Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên
Chương 2 : Hoa nở gặp phật
Ngày đăng: 08:44 19/04/20
Hoa nở gặp Phật. Phật ở nơi nao? Giữa chốn đồng không mông quạnh cỏ cây tàn tạ, một ngọn cỏ
xanh non là Phật, giữa đêm tuyết im lìm không một tiếng động, một chậu
than hồng là Phật; giữa sông bể mênh mang vô bờ, một chiếc thuyền con là Phật; giữa sắc màu đan xen rối rắm, đơn sơ là Phật; giữa tháng ngày
loạn lạc huyên náo, bình an là Phật. Gặp Phật khi nào? Trong năm tháng
đợi chờ hoa nở, giữa phù hoa giữ sự đơn thuần, trong phồn tạp tĩnh tâm
dưỡng tính, sẽ có thể gặp Phật.
Nhân sinh như một bình thiền trà
Sau này mới biết, trong lòng chúng sinh, trà có mùi vị khác nhau. Thứ trà
mới dùng nước tinh khiết đun sôi trong bình đó, quẩn quanh giữa răng và
môi của trà khách, uống xong, có người cảm thấy đắng như sinh mệnh, cũng có người thấy nhạt như gió lành.
Trà có đậm có nhạt, có nóng có
lạnh, có buồn cũng có vui. Dùng một trái tim trần tục để thưởng trà, khó tránh khỏi chỉ chăm chăm vào sắc, hương, vị, mà thiếu đi một phần thanh đạm và chất phác. Trà có ngàn vạn vị, thậm chí hoà lẫn với thế sự và
cảm tình. Dùng một trái tim siêu thoát để thưởng trà, thì có thể ung
dung tận hưởng sự tĩnh lặng tuyệt mỹ của mây bay ngang trời, của nước
biếc không gợn sóng.
Trà, bắt nguồn từ tự nhiên, trải tinh hoa
năm tháng, tắm thử thách xuân thu, từ đó mà có linh tính như phách hồn
non nước. Trà có thể dùng để gột bỏ bụi trần, gạn lọc tâm tình, kết nối
thiện duyên. Cho nên, người biết cách thưởng trà, cũng là một người tình nguyện để bản thân sống một cách giản đơn và thuần khiết. Hãy tin rằng, thiền là một cảnh ý, có những người dùng cả đời cũng không thể rũ bỏ
chấp niệm, ngộ được bồ đề. Mà có những người chỉ dùng thời khắc của một
ly trà, cũng có thể bước ra từ vạn điều hỗn tạp, trở nên tinh khiết như
hoa sen.
Đời người có bảy nỗi khổ[1], chúng sinh lưu lạc trong
nhân gian, nếm hết mọi đắng cay, đổi lấy vị ngọt ngào. Phồn hoa ba ngàn, nhưng cuối cùng đậu lại trần ai, giống như màn đêm trút bỏ lớp trang
sức của ban ngày, trầm tĩnh mà yên ắng. Thời gian trôi qua như một cái
búng tay, năm nào còn quan tâm được mất, tính toán bại thành, giờ đều đã thành khói mây qua mắt. Bất cứ khi nào, bờ bên kia đều chỉ cách một
bước chân, lạc lối biết quay lại, trời sẽ quang đất lại rộng dưới chân
mình.
[1] Bảy nỗi khổ của đời người theo quan niệm của nhà Phật
là: Sinh, lão, bệnh, tử, oán hận mà phải ở cạnh nhau, yêu nhau mà phải
ly biệt, cầu mà không được.
“Tâm kinh[2]” viết: “Vô quải ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Nhất thiết tuỳ duyên,
nhất sinh tuỳ duyên, phương đắc tự tại.” (Tâm không uế chướng, nên không sợ hãi, vượt khỏi sai lầm. Tất cả tuỳ duyên, một đời tuỳ duyên, mới
được tự tại) Một người ngoan cố níu giữ cả đời không buông, không thích
hợp tu hành. Một người si mê nhân quả, cũng không thích hợp tu hành. Trà có Phật tính, giống như mây in bóng nước, vài chén trôi xuống ruột, đầu óc liền thảnh thơi. Cho nên người ta tu hành thường thích cả ngày chìm
đắm trong trà, vứt bỏ tạp niệm, chứng ngộ tâm bồ đề.
[2] “Tâm
kinh” tên đầy đủ là “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh” hay còn gọi là “Bát Nhã Tâm kinh”, đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của
Phật giáo Đại Thừa và Thiền tông.
Trời đất mênh mông, chúng ta
như cọng cỏ. Không khiến bản thân kinh động thế giới, cũng không để thế
giới kinh động bản thân. Khi con người chào đời, vốn chẳng có hành lý,
cứ đi thêm một đoạn đường, lại mang thêm một tay nải. Mà chúng ta gói
ghém thế tục thế nào, để có thể chuyển thành hành lý Thiền? Chỉ có dùng
một trái tim thanh tịnh, nhìn ngàn vạn thế thái nhân tình, mới có thể
xoá bỏ định kiến, vui vẻ an nhiên.
Trà có bốn đức, từ bi hỉ xả.
Cái gọi là “Vân Thuỷ Thiền Tâm”, tức là trong một ly trà trong, thưởng
được chân ý có sinh ắt có tử, có tụ ắt có tán, có tươi ắt có héo. Nên
biết trong bi thương sẽ có hạnh phúc, trong mất ắt có được. Một người từ bi với chính mình, mới có thể từ bi với vạn vật.
Thời gian như
nước, phẳng lặng là tươi đẹp. Ngày tháng như sen, bình dị là tao nhã.
Thưởng trà cũng là tu Thiền, cho dù là hồng trần huyên náo hay núi non
tĩnh lặng, đều có thể trở thành đạo trang tu hành. Khắc chế dục vọng,
đánh đuổi phiền nhiễu, không bi quan, không trốn tránh, đó là một cách
sống giản đơn. Tự tại an nhiên, cho dù là một trái tim chật hẹp, cũng có thể chuyên chở vạn vật khởi diệt[3].
[3] Khởi diệt: Thuật ngữ Phật giáo, chỉ nhân duyên hoà hợp mà sinh ra, và vì duyên hết mà tiêu diệt.
Tất cả tình duyên trên thế gian đều có số kiếp cả. Kẻ có tình chưa chắc có
duyên, kẻ có duyên chưa chắc có tình. Tuỳ duyên là an, có thể ngộ đạo.
Nước trà rửa tâm, tâm như gương sáng, một người chỉ cần nhìn rõ bản thân là có thể nhận biết thế giới vô thường. Khi ý loạn tình mê, đừng để đến lúc hoảng loạn. Tĩnh tâm ngồi Thiền, ngày mai sẽ như hẹn mà đến. Hoa
xuân vẫn đẹp như xưa, trăng thu vẫn tròn như thế.
“Kinh Kim
Cương[4]” viết: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị
lai tâm bất khả đắc.” (Tâm quá khứ không thể có, tâm hiện tại không thể
có, tâm tương lai cũng không thể có) Chúng ta không nên vì một bi kịch
định mệnh mà lựa chọn đau thương, nhưng cũng không thể vì sự việc viên
mãn của tương lai mà bỏ việc tu hành. Thưởng trà, là để tu tâm, hiểu
thấu thiền ý trong tịnh thuỷ không bụi trần để chúng ta không bị mê
hoặc, tránh khỏi sự trôi dạt vô nghĩa kia, kịp thời đến bến bờ thanh
tịnh.
[4] “Kinh Kim Cương”: tức “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa
kinh”, một bộ kinh quan trọng thuộc hệ Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh, được
lưu truyền rộng rãi ở vùng Đông Á.
Thưởng trà có thể khiến người
ta tha thứ lỗi lầm, có được sự thanh thản trong mỗi ly trà. Đời người
thực sự hoàn mỹ khi chừa lại khoảng trống, khoảng trống tức là “không
minh” mà Phật gia nhắc tới. Nhân gian là một sân khấu thể hiện cái tôi
tốt nhất, nếu như có một ngày kịch đến hồi kết, một khi đã siêu thoát,
hãy buông bỏ tất cả, đừng như bị đẩy vào ngõ cụt. Phải tin rằng, khi
không có lựa chon khác, sẽ có lựa chọn tốt nhất.
Vô pháp vô
thường, duyên khởi tính không. Vạn vật vì duyên hoà hợp mà sinh, cũng vì duyên mà diệt. “Văn vân thu[5]” tức là lúc chim mỏi cánh quay về tổ.
Phật nói bể khổ vô biên, quay đầu là bờ, mỗi một lần trở lại đều là quay đầu, mỗi một lần qua sông đều là chèo thuyền. Cho dù con đường phía
trước có bao xa, xoá bỏ ngã chấp, sau đó ăn gió uống sương, biển trời
mênh mông, đều là chốn về.
[5] Văn vân thu: Mây chiều ngưng lại.
Nước lặng chảy sâu, người đơn giản nội tâm thanh thản, càng dễ dàng thẩm
thấu Thiền lý. Tu Phật cũng như thưởng trà, uống một ly trà từ đắng đến
không có vị, đó là cảnh giới của Thiền. Đời người cũng nên bỏ phức tạp
lấy giản đơn, nương theo thế sự, tâm trước sau như sen, yên tĩnh hé nở,
lại giống như ngàn vạn khe suối, cuối cùng đều đổ về một dòng sông, róc
rách trong vắt, giản dị yên bình.
Uống trà, cần một trái tim
thanh đạm. Cho dù ở chốn phố chợ ngựa xe sầm uất cũng có thể cảm nhận
được sự thanh nhã của gió xuân lướt qua tai, của nước thu gột bụi trần,
của mây trôi ngoài cửa, của chim bay qua thềm. Hương khói xoay vòng, như có như không, giải nghĩa nhân sinh như hư như thực. Trên bàn, một chiếc mõ gỗ, vài quyển kinh thư nằm yên, còn có tràng hạt vương vãi, dưới ánh trăng nhàn nhạt, xa cách lạnh lẽo.
Mây gió thế gian biến ảo khôn lường. Phật gia chú trọng nhân quả luân hồi, cho dù là vật chuyển sao
dời, cũng có một ngày đều khói tản mây tan, trở về cát bụi. Như trà,
chất chứa tinh hồn của vạn vật, rót vào trong chén, trước sau một sắc,
trong vắt thấu tỏ.
Siêu thoát không cần dũng khí và quyết tâm, mà cần thiện ý và thanh tĩnh. Ngày ngày những dòng chảy hối hả, vinh nhục
phàm trần mà chúng ta nhìn thấy, kỳ thực đều chỉ là một vở kịch. Một nhà tu hành chỉ có đủ thiền định mới có thể bước ra khỏi con đường nhân
sinh tù túng, ngắm mây tụ đồng xanh, nhạn đậu cát bằng.
[15]Thuỷ Thiên Phật
quốc: Thuỷ Thiên là tên của thiên thần, tiếng Phạn là Varuna, là một
trong mười hai thiên Mật giáo, một trong Tám thiên hộ thế. Tức thần trấn giữ phương Tây, Phật quốc vừa là đất Phật, vừa chỉ chung chùa chiền. Ở
đây Thuỳ Thiên Phật Quốc được hiểu là xứ Phật.
Tại sao Phật có
thể buông bỏ oán tình cá nhân, bác ái hồng trần, mà thế nhân lại đắm
chìm trong ái tình cỏn con của mình, luôn rơi vào cảnh ngộ không cách
nào giải thoát nổi, là vì tu vi không đủ, hay là số mệnh đã định phải
trải hết trần kiếp, mới có thể tránh được vòng luân hồi nhân quả? Đời
đời kiếp kiếp, dòng Vong Xuyên của năm tháng chưa từng dừng lại mà vẫn
hối hả đến và đi.
Nhân sinh hữu tình, cho nên mới có vương vấn,
mới có phiền não. Phật nói, ngoái đầu nhìn nhau năm trăm lần mới đổi
được cái lướt qua nhau của kiếp này. Cái gọi là duyên định ba kiếp, một
vài cuộc gặp gỡ dường như đã được sắp xếp từ kiếp trước, cho nên, kiếp
này tình vương không dứt. Phật khiến chúng sinh hiểu được thương tiếc
duyên phận, trân trọng tình cảm, nhưng cũng khuyên răn chúng ta không
nên mù quáng mê đắm, trên con đường năm tháng vô bờ, đánh mất bản chất
chân thực của mình.
“Kinh Nghiêm Hoa[16]” viết: “Hết thảy chúng
sinh đều có trí tuệ và đức tướng giống Như Lai, nhưng vì vọng tưởng và
chấp trước, cho nên không thể chứng ngộ.” Không thể ung dung tự tại, là
vì không thể dứt tình. Vì vậy mới gọi là bể khổ vô biên, quay đầu là bờ. Có tình là bể khổ, vô tình là bờ. Đại Thiên thế giới, mọi thứ đều là
khổ, mà người ở ngoài cõi thế, coi mọi nỗi khổ thành niềm vui; coi hữu
tình thành vô tình. Cho nên chúng ta luôn có thể cầu được yên tĩnh giữa
chốn huyên náo; đạt được vui sướng giữa mọi niềm đau.
[16] “Kinh
Ngiêm Hoa”: Tên đầy đủ là “Đại Phương Quảng Phật Nghiêm Hoa Kinh”, là
một bộ kinh Đại Thiền, lập giáo lý căn bản của Nghiêm Hoa tông.
Trước khi buông bỏ, đều có một quá trình cố chấp. Quá trình này, có lẽ không
phải là phượng hoàng Niết Bàn[17], nhưng cũng phải kinh qua vô số lần
bãi biển hoá nương dâu. Trước khi Phật Đà A Nan xuất gia, từng gặp gỡ
một thiếu nữ xinh đẹp trên đường, chỉ một lần như thế, từ đó mà đem lòng ngưỡng mộ lưu luyến không nguôi. Phật Tổ hỏi người: “Con thích cô gái
đó đến nhường nào?” A Nan đáp: “Nguyện hoá thành cây cầu đá, chịu năm
trăm năm gió thốc, năm trăm năm nắng đổ, năm trăm năm mưa sa, chỉ mong
người con gái đó đi qua cầu.”
[17] Theo truyền thuyết, khi phượng hoàng Niết bàn, tức là phượng hoàng nhảy vào lửa đỏ, rồi tái sinh từ tro tàn.
Nặng tình đến thế, bây giờ chỉ có thể coi là một thần thoại. Yêu đến nhường
nào mới có thể chịu đựng được thời gian dài đằng đẵng? Đừng nói là năm
trăm năm, cho dù là ba năm hay năm năm cũng khó mà giữ được. Khi yêu,
cam tâm tình nguyện tồn tại vì một người. Đến ngày hết yêu, lại hy vọng
xoá bỏ mọi ký ức liên quan, toàn thân thanh tịnh.
Có lẽ rất nhiều người đều muốn biết, sau khi A Nan quy y cửa Phật, có còn nhớ lời thề
ước ban đầu hay không? Đợi đến khi thiếu nữ xinh đẹp đó thành một bà lão tóc trắng phau phau, người còn tình sâu không đổi như cũ chứ? Người có
lẽ có thể hoá thành cầu đá vì nàng, hóa thành non xanh nước biếc, hoá
thân ngàn vạn lần, người cũng có thể thanh tịnh không vướng bận gì. Nếu
như A Nan và thiếu nữ ấy kết một đoạn nhân duyên, liệu có thế trải qua
ngày tháng thanh đạm sớm chiều bên nhau, giữ cho tình sâu ý nặng như ban đầu hay không?
Không có nếu như, cũng như chúng ta không cách gì có được kết quả chính xác từ một lời dự báo. Trong những ngày đánh mất
tình yêu, năm tháng vẫn yên ổn như xưa, tuế nguyệt tĩnh mịch như thuở
ban đầu. Nhưng những chuyện cũ tưởng chừng có thể lãng quên đó, lại
không thế quên nổi dù chỉ là một chuyện, nhưng không thể tính toán, đành thuận theo tự nhiên. Thế sự rối rắm, bạn coi một vở kịch là thật, vậy
thì tất cả thành thật. Bạn coi cuộc sống là giả, vậy thì tất cả đúng là
giả.
Thái độ sống của mỗi người khác nhau, cách thức đối đãi với
tình cảm cũng mỗi người một vẻ. Phật dạy con người không nên có quá
nhiều chấp niệm đối với tình yêu, nhưng Phật lại ban phát càng nhiều
tình yêu cho chúng sinh, mà không cầu bất cứ đền đáp nào. Trên thế gian
này luôn có những người phải đợi ngàn cành buồm qua hết, mới nhận ra
phải quay đầu, phải đợi đến lúc chia ly thất tán, mới bắt đầu hiểu được
trân trọng, đợi đến lúc vật còn người mất, mới bắt đầu nhớ nhung.
Ở cung Potala (Bố Đạt La) xa xôi, từng có một vị tình tăng như thế, ngài
tên gọi là Thương Ương Gia Thố, được vạn dân sùng bái. Cho dù Thiền Tâm
thanh tịnh, thấu suốt, nhưng vì tình cảm mà không thể tự chủ. Năm đó
ngài đã từng viết câu thơ khắc cốt ghi tâm: “Thế gian an đắc song toàn
pháp, bất phụ Như Lai bất phụ khanh.” (tạm dịch: Thế gian sao thể vẹn
đôi đường, không phụ Như Lai chẳng phụ nàng) Ngài chính là một vị Phật
nghiêm trang tĩnh toạ trên đài sen, phổ độ chúng sinh, mà trong lòng
không thể quên được cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.
Ở Tây Tạng, nơi
thần bí cao thâm vời vợi, truyền thuyết về ngài như một bản tình ca,
truyền đi hết thảy những nơi có cỏ cây, hồ nước. Rất nhiều người băng
núi vượt sông đi tìm, đi lễ bái, không chỉ vì tín ngưỡng, mà nguyên nhân sâu xa hơn là vị tình tăng lãng mạn này đã đem đến sự thần kỳ và tươi
đẹp như mộng ảo, khiến thế nhân tin rằng. ở vùng đất thần bí đó, hoa
tình mọc khắp nơi, mỗi dòng sông, mỗi ngọn núi, mỗi chú dê nơi đó, đều
được siêu độ.
Sau này lại có một vị tình tăng, người là chú nhạn
cô lẻ giữa hồng trần, phiêu lãng nửa đời, nếm hết tình vị. Vị tăng già
được tiên đoán số mệnh này, tên là Tô Mạn Thù. Cuộc đời của người, mấy
lần trốn vào cửa Phật, nhưng trước sau chẳng quên nổi trần duyên. Khi
người rời khỏi nhân gian, để lại tám chữ: Hết thảy hữu tình, đều không
vương vấn. Nhưng người thực sự đã đốn ngộ, đã từ bỏ được chưa? Khi còn
sống, người đã phụ biết bao hồng nhan, mỗi lần gây ra hoạ, lại quay
người bỏ trốn. Không phải người vô tình, mà là thực sự không thể gánh
vác trách nhiệm.
Chắc chắn còn rất nhiều vị tình tăng chúng ta đã biết, và cả những người chúng ta chưa biết, họ có phẩm chất như hoa
sen, là một hạt cải giống trước Phật, lại là một đoá hoa sóng trong biển tình. Những người này cho dù là ngồi thiền trước Phật, hay là bôn tẩu
nơi trần thế, sự tu hành của họ, đều là chữ Tình. Quỳ trên nệm bồ đoàn,
dùng thời gian trăm nghìn năm, luân hồi mấy kiếp, đổi lấy nhân duyên một đời, hay một lần tương phùng. Đợi đến một ngày được như ý nguyện, là có thể triệt để cắt bỏ chấp niệm, tâm như pha lê, trong vắt như nước.
Phật nói: “Các hành đều vô thường, tất cả đều là khổ. Các pháp đều vô ngã,
tịch diệt tức là vui[18].”[19] Trong quá trình tu luyện, không phải một
lòng cố chấp vạch rõ giới hạn giữa bản thân với thế sự phồn tạp, mà là
thân ở giữa khói lửa xoay vòng, vẫn có thể trong sáng như tuyết trắng
năm xưa. Đi khắp sơn hà mênh mang, vạn vật phồn thịnh, ai vui nhân duyên thiên tính của người đó, ai cũng không thể thay thế được ai. Những con
đường đã qua, những người đã gặp, những chuyện đã xảy ra, giống như nước sông dào dạt, không thể ngược dòng.
[18] Cùng với “Tịch tĩnh Niết Bàn là Tam pháp ẩn trong Phật giáo.
[19] Tức là diện mạo, chân tướng vốn có.
Rốt cuộc bạn còn cố chấp điều gì? Đã biết rõ, mỗi người đều là hạt bụi nhỏ
nhoi giữa đất trời, có một ngày không biết sẽ về đâu. Phật Đà A Nan dù
hoá thân thành cây cầu đá, chịu trăm ngàn năm gió thốc nắng đổ, há chẳng biết người thiếu nữ ấy đã chịu luân hồi cũng năm tháng hay không? Có lẽ nàng đã hoá thân thành bụi trần ở một kiếp nào đó, tan thành tro bụi,
không hồn không phách. Có lẽ nàng hoá thành hoa sen ở một kiếp nào đó,
tu thành chính quả trước Phật, cũng không cần chuyển thế đầu thai nữa.
Hết thảy hữu tình đều sẽ trôi qua. Trên ngả đường mây khói nghìn trùng, lời nào cũng không cần nói. Khi cáo biệt, cũng không cần ngoái nhìn. Sát na quay người, xin hãy khắc ghi quãng thời gian chúng ta đã từng đi qua
đó.