Ngược Về Thời Minh

Chương 225 : Hoàng hậu ghen ghét

Ngày đăng: 13:23 30/04/20


Tuy công chúa Vĩnh Thuần còn non trẻ nhưng cũng biết rằng với danh phận của mình, nàng rất khó có thể được rời cung. Cho dù là dịp đại lễ xuân canh hoặc dịp đạp thanh (du xuân giữa tiết Thanh minh) trong lâm viên hoàng gia, lúc nào cả hai cũng có một đoàn tiền hô hậu ủng rầm rộ, trên thì có Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và Hoàng hậu, dưới thì có phi tần, quý phụ. Cô nàng công chúa bé tí phải chịu biết bao ước thúc thì nào còn hứng thú gì?



Nàng không ngờ mình chỉ thuận miệng nói bừa, Dương Lăng đã lập tức chấp nhận ngay. Thế là sau thoáng ngẩn người, nàng liền mừng rỡ khôn thôi, vội nói:



- Đại trượng phu nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy! Ngươi đường đường là Uy Vũ hầu Thượng tướng quân thì không được nói gạt đâu nhé!



Công chúa Vĩnh Phúc hơi thấy bất an, vội cản:



- Không được Thái hậu ân chuẩn và phủ Nội vụ đi theo thì sao công chúa có thể rời cung du ngoạn? Vĩnh Thuần chỉ thuận miệng nói chơi, Dương đại nhân chớ xem là thật.



Dương Lăng quay về phía nàng đáp:



- Bên trong cấm cung cũng có chốn bồng lai, nhưng ngoài cung lại là một thế giớ vi diệu khác, hai vị công chúa cùng bầu bạn Hoàng thượng ra ngoài dạo chơi thì cũng không tính là trái với lễ chế. Thần không dám làm xằng, thần sẽ tìm cơ hội dâng lời lên Hoàng thượng, xin Hoàng thượng hạ chỉ. Đa tạ trưởng công chúa điện hạ quan tâm.



Mặt ngọc thẹn thùng, công chúa Vĩnh Phúc khẽ phẩt tay áo lên che mặt:



- Nếu vậy xin đa tạ Dương đại nhân! Bản công chúa sẽ cùng Vĩnh Thuần vào điện trước, xin đại nhân đợi một chút hẵng vào.



Đoạn nàng gọi Vĩnh Thuần, hai chị em cùng nhẹ nhàng lướt vào cung Nhân Thọ như đôi bướm trắng xinh đẹp.



Bên trong cung Nhân Thọ, trên ba chiếc ghế phượng gỗ tử đàn đặt sau chiếc bàn trà làm bằng gỗ lim thiên nhiên, Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và đương kim Hạ hoàng hậu đang ngồi theo thứ bậc trò chuyện với nhau. Trông thấy hai chị em công chúa Vĩnh Phúc bước vào, Thái hoàng thái hậu mỉm cười hiền hậu bảo:



- Hai đứa này! Sao lại mặc đồ như vậy mà chạy đến chỗ ai gia?



Công chúa Vĩnh Phúc dắt tay Vĩnh Thuần chỉnh trang làm lễ, rồi cười thưa:



- Ra mắt Thái hoàng thái hậu, Thái hậu và hoàng hậu nương nương! Vĩnh Phúc và hoàng muội đang đá cầu, nghe nói hoàng huynh đang phong thưởng quần thần trên triều, nhất thời hiếu kỳ bèn đến chỗ nội thị hỏi thăm tin tức, cho nên chưa kịp thay đổi y phục.



Trương thái hậu nghe vậy lấy làm tò mò, bèn hỏi:



- Hoàng huynh con đang phong thưởng quần thần à? Bởi cớ gì?



Công chúa Vĩnh Phúc thung dung đáp:



- Hoàng huynh cải trang tuần du Đại Đồng, đánh bại Bá Nhan Khả Hãn, lập được chiến công hiển hách, vì vậy việc đầu tiên người làm sau khi hồi kinh là phong thưởng cho những quần thần có công. Nghe nói đề đốc Dương Lăng của Nội xưởng độc chiếm công đầu, đã tấn tước Uy Vũ hầu, được phong làm Hữu Trụ Quốc Long Hổ thượng tướng quân đó.



Thái hoàng thái hậu vừa nghe xong, sắc mặt tức thì hiện vẻ khác thường. Năm xưa bà cũng là một cô nương bướng bỉnh cố chấp. Vạn quý phi vì được độc sủng trong Nội cung mà kiêu ngạo càn quấy, bà với cương vị là chủ nhân của lục điện từng vung gậy quở trách Vạn quý phi nhằm răn đe hậu cung, nào ngờ khiến hoàng đế Hiến Tông nổi giận, đày bà vào lãnh cung giam cầm nhiều năm. Nếu không phải nhờ bà nuôi dưỡng tiểu hoàng tử mà sau này chính là hoàng đế Hoằng Trị do cung nữ Kỷ thị sinh ra, thì làm sao có ngày được vinh diệu làm Thái hoàng thái hậu tôn quý như hôm nay?



Vết xe xưa còn đó, nay Chính Đức đã tin yêu Dương Lăng như vậy, chốc nữa mình sẽ phải cân nhắc lời lẽ thật cẩn thận một phen rồi.



Trương thái hậu thì chỉ hừ nhẹ một tiếng, mắng:



- Hoang đường!



Tuy thế, mặt ngọc vẫn điềm tĩnh, không nhìn ra được vẻ hỉ nộ.




Rồi hắn vứt tấu chương về chỗ cũ, bảo Lưu Cẩn:



- Trẫm lười xem, cũng lười đi giải thích. Nếu trẫm tiếp tục phê duyệt, bọn chúng sẽ vẫn có thể lục lọi ra một đống lý lẽ để tiếp tục dâng tấu can gián trẫm nữa mà thôi. Ngươi cầm lấy, giữ lại hết không phát ra! Sáng sớm ngày mai phỏng chừng sẽ có số tấu chương gấp mười lần thế này đệ trình lên. Hễ là tấu chương nói về phong thưởng cho bầy tôi có công hôm nay thì không cần mang đến, cứ giữ lại hết không phát ra.



Lưu Cẩn vâng dạ. Chính Đức nhảy tót qua thư án, hỏi Dương Lăng:



- Dương khanh, vừa vào kinh thì trẫm và Đường cô nương đã tách biệt, nàng có hỏi gì đến ta không?



Dương Lăng hơi ngẩn người, thoáng do dự. Chính Đức thấy vậy, chau mày thất vọng:



- Đường cô nương quên ta rồi! Có lẽ nàng ấy vốn không thèm để mắt đến một tiểu hiệu úy nho nhỏ như ta? Ôi, cả ngày nay trẫm đều tưởng nhớ đến nàng đó.



Dương Lăng bật cười đáp:



- Hôm qua mới chia tay, con bé lại nghĩ rằng Hoàng thượng là thị vệ trong quân, không thể theo thần về phủ. Cho dù con bé có nhớ thì cũng đâu thể nào hỏi thăm mau như vậy?



Chính Đức nghe vậy thì giãn mày:



- Khanh nói phải! Trẫm nóng vội rồi!



Dương Lăng nói tiếp:



- Nhưng mà... Hoàng thượng định tiếp tục che giấu trong bao lâu? Nay đã không giống như lúc ở trong quân, Hoàng thượng cứ muốn che giấu nhân thân… quả thực quá khó.



Chính Đức nhíu mày đáp:



- Có thể che giấu được lâu chừng nào thì tốt chừng nấy. Trẫm thật sự yêu thích nàng ấy nhưng không muốn lấy cương vị Hoàng đế mà tuyên triệu nàng vào cung. Trẫm muốn Nhất Tiên cũng thích trẫm thì mới được.



Dương khanh, hiện tại trẫm ở trong cung, không tiện gặp mặt Đường cô nương, mấy ngày nay trẫm đang thu xếp để dọn đến Báo phòng. Khanh về nói rằng trẫm là đại nội thị vệ, hiện đã đến Báo phòng túc trực, đợi khi trẫm dọn đến Báo phòng rồi sẽ đi gặp nàng ấy.



Vua tôi chuyện trò thêm một lúc, Dương Lăng mới xin phép rời cung. Đi chưa được bao xa, y chợt nghe sau lưng có người gọi giật. Dương Lăng ngoái đầu lại nhìn, thấy Lưu Cẩn đang ôm chồng tấu chương rảo bước đi theo.



Dương Lăng dừng bước. Lưu Cẩn chạy tới xởi lởi:



- Dương đại nhân! Hôm nay ngài thăng quan tấn tước, ta còn chưa kịp chúc mừng đại nhân.



Tuy lão vẫn tươi cười nhiệt thành như trước, nhưng trong ngữ khí lại không giấu được sự đố kị.



Dương Lăng mỉm cười lãnh đạm, chợt cảm thấy đôi bên ngăn cách quá xa. Trước kia tuy y biết được “thanh danh” của Lưu Cẩn trong lịch sử, nhưng y thường vô thức xem nhẹ việc đó mà vẫn coi Lưu Cẩn như một người bình thường, như một người bạn, khi gặp mặt nhau đôi bên đều có chút cảm giác thân thiết. Thế nhưng bây giờ...



Không muốn bị Lưu Cẩn thấy mình đã phát hiện ra ý đồ của lão, y bèn mỉm cười đáp:



- Bản quan đi theo Hoàng thượng lẻn đến Đại Đồng, việc trong kinh phần nhiều đều nhờ Lưu công công thu xếp chu toàn, an bài ổn thoả, mới không xảy ra hỗn loạn. Có được công trạng hôm nay đều may nhờ Lưu công công cả! Đêm nay bản quan sẽ thết tiệc ở "Tường Vân lâu" chiêu đãi hảo hữu, nhất định Lưu công công phải đến dự để bản quan nâng chén cảm tạ đấy!