Nam Quốc Sơn Hà

Chương 5 : Cánh bèo trôi nổi

Ngày đăng: 09:01 19/04/20


Minh-Ðệ cùng với năm vị đệ tử của đại-sư Viên-Chiếu bị gọi lên từng người một thẩm cung liền mười lăm ngày. Mỗi ngày một người chấp cung khác nhau. Nhưng những lần thẩm cung sau, thì không ai bị tra tấn nữa. Hình quan chỉ đặt câu hỏi, bắt trả lời. Họ thay nhau, người này vặn đi, người kia vặn lại, rồi họ bắt viết tay lời cung vào tờ giấy. Sau lần thứ mười lăm, thì quan Ðề-điểm hình ngục Hoàng Khắc-Dụng gọi Viên Chiếu, chư tăng, cùng Minh-Ðệ lên công dường, với sự hiện diện của các quan chấp cung, hai hình quan Tô Sơn-Lâm, Vương Ðình-Thụ, rồi tuyên án:



– Ðúng ra với tội phạm giới tại chùa Từ-quang, thì bản chức sẽ xử. Tội nhẹ thì đánh đòn, đuổi về dân dã. Tội nặng thì xung quân. Bản án được chuyển qua quan Kinh-lược để ngài tăng hay giảm chút ít rồi cho thi hành. Nhưng vụ này lại kèm thêm tội làm gian tế cho Tống, quan Kinh-lược-sứ muốn bỏ qua vụ này. Bản chức không thể đồng ý, vì đây là một trong thập ác, nên nội vụ sẽ đưa về bộ Hình phúc thẩm. Các người chịu tạm giam để chờ án trong kinh ra.



Hoàng Khắc-Dụng hỏi Vương Ðình-Thụ:



– Viên đội trưởng bị giết hôm qua, đã tìm được manh mối gì chưa?



– Thưa chưa. Cứ như việc trong miệng y có cái chân chó nhét vào, thì rõ ràng y bị Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng giết chết.



– Từ xưa đến giờ Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng có giết oan bao giờ đâu? Thế viên đội trưởng phạm tội gì vậy?



– Theo An-vũ-sứ, thì trong lúc khám chùa Từ-quang, y buột miệng nói: "Chư tăng ăn thịt chó, thịt trâu, như vậy chùa này là chùa của Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng rồi". Chắc vì thế nên Mộc-Tồn hà thượng mới giết y.



– Chết như vậy là đáng. Ai bảo ngứa miệng?



Ðây là lần thứ ba Minh-Ðệ được nghe nói đến Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa-thượng. Theo tiếng bình dân thì mộc là cây. Tồn là còn. Cây còn là con cầy. Tức con chó. Tại sao lại có một hòa thượng tên là thịt chó? Tại sao ai nghe đến tên ông cũng kinh hoàng? Tại sao tên đội trưởng chỉ vô lễ một chút mà bị ông giết chết?



Vương Ðình-Thụ hỏi Khắc-Dụng:



– Ðại nhân có biết tại sao khi Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng ra tay hạ sát ai lại nhét chân chó hoặc thịt chó vào miệng không?



– Tôi cũng không rõ nữa. Khắp Ðại-Việt này có hai ông Hình-bộ thượng thư tư là Kinh-Nam vương Trần Tự-Mai với Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng. Kinh-Nam vương thì xử tội những kẻ chủ gây chia rẽ Hoa-Việt, những bọn tham quan, những phường bán nước trong suốt 35 năm nay. Mộc-Tồn Vọng-Thê hòa thượng chỉ mới xuất hiện trong vòng mười năm trở lại đây, ông chuyên xử bọn cường hào ác bá, bọn trộm cướp, bọn gian xảo. Nghĩa là một người lo bảo vệ đất nước, một người lo bảo vệ phong hóa, luật pháp.



Minh-Ðệ được đưa khỏi nhà tù, đem giam lỏng riêng vào một phòng cùng với con bé Thúy-Phượng trong dinh An-phủ-sứ. Phòng có dường chiếu, có chỗ tắm, phía sau có cầu tiêu sạch sẽ. Nàng được ra vào thư thả, cửa nhà giam không bị khóa. Hàng ngày nàng cùng con bé Phượng phải quét dọn công đường cùng tư thất của An-phủ-sứ. Khi làm việc, thấy trên giá của ông có nhiều sách, nàng lấy ra đọc. Một lần An-phủ-sứ thấy vậy thì nói:



– Ta có coi cung từ của mi, thấy chữ mi viết rất tốt. Vậy ta cho phép mi, sau lúc làm việc được lấy những sách này đem về nhà giam mà đọc.



Từ đấy Minh-Ðệ lại có sách đọc. Nhớ lời thầy đồ Thái hướng dẫn, nàng chú ý đọc sử nhiều hơn. Vì vậy những ngày ở tù, ban ngày thì Minh-Ðệ đọc sách. Ban đêm nàng luyện công. Nàng thấy tuy ở tù, nhưng nhàn nhã, sướng hơn những ngày ở với cha mẹ. Lắm lúc nghĩ đến thời gian ở với cha mẹ, nàng lại rùng mình. Nàng rùng mình không phải vì làm quần quật suốt ngày, mà vì không biết phải làm gì, nói gì để khỏi phải nghe chửi, khỏi phải ăn đòn. Nàng nghĩ thầm:



– Nếu ta bị giam như thế một thời gian nữa, thì ta sẽ thuộc hết đám sách này, công lực ta cũng sẽ cao thâm hơn.



Lắm lúc nàng lại tự hỏi:



– Siêu-loại hầu bảo rằng vợ chồng quý nhân dạy võ công cho ta là Ưng-sơn song hiệp. Nếu quả như vậy thì cuộc đời ta sung sướng biết bao. Con Minh-Can dựa vào bố mẹ hành hạ ta đủ điều, thế mà thầy nó nghe đến Ưng-sơn song hiệp là phát run lên... Hỏi trên đời này ai dám đối xử tàn tệ với ta nữa? Nhưng không biết bây giờ ông bà ở đâu?



Trong dinh An-phủ-sứ có năm con hầu tên là Huyền, Thanh, Hồng, Hoàng, Bạch. Năm con hầu này tuổi từ mười ba tới mười sáu, khá xinh đẹp. Chúng là những đứa hầu cạnh phu nhân và các tiểu thư, công tử con An-phủ-sứ. Chúng mặc quần áo bằng lụa mầu theo tên chúng mang. Vì nàng là tù nhân, quần áo xốc xếch, chuyên lau chùi cùng quét dọn, nên chúng coi nàng bằng nửa con mắt. Con đành hanh nhất là con Huyền, vì An-phủ-sứ hứa gả nó cho viên võ quan tên Ðặng Vinh. Tên Vinh xuất thân là đệ tử trường Trung-nghĩa. Y biết Minh-Ðệ đã từng dùng võ công thắng sư đệ của y là Trịnh Phúc, nên y không dám coi nàng như những tên tù khác. Thường ngày, nàng được gọi vào bếp để ăn cơm với bọn chăn ngựa, bọn khuân vác trong dinh.



Một hôm con bé Thúy-Phượng nói nhỏ với nàng:



– Mẹ em, cũng như mấy bà trong tù nhận thấy những ngày gần đây, da chị ngày càng trắng hồng ra, mắt sáng óng ánh, lưng thon thêm. Nhan sắc chị trở thành hiếm có. Thế nhưng... thế nhưng... chị lại ở tù, thì e khó giữ nổi tuyết sạch giá trong đấy.



Minh-Ðệ biết nàng luyện nội công âm nhu, nên nhan sắc ngày càng xinh đẹp. Nàng lo sợ hỏi:



– Vậy chị phải làm sao bây giờ?



– Mẹ em bảo chị nên để đầu bù tóc rối, rồi bôi than, bôi đất đi cho thành lọ lem mới được.



Từ đấy nàng để đầu bù tóc rối, mặt bôi lọ lem luốc. Nhưng nàng để ý thấy những quan của lộ Kinh-bắc thường nhìn nàng với con mắt gian tà, khiến nàng càng lo sợ. Nàng chỉ mong sao cho án sớm làm xong, để nàng có thể rời khỏi đây.



Hôm ấy con Huyền, một con hầu của An-phủ-sứ, thấy nàng xuống bếp ăn cơm xong, thì vẫy tay:



– Phu nhân khen chị chăm chỉ bón hoa, hoa nở tươi đẹp, nên ban thưởng cho chị bát sâm thang này. Vậy chị uống đi.



Minh-Ðệ vọi bưng chén sâm thang uống, rồi nói:



– Xin chị thưa với phu nhân rằng con tù Yến-Loan gửi lời đa tạ phu nhân.



Sau bữa cơm chiều, nàng trở về phòng giam, thì thấy con bé Thúy-Phượng đang nằm ngủ trên dường của nàng. Nàng lay gọi, mà nó cứ mơ mơ tỉnh tỉnh. Còn nàng thì tự nhiên mắt dí lại buồn ngủ kỳ lạ, cái buồn ngủ mà trọn đời nàng chưa hề thấy qua. Nàng muốn nằm xuống ngủ một giấc, nhưng đêm nay là đêm rằm, trăng sáng, nàng phải luyện một thức nội công dưới trăng để hấp âm-khí, vì vậy nàng không thể ngủ được. Nàng vội vàng ngồi chỉnh đốn vận công để chống với giấc ngủ, nhưng hơi của bát sâm thang mà phu nhân An-phủ-sứ tặng nàng vẫn bốc lên. Kinh hãi, nàng vội móc họng mửa ra, mửa hết, nàng tỉnh táo dần. Trong đầu óc nàng loé lên một tia sáng:



– Hay ta bị đánh thuốc độc giống như ngài Thái-bảo Lý Thường-Kiệt khi xưa?



Hôm cùng chị em vét lạch, nàng đã được nghe cụ phó lý kể chuyện cũ về quan Thái-bảo Lý Thường-Kiệt hồi còn niên thiếu bị đánh thuốc cho mê đi, rồi bị tĩnh thân. Nàng rùng mình:



– Ðúng rồi, mình bị đánh thuốc mê rồi.



Ghi chú:



(1) Ðọc sử thời Lý, người sau thường có hai thái độ đối với Lý Thường-Kiệt. Một là thái độ khinh khiến của Nho-gia, tuy có công nhận công nghiệp của ông, nhưng vẫn khinh rẻ ông, vì ông là một hoạn quan. Nguyên do, trong lịch sử Hoa-Việt có không biết bao nhiêu bọn hèn hạ bất tài, chỉ vì muốn có chút công danh, cam tâm chịu tĩnh thân làm thái-giám hầu hạ vua cùng những bà phi, bà hậu, rồi nhờ gian xảo mà lên nắm quyền, làm hại dân hại nước. Thái độ thứ nhì thì chỉ căn cứ vào huân công của ông đối với xã tắc, kính trọng ông như những anh hùng khác. Nhưng sự thực ông bị ám hại mà thành thái giám. Xin đọc Anh-linh thần võ tộc Việt của Yên-tử cư-sĩ.



Nàng vội ngồi xuống vận khí theo vòng Tiểu-chu-thiên bốn năm lần liền, thì thấy người tỉnh táo lạ thường. Nàng kinh hãi:



– Họ đánh thuốc mê ta để làm gì đây?



Trời sang canh hai, nàng bỏ phòng giam, ra ngoài luyện công. Nhưng vì ám ảnh bởi nguy cơ bị đánh thuốc mê, nàng không luyện công được. Thấy mùi dạ-hương thơm ngát từ phía Bắc đưa lại, nàng rảo bước đến đó để hái mấy cành đem về phòng. Khi nàng qua bụi mẫu-đơn, thì có một bóng đen núp ở ngay chân tường. Nàng vội vàng ẩn thân xem ai định làm gì. Bóng đen huýt sáo một tiếng, lập tức bên ngoài có khúc củi bay vào trong. Khúc củi có sợi thừng lớn buộc. Bóng đen cầm khúc củi với sợi dây đột vào gốc cam, rồi huýt sáo nữa. Bên ngoài có một, rồi hai, người bám dây leo vào trong. Ðó là hai người đàn ông. Một người Minh-Ðệ nhận ra y là Trịnh Phúc, một người nữa nàng cũng nhận ra y là Vũ Ðức. Bóng đen đứng dậy, Minh-Ðệ nhận ra y là viên võ quan hiện làm lữ-trưởng chỉ huy một lữ thuộc đạo binh Kinh-bắc tên là Ðặng Vinh, chồng chưa cưới của con Huyền. Ðặng Vinh có một tốt canh phòng dinh An-phủ-sứ, vì vậy y ra vào dinh dễ dàng.



Tên Trịnh Phúc lên tiếng hỏi:



– Thế nào?



– Kết quả tốt.



– Cho biết chi tiết được không?



– Huyền đã đem thuốc cho hai con ấy uống. Chúng không nghi ngờ uống luôn. Hiện cả hai ngủ say như chết. Bây giờ chỉ cần hành động thôi.



Nghe chúng nói, Minh-Ðệ phát rùng mình:



– Thì ra tên Ðặng Vinh này định đánh thuốc mê mình với con Thúy-Phượng để làm điều gì ám muội đây. May mà mình thoát được. Không biết vụ này chúng làm với nhau, hay do phu nhân An-phủ-sứ chủ trương? Nếu do chúng tư tình làm, mình tri hô lên thì chúng sẽ mất đầu. Còn như vụ này do phu nhân chủ trương, mà mình tri hô lên, thì chính mình sẽ lĩnh tai vạ không nhỏ.



Cả ba tên đi về phía phòng giam nàng. Minh-Ðệ theo bén gót.



Dường như chúng đã quen hành động với nhau. Nên tên Vinh gác phía ngoài, còn tên Phúc, Ðức chuồn vào trong. Bỗng có một bóng đen di chuyển nhanh không thể tưởng tượng được, bước chân nhẹ như chiếc lá. Bóng này phóng tới điểm một ngón tay vào cổ tên Vinh, lập tức y ngã lăn xuong đất. Bóng đen bóp miệng hú lên hai tiếng nho nhỏ. Hai tên Phúc, Ðức từ trong chạy ra hỏi:



– Cái gì vậy?



Bóng đen điểm tay hai cái, đến lượt hai tên này lại mê man. Nhanh nhẹn bóng đen trói ba tên lại thành một chùm, rồi cầm sợi dây, leo lên cây, y truyền ra đầu một cành cây, rồi kéo mạnh. Lập tức ba tên bị rút lủng lẳng lên cao. Sau khi treo ba tên, bóng đen cầm một mảnh vải trắng cuốn vào cổ một tên rồi thả từ trên cao xuống. Mảnh vải trắng bay phất phới trước gió.



Làm xong công việc, bóng đen buông mình từ trên cây xuống như chiếc lá, rồi di chuyển đến cạnh Minh-Ðệ. Kinh hãi nàng vung tay phát quyền tấn công bóng đen. Bóng đen điểm ngón tay một cái vào huyệt Ðại-trùy của nàng, lập tức toàn thân nàng bị tê liệt. Bóng đen ghé miệng vào tai nàng nói nhỏ:



– Ðừng la lớn, ta đến cứu mi chứ không phải đến hại mi đâu. Mi có tin ta không?



Minh-Ðệ gật đầu. Bóng đen nói:



– Mi hãy theo ta.



Bóng đen vuốt nhẹ lên đầu nàng một cái, huyệt đạo được giải. Bóng đen đi trước, vẫy tay cho nàng theo sau. Tới bức tường, bóng đen khẽ nắm lấy tay nàng nâng nhẹ, người nàng cùng bóng đen đã vượt qua bức tường ra ngoài. Bóng đen để nàng xuống rồi vẫy tay cho nàng chạy theo. Khi đến bên bờ sông, bóng đen nhảy xuống chiếc thuyền lớn. Minh-Ðệ cũng nhảy theo. Bóng đen vào trong khoang thuyền, trong khoang có đèn thắp sáng. Bóng đen lên tiếng:



– Vào đây!



Minh-Ðệ bước vào. Bấy giờ nàng mới nhìn rõ, đó là một ông già râu, tóc bạc như cước, da mặt dăn deo coi mà phát khiếp. Nàng vội vàng cung tay hành lễ:



– Cháu cung kính ra mắt tiên sinh, đa tạ tiên sinh đã cứu mệnh cho cháu. Xin tiên sinh cho cháu được biết cao danh quý tính?



Lão trượng không trả lời Minh-Ðệ, ông lẩm bẩm, nói một mình:



– Vừa rồi cháu ra chiêu Ðông-hải lưu-phong trong Ðông-a quyền pháp khá vững. Nhưng nội lực của cháu dường như là Mê-linh. Lạ thực.



Ông hỏi Minh-Ðệ:



– Ba tên đại đạo định hại cháu là ai vậy?




– Cô nương. Ta tuy bại dưới tay cô nương, nhưng ta không phục. Cô nương thử bình tâm mà xét xem có đúng thế không? Rõ ràng lúc mới đấu, công lực ta cao hơn cô nương, nhưng về sau, dường như ta bị trúng độc, nên chân khí bị hao tổn, mới bị cô nương bắt.



Y nhìn Minh-Ðệ mỉm cười:



– Cô nương, xin cô nương hãy móc trong túi áo ta, lấy tấm thẻ bài của ta đưa cho Kinh-lược-sứ coi.



Minh-Ðệ lần túi Ðoàn Quang-Minh, nàng lôi ra cái thẻ bài bằng bạc, rồi trình cho Phạm Anh. Phạm Anh cầm lên đọc:



"Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, tước Hoài-đức hầu Ðoàn Quang-Minh thuộc Khu-mật-viện Ðại-Việt".



Ðính kèm một tờ giấy có in con rồng uốn khúc và con chim âu, quốc huy của Ðại-Việt. Bên dưới có hàng chữ:



"Nay đặc sai tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, Hoài-đức hầu Ðoàn-quang-Minh đi kinh lý một giải từ Kinh-Bắc tới Thanh-hóa. Bách quan văn võ từ cấp Kinh-lược sứ phải tuân lệnh điều động".



Dưới có đóng ấn của Khu-mật-viện.



Thời bấy giờ vào lúc cực thịnh của triều Lý. Vua Thái-tổ, Thái-tông đã xây xựng nền móng cai trị bằng từ bi bác ái của đức Thế-tôn, bằng nhân-nghĩa của Khổng-Mạnh. Chương-thánh Gia-khánh hoàng đế (tức Lý Thánh-tông) vì mồ côi mẹ từ nhỏ, được mẹ kế là Mai hậu nuôi dưỡng, được chú là Khai-Quốc vương phụ chính; thầy dạy văn là Dương Bình, Lý Ðạo-Thành, thay nhau huấn luyện. Ngài lại ảnh hưởng của chị gái là vua bà Bình-Dương, chị họ là tiên cô Bảo-Hòa... Nghĩa là bao nhiêu nhân vật đạo đức nhất, tài hoa nhất đương thời hết sức dạy dỗ, hết sức yêu thương. Nên từ khi tiếp ngôi trời (3-11-1054) đã lấy niên hiệu là Long-thụy Thái-bình. Sau khi đăng cực, chiếu chỉ đầu tiên mà ngài ký là đại xá cho tất cả tù nhân dù thành án hay chưa, bỏ các hình chặt chân, chặt tay; bỏ luôn hình phạt dìm tội nhân xuống sông hay đốt chết. Những hình phạt này còn sót lại từ thời Ðinh. Ðối với việc tra khảo, ngài cấm dùng cực hình nung sắt đỏ, nung đá đỏ rồi dí vào tội nhân.



Theo lễ giáo của Nho-gia, thì khi vua Thái-tông băng hà, một đại thần được cử để lo việc tang chế, xây lăng. Các bà vợ từ Hoàng-hậu, thứ phi cho đến các cung nữ phải cư tang cho đến hết đời trong cung cấm. Một số các bà phi, cũng như cung nữ phải ra ở trong những gian nhà tại lăng vua để ngày đêm tế lễ. Thế nhưng chiếu chỉ thứ nhì của ngài là đem toàn thể cung nữ ở cung Thúy-hoa gả cho các văn quan, võ tướng chưa vợ, hoặc góa vợ. Ðiều này làm nhiều Nho-gia phê phán rằng không đúng đạo lý của Khổng-Mạnh.



Ngài lại trọng dụng các quan võ giỏi văn học. Dương Bình, được phong là Thái-phó kiêm Thị-trung, Thượng-thư tả bộc xạ, Môn-hạ thị lang (Tả tể tướng). Lý Nhân-Nghĩa làm Tư-không, Thượng-thư hữu bộc xạ, Trung-thư thị lang (Hữu tể tướng), Khu-mật viện sứ. Quách Kim-Nhật được phong Thái-úy, Tham-tri chính sự (phó Tể-tướng)... với ý muốn xây dựng Ðại-Việt thành một nước phú cường, với đội quân thực mạnh. Nhưng sau nghe lời chú là Khai-Quốc vương, ngài trọng dụng thêm các văn quan như Bùi Hựu làm Trung-thư thị lang, Ðồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Văn-minh điện đại học sĩ. Dương Ðạo-Gia làm Khu-mật-viện phó sứ, Tham tri chính sự. Tất cả các đại thần đều là những người văn mô, vũ lược.



Ngài là một nhân quân bậc nhất trong lịch sử Việt-Nam. Năm sau, Ất-Mùi (1055), tháng mười, gặp rét dữ dội, ngài ban chỉ: ”Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho hữu-ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.(4)



Ghi chú:



(4) ÐVSKTT, Lý kỷ, Thánh-tông hoàng đế kỷ.



Vì biên thần Tống muốn gây sự, đem quân xâm phạm lãnh thổ, lập tức ngài dồn quân đánh Khâm-châu, biểu dương lực lượng rồi rút về. Quả nhiên từ đấy các biên thần Tống kinh sợ, việc này đã thuật ở ba hồi trên. Cũng năm đó ngài cho tổ chức lại quân đội. Trước kia đã có mười hiệu Thiên-tử binh. Nay tổ chức thêm các hiệu Ngự-long, Vũ-thắng, Long-dực, Thần-điện, Bổng-thánh, Bảo-thắng, Hùng-lược, Vạn-tiệp. Mỗi hiệu chia làm tả đạo, hữu đạo.



Ðể thống nhất chỉ huy, tạo bộ máy quốc phòng hữu hiệu trấn Bắc, bình Nam, ngài cho lập lại Khu-mật-viện, gồm tả hữu tể-tướng (tức đồng-bình chương sự), tả hữu phó tể-tướng (tức tham-tri chính sự), Binh-bộ thượng thư, Lại-bộ thượng thư, Ðô-đốc thủy binh, các tướng chỉ huy các đạo Thiên-tử binh, Kị-binh, Khu-mật-viện sứ. Những Khu-mật-viện sứ không thường trực. Khi có sự thì bất cứ vị quan nào cũng có thể được cử đi bằng một mật lệnh. Khu-mật-viện sứ quyền hành rất lớn.



Hôm nay, Phạm Anh tuy là rể của tể thần, nhưng thấy Khu-mật-viện sứ thì líu ríu tuân lệnh. Y hoảng hốt vội cởi trói cho Ðoàn Quang-Minh, rồi hỏi:



– Quân hầu đi kinh lý, sao lại đột nhập vào thiểm dinh, để đến nỗi bị ngộ nhận như thế này, thực mất uy phong đi.



– Tôi thi hành chỉ dụ mật, thì sao lại có thể công khai đi ban ngày được. Mục đích của tôi là điều tra vụ án chùa Từ-quang cho minh bạch. Bây giờ sự thể đã thế này, xin Kinh-lược sứ để cho tôi hỏi cung Yến-Loan cô nương mấy câu.



Luật lệ thời bấy giờ, khi viên quan cao cấp Khu-mật-viện hỏi cung ai, thì dù là Tể-tướng cũng không được dự thính, nên Phạm Anh vội lùi ra ngoài. Y nói vọng vào:



– Xin tướng quân cứ tự tiện.



Ðoàn Quang-Minh hỏi Minh-Ðệ:



– Tôi theo dõi cô nương từ lâu. Thường đêm cô nương ra bãi sông luyện võ, học âm nhạc. Nhưng cô nương có biết hai vị sư phụ của cô nương là ai không?



– Tôi không biết.



– Tôi biết rất rõ. Chính lão già là người trói Ðặng Vinh, Trịnh Phúc với Vũ Ðức treo lên cây, rồi sau đó y dạy võ công cho cô nương. Võ công mà cô nương đấu với tôi là võ công phái Ðông-a, nhưng bị sai lạc quá nhiều. Tôi nói thế để cô nương hiểu rằng tôi biết rất rõ những gì cô nương đã làm.



Y chỉ bút mực:



– Kia, bút mực kia. Cô nương hãy cung khai hết về việc cô học võ từ một người đàn bà mà cô tưởng là Quan-Âm cho tới cặp vợ chồng quý nhân. Cuối cùng là lão già ở bờ sông.



Minh-Ðệ biết sự việc không dấu diếm được nữa, nàng đành ngồi khai hết sự thực. Khai xong nàng đưa cho Quang-Minh. Quang-Minh đọc lướt qua một lượt, rồi lên tiếng gọi Phạm Anh. Y nói với Phạm:



– Bây giờ tôi có việc phải đi. Xin Kinh-lược-sứ giải cô này về trao cho Khu-mật-viện càng sớm càng tốt.



Chiều hôm đó, Minh-Ðệ bị gông cổ, rồi đưa lên một chiếc xe có thùng đóng kín. Chiếc xe do một đội quân trăm người, chính Ðặng Vinh thân áp giải về Thăng-long. Ðường từ Kinh-Bắc đi Thăng-long mất khoảng hơn hai giờ. Xe đi vào cửa Bắc, rồi quẹo sang cung Uy-viễn, nơi đặt Khu-mật-viện. Quân canh cửa đánh ba tiếng chiêng, thì có người đội trưởng từ trong ra. Y thấy Ðặng Vinh mang quân hiệu lữ trưởng, vội hành lễ quân cách, rồi hỏi:



– Không biết tướng quân giải trọng phạm nào về vậy?



– Trọng phạm là một phụ nữ, võ công rất cao siêu, làm gian tế cho Tống.



Ðội trưởng ký nhận tù, cùng một bao thư lớn đựng hồ sơ của Minh-Ðệ, rồi cung tay:



– Việc xong, tướng quân có thể về được rồi.



Một thanh niên tuổi khoảng trên hai mươi, dáng người thanh nhã, trang phục theo lối quý phái đi tới. Anh ta hỏi viên đội trưởng:



– Tù nào vậy?



– Trình Thế tử, một nữ gian tế của Tống, do lộ Kinh-bắc gửi về.



Thiếu niên nhìn Minh-Ðệ rồi lắc đầu:



– Trông cô này hiền lành, mặt mũi xinh đẹp thế kia thì sao có thể là gian tế. Ðem vào trong này để thẩm cung xem sao.



Thiếu niên trao bao thư cho một viên quan:



– Tướng quân thử xét xem cô ấy phạm tội gì.



Viên quan cầm bao thư đi rồi, thiếu niên lên tiếng gọi:



– Biểu muội, em ra mà xem này.



Từ trong, một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần xuất hiện. Thoạt trông, Minh-Ðệ thấy dáng người nàng rất thân ái, rất quen thuộc, nhưng không nhớ rằng đã gặp nàng ở đâu. Chợt trí nhớ nàng lóe sáng: thiếu nữ giống Quan-thế-Âm như hai giọt nước. Chỉ khác một điều, nàng thì còn trẻ, trong khi Quan-âm thì đã trọng tuổi. Viên đội trưởng thấy thiếu nữ thì cung tay hành lễ:



– Tiểu nhân xin tham kiến Công chúa điện hạ.



Thiếu nữ xua tay:



– Miễn lễ.



Minh-Ðệ nghĩ thầm:



– Thì ra công chúa Thiên-Thành đây. Ta nghe nói đương kim thiên tử chưa có con trai, mà có đến ba công chúa. Công chúa lớn nhất là Thiên-Thành, nhũ danh An-Hải, đệ tử đắc ý của vua bà Bình-Dương, đã gả cho thế tử Thân Cảnh-Long là con trai vua bà Bình-Dương với phò mã Thân Thiệu-Thái. Có lẽ là cặp này chăng? Còn Công chúa thứ nhì là Ðộng-Thiên, nhũ danh An-Dân, đệ tử của Quốc-mẫu Thanh-Mai tức Vương phi Khai-Quốc vương, đã gả cho Hoàng Kiện, đệ tử của Long-thành ẩn-sĩ. Hoàng Kiện hiện là Ðô-đốc thủy-quân Ðại-Việt. Công-chúa thứ ba là Ðộng-Thiên, nhũ danh An-Quốc, đệ tử đắc ý của công chúa Bảo-Hòa, dường như chưa gả cho ai, bởi công chúa muốn đi tu để cầu phúc cho tộc Việt.



Công chúa bảo đội trưởng:



– Người mở gông cho cô gái này đi. Ðối với một thiếu nữ yếu đuối mà gông như gông trâu, gông bò coi sao được, như vậy là mất cái đức nhân của phụ hoàng ta.



Ðội trưởng vội sai mở gông cho Minh-Ðệ. Công chúa nhìn qua Minh-Ðệ, rồi chỉ ghế:



– Người ngồi đó đi!



Nàng gọi thiếu niên:



– Anh Cảnh-Long, cô này đẹp đấy nhỉ?



– Ừ, cô xinh đẹp thực, đâu kém gì biểu muội.



Minh-Ðệ nhủ thầm:



– Thì ra Thế tử Thân Cảnh-Long với Công chúa Thiên-Thành thực. Mình đoán không sai.



Một viên đô thống cầm bao thư đọc xong, ông ta cung tay nói với Công chúa Thiên-Thành:



– Khải tấu công chúa. Có một sự kiện rất lạ, là Kinh-lược-sứ lộ Kinh-Bắc gửi thư nói rằng tuân lệnh của Khu-mật-viện sứ lĩnh Tả-thiên ngưu-vệ thượng tướng quân Cổ-am hầu tên Ðoàn Quang-Minh, truyền giải tội nhân về cho Khu-mật-viện. Nhưng trong Khu-mật-viện đâu có vị tướng nào tên Ðoàn Quang-Minh?