Ngược Về Thời Minh

Chương 183 : Vua muốn đi xa

Ngày đăng: 13:23 30/04/20


Quan binh canh giữ những quan ải quan trọng của kinh thành cũng không có nhiều kỵ binh cho lắm, mặc dù là kinh sư cũng không nuôi nổi bấy nhiêu chiến mã mà bình thường chỉ để đó không dùng. Nhưng ngay khi tin vừa được đưa vào nội thành, đề kỵ(1) của Cẩm Y Vệ và mã khoái (sai nha cưỡi ngựa) của Ngũ thành binh mã ty liền tranh đi trước đại quân, đuổi theo ra ngoài thành tới mấy dặm đường, bất chấp tuyết rơi mù trời.



Tuyết lớn khó đi, bọn họ đuổi đến khi cả người lẫn ngựa đều mệt lử thì chợt trông thấy ở đằng trước xuất hiện mấy bóng người lẻ loi trên đường. Đám quan binh vội ghìm ngựa rút đao, dè chừng tiến tới gần mới thấy rõ là vài viên thị vệ Nội xưởng đang đứng bất động trong tuyết.



Đám Ngũ Hán Siêu và Liễu Bưu đang đứng như trời trồng, hồn bay phách lạc: phía trước, một gốc cây khô to bằng một vòng tay bị tuyết nặng đè gãy chắn ngang trên đường, trên gốc cây tuyết xốp phủ đều, hiển nhiên bọn đạo tặc đã đi vòng qua. Thế nhưng tuyết lớn mịt mù, trên đường mất sạch dấu tích, bọn họ chẳng khác gì anh mù cưỡi ngựa lòa, biết đuổi về phương nao bây giờ?



Một tay Cẩm Y bách hộ tra cây Tú Xuân đao(2) vào vỏ, thúc ngựa tiến tới. Khi đến gần, trông thấy người ngồi trên ngựa ở đằng trước là Thiên hộ Liễu Bưu của Nội xưởng, hắn liền vội ôm quyền thi lễ:



- Liễu đại nhân! Có phải đã có tung tích của Dương xưởng đốc?



Liễu Bưu quay đầu lại, thấy sau lưng có hơn trăm quan binh cưỡi ngựa bèn hít sâu một hơi rồi quát bảo:



- Toàn bộ tản ra! Năm người một nhóm, lấy nơi này làm trung tâm tìm kiếm chung quanh, thường xuyên trao đổi tin tức lẫn nhau. Một khi có manh mối của đại nhân phải lập tức phi ngựa về báo, không được tự ý quyết định.



Tay Bách hộ đó vâng dạ rồi dặn dò Cẩm Y Vệ và mã khoái tản vào trong đồng hoang. Một lát sau, thềm nhiều người ngựa lục tục kéo đến lũ lượt gia nhập vào trong đoàn người tìm kiếm.



Dương Lăng bị mang vào đồng hoang cách đường cái mấy dặm. Đôi giày quan của y bị tuyết ngấm vào ướt sũng, đôi giày da trâu này vừa ẩm vừa nặng, y bước đi loạng choạng, đi đến độ mồ hôi đẫm lưng, tim đập như trống. Chợt trông thấy trong gió tuyết có mấy bóng người đang đến gần, Dương Lăng trợt chân, suýt nữa ngã nhào.



Mấy tay quan quân trông thấy trước mặt có người, cũng căng thẳng rút đao thương ra quát lớn:



- Kẻ nào đó? Đứng lại! Cấm đến gần! Người đâu mau lên, ở đây có người, ở đây có người!



Dương Lăng định thần lại, trông thấy những kẻ trước mặt mang mũ tua đỏ trông như quan binh, liền vội quát:



- Ta là Dương Lăng, các ngươi là quan binh của bộ nào?



Mấy tên quan binh đó nghe xong thì bán tín bán nghi, bèn đi tới gần quan sát y từ đầu đến chân một lượt, trông thấy y phục của y lập tức tin tưởng mấy phần, nhịn không được liền hào hứng reo to:



- Tìm được Dương đại nhân rồi! Chúng tôi tìm được Dương đại nhân rồi!



Tay tiểu ngũ trưởng cầm đầu hưng phấn đến độ cả mặt đỏ bừng, "Công to ở ngay trước mắt rồi! Đây quả là ông trời tặng đại lễ mừng Tết cho ta rồi!". Gã chỉnh đốn lại y phục, bước vội tới dùng quân lễ ra mắt, cao giọng thưa:



- Tiêu hạ (như thuộc hạ - ND) là Hạ Đại Niên, Ngũ trưởng của Chấn Uy doanh, tham kiến xưởng đốc đại nhân!



Dương Lăng cười khổ, bảo:



- Miễn lễ, mau đưa bản quan trở về! Thực sự chịu hết nổi rồi.



Tay Ngũ trưởng nọ liền vội đứng dậy rồi cùng với một sĩ tốt cường tráng dìu Dương Lăng nhanh chóng quay về. Tin tức mau chóng lan truyền, quan binh nhanh nhẹn tụ tập về hướng đó, đến khi Ngũ Hán Siêu và Liễu Bưu hay tin, mừng như điên chạy đến nơi thì người dìu Dương Lăng đã đổi thành Tì tướng Lưu Bản Nguyên và Bả tổng Trương Khai của Chấn Uy doanh.



Liễu Bưu mặt mày kích động, dừng bước chân ngắm nhìn Dương Lăng một lúc rồi mới nghẹn ngào:



- May sao xưởng đốc đại nhân... bình an vô sự!



Ngũ Hán Siêu bước đến trước mặt Dương Lăng, hổ thẹn nhìn y, rồi không nói không rằng vén áo bào quỳ xuống tuyết.



Tuy Dương Lăng ngồi nơi ghế cao nhưng lại không hề có thói kênh kiệu vênh vang, lấy thân chủ nhân đãi phận tôi tớ; đó cũng là chỗ khác biệt giữa y và những mệnh quan khác.



Tuy thuật tiết chế kẻ dưới từ xưa quý nhất là ở chân thành, chứ không phải thủ đoạn, coi chúa như thầy, coi vua như bạn, coi việc mất nước cấp bách như việc quân. Thế nhưng thời xưa quan niệm tôn ti trên dưới quá nghiêm, dẫu rằng quan viên có đối đãi rộng lượng với kẻ dưới cũng rất khó lòng tôn trọng thuộc hạ, mà chủ yếu là chỉ ban thưởng tiền tài và danh lợi. Cho nên Trình Bất Thức trị quân nghiêm ngặt, một vạn sĩ tốt dưới trướng ai nấy đều nghe lệnh, còn Lý Quảng cai quản thuộc hạ khoan dung, ấy vậy mà năm nghìn thủ hạ lại có thể chọi năm vạn người, mỗi khi gặp chiến trận ai nấy đều dốc sức liều mạng.



(Xin xem Lý tướng quân liệt truyện – Sử ký Tư Mã Thiên, http://www.saharavn.com/index.php?pa...2773&page_num=)



Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi mà Dương Lăng có thể xem các nội tướng Ngô Kiệt, Hoàng Kỳ Dận, Vu Vĩnh cùng ba vị nguyên Đô ty Thần Cơ doanh và hai người Liễu, Dương là tâm phúc. Bọn họ cũng theo y không rời không bỏ, dĩ nhiên cũng có nhân tố là họ theo y để được tiền đồ như gấm, song quan niệm "sẵn sàng chết vì tri kỷ" của những nhân sĩ này cũng chiếm một phần rất lớn tâm tư của bọn họ.



Về phần Ngũ Hán Siêu, hắn xuất thân võ lâm chỉ mới vừa gia nhập Nội xưởng; uổng cho một thân võ công thế mà lại chưa hề có ý thức làm bảo tiêu. Nay thấy hắn xấu hổ tự thẹn, bộ dạng lôi thôi lếch thếch, Dương Lăng cũng không nỡ trách thêm.



Y bước tới đỡ Ngũ Hán Siêu dậy, mỉm cười nói:



- Minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng, đừng tự trách mình nữa. Có điều sau này phải nhớ kỹ bốn chữ làm tròn bổn phận, không phải chức trách của mình thì không can dự vào. Ngươi là thị vệ cận thân của bản quan, hộ vệ bản quan không bị làm hại chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, việc bắt giặc cứ giao cho nha môn xử án là xong. Nếu như lần sau lại xảy ra việc như vầy, cho dù bản quan không phạt gậy ngươi thì phu nhân của ta cũng sẽ không bỏ qua cho ngươi đâu.
Trở về đến phủ, Dương Lăng vẫn không dám để lộ chuyện bị bắt cóc. Thấy đám phụ nữ trong nhà hớn hở muốn ra ngoài dạo phố, y không nỡ cắt sự hào hứng của bọn họ trong ngày Tết nên đành âm thầm phái người Nội xưởng đi theo làm tùy tùng kiêm bảo vệ. Lần này y không dám lơ là, bốn mươi viên phiên tử vận thường phục được chọn đi theo ba vị phu nhân cùng với Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận đều là những kẻ biết công phu giang hồ, trong người đều nhét nỏ mạnh và hỏa súng ngắn.



Quan viên ở lại trong kinh đều phải tham gia đại lễ tại triều đình, ngoài ra, là người đứng đầu một nhà, bọn họ còn phải chủ trì thu xếp đón ngày Tết cho toàn gia đình, nên ai nấy bận rộn không thôi. Dương Lăng càng bận bịu hơn, bận đến nỗi thậm chí không có thời gian dạo phố cùng ba vị phu nhân. Cả ngày y bôn ba giữa ba xưởng, một vệ và mười hai đoàn doanh, chỉnh đốn quân ngũ, kiểm tra gia thế để tinh lọc, tuyển trạch tinh nhuệ, dùng Nội xưởng làm chủ lực nhằm tuyển chọn tinh binh theo tùy tùng Hoàng đế đến phương bắc. Đương nhiên những việc này đều được tiến hành một cách bí mật, rất ít người biết được mục đích thật sự của y.



Dương Lăng thân vận giáp mềm, khi ra vào thành cũng được bảo vệ canh gác, chận đường nghiêm ngặt. Vốn xuất thân danh môn nên Ngũ Hán Siêu vẫn coi thường việc sử dụng ám khí, song từ dạo ăn phải trái đắng, lúc này ngoài thanh lợi kiếm tùy thân hắn còn kè kè thêm hai bọc phi tiêu Kim Tiền, theo Dương Lăng như hình với bóng, một tấc không rời. Chung quanh y còn có mười hai viên phiên tử bảo hộ công khai và ngần ấy người âm thầm bảo vệ, có thể nói là gió mưa không lọt.



Thị vệ cận thân của Hoàng đế đã có cao thủ đại nội, còn những tinh binh do Dương Lăng tuyển chọn đều là những tráng sĩ trăm người chọn một, kiêu dũng hơn người. Đội ngũ gồm năm nghìn người tinh nhuệ như thế này đủ khiến bất kỳ một đội quân nào cũng phải ghen tị.



Năm trăm nữ kiếm sĩ hộ vệ tùy thân, hai nghìn nội giám quân túc trực luân phiên, cộng thêm dũng sĩ và quan quân hộ giá, thị vệ đại nội, lại còn có một số sư thái là đệ tử thân truyền của sư thái Thủy Vân của am Thủy Vân, đạo sĩ phái Long Hổ Sơn do Bỉnh Nhất chân nhân Đào Trọng Văn tiến cử, một số đạo sĩ của Toàn Chân Long Môn phái, đạo sĩ tu chân ở các miếu Võ Đang được hoàng gia sắc kiến(4), võ tăng ở các chùa chiền Thiếu Lâm được hoàng gia sắc kiến, cao tăng Ngũ Đài Sơn ở Sơn Tây; một đám người đang sẵn sàng đứng trước xa giá chờ nghe hiệu lệnh, thật là quyền thế ngút trời.



Tuyển chọn quân dũng sĩ tinh nhuệ xong, vẫn cần bọn họ làm quen với nhau, phối hợp ăn ý. Dương Lăng thu xếp cho năm nghìn tinh binh này ở trong Thần Cơ doanh, mời Ngũ quân đô đốc phủ và đại nội luân phiên phái người huấn luyện cho bọn họ phép đánh trận và phối hợp chiến đấu. Hôm nay y mới vừa từ trong Thầnh Cơ doanh chạy về, còn phải trở lên Nội xưởng xem thử hành trình xuất kinh cụ thể mà đám người Ngô Kiệt đã chuẩn bị cho Hoàng đế.



Ngựa chạy đến cổng thành, trong dòng người đông nghìn nghịt Dương Lăng chợt nhìn thấy mấy bóng hình quen thuộc. Y chăm chú nhìn, thấy là các cô Hàn Ấu Nương, Tô Tam và Tuyết Lý Mai đang kiễng chân sờ cái ụ đồng trên bề mặt cổng thành, đứng sau lưng là hai người Cao Văn Tâm và Thành Khởi Vận. Nghiêng đầu mỉm cười, hai má ửng hồng, các cô gái ấy xinh đẹp muôn phần, dân chúng đi qua đều trao cho bọn họ những nụ cười đầy thiện cảm.



Quan binh chặn gác cổng thành vẫn còn rất đông, cộng thêm hiện đang là lúc Bá Châu quét cướp, Đại Đồng chống giặc, thế nên thường có quan binh cưỡi ngựa lui tới báo tin. Cách cổng thành không xa là hai đội múa lân múa rồng trống chiên inh ỏi. Đám người Dương Lăng đi từ ngoài thành vào, vẫn chưa thu hút sự chú ý của các cô, có điều Liễu Bưu đứng cạnh mấy vị phu nhân luôn để ý đến động tĩnh chung quanh đã trông thấy y tới. Hắn vội ghé tai nói nhỏ với một người cải trang làm bá tánh thường dân mấy câu, sau đó vòng qua bọn họ tiến về phía y.



Dương Lăng ngồi trên ngựa khom người xuống hỏi:



- Các vị phu nhân đang làm gì vậy?



Liễu Bưu không nhịn được cười đáp:



- Đại nhân! Thuộc hạ đi theo phu nhân vào miếu dâng hương rôi đi dạo phố chợ, thuộc hạ có nhắc đến chuyện mười sáu tháng giêng nữ giới nên leo lên đầu thành, lên tường thành xua tan bệnh tật, chị em bạn dâu qua cầu nhỏ để vượt tai ương, rờ ụ đồng thì sẽ sinh con, còn là con trai nữa. Khụ khụ... mấy vị phu nhân liền đến... liền đến rờ ụ đồng. Thuộc hạ có nói rằng mười sáu tháng giêng mới linh, song Tuyết phu nhân lại nói... đã sẵn dịp ra ngoài, rờ thêm một lần cũng tốt vậy.



Dương Lăng nghe xong thì lắc đầu cười khổ. Y thấy mấy vị phu nhân đang cao hứng như vậy mà lúc này mới là chính ngọ, nếu mình đi ngang qua, bọn họ trông thấy nhất định sẽ theo mình trở về. Hiếm khi bọn họ có dịp ra ngoài như thế nên Dương Lăng không muốn làm bọn họ mất hứng. Y đang do dự không biết có nên tránh đi hay không, bỗng nhiên một hàng người ngựa dừng lại bên cạnh. Một người đàn ông vạm vỡ tuổi trạc tứ tuần, vận áo bào ống rộng, ngồi thẳng trên lưng ngựa, ghìm cương cười hỏi:



- Đằng trước có phải là Dương đại nhân không?



Dương Lăng ngẩng đầu, thấy người đó ria mép đen như mực, áo gấm đai ngọc, thẳng lưng trên ngựa, khí khái hào hùng, hai bên có mấy gia tướng đi theo; cưỡi ngựa bên cạnh là một vị tuổi trạc ngũ tuần, toàn thân vận nho phục cổ tròn, dáng cười toe toét.



Dương Lăng suy nghĩ một lúc mới nhớ ra người này là con trai của Vũ Định hầu Quách Lương, tên là Quách Huân. Tuy vẫn chưa kế thừa tước vị, song vì thân phụ tuổi đã cao, không tiện đi lại, mọi việc đối đáp xã giao đều giao cho ông ta ra mặt, cho nên ông nghiễm nhiên mang thân phận huân khanh. Nhà họ Quách và hoàng thất đã kết thân ba đời, hiện Quách Huân là Chánh đề đốc của Tam Thiên doanh, hai ngày trước Dương Lăng đã từng gặp qua.



Dương Lăng rẽ ngựa sang, chắp tay chào:



- Hóa ra là Quách tướng quân, thất lễ thất lễ! Tướng quân đang muốn ra ngoài thành ư?



Quách Huân cười đáp:



- Hôm nay ba mươi tháng chạp, là ngày phong ấn, nha môn không phải mở cửa làm việc. Vị bạn tốt này của bản tướng lại phải vội vã rời kinh đi nhậm chức, vì vậy ta tiễn y ra ngoài thành.



Dương Lăng thấy Quách Huân trỏ vào người đàn ông tuổi ngũ tuần trông nho nhã và thân thiện bên cạnh, nghe nói ông ta đi nhậm chức quan, lại là bạn thân của Quách Huân nên hẳn không phải là một chức quan nhỏ, bèn vội chắp tay chào:



- Hân hạnh hân hạnh! Vị đại nhân này thực lạ mặt, đã sắp đến Tết rồi, sao không ở lại kinh ăn Tết rồi hẵng đi nhậm chức vậy?



Quách Huân cười nói:



- Không phải đâu! Đại nhân tưởng vị hảo hữu hào hoa phong nhã này của bản tướng là quan văn ư? Vị này họ Trương tên Dần. Chỉ huy sứ Thái Nguyên vệ gặp cơn bạo bệnh mới qua đời, vị hảo hữu này của bản tướng nhận lệnh kế nhiệm vận chuyển vũ khí trang bị và lương thảo từ các nơi đến Đại Đồng. Y đã đến Thái Nguyên nhiều lần, trọng trách nặng vai, cho nên không thể không đi ngay.



Chú thích:



(1) trỏ quan lại truy nã tội phạm



(2) loại đao lưỡi hẹp của Cẩm Y Vệ, xem hình trang phục Cẩm Y Vệ (http://www.forex.com.cn/upload/2010-...4073125912.jpg)



(3) nguyên văn "hưu mộc", nghĩa là “nghỉ để tắm gội”. Lệ xưa làm quan cứ mười ngày được nghỉ một lần để tắm gội, cho nên sau này ngày lễ nghỉ được gọi là ‘hưu mộc nhật’



(4) "sắc" nghĩa chiếu thư của vua; "kiến" nghĩa xây dựng, trỏ công trình dựng nên theo chiếu mệnh vua ban