Ngược Về Thời Minh

Chương 190 : Cuộc chiến tại Trấn Khương qua

Ngày đăng: 13:23 30/04/20


Thành Đại Đồng cao lớn và hùng vĩ, kiên cố và hiểm trở, được trang bị đủ các loại công cụ thủ thành, có thể nói là điển hình cho sự “sống trong yên ổn nghĩ ngày gian nguy” của Đại Minh. Đương nhiên, tính an toàn của nó còn cần phải chờ được thảo luận.



Toàn bộ tường thành Đại Đồng đều được xây trên cơ sở sử dụng đá thanh(*), đá phiến, đá khối và cột đá rồi trét "vữa" gắn kết; bên ngoài lại đắp thêm gạch xanh, loại gạch trung bình một viên nặng 35 cân (khoảng 18 kg). Như vậy, chúng ta có thể thấy được tường thành được xây dựng kiên cố và gian khổ đến chừng nào. (*: loại đá hình chữ nhật dẹp và dài)



Dương Lăng đến dưới chân thành ngửa mặt nhìn lên, không khỏi tán thán: "Hùng vĩ, quả là hùng vĩ! Tường thành hùng vĩ như vậy thực khiến người ta nhìn thấy liền mất hết tinh thần để đánh chiếm! Thật không biết trước đây giặc Thát làm thế nào mà suýt nữa thì đánh chiếm được toà thành lớn như thế này, hại khiến Đại vương phải chạy như bay về kinh thành khóc lóc, kể khổ với vua Hoằng Trị nữa."



Tường chính của thành Đại Đồng cao ba trượng, trên tường chính còn có tường chắn mái, trên tường chắn mái xây thêm tường gạch, lỗ châu mai trong tường gạch là nơi quan sát và là chỗ bắn cung nỏ của tướng sĩ thủ thành. Trên tường thành xây thêm lầu thành, chòi gác, vọng lâu, đứng cách nhau. Mái lầu xây kiểu "cửu tích hiết sơn"(*), bên ngoài có cột mái hiên vây quanh, nhìn thẳng xuống đường cái.



(*: xem hình http://a2.att.hudong.com/34/52/01300...8527826145.jpg)



Những công trình kiến trúc cao thấp chập chùng trên tường thành dựng nên một phòng tuyến đa tầng: quân sĩ có thể quan sát, ẩn náu, di chuyển, bắn tên, tiếp ứng, khống chế từ trên cao; nó cũng cung cấp cao điểm cho tướng lĩnh chỉ huy, điều phối binh sĩ từ trên cao.



Hôm qua Dương Lăng đã phái người thông báo cho vị tuần phủ Đại Đồng là vị quan văn Hồ Toản mà động một tí là đòi sống đòi chết ấy, vì vậy tướng thủ thành trông thấy đại quân của khâm sai đến thì liền vội cho mở rộng cổng thành, thả cầu treo xuống. Đội quân thiết kỵ ào ào chạy ra; Dương Lăng đi giữa đoàn Hỏa Súng doanh.



Tiền quân và trung quân đã ra khỏi cổng thành, hậu quân đang ùn ùn kéo đến. Dương Lăng ghìm ngựa tránh sang một bên, ngoái đầu nhìn vọng lại về phía tường thành nguy nga và đồ sộ. Bên ngoài dãy tường thành hình răng cưa đặc thù đó, y còn trông thấy bốn vọng quân đài(1) đứng lẻ loi và cô độc. Chúng không có lối đi hay thang leo lên, chỉ có thể bắc ván gỗ giữa nóc đài với tường thành để đi lại; có thể dùng để công kích từ sau lưng quân giặc, phối hợp tác chiến và quan sát địch tình. Dương Lăng không khỏi tặc lưỡi cảm thán: "Tường đồng vách sắt có lẽ cũng chỉ thế này mà thôi".



Trong thành, ba trăm đại nội thị vệ đeo phác đao chuôi dài bọc thép và trường cung lợi tiễn đang phóng băng băng về phía cổng thành.



Từ thời Tống đến nay, binh chủng trong quân đội đều được phân định rạch ròi, không giống như quân đội thời Đường: bất kể là trường thương thủ hay đoản đao thủ, ai nấy đều đeo cung tên, bắn xa đánh gần đều được. Còn những binh sĩ mà Dương Lăng chọn ra, cưỡi trên lưng ngựa, đi dưới đất bằng, bắn xa hay đánh gần đều có thể tác chiến, cho nên mỗi người đều mang một cây cung cứng. Những tay đại nội thị vệ này không những võ nghệ tinh thông mà thuật cưỡi ngựa bắn cung càng không phải nói, cho nên bọn họ không chỉ đeo cung trên lưng, mà còn là loại tam thạch cung; đó là một loại cung khá cứng, tên loại cung này có nghĩa là cần phải dùng lực ba thạch (mỗi thạch # 60kg) mới kéo nổi.



Ở phía sau đại quân của Dương Lăng, mấy chục cỗ xe chở những vật phẩm được vận chuyển từ kinh sư và mua ở bản địa để khao thưởng ba quân nối nhau liên miên không ngớt, tốc độ cũng chậm, cho nên lúc này mới vừa ra khỏi cổng thành.



Tì tướng thủ thành còn chưa hạ lệnh đóng cổng thành thì chợt thấy lại có một đội kỵ binh giáp trụ sáng ngời xuất hiện. Trong đội kỵ binh đó có người quát lớn:



- Khoan đóng cổng thành, hậu quân chưa ra hết!



Không để vị tì tướng kịp truy hỏi, ba trăm thiết kỵ cùng hò hét xông qua, tiếng vó ngựa giẫm lên cầu treo vang rền. Ba trăm thị vệ này và những quan binh ở cuối đoàn đều đồng hành cùng nhau đến Đại Đồng, cho nên đã rất quen mặt nhau. Những tay ngạnh nỏ thủ xếp hàng ở cuối không biết chuyện Hoàng đế đang ở trong quân đội, càng không biết Dương Lăng ra lệnh cho ba trăm thiết kỵ đó ở lại, nay trông thấy bọn họ đuổi theo còn tưởng là đại soái thu xếp riêng cho bọn họ áp trận tại hậu doanh, cho nên cũng không hề dị nghị gì.



Tì tướng thủ thành thấy cả bọn ăn mặc và trang bị tương đồng, sĩ tốt hai bên lại quen biết nhau thì không hỏi thêm gì nữa. Đợi kỵ binh xông hết ra khỏi thành hắn mới cho kéo cầu treo lên, cánh cổng thành nặng trình trịch được đóng lại.



Dương Lăng hoàn toàn không hề hay biết hậu quân lại âm thầm có thêm hơn ba trăm tinh binh; giữ tin tức bí mật quá đôi khi cuối cùng lại trở thành sơ xuất lớn. Đại quân tiến về phía trước, hơn một canh giờ sau thì đến phụ cận của Trấn Khương bảo (*). (*: những thành trấn hoặc thôn làng có tường đất bao quanh thời xưa đều được gọi là "bảo")



Thám mã tiền quân đưa tin về, báo rằng Bá Nhan Khã Hãn của Thát Đát đang dẫn thiết kỵ chiến đấu với đại quân của Dương tổng chế bên ngoài quan ải. Dương tổng chế hiện không rỗi để trở về, xin đại quân của khâm sai hãy lên trên ải trước để quan sát chiến trận.



Dương Lăng nghe xong liền phấn chấn tinh thần, lập tức hạ lện tăng tốc tiến lên. Trấn Khương bảo cũng là một quan ải được xây dựa vào núi, chung quanh là trường thành uốn lượn như rồng, cứ cách quan ải hơn hai dặm đường lại có một con đường rẽ dành cho quân tăng viện chạy thẳng lên phong hỏa đài trên núi.



Còn chưa kéo đến Trấn Khương quan mọi người đã nghe thấy tiếng chém giết vang trời ngoài núi. Ngay bên hông lại xuất hiện một con đường rẽ đi lên phía phong hỏa đài. Đài này được xây trên mỏm núi hiểm trở, dễ thủ khó công, cho nên giặc Thát không công kích nó, nhưng từ nơi này đã có thể nghe thấy tiếng chém giết đinh tai.



Dương Lăng lập tức xuống ngựa, hạ lệnh cho đại quân ở nguyên vị trí chờ lệnh, còn mình tự dẫn hai trăm thị vệ lên ải. Lên đến phong hoả đài, một bả tổng chỉ huy lật đật chạy đến ra mắt khâm sai. Dương Lăng vội vàng hỏi:



- Tình hình chiến sự thế nào?



Vị bả tổng này cũng đã đánh giặc đến chán chê. Mặc dù rất kính sợ khâm sai và bên tai là tiếng chém giết rền trời nhưng khi nhắc đến chiến sự, gã vẫn điềm nhiên như không:



- Khâm sai đại nhân! Xin ngài chớ bận tâm, cứ cách hai ngày giặc Thát sẽ lại đến đánh một trận. Sấm to mưa rào cỏn con thôi, bọn chúng không công vào được đâu.



Lúc này Dương Lăng và Trương Vĩnh mới yên tâm, bèn vội vàng chạy đến lỗ châu mai nhòm xuống. Lúc này mặt trời lên cao, ánh nắng rọi thẳng xuống mặt đất, tuyết phủ trắng xoá cả dãy núi, soi rõ hẻm núi lớn bằng phẳng trước ải Trấn Khương, từ trên mỏm núi này nhìn xuống có thể thấy rõ hết mọi thứ.



Giữa núi cao hẻm thẳm vang vọng những tiếng thét gào liên miên không dứt, Dương Lăng và Trương Vĩnh không khỏi khiếp sợ sững sờ bởi khung cảnh trước mắt. Không chỉ bọn họ, mà thậm chí là trong hai trăm chiến sĩ thân quân vốn dũng mãnh không sợ chết có những quan binh chưa từng tham gia chiến trận nơi biên ải cùng với Chính Đức lén dắt theo hai mươi thân binh lên núi nằm ghé mắt vào lỗ châu mai đều tròn mắt líu lưỡi.



Đây chỉ mới là trận chiến sấm to mưa rào cỏn con sao?



Trường thành được xây dọc theo dãy núi quanh co uốn khúc, trước ngọn núi hiểm trở này còn có một hòn núi nhỏ khác, dưới nữa là một khe núi vắt ngang, xa hai dặm về phía trước chính là Trấn Khương quan. Trường thành nơi này hơi vòng nhô ra ngoài, cho nên ở đây có thể quan sát rõ mọi thứ trước quan ải.



Tiếng la hét, tiếng binh khí chạm nhau và tiếng ngựa hoà trộn thành một âm thanh vang trời vọng đất bất tận, âm thanh của từng đợt sóng người và binh khí va chạm lọt rõ vào màng nhĩ, mọi thứ như đang diễn ra ở ngay trước mắt. Do thế núi đặc thù, trên này lăn đá xuống cũng không thể nào đập trúng giặc Thát nên quân Minh trên phong hỏa đài chỉ có thể trơ mắt nhìn bọn chúng ồ ạt xông đến cổng thành ở bên phải của mình.



Hàng nghìn hàng vạn nào người nào ngựa, lúc nha lúc nhúc, lớp trước ngã xuống lớp sau tràn lên công kích quan ải, thi thoảng những tia sáng sắc lạnh của binh khí lại lọt vào tầm mắt. Dương Lăng nín thở, chăm chú quan sát mọi thứ, lặng im thật lâu không nói lời nào. Thậm chí Trương Vĩnh lâu nay quen thói khom lưng, miệng cười siểm nịnh giờ đây vẻ mặt cũng trở nên trang trọng.



Chính Đức siết chặt hai nắm tay, tim như muốn nhảy khỏi lồng ngực, thì thầm:



- Đây là chiến tranh sao?



Lâu nay, những câu chữ trong sách binh thư đã dần hình thành trong lòng Chính Đức tâm lý cho rằng chỉ huy thiên quân vạn mã là cực kỳ oai phong, cực kỳ huy hoàng. Nay trước cuộc chiến tàn khốc trước mắt, tâm lý đơn giản này bị rúng động dữ dội. Đó là sự huy hoàng được tô điểm bởi máu tươi và tính mạng, tàn khốc biết dường nào: mấy vạn nhân mã đang chém giết nhau trong hẻm núi và giữa băng tuyết hoang vu ngoài quan ải.



Trên thế giới này, chỉ có loài người là bậc tinh anh trên hết muôn loài mới có năng lực huy động bấy nhiêu sinh mạng, mới có năng lực hủy diệt bấy nhiêu con người. Vậy loài người đáng tự hào hay là đáng thương?



Dưới ải tiếng la hét chém giết inh ỏi, kỵ binh đông nghìn nghịt tung vó rong ruổi, sử dụng thuật bắn tên trác tuyệt không ngừng bắn lên đầu thành, yểm trợ cho đội bắc thang và chiến xa công thành tiến về phía trước.




Mấy trăm vạn nhân khẩu ở vùng biên giới, còn hơn mười vạn đại quân; lương thảo chiến mã sử dụng càng lớn hơn nữa. Thảng như chiến sự kéo dài, nếu không có đồn điền quân binh mà chỉ dựa vào quân nhu lương thảo của triều đình, e rằng triều đình sẽ gánh không nổi, quân dân cũng sẽ bị đói. Đó là chuyện lớn!



Dương Nhất Thanh thân là Tam quan tổng chế, không chỉ phụ trách chiến sự, mà còn phải phụ trách công việc có liên quan đến quân chính, đồn điền. Mỗi năm đồn điền quân binh có thể giải quyết được một số lượng khẩu phần khá lớn, tầm quan trọng của nó không kém gì tác chiến.



Dương Nhất Thanh nói đến đây thì không nén được thở dài. Hắn là Tam quan tổng chế, binh mã dưới tay là do binh lính từ các trấn Đại Đồng, Thái Nguyên và Tuyên Phủ tập hợp mà thành, những kiêu binh mãnh tướng lâu năm trấn thủ biên thùy nào có dễ nghe lời.



Mấy năm trước Tổng binh Đại Đồng ngược đãi sĩ tốt, đám quân binh đánh trận không sợ chết này nào biết kính sợ quyền uy là gì, bèn nổi loạn làm thịt luôn gã Tổng binh, gây loạn một hồi. Triều đình muốn bắt kẻ đầu têu gây rối nhưng cũng không thể lần ra.



Tuy Dương Nhất Thanh xuất thân từ quan văn nhưng đã gia nhập quân đội từ lâu nên biết rõ quân đội là một tổ chức tương đối độc lập. Trong quân đội coi trọng nhất là uy danh, lai lịch, địa vị, hoặc là chiến công to lớn, hoặc là sự từng trải đủ lâu; nói chung là phải trấn áp được tình hình, bằng không sẽ rất khó điều khiển quân đội hay bố trí công thủ theo ý muốn.



Dẫn lính, cầm binh, điều khiển, tác chiến đều chú trọng đến quan hệ, tín nhiệm và ủng hộ của tướng sĩ, nếu chỉ dùng hình phạt nghiêm khắc sẽ không thể trấn áp được đám người lăn lộn trong đống xác chết này. Nếu không có cơm ăn, đó thực sẽ là chuyện lớn.



Cuộc chiến lần này đã kéo dài quá lâu. Tuy rằng Bá Nhan bị tổn thương lớn hơn, nhưng chẳng lẽ tiền bạc và lương thực mà Đại Minh đã tiêu hao mất lại không phải là vấn đề lớn?



Dương Nhất Thanh khẽ thở dài, nói tiếp:



- Nơi đây núi nhiều đất ít, ruộng đất cằn cỗi, nếu gặp thêm nạn hạn hán hay nạn châu chấu, thu hoạch mùa màng sẽ giảm súc nghiêm trọng. Tam quan có đông quân dân, nhiều chiến mã súc vật như vậy, một khi thiếu lương thực thì lòng quân lẫn lòng dân đều sẽ không yên. Bản quan đang cân nhắc sang xuân mất mùa sẽ cho quan binh bổ núi khai khẩn thêm ít ruộng núi. Có điều là... chút muối bỏ bể, có còn hơn không mà thôi.



Chợt máy động trong lòng, Dương Lăng liền mừng rỡ nói:



- Nếu như những mảnh đất cằn cỗi này khó xơi như gân gà, không ảnh hưởng mấy đến việc chuẩn bị lương thực thì bản quan có vài giống cây trồng cho sản lượng rất cao, không biết Dương tổng chế có bằng lòng cho trồng thử không? Trước hết sẽ cho trồng thử trong quân điền, năm sau nếu được mùa, sẽ tặng giống ấy cho trăm họ, tam quan cũng có thể trở thành kho lương của Tây Bắc vậy.



Dương Nhất Thanh ra vẻ xúc động, vội hỏi:



- Có giống cây trồng như thế ư?



Dương Lăng gật đầu đáp:



- Phải! Bản khâm sai có thể đảm bảo mấy giống cây trồng khoai lang, khoai tây, ngô từ Tây dương mà bản quan tiến cử. Hiện tại lúa mạch trồng trên một mẫu đất cằn đất cỗi, cho dù ông trời nể mặt giúp cho mưa thuận gió hoà thì cố lắm cũng chỉ có sản lượng từ ba đến năm trăm cân là cùng, còn loại khoai lang này có thể đạt đến ba nghìn cân trở lên. Tuy chỉ là ít lương thực phụ, nhưng là thứ cây trồng rất tốt để lót dạ lót dày, lại không tranh ruộng tốt với lúa mì lúa mạch. Dương tổng chế thấy thế nào?



Dương Nhất Thanh nghe xong thì kinh ngạc vô cùng, vội đáp:



- Một mẫu cho ba nghìn cân? Thực không dám nghĩ, thực không dám mơ! Ở cái địa phương này, nếu không tranh ruộng tốt, không phải để ý sắc mặt ông trời, một mẫu cho được nghìn cân đã đủ khiến bản quan cảm ơn trời đất rồi. Còn về phần lương thực phụ, bà mẹ nó chứ, người đói còn gặm cả rễ cây, ai còn đi so đo mấy thứ đó?



Dương Lăng nghe vị danh tướng có xuất thân tiến sĩ này thốt ra một câu thô tục như vậy thì không khỏi bật cười. Lúc này ba người đã đi đến cạnh thành lầu phía trên cửa quan của bảo Trấn Khương, Dương Nhất Thanh dừng bước cười nói:



- Nơi đây rất đơn sơ nhưng dẫu sao cũng có thể che chắn gió tuyết. Xin mời hai vị khâm sai vào!



Dương Lăng cười nói:



- Tổng chế đại nhân khách sáo rồi.



Đoạn y quay đầu lại ra lệnh cho hai trăm thân quân thị vệ:



- Các ngươi không cần phải chờ ở đây, cứ xuống quan ải giúp đỡ quân thủ vệ mang gạo mì thịt để ăn... ăn... ăn...



Lúc y xoay lại, một bóng người đứng sau đám đông chợt vội vã nấp vào sau lưng mấy tay thị vệ. Có điều người này y quá quen thuộc đi, nên y chỉ mới liếc sơ qua liền khiếp đảm đến trợn tròn hai mắt, thiếu chút nữa thì lòi cả tròng.



Vẻ kỳ lạ của Dương Lăng khiến toàn bộ sĩ tốt đều quay đầu lại nhìn, trên cổng thành nhất thời lặng ngắt như tờ. Tay "tiểu hiệu úy" đó đứng nấp sau lưng một thị vệ cao to một chốc, rồi lại rì rì lấp ló đi ra.



Dương Nhất Thanh và Trương Vĩnh vừa trông thấy, sắc mặt cũng lập tức trắng bệch. Ba người cùng trố mắt nhìn hắn, nhất thời không dám tin vào mắt mình. Theo ánh mắt của ba vị đại nhân, đám thị vệ liền dạt sang hai bên, dẹp đường cho viên tiểu hiệu úy khôi ngô tuấn tú nọ.



Tuy Chính Đức đi đến đâu là vạn cặp mắt đều dồn về phía đó, nhưng chưa từng có nhiều người dám trợn tròn mắt nhìn hắn chằm chằm như vậy, khiến hắn cũng cảm thấy không thoải mái.



Chính Đức ngại ngùng cười vẻ xấu hổ với ba người, rồi chậm rãi bước tới, lúng ta lúng túng như một đại cô nương, tướng đi hệt như một con búp bê rối.



(



Chú thích:



1) còn được gọi là "khống quân đài", dùng để quan sát, bắn ngang, phối hợp tác chiến, đề phòng quân giặc xuất hiện nơi điểm mù, lại có thể quan sát sự biến hoá của địch tình mà mau chóng áp dụng lấy biện pháp ứng biến phù hợp. Xem hình (http://img.niwota.com/album/images/2...5/56851318.jpg)



(2) nguyên văn là "minh", trỏ nhóm các bộ lạc Mông Cổ gộp lại thành một liên minh, tạm dịch chung là "nhóm bộ lạc".



(3) lầu quan sát trên thành