Ngược Về Thời Minh

Chương 13 : Sư gia danh dự

Ngày đăng: 13:20 30/04/20


Dương Lăng ngồi trong phòng công vụ, đờ người nhìn chồng hồ sơ các vụ án dày cộm xếp trước mặt. Y rất muốn lập tức xắn tay vào làm việc, nhưng lại giống như một tay ngang phải đối diện với đống lưới đánh cá rách nát quấn chằng chịt vào nhau, căn bản không biết phải bắt đầu từ đâu.



Nếu bạn suy nghĩ một tí về những công việc mà một huyện thái gia cần phải phụ trách là sẽ biết thôi, nó không giống như ở trên ti vi, ông ta nhàn rỗi ngồi ở thất phẩm chính đường (sảnh đường lớn nơi quan thất phẩm như huyện lệnh thăng đường chủ trì xử lý kiện cáo, vv…) mà đập phán gỗ cốp cốp đâu.



Tài chính này, thuế vụ này, giao thông này, luật pháp này..., tất cả mọi việc trong huyện đều phải qua tay huyện thái gia giải quyết. Lẽ ra ngoài Huyện thừa, Chủ bạ, huyện thái gia còn có một đám sư gia về luật pháp, về tiền lương, về kiện cáo. Vậy mà giờ đây, Mẫn huyện lệnh, cái lão huyện thái gia gà mờ này lại đem tất tần tật vất cho Dương Lăng. Cho dù là một tay sư gia dồi dào kinh nghiệm đi chăng nữa, e rằng nhất thời cũng phải tay chân bối rối.



Phòng công vụ gồm ba gian phòng ăn thông với nhau như một xâu hồ lô đường. Thông thường bọn sư gia, phụ tá của huyện thái gia đều ngồi ở đây xem xét công văn, xử lý mọi việc. Phía trước phòng công vụ chính là thất phẩm chính đường, nơi huyện thái gia thẩm vấn và xử án, còn phía sau là nơi ở của cả nhà huyện thái gia.



Từ khi giúp nhà họ Mã giải quyết vụ kiện cáo liên quan đến mạng người kia xong, Dương Lăng được Mẫn huyện lệnh rất mực tán thưởng, lập tức được mời vào phủ đảm nhiệm chức vụ sư gia. Đang ảo não vì mình ăn không ngồi rồi, để cho một tiểu cô nương nuôi dưỡng thực là quá vô sỉ, nên y đã vui vẻ chấp nhận ngay.



Có điều vì ánh mắt ai oán của Hàn Ấu Nương, y đành phải nói rõ với Mẫn huyện lệnh rằng chỉ tạm thời làm sư gia, đến kỳ khảo thí sang năm y vẫn sẽ lên tỉnh thành tham gia thi Hương. Mẫn huyện lệnh cũng đồng ý ngay lập tức.



Thật ra y cũng tự biết mình chẳng sống được bao lâu. Ngày thường đi dò hỏi người ta, y cũng biết ở thời đó cho dù có thi đỗ Trạng nguyên đi chăng nữa, cùng lắm thì cũng sẽ chỉ được ở lại kinh thành làm một chân sử quan ở viện Hàn lâm, nếu có thể lập tức được cử đi làm một viên tri huyện đã là tốt lắm rồi, tuyệt đối không thể nào được cử làm quan to. Hiện tại cũng chỉ vì tình cảm với Hàn Ấu Nương và trách nhiệm của người đàn ông nên y mới muốn cố gắng để lại cho nàng một phần gia sản mà thôi, chẳng muốn tham gia thi hương làm gì. Chỉ có điều y không thể chống lại được tình cảm dịu dàng của nữ nhân. Tuy tuổi còn nhỏ mà Hàn Ấu Nương đã có một đôi mắt đầy u oán, đủ khiến y phải thay đổi ý định. Ít ra thì biểu hiện bên ngoài của y là như vậy.



Mẫn huyện lệnh xuất thân quân đội, thân tín đem theo cũng đều là dân đi lính, có thể nói là mù tịt với việc quản trị một huyện. Trong huyện vốn còn có một tay Hoàng huyện thừa, nhưng kẻ này cũng chẳng để ý gì tới Dương Lăng, cả ngày chỉ như một pho tượng đất. Nếu không phải vào ngày phát lương hằng tháng còn thấy lão ta ôm theo cái bao rỗng chạy tới lĩnh tiền lĩnh thóc, nhất định sẽ chẳng thấy bóng dáng của lão ta ở đâu.



May là ở Kê Minh dân chúng thuần phác, hơn hai năm qua vẫn chưa có sự việc gì quá nghiêm trọng. Có điều cuộc khảo hạch ba năm một lần đã sắp tới gần, lúc ấy triều đình sẽ kiểm tra thành tích của các quan viên. Mẫn huyện lệnh mặc dù tính tình thô lỗ, nhưng cũng không khỏi có chút tính toán riêng cho bản thân.



Trong đợt đại khảo thí này của triều đình, thành tích được tính như thế nào đây? Thật ra nó không nằm ngoài hai thứ: một là sự thanh liêm, sáng suốt, hai là thu thuế đúng hạn. Về phần thanh liêm, sáng suốt thì chỉ cần không có nông dân gây loạn, thương nhân bỏ chợ và thư sinh kháng nghị, đồng thời không xảy ra vụ trọng án nào, đã có thể báo cáo là một cảnh thái bình thịnh vượng, "ngoài đường không trộm cắp, tối ngủ khỏi cài then" rồi.



Kê Minh có hai đội quan binh trú đóng, cộng thêm sở Dịch thừa, bọn sai dịch của huyện nha, là một huyện bậc ba quản lý rất nghiêm, hai năm qua chưa từng xảy ra chuyện lớn nào. Thế nhưng về mặt thu thuế đúng hạn thì không được như vậy. Vì là vùng đất có nhiều thương khách tụ tập nên thu thuế buôn ở đây thì còn có thể đúng hạn, nhưng các hộ dân cư phụ cận phần nhiều là sống ở trong núi, bình thường vốn sinh sống rải rác, không dễ quản lý. Hơn nữa đất đai cằn cỗi, bọn Thát Tử lại thường đến quấy nhiễu cướp bóc, cho nên lương thuế giao nộp không được như ý, đến lúc đại khảo không khỏi trở thành điểm yếu của Mẫn huyện lệnh.


Dương Lăng cảm thấy bất ngờ khi thấy Hoàng huyện thừa cũng ở đây, đã gặp mặt đành phải khách sáo chào hỏi một hồi. Mã Ngang bị giam trong đại lao hơn chục ngày, tính khí nóng nảy cũng đã bớt được không ít. Thấy ân nhân cứu mạng xuất hiện, vẻ mặt của hắn trở nên rất thân mật, bước đến cầm tay Dương Lăng tạ ơn không ngớt.



Dương Lăng và Mã Ngang đều là thanh niên trẻ tuổi, có điều một người thì đầy vẻ văn nhân, nho nhã lịch sự, một kẻ thì khôi ngô cường tráng, mày rậm mắt to, không ngờ lại khá hợp chuyện, đúng là có phần kỳ lạ.



Hôm nay Mã Liên Nhi chỉ trang điểm nhẹ, trông rất dễ thương, nhưng khi nhìn Dương Lăng, khuôn mặt mỹ lệ lại tỏ ra khá mất tự nhiên.



Dương Lăng có nghi biểu bất phàm nên ngay lần đầu gặp mặt, tâm hồn thiếu nữ của Mã Liên Nhi đã có vài phần yêu thích y. Nhưng ngay khi biết được y đã lấy vợ, Mã Liên Nhi chỉ coi y như là ân nhân bằng hữu khác giới mà thôi.



So với nô tì, phận làm thiếp cũng không cao hơn bao nhiêu. Đừng nói y chỉ là một tú tài, cho dù y là tuần phủ một tỉnh đi nữa, tuy chỉ là con gái của một quan chức cấp thấp, Mã Liên Nhi cũng tuyệt đối không thể làm thiếp của y. Do đó tình cảm của nàng vừa mới chớm đã bị dập tắt.



--------------



(1) Phong hỏa đài: đài cao để xông khói ban ngày, đốt lửa ban đêm báo tin có giặc tấn công (ND).



Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn có câu:



烽 火 影 照 甘 泉 雲 Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân



Được nữ sĩ Đoàn thị Điểm (hoặc Phan Huy Ích?) diễn nôm:



Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây. (BT)