Ngược Về Thời Minh
Chương 112 : Khởi động
Ngày đăng: 13:22 30/04/20
Một thi thể bầy hầy máu thịt được lôi đến trước mặt Đới Nghĩa, Lý Đạc và Nghê Khiêm.
Đới Nghĩa tới gần quan sát kỹ một hồi, khi thấy cùm sắt, quần áo, hình dáng hoàn toàn không sai biệt, lão buột miệng cười lớn, nói:
- Các vị đại nhân! Tên Vương Cảnh Long này không chịu nổi lao dịch khổ sở, tính trốn khỏi Đế Lăng, không cẩn thận đã bị ngã xuống sơn cốc mà chết, không hề can hệ gì đến chúng ta. Nếu đám đại học sỹ có hỏi tới, vẫn mong các vị có thể làm chứng cho nhau.
Vương Cảnh Long tự tìm đến cái chết, Đới Nghĩa là người vui vẻ nhất. Vừa có thể tránh khỏi liên can, lại có thể lấy lòng xưởng đốc Nội xưởng sắp tân nhậm, sao có thể không vui chứ? Lý Đạc, Nghê Khiêm nghe xong gật đầu lia lịa. Song Dương Nhất Thanh lại đi quanh thi thể mấy vòng, mặt đầy vẻ nghi ngờ, khẽ lắc đầu nói:
- Không đúng! Các vị đại nhân, chuyện này hơi lạ.
Dương Nhất Thanh là người thân tín của Dương Lăng. Giờ đây Dương Lăng thăng chức như thuỷ triều dâng cao, không ai dám tiên đoán tiền đồ của Dương Nhất Thanh sẽ ra thế nào. Đới Nghĩa nào dám xem nhẹ gã, nghe vậy vội vàng khách khí hỏi:
- Dương hiệu úy có cao kiến gì?
Dương Nhất Thanh chỉ vào thây ma nói:
- Xin các vị đại nhân hãy nhìn xem! Mặc dù thi thể này dính đầy bùn đất, nhưng đều do lăn từ trên sườn dốc, bụi bặm cỏ dại trên quần áo lại không nhiều, hơn nữa trên mắt cá chân cũng không có dấu vết xây xước, trên người không có vết roi. Không lẽ Vương Cảnh Long chỉ té ngã mà mọi vết thương trên người đều mất sạch sao?
- A!
Một đốc công đang đứng cúi đầu khom lưng bên cạnh xác chết đột nhiên kêu lên một tiếng kinh ngạc, vội nói:
- Đúng rồi! Đúng rồi! Trước đây không lâu tên khốn này vừa mới ăn roi, trên cổ và vai đều có dấu roi.
Gã vừa nói vừa nhảy lại xé áo thi thể ra. Mọi người đều thấy rõ trên lưng và trên cổ tử thi, ngoại trừ những vết trầy xước do va chạm ra, những chỗ khác hoàn toàn không bị tổn thương gì.
Đới Nghĩa vừa kinh ngạc vừa giận dữ la lên:
- Thay mận đổi đào? Tên nhãi này đã trốn thoát rồi sao? Vậy thi thể này... trên núi nhất định đã có người giúp y trốn thoát. Thôi chết rồi, để khâm phạm này trốn thoát, ta phải quay về bẩm báo sao với Hoàng Thượng đây? Làm sao để Dương đại nhân biết đây? Giờ phải làm thế nào cho ổn đây?
Dương Nhất Thanh thoáng trầm ngâm suy nghĩ, rồi vội nói:
- Trừ chỗ vách núi đó ra, quanh Thái Lăng đều nằm dưới sự canh tuần, giam sát của quan binh Thần Cơ Doanh. Ti chức nhớ là giữa khoảng thời gian này nhân viên ra vào không nhiều. Đới công công, ti chức sẽ lập tức dẫn người truy đuổi trước. Xin công công điều tra bên trong Thái Lăng, không chừng tên thư sinh đó vẫn chưa kịp trốn đi.
Thị lang bộ Lễ Lý Đạc cười lạnh, nói:
- Giỏi cho Vương Quỳnh! Bản thân lão thì đã chạy đến Nam Kinh làm quan, cho dù Vương Cảnh Long có chạy trốn lão cũng sẽ không bị hiềm nghi. Tuy nhiên dám liều lĩnh bất chấp cái giá phải trả để cứu Vương Cảnh Long, ngoài lão thất phu đó ra thì còn ai nữa chứ? Đới công công, môn sinh bạn cũ của Vương Quỳnh ở trong kinh rất nhiều, đối với chuyện lão ta bị giáng chức đều có lòng bất mãn. Vương Cảnh Long trốn thoát, rất có thể hắn sẽ xuôi nam đến Kim Lăng, hoặc trốn đến chỗ huynh trưởng của hắn ở Chiết Giang. Vẫn còn một khả năng khác là... chính là to gan liều lĩnh đi đến nơi mà hắn không nên đến...
Đới Nghĩa giật mình, buột miệng thốt:
- Kinh sư?
Đoạn lão nghiến răng nói với Dương Nhất Thanh:
- Dương hiệu úy! Hãy nhanh chóng tra hỏi những kẻ khả nghi đã ra vào Đế Lăng hôm nay. Lý đại nhân! Nghê đại nhân! Làm phiền hai vị mang người kiểm tra tất cả quan binh thợ thuyền và các địa điểm trọng yếu của công trường có thể ẩu náu được.
Lão vẫy tay gọi một tiểu thái giám thân tín lại rồi dặn:
- Mau cầm lấy tấm thiệp của ta đến Đông xưởng một chuyến, mời Phạm công công sai người kiểm tra mọi con đường dẫn đến các giao lộ lớn nhỏ của Kim Lăng và Giang Chiết, cũng phải chiếu cố kỹ những nhân vật trong kinh có quan hệ mật thiết với Vương Quỳnh.
Kinh sư nằm dưới chân thiên tử. Đới Nghĩa tuy kiêu ngạo cũng không dám điều động kinh quân (quân đồn trú trong kinh - ND) và Ngũ Thành binh mã ty(1) lục soát khắp thành giống như thời Thọ Ninh hầu được vua Hoằng Trị sủng ái, nên lão chỉ điều động những bọn đầu sỏ mà Đông xưởng khống chế âm thầm gia tăng chú ý. Lão thoáng trầm ngâm rồi nói tiếp:
- Còn nữa! Báo với Dương đại nhân một tiếng, bảo y đề phòng cẩn thận.
...
Dương Lăng vuốt chiếc mũi xinh xắn của nàng một cái, đáp:
- Thông minh đó! Hai ngày này tướng công sẽ không cần làm việc vất vả nữa, ngược lại Hoàng Thượng...,
Nghĩ đến tám vị nữ quan mỹ lệ đầy vẻ quyến rũ kèm với ánh mắt như muốn "ăn thịt" người ta đó, y không khỏi cười khổ nói tiếp:
- Ngược lại hai ngày này e là Hoàng Thượng sẽ phải chịu khổ rồi, cũng không biết ngài có vượt qua nổi hay không, hà hà...
Ngọc Đường Xuân ôm bộ đồ tân hôn của mình đỏ mặt chạy về khuê phòng. Tim nàng vẫn còn đang đập thình thịch. Thường ngày nàng chỉ mong sao được gặp lão gia nhiều hơn một chút, nhưng mắt thấy ngày bước vào nhà họ Dương càng lúc càng đến gần, nhi nữ hoài tình, ý nghĩ xấu hổ đó cũng càng lúc càng tăng.
Nàng thu xếp quan phục lại gọn gàng, chờ khuôn mặt bớt nóng, mới rón rén rời khỏi phòng sau. Vừa mới bước vào sảnh chính, đúng lúc Cao quản gia từ ngoài sảnh bước vào, vừa nhìn thấy nàng thì mừng ra mặt, thưa:
- Tô tiểu thư, cô đến thật đúng lúc quá! Đây là phong thư, lão nô đang muốn đưa cho cô đây.
- Thư? Có người đưa thư cho ta ư?
Ngọc Đường Xuân ngạc nhiên hỏi lại.
Lão quản gia cười hùa, đáp:
- Phải, ờ... là một người thân của tiểu thư đó.
Lấy làm lạ, Ngọc Đường Xuân hỏi:
- Người lão nói đâu rồi?
Lão quản gia cười đáp lời:
- Người đó đưa thư xong thì bỏ đi ngay, bảo là trong thư sẽ nói rõ, còn những thứ khác lão thật sự không biết.
Vừa nói lão vừa thầm nghĩ: “vị cô nương này đã sắp trở thành thiếp nhà Uy Vũ bá rồi, trong nhà đột nhiên lòi ra tên thân thích nghèo đến làm tiền, bị hạ nhân như mình biết được thì mất mặt biết dường nào chứ? Thôi thì mình cứ làm ra vẻ hồ đồ vậy.” Lão quản gia thông thạo sự đời, nói xong liền trao thư rồi kiếm cớ rời đi.
Kinh ngạc nhận lấy thư xong, thần sắc Ngọc Đường Xuân đầy vẻ mờ mịt. Người thân ư? Người thân của mình ở đâu ra?
Nàng ngập ngừng bước vào ngồi trong thư phòng của sảnh chính rồi mở phong thư trong tay ra. Chỉ vừa lướt mắt nhìn qua chữ ký dưới phong thư, nàng liền đứng bật dậy, cả người run lẩy bẩy như thể đang gặp phải một nỗi khiếp sợ dị thường.
Chu Ngạn Hưởng, Chu Ngạn Hưởng! Không ngờ người cha ruột của nàng lại từ trên trời rơi xuống xuất hiện trước mặt nàng, khúm núm ghi thẳng tên với con gái của chính mình. Cái tên này gắn liền với nỗi đau và nước mắt của nàng đã chôn vào đáy lòng quá lâu quá xa, giờ chợt xuất hiện khiến lòng nàng bị chấn động mạnh, đầu óc quay cuồng. Nàng vội vã vịn vào bàn, nước mắt không kiềm được đã rơi xuống từng dòng lã chã: "Tại sao là ông ta? Tại sao lại là ông ta? Ông ấy còn đến tìm mình để làm gì?"
Ngọc Đường Xuân cố ép mình phải quên, nhưng trước giờ nàng chưa bao giờ thật sự quên được, chưa quên được cái tên này, chưa quên được người cha ruột đã mang đến cho nàng thân tình và tình thương của người cha, vừa lại nhẫn tâm đẩy nàng vào nơi hố lửa, chưa quên được kẻ đọc sách nghèo khó vô lương, ăn uống chơi bời này.
Từ khoảng khắc nàng lưu lạc vào trốn phong trần ấy, nàng đã quyết định quên hết mọi thứ về con người đó, thậm chí quên cả cái tên gốc của chính mình, cái tên thật đẹp mà nàng đã không xứng đáng có: Chu Ngọc Khiết.
Ngọc Khiết, băng thanh ngọc khiết (ngọc ngà trong trắng - ND), người con gái lưu lại chốn phong trần còn xứng được gọi cái tên này sao? Nàng được gọi là Ngọc Đường Xuân, gọi là Tô Tâm, là Ngọc Tỷ Nhi. Giờ đây, khi nàng đã rửa sạch phấn son, chuẩn bị trọn đời trọn kiếp bầu bạn với lang quân của nàng, truy tìm hành phúc của chính mình thì tại sao ông ấy lại tìm đến cửa chứ?
Hai mắt đẫm lệ, Ngọc Đường Xuân cầm phong thư lên, thút thít đọc...
Chú thích:
(1) Năm Vĩnh Niên thứ hai (tức năm 1404), triều đình thiết lập ty chỉ huy quân đội Bắc Kinh. Sau khi đóng đô ở Bắc Kinh phân ra lập thành ty binh mã Ngũ thành (Ngũ thành binh mã ty), tức năm thành Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc. Chỉ huy ty binh mã Ngũ thành là quan có hàm Chánh lục phẩm. Mỗi ty thiết lập một chỉ huy, bốn phó chỉ huy và một tiểu lại phụ trách trị an các loại, tương đương với khu cảnh vệ Bắc Kinh và cục công an bây giờ.
(2) giống phòng hành chính và tài vụ, tạp vụ.
(3) phòng nghỉ cho quan lại trước khi thiết triều