Ngược Về Thời Minh

Chương 231 : Minh tranh

Ngày đăng: 13:24 30/04/20


Đã có tin tức chuẩn xác của Thành Khởi Vận rồi, Dương Lăng lập tức hành động ngay.



Thực ra những điều lợi hại được mất của việc giải trừ lệnh cấm biển y sớm đã cùng với đại học sỹ Lý Đông Dương thảo luận tường tận rồi. Từ sau khi hiểu ý đồ thật sự của bá quan khi phản đối giải trừ lệnh cấm, y cũng biết các quan viên phản đối chẳng phải là vì tầm mắt của bọn họ hạn hẹp. Có lẽ bọn họ không nhìn thấy ý nghĩa sâu xa của việc giải trừ lệnh cấm đối với sự phát triển của quốc gia trong tương lai, nhưng ít nhất bọn họ cũng biết rằng ngay trước mắt giải trừ lệnh cấm sẽ rất lợi cho triều đình.



Thế nhưng vì lợi ích cá nhân, rất nhiều quan viên bằng lòng với tình trạng hiện nay. Do đó, lý lẽ thì cố nhiên vẫn phải nói ra, nhưng chỉ dựa vào lý lẽ mà muốn bá quan hưởng ứng thì dứt khoát là không thể được. Nhất định phải áp đảo hoàn toàn bọn họ về mặt chính trị khiến bọn họ không thể tìm được bất kỳ cái cớ nào nữa.



Điều Dương Lăng muốn làm là đàng hoàng áp đảo tất cả các quan viên trên triều đường, chỉ có như vậy thì chính sách này mới có thể thực thi tốt đẹp.



***



Lúc này Đường Nhất Tiên vừa mới từ trong căn phòng tắm được dẫn nước từ suối nước nóng thiên nhiên trong ngôi lầu nhỏ đi ra. Do vừa tắm xong, khuôn mặt kiều diễm của nàng được nước nóng xông đỏ bừng. Nàng mặc một chiếc áo ngắn màu trắng bên trong, bên ngoài khoác chiếc áo lụa màu hồng, bên dưới là một chiếc váy dài có tua, mái tóc còn ươn ướt, xinh đẹp tự nhiên.



Chính Đức thấy vậy đôi mắt không khỏi sáng bừng, buột miệng khen:



- Đẹp quá…



Đường Nhất Tiên trừng mắt nhìn hắn, giận trách:



- Không được nói vậy!



Chính Đức hỏi:



- Khen một tiếng cũng không được sao?



Tròng mắt Đường Nhất Tiên xoay chuyển, nàng đáp:



- Không phải ngươi từng khoác lác rằng mình văn võ song toàn hay sao? Vậy hãy làm một bài thơ ca ngợi suối nước nóng ở Kế Châu này đi xem nào, bản cô nương rửa tai lắng nghe. Nhớ đấy, không được đọc mấy câu nhàm chán kiểu như “ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi” (Câu thơ trong bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, tả về suối nước nóng - ND)!



Chính Đức nghe vậy thì như vâng thánh chỉ, chau mày nghiêm túc suy nghĩ hồi lâu, sau đó đọc:



- Thương hải long đông dã dị thường, băng trì hà tự noãn như thang? Dong dong nhất mạch lưu kim cổ, bất vi nhân gian tẩy lãnh tràng.



(Bài thơ miêu tả về suối nước nóng Tiểu Thang Sơn ở Kế Châu của Chu Hậu Chiếu, sử sách có lưu lại. Đại ý: Mùa đông ở vùng biển cũng thật lạ, một ao nước nhỏ sao mà lại ấm áp như thế? Một dòng dìu dịu chảy từ cổ đến kim, nhưng lại chẳng tẩy rửa cho cái lòng dạ lạnh băng của người đời - ND)



Đường Nhất Tiên mở to mắt ngạc nhiên nhìn hắn, một hồi lâu chợt “khúc khích” bật cười, khen ngợi:



- Không ngờ, thật sự là rất bất ngờ đấy! Ngươi tuổi còn nhỏ, lại chỉ là một thị vệ nhỏ nhoi, làm thơ không ngờ cũng… cũng tràn đầy khí thế như vậy.



Chính Đức được khen, lập tức mừng rỡ ra mặt. Lúc này Vĩnh Thuần công chúa dẫn theo hai cung nữ tâm phúc hào hứng đi vào, vừa vào phòng liền bảo ngay:



- Đường cô nương đã tắm rửa thay quần áo xong chưa? Tốt quá rồi, đến đây nào, bốn người chúng ta chơi bài giấy. Ta còn mang tới rượu nho ướp lạnh, ai thua sẽ bị phạt uống một chén.




Những người này đều là đại thần có quan hệ mật thiết với một số đại gia tộc hào phú vùng duyên hải, Cẩm Y Vệ đã tra được việc gia tộc của bọn họ đều buôn lậu đường biển để mưu lợi lớn, rồi lấy đó mà uy hiếp. Lại có Nội xưởng đứng ra đảm bảo chỉ cần bọn họ đồng ý việc giải trừ lệnh cấm biển thì sẽ để gia tộc của bọn họ chuyển từ tối sang sáng, đường đường chính chính tham gia buôn bán đường biển, nhận lấy một phần lợi lộc. Bọn họ đã bị người ta nắm thóp rồi, đâu còn con đường nào khác để đi, chỉ đành phải đứng về phía Dương Lăng làm những viên lính tiên phong.



Chính Đức không để tâm tới, phê cho chuyển vào nội các. Chuyện này còn chưa thu hút được sự chú ý của phần lớn quan viên, việc mà bọn họ đang hứng thú vẫn là can gián. Chỉ có điều trong nội dung lại có thêm một tội trạng, đó là Dương Lăng vượt lễ, chưa được hậu cung cho phép mà đã tự tiện đưa công chúa rời cung, còn tùy ý mang dân nữ vào ở trong hành cung. Nhưng Dương Lăng lại cảm thấy hơi kỳ lạ: hậu cung chẳng hề có chút động tĩnh nào; chẳng ngờ Thái hậu và Hoàng hậu nương nương lại không đến gây phiền phức cho y.



Ngày thứ hai, tổng cộng mười một người bao gồm Giám sát ngự sử của Giang Nam, Quảng Tây, Thị giảng học sỹ của Hàn Lâm Viện, Tả xuân phường của Chiêm Sự Phủ, đồng loạt tán thành việc giải trừ lệnh cấm biển, xin Hoàng thượng đưa lên triều đường để xem xét. Đến lúc này thì sự việc đã thu hút được sự chú ý của các quan viên, nhưng đã không còn kịp nữa rồi. Chính Đức hoàn toàn không cho bọn họ có cơ hội liên lạc với nhau cùng bàn đối sách, sáng sớm hôm sau đã mở một buổi triều hội lớn, tập hợp hết bá quan văn võ toàn triều thương nghị việc này.



Hôm ấy, tám nhân vật nắm thực quyền như Thượng thư bộ Lễ Vương Hoa, Hữu đô ngự sử Lưu Vũ, Thị lang bộ Binh Tào Nguyên, Thị lang bộ Lại Trương Thải lần lượt dâng sớ trên Kim Điện tỏ ý ủng hộ việc giải trừ lệnh cấm biển. Thực là sét đánh không kịp bưng tai, động tác mau lẹ ấy thoáng chốc đã khiến cho quần thần ngây người. Đặc biệt là khi Hoàng đế trưng cầu ý kiến của ba vị Đại học sỹ Nội Các thì Lý Đông Dương và Tiêu Phương đều tỏ ý tán thành, Dương Đình Hòa cũng không phản đối. Việc này lập tức lôi kéo được một bộ phận quan viên vốn giữ thái độ trung lập trong triều, bọn họ cũng đều nhao nhao lên tiếng ủng hộ việc giải trừ lệnh cấm.



Trong tình huống như vậy, Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hình vừa mới nhậm chức, căn cơ còn nông, căn bản không dám tỏ rõ thái độ. Lưu Đại Hạ tức giận vô cùng. Ngay sau khi Dương Lăng nắm quyền đốc sát các quan và quyền tài vụ rồi lại nắm thêm cả binh quyền, ông đã cảm thấy cực kỳ không ổn. Dương Lăng vốn qua lại cực kỳ mật thiết với Nội Đình, lại có thêm quyền lực lớn như thế, đã xuất hiện tình trạng đuôi to khó vẫy, một khi y có ý phản thì chỉ e khó mà thu thập được. Nếu nay mà giải trừ lệnh cấm biển, phỏng theo chế độ của Trịnh Hòa năm xưa để Nội Đình chưởng quản thủy quân và việc vận chuyển thương mại, thiên hạ há chẳng phải đều rơi cả vào tay lũ hoạn quan gian xảo hay sao?



Do đó mấy người Lưu Đại Hạ và Mã Văn Thăng liền lập hợp các vị lão thần cực lực phản đối. Hai bên tranh biện với nhau từ việc tiêu diệt giặc Oa cho tới buôn bán thu lợi, từ việc xây dựng thủy quân cho tới gánh nặng quốc khố, ảnh hưởng nông nghiệp, thực là kịch liệt vô cùng, còn không ngừng bêu xấu lẫn nhau. Đâu ngờ bên thỉnh cầu giải trừ lệnh cấm biển dường như sớm có chuẩn bị, mỗi khi nhắc tới một vấn đề nào, bọn họ đều lập tức đưa ra số liệu và kế hoạch tường tận để phản bác.



Hoàng đế Chính Đức ngồi trên ngai vàng nhìn quần thần như đám gà trống chọi nhau, trong lòng thực là sảng khoái vô cùng. Trước giờ Chính Đức hắn ta luôn là đối tượng bị bá quan trách cứ, hiếm hoi lắm mới có một lần được làm trọng tài như hôm nay. Hắn thực chỉ mong có thêm được mấy cuộc tranh biện trên triều đường như thế này nữa mới thú.



Lão thần Dương Thủ Tùy thấy đối phương thế công mãnh liệt, mà các vị lão thần rất có uy vọng như Hàn Văn hiện giờ đều không ở trong kinh, mới hay Hoàng đế Chính Đức đã sớm thu xếp sẵn: trong lúc vui thú hoang đàng hắn cũng đã ngầm điều các lực lượng chủ yếu phản đối việc giải trừ lệnh cấm biển rời khỏi kinh thành.



Giờ đây chỉ còn lại mấy người Lưu Đại Hạ, Mã Văn Thăng, chẳng qua là làm bộ cho có, chỉ e nếu cứ tiếp tục thế này, bọn họ sẽ trở thành vật hy sinh cho buổi tranh biện hôm nay. Nếu hai người này mà bị miễn chức, đợi đến khi mấy người Hàn Văn trở về triều thì vẫn là thế đơn lực bạc, khó còn sức để trở mình.



Dương Thủ Tùy bỗng nảy ra một ý tưởng. Lão bước lên trước một bước tâu với Hoàng đế Chính Đức:



- Hoàng thượng! Đại Minh ta là thiên triều thượng quốc, chính là trung tâm của tứ hải, các tiểu quốc phiên di thông thương với Đại Minh cũng như là Đại Minh ta ban ơn cho thiên hạ, vốn không có gì là không được. Còn về việc giặc Oa hoành hành, vừa rồi mấy người Lưu đại nhân Lưu Vũ đã đưa ra các chính sách như xây dựng thủy quân, đồng thời tiễu trừ và vỗ về, lấy cái lợi mà dẫn dắt, thần thấy cũng hoàn toàn có thể thực thi. Thế nhưng nếu Đại Minh thông thương bình đẳng với các nước phiên di đó, thực là trái với tổ chế “triều cống” của Đại Minh, như thế há chẳng phải là đặt đám man di phiên bang ấy vào địa vị ngang bằng với Đại Minh sao?



Quốc vương Nhật Bản kiêu căng ngạo mạn, đã nhiều năm không chịu nhận mình là phiên thuộc của Đại Minh, Đại Minh há lại có thể tự hạ mình? Phải biết rằng một khi giải trừ lệnh cấm, Nhật Bản ở gần nhất, sự thông thương giữa hai bên khó mà khống chế được, hơn nữa người Oa giảo hoạt, cũng có thể mạo xưng là thương nhân nước khác. Do đó thần cho rằng, nếu nước Nhật Bản không xưng thần triều cống, Đại Minh ta quyết không thể giải trừ lệnh cấm biển!



Biện pháp của Dương Thủ Tùy quả thực rất hay, có tổ chế này thì dù Chính Đức có bừa bãi hơn nữa cũng không tiện công khai làm trái. Chẳng lẽ hắn thân là thiên tử mà lại dám tự hạ danh phận, đi đặt mình vào địa vị bình đẳng với đám người lùn kia sao? Đưa ra lá cờ lớn này, quần thần lại càng không dám có điều dị nghị về di chế của tiên đế.



Người Oa vốn cuồng vọng, từ Túc Lợi (Người đứng đầu Nhật Bản khi ấy - ND) trở xuống đã rất lâu rồi không chịu xưng thần với Đại Minh, vấn đề này mà không được giải quyết, buổi tranh biện hôm nay coi như có thể dừng ở đây. Cho dù có thêm biến số gì nữa, lúc đó các vị Hàn Văn sớm đã hay tin mà trở về kinh sư rồi, chẳng lẽ còn không thể nghĩ ra đối sách để ngăn cản trò hề này sao?



Mấy người Mã Văn Thăng nghe vậy liền cảm thấy trong đầu bừng sáng. Vừa rồi chỉ để ý so đo từng chút với Lưu Vũ, Trương Thải, giờ đây có chiêu bài lợi hại này rồi, bọn họ còn có thể tìm ra cái cớ gì hay hơn nữa chứ? Lưu Đại Hạ lập tức cất tiếng vang như tiếng sấm tâu với Chính Đức:



- Hoàng thượng! Lời của Dương đại nhân rất có lý, giải trừ lệnh cấm thông thương tuy rằng có lợi, nhưng cái hại cũng khó mà trừ. Chuyện này có liên quan đến sự tôn nghiêm của Đại Minh, thực vô cùng quan trọng, Thiên tử há có thể vì chút lợi nhỏ mà đặt mình vào chỗ bất nghĩa ư?



Mấy người Mã Văn Thăng, Dương Phương vội vàng cất tiếng phụ họa, những quan viên ủng hộ việc giải trừ lệnh cấm thanh thế giảm hẳn, ý chí suy sụp. Chính Đức đang chống cằm nhìn thích thú, nghe xong mấy lời này liền uể oải ngồi thẳng người dậy, cười hì hì hỏi:



- Ồ? Vậy theo lời các vị ái khanh, trở ngại lớn nhất của việc giải trừ lệnh cấm thông thương chính là sự tôn nghiêm của Đại Minh ta sao? Nếu Oa quốc không chịu xưng thần thì sẽ không thể khai mở cảng khẩu thông thương, còn ngược lại thì sẽ có thể thương lượng tiếp rồi, đúng vậy chăng?



Lưu Đại Hạ trịnh trọng gật đầu, hai mắt mở tròn xoe đáp:



- Muôn tâu, chính phải!