Ngã Vi Trụ Vương Chi Ngạo Khiếu Phong Thần

Chương 237 : Hà vi Thánh nhân (Vì sao làm thánh nhân)

Ngày đăng: 12:20 18/04/20


Trương Tử Tinh liên tưởng đến miêu tả của Phục Hy về Nữ Oa trước và sau khi thành thánh, chậm rãi nói: "Ta thấy, người một khi lĩnh hội Hỗn Nguyên đạo quả thành công, đạt được cái gọi là đại đạo, làm cho chấp niệm vốn có dần dần biến mất, càng lúc càng không phải là mình nữa, thánh nhân, trở về đến cùng cũng chỉ là khuất phục làm nô bộc của "đại đạo" mà thôi. Nếu như cho ta bỏ đi chấp niệm của mình mà đi lĩnh ngộ cái cái "đại đạo" đó thì ta thà không ngộ."



Câu cuối cùng cũng là lời thật lòng của hắn.



Lão Tử không nghĩ đến Tiêu Dao Tử lại có thể nói như thế, không kìm được lộ vẻ lạ lùng, đâu biết câu tiếp theo của Tiêu Dao Tử lại càng thêm kinh người: "Đã là bình tâm luận đạo ta cũng không sợ đắc tội với đạo hữu. Ngoài tôn sư Hồng Quân, ba vị huynh đệ đạo hữu, hai thánh nhân Tây Phương Giáo thêm vào Oa Hoàng cung thánh nhân tổng cộng có sáu thánh nhưng ta cho rằng danh xưng thánh nhân này đều là giả thánh! Cho dù có đại thần thông có thể phá tan hành tinh, mở lại thổ thủy hỏa phong thì cũng không thể xứng là "Thánh"!"



Lão Tử chưa từng nghĩ đến có người dám nói những lời to gan đến thế, mà còn là nói ra trước mặt Nhân giáo thánh nhân như mình! Lão Tử dẫu sao tu vi cũng rất sâu, nháy mắt đè nén vẻ kinh nộ xuống hỏi: "Nếu theo lời của đạo hữu thì như thế nào mới gọi là thánh nhân?"



Trương Tử Tinh lặng lẽ nhìn vào mắt Lão Tử, cái nhìn mang theo vẻ mãnh liệt đáp lời: "Bần đạo cho rằng, thánh nhân vốn nền móng là người, phải lấy người mà nhập "thánh", nếu ỷ vào đại thần thông, buộc người ta phải tôn kính thì chỉ có sức mạnh của thánh nhân mà không có đức hạnh của thánh nhân, dựa vào cái gì mà xưng là thánh nhân? Nếu như bồi dưỡng đạo đức thanh cao, tài trí siêu phàm, mọi người mới thực sự khâm phục, thành tâm tôn trọng. Ai cũng tự giác lấy đó mà hạn chế hành vi của mình, lấy đức đó mà giảm bớt sai lầm của bản thân, điều hòa cái ác, dừng họa chiến loạn, làm cho bốn biển thái bình vạn dân yên vui ...... thế mới có thể gọi là thánh nhân! Lấy đạo của đạo hữu mà xem thì chỉ là nghĩa hẹp của "thánh", không phải là "thánh nhân" chân chính trong lòng ta."



Lão Tử nghe hết toàn bộ "luận về thánh nhân" này của hắn trên mặt lộ ra vẻ trầm tư, thần sắc cũng dần dần dịu lại, rất lâu sau mới mở miệng nói: "Tiêu Dao đạo hữu nhìn nhận về thánh nhân chính lấy nhân đạo làm cơ bản mà không phải phải là thiên đạo, bần đạo quả thực chưa từng nghe thấy, cũng có vài cảm ngộ. Thiên đạo cũng tốt, nhân đạo cũng tốt, đều là hành đạo vậy. Bần đạo suy xét thế này ngược lại còn rơi vào chỗ tầm thường."



Trương Tử Tinh đối với Lão Tử thân là thánh nhân mà vẫn có thể trước mặt mình tự thừa nhận chỗ thiếu sót cũng có vài phần kính phục nói: "bần đạo cũng biết lời này quá to gan, nhưng lấy quan điểm "tề vật ngã, tề thị phi, tề sinh tử, tề quý tiện" mà xem xét thì thánh nhân, tiên nhân và phàm nhân đều không hề khác biệt, vì thế lời nói có chỗ mạo phạm, còn phải mong Huyền Đô đạo hữu thông cảm."



Trong thế giới phong thần kỳ dị này Thánh nhân là cái gì? Thiên đế là cái gì? Huyền tiên lại là cái gì? Chẳng qua chỉ là những kẻ có trình độ "tiến hóa" đạt đến đỉnh cao nhất của kim tự tháp mà thôi. Phẩm hạnh, đạo đức tuyệt không thể phù hợp với chữ "Thánh" kia. Có vài người có thể tiếp cận hoặc đã từng "cố chấp" như thế, cũng có một số hoàn toàn cách xa so với chân lý. Nếu muốn Trương Tử Tinh đánh giá thì Tam Thánh Hỏa Vân động địa vị trong lòng hắn càng cao, có lẽ càng thích hợp với chữ "Thánh" kia hơn.




Nhưng Đát Kỷ vẫn chưa mãn ý, nàng muốn không phải là sự sủng ái "hầu như" chỉ tập trung trên một người mà là hoàn toàn chuyên sủng, độc sủng, tiếp đó là trèo lên bảo tọa hoàng hậu, hoàn toàn hoàn thành nhiệm vụ của Nữ Oa Nương Nương. Vốn dĩ nàng cho rằng mình đã làm được rồi nhưng gần đây phát hiện ra tình hình không giống như thế. Từ sau khi hoàng hậu tam phi chết đi theo lý mà nói trong cung chỉ còn hai vị phi tử, chính là cơ hội tốt nhất để nàng trở thành hoàng hậu, nhưng không ngờ đến Thương Thanh Quân vốn luôn luôn ẩn dấu đột nhiên ra tay, lại có thể chủ động tấn công. Gần đây số lần thiên tử đến Thanh Vân cung dần dần tăng lên, thêm vào bối cảnh đặc thù sau lưng Thương Thanh Quân, biến nàng ta trở thành trở ngại lớn nhất trên con đường phong hậu của Đát Kỷ.



Cổn Quyên vào báo: "Nương nương, đại tướng Phương Mạt ở ngoài cung cầu kiến."



Đát Kỷ từng nghe theo ý kiến của Cổn Quyên, mấy ngày trước lần lượt triệu kiến Phương Mạt và Phí Trọng, đặc biệt hứa hẹn để bọn họ bày mưu định kế đối phó với Thương Thanh Quân, giúp nàng mưu đoạt ngôi hoàng hậu. Hôm nay Phương Mạt đặc biệt cầu kiến, chắc là đã có chủ ý, lập tức trên mặt lộ vẻ vui mừng, triệu hắn vào cung.



Bởi vì trong cung có lễ nghi nghiêm ngặt, cho dù là người thân của phi tử nếu là nam cũng phải có một khoảng cách tương đối khi bái kiến, khi cần thiết ở giữa còn phải treo rèm. Như Phương Mạt thân là ngoại thần lại càng không thể tùy tiện cùng quý phi gặp mặt, trừ lúc thiên tử thiết yến quần thần. Đát Kỷ cũng chỉ nhìn thấy qua Phương Mạt một lần, ngoài ra đều thông qua Cổn Quyên ở ngoài cung cùng hắn liên lạc. Do Phương Mạt có quan hệ với yêu tộc, Đát Kỷ sợ bị nhận ra manh mối nên cũng không dám tự ra mặt gặp hắn.



Hôm nay Đát Kỷ vì việc bày mưu vô cùng bí mật nên mới đặc cách triệu Phương Mạt nhập cung. Tất cả cung nữ xung quanh đều chịu phân phó của Cổn Quyên, lại bị Đát Kỷ dọa dẫm nên không dám tiết lộ chuyện này ra. Để đề phòng vạn nhất, khi nàng cùng Phương Mạt gặp mặt chính giữa còn có một tấm mành ngọc.



Phương Mạt hành lễ xong mở miệng nói: "Khải bẩm nương nương, hạ thần đã có mật kế, tất có thể giúp nương nương thành sự."



Đế Tuấn -帝俊- là thiên đế trong thần thoại thời thượng cổ Trung quốc, tương truyền cùng với vợ là Hy Hòa sinh ra mười mặt trời, mười hai mặt trăng. "Tuấn" 俊trong chữ giáp cốt cùng với "tuấn" 浚giống nhau, mà "tuấn" 浚 lại có nghĩa là "ô" 乌. Tương tuyền mặt trời thực ra là "tam túc kim ô" (con quạ màu vàng ba chân) nên Đế Tuấn cũng phải là loài chim. "Sơn Hải Kinh" cũng có miêu tả Đế Tuấn thích sống cùng với loài chim. Cũng có học thuyết cho rằng âm "điểu" là ám chỉ cơ quan sinh dục nam tính, trong một số phương ngôn cũng có ám chứng. Mà phương diện sinh đẻ của Đế Tuấn cũng rất nổi bật, ngoài mười mặt trời, mười hai mặt trăng còn có một số dân tộc có hai mặt, răng đen, ... –nguồn wikipedia