tát thị hiện cứu khổ, cứu nạn cho nàng. Nên bây giờ trong lúc bị điều tra, căng thẳng, nàng lại niệm:



– Nam-mô cứu khổ cứu nạn, đại từ đại bi Quan-Thế-âm bồ tát. Xin ngài cứu khổ cứu nạn cho con.



Bốn vị quan, cùng Cẩm-Dung đều bật lên tiếng úi chà. Năm người nhìn nhau như muốn nói một điều gì. Cẩm-Dung vuốt tóc Yến-Loan:



– Phúc trạch em khôn lường. Em đã được người này dạy em, thì dù em có phạm tội gì chăng nữa, cũng không sao. Thôi, bây giờ em tiếp tục khai thực hết mọi chuyện đi. Thứ nhất, em khai về vợ chồng quý nhân dạy võ, và cho em vàng bạc, về việc em bị bắt đến dinh Trung-nghĩa. Nhớ đừng bỏ sót một chi tiết nào.



Minh-Ðệ thấy thái độ của người chấp cung thực dễ chịu, vì vậy nàng thuật theo thứ tự từng chi tiết một. Năm người càng nghe, gương mặt càng trở nên đăm chiêu, trán nhăn lại như lo nghĩ điều gì. Vị đại diện bộ Binh hỏi:



– Tôi xin Yến-Loan xác quyết một lần nữa: có đúng Siêu-loai hầu nói rằng cặp quý nhân tặng vàng, dạy võ cho Yến-loan là Ưng-sơn song hiệp không?



– Thưa hoàn toàn đúng. Ông nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trước tất cả các cụ trong làng, cùng học trò hiện diện hôm ấy.



Ðến đó một vị y phục đại thần bước vào. Cả năm vị quan đồng đứng dậy hành lễ. Yến-Loan liếc mắt nhìn: vị quan này dáng người cao lớn, gương mặt thực uy dũng, nhưng sao da lại trắng trẻo, không có chút râu nào. Vị đại quan bảo Yến-Loan:



– Này muội muội.



Tiếng ông trong trẻo như tiếng đàn bà, làm Yến-Loan kinh ngạc. Nhưng nàng hiểu ngay: ông này là hoạn quan, được cử cầm quân, nên mặc quần áo võ quan đây. Nàng cảm thấy hoảng sợ, khi ông gọi nàng bằng muội muội, tức coi nàng như cô em. Nàng vội vàng cung tay:



– Xin đại nhân đừng quá hạ thể như thế, cháu không dám đâu.



Viên quan đó cười:



– Muội muội đừng sợ. Ta nói cho muội muội biết, ta cũng là đệ tử của vị Quan-Âm dạy muội muội. Vì ta lớn tuổi hơn nên là anh, còn muội muội nhỏ hơn thì là em.



Minh-Ðệ an tâm, trong lòng bớt sợ sệt.



Vị đại quan nói:



– Muội muội này, đám thái bảo trường Trung-nghĩa võ công thực không tầm thường. Thế mà ông bà quý nhân chỉ dạy muội muội có hơn tháng, đã khiến muội muội hạ Trịnh Phúc trong hai chiêu. Rồi cái lão tiên sinh dạy muội muội hơn tháng nữa, muội muội lại hạ ngay đại đệ tử trường Trung-nghĩa. Vì thế ta muốn tìm hiểu hiểu lý lịch những người dạy võ cho muội muội. Vậy muội muội hãy cùng ta chiết chiêu nghe.



Không cho Minh-Ðệ phát biểu ý kiến, ông vẫy nàng ra sân, rồi nói:



– Muội muội phát chiêu đi!



Minh-Ðệ hít hơi, bái tổ, rồi phát chiêu Phong-thủy lãng lãng. Chiêu này nằm trong Ðông-a chưởng pháp, hai tay chắp lại như hành lễ. Viên võ quan mỉm cười:



– Muội muội đừng đa lễ.



Nói rồi ông tung một chưởng vào người nàng. Chưởng tuy chưa ra hết, mà Minh-Ðệ đã ngộp thở. Nàng vội bước sang phải, rồi trả lại bằng chiêu Phong-đáo sơn đầu. Hai chưởng chạm nhau đến binh một tiếng, cánh tay Minh-Ðệ cảm thấy tê rần, tai nàng phát ra những tiếng vo vo không ngừng. Nàng biết vị võ quan mới phát có ba thành công lực. Nàng vội hít một hơi, vận đủ mười thành công lực, đánh trả. Thế là Minh-Ðệ với viên võ quan tiếp tục giao đấu. Ðược hơn trăm hiệp, viên võ quan đẩy nhẹ một chiêu vào lưng nàng, người nàng bay bổng lên trời. Nàng vội lộn đi hai vòng rồi tà tà đáp xuống.



Viên võ quan vẫy tay:



– Ðủ rồi. Muội muội ngừng lại đi thôi.



Viên võ quan cùng năm viên quan Khu-mật-viện, mặt nhìn mặt, đầy vẻ bối rối, đầy vẻ lo sợ, đầy vẻ kinh hoàng.



Cẩm-Dung chỉ vào vị đại thần, nói với Minh-Ðệ:



– Chị giới thiệu với em, vì này ngài Thái-tử thiếu-bảo, Tả-kiêu-vệ đại tướng quân, Khu-mật viện sứ, tước Thái-hà hầu, tứ quốc tính Lý, tự Thường-Kiệt.



Minh-Ðệ rúng động toàn thân. Vì từ nhỏ, nàng đã nghe nói nhiều về nhân vật lịch sử này. Rồi mới đây nàng đọc trong Thái-tổ thực lục, Thái-tông thực lục, Thái-tông Nam chinh, nhất là bộ Nhân-Huệ hoàng đế kỷ sự, đã thuật về cuộc đời của Lý Thường-Kiệt đầy những hào quang, huân công với tộc Việt. Kinh hãi, nàng vội quỳ gối:



– Tiểu nữ Lê Minh-Ðệ xin tham kiến quân hầu.



Thường-Kiệt phất tay một cái, kình lực nhu hòa đỡ nàng dậy:



– Muội muội sao lại hành đại lễ như thế này. Miễn miễn.



Ông nói rất nhỏ nhẹ:



– Từ khi rời nhà ra đi, đối với ai muội muội cùng dùng tên giả Yến-Loan, sao bây giờ muội muội lại dùng tên thực với ta?



– Tiểu nữ thấy rằng, đứng trước một người đầy công nghiệp với tộc Việt, với xã tắc, với triều đình như quân hầu, thì dù có chết, tiểu nữ cũng không dám dối trá. Còn tên Yến-Loan thì không phải là tên giả trá đâu, mà do Quan-âm ban cho tiểu nữ.



Vì là hoạn quan, nên Thường-Kiệt không câu nệ nam nữ, ông nắm tay Minh-Ðệ dắt vào công đường. Ông để nàng ngồi cạnh, nói với nàng như cha nói với con:



– Ta nhắc lại, ta gọi cô là muội muội, thì cô cứ gọi ta là sư huynh, hay đại ca cũng được. Cô chớ gọi ta là quân hầu, đại nhân, mà sau này khó khăn cho ta. Sư phụ sẽ mắng ta là không biết yêu thương sư muội. Nhớ nhé.



Nhớ lại lời Quan-âm dạy trước đây: sau này con xử dụng tâm pháp ta dạy con, thì đồ tử, đồ tôn của ta biết con là đệ tử của ta, họ sẽ nhận con, và yêu qúy con. Minh-Ðệ đáp nhỏ nhẹ:



– Dạ, tiểu muội nhớ rồi.



– Ừ, có thế chứ, dễ dạy lắm.



- À, ban nãy muội muội nói ta "có công nghiệp với tộc Việt, với xã tắc, với triều đình"... Muội muội đặt tộc Việt lên trên đã tắc. Xã tắc lên trên triều đình là buột miệng nói ra, hay có chủ ý?



– Dạ, thưa tiểu mội chủ ý đấy ạ.



– Vì lý do nào muội muội lại đặt triều đình dưới xã tắc, xã tắc dưới tộc Việt.



– Thưa tiểu muội đọc trong bộ Lĩnh-nam di-hận, thấy vua Trưng lý luận với Ðại-tư-mã Ðào Kỳ rằng: "Triều đình chỉ là nhất thời; triều đình lập ra để bảo vệ xã tắc. Ta phải làm sao cho xã tắc phú cường, để làm cho tộc Việt mình ấm no, hạnh phúc". Như vậy thì rõ ràng tộc Việt mình trên xã tắc, và xã tắc trên triều đình. Lại nữa ngay những danh nhân Trung-quốc chẵng từng lý luận giống như vậy đó sao? Kìa Mạnh-Tử nói: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", cũng cùng ý nghĩa.



Từ trước đến nay, Minh-Ðệ đọc nhiều, nhớ dai, kiến thức rộng, nhưng vốn ít nói, vả cũng chưa có dịp, chưa gặp người để nói. Hồi ở nhà, hễ mở miệng ra nói vài câu, là mẹ nàng quát tháo, bắt câm cái mõm đi. Hồi ở chùa Từ-quang, tuy gặp chư tăng lòng dạ như biển, thương xót nàng, nhưng đó là chùa Thiền-tông, dường như cả ngày không vị nào mở miệng nói một câu. Rồi thời gian ở nhà giam lộ Kinh-Bắc, thì người ta coi nàng như một thứ hèn hạ, ai cho nói? Ðây là lần đầu tiên nàng được bầy tỏ kiến thức của mình.



Thường-Kiệt vuốt tóc Minh-Ðệ:



– Có phải trước kia người muội muội cục mịch, da đen, tiếng nói ồ ồ. Từ khi được Quan-Âm dạy nội công thượng thừa, thì người muội muội cứ ngày một thon lại, da trắng mịn, tươi hồng, tiếng nói thanh tao không?



– Dạ, đúng vậy. Sư huynh kiến văn rộng hơn tiểu muội, xin sư huynh giải thích cho tiểu muội biết tại sao lại có hiện tượng đó.



– Muội muội được Quan-Âm dạy cho Thiền-công, thuộc loại khô thiền, vì vậy càng tập, người càng thon lại, mảnh mai. Muội muội lại được dạy nội công âm nhu, nên tiếng nói trở thành trong trẻo, người yểu điệu, da trắng mịn... Nhưng chúng ta có rất nhiều nghi vấn xung quanh muội muội. Ta nói cho muội muội biết, vụ án chùa Từ-quang không chỉ giản dị trong việc phạm giới đâu, mà nó còn có tính cách rộng lớn đến cả triều đình Tống lẫn triều đình Việt. Vậy ta có lời dặn muội muội.



– Tiểu muội xin kính cẩn nghe sư huynh dạy dỗ.



– Thứ nhất, nhân danh Khu-mật viện sứ, ta tuyên án: cho đến lúc này, ta chưa đủ yếu tố buộc tội muội muội. Muội muội chưa phạm bất cứ một tội gì đối với Ðại-Việt, cũng không phạm giới của một Phật-tử. Số vàng, bạc của muội muội bị tịch thu ở chùa Từ-quang sẽ trả về cho muội muội. Từ nay muội muội cứ thản nhiên sống ở Thăng-long.



– Ða tạ sư huynh.



– Thứ nhì, đối với vợ chồng quý nhân, hay với vợ chồng lão tiên sinh, lúc họ dạy muội muội điều gì, thì muội muội phải cho ta biết trước khi tập luyện. Vì nếu muội muội luyện phải những chiêu trái ngược nhau, e bị tẩu hỏa nhập ma mà thành tàn tật. Thứ ba, muội muội cứ ở trong căn nhà Thính-hương bên hồ, ngày ngày đọc sách, đêm đêm luyện võ. Nếu có ai hỏi, muội muội bảo rằng Khu-mật viện chưa điều tra xong.



– Muội muội xin nhớ lời giáo huấn của sư huynh.



– Muội muội có cần ta giúp điều gì không?



– Tiểu muội có ba điều ước vọng. Một là xin sư huynh cứu khổ cứu nạn cho các thầy ở chùa Từ-quang. Sư huynh đã bảo rằng muội chưa phạm tội, thì các thầy ở chùa Từ-quang cũng không phạm giới. Thứ nhì là muội xa nhà đã gần hai năm, nay muội muốn được về thăm nhà. Thứ ba là hơn năm qua, tiểu muội ở trong tù với mẹ con Thúy-Hoàng, Thúy-Phượng. Nghĩ hoàn cảnh hai người thực tội. Vây tiểu muội bạo gan xin sư huynh dùng số vàng bạc của tiểu muội trả cho chủ của Thúy-Phượng hầu chuộc nó ra, như vậy mẹ con nó sẽ được phóng thích.



Thường-Kiệt lại vuốt tóc Minh-Ðệ:



– Muội muội thực là một người nhân từ hiếm có. Cả ba điều huynh hứa giải quyết trong một tháng.



Minh-Ðệ thấy ở Thường-Kiệt ngoài cái dáng đẹp hùng vĩ ra, ông còn là người mẫn tiệp, khoan hòa. Nàng nhìn ông mà trong lòng nổi lên cơn giông tố:



– Hỡi ơi! Ông là người văn võ kiêm toàn, lại là một mỹ nam tử. Thế nhưng năm xưa ông bị gian nhân đánh thuốc mê rồi tĩnh thân thành thái giám. Sự đời thực lắm oan nghiệp. Hôm trước mình nghe sư phụ Tự-An nói: ông thề rằng nếu tìm ra kẻ hại ông, ông sẽ giết ba họ nhà nó. Còn chính nó, ông sẽ xẻo từng miếng thịt một. Ông làm Khu-mật viện sứ, mà hai chục năm qua, ông vẫn chưa tìm ra thủ phạm.



Khu-mật viện trả vàng bạc cho Minh-Ðệ, nhưng nàng chỉ nhận có một nén vàng, còn lại nàng gửi Khu-mật viện giữ cho.



Trở về bờ hồ, nàng nói với bẩy đứa trẻ:



– Bây giờ chị có tiền rồi. Chị em mình vào Thăng-long, chị mua một căn nhà cho các em ở, rồi kiếm trường cho các em đi học.



Bẩy đứa trẻ há hốc miệng ra kinh ngạc về lòng tốt của Minh-Ðệ. Phải mất ba ngày, Minh-Ðệ mới mua được một căn nhà ở Yên-phụ, gần trường học. Căn nhà khá rộng, đủ cho bẩy đứa trẻ ở. Nàng cắt đặt cho mỗi đứa một nhiệm vụ. Ðứa gánh nước, đứa đi chợ, đứa nấu ăn, đứa rửa bát. Nàng mua bút mực, sách vở, rồi dẫn chúng đến thầy đồ Yên-phụ xin cho chúng học. Thầy đồ là người sống ở ven hồ lâu ngày, thầy đã biết mặt cả bẩy đứa. Bây giờ thầy thấy Minh-Ðệ xin cho chúng nó học, thầy kinh ngạc, hỏi nguyên do. Minh-Ðệ cứ thực thà trình bầy.



Cứ như vậy, bọn trẻ ngày ngày đến trường học chữ. Tối về, Minh-Ðệ dạy thêm cho chúng học. Thời gian trôi qua gần một năm.